Chỉ mục bài viết |
---|
Pháo Thuyền Trên Dòng Yang-Tsé |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Chưa có bao giờ tôi hạnh phúc như vậy. Hạnh phúc được làm một người đàn bà bình thường, có cuộc sống lứa đôi, thứ hạnh phúc mà tôi tưởng đã mất từ sau tai nạn. Toàn đã chịu khó đến trường mù, chịu khó lãnh hàng từ trường tật nguyền về ráp nối ở nhà kiếm thêm tiền phụ tôi. Những đồng tiền rẻ mạt nhưng lại là niềm vui của chúng tôi. Toàn vui vì thấy hữu ích. Tôi vui vì Toàn đã bớt bất bình thường, chăm chỉ tập luyện vĩ cầm, gắng sức học tiếng Pháp với mặt chữ nổi. Toàn bỏ hút thuốc lá, bỏ uống rượu. Tôi cảm động vì thấy Toàn cố gắng trở thành một người chồng gương mẫu. Nhiều lúc Toàn ngượng ngập một cách trẻ con, cố ý phát âm chữ “Chị” thành “Chi”.
- Chi còn yêu Toàn không ?
- Còn, với một điều kiện phải gọi bằng chị.
- Sao không cho Toàn gọi bằng tên ?
- Chị yêu Toàn, và muốn được mãi mãi làm chị của Toàn, Toàn hiểu không ?
Toàn gật đầu, yên lặng để cho tôi vuốt ve những sợi tóc lòa xòa trước trán. Cũng có những buổi tối, sáng trăng, tôi và Toàn đi dạo bên ngoài. Mỗi khi ra đường, tôi luôn cố gắng ăn vận, trang điểm sao cho Toàn biết rằng tôi làm đẹp vì Toàn, để Toàn được hãnh diện đi bên tôi. Toàn rất nhạy cảm, đứng chờ tôi thay quần áo, rồi với vẻ trịnh trọng khen tôi đẹp với dáng vẻ say mê ngắm nghía. Những lúc ấy Toàn thật tội nghiệp, khi đưa ngón tay mơn qua môi tôi để đoán màu son, khi rờ nắn lớp vải để đoán kiểu áo.
- Ðêm nay chị đẹp lắm, Toàn rất hài lòng.
Tôi muốn khóc khi đó, nhưng đè nén được cảm xúc, giữ cho buổi tối được trọn vẹn, thắt lại cà vạt cho Toàn, rồi hai chúng tôi bát phố. Thường thường Toàn nắm tay tôi cho vào túi áo dạ của Toàn, chúng tôi chọn những con đường thật vắng, ít người qua lại, để Toàn không phải nghe những lời xầm xì hay tiếng kêu sợ hãi của các đứa bé đi ngang. Chúng tôi có một quán ăn quen, gần nhà, tôi và Toàn chỉ dám đi ăn tối thứ hai là tối thưa khách nhất. Người chủ quán dành cho chúng tôi một bàn ăn khuất trong góc, có cắm đèn cầy và một bông hồng.
- Chị đừng kêu những món đắt tiền, Toàn chỉ muốn ngồi đây với chị, thức ăn không quan trọng đâu.
Tôi và Toàn dùng bữa dưới ánh bạch lạp êm đềm, có nụ hồng nở dịu dàng và những chăm sóc ân cần của người chủ quán già.
- Ông bà dùng bữa có ngon miệng ?
- Vâng, tốt lắm.
Toàn mạnh dạn trả lời thay tôi. Nét mặt rạng rỡ, sung sướng. Suốt bữa ăn đôi chân chúng tôi quấn lấy nhau, không rời.
Rồi mùa đông đi qua trong tình yêu lén lút của hai chúng tôi. Mùa xuân đến làm nẩy chồi những nụ non trên thân cây lật trước đường. Những cành khẳng khiu tỏa vươn như đôi tay thiếu nữ kết vòng hoa trái. Từng đọt xanh nhú mình tìm sự sống. Tôi đã tưởng, trong nắng sáng dờn dợn, cuộc sống mình tái sinh cùng với thiên nhiên huyền nhiệm đó. Nhưng nào ngờ đột biến vùng thức dậy khi Toàn đòi hỏi tôi một đứa con.
Toàn nói nó chỉ tìm được cuộc sống bình thường nếu được chung sống với tôi như đôi vợ chồng đàng hoàng, sinh con đẻ cái ...
Tôi sợ hãi từ chối. ý tưởng có một đứa con với Toàn như mũi kim khều phọt giọt máu tội lỗi. Nó chọc thủng tấm màn đen đui mù mà tôi che dấu sự loạn luân. Những đứa trẻ kết tinh từ huyết thống loạn luân ít khi bình thường. Tôi nói với Tòan làm sao ăn nói với gia đình, với bố mẹ, với họ hàng ? Không lẽ sống cô lập, trốn tránh gia tộc suốt đời ? Tôi sợ. Run rẩy khi nghe Toàn thì thầm muốn có một đứa bé.
- Ðừng ! Ðừng nghĩ đến chuyện đó, chị sợ lắm !
Tôi hốt hoảng, giọng Toàn rên rỉ khẩn nài, vòng tay ôm mạnh chắc, những ghì xiết ôm tròn xót xa.
- Cho Toàn một đứa bé, một đứa, một đứa thôi. Nó sẽ gọi mình là ba mẹ. Mình sẽ cho nó thật nhiều tình thương.
Toàn van lơn mỗi đêm, thúc hối, ám ảnh, quên mất khía cạnh loạn luân của tình yêu cả hai. Tôi đã phá bỏ lý trí để yêu Toàn, nhưng không đủ can đảm tạo hình ra tội lỗi. Rồi làm sao giải thích cho đứa con vế mối quan hệ bố mẹ nó ?
- Không ! Chị không muốn ! Mình không phải là vợ chồng, hiểu cho chị, cho chị... Tôi khóc khi Toàn hôn vùi vào cổ.
- Nhưng Toàn muốn ! Toàn muốn !
Toàn hất đầu, hất đầu, những cái hất đầu ích kỷ, những giọt nước mắt của tôi mặn đắng và không lối thoát.
- Thương giùm chị, giùm chị ...
Nhưng Toàn không hiểu, không xem đó là lời năn nỉ của người chị đã đến ranh giới chót của tình thương em. Toàn cho đó là sự chống đối. Bắt đầu từ hôm đó Toàn thay đổi, trở về trạng thái lầm lì, hung bạo trước đây. Toàn biến dạng, từ từ, chậm chạp, đến dần cực điểm của hung dữ, đàn áp, sai khiến. Toàn cấm tôi uống thuốc ngừa thai, lục lọi khám phá từng chỗ dấu thuốc với một ý nghĩ duy nhất là bắt tôi có con. Ban đêm tôi không dám ngủ chung với Toàn. Ban ngày vùi đầu vào máy truyền hình để tránh trò chuyện. Tôi sống trong sự kháng cự, bị rình mò, chờ đợi sự tấn công.
Hôm đó, tôi ngồi trước máy truyền hình xem một cuốn phim quay lại. Những hình ảnh thoáng qua, rời rạc, hiện lên, biến mất. Tiếng vĩ cầm của Toàn đã từ lâu vọng lên trở lại cái điệp khúc chùng nhão, vô hồn, vô tính. Tiếng đàn cuốn từng vòng dây thép gai, xoáy từng chốt đinh ba chấu trong đầu tôi. Thứ âm thanh sắc nhọn, thủy tinh, cứa vào từng thớ thịt trong lúc trên màn ảnh là một chuyện phim đầy biến động. Tôi chỉ nhớ cuốn phim có cái tên lạ là Pháo Thuyền Trên Dòng Yăng-Tsé, có Steve Mc Queen đóng. Chuyện một người thủy thủ phục vụ trên một chiến thuyền Hoa Kỳ nối liền Hàn Châu và Hán Khẩu. Có những xáo trộn tâm tính con người thật dữ dội. Có những phản ứng bản năng bất thường. Tôi chỉ nhớ chừng ấy, còn bao nhiêu hình ảnh khác không phải là của cuốn phim mà là cảnh một bào thai đẻ non đương sinh nở trong lòng người mẹ. Trên màn ảnh tôi thấy một bọc nước vỡ, một cuống nhau lòng thòng, những mũi thuốc giục, những cơn rặn tím bầm thân thể, những tia máu phọt ra theo từng cái quẫy mình. Những tia máu cứ bắn ra, cái đầu hài nhi thậm thụt trồi ra thụt vào. Một kềm gắp, một máy hút, một da con toang hoác ! Và ở giữa cái dạ con toang hoác đỏ lòm đó là cái đầu hài nhi mang khuôn mặt của Steve Mc Queen bậm môi trợn mắt khúc cuối đoạn phim bị bắn té ngồi lảo đảo gượng dậy bò bơi trườn lềnh bềnh trong túi nước. Ánh mắt người lính thủy lạc đi, thất thần khi thấy ở bụng mình một lỗ thủng máu huyết cứ trào ra, trào ra. Tôi nghe được câu nói của người lính sắp chết : mais bon sang! Qu’est ce qui m’est arrivé? J’étais encore chez moi hier! Ðứa trẻ vùng vẫy. Mười ngón tay cào cấu. Mười ngón chân giẫy đạp. Bụng người mẹ rách bươm và tiếng đàn của Toàn cuồng loạn liên tục một điệu chà xát mải miết trên dây thần kinh tôi căng cứng. Ðầu tôi rối chằng với những hình ảnh xếp chồng trong thứ âm thanh ép chặt. Tôi không hiểu nổi câu nói sau cùng của người lính thủy bị bắn trên màn ảnh. Tôi muốn hiểu và muốn trông thấy khuôn mặt thật của hài nhi nhưng tiếng đàn đã đổ ào đứt ngang. Không còn là tiếng đàn nhưng là ly bể chai vỡ, cửa đóng máu ngừng, tim thôi đập phổi trút hơi và dạ con khép chặt. Tòa đến đứng sau lưng im lìm.
- Cho Toàn một đứa bé.
- Không! Chị không thể!
Toàn không nghe tôi nói, hươi chiếc lưỡi lam xanh biếc ngời chiếu lên sát mặt tôi. Rồi Toàn vụt cắt mạnh dây đàn đứt phựt. Một. Toàn gầm gừ rồi hươi tiếp lưỡi lam lên cao trở lại, vung lên múa xuống. Toàn hoa ánh lam xanh ngời như khi múa làn vải đen chấp chới chập chờn rờn rợn. Hình ảnh cái xác rắn chết thõng thượt hôm nào sống dậy, ngoằn ngoèo trườn trườn quấn lấy yết hầu tôi lúc Toàn kề lưỡi lam vào cổ tôi gạch nhẹ. Máu chảy ứa ra bỏng xót. Tôi căng người sợ hãi, hai tay chới với tìm sự chống đỡ.
- Ðừng!
- Chị đâu yêu Toàn ?
- Chị thương Toàn.
- Không đúng! Thương sao không muốn có con với Toàn!
Toàn hét lên và cắt đứt thêm một sợi dây đàn. Hai rồi.
- Không! Ðừng ép chị!
Tôi đẩy Toàn, xô hất bỏ chạy. Toàn rượt theo, tủ sách bàn ăn ghế đẩu đâm sầm vào người tôi ngã xấp té ngữa. Tôi đứng lên, té ngã, chậu cây níu chân, cửa buồng chắn lối, hành lang dài thẳm. Phòng tắm, phòng tắm, chốt khóa, tên bố, tên mẹ, tôi thét gọi với tiếng động của Toàn đập phá.
- Trời ơi! Tha cho chị!
Toàn không nghe, phá cửa, chụp lấy tôi xé áo.
- Ðừng! Buông chị!
Tôi ngã xuống sàn gạch. Toàn ngã đè lên người. Thằng này tật nguyền, lúc điên lúc tỉnh, phải chị sợ vậy không? Phải chị sợ vậy không? Nói! Toàn tát tôi, lột áo, hai bàn tay mạnh bạo, mười ngón tay hung dữ bẻ quặt tay tôi, bắp đùi đè ngang chân, hơi thở, tiếng la, men gạch lát tường, đèn trần, khăn tắm, thân thể trần truồng, nhễ nhại, bả vai, bắp thịt, sức lực, môi cắn, tay cào, móng nhọn, mũi, mắt, ngấn sẹo, tinh trùng, bào thai, đứa bé, tôi hét gọi mẹ bị Toàn bịt miệng.
- Nói yêu Toàn! Nói muốn có con với Toàn! Nói! Nói!
Toàn hãm tôi tàn bạo trên mặt đất. Nói thèm muốn da thịt tôi thơm mát, thèm ngực tôi tròn trịa, đùi tôi tươi trắng, con chúng tôi kháu khỉnh. Toàn nói, nói thật nhiều không ngừng trong lúc tôi giẫy giụa la khóc thét kêu van nài đau đớn.
Tôi nắm trần truồng trên đất. Phòng tắm tan hoang. Thần kinh xơ xác. Tôi nghĩ đến một điều gì đó mà không nghĩ ra. Một vài giọt máu dập ở môi trong mằn mặn. Từ đâu cuốn phim lúc nãy quay lại, chậm chạp mà rõ ràng. Tôi nằm đó xem lại cuộn phim trong trí nhớ. Cảnh người lính thủy xung đột với thủy thủ đoàn, ý niệm danh dự giằng co trong đầu viên thuyền trưởng. Những người Trung hoa quá khích. Những pha bạo động. Người phụ máy bị tra tấn. Người nữ truyền giáo thơ ngây. Viên đạn bắn vào bụng Steve Mc Queen trổ ra sau lưng, câu nói bừng tỉnh trước khi chết. Câu nói? Người thủy thủ nói điều gì tôi không hiểu ? Giống xem phim câm không có tiếng...
Lâu lắm lúc tôi gượng dậy trời vẫn sáng tỏ. Toàn đang ngồi khóc ở bàn ăn. Tiếng khóc thút thít hiền lành. Tiếng khóc của Toàn thời thơ ấu. Cánh cửa sổ mở rộng, không có chút nắng nào. Tôi nhìn bầu trời, màu trời đục lờ lợ. Ðột nhiên tôi nhớ lại tất cả, nhớ từng chi tiết thật kỹ càng. Nhớ từ lúc đặt chân xuống thuyền vượt biên gặp hải tặc cho đến lúc Toàn hãm tôi mới đây. Nhớ cả câu nói của người lính thủy bị bắn. Nhưng mà... Trời ơi! Chuyện gì đã xảy ra? Chúng tôi còn ở Vũng Tàu hôm qua kia mà! Tôi gục xuống, Toàn quay lại mặt đầy thẹo. Vết thẹo. Trời ơi, buổi sáng.