watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
06:39:4426/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Ông Xà Beng
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 2

Ông Xà Beng

Tác giả: Xuân Vũ

Khán giả đến đông nghẹt nhưng ủy ban ra lệnh dẹp hết phông màn buổi diễn kịch của khóa huấn luyện Thanh niên Cứu Quốc Khóa Chiến Thắng để lấy ngôi đình họp phiên tòa khẩn cấp. Chỉ chập sau là các vị quan tòa đã bước lên sân khấu. Trời sụp tối nhanh. Trên bàn giữa, để một chiếc đèn chân gỗ đốt bằng dầu cá. Ba ngọn đèn đỏ chạch như ba miếng giẻ rách te tua bay phất trong gió biển thổi mạnh. Bộ sậu tòa vừa an tọa thì bên dưới khán giả đến xem kịch lại bị bắt xem xử án - xôn xao. Không hiểu đến giờ phút chót "kịch" mới đổi ra "tòa" hay đó là một sự sắp đặt? Vì nếu người dân biết trước thì sẽ đi loe hoe vài người. Ai ở không đi coi xử án? - Như vậy tòa sẽ "diễn" không hứng thú và dân sẽ không có dịp biết oai cách mạng chăng?
Khán giả xoay đầu nhìn về phía căn giữa của ngôi đình rộng lớn nơi các "tội nhân" đang bị dẫn vào. Bốn người đàn ông, hai người đàn bà: hai người đàn ông đi đầu, kế đến, một người đàn bà, hai người đàn ông, lại một người đàn bà. Không hiểu cách mạng khoan hồng và nhân đạo nên để vợ gần chồng trong lúc nguy nan hay họ được xếp theo thứ tự tội nặng đi trước tội nhẹ theo sau, chỉ thấy tất cả đều bị trói thúc ké bằng nhiều loại dây khác nhau: dây dàm trâu, dây nịt da, dây giềng lưới, khăn rằn... Đây là sự thi hành một cách sáng tạo lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch "... ai có súng dùng súng ai có gươm dùng gươm, không có súng gươm thì dùng gậy gộc..." trong lãnh vực bắt trói. Ai quơ được dây nịt thì trói bằng dây nịt, ai chộp được lưới thì xé lấy giềng lưới, ai có khăn rằn thì xài khăn rằn... không có khăn, dây thì dùng áo quần trói cũng được - miễn trói chặt thì thôi..
Trong đám "tội nhân" chỉ đàn bà là đủ quần áo, còn đàn ông thì phơi lưng trần với những vết bầm to nhỏ ngang dọc, mặt mũi không biết có còn nguyên vẹn không vì họ gục đầu, không trông rõ.
Tất cả được xỏ xâu bằng một sợi dây luộc dừa và một người nắm đầu dây dắt đến đây. Người đó là ông Xà Beng.
Vừa trông thấy ông, tiếng xì xào đã nổi lên. Mặt ông đỏ bầm như trái sắn, đầu bịt khấc đầu rìu làm cho tóc ông xửng đứng lên như chiếc nôm dựng ngược. Hai cánh tay ông thòi ra thay cho hai tay áo bành tô đã bị cắt mất, như cặp trăn cuộn mình xâm những hình thù kỳ quái. Từ túi áo trái nhô ra một cái có chai bầu. Nó cũng là một khán giả đi coi hát hụt phải dòm những người đang ngồi trên sân khấu mà tưởng tượng đó là kịch.
Ông Xà Beng làm nhiệm vụ dắt tội nhân vào trình tòa xong thì ngồi phệch xuống gốc cột, móc chai rượu ra ngửa cổ tu một hơi dài, giơ cái chai lên ánh đèn như để xem rượu còn đủ hay không cho ông tẩm gân để hát màn chót mà ông chắc mình sẽ là kép chính. Tự nhiên đám đông vẹt xa ông ra nhường cái gốc cột danh dự cho ông.
Từ lâu chẳng ai còn lạ gì tên Xà Beng. Ông là trưởng ban trừ gian xã. Trước kia ông ở trong một cái thum ngoài rìa chợ dưới một gốc gáo già đứng ở mé sông. Do đó người ta gọi ông là ông Gáo. Ông Gáo sống bằng rác chợ. Đôi khi người ta cũng có thí cho ông một con cá biển ế nhưng chưa thối.
Cách mạng tháng 8 nổ ra. Chánh quyền cướp được. Viên Hội đồng địa hạt ở trong xã bị xử tử tại sân chợ. Người ta trói lão vào cọc bắn rồi đem dập ở sau đình. Hôm sau, thấy ông Hội bò lê trên bãi cỏ. Ủy ban nhân dân khiếp vía. Trưởng ban Công An là Tư Quắn, mặt mũi hì hợm, được coi là hung dữ nhất làng và là kẻ đã bắn ông Hội đồng bằng cây súng bắn chim của chính ông ta. Ủy Ban gọi anh ta đến để "giải quyết" vấn đề, nhưng anh ta nói: "Tiết Cương oan oan tương báo"1 rồi bỏ xứ đi biệt luôn. Do đó, ủy ban mới "tam cố gốc gáo" thỉnh ông Gáo. Ông Gáo nhận công tác nhưng đòi một chai rượu đúng một lít. Ủy Ban cho ông một thùng năm lít lấy của tiệm Chệt. Làm gì lắm thế? Ông Gáo chỉ cần một xị thôi mà. Ông Hội đồng thay vì được hưởng phát súng ân huệ lại bị ông Gáo đập bằng Xà beng. Cây Xà beng một đầu dẹp một đầu tà ông nhặt được của lơ xe hơi bỏ quên ngoài bến xe ven tỉnh lộ. Đầu tà để nện, đầu dẹp để đâm, xeo.
Thấy ông Gáo hoàn thành công tác xuất sắc, ủy ban dùng ông luôn, cho ông nhà cửa, cơm áo, rượu thịt, ngoài ra còn tặng thưởng ông chức trưởng ban trừ gian. Đúng ra là Công An bắt người, người nào đáng tội chết thì giao cho ông. Người nào ông nhận là ông giết, cách nào cũng được, không cần giấy tờ hoặc lệnh lọt của ai cả.
Ông trưởng ban trừ gian chuyên đập đầu người ta bằng xà beng. Trong làng có một chiếc cầu đúc xi măng bắc ngang con rạch chảy qua suốt làng. Ông Gáo đem người lên cầu, kê đầu lên thanh cầu đập bằng xà beng rồi đạp xuống rạch. Đó là những tội nhân tốt phước. Vì người nhà chỉ cần đón ở vàm rạch đổ ra sông cái thì vài ngày sau vớt được. Còn những kẻ bất hạnh ông Gáo chở bằng xuồng ra sông Cái, ghếch đầu lên be xuồng mà đập - cũng bằng xà beng - rồi hất xác xuống sông. Xác trôi mênh mông người nhà không vớt được. Do đó mà Cách mạng có cái danh từ đặc biệt "mò tôm" mà xuất xứ là ông Gáo chăng? Sau cách mạng tôm cá vùng này ế nhệ, không ai mua vì người ta cho là chúng ăn thây ma. Mà thật vậy thây ma sau cách mạng nhiều lắm. Không mấy hôm là nó vắng trôi trên sông.
Một người lạ mặt đến tìm bà con vớ vẩn bị dân quân hỏi giấy - không có - bị xét, thấy trên lai áo có ba lằn chỉ xanh-trắng-đỏ, thế là bị hồ nghi dọ thám cho Pháp (ba lằn chỉ đó là rìa vải của hãng dệt). Một người mặc đồ trắng mang giày Tây quen thói cũ nói chuyện xen mấy tiếng "bông-giua và toa toa moa moa" là bị gán cho tiếng Việt gian, một người đàn bà góa có nhân ngãi, do đó ông trưởng công an ấp không xơ múi được, thế là nhân ngãi bà ta bị bắt không với tội danh cũng không có sự giải thích nào... Tất cả những hạng người kể trên đều được giao cho ông Gáo đưa đi đầu thai bằng xà beng hết cả. Do đó mà có cái tên "ông Xà Beng" và trong xã có câu rủa ác: "Cho xà beng ăn mày đi!" và câu thề độc: "Đứa nào có làm như thế mà chối hoặc đứa nào nói thêm sẽ bị xà-beng ăn!"
Và đó là câu làm cho người trong cuộc sợ hãi nhất. Bởi vì ông Xà Beng ở ngay đó, bởi vì cây xà beng ông lận lưng đó, dưới vạt áo bành tô không tay càng ngày càng thêu thêm những đốm những sọc đỏ sậm, hoặc tươi ướt chồng lên nhau ghi dấu những thành tích của ông. Cái khúc sắt ấy khá nặng nhưng ông giắt lưng như trưởng ban công an giắt súng lục nhờ một sợi dây nịt to bảng của một chú chệt bán thịt heo dùng đựng tiền đã rách vứt đi. Người lối xóm hễ thấy ông đi vô quán đong rượu thì biết tối đó ông có công tác. Cách mạng trả lương cho ông hậu quá, một chai bầu một mạng người, thảo nào ông chả hăng hái? Cái xà beng đã có cô hồn, người ta bảo vậy, nên ông đi đến đâu chó cụp tai lủi trốn, và ban đêm nó rên rỉ như tiếng người vì vậy lối xóm của ông đã dời đi hết. Cũng như xóm nhà ở vùng Cầu Đúc, Tây không ruồng tới nổi mà cũng tản cư sạch láng.
Bộ sậu tòa đã chỉnh đốn tư thế xong, sắp diễn trò. Người đứng bên cực trái của chiếc bàn dài, mặt nhọn như chữ V đứng lên tuyên bố, không thưa hỏi đồng bào để mào đầu gì cả.
"Hôm nay tỉnh bộ Việt Minh đặt ra phiên tòa dân chủ nhân dân này để xét xử sáu tên Hòa Hảo phản động bị bắt ở quận Chợ Lách. Thần phần phiên tòa gồm có ông chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh làm chánh án, ông trưởng ty Công An làm ủy viên Chánh phủ, ông Đoàn trưởng Nông dân cứu quốc làm hội thẩm và tôi làm lục sự. Ngoài ra, còn có hai bà Đoàn trưởng và cán bộ Phụ Nữ Cứu Quốc, ông Đoàn trưởng Thanh Niên Cứu Quốc làm biện hộ luật sư. Vậy mọi người hãy im lặng để phiên tòa bắt đầu."
Thế là phiên tòa bắt đầu, không chào cờ, không hát quốc ca, không cả treo ảnh cụ Hồ để chào - có vẻ hấp tấp như Hòa Hảo Chợ Lách sắp tấn công tới đây vậy.
Ông chủ nhiệm Việt Minh tỉnh gầy nhom, mũi rất to, suýt che bít cả môi trên, còn môi dưới thì xệ và thâm sịt như môi người ghiền á phiện. Ông nói giọng đặc dấu nặng:
"Tội thạy mặt tọa tuyện bộ khại mạc phiện xự sạu tện phạn động."
Bên dưới dân quân xô đẩy xâu tội nhân giàn ra cho ngay ngắn thành một hàng ngang trước mặt tòa. Ông chánh án móc túi lấy một tờ giấy, mở ra. Tiếng giấy khua sột soạt trong không khí im đặc. Ông nghiêng vào ánh đèn xao động vì gió thổi ác liệt. Ông đọc chậm chạp, dừng lại ở từng tên, ngó xuống như để nhận diện và hốt hồn họ - những tội nhân chưa được xét xử nhưng đã bị đối đãi như tử tội. Bằng chứng là tốp dân quân ở sau đình đang hì hục đào lỗ và nói oang oang một cách vui vẻ cố ý cho mọi người nghe rằng "hai con đàn bà và bốn thằng đàn ông sẽ ngủ chung trên cái giường này!"
Đọc tên xong, ông Chánh Án bắt đầu làm việc của quan tòa. Ông hất hàm xuống người đàn ông đứng cực phải:
"Anh Nguyễn Văn X...! Tại sao anh không chịu hạ cờ Già xuống để treo cờ đỏ sao vàng lên trong ngày quốc khánh đầu tiên của nước ta?"
Bị hỏi, người đàn ông bây giờ mới ngước mặt lên, hất mớ tóc xụ xộp qua một bên phơi trần nửa vầng trán và đuôi mắt tím bầm, từ tốn và run run, anh ta đáp:
"Thưa quan "tà", hồi nào tới giờ tôi vô đạo của Huỳnh Giáo Chủ thì tôi treo cờ đạo của Huỳnh Giáo Chủ chớ không treo cờ nào khác"
"Nhưng cờ của Huỳnh Giáo Chủ...ủa...ủa" viên quan tòa "ủa" liên tục. "Cờ Đạo không ai được treo trong ngày Quốc Khánh, anh biết không?"
Bây giờ mọi người mới vỡ nhẽ ra là người đàn ông và có thể cả mấy người kia nữa bị bắt và xử vì tội không treo cờ đỏ sao vàng trong ngày Quốc Khánh.
Nhiều người không treo cờ nhưng đâu có bị bắt. Chắc mấy người này bị bắt vì họ là tín đồ Hòa Hảo, vì họ thờ Huỳnh Giáo Chủ. Vì Huỳnh Giáo Chủ có chân trong Ủy Ban Nam Bộ và đã bị ám hại chăng?
"Dạ, chánh phủ đâu có nói là cấm treo cờ Đạo!"
"Anh coi trọng cờ đó lắm hả?"
"Dạ."
"Còn cờ đỏ sao vàng?"
"Dạ cờ đỏ sao vàng thì mới có đây nên tôi còn lạ."
"Trước lạ sau quen, Chánh Phủ biểu treo thì anh treo nghe chưa?"
"Dạ để ít lâu coi sao rồi treo cũng không muộn."
"Bây giờ anh có treo cũng đã muộn rồi."
Người đàn ông vẫn chẫm rãi đáp:
"Thưa quan tòa, trong hiến pháp cụ Hồ Chí Minh có tuyên bố với toan dân là khi độc lập, người dân được năm quyền Tự Do dân chủ. Quyền số một là tự do bầu cử, quyền số hai là tự do hội họp, quyền số ba là tự do tín ngưỡng, quyền số bốn là tự do thư tín, quyền số năm là tự do đi lại. Vậy tôi theo đạo của Đức Thầy tôi làm trúng vô quyền tự do tín ngưỡng, tôi đâu có mần gì sái mà người ta bắt đánh tôi dử vầy?"
Quan tòa hất hàm:
"Nhưng tại sao anh không treo cờ đỏ sao vàng chớ?"
"Dạ vợ tôi không chịu may nên không có để treo."
"Tại sao lại may cờ đạo?"
Chị đàn bà đứng cách đó một người nghe câu hỏi của tòa bèn ngẩng đầu lên. (Té ra cách mạng chia loan rẽ túy đến kỳ cùng, không để cho vợ bị xâu gần chồng như người ta lầm tưởng tự nãy giờ). Chị đáp:
"Dạ, tôi không có may cờ đạo!"
"Không may tại sao lại có cờ treo?"
"Dạ, thưa tà cờ có đâu hồi nẵm tới giờ rồi, chớ không phải tôi mới may. Có trước chớ đâu phải vợ tôi may cờ đạo mà không may cờ đỏ sao vàng." Người chồng phân trần.
Quan tòa gắt nhẹ:
"Này, anh nghe cho rõ đây: nếu anh lỡ treo cờ đạo thì cũng được đi, nhưng anh phải treo cờ đỏ sao vàng trên cờ Già. Có dân tộc mới có đạo giáo, anh rõ không?"
Người đàn ông đáp:
"Dạ, phàm trong tâm con người, hễ thờ đạo nào thì chỉ thờ một đạo thôi."
"Nhưng cờ đỏ là của chung đất nước, là dân thì phải thờ. Treo cờ đỏ là thờ đất nước. Không treo cờ đỏ là anh đứng ngoài dân tộc là anh đi lạc đường rồi. Tôi coi bộ anh là người hiểu biết, anh hiểu điều đó không?"
"Dạ thưa tà..."
Ông ủy viên Chánh phủ đập bàn trỏ mặt người đàn ông:
"Anh câm ngay! Anh là người hiểu biết, sao anh gọi "tòa" là "tà"?"
"Dạ tôi nói vậy đã quen miệng rồi!"
"Anh coi tòa là quan gia tà, tà mị hả? Anh dám coi cách mạng là tà mị hả?"
"Dạ không phải! Ông nói vậy chớ tôi đâu có nghĩ vậy!"
"Ngoan cố!" - Ủy viên chánh phủ lại đập bàn quát:
"Anh nói tiếp đi!" Quan tòa gắt.
"Dạ thưa quan t..., thưa quan, tôi hổng biết tiếp ở chỗ nào."
"Ở chỗ anh không chịu treo cờ đỏ, mà chỉ treo cờ Già!"
"Dạ tôi đâu có hổng chịu treo. Cờ đỏ treo ở đằng trụ sở Ủy ban ai đi ngang cũng thấy! Bữa nào có mít tinh nghe ở trên xuống tuyên truyền thì đồng bào đứng chung quanh, tôi cũng có đứng. Còn đây là cờ đạo của Đức Thầy, ai theo đạo mới thờ, ai không theo thì thôi. Đức Thầy đâu có bắt treo. Đức Thầy cũng không có dạy tôi là đạo đứng ở ngoài dân tộc!"
"Nhưng nếu anh không treo cờ đỏ thì anh phải hạ cờ đạo xuống, anh rõ không?"
"Dạ nếu Chánh phủ cụ Hồ phán vậy thì dân đâu dám cãi."
"Không phải cụ Hồ đâu, mà là ủy ban tỉnh thôi."
"Dạ, ủy ban có muốn hạ thì hạ chớ cần gì phải hỏi, nhưng hạ cờ còn cột cờ."
"Hạ luôn cột cờ!" Quan tòa nổi giận thét.
"Dạ hạ ở ngoài nhưng không hạ được bên trong..."
"Trong nhà cũng hạ luôn. Dẹp luôn bàn thờ Thầy, cấm luôn tụng kinh gõ mõ."
"Dạ không phải trong nhà..."
"Mấy người đem bàn thờ giấu trong buồng hả?"
"Dạ không phải trong buồng mà trong b...ụng!"
Ông ủy viên Chánh phủ nãy giờ như ngồi bàn chông. Bộ mặt chè bè nung núc những thịt của ông run run như nở bạnh ra. Cặp mắt lồi của ông tia xuống tội nhân. Đến đây thì ông không còn kiên nhẫn nữa, ông lại đập bàn quát. Đập bàn là tác phong dân chủ nhân dân của ông.
"Thằng này cứng đầu, chối quanh không chịu nhận tội!"
Cánh tay hộ pháp của ông đập quá mạnh làm tiêm đèn sụt xuống. Đèn tắt một ngọn. Hai ngọn còn lại lắc lư trước gió như cái chân lý của phiên tòa.
Quan tòa nói:
"Như vậy đã rõ! Xin mời ông ủy viên chánh phủ buộc tội!"
"Tử hình!" Một tiếng buông ra cộc lốc từ cái bộ mặt nở bạnh có những luống thịt run run nhịp nhàng với bàn tay đập bàn phát nữa để chấm dứt một cuộc đời. Tiếng quát của ủy viên Chánh phủ làm ông Xà Beng giật mình tỉnh giấc mơ tiên. Ông nhướng mắt nghiêng đầu nhìn người đàn ông vừa bị ném cho tiếng "tử hình" rồi lại ngã vào gốc cột ngủ tiếp yên trí rằng đêm nay ông sẽ bận rộn nhiều.
Các ông các bà biện hộ sư ngồi ở phía dưới sân khấu không có phản ứng gì khi án tử hình đã gán cho tội nhân mà chưa kịp mở miệng cãi lại. Quan tòa vẫn nhớ rằng những ông bà ấy có mặt đêm nay ở đây là để biện hộ cho những tội nhân mà án tử đã được định trước khi phiên tòa khai mạc. Hoặc ông không nhầm thì các vị biện hộ sư này có nhiệm vụ lý luận bằng cách nào đó để nhắc khéo ông ủy viên chánh phủ rằng nếu tội nhân chỉ đáng tù chung thân thì phải tăng lên tử hình, còn nếu đáng tử hình thì phải chồng hai án một lúc - nghĩa là thay vì cởi ra lại buộc thêm.
Do đó, quan chánh án thấy không có gì phải thắc mắc khi ông ủy viên chánh phủ tuyên án tử hình mà các biện hộ sư chưa có một lời cãi... hộ. Và có lẽ cũng hiểu chuyện đời như vậy nên người tử tội vãn thản nhiên, không nói gì thêm mà cũng không cúi đầu nhận tội.
Quan tòa tiếp tục hỏi cung người đàn ông thứ hai. Theo kế hoạch đã định trước thì quan tòa chỉ hỏi một người rồi kết án chung một lần cho đỡ mất thì giờ, vì 6 người cùng bị bắt trong một đêm và cùng một hoàn cảnh, nhưng vì ủy viên chánh phủ nổi cáu đã tuyên án tử hình ngay người thứ nhất rồi, nên quan tòa phải bắt sang người thứ hai. Ông hất hàm:
"Tại sao anh gõ mõ tụng kinh chuyền cho nhà bên cạnh để cả xóm đồng tâm không đón đội tuyên truyền xung phong vào và đồn Cầu Ông Ngò gồm ba phần tư là lính Hòa Hảo canh giữ đã đem lính ra phục kích bắn chết ba đội viên của đội tuyên truyền xung phong khu?"
"Dạ thưa tà..."
"Tòa"! Không phải "tà"! Anh liệu cái thần hồn!" Ông ủy viên chánh phủ lại vỗ bàn làm thếp đèn nhảy lên, nhưng may quá cái ánh sáng chân lý chỉ run run, chưa cái nào tắt thêm.
"Dạ thưa bẩm... bẩm quan." Người đàn ông có vẻ khiếp sợ, đáp.
"Đây là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không phải thực dân mà "Dạ, Thưa" rồi còn "bẩm". Ở đây cũng không có quan quyền gì hết. Chỉ toàn là những nô bộc của dân. Ông Chánh án gọi các anh bằng "anh" để chứng tỏ cho mọi người thấy nước ta là nước dân chủ, anh rõ chưa?"
Ông Bồi thẩm ngồi bên trái ông Chánh án tự nãy giờ chỉ có mấy nhiệm vụ. Một là khêu đèn nghĩa là giữ cho ánh sáng chân lý không trụt xuống mỗi khi ông ủy viên chánh phủ đập bàn. Hai là xua muỗi cho ông chánh án. Muỗi cũng là một loại khán giả quan trọng và náo động nhất ở đây. Nhiệm vụ thứ ba là phải giải thích cho tội nhân về cái sự dân chủ của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như vừa rồi và để chắc chắn rằng tội nhân đã nhận rõ lời ông giải thích, ông hỏi gặn:
"Anh có thấy nước ta ban hành tự do dân chủ đầy đủ chưa?"
"Dạ thấ...ấy!"
"Vậy thì anh hãy trả lời vì sao anh đánh mõ gõ chuông chuyền như vậy? Nếu anh khai thật và nói cho tòa biết trong vùng anh còn mật hiệu nào khác để báo động khi bộ đội tới nữa không, thì anh sẽ được chánh phủ tỏ lượng khoan hồng."
"Dạ đánh mõ tụng kinh như vậy là chuyện thường đêm của người đạo chúng tôi chớ đâu phải mật hiệu gì."
"Xin tòa hỏi xem anh ta tụng kinh thiệt hay kinh giả?" Viên Bồi thẩm nói.
"Dạ, kinh là kinh chớ đâu có kinh thiệt kinh giả." Người đàn ông đáp ngay.
"Kinh anh đọc tên là Kinh gì?"
"Dạ, Kinh Giác Mê Tâm Kệ!"
"Có ý nghĩa gì?"
"Dạ có ý nghĩa làm tỉnh dậy những người mê muội chìm đắm bể trầm luân."

HOMECHAT
1 | 1 | 260
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com