watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
14:51:1026/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Mùi Cơm Sôi Cạn Nước
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2
Ngọc đã đem cơm cho dì Út trong những lần thăm tiếp đó. Mỗi buổi chiều đi làm về, vừa nấu xong bữa cơm chiều cho gia đình, nàng lo go cơm vào viện dưỡng lão cho dì ngay. Cũng may là nhà của nàng khá gần viện dưỡng lão V. nên sau năm phút lái xe, nàng có thể giữ cho dì thức ăn còn nóng ấm. Hôm đem thức ăn cho dì, Ngọc được cô nhân viên thường trực ở đây báo cho nàng biết là dì Út đã được chuyển lên lầu hai. Có lẽ cô ta cũng thường viếng bệnh nhân tại đây trong những lúc rỗi rảnh nên biết rõ từng người và đã vui vẻ kể cho nàng hay sự tiến triển khả quan của sức khỏe dì khi nàng ký tên vào giờ thăm bệnh nhân. Theo lời hướng dẫn của cô, nàng dùng thang máy lên đến phòng số bảy. Tại đây, nàng ngạc nhiên vui mừng khi thấy dì Út ngồi tươi tỉnh trên chiếc giường nệm trắng trong lúc người nhân viên điều dưỡng đang chuẩn bị cho dì dùng thức ăn chiều. Cũng may là Ngọc đến kịp lúc nên dì Út có dịp thưởng thức các món ăn do nàng làm. Dì Út nói:
“Con để chén cơm trên đùi dì nè. Dì tự múc ăn được, khỏi cần đút.”
Ngọc hỏi với giọng ngạc nhiên:
“Dì tự đút ăn được rồi sao?”
“Mấy ngày nay mấy người y tá tập cho dì tự đút ăn. Mỗi lần đến giờ ăn, họ đỡ dì ngồi lên, chuẩn bị thức ăn trước mặt dì cho dì tự xúc.”
“Vậy thì để con sẻ cá vào chén cơm cho dì. Dì dùng chiếc muỗng này xúc cơm nhé!”
Chỉ trên đùi, dì Út nói:
“Con để đây đi! Dì làm được”
“Để con kê cái khăn này trong lòng dì rồi chèn cái chén này vào giữa đã! Làm như vầy dì múc cơm dễ hơn. Có gì cái khăn này còn hứng thức ăn đổ chứ cơm cá giây trên quần, trên giường thì khổ.”
Thau láu nhìn từng động tác của Ngọc cho đến khi nàng hoàn tất, dì Út run run dùng chiếc muỗng nhựa xúc cơm. Có lẽ do xúc động khi nhìn lại những hạt cơm quen thuộc, khuôn mặt dì toát lên một vẻ hết sức trịnh trọng khi đút vào miệng những muỗng cơm đầu tiên. Nhìn dì nhai cơm như thể đang ăn thức ăn hiếm quý, Ngọc cảm thấy niềm thương cảm dâng trào. Tuy nhiên, nàng đã giấu cảm xúc của mình bằng những câu nói đùa:
“Dì ăn cơm mà không dùng đũa là mất nửa vị giác ngon rồi chứ không phải con nấu dở đâu nghe dì! Còn cá kho này không ngon như dì kho đâu.”
“Ngon lắm chứ sao không ngon con! Đây mới thực sự là được ăn cơm, chứ mấy ngày trước, mỗi lần ngửi mùi cơm sôi cạn nước là nhớ cơm mà có đâu để ăn. Đồ ăn Mỹ không thiếu thứ gì mà dì ăn không được mới khổ! Mà sao con biết dì thích cá kho keo vậy? Kho kiểu này chắc là mÃt công lắm phải không con?”
“Có tốn công gì đâu dì ơi! Con bắt hai ba lò cùng một lúc rồi làm thật lẹ để chạy vào đây thăm dì thôi. May là con đến đúng lúc chứ con mà chờ nhà ăn xong rồi vào đây thì dì đã ăn xong. Lúc đó, có ngon mấy cũng không còn thấy ngon nữa! Con đâu biết ở trong này họ cho ăn sớm quá vậy!”
“Chắc tại họ phải lo cho nhiều người quá nên phải cho ăn sớm như vậy đó con.”
“Vậy thì con biết lúc nào đem thức ăn chiều vào cho dì rồi.”
Sau lần đó, Ngọc thường đến vào lúc viện dưỡng lão vào trước buổi bữa ăn chiều của bệnh nhân. Biết lịch của nàng, dì Út hiểu là khi nàng không có mặt trước giờ ăn, có nghĩa là nàng không thể đến và dì phải dùng thức ăn trong viện dưỡng lão. Dù vậy, càng ngày dì Út càng ít ăn chiều trong viện dưỡng lão bởi vì không chỉ có Ngọc mà Như và Dung cũng đem cơm cho dì nữa. Vào những ngày thứ bảy chủ nhật dì có thêm nhiều quà bánh và thức ăn của những người đến thăm viếng. Những người Việt còn cư ngụ tại chung cư Park Road và những người mua nhà ở Virginia đã liên lạc, loan tin, rồi họp nhau đến thăm dì vào cuối tuần luôn. Mỗi lần như thế căn phòng của dì ồn ào tiếng nói, tiếng cười của người Việt đến nỗi người bệnh nằm cùng phòng phải phàn nàn. Ngọc cũng thường đưa con đến thăm dì Út vào những ngày cuối tuần. Mỗi lần như thế, nàng thắc mắc về sự dễ dãi của viện dưỡng lão đối với sự cho phép thăm viếng người bệnh dông đúc cùng một thời gian. Nàng đoán có lẽ những người nhân viên thông cảm sự cô đơn của những người già và người bệnh ở đây cho nên họ không quan tâm đến sự giới hạn của người thăm. Hay, có lẽ họ chưa từng trải nghiệm sự viếng thăm đông đúc như thế.

Càng vào thăm dì Út, Ngọc càng thấy các sinh hoạt của dì Út tiến triển tốt lên. Mặc dù căn bệnh không thể chữa trị hoàn toàn dứt hẳn, dì đã từ từ phục hồi những chức năng hoạt động của người bình thường. Dì đã có thể vào phòng vệ sinh với sự dắt dìu của người y tá và chiếc nạng đặc biệt để tự chăm sóc cho mình. Ngoài ra, dì còn tham dự những sinh hoạt của viện dưỡng lão với những người bệnh khác. Lần thăm đó, Ngọc không thấy dì Út và cả người cùng phòng với dì trên giường của họ, nên tìm hỏi, và được biết họ có cuộc họp trên lầu ba. Theo sự chỉ dẫn, Ngọc đi cùng với chồng nàng tìm đến nơi. Tại đây, Ngọc thấy rất nhiều người, hoặc già hoặc bệnh ngồi trên những chiếc xe lăn, quây quần từng nhóm trò chuyện. Ngọc không biết họ đã họp về vấn đề gì, sinh hoạt như thế nào, và tiến trình ra sao; nhưng khi nhìn những đĩa trái cây được xắt nhỏ và những đĩa bánh quy còn thừa trên chiếc bàn vuông Ngọc đoán những người bệnh đã được những người quản lý viện dưỡng lão V. tạo điều kiện cho gặp mặt, ăn uống và trò chuyện với nhau. Khi vợ chồng nàng len lỏi vào trong những chiếc xe lăn để đến bên chiếc xe của dì Út, nàng đã nhận rất nhiều tia nhìn chào đón như thán phục. Những ánh mắt toát lên sự hài lòng đối với việc chứng kiến cảnh người quan tâm đến người, đồng thời tỏ ra sự chia vui với dì Út. Không những họ, ba người nhân viên của viện đang có mặt tại đó cũng niềm nở với vợ chồng nàng. Một người đàn bà có nước da nâu sáng, vẻ như người tổ chức buổi họp, mời cả hai ngồi, bảo dùng thức ăn, rồi nói rằng họ có thể đưa dì Út về phòng để tâm tình riêng tư.
Ngọc cùng chồng đẩy xe lăn đưa dì Út về phòng theo ý muốn của dì. Trên đường, dì hân hoan nói:
“Thấy tụi nó đưa dì lên đây dì sợ các con vào thăm mà dì không gặp được, nhưng dì không biết nói với tụi nó làm sao để dặn tụi nó chỉ các con lên đây.”
Ngọc đáp:
“Dì đừng lo, tụi con không thấy dì trong phòng thì tụi con hỏi tìm thôi. Cho dù họ chuyển dì đi đâu chăng nữa chúng con cũng tìm thăm dì cho bằng được mà!”
Hòa phán:
“Con thấy họ tổ chức cho những người bệnh họp mặt như thế cũng hay! Mỗi tháng một lần, mọi người được gặp gỡ trong những ngày như thế này cũng có ý nghĩa lắm. Nhưng mà, để dời tất cả người bệnh ở đây lên phòng họp trên ấy nhân viên ở đây cũng vất vả lắm.”
Ngọc chép miệng:
“Cứ thấy họ tận tình giúp đỡ người bệnh mà thương. Người ta cứ đồn bậy là y tá trong viện dưỡng lão thường đánh hay đối xử tệ hại với bệnh nhân; còn chứng kiến tận mắt sự tận tâm giúp người bệnh của họ mới thấy họ như những thiên thần. Qua cung cách làm việc của họ con cảm nhận được tình thương mến và sự thông cảm sâu sắc của họ đối với người già yếu bệnh hoạn như thế nào.Có thể là họ nghĩ chẳng may như thế khi già yếu thì cũng được đối xử tử tế như vậy.”
Dì Út hớn hở khoe:
“Mấy ngày nay, sáng nào dì cũng được một cô y tá đẩy xe lăn đưa ra sân tập. Cổ bắt dì chống nạng để tập đứng lên rồi tập đi. Hôm nào cổ cũng tập dì đi qua lại khoảng nửa giờ đồng hồ. Có hôm cổ thấy dì đi cứng cáp hơn những lần trước, bắt dì gắng đi thêm, dì nói dì mệt quá đi không nổi nữa vậy mà cô nói cố gắng tập thêm cho mau tiến bộ. Thế là dì đành phải nghe lời, nhưng dì mới bước thêm vài bước nửa là xỉu xuống, bất tỉnh không biết trời trăng gì nữa. Lúc dì tỉnh lại, thấy cổ ôm dì khóc quá chừng. Cổ còn hôn dì và nói sorry nhiều lần nữa. Thấy cổ coi mình như mẹ mà dì cũng ứa nước mắt theo. Sau này cổ biết dì có chứng bệnh tim nên không bắt dì tập nhiều. Mỗi lần dì nói mệt là cổ cho ngừng ngay.”
Hòa nói:
“Cách làm việc ở đây là vậy đó dì! Người ta làm gì cũng tiếp tục với những bước kế tiếp cho đến khi hoàn thành chứ không bỏ ngang. Có thể nói quyền lợi của con người ở đây được tôn trọng đến mức tối đa là vậy. Mình may mắn lắm mới được ở trên đất nước này!”
Ngọc trầm ngâm:
“Vậy mà con cứ tưởng họ chuyển người già đến viện dưỡng lão cho ăn, nuôi ở là xong; con đâu ngờ họ còn đưa dì đi tập mỗi ngày như thế. Như vậy cô y tá mà dì nói là therapist đó dì à!”
“Dì không biết nó là ai nhưng tuần nào nó cũng đến đây đưa dì đi tập hai ba lần. Nó nói dì phải tập như vậy mới tự dùng cái nạng được. Dì còn được một con nhỏ y tá khác chở đi cắt tóc làm móng tay chân nữa.”
Ngọc reo lên:
“Ủa? Hèn chi con thấy dì có mái tóc mới! Con không nghĩ ra người nào ở đây cắt tóc cho dì mà chưa kịp hỏi.”
“Nhờ cô y tá Mỹ đen đó con. Cô này đưa dì đi gội đầu cắt tóc làm móng tay chân. Còn cô y tá đưa dì đi tập là Mỹ trắng.”
“Rồi cô đưa dì đi gội đầu lấy tiền đâu mà trả cho dì?”
“Dì không biết. Chắc viện dưỡng lão đưa cổ tiền trả cho dì.”
Hòa chen vào:
“Không phải đâu dì. Tiền đó từ tiền bệnh của dì đó. Chắc cán sự xã hội trong viện dưỡng lão này đã làm thủ tục trích phần nào tiền bệnh của dì để chi trả cho các dịch vụ này.”
Ngọc lại reo lên:
“Ô! Tuyệt quá! Họ chăm sóc dì cẩn thận và tử tế như thế này khác gì người nhà tận tình với thân nhân bị bệnh của mình đâu! Còn hơn thế nữa đó! Con thật là mừng khi thấy dì tươm tất như thế này.”
“Tụi y tá ở đây lo cho dì không thiếu thứ gì con ơi! Tụi nó lấy bộ đồ mà con Dung đem vào đây cho dì ghi tên dì kỹ lưỡng chớ sợ lộn với người khác nữa đó. Rồi tụi nó giặt giũ, xếp cất và thay cho dì thường xuyên. Cũng nhờ vậy mà dì mới được sạch sẽ thơm tho như vầy đó chớ!”

Mặc dù đồng hương thăm viếng thường xuyên và nhân viên của viện dưỡng lão chăm sóc dì Út tận tình, dì Út không từ bỏ ý định trở về sống ở quê hương trong những ngày cuối đời. Khi gặp Hùng trong lần thăm duy nhất sau bốn tháng trời, dì đã hối thúc anh lo giấy tờ đưa về Việt Nam. Có lẽ vì không gặp con trai của mình suốt thời gian dài trên giường bệnh khiến cho dì lo sợ là anh ta không thể có cơ hội thăm dì lần thứ hai và không còn có cơ hội được anh đưa về Việt Nam nữa. Thế rồi, theo lời khẩn thiết yêu cầu của dì, Hùng đã nhờ người báo cho viện dưỡng lão tiến hành thủ tục xuất viện trong lúc lo mua vé máy bay. Những người quản lý trong viện dưỡng lão đã đưa dì Út đi tái khám rồi tìm xin xe lăn cho dì làm phương tiện di chuyển cho chuyến đi. Sau vài ngày hoàn thành thủ tục xuất viện, và lấy được vé máy bay, dì Út nhờ người báo sở Trợ Cấp An Sinh Xã Hội ngưng nhận trợ cấp tiền bệnh. Bạn bè quen biết gần xa của dì ở vùng Hoa Thịnh Đốn đều sửng sốt khi nghe tin về chuyến đi không bao giờ trở lại của dì. Khi tập trung trong viện dưỡng lão trước ngày dì lên đường, mọi người hỏi thầm với nhau trong hoang mang:
“Sao dỉ lại muốn về Việt Nam đột ngột vậy? Ở đây được chữa trị đầy đủ mà sao  lại bỏ đi?”
“Lại còn bỏ tiền bệnh nữa chớ! Có dễ xin được tiền này đâu! Không biết tiếng Anh, phải nhờ người thông dịch đi tới đi lui làm đơn từ giờ lại bỏ?”
“Trở về Việt Nam thì dễ rồi nhưng có được toại nguyện như mình nghĩ không là chuyện khác. Đi được mà muốn trở lại không được mới khổ đó!”
…....
……

Ngọc đã không bàn luận gì khi nghe những lời xầm xì xung quanh. Nàng nghĩ dì Út kiên định việc về sống ở quê hương vì dì tin tưởng số vốn lẫn lời trong ngân hàng Việt Nam do người cháu đứng tên giùm. Nhớ lại lời tâm sự của dì trước đây, nàng hiểu là dì rất lạc quan với số vốn ngầm mà dì có và giá sinh hoạt thấp ở Việt Nam. Chúng sẽ tạo cho dì có cuộc sống đầy đủ đến cuối đời mà không phải lo lắng gì. Dù biết được nguyên nhân như thế, Ngọc vẫn còn lo lắng.Nàng hỏi:
“Dì Út có suy nghĩ chín chắn trước khi bỏ tất cả ở đây để trở về Việt Nam chưa? Chứ lỡ có gì, dì muốn qua đây làm lại tất cả những gì đang có mà không được thì rất khổ.”
“Dì đã nghĩ kỹ lắm rồi con à! Chẳng lẽ cứ nhờ vả mấy đứa y tá ở viện dưỡng lão này hoài cho đến chết? Để dì về cho con  cháu dì bên đó chăm sóc dì! Tụi nó mà đưa đi châm cứu thì dì đi đứng được bình thường như xưa. Nhược bằng không chữa được bệnh, dì cũng ở Việt Nam luôn. Dù sao, có chết ở quê hương cũng vẫn hơn.”
Hòa gật gù:
“Dì tính vậy cũng phải. Bởi vì hiện tại thì viện dưỡng lão này còn giữ dì chăm sóc nhưng nếu dì khỏe hơn, hoặc lứa tuổi của dì lớn hơn và họ muốn chuyển dì đến chỗ xa hơn, mà con cháu bận rộn với công việc làm không thể đến thăm nom dì thường xuyên được thì rất là khổ.”

Lý do của sự quả quyết được giải bày hết sức rõ ràng và xác đáng nên những người đến tiễn không còn to nhỏ, bàn ra bàn vào hay thắc mắc gì nữa. Bùi ngùi nói chia tay, người nào cũng dấm dúi cho dì Út một ít tiền làm quà trên đường về quê. Dung và Như đã mua đầy đủ những thứ mà dì yêu cầu trong hai chiếc va li. Vật dụng mà họ mua cho dì nhiều nhất là những bịch tã. Hôm ấy căn phòng của dì ồn ào hơn bao giờ hết, nhưng người đàn bà Mỹ trắng nằm cùng phòng với dì không phàn nàn một lời nào. Có lẽ bà này cũng đã biết hôm ấy là ngày cuối của dì trong căn phòng của hai người.

Tết Dương Lịch năm ấy, vợ chồng Dung Thi mời tất cả đồng hương quen biết ở chung cư Park Road đến nhà dự tiệc Tất Niên. Ngọc rất vui mừng khi được dịp gặp lại những người quen biết cũ và chuyện trò huyên thuyên với họ. Chưa nhập tiệc, dì Chín đã đem ra khoe những cái bánh tét mà bà vừa nấu chín. Trông thấy chúng, Ngọc nhớ cảnh dì Út cùng với dì Chín gói bánh chưng, bánh tét trong những ngày cuối của năm trước nên hỏi ngay:
“Dạo này dì có tin gì của dì Út không dì Chín? Lâu quá con không đến đây được để hỏi thăm dì Út dạo này ra sao?” 
“Bà Út hả? Trời ơi! Nghe bả về đó khổ lắm con ơi! Mấy bà ở Park Road đang bàn chuyện góp tiền gửi về cho bả đó!”
“Sao vậy hả dì? Chớ còn số vốn mà dì Út gửi cho người cháu dì ở ngân hàng Việt Nam thì sao?”
“Ôi chao! Nghe đâu thằng đó đưa bả vào bệnh viện Chợ Rẫy mấy lần rồi nói hết tiền. Dì Công mới kể là giờ bả khổ ghê lắm. Nằm liệt trên giường một mình một chỗ chứ không được chăm sóc chu đáo như ở bên này đâu.”
Ngọc quay sang mẹ của Danh:
“Dì nghe tin dì Út ra sao hả dì Công?”
Dì Công đáp:
“Thì dì mới kể cho dì Chín là dì Út về đó chẳng được như bên này nhưng bả đã quyết về bển để chết thì đành phải chịu thôi.Nghe nói mấy đứa con của dỉ giận mẹ chuyện không tin tưởng mình mà gửi tiền cho cháu nên tỏ ra lơ là, ít lui tới. Còn ông chồng dỉ thì già quá có chăm sóc dỉ được gì đâu. Nghe nói đứa con trai riêng của ổng đem về nhà nuôi rồi. Còn đứa con gái Út của dỉ ở với dỉ nhưng nó thì phải lo việc buôn bán, đồng áng chứ có rảnh được đâu mà cận kề cả ngày. Nghe nói là dỉ nằm liệt một chỗ không được đỡ lên thường xuyên nên bị lở loét cả lưng.Trời thì nóng nực và đầy muỗi nên lúc nào cũng phải bỏ mùng sùm sụp, tối tăm tội nghiệp lắm!” 
Ngọc hỏi:
“Hùng kể cho dì nghe hả?”
Dì Công lắc đầu:
“Không có, thằng Hùng nó đưa dỉ về rồi sang Boston ở luôn ở trển. Con Như gọi về gia đình nó hỏi thăm dỉ hoài nên biết tin tường tận lắm. Hôm nay thứ bảy nên con Như làm nail về trễ lắm. Chặp nữa nó tới, hỏi nó là biết rõ hơn.”
Dì Công vừa dứt lời, vợ chồng Danh Như mở cửa bước vào khiến Thi nói đùa:
“Phải chi hỏi tiền hỏi bạc như thế này thì đỡ biết mấy!”
Danh vọt miệng trong lúc để dép ngoài cửa để bước vào:
“Chuyện gì? Chuyện gì mà tiền với bạc?”
“Chuyện tiền nong gì đâu! Đang nhắc đến vợ ông thì vợ ông tới. Phải chi hỏi tiền đâu mà tiền có ngay như vậy thì đỡ biết mấy!”
Như hỏi:
“Chuyện gì mà hỏi tui?”
Thi hất hàm sang Ngọc:
“Chị Ngọc đang hỏi Như về dì Út kìa!”
Ngọc nhìn Như lo lắng hỏi:
“Em nghe tin dì Út thể nào?”
Chào mọi người có mặt trong phòng khách xong, Như đến ngồi cạnh Ngọc, nói:
“Bà Út về cũng được con cháu chăm sóc nhưng khổ lắm chị à! Bởi vì chỗ bà ở tận trong miệt vườn sâu trong chợ Cờ Đỏ của huyện Thốt Nốt, Hậu Giang, cho nên mỗi lần đưa bà đi khám bệnh là con cháu bà phải chuyển bà xuống xuồng chạy cả tiếng rồi lên bờ đi qua mấy con hẻm, ra đến lộ cái mới đón xe đưa lên bệnh viện ở thành phố.
“Vậy mấy đứa con cháu của dỉ không sử dụng chiếc xe lăn mà viện dưỡng lão ở đây cho hay sao?”
“Có chớ chị! Nhưng mà, họ chỉ dùng nó ở trong nhà chứ đường hẻm ở xóm nhà bà Út sình lầy lún bánh đâu có đẩy được! Còn khi muốn đem nó theo thì phải khiêng lên xuồng, lên xe đò rồi đến chỗ nào đường bằng phẳng mới đẩy.”
“Chị cũng nghi là dì về đó khổ rồi!”
“Dạ đúng vậy đó chị! Vì bà nằm một chỗ không được ai đưa tập đi như bên này nên chỗ đốt xương cụt của bà bị lở. Với lại, chỗ nhà bà ở nóng nực và nhiều muỗi nên cũng rất bất tiện cho dù con gái Út của bà có sắm cho bà một chiếc quạt máy.”
Dì Tâm chép miệng:
“Đã nói là hãy suy nghĩ cho kỹ trước khi tính chuyện về mà bả đâu có nghe. Bây giờ mình phải làm sao?”
Dì Anh nói:
“Mình gom tiền về giúp chỉ là thiết thực nhứt chứ biết làm gì hơn! Mấy người trong chung cư Park Road đã góp được chừng này rồi. Ai muốn góp thêm thì góp. Sẵn có con Ngọc đây mình nhờ nó viết thư, ghi tên từng người cụ thể rồi đưa con Như gửi về cho chỉ cho rồi. Chị Chín làm ơn cho tờ giấy với cây viết để con Ngọc viết thơ cho chỉ đi!”
Nhận tập giấy từ tay dì Chín, Ngọc ghi ngày tháng, lời thăm hỏi rồi liệt kê thứ tự tên từng người và số tiền họ gửi tặng cho dì Út theo lời báo của dì Anh. Trong lúc đọc lại bức thư mình vừa viết, nàng nghe dì Hoa nói:
“Tôi nghe nói bả có viết thơ nhờ thằng Hùng chuyển đến thằng Hòa và con Ngọc hỏi bộ Xã Hội xin sang đây lại được không. Mà tôi không nhớ thằng Hùng gửi lá thơ ấy cho ai ở ngoài chung cư Park Road.”
Ngọc thảng thốt nói cho dì Hoa và mọi người có mặt trong phòng khách lúc ấy biết là vợ chồng nàng chưa nhận được lá thơ nào của dì Út rồi vội vã nhìn sang Như, hỏi:
“Có thực là dì Út muốn sang lại đây không Như?”
“Dạ có. Bà Út có ý định hỏi chị và anh Hòa xin cho bà sang lại đây, nhưng không được thì thôi. Vì bà cũng biết là đã đi về và đã cắt tất cả giấy tờ và trợ cấp rồi, xin trở lại đây rất khó khăn.”
Không hỏi gì thêm, Ngọc cúi mặt xuống, vờ đọc lại bức thư chưa hoàn tất. Lòng đau như cắt, nàng than thầm:
“Dì Út ơi! Làm sao con xin cho dì sang lại đây được nữa? Con biết giờ này dì khổ lắm nhưng con đâu có thể làm gì cho dì được nữa đâu!”
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 117
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com