Chỉ mục bài viết |
---|
Mưa Trên Phố Suối Snoqualmie |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Mưa Trên Phố Suối Snoqualmie
Tác giả: Phan Thái Yên
Ở Seattle trời cũng mưa nhiều như Huế. Không xa đó, vùng phố suối Snoqualmie lại càng quá hiếm hoi những ngày ráo tạnh. Với Mệ Ngâu thì hình như lúc nào trời cũng mưa, ngay cả lúc mặt trời soi bóng. Mệ vẫn thường nghĩ vậy mỗi lần đứng nhìn giòng thác đổ. Hơi nước trắng lịm phả vụt lên trời làn sương mưa làm lóng lánh ngủ sắc vầng nắng mai bừng lên trên đầu ngọn suối.
Mệ Ngâu tới công viên bên suối hầu như vào mỗi buổi sáng. Mệ ngồi nhìn tảng nước sa sầm xuống vực đá rồi quẩy tung lên thoắt hiện mưa giăng, sương sương mờ mờ làn cung vũ. Mắt mệ dầm trong mưa, nhớ về những chuyện xa lắc xa lơ đời mình cũng dầm trong mưa, thắm thiết ân cần. Có lần mệ Ngâu buột miệng nói với người giữ công viên ý nghĩ chợt đến trong đầu, rồi bật nhớ ra cười.
- Cũng may ôn là người Việt, chớ không thì ốt dột chết. Ngồi đây mà cứ tưởng như đương ngồi bên bờ Phá.
Người làm vườn, trạc tuổi con trai lớn của mệ, đang tỉa dọn cây cảnh gần ghế đá nơi mệ đang ngồi, cũng cười theo.
- Cụ nói đúng đó. Trời ở Phá Tam Giang nhìn lúc nào cũng như đang mưa nhưng kỳ vỹ bao la hơn. Lớn lên, quen với Bắc Mỹ Thuận, Ninh Kiều, cháu đã ngây người đứng nhìn Phá Tam Giang lần đầu tiên hành quân ra Huế sau tết Mậu Thân.
Họ quen nhau như thế từ sau câu chuyện tình cờ.
Định mệnh của người lính già đã gắn liền với vùng cuối nước Tam Giang từ một thuở chinh chiến hào hùng chẳng sợ nề chi truông phá. Cô gái Lại Ân làng Sình mang theo trong lòng hình ảnh hoa mai bay trắng như mưa xuân rơi trên sông Bồ, theo về quê chồng làm quen với dòng sông Hậu lớn ròng con nước lục bình trôi. Người lính tù đày không chết nhưng vợ thì qua đời trước ngày gia đình dắt dìu nhau tìm cảnh sống tự do. Đã từ nhiều năm, con cái trưởng thành sống cuộc đời riêng, còn ông vẫn hàng ngày vùi giấu nỗi buồn đơn độc với công việc bên cỏ cây hoa lá. Hình ảnh bà cụ người Huế đã ngoài tám mươi, lúc nào cũng trịnh trọng áo dài nhung khăn san tiệp màu, hàng ngày tìm tới thiên nhiên nghĩ nhớ về đời mình với lòng thanh thản giúp ông tìm ra được niềm vui trong cuộc sống.
Mỗi sáng ông giúp người con dâu của mệ hay đứa cháu nội đón đưa mệ Ngâu từ bãi đậu xe. Thỉnh thoảng mệ lại gói ghém cho ông những món ăn rất Huế, rất Sình mà đã từ lâu lắm ông chưa hề có dịp nếm tới. Dưới bóng cội tùng sum suê vòm lá đan dày, mệ Ngâu ngồi nhìn mưa kể chuyện. Người lính già tìm việc làm quanh quẩn bên mệ lắng nghe, thỉnh thoảng góp chuyện chia sớt buồn vui. Có những chuyện mệ Ngâu đã kể nhiều lần mà mắt mệ vẫn rộn tươi mỗi lần nói tới. Còn người lính gìa thì vẫn háo hức muốn nghe, như nghe lần đầu những câu chuyện cũ không đầu không đuôi về một nơi mà số phần đời ông đã sa xuống rồi thăng hoa thành tình nghĩa phu thê. Ngàn mưa trắng lịm chẳng hề ngơi trên phá. Tiếng mái dầm khoắng nước cuối sông lao chao bầy sen ngó phơn phớt màu cánh phấn như muốn quấn vói nhành mai chao nghiêng bên bờ nước. Áo lụa tím thon thả bờ vai, e ấp bóng tre la ngà ai về giữa ngọ. Nồi cá nục cay thơm hương gạo mới để môi em cũng mọng đỏ xuýt xoa. Ảnh hình kỷ niệm trân quý một thời son trẻ đã trở về cho riêng ông giữ lấy mà vui.
Chuyện đời o Ngâu, chuyện nhà mạ Ngâu, cũng được trang trọng lắng nghe rồi ân cần xếp vén giữ gìn. Chẳng chỉ là chuyện đời của một người vợ, người mẹ, mà là biết bao bà mẹ Việt Nam suốt đời mình luôn cố gắng ôm giữ gia đình trong gắn bó yêu thương, đừng để trôi chao trong gió nghiệt.
Ôn Cửu cũng một thời nho sinh lều chỏng mà tài mọn chẳng qua được cái nhất trường. Ôn ở lại Huế, chạy huợ trong Nội vài năm, cũng mòm mèm được cái chức cửu phẩm. Gặp thời Nho mạt, ôn đi học thêm chút tiếng Tây, rồi thất chí về quê ở làng Mỹ Xuyên, lấy vợ, mở trường dạy học. Ôn dạy chử Nho, lẫn Quốc ngữ, trộn thêm ít tiếng Tây cho con nít trong làng. Bà Cửu chẳng hề thấy chồng làm ra đồng nào từ cái việc bán chữ nghĩa ngoài những biếu xén vào những ngày lễ tết và thỉnh thoảng hò sai vài cậu học trò lớn xác chẻ củi gánh nước cho đở tay chân. Gian hàng xén ngoài chợ Mỹ Xuyên cũng đũ giúp bà nuôi chồng, quán xuyến trong ngoài, để mỗi năm vài lần bà Cữu nở mày nở mặt với chị em trong làng thấy chồng ngồi chiếu trên với quan viên trong các dịp đình đám.
Vợ chồng Ôn Cửu hiếm hoi. Bà chỉ sinh được cho ông một mụn con gái. Con Ngâu. Ôn vẫn chắc lưởi lắc đầu mỗi khi nghe vợ cao giọng gọi con. Cái tên chữ Tập Khánh, ôn đắc chí giữ trong bụng cho tới ngày con ra đời, dù trai hay gái, đã bị bà Cữu lắc đầu quầy quậy từ chối không thương tiếc. Tính ôn dễ dãi nên đã để mụ lấn lướt, đặt cho con gái cái tên chẳng chút trâm anh. Ôn nghĩ vậy và cảm thấy như tay chân vẫn còn run lẩy bẩy nhớ tới dòng thác người liễn lọng rợp trời và tiếng trăm họ chiêu hô lần thiên tử xa giá tới Đàn Nam Giao làm lễ tế trời... Ôn thở ra, ngụm miếng trà bông ngâu, trà thơm chi lạ.
Mới mười một mười hai, Ngâu đã theo mạ ra chợ buôn bán mỗi ngày. Con gái, con lứa khôn có chi hơn là học buôn học bán. Mạ đã nói rứa và Ngâu thì cảm thấy vui vẻ nơi chợ búa đông người hơn là quanh quẩn trong nhà với tiếng đọc bài ê a của bầy học trò ngái ngủ. Có khi Ngâu thầm nghĩ O đã biết hết chữ cũa cha dạy cho học trò. Năm nào cũng vậy, nghe hoài O gần như thuộc nằm lòng những bài đánh vần quốc ngữ, những câu tiếng Pháp đếm số tính ngày hay bài chữ Nho trầm đều như kinh tụng...gia nhà quốc nước tiền trước hậu sau ngưu trâu mã ngựa...
Ngày tháng níu nhau theo từng cơn mưa chờ xuân trên đôi tay trần lóng lánh măng tơ, kéo Ngâu bước vào lứa tuổi dậy thì hây hây sen ngó. Nàng trỗi thành cô gái dỏng cao, duyên dáng và giỏi giang có tiếng ở chợ Mỹ Xuyên. O Ngâu xin mạ dọn riêng một sạp bán hàng tươi. O nuôi gà bán trứng, O đi đò qua tuốt Bàu Mây, Cồn Én, dọc sông Ô Lâu hái mua bông sen, bông phượng tây, trái cây về bán vào các ngày rằm vía.
Ngâu sống bận rộn hồn nhiên với mạ, với chị em bạn hàng trong phố chợ, không để ý chi tới tình hình chiến tranh phức tạp đang diễn ra chung quanh. Việt Minh ngoài Mỹ Chánh, Ưu Điềm thỉnh thoảng đi từng toán trong đêm tối về làng, gom dân tuyên truyền học tập, kêu gọi đóng góp. Học trò lớn của Ôn Cửu có đứa bỏ làng vô rú theo Việt Minh, có đứa khăn gói vô Huế tìm chổ an thân. Lính Tây phía ngoài độn biển miệt Thanh Hương, Đại Lược, hoặc những làng xa tiếp cận Phá Tam Giang, bắt đầu mở những cuộc hành quân đi tuần đi rỏn qua làng. Nhìn những tên lính lê-dương đen như cột nhà cháy, mắt trắng dã láo lơ dòm ngó, dân làng Mỹ Xuyên linh cảm lo âu cho tháng ngày bất trắc trước mặt.
Mớ tiếng tây tiếng u của Ôn Cửu rứa mà đã giúp dân làng một đôi lần. Ôn xí lô xí la với tên sĩ quan chỉ huy hồi lâu, hắn nhìn quanh lưỡng lự rồi khoát tay cho toán lính di chuyển ra khỏi làng. Mụ Cửu mừng xóm làng thoát nạn nhưng vẫn chưa hết lo cho chồng. Mụ níu áo ôn kéo vô nhà.
- Ôn ơi, ôn gan ruột cái kiểu nớ có ngày tui đứng tim mà chết quá. Súng đạn bao quanh, tụi hắn lên cò lắc cắc rứa mà ôn cứ đứng đó xí lô xí la. Tiếng của người ta, nói trật, họ bắn một cái đùng rồi mẹ con tui ở với ai.
- Mụ đừng lo chuyện tầm vách. Dạo ở trên Huế tui từng nói tiếng Tây tróc tróc với tụi hắn. Mình nói đúng họ phải nghe. Tui nói trong làng chừ chỉ còn toàn người già con nít, mấy ôn muốn kiếm Việt Minh thì vô trong rú chớ ngoài ni khôn có mô.
Dân làng Mỹ Xuyên thoát được lần Tây ruồng biết ơn ôn Cửu, khen ôn nói tiếng Phú Lang Sa như gió, nhưng Việt Minh lại nghi ôn làm điềm chỉ cho đồn Tây ngoài Thanh Hương.
Một đêm cuối tháng Mười, đất trời sủng trong mưa dầm, ánh đuốc trên tay thằng học trò bạc tình với chữ nghĩa, chập chờn những sợi mưa chém nghiêng qua khuôn mặt lầm lì. Hắn đứng im dưới mưa nhìn đồng chí của hắn trói thúc ké ông thầy già, lôi xềnh xệch qua khoảng sân lầy lội. Ánh đuốc vói theo lay lắt rọi những giọt mưa bay trĩu qua đôi vai già nua rồi nhả xuống mặt đất đọng đêm thâu. Gã học trò kéo ngược hai mẹ con mụ Cửu đang khóc vật vã dưới mái hiên, không cho họ chạy theo ôn giáo, miệng quát tháo.
- Làm Việt Gian, tay sai cho thực dân thì phải đền tội. Bộ hai người cũng muốn theo đồng lõa hay răng đây !?
Quăng cây đuốc lụn bấc xuống sân tắt ngúm, hắn bước đi trong bóng tối dày đặc. Chỉ còn lại tiếng khóc của hai người đàn bà nhỏ nhoi chìm lịm trong tiếng gió mưa tràn lan qua mái ngói, qua cánh cửa nhà chưa khép. Bước chân hắn dợm đứng lại, lưởng lự trong giây lát, rồi quày quả bước. Thằng học trò chăn trâu vừa nhớ tới cảm giác rần rật thèm muốn những khi hắn vừa bửa củi vừa nhìn lén cô con gái của thầy ngồi gội đầu dưới mái hiên, từng sợi nước bò trên gò ngực tròn căng sau lớp yếm lụa mỏng ướp mùi hương chanh chùm kết.
Ôn Cửu bị bắt đi biệt tích. Mạ và O Ngâu khóc ròng rã những ngày sau đó. Mụ Cửu đi coi bói, xin xăm, tìm kiếm khắp nơi vẫn không ra tung tích. Gã học trò lầm lì theo Việt Minh thì sau đó nghe đồn đã bị Tây bắn chết trong một trận càn.
Sau hơn một năm mỏi công tìm kiếm, mụ Cửu đành quyết định lập mộ để tang cho chồng, lấy ngày ôn Cửu bị bắt làm ngày tử. Mẹ con vẫn hàng ngày bận rộn lo toan buôn bán nhưng cuộc sống buồn hơn. Ngôi nhà trở nên quá rộng khi đêm về. O Ngâu nhớ cha hay chêm tiếng Tây khi kể chuyện những ngày sống trong Dinh, chuyện hội hè người đông như kiến dịp thiên tử đi thuyền rồng qua sông Hương về Đàn “xanh cu tô” (Đàn Nam Giao) làm lể tế trời. O nhớ tiếng roi mây ôn Cửu đánh gió nghe vun vút, tiếng học trò ngái ngủ đọc bài nghe như tiếng kinh rời rạc.
Việc bán buôn bận rộn đã giúp mẹ con mụ Cửu nguôi ngoai dần theo thời gian. O Ngâu mười tám tươi tắn lồng lộng, mỏi mắt bầy trai phố chợ ngong ngóng ngó theo. Không nói ra nhưng mụ Cửu vẫn thầm chờ ngày mãn tang để tìm lo gả chồng cho con gái.
Chiến tranh Việt Pháp ngày càng ác liệt. Lính Tây đi tàu tuần ngược sông Ô Lâu để kiểm soát ngăn chận Việt Minh từ Mỹ Chánh Quãng Trị lọt về nên ruồng bố cũng diễn ra thường hơn. Chợ búa vắng hoang những ngày Tây đi ruồng. Đàn bà con gái tản mạn trốn ra Bàu Mây, Cồn Én, hay những nơi kín đáo trong làng. O Ngâu vẫn thường là người nhanh chân nhất. Cho đến một hôm, mãi bận rộn chuyện nhà khi nghe tiếng báo động ngó ra thì bóng bầy lính đã thấp thoáng sau bụi tre la ngà đầu ngõ. Nằm dưới gầm giường của mạ, o bặm môi điếng lên vì sợ, mắt căng nhìn từng bước giày đinh của tên lính lê dương xoáy nghiến trên nền gạch. Quá quen thuộc với việc bố ráp hàng ngày, chỉ vài phú sau gã lính đã lôi o Ngâu xềnh xệch ra giữa nhà. Hắn giựt tung hàng nút áo trong tiếng cười man rợ. O Ngâu nghiến răng, cắn nước mắt, quẩy đạp bàn tay thô bạo của gã lính người Âu đang cơn thú vật. Hình ảnh người cha đứng trong lớp học với bầy trẻ nhỏ ê a tiếng Pháp chợt vụt qua trí nhớ của Ngâu gần như cùng một sát na với âm thanh sắc gọn vọt ra từ lồng ngực thanh tân làm gã lính lảo đảo đứng lên. “Ma lát ! Ma lát !”. Hắn kinh hoàng đứng nhìn vùng máu đỏ ối giữa thân người con gái rồi lẩm bẩm câu chưởi thề, tiếc rẻ bỏ đi.
Ngâu bò quay trở vô gầm giường, nằm cắn răng mà khóc cho tới khi mạ lật đật từ chợ chạy về.
Mụ Cửu ôm con, kinh hoàng khóc ngất.
- Không răng mô mạ. Hắn chưa làm chi được con hết.
Bà mẹ lau nước mắt, nhìn Ngâu dò hỏi, rồi chợt hiểu ra khi con gái vói tay lấy cái ống nhổ trầu nằm lăn lóc ở chân giường. O Ngâu ôm mạ mắc cở.
- Con nằm trốn dưới giường mạ, biết đường mô hắn cũng tìm ra, con sợ quá đổ đại nước trầu lên người. Khi hắn kéo con ra, con liều la tiếng Tây với hắn, rứa mà hắn tởm bỏ đi.
Mụ Cửu lại ôm con, thăn thỉ khóc. Ngâu bấu lấy vai mạ, giọng o cũng nhão nước mắt.
- Con không chịu để cho hắn làm chi mô mạ ơi. Hắn mà làm được chi, con cắn lưởi chết liền.
Bà mẹ đở con lên giường. Bà pha nước ấm lau rửa cho con từng phân vuông da thịt nỏn nường. Vết son con gái giữa vùng thân thể non hây hàm tiếu. Mụ Cửu vuốt tóc con gái, yên bụng nói đùa.
- Mạ mi ! O lo mà lấy dôn đi cho rồi.
Nhìn mạ thắp nhang khấn vái bên bàn thờ cha, Ngâu chợt thấy lòng bình tĩnh lạ thường. O bước ra đầu hiên nhà đứng nhìn trời chiều đang chuyển mưa. Từng cụm mây trĩu hơi nước ngập ngừng bay. Gió thổi ruồng qua rặng la ngà xao xác bầy lá tre khô rắc vàng phai xuống ngỏ. Ngâu tự nhũ đừng quên hứng nước mưa để sáng mai gội đầu lúc nàng với tay ngắt trái chanh bên bờ giếng.
Mùa Đông năm Ngâu mười chín tuổi, gió bấc thổi chạnh lòng con gái, làm se cau đôi mày nguyệt lộng thanh tuyền, và co ro dáng người đi trong năm cùng tháng tận. Mỗi sớm mai gió lạnh rợn rờn da thịt từ phía sông Ô Lâu thổi se sắt qua những dãy sạp hàng đã thức giấc từ lâu trước phiên chợ sớm. Hai mạ con mệ Cửu quang gánh rời nhà khi trời còn ướt đẫm sương đêm. O Ngâu mau mắn giúp mạ bày sạp hàng xén rồi bương bả về sạp bánh mứt của mình ở đầu chợ. Ngâu chăm chú làm việc, tay thoăn thoắt bày biện những bịch mứt đủ màu lên chiếc sạp gổ dài nhiều tầng. Chiếc áo len đan màu hoa cà khít khao theo tà áo dài ôm dáng người dong dỏng và khuôn mặt thanh tân với cặp môi cắn chỉ mọng hồng làm Ngâu có nét duyên dáng của một cô gái trong Huế hơn là một thôn nữ bên bờ Ô Giang. O Ngâu vui vẽ nhìn số mứt bánh còn lại cho hai ngày chợ cuối năm. Mới mấy ngày trước đây O đã lo lắng trách mình răng mà thày lay nghe lời mụ buôn hàng sĩ lấy nhiều quá sợ bán không kịp thì lổ hết vốn. Nghe con gái thăn thỉ, thở ra thở vô, mạ đã an ủi.
- Khôn răng mô, ra ngoài Tết cũng còn bán lải rải cho người cúng Đưa Ông Bà, cúng Rằm tháng Giêng. Mạ cười… Cùng lắm, bán không hết, còn chút mô thì hai mạ con mình ăn trừ cơm.
Ngâu lấy rổ trứng gà O gánh theo rạng sáng nay đặt lên chổ trống ở góc sạp. Bầy gà so chịu trống đẻ nhiều không ngạ, tha hồ mà bán. Ngâu thầm nghĩ, cười một mình.
Chợ Mỹ Xuyên những ngày giáp Tết rộn ràng người mua kẻ bán. Sau rặng cây tràm, mặt trời lên lấp lửng vừa đủ hun ấm sương mai đọng thành những giọt nước lóng lánh ở cuối mỗi sợi lá xanh dài đong đưa. Mới nửa buổi chợ mà sạp mứt kẹo của Ngâu đã vơi đi khá nhiều. Người nhà của dì Tứ bán bánh tét, bánh tày cạnh Ngâu cũng đã gánh thêm ra cho đủ bán đến trưa khi chợ vãng.
- Ngâu, có người đương đứng lén coi mặt mi đó tề! Tau thấy hắn lảng vảng từ ngày hôm qua mà quên nói cho mi biết.
Ngâu giật mình nhìn theo ánh mắt dì Tứ về phía góc chợ nơi hai người đàn ông trẻ tuổi, một cao một thấp, đang đứng đó tự lúc nào. O thẹn thùa quay mặt khi tia nhìn nàng chạm vào ánh mắt người thanh niên dáng người cao ráo đang chăm chắm nhìn nàng. Phải rồi, O có thoáng bắt gặp ánh mắt nhìn này đôi lần ngày hôm qua, nhưng chợ búa đông đảo tấp nập, O lại bận buôn bán không để ý tới. Ngâu giấu ý nghĩ mình.
- Dì thì khi mô cũng noái tào lao. Chợ Mỹ Xuyên ni cả trăm, cả ngàn người qua lại, hơi sức mô mà để ý tới.
- Hắn đương chấm điểm mi thiệt mà. Đó! Đó! Mi dòm cho coi. Thằng ni con cái nhà ai mà tướng tá, ăn mặc coi bộ không phải trai làng. Hay là con cháu ai trong Huế về ăn Tết ?
- Tui không dòm mô. Người chi mà …mà cứ chằm hăm dòm người khác, không biết dị.
- Chết cha mi rồi Ngâu ơi ! Hắn đương đi tới đó!
Ngâu cúi đầu, tay lính quýnh sắp sửa những bịch mứt đã yên vị nằm thẳng hàng trên sạp trong lúc tai lắng nghe không sót đối thoại giữa dì Tứ và hai người thanh niên.
- Hai chú mua vài đòn bánh tét về ăn Tết hỉ. Bánh mới vớt, còn nóng ngon lắm.
Có tiếng cười nhẹ của thanh niên thấp người.
- Dạ, O lấy cho tui hai đòn. Còn ôn bạn tui đây thì đương tìm trứng mua về làm bánh ga-tô cưới vợ.
Người thanh niên kia lên tiếng phân trần.
- Vợ thì chưa biết chổ mô mà tìm, không biết mua trứng về để lâu quá có bị chi không O?
- Không răng mô. Trứng tươi để dành được lâu lắm. Chú rứa là tìm ra trúng chổ rồi. O bán mứt ni cũng có bán trứng nữa đó.
Tiếng cười mời của dì Tứ càng làm Ngâu quýnh quáng e thẹn hơn.
- Trứng ni bán ra răng đây O ?
Ngâu chớp mắt nhìn lên. Hai ánh mắt bối rối nhìn nhau chỉ trong một tích tắc mà Ngâu tưởng có cảm giác tê dại lạ lùng chi lạ khắp châu thân.
- Dạ, còn hơn chục trứng gà con so. Eng mua hết tui bán rẻ cho.
Người thanh niên nhìn rổ trứng, đôi mắt cười hiền mà ranh mãnh.
- Trứng đẹp lắm, nhưng mà làm răng tui biết được là trứng con so ?
- Dạ, trứng ni gà so ở nhà đẻ chớ không phải là trứng mua của bạn hàng.
Người thanh niên mua hết rổ trứng thêm vài ký mức sen đắt tiền. Anh ta đứng chăm chú nhìn Ngâu ngượng ngập gói hàng, đếm tiền, mà miệng thì cứ tủm tỉm cười làm Ngâu càng thẹn thùng. Lúc nhận gói hàng từ tay Ngâu, người thanh niên bất ngờ ghé sát người nói nhỏ “O đẹp lắm mà răng người O chua quá !? “. Ngâu sửng sờ, xấu hổ đến rụng rời, chỉ muốn được biến mất khỏi mặt đất để không còn ai nhìn thấy. Dì Tứ nhìn thấy nét buồn bực chợt hiện trên mặt Ngâu, dì thôi cười nghiêm tiếng hỏi.
- Hắn nói chi mà mặt mi ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước rứa ?