Người xưa nói "Trên đời có những thứ không thể mua bằng tiền...", có phải vậy không? Kỳ vương Lại Anh Tùng đang thong thả nhưng không kém phần tỉ mẩn, tỉa gọt các củ trong các chậu hoa Thủy Tiên đặt trên bở tường cao ngang bụng trước hiên nhà. Cái loài hoa khó tính này, nếu mà không biết cách tỉa cho nó thì hoa sẽ không ra theo đúng thời gian và ý muốn của người chơi hoa. Loại hoa mà ngày xưa chỉ có những nhà giàu có mới dám chơi, vì nó không những đòi hỏi có chút công phu của người chơi hoa mà còn quý hiếm và đắt. Hoa Thủy Tiên nở rộ vào mùa xuân về, tiễn chân một năm cũ vào dĩ vãng, là loại cây thuộc loại thân hành, với những chiếc lá mịn màng mọc thẳng và những đóa hoa sáu cánh trắng như tuyết, nhị hoa thì tròn dài như một cái ly màu vàng ở giữa, chung quanh mép lại viền một vòng đỏ thẫm, hương thơm rất nồng nàn và huyền ảo làm cho người thưởng thức khi nhắm mắt lại cảm thấy mình như đang mơ màng ở động tiên.
Kỳ vương cả râu và tóc đều đã bạc phơ, lưng ông cũng đã bắt đầu hơi khòm theo sức nặng của thời gian. Mặc dù vậy, nhìn vào đôi mắt vẫn còn sắc như chim ưng của ông, người đối diện có thể bất giác ngầm kính phục khi thấy hiển hiện trong đó tràn trề một sức mạnh trí tuệ vô biên, một bộ óc thông minh tuyệt đỉnh của vua cờ một thời lừng danh đất Việt.
Kỳ vương là một danh hiệu cao quý mà làng cờ đã sùng bái tặng cho ông, dù cho ông đã không còn thi đấu và cũng như không tham dự bất kỳ một giải cờ nào trong vòng mười năm trở lại đây, kể từ ngày người bạn đường thân thương của ông đã sớm rời bỏ ông đi xa vào thiên thu mãi mãi. Ông bỗng trở nên trầm lặng và thu mình lại trong thế giới riêng của mình. Nhìn lại quãng đường đã đi, ông bây giờ cảm thấy cuộc đời quả thật là phù du, danh lợi kia rồi cũng như khói mây, tan thành hư vô khi mà một ngày nào đó ông giã biệt cuộc đời này. Niềm vui đối với ông bây giờ chỉ còn lại hai thứ, một là đứa con gái cưng của ông và hai là những chậu Thuỷ Tiên mà ông đang chăm sóc.
- Vào ăn cơm ba ơi. - Tiếng cô con gái vang lên đằng sau lưng ông.
Hai vợ chồng ông lấy nhau bao nhiêu năm, chỉ được có mỗi một mụn con gái. Thời trẻ ông lang bạt khắp chốn cho đến hơn bốn mươi tuổi đầu ông mới lập gia đình khi gặp bà. Vì thế, bạn bè quen biết hay vui đùa chọc ông:
- Cha già con muộn chơi vơi
Cha làm thấy tổ con chơi tối ngày.
Ông nghe rồi chỉ cười khà khà đáp lại. Mình sinh con ra thì phải cố gắng mà lo cho nó khôn lớn nên người, cũng như cha mẹ mình đã nuôi mình, chứ ai lại mong sau này nó lớn khôn quay lại đáp đền công ơn của mình chứ, rồi đến lượt nó cũng sẽ phải cố gắng mà lo nuôi dạy con cái của nó cho nên người. Một vòng quay cuộc đời của kiếp nhân sinh. Ông bây giờ chỉ mong cho nó có tấm chồng đàng hoàng là ông thấy mãn nguyện rồi.
Rửa tay bước vào nhà, nhẹ nhàng ngồi xuống trước mâm cơm còn bốc khói, ông âu yếm tràn đầy yêu thương nhìn đứa con gái ngoan. Nó thật là giống mẹ như đúc, một khuôn mặt trái xoan với cái mũi dọc dừa xinh xinh còn lấm tấm mồ hôi khi làm bếp. Khi bà ra đi, ông lui hui xoay đủ thứ nghề, gà trống một mình nuôi con khôn lớn và nên người. Hiện giờ nó đã có công ăn việc làm ổn định, là nhân viên ở một đơn vị kinh doanh của nhà nước, cũng đã có thể tự lo chăm sóc cho bản thân của nó, làm cho ông cảm thấy nhẹ nhàng đi đôi chút khi mà tuổi già đã sồng sộc kéo tới. Cô đang gắp miếng cá bỏ vào trong chén của ông:
- Ăn đi ba, loại cá này béo lắm đó.
Ông mỉm cười, cầm đũa khẽ và miếng cơm lẫn cá vào miệng, trong lòng thầm cảm ơn trời đất đã ban cho ông một đứa con gái xinh đẹp và hiếu thảo. Đôi mắt ông chợt nhìn qua chén cơm vun đầy trên chiếc ghế trống, là chén cơm dành cho bà, tự nhiên ông cảm thấy chạnh lòng khi nhớ tới vợ. Bà đã bỏ cha con ông mà đi vào một chiều đông giá lạnh, khi mà hai kẻ say chạy như điên đã tông thẳng vào bà làm cho bà ngã đập đầu xuống đường. Lúc hay tin, ông như chết nửa thân người, vội vàng vào tới bệnh viện, chỉ còn kịp nhìn ánh mắt tiếc nuối của bà lần cuối, như một lời gởi gắm lại cho ông cố gắng nuôi dạy đứa con gái. Mắt ông chợt rưng rưng, ông thả nhẹ chén cơm xuống rồi nhìn xa vắng. Cô con gái thấy ông như vậy cũng buông đũa:
- Ba à. Lại nhớ mẹ nữa rồi sao?
Ông chợt giật mình cười gượng như hối lỗi, và ông lảng qua chuyện khác sợ làm cho con gái buồn theo.
- Ăn đi con. Ba già rồi nên nhiều lúc cứ hay nghĩ đâu đâu. À. Công việc của con dạo này thế nào? Với lại chưa có anh nào lọt vào mắt xanh con gái của ba hả?
- Ba ơi. Ba không sợ con lấy chồng rồi thì lấy ai mà săn sóc cho ba sao? - Cô gái cười.
- Con lo cái gì chứ? Con gái lớn thì phải lấy chồng, con mà không lo sớm kẻo rồi ở giá một mình bây giờ. - Ông doạ con gái.
- Hì hì. Con còn chưa nghĩ tới chuyện đó đâu ba, mà con nếu có ưng ai thì cũng phải bắt anh ta ở rể con mới chịu. - Cô cười khúc khích.
- Sao lại bắt anh ta ở rể? - Ông cũng cười giả bộ thắc mắc nhưng lòng cảm thấy êm ái.
- Ba này. Ba đã biết rồi mà còn hỏi?
Có tiếng xe máy chạy vô nhà, cô con gái lật đật bỏ chén xuống, vội chạy ra sân xem khách nào tới. Ông vẫn ngồi yên lặng và từ từ ăn hết chén cơm. Cô gái lúc này chạy xuống nhà bếp nói với ông:
- Bác Chủ tịch Hội cờ tướng.
Ông hơi mừng rỡ khi nghe tin báo của con gái, đã lâu rồi ông Chủ tịch Hội chưa ghé thăm ông, hai người vốn dĩ là bạn thân với nhau. Sau khi bắt tay thăm hỏi xã giao, ông Chủ tịch Hội vào thẳng vấn đề:
- Anh có còn nhớ Thẩm Tự Thành không?
- Ai? - Ông chợt giật mình.
- Thẩm Tự Thành, biệt danh Long Đại ca, đứng đầu trong nhóm Ngũ Hổ Tướng của Trung Quốc. - Ông chủ Hội nhắc lại lần nữa.
- Thật tình là tôi không nhớ? - Ông lắc lắc đầu một cách vô ý thức, nhưng mà trong đầu ông lúc này lại hiện ra hình ảnh một thanh niên dáng gầy gò, đẹp trai, đeo một cặp kính cận dày cộp của hơn hai mươi năm về trước.
- Thẩm Tự Thành bây giờ coi như là một trong những ông vua cờ hiện nay của Trung Quốc, cùng với bốn người nữa được thiên hạ thành kính suy tôn là Ngũ Hổ Tướng của nước bạn. Qua Việt Nam lần này, ông ta đi cùng với một đoàn văn nghệ sỹ của nước bạn sang giao lưu văn hoá với nước ta. Thẩm Tự Thành lấy tư cách cá nhân đã gởi một bức thư đến Hội, chỉ đích danh anh xin được cùng bàn luận học hỏi về cờ tướng. - Ông chủ Hội vừa nói vừa theo dõi thái độ của Kỳ Vương.
- Khiêu chiến thì đúng hơn. - Ông buột miệng, trong đầu thoáng nhớ lại trận đấu ngày xưa, trận đấu mà đã đưa tên tuổi của ông vào lịch sử cờ tướng nước nhà.
- Đúng vậy. Đúng là khiêu chiến. - Ông chủ Hội cũng gật đầu đồng ý và đưa mắt nhìn ông như ngầm hỏi:
- Anh tính thế nào?
- Còn thế nào nữa? Dù đã lâu rồi tôi không còn đụng đến cờ, nhưng mà không thể không nhận lời. - Ông nhìn ông chủ Hội mắt chợt lóe sáng đầy ý nghĩa.
- Phải thắng. - Mắt ông chủ Hội cũng lóe sáng.
- Cũng chưa thể biết được? Ngày xưa với bây giờ đã hoàn toàn khác nhau xa, nhưng...tôi...tôi sẽ cố gắng hết sức mình. - Ông hơi trầm ngâm nhưng sau đó vươn vai đáp lại một cách đầy mạnh mẽ. Nhìn ông lúc này, ông chủ Hội liên tưởng đến con chim ưng sau giấc ngủ dài đã thức dậy và đang sẵn sàng tung cánh...
*****
Tin Kỳ vương tái xuất làng cờ để thi đấu với người đứng đầu Ngũ Hổ Tướng của nước bạn nhanh chóng lan truyền khắp hang cùng ngõ hẻm. Giới mê cờ thì thôi khỏi phải nói làm gì? Ngay cả những người còn chưa biết mặt mũi của con Tướng tròn hay méo, vốn lâu nay còn bận xuôi ngược bon chen lo kiếm tiền, cũng sôi nổi hồ hởi bàn luận mỗi khi họ gặp nhau. Tinh thần thượng võ và tự hào dân tộc bỗng bừng bừng trỗi dậy, mọi người giờ đây đã tạm gác những chuyện thù hằn riêng tư, những ích kỷ nhỏ nhen đố kỵ hàng ngày để cùng nhau đoàn kết một lòng đứng sau lưng cổ võ cho Kỳ Vương.
Giới truyền thông cũng nhanh chóng lao vào cuộc. Hàng ngày tin tức liên tục được cập nhật và thông báo tỉ mỉ cho mọi người về nhất cử nhất động của hai vị Đại cao thủ. Ngay cả cái hắt hơi của vị khách nước bạn cũng không bỏ sót, với lý do là vì không quen thủy thổ, trời ban đêm hơi lạnh, bụi bặm hơi nhiều...do làm đường, nên đã làm cho vị khách quý phải...ngứa mũi phát hắt xì hơi.
Trận thi đấu được long trọng tổ chức trong nhà thi đấu của Thành phố. Vé bán ra đã nhanh chóng được đẩy lên giá cao ngất ngưỡng, mà vẫn cháy không còn vé để bán, trong khi người mua cứ ùn ùn đổ về. Ban tổ chức đành phải tính toán kê thêm ghế súp và cho bán thêm cả vé đứng, nhưng rồi cũng vẫn hết vé. Mấy ông bầu sô ca nhạc khi hay tin phải lắc đầu than thầm, giá như...giá như...Kỳ Vương...cũng biết hát thì hay biết mấy?
Giới cá độ cũng đánh hơi ráo riết nhập cuộc một cách không e dè. Một tỷ lệ chấp được đưa ra dựa vào những thông tin nóng hổi xoay quanh hai Đại nhân vật này là 4:6, nghĩa là đặt cho khách sáu đồng thì thắng 4 và ngược lại. Tất nhiên là...hầu như mọi người đều đặt cửa cho Kỳ Vương thắng.
Cuối cùng rồi thì ngày đó cũng tới, giữa sân nhà thi đấu được bố trí một bàn cờ khổng lồ lớn và to gấp ba lần bàn bóng bàn, những quân cờ thì to như một cái nồi cơm điện. Ngoài ra, ở góc xa trên tường bố trí một bàn cờ phẳng treo đứng, mọi người ngồi ở xa có thể nhìn vào bàn cờ này thay vì phải nhìn xuông bàn cờ hai đối thủ đang thi đấu. Ở ngoài sân nhà thi đấu bố trí một màn hình truyền hình trực tiếp, cho những người không có vé có thể đứng ngoài được xem. Lẽ tất nhiên là trận thi đấu cũng được truyền hình trực tiếp lên ti vi trên cả nước.
Cả hai Đại cao thủ tiến vào sân thi đấu trong tiếng reo hò cổ vũ rầm trời của khán giả. Kỳ Vương ăn bận giản dị với áo sơ mi trắng đóng thùng, giơ hai tay chào khán giả. Còn vị khách quý thì to béo bệ vệ trong bộ comple sang trọng, trên khuôn mặt béo tốt đầy tự mãn của ông ta, ánh mắt loang loáng sau cặp kính cận, đảo nhìn quanh sân thi đấu và vừa giơ tay chào khán giả ông vừa nở một nụ cười nhạt. Kỳ Vương tiến tới lịch sự bắt tay đối thủ, ông nở một nụ cười điềm đạm:
- Đã lâu rồi nhỉ?
- Ừ. Đã lâu rồi. - Đối thủ của ông đáp lại. Thẩm Tự Thành lắc lắc tay ông một cách cởi mở rồi nói tiếp:
- Kỳ Vương vẫn khỏe chứ.
- Khỏe. Nhưng tay chân cũng bắt đầu run rẩy rồi, còn Long Đại ca cũng khỏe cả chứ. - Ông nheo mắt cười.
- Tất nhiên rồi. Cũng như anh thôi, cũng đã không còn minh mẫn được như xưa. Nhưng ngày nào còn sống thì tôi vẫn còn ước ao được một lần đấu lại với anh, dù có chết cũng thỏa lòng. - Giọng ông ta vang lên một cách trịnh trọng.
- Ấy. Anh đừng có nói gở chứ, chỉ là đánh cờ như giải trí thôi mà. - Ông hoảng hồn vội thốt ngăn lại.
- Nhưng trong cuộc đời tôi, chỉ có anh mới thật sự xứng đáng được tôi coi là đối thủ của mình. - Ông ta nhấn mạnh từng chữ.
- Anh lại quá đề cao tôi rồi. Thôi, xin mời anh. - Ông chìa tay về phía trước.
Ván thứ nhất bắt đầu trong sự hò reo phấn khích của khán giả. Ông trọng tài phải nhắc nhở mọi người trong nhà thi đấu không được làm ồn trong khi hai người thi đấu và cảnh báo sẽ cho người mời ra khỏi nhà thi đấu nếu còn tái phạm. Mặc dù vậy, mọi người vẫn tiếp tục hò reo cho đến khi hai người đi vài nước đầu tiên mới trở về im lặng chăm chú theo dõi. Chẳng mấy chốc, cả hai bên đã qua hơn mười nước cờ khai cuộc. Hai bên ngồi trên ghế cao chỉ có việc hô nước đi của quân cờ, đã có hai người ở hai bên cầm sẵn cây móc vào những quân cờ để đi cho họ.
- Bình phong Mã. - Kỳ Vương bỗng trầm ngâm, thế khai cuộc của đối phương hoàn toàn bình thường, nhưng ngầm ẩn trong đó sức mạnh vô biên kín kẽ. Đối thủ của ông đã có những tiến bộ đáng kể kể từ khi gặp ông lần cuối cách đây hai mươi năm. Dĩ vãng như một cuộn phim quay chậm hiện lại từ từ trong mắt ông như mới ngày hôm qua...
Giải cờ năm đó qui tụ gần như hầu hết các danh cờ khắp cả đất nước. Tuy giá trị của giải thì không cao nhưng lại là lần đầu tiên, sau bao năm đất nước bị chia cắt đã nối liền một dãi, các danh cờ từ khắp nơi có dịp cùng nhau hội tụ về so tài. Ông khi đó hãy còn vô danh nhưng đã lần lượt hạ tâm phục khẩu phục từng người một để tiến vào trận chung kết. Trận chung kết diễn ra giữa ông và một thanh niên gốc Hoa, dáng người gầy gò nhưng đẹp trai với cặp kính cận càng tôn thêm vẻ trí thức, càng vào sâu trong giải càng đánh hay, loại những tay cờ sừng sỏ một thời, nên đã được mọi người đánh giá rất cao là sẽ đoạt ngôi quán quân với những nước cờ thông minh và hiểm hóc. Nhưng bằng vào trực giác và kinh nghiệm, ông biết đối thủ của mình có vẻ nôn nóng trong những nước cờ để hạ gục đối phương, vì thế ông khôn khéo dằng dai đưa về những thế cờ tàn vốn là điểm mạnh của ông và cuối cùng ông đã chiến thắng dù rất chật vật. Người thanh niên đó chính là Thẩm Tự Thành...