Đêm ở Tháp Mười, tôi cứ ngỡ là bầu trời cao hơn ở những chỗ khác. Cánh đồng mênh mông đắm chìm trong sương mù, rì rầm như sóng biển. ấy là cái tiếng nói muôn thuở của gió lùa qua biển cỏ. Tháng tư rồi, Tháp Mười vẫn chưa mưa. Ban ngày nắng chói chang, đêm đến cánh đồng mát rợi, lộng gió. Không bị ngăn cách bởi cây cối, gió thổi rất mực hào phóng. Còn hai tiếng đồng hồ nữa đơn vị xuất phát. Tôi nằm trong trại ruộng, bên cạnh những chiến sĩ rất trẻ. Hựu, trung đội phó nằm bên tôi mới có hai mươi ba tuổi. Sau khi phổ biến cho tôi kế hoạch trận đánh có thể sẽ nổ ra rạng ngày mai, Hựu nói thêm: - Tôi tin chắc thế nào tụi nó cũng ào ạt cho trực thăng đổ bộ để chặng đường cái B đi pháo kích đồn. Nó biết mình chỉ rút về đường đó. Mình sẽ sẵn sàng đợi nó tại chỗ nó muốn hại mình. Anh sẽ có dịp thấy "săn phượng hoàng" là thế nào! - Tôi rất muốn nhìn tận mắt một trận đánh như vậy - Tôi nói, giọng khấp khởi. Hựu bảo tôi: - Mê lắm anh à. Một khi chúng ta đã dọn kỹ cái chỗ đợi nó xuống và nhứt là khi chúng ta có một đội hậu bị mạnh. - Đội hậu bị nào? Tôi hỏi. - Cái B đi pháo kích đó! Hựu tiếp lời, sau khi ngừng lại một chút: - Ngoài ra còn một đội hậu bị thứ hai nữa. Đội này mới thiệt là mạnh... Liền lúc ấy, tôi có cảm giác Hựu cười trong bóng tối. Cảm giác đó chỉ mới thoáng đến với tôi thì anh ta nói sẽ vào tai tôi: - Bà con sẽ đốt khói... Có lẽ sẽ có Quế... - Quế là ai? - Vợ... à không, như vậy... gọi là gì, người yêu hoặc vợ chưa cưới à? Hựu tự hỏi, rồi lại thở dài đáp lời mình: - Không, sao tôi không muốn gọi thế... Giọng anh trở nên lúng túng và anh chợt ngừng lại. Trại ruộng lặng lẽ đón gió lùa qua. Một số chiến sĩ đã cất tiếng ngáy dưới làn gió mát mẻ đó. Tôi chờ Hựu nói tiếp. Tôi tin chắc thế nào anh cũng sẽ nói. Nhưng tôi vẫn im lặng không giục. Hầu như là gần đây tôi đã tập quen để có được sự bình thản ấy, cái mà người ta gọi là bản lĩnh của sự chờ đợi. Tôi nhìn ra ngoài trại. Xa xa phía chân trời có ánh lửa đốt đồng. ánh lửa nô giỡn ở ven đồng khác nào như một con rắn lớn, nó cứ trườn và hắt ánh đỏ ngời lên nền trời đêm xanh lam. Một chiếc xe trâu đi ngang qua, cắt hình in lên nền trền pha lửa ấy. Có thể thấy đôi sừng cong vút, chiếc xe nghiêng lắc lư, và tiếng bánh xe gỗ bịt sắt, lăn trên đất nẻ, nghe giòn và khô.
Thình lình Hựu day qua ôm ngang lưng tôi. Tôi hỏi: - Cô Quế mà anh nói năm nay bao nhiêu tuổi? - Mười chín. - Quê cô ấy ở đâu? Hựu nhổm dậy kéo tay tôi chỉ ra phía đồng: - ở ven cây bên kia. Ban đêm không thấy chớ ban ngày thì thấy rõ. Mai, mai mình sẽ đi ngang qua đó... Anh ơi, khi tôi biết cô ấy thì cô ấy hãy còn bé, mới có mười sáu tuổi. Phải, lúc đó cô ấy là một cô bé. Gan lắm. Ngày cô ấy bị thương ở vai máu chảy đầm đìa nhưng cô ta không khóc, không kêu một tiếng. - Tại sao vai cô đẫm máu, trúng đạn à? - Không, bị chúng nó đâm anh à, đâm bằng chĩa... Ôi, bây giờ nhắc lại... Anh trung đội phó trẻ tuổi cào cào lên tóc: - Lúc đầu, tôi chỉ thương mến cô ấy như một đứa em... Trong năm năm chín đen tối, tôi mới có hai mươi tuổi, tôi phụ trách thanh niên xã, suốt ngày ở dưới hầm. Thời kỳ đó, tụi "bảo vệ hương thôn", tụi "công an" đầu hớt cua còn lộng hành lắm. Chính Quế lén lút đem cơm nước cho tôi. Quế mồ côi từ nhỏ. Cô sống với bà ngoại. Cái hầm của tôi chỉ có Quế và bà ngoại của Quế biết. Chúng nó kiếm bắt tôi dữ lắm. Tụi nó bảo nhau rằng tôi chỉ lẩn quẩn ở đâu đấy thôi. Rồi chúng nó thay phiên nhau rình từng nhà, rình cả ban đêm. Một lần đó, Quế nấu cơm và tờ mờ sáng đem cơm ra cho tôi... Hựu mới kể tới đây, chợt trong đêm tối, từ ngoài ruộng bên kia có tiếng chân người đi qua. Một chiến sĩ vào hỏi: - Đồng chí B phó đâu? - Tôi đây. - Anh C trưởng nói chúng ta có thể xuất phát sớm hơn một chút. Anh bảo đánh thức anh em dậy. Mười lăm phút nữa lên đường. Hựu và tôi ngồi dậy. Tôi coi đồng hồ. Chín giờ rưỡi. Trong trại ruộng, các chiến sĩ đã được gọi thức. Có tiếng ngáp, vẻ tiếc giấc ngủ đương ngon. Một chốc sau, tất cả đã chuẩn bị xong. Hựu nói: - Các đồng chí kiểm điểm lại coi có quên gì không?
Tôi bấm đèn pin soi gian trại. Chỉ còn lại rợm trải đất. Hai trung đội lên đường một hàng dọc, cự ly mỗi người cách nhau năm thước. Con đường dẫn tới vị trí chuẩn bị công sự cũng không xa lắm. Qua một quãng đồng trống chừng năm cây số là cùng. Chỗ này cách bót Hiệp Thạch độ bốn cây số. Từ bót Hiệp Thạch rút về mí vườn phải băng ngang cánh đồng này. Các chiến sĩ bắt tay đào công sự. Hai trung đội bố trí công sự rải hình cánh én. Cỏ phủ một lớp dày trên đồng. Anh em vạch cỏ đào công sự, đào xong phủ cỏ lại. Cỏ được vuốt lên y nguyên như cũ. Tôi với Hựu ở chung một hầm. Nhưng bây giờ chưa có ai xuống hầm cả. Đồng vắng, tình hình địch không có gì, trừ anh nào hút thuốc thì xuống hầm hút. Tôi ngồi trên mặt hầm một lúc rồi nhảy xuống. Tôi hỏi Hựu: - Hút thuốc không? - Hút. - Xuống đây. Hai chúng tôi ngồi trong hầm, lưng dựa vào nhau. Ban nãy Hựu cẩn thận phủ dưới đáy hầm một lớp cỏ khô nên ngồi rất êm. Sương xuống lạnh, ngồi dưới hầm tôi thấy ấm cúng. Hựu mồi thuốc, nói: - Tình hình chưa nghiêm ngặt, tranh thủ làm một điếu, để tới rựng sáng thì không được đốt thuốc nữa đâu. Nói xong, Hựu đưa điếu thuốc lên rít một hơi, từ từ nhả khói ra đằng mũi. Anh bảo: - Hồi đen tối, ở dưới hầm tôi phải bỏ thuốc. Đêm đến lên bờ ngủ cũng không hút được. Cái giống thuốc này ban đêm tụi địch đi tuần, hút, sáng ngày ra đồng mình quờ tay khoát nước ở mấy vũng cạn gần đó đưa lên mũi ngửi thì biết ngay. Hựu dựa lưng vào vách hầm, hút hết điếu thuốc, rồi nói tiếp: - Bây giờ ngồi dưới hầm, nhớ hồi đó quá. Tôi cứ nghĩ là... - Hồi nãy cậu nói cô Quế đem cơm cho cậu, tụi nó theo, rồi sao? - à, để tôi nói... Quế tìm tới nắp hầm tôi gõ ám hiệu. Tôi mừng rỡ đẩy cửa hầm lên. Nghe Quế ra tôi mừng lắm. Tôi bảo: "Quế xuống đây, tôi hỏi thăm tình hình một chút". Quế chui xuống. Tôi một tay hạ nắp hầm, một tay với lên khỏa lá tre phủ miệng hầm. Quế ngồi nép bên tôi. Thấy áo tôi rách, Quế bảo tôi cởi ra, rồi móc túi lấy kim chỉ vá. Tôi mở gói cơm ra ăn. Quế ngồi vá áo thầm trong bóng tối lờ mờ, sụt sịt khóc. Tôi biết Quế thấy tôi ở hầm cực khổ nên khóc. Tôi bảo: - Đừng thèm khóc, Quế à.
Tôi mới nói thế thì bỗng nghe trên mặt đất có tiếng chân giẫm thình thịch. Tôi nắm tay Quế khẽ bấm nhẹ một cái. Không ai bảo ai, tôi và Quế đều ngước mắt lên. Hầm tối, chỉ có ba lỗ thông hơi là để lọt vào một ít ánh sáng. Chúng tôi nín thở lắng nghe. Có tiếng chà gai tre bị kéo rột rẹt trên miệng hầm. Thình lình, tôi nghe "phụp" một cái. Một mũi chĩa từ nắp hầm xiên chếch qua giữa đầu tôi và Quế. Tôi rút chốt an toàn lựu đạn. Kế đó một mũi chĩa thứ hai xom xuống. Mũi chĩa này đâm trúng vào vai Quế. Trong ánh sáng mờ mờ của gian hầm, tôi thấy Quế bặm chặt môi lại. Tình thế ấy chỉ còn có cách là mở tung cửa hầm xông lên ném lựu đạn rồi giải thoát. Nhưng tôi vừa mới chồm dậy thì Quế đã kéo nhẹ tôi lại. Quế bình tĩnh rút chiếc khăn sọc quàng cổ, áp nhẹ tấm khăn vào mũi chĩa đang cắm phập trong vai cô. Đợi chúng rút chĩa lên, Quế đưa chiếc khăn khéo léo vuốt sạch máu ở mũi chĩa... Đến lúc mũi chĩa rút lên khỏi miệng hầm rồi, tôi mới nghĩ là hầm chưa bị lộ. Chính Quế đoán biết điều ấy trước tôi nên cô mới kéo tôi lại và cẩn thận vuốt sạch máu ở mũi chĩa. Sau đó, không có một mũi chĩa nào xom xuống nữa. Tôi đỡ lấy Quế. Mặt Quế tái lại. Tôi sờ vai cô, liền thấy tay mình ướt máu. Máu Quế chảy nóng cả ngực tôi. Tôi vội quờ quạng lấy khăn buộc vết thương cho Quế. Lâu sau, không nghe động tĩnh gì. Quế thì thào: "Nó đi rồi!". Hựu kể tới đây, anh thở rít, lắc đầu: - Tối đến, tôi đưa Quế lên khỏi hầm. Máu ra nhiều, Quế đau quá không nhấc tay lên nổi, nhưng Quế không khóc. Sau này lúc tôi với Quế gắn bó không rời ra nữa rồi, có lần Quế bảo: "Đó, anh thấy không, chẳng qua vì thương anh nên Quế mới khóc, chớ lúc tụi nó xom trúng, Quế có khóc đâu!". Nói sao nghe mình muốn chết đi được! Tôi buột miệng chắc lưỡi. Hựu lại nói: - Sau đó có đến mươi hôm tôi không gặp mặt Quế. Bà ngoại Quế thay Quế đem cơm cho tôi suốt thời gian Quế bị vết thương hành hạ. Đến lúc vết thương lành rồi Quế lại đem cơm cho tôi. Nói thiệt với anh, lúc đó không ngăn được tình thương mến dâng lên trong lòng, tôi ôm chầm lấy Quế, vừa hôn vừa khóc. Quế đỏ mặt, khẽ bảo tôi: "Đó, anh khóc đó... nhớ nghe!". Thiệt tình là tôi có khóc và tôi nhớ chớ quên sao được. Sau đó, Quế vén áo cho tôi coi vết thương mới hàn miệng ở vai, nói gọn lõn: "Lành rồi!". Nhưng khổ một nỗi là cánh tay phải ấy của Quế về sau này không thể nhấc lên mạnh được...
Hựu kể xong, dừng lại hỏi tôi: - Đó, vậy đó... anh thấy sao? Tôi nhổm lên, nói như gắt: - Còn thấy sao nữa, một cô gái như vậy thật là hiếm. Cưới mau mau đi. Nhưng tôi lại vội nói: - Nhưng cậu còn trẻ... Một cô gái như vậy thì không sợ mất đâu. Hựu chép miệng: - Mấy tháng nay rồi không gặp... - Chừng gặp, giới thiệu cô ấy cho tôi biết nhé! Hựu gật đầu. Anh hỏi tôi: - Mấy giờ rồi? Hai giờ. - Anh ngủ đi!
Tôi nghe lời Hựu dựa lưng vào vách hầm, nhưng không ngủ. Tôi không tài nào ngủ được, vì lẽ cuộc phục kích sắp nổ vào rạng ngày và vì câu chuyện về người yêu của anh trung đội phó. Tôi cứ mường tượng ra vẻ mặt của cô Quế mà cả tin rằng cô phải đẹp, hoặc không đẹp thì không thể nào xấu được. Qua những kẽ hở nhỏ của lớp cỏ che miệng hầm, tôi nhìn bầu trời, nhìn những ngôi sao lấp lánh. Đêm Tháp Mười thật là kỳ ảo, với câu chuyện cô gái nọ, với ánh lửa đốt đồng và tiếng cỏ xạc xào trong gió. Tất cả những cái ấy đến trên cánh đồng yên tĩnh đang nhuốm màu lãng mạn trước buổi bình minh sắp hé ra rực lửa. Song sự yên tĩnh ấy kéo dài chẳng bao lâu. Tôi bắt đầu nghe từ phía bốt Hiệp Thạch vọng đến tiếng "mọt chê" ùng oàng. Hựu nói: - Nổ rồi, B một bắt đầu rồi! Tiếng "mọt chê" ngày càng nổ dồn. Trung liên địch rộ lên roành roạch. Hựu xua tay: - Có thể kiếm chác chút đỉnh. Nhưng không cần, cốt sao cho nó dẫn bè lũ lại đây thôi!