Chỉ mục bài viết |
---|
Gương Vỡ |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
- Anh Hai, nhà có khách.
Bốn đứa nhỏ đón tôi ngay đầu hẻm. Thằng Hải thì thào:
- Em nghe má kêu là bà chủ rồi má bảo tụi em đi ra ngoài chơi.
- Hằng đâu?
- Chị ba mới về trước anh chừng mười phút – Con Hạnh chỉ tay - Ở trong nhà với má.
Một nỗi lo lắng mơ hồ thoáng hiện, tôi dẫn bốn đứa nhỏ đi nhanh về nhà.
Má và người đàn bà sang trọng ngồi đối diện nhau. Hằng đứng sau lưng má, mặt nó đỏ bừng, mắt tóe lửa nhìn bà khách với vẻ căm hờn không giấu giếm. Trái lại, mặt má mét xanh, giọng má vẫn bình tĩnh:
- … Tiền mẹ con tôi đi làm mỗi tháng cũng đủ sống rồi, bà chủ, tôi làm cho bà hơn nửa năm nay chưa từng có chuyện này xảy ra, tại sao bà chủ không tin tôi…
Bà chủ ngắt lời:
- Chính vì tin, tôi mới để chị một mình ở nhà cả buổi… Chị ba à, tôi cũng hiểu hoàn cảnh gia đình chị nhưng thật tình tiền đó người ta gởi chứ không phải tiền của tôi, nếu như chị có lỡ…
Cửa nhà bật tung, tôi xông vào. Thấy tôi, con Hằng nhào tới:
- Anh Hai, bà này dám đổ cho má lấy tiền của bả - Nó khóc ngất – Anh nói chuyện với bả đi, anh hai…
Tôi đứng đối diện với người đàn bà cao sang và xa lạ, giận dữ làm toàn thân tôi bốc lửa:
- Xin lỗi, bà lấy quyền gì dám xúc phạm đến má tôi? Nếu bà không xin lỗi ngay, thì cho bà biết, dù bà “có là cái thá gì đi nữa “, tôi cũng không tha bà đâu!
Người đàn bà ngó tôi từ đầu đến chân bằng cặp mắt dò xét:
- Cậu là con trai lớn của chị ba đây hả?
- Phải, và năm đứa này nữa – Tôi đưa cao tay hét – Chúng tôi dám lấy mạng thề trước bàn thờ là má không bao giờ làm chuyện xấu xa đó! Không bao giờ!
- Không bao giờ! - Hạnh rít lên - Nếu bà đi hỏi thì cả xóm này cũng sẽ thề như vậy.
Người đàn bà cười lạt:
- Tôi có hỏi rồi, nhờ hỏi mới biết, cậu vừa đậu hệ B đại học bách khoa, học phí là năm trăm ngàn đồng, đúng không – Bà ta nhìn tôi chòng chọc – Tôi cũng mất năm trăm ngàn đúng vào hôm chị ba xin nghỉ đóng tiền trường cho cậu…
Tôi cười khẩy:
- Đó là lý do bà bảo rằng má tôi ăn cắp?
- Tôi đã giao nhà cho chị ba giữ cả buổi chiều, buổi tối trước khi về mẹ cậu xin phép nghỉ, và sáng hôm sau tôi phát giác ra bị mất tiền.
- Tiền đó là của má với chị ba để dành.
Không để ý đến lời hạnh, bà chủ thản nhiên tiếp:
- Cách đây một tuần, mẹ cậu có khóc với bà tư hàng xóm, vì không biết tìm đâu ra tiền đóng học phí cho cậu nếu như thật sự trong nhà đã sẵn năm trăm ngàn, thì có cần phải khóc như vậy không? – Đôi mắt sáng quắc của bà chuyển từ tôi sang má – tôi biết, chị là người mẹ thương con, dám hy sinh vì tương lai hạnh phúc của con mình, kể cả…
- Nói láo! Nói láo! Má tôi không bao giờ làm chuyện đó! Không bao giờ! Không bao giờ!
Hằng đột ngột gào lên, nó nhào tới bên má, vừa khóc vừa hét:
- Má, tiền đó má nói là của con với má đi làm để dành mà? Má không bao giờ thèm ăn cắp, phải không má? Má đã từng dạy con phải sống sao cho ba hãnh diện vì cả nhà mình mà? Phải không má? Má… má nói đi! Má ơi!…
Trong một giây, mắt của tôi và má gặp nhau. Trong một giây, tôi chợt thấy nỗi kinh hoàng hiện lên trên mắt má. Và chỉ sau một giây, nỗi kinh hoàng đó đã quấn lấy tôi. Tôi mở miệng, không còn giận ra giọng của mình:
- Con Hằng đang hỏi má kìa, má có nghe không? Tại sao má không trả lời?
Bà chủ lắc mạnh tay má:
- Chị ba, chị lấy năm trăm ngàn ở đâu? Nói đi!
- Tôi… Tôi… của một người cho tôi mượn… - Đôi môi tái nhợt run lên – Hùng… con phải tin má…
- Nghĩa là không phải do chị dành dụm phải không? Chị mượn của ai? Người đó ở đâu?
Mắt má vẫn chưa rời tôi bối rối, hoang mang, hoảng sợ.
- Của một người… nhưng tôi không nói được… Hùng ơi…
- Tại sao vậy? Nếu không nói tiền đó của ai và ở đâu, thì làm sao chứng minh được chị không ăn cắp tiền của tôi?
- Má! Tại sao má không trả lời? Má nói là tiền của con với má để dành đi! - Hằng vẫn gào thét – Má nói đi! Má!
- Tôi không nói ở đây được – Đôi mắt vẫn dán chặt vào tôi một cái nhìn van lơn kỳ lạ - Làm ơn đừng ép tôi nói… Đừng…
Má càng luống cuống, bà chủ càng hỏi dồn:
- Vậy thì đúng lả chị ăn cắp tiền của tôi rồi! Sao chị không nói gì hết vậy chị ba? Chị trả lời đi chứ!
Hai tay ghì chặt thái dương, má nhắm nghiền mắt, lảo đảo. Hằng rú lên hãi hùng, bốn đứa em cũng khóc thét, nhào đến xúm quanh một thân hình vừa đổ gục.
Xóm làng náo động, tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng chửi rủa, rồi tiếng còi inh ỏi của xe cứu thương… mọi âm thanh góp sức nhau tạo nên một cảnh hỗn loạn kinh hoàng.
Trong bối cảnh đó, không ai chú ý đến một người vừa lầm lũi bỏ đi, âm thầm như cái bóng.
Đêm ập xuống, bóng tối vây chặt quanh tôi đến nghẹt thở.
Kiên nhẫn của tôi cạn dần sau mỗi phút trôi qua, con hẻm nhỏ vẫn vắng tanh không một bóng người qua lại. Những bước chân bồn chồn lôi tôi đến trước ngôi nhà nghèo nàn cũ kỹ. Sự vắng lặng của nó càng khiến tôi thêm hoảng hốt. Không kịp suy nghĩ, tôi đẩy cửa, bước vào.
Hằng nhìn thấy tôi trước.
Nó lặng người, dán vào tôi một cái nhìn nghi ngại, rồi thì thào, như không còn hơi sức.
- Anh hai? Trời ơi… anh hai về? Anh hai…
Nó khóc òa trên cánh tay tôi, tiếng khóc như mưa gió làm tôi bủn rủn:
- Má đâu? Má có sao không? Má đâu rồi?
Hằng giật mỉnh, nín khóc, và vùng khỏi tay tôi:
- Má? Má ở trong buồng, đi thăm má đi! Nhanh lên! Trời ơi má nhắc anh suốt ba ngày nay… đi đi!
Nhưng trong buồng không chỉ có má. Tôi sững lại trước giọng nói thật quen đầy nước mắt:
- Bác phải ráng lên,bác ơi! Bác đã hy sinh tất cả chỉ vì Hùng, nhất định Hùng sẽ về mà.
Khi tôi nghĩ đến chuyện trở lui thì đã muộn. Người con gái đang an ủi má ngước lên. Mắt chúng tôi gặp nhau. Và đất dưới chân tôi dường như vừa sụp xuống.
Châu!
Má bật dậy, lao đến bên tôi bằng cả sinh lực của mình. Nhưng tôi kịp đẩy vai má, thoát khỏi một vòng tay siết chặt. Lửa từ lồng ngực tôi phừng lên, rát bỏng:
- Cả xóm này biết chuyện má ăn cắp chưa đủ hay sao. Má muốn đem cái nhục đó khoe với cả thế giới này, phải không? Má cần người ta thương hại đến nỗi vậy lận à?
Câu nói chưa kịp tuôn ra hết, hối hận đã trào theo. Tôi hoảng sợ nhìn ánh mắt đau đớn đến khờ dại của má, nhưng, tiếng xin lỗi chưa kịp thành lời, châu đã xô tôi ra, chen vào đứng giữa:
- Đủ rồi! Hùng muốn bác gái phải chết mới vừa lòng phải không?
Tôi ngó Châu trừng trừng:
- Không ai mượn Châu xen vào chuyện nhà tôi.
- Phải nói cho Hùng bớt cao ngạo và gàn bướng đi! Bản thân Hùng không có gì để cao ngạo, ngoài cái tự ái ngu ngốc của Hùng.
Lời nói của Châu còn đau đớn họn trăm ngàn roi quất. Tôi hét lên:
- Châu im đi!
- … Có đầu óc mà không biết nghĩ là đồ ngu. Hùng là như vậy đó, biết không…
“Bốp”!
Cả hai chúng tôi cùng lùi lại, sững sờ.
Tôi thảng thốt ngó bàn tay mình rồi ngó vào mắt Châu. Dường như đã có lúc Châu nhìn tôi bằng ánh mắt như thế này: long lanh và thăm thẳm… Tôi khẽ nhíu mày cố nhớ… phải rồi, giờ ra chơi trong thư viện “Châu cảm ơn Hùng”… Châu thì thầm và ngước nhìn tôi, đôi mắt ấm áp hơn tất cả các thứ lửa, mênh mông hơn bất cứ đại dương nào… Từ đó đến nay đã bao lâu rồi không biết?
… Có ai đó níu cánh tay tôi lắc mạnh, tôi dần dần nhận ra Hằng, tiếng hét của nó xoáy vào tai:
- Anh hai làm gì vậy? Chạy theo giữ chị Châu lại, nhanh lên! Trời ơi anh hai làm ơn nghe lời em đi!
Má bỗng đứng dậy, loạng choạng đi ra cửa buồng:
- Con không đi thì để má đi! Phải giữ con Châu lại… phải xin lỗi nó.
Tôi nắm tay lôi má lại:
- Vô ích thôi má! Tại vì má, mà con mới mất Châu, chẳng lẽ má không hiểu? - giọng tôi chua chát – “Phải sống sao cho hãnh diện vì cả nhà mình”, má thấy chưa, con vẫn nhớ lời má dạy, vậy thì tại sao má không chịu sống như thế giùm con hả má?
Nhìn thẳng vào mắt má, tôi buông gằn từng chữ:
- Con ghét má, con hận má lắm, má biết không?
Rồi tôi buông tay, quay người bước nhanh ra cửa:
- Má khỏi đi đâu hết! Người phải đi bây giờ là con. Và, con sẽ không bao giờ trở lại!
Lâm trường. Nắng như lửa đốt. Mưa xối xả triền miên. Bão dữ dội hơn cả cơn thịnh nộ của đất trời. Tất cả đề vô nghĩa. Thời gian không đủ sức làm dịu một vết đau. Cực nhọc không thể làm vơi đi nỗi nhớ.
Vì lẽ đó, một năm sau, tôi trở lại.
… Hằng đứng ngây người ngó sững tôi hai tay siết chặt song cửa đến trắng bệch. Sửng sốt, tủi thân, vui mừng, lạnh nhạt, yêu thương, thù ghét… những cảm xúc trái ngược nhau thay đổi liên tục trên đôi mắt mở lớn. Tuy nhiên, giọng nó vẫn bình tĩnh lạ lùng.
- Anh hai về đúng lúc quá, ngày mai đám giỗ của má rồi.
Ruột tôi đau quặn lên. Mắt Hằng bỗng hóa thành hai lưỡi dao sắc nhọn, tôi không còn can đảm nhìn vào đó. Tôi ngó quanh, hối hả tìm một câu gì đó để nói:
- Rồi… một năm nay… các em… làm sao sống?
- Dì Hoàng đứng ra lo đám ma của má và bảo lãnh tụi em, nhờ Dì mà tụi em còn sống đến hôm nay, mà không đứa nào bỏ học.
- Dì Hoàng là…
- Là bà chủ của má mà anh hai đã gặp một lần rồi đó! Dì nói suốt đời dì sẽ không quên được tội đã làm cho anh hai hiểu lầm má!
Một cơn gió lạnh chạy dài theo sống lưng. Tôi rùng mình, tôi sững sờ lắp bắp:
- Không đúng! Nếu má không ăn cắp, nếu số tiền đó thật sự là của má thì tại sao má lại sợ đến nỗi bất tỉnh? Tại sao má lại…
Giọng Hằng nghe thực lạ:
- Bởi vì số tiền đó không phải là tiền của má, mà là của chị Châu.
Tôi há hốc miệng:
- Châu?
Tôi chới với ngã người vào bức tường sau lưng, cả bầu trời đảo chao trước mắt. Giọng Hằng trở thành những tiếng dội ầm vang đến buốt óc:
- Nhờ chị Châu, má mới biết anh không giành được hộc bổng. Nhà không có tiền, má đành nhận sáu trăm ngàn của chị Châu đưa. Chị Châu dặn má đừng cho ai biết, vì tự ái của anh không chấp nhận bất cứ sự giúp đỡ nào.
Từng cơn, từng cơn, quá khứ cuồn cuộn kéo về, quay cuồng chung quanh. Tôi ôm đầu, cố mở mắt thật lớn, nhưng Hằng vẫn cứ mờ dần, mờ dần. Đâu đó thật xa, tiếng khóc của nó mơ hồ vọng lại:
- Má chết một ngày sau khi anh bỏ nhà đi. Cho tới khi nhắm mắt, má vẫn còn luôn miệng gọi tên anh, năn nỉ anh quay trở lại. Anh không nghe, anh đã giết má rồi, anh hai…
Châu ơi,
Khi Châu đọc được những dòng chữ này, thì Hùng đã đi xa, xa lắm rồi. Không dám đối diện với cái nhìn của ba má trên bàn thờ, với đôi mắt Hằng chồng chất ưu tư dày hơn độ tuổi và với những ánh mắt khát khao tình thương của bốn đứa kia, nên Hùng hối hả ra đi. Nếu phải nán lại thêm dù chỉ một ngày, những đôi mắt đó sẽ khiến Hùng tự sát. Mà, cái chết bây giờ là một hình phạt quá nhẹ nhàng và vô nghĩa, phải không Châu?
Vì vậy, Hùng quyết định ra đi. Lần này Hùng trở lại đời TNXP không phải để bằng mọi cách quên ình đi như năm ngoái, càng không phải để trốn một sự trừng phạt. Hùng đã ngu dại đập vỡ tấm gương, để mất đi hai người mà Hùng kính nể nhất, yêu thương nhất. Trời ơi… tội lỗi này làm sao tôi dám trốn tránh? Bài học này làm sao tôi có thể quên?
Châu ơi,
Hùng viết bài này với chút hy vọng sẽ có một ngày Châu tình cờ đọc được. Ngày đó, mong Châu sẽ hiểu một điều, rằng bất cứ ở nơi rất xa có kẻ đang kiên trì gom từng mảnh vỡ để hàn gắn lại thành một tấm gương, với tất cả niềm tin và sức sống dẫu hắn biết gương đã vỡ thì không liền lại bao giờ.
Hùng.