Đấy là một chiều ba mươi Tết. Phòng khám của một bệnh viện vắng tanh. Một người nữ hộ lý trẻ đang cố kiên nhẫn dùng khăn đẩy lau những viên gạch men trắng lạnh của phòng khám. Trong buồng tiểu cấp cứu chỉ có một cô y tá đang nửa nằm nửa ngồi trên chiếc giường đệm trải ga trắng, vừa nhấm nháp những miếng mứt bé, vừa nghe nhạc từ chiếc "cátxét" của bệnh viện. Bỗng từ ngoài trời mưa rét, một người phụ nữ, trông vẫn còn dấu ấn của những nét đẹp đã phôi pha, mặt phờ phạc, đỏ bừng như đang trong một cơn sốt, bước vội vào phòng khám. Trông chị vừa hối hả vừa ngơ ngác. Chị hơi rụt rè lúng túng nhìn quanh vì như cảm thấy sự có mặt của mình lúc này, ở nơi này sao vô lý, lạc lõng thế. Chị bước tới cửa buồng cấp cứu, ngượng ngập nhìn cô y tá trực: - Xin lỗi chị, chị trực ở đây? - Vâng, chị cần gì ạ? - Thế này thì không phải, nhưng chị có thể linh động phát cho tôi mấy viên seđuxen. Tôi..... - Chị bị làm sao....? - Tôi... Tôi đau đầu và mất ngủ.... - Chúng tôi không có seđuxen đâu. Mà hơn nữa không có đơn của bác sĩ, tôi không có quyền phát thuốc ngủ cho ai cả. Sau tết chị đến Bệnh viện tâm thần thành phố, khám bệnh rồi nhận thuốc ở đó. - Tôi cần thuốc lắm, chị cố giúp. Hôm nay là chiều ba mươi Tết rồi, chị giúp tôi vài viên, không có tôi không chịu nổi.
Cô y tá vặn to chiếc máy hát lên, hơi nheo mắt, một tay đút túi áo blu trắng muốt, một tay khoát vào không khí, ngước khuôn mặt trẻ măng cong cong như chiếc bánh sừng bò nói với người phụ nữ: - Thuốc thì có, nhưng tôi không có quyền phát thuốc ngủ cho chị. Chị có đứng đây nói tới đêm cũng thế thôi. Đây là quân y viện chỉ điều trị cho quân nhân thôi chị ạ. Người phụ nữ mệt mỏi bước khỏi phòng khám và như vô tri giác, như không suy nghĩ gì, cởi chiếc khăn voan mỏng tanh màu nước biển dẫu hơi sờn, lóng lánh những giọt mưa, lau khuôn mặt nóng bừng, gần như kiệt sức vì bao nhiêu điều lo lắng và thất vọng. Rồi đột nhiên chị đi như chạy vào phòng khám, tay nắm chặt chiếc khăn đã bị vo lại, nói với người y tá: - Chị ơi, chị cho tôi mấy viên thuốc nếu không tôi phát điên mất.
Vừa lúc ấy Bình - Bác sĩ trưởng phòng điều trị khoa tâm thần từ trong bệnh viện đi ra. Anh có dáng người cao, cặp vai rộng, khuôn mặt vuông vức và đôi mắt sáng chân thực. Chiếc áo blu quá ngắn so với vóc dáng Bình. Có lẽ bệnh viện không còn áo nào thích hợp với khổ người anh. Bình vừa bước những bước dài, vừa huýt sáo miệng, thỉnh thoảng lại xuýt xoa vì rét. Mấy hôm trước khi mọi người ép nhau trực ba mươi Tết, không ai chịu nhận cả. Bình đã cười và nhận trực. Trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa với luận án xuất sắc anh vào bộ đội. Anh đã chiến đấu như một người lính thực sự trong một binh chủng đặc biệt. Đã bao Tết với anh xa nhà. Và chính anh, anh cũng đã phải chịu đựng bao mất mát còn lớn hơn nhiều so với mất mát của những người bệnh mà anh đang khám chữa. Anh đã có lần chết đi sống lại vì những vết thương trầm trọng, nên bây giờ thêm một tối cuối năm xa vợ con để đi trực, đối với anh không có gì mất vui lắm. Anh hiểu những bệnh nhân của mình, hiểu nỗi đau khổ khó cứu vãn nổi của những người bị bệnh lâu năm và biết mình sẽ là niềm an ủi không nhỏ đối với họ trong những ngày tết này. ở trong khoa vắng quá và cũng hơi rỗi. Bình muốn ra cửa mua bao thuốc lá ngon, nhân tiện mượn cô y tá phòng cấp cứu chiếc "cátxét". Anh mở cửa phòng cấp cứu và nói vui vẻ: - Chào cô bác sĩ xinh đẹp của tôi.... - A , Anh Bình, anh vào đây, em có mứt và có cả rượu nữa đây này. Trực vào đúng ngày hôm nay ớn quá, may mà có anh.
Bình nói một câu tiếng Anh gì đó và hai người cùng phá lên cười. Người phụ nữ xin thuốc ban nãy lúc đó đã đứng bên ngoài cửa sổ, nhìn đăm đắm vào phòng và bỗng bưng mặt khóc nức nở, chạy vụt đi khỏi phòng khám. Không hiểu vì lẽ gì Bình chợt nhìn ra và thấy cả. Anh ngơ ngác hỏi Dung, cô y tá trực: - Người đàn bà kia sao lại ôm mặt khóc và chạy đi thế kia, Dung? - Bà ấy hình như bị thần kinh, đến xin Seđuxen đấy. Em không dám cho. Tết với nhất.... - Sao cô không cho chị ấy mấy viên - Vừa nói Bình vừa chạy đuổi theo người phụ nữ - Này chị gì ơi! Vào đây tôi cấp thuốc cho. Người phụ nữ vẫn bước đi như chạy. Bình theo kịp chị khẽ nắm lấy vai: - Chị ốm à? Chị làm sao thế? Chị cần Seđuxen chứ gì? Vào đây tôi cấp cho cả vỉ. Người phụ nữ bỗng ngừng khóc mặt nhợt đi: - Không, tôi không cần thuốc nữa, tôi chán tất cả các loại thuốc rồi, tôi chán tất cả các loại bác sĩ rồi. Tôi không cần sống nữa - Và chị chợt hất tay Bình ra khỏi vai mình, nét mặt như thảng thốt, như căm giận, như hoảng loạn, quay đi... Bình đã quá quen rồi những bệnh nhân tâm thần như thế. Nhưng trong trường hợp người phụ nữ này, anh thấy có gì hơi khác thường, không giống với những bệnh nhân khác. Hơn nữa, trước mặt một người ốm trong chiều cuối năm rét ghê gớm này, anh thấy không thể để chị bỏ đi khi chưa giúp đỡ được chị.
- Chị vào trong khoa với tôi đi! Tôi sẽ giúp chị mà, tôi là một bác sĩ quân y có kinh nghiệm, chị hãy tin tôi. Không để người phụ nữ đồng ý, Bình nắm vai chị, vừa đỡ vừa như kéo chị vào phòng khám của khoa tâm thần trong bệnh viện. Bình ấn nút lò sưởi, pha một ca nước chè đường rồi mời người phụ nữ: - Chị uống nước đi đã, uống cho ấm. Chị tên gì? Im lặng. Nước da trên khuôn mặt người phụ nữ thay đổi nhanh đến khác thường, lúc nhợt đi, lúc xám lại, lúc đỏ lừng. Chị không nhìn Bình mà nhìn đăm đăm vào bức tường lắp ghép của phòng khám. Hình như chị nhìn vào cháu bé trên bìa lịch năm mới - Bình tự nhủ và khẽ hỏi: - Chắc cháu của chị cũng bằng độ như thế? Người phụ nữ bật nói: - Con tôi là con trai cơ, mà cháu đẹp hơn thế nhiều. Ôi - con trai tôi - Chị chợt khóc oà lên không giữ gìn gì nữa. Bình đi vội ra, lên cửa phòng điều trị, gọi to: - Mai ơi, xuống ngay nhé, có bệnh nhân cấp cứu.
Mai - cô y tá có cặp môi đẹp và ngọt như một thứ mứt dâu, dáng thon thả, nhanh nhẹn uyển chuyển và mềm mại bước vào. - Bệnh nhân bị kích động nhẹ và quá yếu. Tiêm trợ sức Seđuxen - Bình nói nhanh rồi viết y lệnh. - Tôi không tiêm đâu, tiêm rồi ngủ trong cái phòng này tôi sợ lắm. Biết là thuốc gì bây giờ. Các ông bác sĩ... Tôi sợ lắm.... Mai ngồi xuống cạnh người phụ nữ: - Sao chị lại sợ! Em sẽ ngồi ở đây suốt đêm. Chị tiêm xong có thể sẽ không ngủ đâu, thuốc nhẹ đấy, mà nếu chị có ngủ em sẽ ngồi cạnh chị. Chị sợ điều gì? Nếu chị đỡ em sẽ đưa chị về nhà trước lúc giao thừa. Chị nên tin em và anh Bình. Mà chị tên là gì, để tiện cho việc em giúp chị... Mũi tiêm vừa dứt được vài phút, người phụ nữ bỗng thấy lòng mình dịu xuống, chị như có cảm giác mình sống liền mấy tháng giữa trời mưa rét, bỗng nhiên có một tia nắng và trời hửng nắng vàng, ấm áp. - Dễ chịu quá chị Mai ạ! Chị tên là Mai đúng không? Chị tốt quá, vừa tốt lại vừa đẹp nữa, với những người như chị cuộc sống chắc sẽ tốt đẹp lắm. Còn tôi tên là Tâm.
- Cám ơn chị Tâm, bây giờ chị ngủ đi một chút sẽ dễ chịu hơn đấy. Tâm cởi áo khoác, Bình ý tứ lặng lẽ đi sang buồng bên cạnh, anh cũng muốn ngả lưng một chút. Trong phòng chỉ còn lại hai người phụ nữ. Không, còn một người thứ ba nữa đó là cô bé con hồng hào ôm một bé búp bê cạnh nhành hoa chĩu chịt - ảnh trên cuốn lịch năm mới của Nhà xuất bản thành phố. Tiếng pháo giao thừa chợt bật lên vang dội, dồn dập, thôi thúc - Tất cả, tất cả cho năm mới. Tâm tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên đến với chị. Lại một năm nữa, lại tiếng pháo như tiếng pháo suốt mười lần năm mới đã trôi qua. Và bao năm rồi đời mình vẫn thế, biết làm sao bây giờ, biết làm thế nào bây giờ. Liền đó, chị nghe tiếng Mai: - A, chị Tâm dậy rồi, dậy đón giao thừa với chúng tôi. ở góc phòng có gương đấy, chị chải đầu đi... - Mai nói tiếp trong sự ngạc nhiên - Sau giấc ngủ trông chị khoẻ hẳn ra, mà chị vẫn còn đẹp nữa cơ. Chị Tâm ạ, khác hẳn ban chiều. Mai quay sang Bình: - Anh Bình uống rượu hay bia nào? Uống rượu nhẹ, rượu vang Hiệp Hoà đấy, em cũng uống rượu. Còn chị Tâm, chị nên uống một chút bia, chị có uống được không? Tâm, chị nên uống một chút bia, chị có uống được không? - Vâng cám ơn, tôi uống được. Mặc dầu Mai và Bình rất vui, và cố làm cho không khí vui lên, khuôn mặt Tâm chỉ thoáng bừng lên giấy lát, rồi lại buồn rượi như chìm trong một suy nghĩ mệt mỏi triền miên đã lâu ngày không sao dứt nổi.... - Chị Tâm nghĩ gì thế, đừng buồn nữa, năm mới chị mong muốn điều gì nhất, tôi sẽ chúc chị điều ấy và cố giúp chị. - Tôi muốn làm một người bình thường như những người bình thường quanh tôi. Tôi muốn mọi người đối xử với tôi, nhìn tôi, coi tôi là một người bình thường như tất cả những người khác. Tôi muốn khoẻ mạnh.
- Vậy thì xin chúc chị khoẻ mạnh - Bình và Mai cùng chúc. Ba người như vui lên một chút. Mấy phút trôi qua, với kinh nghiệm của một người đã hiểu cuộc sống với sự từng trải nghề nghiệp Bình biết rằng có cố làm cho Tâm vui bằng những lời động viên, những lời chúc tốt đẹp dù là thành thật cũng vô ích. Anh chuyển cách nói chuyện: - Chị Tâm yếu lâu chưa? - Tôi bị ốm gần mười năm từ tháng 3 năm 1975.... - Bây giờ chị còn đi làm không? - Trên danh nghĩa thì tôi vẫn đi làm, nhưng một tuần tôi chỉ đến nhà máy một lần, tháng tháng lĩnh lương rồi đi chơi dài. - Chị làm công tác gì? - Tôi trông nom thư viện của nhà máy. Và nói anh có tin không? Trước kia hồi chưa ốm, tôi rất mê hát và hát cũng khá hay. Kể cả sau khi bị ốm tôi vẫn hát một mình. Nhưng bây giờ thì không thể hát được nữa rồi. Khóc cũng khó mà khóc được, chứ đừng nói đến hát. Chính mọi người xung quanh tôi, kể cả chồng tôi cũng bảo do tôi mộng mị với ca hát với sách vở nhiều mà bị điên. Hồi còn ở với chồng tôi, sau khi ốm rồi ấy, thỉnh thoảng tôi vẫn lén đi xem những buổi ca nhạc. Những lúc ấy chồng tôi thường nói một câu quái ác. Câu nói ấy bao giờ cũng làm tôi uất lên và có lần vì câu ấy, tôi đã mất hết tự chủ, làm rơi chiếc lọ hoa ngày cưới. Anh có biết tôi đau đớn như nào khi nhặt những mảng gốm vỡ tan ấy không? - Anh ấy nói câu gì mà ghê thế?
- Mỗi lần tôi đi xem ca nhạc, anh ấy lại bảo: "Em lại đi sinh hoạt hội nhà văn đấy chứ gì? Hay thật, mà cũng sắp sinh hoạt hẳn ở đấy rồi"... Sinh hoạt hội nhà văn - văn, tức là Văn Điển ấy mà. Văn Điển là nghĩa trang thành phố, có nghĩa là tôi sắp chết vì cái máu văn nghệ dở người ấy rồi. ý chồng tôi là thế. - Bây giờ anh ấy không sống với chị nữa à? - Anh ấy bỏ đi từ tám năm nay, nghĩa là sau khi tôi bị ốm hai năm. Anh ấy đưa đơn ra toà án với lý do tôi bị bệnh tâm thần. Toà án phải giải quyết ngay. Anh ấy xin nuôi con và trước tất cả mọi người, anh ấy coi đấy là một cử chỉ hy sinh hào hiệp. Có một lần anh ấy suýt bị chuyển công tác đi xa, nhưng lại lấy lý do rất chính đáng: vợ bị tâm thần, một mình nuôi con nhỏ và xin ở lại. Người ta đã đồng ý. Lý do ấy thì chính đáng quá đi chứ. Nhưng thực ra từ lúc ly hôn, anh ấy có quan tâm gì tới tôi đâu. - Chị có hay đến thăm cháu không? Mắt Tâm chợt sáng lên: - Tôi đến thăm cháu luôn ấy chứ. Một tuần vài lần. Nhưng gia đình anh Cơ ghét tôi lắm, khinh nữa. Chồng tôi tên là Cơ, tôi quên chưa giới thiệu - Gia đình Cơ khinh tôi, nhưng tôi vẫn lên thăm cháu. Mỗi lần chỉ có thể ngồi với cháu vài phút cho cháu quà rồi lại về ngay. Ngồi lâu tôi không chịu được đôi mắt dài dài, mỗi lần nhìn tôi lại loé lên sự khinh miệt và căm thù của thằng em trai chồng tôi. Nó vẫn cho là tôi đã làm hại cả đời anh ấy....
Có một Tết, rằng đúng là Tết năm kia, chiều ba mươi Tết, cũng mưa rét như chiều nay, tôi nhớ con trai tôi đến phát cuồng lên, thương nó đến mức khóc không nổi nữa. Đang đi chơi với một cô bạn gái, tôi bỏ mặc nó, định lên đón cháu về ăn Tết. Trên đường, có lúc tôi bước không nổi vì hồi hộp vì không biết gia đình chồng tôi có cho đón cháu không. Bao nhiêu Tết rồi, tôi vắng cháu. Lúc ấy tôi chỉ có mơ ước duy nhất: Ôm chặt lấy cháu đưa cháu đi mua những quả bóng bay đẹp nhất. Rồi buổi tối lúc giao thừa tôi sẽ ngồi cạnh cháu nhìn nó ăn chiếc bánh chưng nhỏ mẹ tôi gói dành riêng cho nó, rồi chơi đùa với lũ trẻ nhà bà chị tôi. Cháu vui, chính là niềm vui lớn nhất của tôi. Tôi còn gì nữa đâu. Nhưng lúc tôi lên đón cháu, thằng em chồng không đồng ý. Nó bảo tôi: "Nếu chị nuôi được nó thì mang về nhà nuôi, đừng làm phiền gia đình chúng tôi nữa!". Tôi đáp lại nó, giọng nói chẳng ra hơi: - Tôi cũng rất muốn nuôi cháu. Nhưng tôi sợ tính tình tôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính nết cháu. Tôi nhớ con tôi quá, chỉ muốn đón cháu về ăn Tết. Thằng em chồng nửa sừng sộ, nửa chì chiết, cặp môi mỏng dính chìa ra, bĩu vào mặt tôi: - Thế thì chị xưng mẹ với nó làm gì? Mẹ mà không nuôi được con thì không nên nhận là mẹ. Chị đừng phiền gia đình chúng tôi nữa, đối với chị chúng tôi coi là người dưng nước lã, thế thôi. Còn thằng Thu đấy mày khóc đòi về với mẹ mày, thì thu xếp quần áo mà về, về hẳn đừng đến đây nữa....
Hai mẹ con tôi ôm nhau đi về. Con tôi khóc rưng rức. Còn tôi lúc ấy nếu tôi có sức khỏe, tôi sẽ đánh cho thằng em chồng một trận.Vâng, nó nói đúng, tôi chưa dám nuôi con tôi thật. Tôi không sợ bận bịu, túng thiếu, hay khó khăn. Nhưng tôi sợ bệnh tôi ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý bình thường của cháu.Thằng em chồng tôi có biết đâu, sống cạnh con là niềm mơ ước đến kiệt sức của tôi, là mong muốn duy nhất. Nó lại còn bảo tôi đừng nên nhận là mẹ của thằng bé. Dù sao chăng nữa tôi vẫn là người yêu thương con trai tôi nhất. Chính tôi luôn bị một nỗi lo khủng khiếp dày vò: sợ con tôi gặp điều không may. Xin lỗi anh, tôi nói với anh một điều đã từng làm tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ, tưởng như không sống được nữa. Nhưng xin lỗi anh, đã có một hôm nào đó tôi chợt cảm thấy hai quả "trứng chim" của con tôi nhỏ quá, và tôi lo đến cồn cào: lo cháu lớn lên sẽ không phải là người đàn ông bình thường. Tôi không dám nói điều ấy với ai. Chỉ mải mốt kiên nhẫn tìm xem các sách sinh vật học và mãi sau mới hơi yên tâm. Không biết anh có hiểu tôi không, hay chỉ có làm mẹ mới biết điều ấy. - Tôi hiểu chị, nhưng bây giờ chị thấy sức khoẻ thế nào? - Nhìn chung nhiều lúc tôi bình thường hoàn toàn. Nhưng có một điểm tôi cho là bệnh, bệnh đó đã làm tôi đau khổ và hoàn toàn kiệt sức trong mấy năm qua. Tôi luôn luôn lo sợ mình bị một thứ bệnh hiểm nghèo nào đó và đột ngột chết đi. Tôi không sợ chết đâu, nhưng tôi thương cháu. Tôi sợ cháu phải sống bơ vơ thiếu tôi. Mặc dù sống với bố cháu, nhưng thế nào cũng có nhiều lúc cháu cần đến tôi. Tôi không sao chịu nổi khi tưởng tượng ra cảnh tôi chết. Lúc ấy gia đình chồng sẽ chẳng ai thương xót tôi cả. Nhưng chính họ, họ sẽ bắt con tôi mặc áo xơ, chống gậy, đi sau quan tài, họ sẽ chụp chiếc vòng rơm nặng trĩu tội nghiệp lên cái đầu bé bỏng, tội nghiệp nó và nó sẽ khóc....
.... Tiếng pháo giao thừa đã thưa hơn, trời gần như sắp sáng. Mai giục Tâm đi ngủ. Còn Bình, đi ra ngoài trời. Mưa đã tạnh, nhưng sương mù dày đặc. Phía xa, trong ánh đèn, trắng đục lên không biết là sương hay khói pháo, mà có lẽ là cả hai thứ quyện vào nhau. Bình đi mãi trong sân bệnh viện rồi nhẹ chân bước qua hành lang các khoa phòng vắng tanh. Từ phòng bệnh khoa Tâm thần, mấy bệnh nhân nặng rủ nhau dậy sớm, vừa gõ ca xoang xoảng mà đồng thanh hát "Sao em lại gọi anh bằng chú...", để mừng năm mới, theo ý họ.... Trời sáng hẳn. Bình đánh thức Mai dậy: - Cô Mai này, tôi sẽ làm mọi thủ tục nhập viện cho chị Tâm. Cô bố trí kê thêm giường thứ hai mươi mốt trong phòng bệnh nữ. - Nhưng anh Bình này, bệnh phòng của chúng ta là bệnh phòng nghiên cứu, chỉ được phép điều trị hai mươi bệnh nhân. Đã thành nguyên tắc rồi, không phạm vi được. Hơn nữa chị ấy không phải là quân nhân. - Cô nên hiểu tôi một chút. Trong trường hợp này, nên vượt qua nguyên tắc. Cô cứ cho kê thêm giường thứ hai mươi mốt. Lấy danh nghĩa và trách nhiệm trưởng phòng điều trị, tôi chịu trách nhiệm trước giám đốc bệnh viện về việc này.... Mai ngập ngừng: - Nhưng mà trong trường hợp này.... Bác sĩ Bình hiểu ý, cắt ngang lời Mai:
- Chị Tâm có thể không bị bệnh gì, chỉ bị những chấn thương có tính chất tâm lý, nhưng cũng có thể là bị bệnh. Mà nếu bị bệnh thật, để chị ấy về nhỡ chị ấy buồn chán, bỏ đi mất, chúng ta sẽ khó tìm. Hơn nữa lại có thể do một lúc tuyệt vọng chán nản trong ngày Tết, chị ấy lại có ý định từ bỏ cuộc sống như vậy sẽ rất tai hại, đau đớn cho chị ấy và cho cả chúng ta nữa. Lại còn cháu bé con chị... Cô hiểu chứ. Cần tìm hiểu hết sức cặn kẽ. Cô ở lại với chị Tâm, tôi về qua nhà một chút, chiều tôi sẽ đến. Chiều ngày mồng một Tết. - Xin chào chị Tâm, chị có thấy dễ chịu không? - Bình bước vào buồng bệnh và hỏi. - Từ lúc anh về, tôi buồn kinh khủng. Mà thực ra nếu có anh chăng nữa, tôi cũng không muốn ở lại bệnh viện thêm một giờ nào nữa. - Nhìn chung bệnh nhân nào lúc mới vào viện cũng thế. Chị cảm thấy tiện nghi ở đây kém xa ở nhà, mọi quan hệ xa lạ quá, sinh hoạt mất tự do. Và có lẽ chị bắt đầu thấy mình bị tách ra khỏi cuộc sống bình thường đúng không? - Vâng đúng như thế. Giờ này ở nhà mọi người đang đi chúc Tết. Tôi chẳng nghĩ nhiều đến điều ấy. Bây giờ không biết con trai tôi đang làm gì? Chắc chắn là nó nhớ tôi ghê gớm và mong nữa. Mong thôi, chứ cháu biết rằng ngày mồng một Tết gia đình anh Cơ không bao giờ muốn tôi có mặt ở đấy. Họ đã nhắc khéo tôi từ lâu rồi, sợ bị dông mà, tôi dù sao cũng mang tiếng là con bệnh thần kinh.
- Chị có nhớ anh Cơ không? - Trước đây thì nhớ ghê gớm, yêu ghê gớm mỗi lần không may gặp anh ấy, người tôi thường run lên vì quá đau khổ, vì cảm thấy vẫn còn yêu anh ấy quá sức mình. Nhưng gần một năm trở lại đây thì không. Thái độ ghẻ lạnh, nét mặt lúc nào cũng gầm ghì của anh Cơ mỗi khi tôi lên thăm cháu đã giết chết, làm khô héo hết mọi tình cảm của tôi. - Ngày trước anh chị yêu nhau có lâu không? - Khá lâu. Chúng tôi yêu nhau ròng rã ba năm trời mới cưới. Khi cưới xong, tôi gần như kiệt sức vì những quan hệ căng thẳng trong suốt những ngày yêu nhau. Vì chúng tôi luôn có ý định bỏ nhau. Nói đúng hơn là anh ấy luôn định bỏ tôi, không muốn cưới. - Anh Cơ không yêu chị à? - Mới đầu thì rất yêu, nhưng về sau thì không. Về sau anh ấy quan hệ với tôi chủ yếu là do sợ trách nhiệm. Và có lẽ vì tôi bám anh ấy chặt quá....
- Biết thế sao chị còn lấy anh ấy, tình yêu có thể gượng ép được đâu. - Vâng, bây giờ tôi mới cay đắng hiểu được điều ấy. Tôi đã mất tất cả: Tuổi trẻ, cuộc sống tối thiểu, sự yên ổn tối thiểu, mất cả danh dự và đau đớn nhức nhối, hơn tất cả là đã làm cho mẹ tôi đau buồn, mất đi sớm hơn, lúc bị ốm.... Khi đã mất tất cả tôi mới hiểu được rằng: Tình yêu, niềm tin, lòng thương, kể cả thương hại nữa.... là những điều hết sức tự nguyện, không thể cưỡng bức, mà có được. - Khi yêu, anh Cơ có hay chê bai chị không? - Vâng, có chứ. Chê bai, rẻ rúng. Trong khi đó, rất nhiều người con trai yêu tôi săn đón và thích tính tình vui vẻ đa cảm, cuồng nhiệt của tôi. Nhưng tôi lại chỉ yêu có anh Cơ. Hồi ấy anh Cơ là một kỹ sư trẻ, đẹp trai, vừa đi học ở nước ngoài về và phụ trách phòng kỹ thuật của nhà máy. Trong con mắt của tôi, anh Cơ là một người đàn ông mẫu mực: Kiên nghị, điềm đạm, trẻ đẹp, có nhiều ước mơ và triển vọng. Chính vì thế hình ảnh anh Cơ luôn luôn thiêu đốt tất cả mọi tình cảm lý trí của tôi. Tôi không sao quên được chỉ sau mấy tuần yêu tôi, một hôm anh Cơ đã lỡ hẹn. Tôi đứng đợi ở góc vườn hoa, suốt một tiếng đồng hồ và đành đến nhà tìm, tưởng anh ốm hay làm sao đó. Nhưng lại được Cơ trả lời:" Đi chơi với em thì cũng đến thế. Mà thực ra anh với em không hợp nhau đâu. Em đa cảm và nghệ sĩ quá. Anh không cần những phụ nữ biết chơi đàn dường cầm, thích cắm hoa và đọc sách. Tất cả những thứ ấy lông bông, viển vông quá, không giúp gì được cho sự nghiệp của anh. Anh thích những cô gái nghiêm túc, cần mẫn, thông minh trong phòng kỹ thuật của anh. Chỉ có họ mới giúp được cho anh. Mà sự nghiệp thì em biết đấy, anh coi nó cao hơn cả cuộc đời mình. Anh không cần một người vợ biết hát hay mà cần biết nhiều điều khác, ví dụ như ngoại ngữ chẳng hạn". Và thế là vì muốn tất cả cho anh ấy, tôi lao vào học thêm tiếng Anh. Cuối cùng tôi không là tôi như mọi khi nữa. Những cá tính, những ham thích của riêng tôi gần như bị uốn lại theo một hướng khác: theo những nhu cầu ý thích của anh Cơ. Có như vậy tôi mới được anh ấy yêu, ít nhất lúc bấy giờ tôi cũng đã nghĩ như vậy. Gần anh Cơ, tôi ít khi dám nói một câu nào dù là hơi mơ mộng một chút. Nếu nói như vậy, sẽ bị chế nhạo đến phát khóc. Ví dụ như: "Bắt đầu mùa hoa sữa rồi" hay "Lá sấu rụng nhiều quá, vàng thẫm mặt đường" - Tất cả những điều ấy tôi đã nói không biết bao nhiêu lần, suốt từ thuở ấu thơ, khi thấy mỗi mùa thiên nhiên thay đổi và nói với niềm hạnh phúc mê say thực sự. Nhưng khi đi cạnh anh ấy, tôi phải kìm lại, kìm lại để nói những điều mình không thích, không hiểu khiến mình trở thành một con nhóc ngớ ngẩn thực sự trước cái nhìn soi mói tác quái của người yêu. Cứ như vậy trong ba năm trời cho đến ngày cưới thì tôi kiệt sức. Nhiều lúc tôi soi gương, nhìn kỹ mình và chợt giật mình vì thấy mình hốc hoác xanh xao. Tôi lo lắng hỏi anh Cơ: em xấu đi nhiều lắm phải không? Và được trả lời: Không, em vẫn đẹp nhưng những cô thư ký của anh còn đẹp hơn em cơ. Một lần, hai lần, rồi nhiều lần nghe anh ấy nói vậy tôi nổi cơn ghen: Trong phòng kỹ thuật của anh có nhiều cô lắm, anh nói đến cô nào cơ? Anh nói: Anh muốn cô nào mà chẳng được. Thành thực tôi ít thấy một người con trai nào tự tin đến ngạo mạn như thế. Nhưng tôi thực ngu xuẩn, tất cả những đìều ấy lại như một chất kích thích rất mạnh cuốn tôi theo gót chân anh ấy. Tuần nào tôi cũng đến rủ anh Cơ đi chơi bốn năm tối, đi chơi đến mệt nhoài. Tôi yêu và sợ rằng vắng tôi anh Cơ đi với cô khác. Nhưng càng như vậy, tôi càng phải nhận một thái độ lãnh đạm, ruồng rẫy nhiều hơn....
- Tôi không hiểu chị lắm chị Tâm ạ. Sao như vậy mà hai người vẫn lấy nhau? - Tôi thì yêu quá mù quáng, còn anh Cơ sợ tại hoạ sẽ trút xuống đầu mình nếu tôi vì thất vọng mà phát điên phát rồ lên...... Ngày mồng hai Tết. Trời bỗng trở nồm và hửng nắng. Bên hành lang phòng điều trị tâm thần nam, hai bệnh nhân đang chăm chú đánh cờ, trầm ngâm suy nghĩ như những bậc hiền triết. Bình dắt xe đạp vào buồng trực rồi lên phòng điều trị thăm Tâm. Chị than phiền với anh là mình không muốn mặc quần áo bệnh viện thêm một ngày nào nữa. - Còn đúng một tháng nữa là ngày chúng tôi cưới nhau được mười năm - Tâm nói như muốn tâm sự với Bình. -Anh chị cưới vào dịp xuân à. Ngày cưới có vui không? - Hình như tôi có vui lên được vài giờ. Nhưng liền sau đó là rã rời và buồn đến khủng khiếp. Lúc khách về hết rồi, trong phòng chỉ còn lại tôi và anh Cơ, tôi rất mệt, nhưng cảm thấy xúc động quá. Dù sao thì cũng là một ngày thiêng liêng, một ngày trao gửi thực sự. Tôi lúng túng, vặt vặt những cánh hoa trên mặt bàn, nhìn anh Cơ ra, chờ anh ấy nói điều gì đó. Anh Cơ đến gần, đặt tay lên má tôi, nhìn tôi và bỗng tôi chợt hiểu rằng bàn tay anh sao hờ hững lỏng lẻo, ánh mắt lãnh đạm chán chường. Một ý nghĩ ập đến trong tôi: Anh ấy không bao giờ yêu mình, vậy mà mình đã cố ép, cố bám lấy anh. Thế là hỏng hết rồi còn gì. Tôi gỡ bàn tay anh trên má mình, đau đớn chua xót và bất giác cắn chặt ngón tay anh đến chảy máu.
Sau khi cưới được hai ngày, mặc dầu trước mặt là một tuần được nghỉ, anh Cơ vẫn bỏ đi làm, lấy cớ là đang dở công việc. Đến đêm thứ ba, anh nói với tôi là đi trực và nghỉ lại nhà máy. Đêm hôm ấy tôi thức trắng. Tôi thảng thót đau đớn không hiểu vì sao anh ấy lại có thể bỏ đi như thế, sao lại có thể vô tình đến thế. Sáng hôm sau, anh Cơ về, tôi đem nước cho anh ấy rửa mặt kéo đầu xuống định hôn nhưng anh khẽ gạt tôi ra, nằm lên giường đi ngủ như chết. Tôi chờ mãi, chờ mãi chỉ mong anh ấy dậy để hỏi một câu mà tôi quá băn khoăn: Đêm qua anh trực cùng với cô nào trong phòng kỹ thuật? Nghe tôi hỏi anh Cơ nhún vai cười trả lời: Trực với cô nào cũng được, hỏi làm gì Và từ hôm ấy, vài ngày anh lại đi trực ca đêm một lần. Anh có cảm giác ghen tuông bao giờ chưa, anh Bình? Cảm giác ấy thật hãi hùng: người run lên, mất tự chủ, cảm thấy mình bị lừa đảo, mất mát tất cả. Không còn điều gì nữa. Bình nhìn Tâm, thành thực: - Tôi cũng đã từng ghen tuông đôi chút chị Tâm ạ. Nhưng rõ ràng, chuyện ghen tuông bao giờ cũng làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi.
- Vâng, đúng là ghen tuông làm cho quan hệ vợ chồng xấu đi rất nhiều, mà nhất là trước những ghen tuông của tôi và anh Cơ chỉ cười cợt và càng tỏ ra lơ đãng, lãnh đạm. Anh Cơ là người có tính tình lạnh lẽo, đầy lý trí, khi bực tức chỉ có giễu cợt chứ ít khi nổi giận. Có một vài lần, vào trước lúc đi trực đêm, thấy anh ấy gội đầu, cạo râu, mặc một bộ com lê rất đẹp, tôi bắt đầu nổi cáu." Anh đi trực ca đêm, cần gì phải mặc đẹp đến thế." Cơ trả lời: "Lúc nào mà chẳng cần phải mặc đẹp, nhất là phòng kỹ thuật toàn nhữ trẻ." Nghe anh Cơ nói thế, tôi nổi cáu lên. Bắt đầu từ hôm ấy mỗi khi anh Cơ ăn mặc bảnh bao, thắt những chiếc cravát nhiều màu là tôi hoang mang nghi ngờ đến đau khổ.... Có vài lần, vì ghen quá tôi đến nhà máy nhưng thường dừng lại trước cổng mà không vào phòng kỹ thuật vì tôi cảm thấy xấu hổ và lo lắng.
Mới đầu tôi chỉ âm thầm chịu đựng nhưng về sau mỗi lẫn anh ấy diện đi đâu một mình là tôi nổi cáu, có khi làm ầm lên. Vợ chồng tôi va chạm luôn khi anh Cơ đi làm về muộn, những cơn ghen của tôi có khi quá mức. Tôi nhớ có ngày, ngày ấy đánh dấu và là sự bắt đầu chuỗi những thảm hoạ ghê gớm nhất của cuộc đời tôi. Hôm ấy anh Cơ lại đi trực ca đêm. Anh là quần áo rất cẩn thận trước khi đi, nắn nót mãi chiếc cravát khổ to màu đỏ vằn vàng rất đẹp, thấy tôi nhìn vẻ khó chịu, anh ấy nhếch mép cười phẩy tay.Và không hiểu vô tình hay cố ý, khi rút chiếc mùi xoa sực nức mùi nước hoa trong túi áo vétstông ra, anh ấy để rơi xuống sàn nhà tấm ảnh chụp một cô gái, tôi chỉ kịp thoáng nhìn cô gái hình như rất đẹp, mặc chiếc váy ngủ hờ hững và lộng lẫy. Tôi bực quá kéo rách toạc chiếc cravát của anh. Vừa lúc ấy, anh Hiển - ông anh rể của anh Cơ đến chơi. Anh Cơ giận thì than phiền với anh Hiển và mắng nhiếc tôi thậm tệ..... Anh Hiển là y sĩ của một trạm khám tâm thần trong một khu phố. Hiển rủ anh Cơ đi uống nước. Lát sau hai người về và anh Hiển ngồi xuống cạnh tôi hỏi rất nhiều chuyện. Cuối cùng anh ấy nói với tôi: Theo chuyên môn của anh, có lẽ em bị bệnh đấy, một thể tinh thần phân loại nhưng chỉ nhẹ thôi. Ngày mai anh và anh Cơ sẽ dẫn em đến bệnh viện chuyên khoa của thành phố để khám bệnh. Đừng sợ gì cả.... Tôi sừng sộ cắt ngang lời ông anh: vớ vẩn, tâm thần cái gì? Tôi vẫn làm việc bình thường, trí óc hoàn toàn tỉnh táo, không biết anh nói đùa hay cố tình xúc phạm tôi. Ông anh rể vẫn sẽ sàng:
- Anh nói thật đấy, em có hội chứng của bệnh thần kinh. Tôi quát ầm lên: - anh bảo tôi điên chứ gì? Anh muốn nói gì mặc xác anh, tôi chán cái loại thầy thuốc nửa mùa như anh lắm. Anh Hiển vẫn nhẹ nhàng đến kiên nhẫn: - Không, tôi có bảo cô điên đâu. Ai bảo cô điên thì chính người ấy mới là điên. Cô chỉ bị suy yếu thần kinh thôi. Thế nhé, mai đi khám bệnh..... Đêm hôm ấy anh Cơ rủ rỉ và gần như áp đặt: trông em xanh gầy lắm và hơi ngơ ngác nữa Tâm ạ. Có thể do quá trình sống căng thẳng, em bị suy yếu thần kinh. Em nóng nẩy quá, những ghen tuông của em hoàn toàn vô lý, anh chẳng có biểu hiện gì là không chung thuỷ, em vẫn cứ ghen. Toàn chuyện hão huyền, vớ vẩn. Hôm nọ anh xem một bài báo, bàn về "một chứng ghen bệnh lý" thấy họ kể triệu chứng như em biểu hiện. Em nên đi khám bệnh. Anh Hiển bảo chỉ uống thuốc vài tuần là khỏi. Vì hạnh phúc lâu dài, em có hiểu không? Tôi nói yếu ớt: "Nhưng tất cả mọi suy nghĩ của em vẫn bình thường. Em vẫn làm việc, vẫn học ngoại ngữ rất tốt. Em đâu có bị thần kinh...".
- Bệnh thần kinh nhiều dạng lắm - Anh Cơ nói - Em nên đi khám, vì cuộc sống lâu dài. Em nên nghĩ đến con. Hình như chỉ vài tháng nữa chúng ta sẽ có con - Và anh Cơ vuốt lưng tôi, vẻ rất thắm thiết. - Sau đó chị đi khám ở bệnh viện tâm thần thành phố? - Bình hỏi. - Vâng, bệnh viện ở ngoại thành - Tôi nhớ là bệnh viện có những dãy tường cao, vôi trắng đã loang lổ vây quanh. Chính tôi cũng rùng mình lòng se lại, khi thấy những bệnh nhân nam trông rất đáng ái ngại, chạy ra xin anh Cơ thuốc lá. Trông họ tranh nhau rít thuốc thật tội nghiệp. Và tôi không bao giờ nghĩ những ngày còn lại của tôi sẽ phải thường xuyên trông thấy họ, sẽ phải xếp cùng loại với họ trong cuộc đời, trong bệnh án và sổ y bạ. - Bác sĩ khám cho chị?
- Y sĩ Trần Dự Định. Cái tên nghe ngộ ngĩnh vô cùng anh ạ. Sau này khi phải nằm bệnh viện tôi tiếp xúc nhiều với ông ta.Và bao giờ cũng cười ra nước mắt, cười vì buồn quá và khóc vì sao thân phận mình lại nằm trong tay những bác sĩ như thế? Tôi biết ông ta tên là Trần Dự Định vì một hôm nào đó vô tình nhìn lên chiếc áo blu màu cháo lòng của ông ta thấy có thêu hàng chữ chỉ vàng rất nắn nót: "y sĩ Trần Dự Định". - Anh Định khám cho chị có kỹ không? - Tôi cảm thấy rất đại khái, mà chủ yếu là nói chuyện với anh rể tôi và anh Cơ. Tôi chỉ nghe loáng thoáng ông ấy hỏi anh Hiển: "Xé cravát à? Mặc quần áo đẹp ra phố cũng ghen à?" Và ông Định quay sang phía tôi: chị bị bệnh, nhưng nhẹ thôi, chịu khó uống thuốc vài tuần sẽ khỏi. Bệnh viện chúng tôi có đầy đủ thuốc men và các phương tiện chữa cho chị. Chị chịu khó uống thuốc nhé..... Hình như câu nói ấy của ông ta đã thành công thức bất di bất dịch để nói với bất cứ loại bệnh nhân nào. Vì lúc ngồi chờ để lấy thuốc, tôi thấy ông ấy cũng nói với mấy bệnh nhân nam trông có vẻ rất nặng như vậy. Thậm chí khám đến một bệnh nhân nam sau tới ông ta cũng không buồn ngẩng đầu lên và hỏi nhầm: Chị Tâm thấy trong người như thế nào? - Thật là hài hước anh Bình ạ. Tôi không sao quên được khi cầm quyển y bạ và đơn thuốc có đề: Trần Thị Thu Tâm, căn bệnh: tinh thần phân liệt, thuốc: Aminajin 0,025 x 40v, ngày bốn viên - Một tuần sau khám lại. Tôi cũng thoáng có ý nghĩ là mình có bệnh và cắn răng uống thuốc. Tối đầu tiên uống, tôi mệt quá ngủ li bì. Sáng hôm sau thức dậy, tôi bước xuống giường và cảm thấy chân mình đứng không vững và đầu nặng chình chịch. Tôi nói với anh Cơ điều gì đó và lưỡi bị líu lại. Anh Cơ hỏi: Em làm sao thế, sao lưỡi líu lại thế. Thôi chết rồi, chắc bệnh em nặng hơn...