Tôi bước ra khỏi văn phòng Tỉnh ủy trong buổi chiều muộn. Nhưng ở quá dưới kia thị xã, sau cái mái đỏ nhấp nhô, sóng biển vẫn nhuốm nắng và đùa giỡn. Dường như không bao giờ biết thỏa, bữa nào những con sóng ấy cũng quấn quít ánh mặt trời cho tới phút chót. Chiều nay tôi cảm thấy mình được thảnh thơi. Cuộc họp kiểm điểm từng người trong Ban chấp hành Tỉnh đảng bộ sẽ còn tiếp tục vào tuần tới, nhưng phần tôi và vài đồng chí khác thì đã xong. Trong suốt cả một nhiệm kỳ, là một nữ tỉnh ủy viên chịu trách nhiệm công tác thương binh và xã hội, tôi được toàn Ban chấp hành nhận xét: ưu điểm là nổi bật và căn bản, còn khuyết, nhược điểm không có gì nghiêm trọng. Bằng vào sự đánh giá đó, tôi thấy mình có thể yên tâm được. Chiều hôm nay lại là một chiều thứ bảy. Sau cả tuần vất vả họp hành đồng thời vẫn phải xử lý một số công việc gấp của cơ quan mà tôi là thủ trưởng, thì một chiều thứ bảy đối với tôi là rất quý. Trên đường đi bộ về nhà mình ở gần bờ biển, từ xa tôi đưa mắt nhìn sóng biển trườn tới như âu yếm vỗ về những mái ngói, lòng thanh thản nghĩ tới một buổi tối được rảnh rang, rồi cả một ngày chủ nhật cũng được rảnh rang như vậy. ở vào cái tuổi gần chấm năm mươi, tôi thấy mình cần được nghỉ ngơi một chút xa hơi một chút. Tôi cho rằng mình xứng đáng được hưởng điều đó, sau ba mươi năm đi kháng chiến, trải qua bao gian khổ hiểm nguy, và không dưới vài chục lần ở sát kề cái chết. Tôi đã giã biệt thành phố chôn nhau cắt rốn này ra đi tham gia cách mạng từ tuổi con gái tóc còn đen mượt. Bây giờ tóc đôi đã điểm quá nhiều sợi bạc. Là một đảng viên và là một tỉnh ủy viên, từ lâu tôi ý thức rõ ràng chỗ đứng và trách nhiệm của mình, dám gánh vác lấy khó khăn và cũng không ngần ngại hy sinh cả tính mạng vì sự nghiệp chung khi Đảng đòi hỏi. Tuy nhiên, là một con người, là một phụ nữ, bấy lâu tôi vẫn mong sao lúc thắng lợi rồi có được buổi bình yên, vợ chồng con cái được chung sống dưới một mái nhà, không còn phải chịu cái cảnh chồng một nơi, con cái một nẻo. Điều ao ước đó từ sau ngày giải phóng, tôi đã có được. Tuy trong cuộc chiến đấu mới, tôi lại gặp nhiều khó khăn gian khổ mới, bộn bề và phức tạp. Nhưng công bằng mà nói, thì tôi đã có được điều ao ước đó. Một ngôi nhà, tôi đã có, kèm theo một mảnh đất gia đình tôi có thể trồng rau đủ ăn khỏi bỏ tiền mua, rồi còn thêm mấy gốc dừa, vài cây vú sữa. Ngôi nhà là của nhà nước cấp cho vợ chồng tôi, tuy không phải là một thứ biệt thự nguy nga lộng lẫy gì, nhưng khá khang trang rộng rãi, và thoáng mát. Tôi còn được cấp riêng cả một chiếc xe hơi, một chiếc "Toyota" tốt, nhưng tôi không đem về nhà sử dụng riêng mà để lại cơ quan để dùng chung, chỉ khi nào có việc cần tôi mới đi.
Chồng tôi rất tán thành cách đó. Anh ấy nói: "Nên như vậy, khi cần thiết em có thể đi phản lực cơ, nhưng khi không cần thiết, em cứ lội bộ cho khỏe chân. Từ nhà mình lại cơ quan em chưa tới một cây số, đi xe làm gì!" Chồng tôi nguyên là phó bí thư Tỉnh ủy, nhưng gần đây sức khỏe kém do trước kia bị tù đầy tra tấn trong nhà tù Mỹ Diệm nên anh xin rút ra khỏi tỉnh ủy, về công tác bên Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng. Trước anh bận hơn tôi nhiều, nhưng bây giờ thì anh được rảnh rỗi hơn tôi, thường làm việc ở nhà, thỉnh thoảng gặp gỡ các đồng chí cũ hay về lại một địa phương nào đó để nghiên cứu, khai thác tự liệu. Anh có ý định muốn dành thì giờ viết một tập hồi ký về những ngày đen tối, khoảng từ năm năm mưới tư cho tới ngày đồng khởi. Tôi hết sức khuyến khích anh làm việc đó. Vợ chồng tôi có hai đứa con, đều sanh ra trong những năm gian khổ lao lung nhứt của cách mạng. Đứa con trai lớn của tôi năm nay hăm mốt đang học đại học trên thành phố Hồ Chí Minh. ở nhà chỉ còn đứa gái út, mười sáu tuổi. Tôi nhờ cậy đứa con gái út đó của tôi nhiều lắm. Nó vừa đi học vừa lo chuyện chợ búa, bếp núc. Ngoài ra có chuyên chi thì đã có chồng tôi. Thành thử tôi cũng được khỏe nhẹ mà dồn lo công tác. Rốt cuộc, trong gia đình bây giờ người gánh lấy công việc xã hội và cách mạng nhiều nhứt lại chính là tôi. Đôi khi làm việc căng thẳng, rồi gặp khó khăn, va chạm, nằm đê bên chồng, tôi cũng có kêu mệt. Chồng tôi cười nói: "thì bây giờ nội trong nhà mình chỉ có em là lãnh chức lớn nhứt, nên chi phải ráng. Việc nhà đã có anh với con út. Hai người làm cần để yểm trợ cho một người, tiêu chuẩn hậu cần như vậy là cao nhứt thế giới rồi còn gì!". Lần nào chồng tôi nói giỡn kểu đó, tôi cũng tiện tay thụi nhẹ vô sườn chồng tôi một cái rồi cười theo. Nào nói ngay, tôi kêu là kêu để chồng biết cho mình vậy thôi chớ không phải kêu than. Mà tôi than nỗi gì, khi trong thâm tâm, tôi thấy rõ bây giờ mình sướng hơn hồi kháng chiến nhiều.
Trên đường về nhà, vừa đi tôi vừa vui vẻ hình dung chỉ trong chốt lát nữa, đứa con gái út cưng của tôi sẽ la lên: "Mà về ba ơi!" Và tôi vào nà, sẽ ngả lưng lên chiếc ghế xích đu mây ngoài hàng hiên nghỉ một chút, rồi vô bếp ngó sơ qua coi cơm nước ra sao. Bữa cơm chiều thứ bảy thế nào con út cũng sẽ làm một món gì đó tươi hơn mọi bữa, có thể là lươn um dừa; cũng không biết chừng là tôm lăn bột chiên. Con nhỏ khoái làm cho tôi ngạc nhiên về các món ăn mà nó cắc củm học lóm được ở nhà một đứa bạn trong phố, để cứ chiều thứ bảy là nó lại trổ ra một món cho tôi vừa thích thú vừa phục lăn nó chơi. Về tới cổng ngoài, tôi chưa kịp đưa tay lên bấm chuông thì con út, như đã đứng sẵn sau cánh cổng từ lúc nào, mở cánh cổng ra. Đón cầm lấy túi và nón trên tay tôi, nó thì thào: .. Má ơi.. có khách, có một chị kiếm má.. Tôi nghĩ bụng chắc lại có ai đó tới trần tình hoặc nhờ vả chuyện gì. Thường thường có những người muốn gặp tôi một cách chắc ăn và để tiện bề giãy bày chuyện riêng tư, họ vẫn đón tôi vào giờ này. Tôi liền đi về phía phòng khách. Mới tới cửa phòng, chợt thấy chồng tôi bước ra. Anh nắm tay tôi kéo vào: - Vô đây, em vô đây, nhìn con nhỏ này coi có biết nó là đứa nào không? Có một cô gái tuổi chừng hăm mốt hăm hai, mặc bà ba đen, đang nồi nép nơi ghế. Thấy tôi, cô gái đứng lên cúi chào, tay cầm chiếc khăn rằn vo vo, guộn lại. Đó là một cô gái có nước da hồng hào rám nắng. Rõ là cô ở dưới miệt ruộng nhưng lời ăn tiếng nói lại coi bộ rành rẽ, mạnh dạn: - Thưa cô, cô mới đi làm về? Tôi lạ lẫm dòm cô gái chào tôi mà hoàn toàn không biết cô ta là ai. Tôi cười cười, day ngó chồng tôi có ý muốn hỏi. Nhưng anh không đáp, cầm tay cô gái, kéo cô ngồi xuống, Một lúc sau anh mới bảo tôi: - Thì đoán đi, ráng đoán thử coi!
Thế rồi biết rằng tôi không thể nào nhận ra cô gái, và chừng như chính anh cũng không thể kìm giữ lâu hơn, anh hạ thấp giọng: - Em ơi, con của chị Năm Lúa ở dưới Kinh Tràm Lụt đó! Phải nói là lúc ấy tôi ngạc nhiên đến sửng sốt. Tôi kêu trời, rồi nhào tới ôm lấy cô gái. Con nhỏ để yên cho tôi ôm. Tôi nghẹn ngào úp mặt trên mái tóc thoảng mùi nắng của nó, kêu lên: - Con là con Thắm đây phải không? Trời ơi ?; Con lớn quá, làm sao cô nhận ra con nổi - Hồi đó.. Và tôi khóc, nước mắt chảy ướt hai bên má. Đặt hai tay lên đôi vai tròn trịa của con Thắm, tôi ngó hoài mặt nó, cười giữa lúc đang khóc, rồi kéo nó ngồi chung một ghế với tôi, hỏi dồn: - Con lên đây hồi nào vậy, mà đi lên bằng gì? Con Thắm đáp: - Thưa cô, con đi vỏ lãi lên tới đây giác ba bốn giờ, hỏi thăm kiếm nhà cô hoài mà kiếm không ra, may gặp một anh công an, con mới nói tên cô là ảnh đã biết liền.. - Má vẫn mạnh giỏi hả con? - Thưa, má con mạnh. Má gởi lời thăm cô chú, má nói lẽ ra má đi lên đây, tại vì kẹt công chuyện quá nên má phân con đi.. - Chắc má đương lo gặt lúa phải không? - Dạ không.. Thắm dừng lại, chúm chím cười: - Má con lóng rày công tác lu bu lắm, cô Tư ơi! Tôi hơi ngạc nhiên: - ủa, má con công tác à, má làm công tác gì vậy? - Má công tác lâu rồi cô. Hồi tụi nó bình định đặc biệt, đường dây giao liên từ Khánh Bình nối qua vùng con bị đứt, má con lo cắt một con đường băng qua rừng rồi làm trưởng trạm luôn. Hồi giải phóng má về xã công tác phụ nữ, bây giờ má làm bí thư.. - Bí thư gì? - Thưa cô, bí thư Đảng ủy xã
Nghe Thắm nói tới đó, tôi thực sự bất ngờ. Chồng tôi đưa mắt nhìn tôi, có vẻ cũng bất ngờ như tôi. Nhưng cả hai chúng tôi đều im lặng, đều nghĩ về một điều buộc chúng tôi phải nghĩ tới. Tôi kêu con út, giới thiệu Thắm với nó, nhắc lại chuyện tôi đã từng gởi nó đến ở chung với con Thắm tại Kinh Tràm Lụt. Cả hai đứa đều có biết chút ít chuyện này. Chúng bỡ ngỡ, bẽ lẽn ngó nhau cười. Con út vốn mau mắn, nó tới nắm tay Thắm kêu Thắm theo nó đi tắm cho mát. Nó còn ngoái lại báo với tôi là đã nấu cơm thêm cho Thắm. Tôi ngồi thừ ra nơi ghế. Cuộc gặp lại đứa con chị Năm Lúa khiến tôi vừa bất ngờ vừa cảm thấy hối hận. Bao nhiêu chuyện đã qua đột nhiên ùa đến với tôi trong buổi chiều nay. Tôi không dè chị Năm Lúa, một người đàn bà nông dân dưới miệt xẻo biển, xưa kia gặp phải một tai biến thê thảm nhất đời, cái tai biến tưởng chừng khó có người đàn bà nào chống chỏi và đứng vững nổi, vậy mà nay chị lại trở nên một người trụ cột, đứng mũi chịu sào cho cả một xã. Tôi chợt thấy hơi ngượng nghịu cho mình, về sự bao năm nay đã quá xa cách vùng đó, vùng đất rừng nằm kề bên biển nơi có rất nhiều con kinh từ bờ sông Trẹm thọc vào ruộng rẫy mới khai phá, tiếp giáp những cánh rừng tràm mùa khô bên dưới phập phều đất xốp, mùa mưa rừng dầm chân trong biển nước mênh mông đỏ tựa máu. Tôi đã sống, lăn lộn bám trụ vùng đất ấy suốt ba bốn năm liền, sau năm năm mươi tư, là những năm đen tối khốc liệt nhứt. Trong những năm đó, có lúc mạng sống của chúng tôi chỉ tính được từng ngày, thậm chí từng giờ. Biết quá rõ là vùng căn cứ cách mạng cũ, bọn Diệm đã triển khai mau chóng bộ máy tề xã và đồn bót, cầm đầu là những tên ác ôn, ngày đêm ra sức lùng diệt số đảng viên cán bộ còn lại. Ban đầu bà con cô bác còn nuôi chứa chúng tôi trong nhà, về sau bà con đành rớt nước mắt để chúng tôi ra ở nơi rừng bụi. Tôi biết gia đình anh Năm Lúa trong thời kỳ ấy. Vào một buổi chiều cuối tháng tám năm năm mươi bảy, sau khi bị địch rượu đuổi hàng chục lần, một tổ thông tin in ấn nhỏ thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy do tôi phụ trách gồm ba người kể cả tôi được lịnh phải rời ngay chỗ đang ở là nhà của một bác nông dân ở cuối Kinh Láng Sởy đi về đầu Kinh Tràm Lụt cách đó chừng mười cây số để bắt vào một cơ sở khác. Đó là gia đình anh Năm Lúa. Tôi nhận được lịnh từ xế chiều. Một tờ giấy nhỏ bằng bụm tay với tuồng chữ quen thuộc, dặn rõ là phải đi ngay, phương tiện in ấn nào nặng quá thì để lại sẽ có người tới lấy đem về chỗ mới. Tờ lịnh đó ký tên 2T, tức anh Hai thận, là chồng tôi bây giờ. Năm đó chúng tôi chỉ mới biết nhau chớ chưa cưới nhau. Tôi cầm tờ giấy, nửa lo nửa mừng. Lo là lo không hiểu có chuyện gì mà bảo đi gấp như vậy. Có lẽ lại có tụi điệp lởn vởn quanh đây chăng. Mừng là mừng thấy được tuồng chữ của 2T thì biết anh ấy vẫn còn sống.
Địa điểm mới, tức nhà anh Năm Lúa thì tôi chỉ nghe nói chớ chưa hề tới. Trong tổ tôi, có cậu Chiến đã ghé qua một lần, còn cậu Triều thì cũng chưa biết. Hai cậu Chiến và Triều là hai thanh niên ở tuổi mười chin đôi mươi, tánh tình siêng năng, hăng hái và rất gan dạ. Tôi lớn hơn hai đứa nó bốn năm tuổi, vừa là người phụ trách vừa như là người chị cả. Tôi còn nhớ chúng tôi rời nhà bác nông dân ở Kinh Láng Sởy lúc trời vừa sụp tối, để lại dưới hầm bí mật trong nhà bác một máy in "xtăngxin" quay tay hiệu "Êvêrét" sẽ chuyển tới sau vì cái máy nặng tới mấy chục kilô. Chúng tôi mỗi người đã phải mang một bồng nặng trong đó gồm quần áo chăn mùng, giấy sáp, bàn máy đánh chữ, rađiô tranxito, ngoài ra còn có đồ nghề tự túc như các tay lưới, lưỡi câu, dây nhợ để tới đâu chúng tôi cũng có thể kiếm cả cải thiện. Riêng tôi, trong bồng còn có một thứ đồ nghề khác, đó là các dụng cụ đỡ đẻ như dao kéo, bông băng, ống chích và thuốt sát trùng, thuốc cầm máu. Vào cuối năm năm mươi tư, khi biết mình ở lại, tôi đã học lấy nghề đó trong một nhà hộ sinh huyện. Hồi chống Pháp, tôi chỉ là một cô gái đánh máy ở văn phòng. Vậy mà trong đôi ba năm đó, tôi trở nên bình tĩnh và có kinh nghiệm, biết phải sống ra sao khi rủi ro rơi vào tình huống đơn độc, biết phải ứng phó thế nào khi đánh hơi nghe thấy mùi của những tên điệp, biết phải rút súng ra lúc nào thật đúng lúc. Trong tổ tôi, cả ba đều có súng ngắn luôn luôn lên đạn giắt sẵn trong người. Tôi có một khẩu Braoninh Bỉ bắn đạn chín ly rất tốt, do anh Hai Thận tặng. Mãi cho tới giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên cái cảm giác nghiêm trọng khi anh đặt khẩu súng vào lòng bàn tay tôi. Anh không nói một lời nào, nhưng tôi biết anh muốn tôi cố gắng đừng để sa vào tay địch và trong tình huống cần thiết, phải bắn trả để vượt thoát. Đoạn đường từ cuối kinh ra đầu kinh Láng Sởy, chúng tôi không cặp theo bờ kinh mà đi bọc trong hậu rẫy. Chừng ra gần tới đầu kinh, chúng tôi mới cặp vào, lội qua kinh trong đêm tối. Cứ như vậy, hết lội kinh tới lội rẫy, gần mười giờ đêm chúng tôi mới đụng đầu một con kinh mà cậu Chiến bảo hình như là Kinh Tràm Lụt. Là vì nó chỉ ghé qua có một lần, vả lại ở đây có rất nhiều con kinh nên nó chỉ nhớ mang máng. May sao, đó là Kinh Tràm Lụt thật, và khi Chiến kêu cửa cái nhà ở đầu kinh thì là nhà anh Năm Lúa. Gặp chúng tôi, vợ chồng anh vô cùng mừng rỡ. Anh Năm vội vàng khép cửa, đỡ tiếp từng cái bồng trên vai chúng tôi xuống. Chị Năm Lúa nói:
- Cô với hai chú nghỉ khỏe một chút rồi ăn cháo! Hồi chiều ba sắp nhỏ bắt được một con hổ đất lớn lắm. Tôi đã nấu cháo xé phai, đợi cô với hai chú hoài mà không thấy, lo sợ không biết có chuyện gì.. Tôi hỏi: - Mấy cháu ngủ hết rồi hả chị? - ối, hai thằng đựa rựa nhà tôi nó ngủ lâu rồi, Gà ngủ giác nào thì nó ngủ giác đó hè! Anh Năm Lúa báo cho tôi biết cái "cứ" mà anh được lịnh lo liệu cho tổ in ấn chúng tôi thì anh đã lo xong rồi. Nhưng từ đây vô đó phải lội tới bảy cây số đường nước. Theo anh, đi ngay vô cũng được, nhưng anh thấy chúng tôi lội tới đây đã quá mệt, chi bằng nghỉ một bữa, tối mai hẵng vô. Anh cho biết tình hình ở đây yên, tụi tự vệ hương thôn chỉ đi rểu qua giác đầu hôm và giác gần sáng. Gia đình anh thì sống hoàn toàn hợp pháp như mọi bà con khác, nên chúng tôi có thể yên tâm. Tôi bàn với Chiến và Triều, đồng ý ở lại một ngày. Tôi định nhân một ngày đó, tranh thủ tìm hiểu và nói chuyện thêm với vợ chồng anh về tình hình, củng cố lòng tin cho vợ chồng anh, giữa những ngày mà kẻ thù đang ra sức tận diệt cốt lõi của phong trào là Đảng, để từ đó đè bẹp tinh thần và ý chí cách mạng của quần chúng. Sự giác ngộ cách mạng của quần chúng, nhứt là quần chúng cơ sở của ta, đó là điều quan trọng hàng đầu. Nó quan trọng hơn xa so với súng, với lựu đạn hay bất cứ một thứ vũ khí nào khác, bởi vì có cái đó chúng tôi sẽ có tất cả, nhưng trước hết là có được một sự bảo vệ an toàn nhứt.
Vợ chồng anh Năm Lúa là một cặp vợ chồng nông dân chánh cống không thể lầm lẫn. Chồng cũng như vợ, cả hai đều có sức vóc, vạm vỡ, cả hai đều chất phác và trung hậu. Về anh Năm Lúa, tôi được các đồng chí cho biết anh là một cơ sở nòng cốt, chắc chắn. Anh chưa hề bị lộ mặt. Từ trước tới nay, dưới con mắt bà con cũng như kẻ địch, anh là một nông dân chuyên lo ruộng rẫy, giăng câu, đặt trúm. Lẽ đương nhiên, tôi coi anh Năm Lúa là chỗ dựa chính rồi. Nhưng không hiểu sao, do cảm ứng riêng hay là do giữa tôi với chị Năm Lúa đều là phụ nữ, mà tôi tự nhiên thấy rằng cần hết sức gần gũi gắn bó với chị. Đồng thời cũng có một điều rất rõ nữa là nếu giữa hai vợ chồng anh Năm Lúa có một sự giác ngộ nhứt trí cùng cỡ, chồng như vợ, vợ như chồng thì mới thật đảm bảo, khó có cái gì tách họ ra. Những năm sau hiệp định Giơnevơ, kẻ thù cố đưa lưỡi dao đẫm máu của chúng hòng tách Đảng ra khỏi dân, và lưỡi dao đó còn đưa vào từng xóm ấp, từng gia đình, cha mẹ, vợ con, họ hàng ruột thịt, hễ cắt được tới đâu là nó cắt liền không kể gì máu tuôn lệ chảy. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp không phải kẻ thù không đạt được hiệu quả. Cho nên những bài học sống đã cho tôi được những dự cảm, từ đó tôi phải dự kiến. Một sự việc đã đặt ra quá rõ là cái "cứ" mới mà tối mai chúng tôi sẽ vào để làm công việc in ấn các bản tin không phải chỉ có anh Năm Lúa biết, mà có cả chị Năm Lúa biết. Đêm hôm ấy, sau khi ăn bữa cháo rắn hổ đất rất ngon, trong lúc anh Năm Lúa đưa cậu Chiến và Triều ra một cái chòi sau nhà để ngủ, thì tôi vẫn còn ngồi lại trong bếp với chị Năm Lúa. Tôi cầm bàn tay to lớn đầy chai của chị nói: - Tụi tôi bây giờ còn sống còn hoạt động là nhờ cô bác anh chị, tụi tôi hết sức biết ơn. Nói thiệt với chị Năm, hôm rầy tụi nó truy lùng đánh phá dữ lắm, tụi tôi phải dời chỗ liên miên. Như vậy rất khó in ấn tài liệu tin tức phân phát cho bà con đọc nắm hiểu tình hình, biết phải trái, biết đối phó với âm mưu của tụi nó. Hy vọng lần này nhờ anh Năm chị Năm giúp đỡ ổn định nơi chốn để làm việc cho được lâu lâu..
Chị Năm Lúa ngó tôi, nước mắt ứa ra. Đột nhiên chị rút tay ra khỏi tay tôi, và vuốt vai, lưng tôi, tuồng như để coi hổm rầy tôi có bị tụi địch làm sứt da trầy thịt hay không vậy: - Cô với mấy chú tới đây, đừng sợ gì hết. Nay mai có vô trong rừng cũng đừng lo, đã có vợ chồng tôi bảo bọc, tiếp tế. Chỗ đó kín đáo êm ái lắm, tụi nó vô phương mò tới nổi. Hổm rày, thấy tụi nó ruồng dữ quá, tôi cứ ngỡ phía đằng mình chỉ còn đàn ông thanh niên lặn lội công tác. Đâu dè còn có phụ nữ như cô.. Tôi hỏi thăm vợ chồng chị căn cơ gốc gác tại đây hay ở đâu, chị cho biết là mới tới đây trên dưới mươi năm. Hai vợ chồng hồi trước khi lấy nhau, đi làm mướn cho chủ điền dưới Cạnh Đền, nghèo cực quá rủ nhau dắt díu tới đây, kế được cách mạng cấp đất làm ăn mới khá lên. Chị thú thật với tôi là vừa mới chớm thai, ước sao lần này chị đẻ mà tôi còn ở đây, tôi sẽ sanh cho chị. Chị Năm trố mắt nhìn tôi: - ủa, cô cũng biết mần mụ sao? Tôi cười: - Tôi không phải là cô mụ nghề, nhưng tôi có học mấy tháng. ở chung với cô bác, trong xóm có chị nào chuyển bụng thì tôi đỡ cho họ, khỏi phải lấy xuồng bộng chở đi xa. Tôi đỡ riết rồi bây giờ cũng rành, cô bác khen là tôi đỡ mát tay.. Chị Năm Lúa ôm ghì vai tôi: - Vậy thì lúc nào cô Tư phải dạy cho tôi nghen.. Tôi muốn học vụ đó, với học thêm chữ. Nhờ hồi nẳm đi học bình dân, giờ tôi mới biết viết quọt quẹt, còn đọc thì phải đánh vần, thiệt dở quá chừng.. Tôi muốn làm sao đọc cho chạy tờ tin của cô in ra mà lại thông hiểu hết là mừng rồi!
Lâu nay, tôi thường nghĩ khát vọng của quần chúng là một cái gì rất đỗi lớn lao, chớ ít khi nghĩ rằng khát vọng ấy có khi rất đỗi nhỏ bé đơn sơ. Nhưng vào thời kỳ đó, có khả năng quá xấu, dẫn tới chỗ mọi khát vọng dù lớn bé cũng đều có thể bị kẻ quả cảm nhứt để đưa quần chúng qua cơn thử thách ghê gớm này thì những mảnh đất tạm cấp kia, cùng cây tràm, ngọn lúa, con cá con lươn, manh quần tấm áo cho tới cái chữ cái nghĩa của kháng chiến chín năm để lại cũng có cơ bị tước mất hết. Tôi lặng đi một lúc lâu với ý nghĩ ấy. Lát sau tôi bảo chị Năm Lúa: - Nếu như còn ở đây thì tôi sẽ ráng dạy cho chị Năm biết cả hai thứ đó! - Thiệt nghe, cô Tư nói thiệt nghe! Đêm hôm đó, tôi ngủ chung một mùng với chị Năm Lúa. Một cái mùng hai nóc lớn, phía trong cùng là hai đứa con trai của chị, một đứa lên mười, một đứa mười hai, nằm ôm nhau ngủ. Ngày hôm sau, tôi tranh thủ làm một bài học vỡ lòng cho chị Năm Lúa về công việc của người đỡ đẻ. Đại để tôi nói với chị là cô mụ phải có tối thiểu những dụng cụ gì và khi một sản phụ chuyển bụng thì cô mụ phải làm gì, từ việc bắc một nồi nước tới việc theo dõi nước ối của sản phụ bắt đầu ra. Tôi nói cặn lẽ cho chị Năm Lúa biết cách đỡ đứa trẻ, và vấn đề phải chú ý coi kỹ là đừng để sót nhau, rồi tới vụ cắt rốn, buộc rốn, tôi đều chỉ dẫn tỉ mỉ. Rất tiếc tôi không có dịp sanh cho một chị nào ở xóm này, để lấy thực tế đó mà dạy cho chị Năm. Nhưng phải nói là chị Năm Lúa rất sáng dạ, và quý hơn nữa là lòng chị tha thiết mong muốn học được một cái nghề để có thể đỡ đần cho chị em nông dân cùng xóm khi vượt cạn.