watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:09:3529/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Dzìa Quê Ăn Tết
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 2
Dzìa Quê Ăn Tết

Tác giả: Lê Mỹ Hân

Cái số tôi về già coi bộ lại nhàn hạ, sung sướng. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày giáp Tết vợ chồng tôi lại khăn gói quả mướp đáp tàu Shinkansen (tàu điện siêu tốc) xuôi về Hiroshima cùng đón năm mới với gia đình bên chồng. Tôi hăm hở lắm vì cả năm mới có một lần về thăm bà ngoại, bố mẹ của chàng.
Hầu như mọi cái Tết, tụi tôi chẳng phải sắm sửa gì hết bởi mẹ chồng tôi đã lo chu đáo tất cả. Gia đình chồng tôi sinh sống ở thành phố kure thuộc tỉnh Hiroshima, một tỉnh là nơi trước kia hứng trọn quả bom nguyên tử do Mỹ thả xuống vào Đệ Nhị Thế Chiến. Từ Tokyo chúng tôi đáp Shinkanshen mất 4 tiếng đồng hồ thì về đến trung tâm thành phố Hiroshima. Shinkansen là một loại tàu điện đặc biệt chạy với vận tốc khoảng 250 đến 280 km cho 1 giờ, Shinkansen có đường cao tốc riêng biệt dành cho nó giống như highway. Loại tàu này có thân hình khá bắt mắt và đầu tầu gióng như đầu một con rắn, đẹp và tiện nghi hơn cả các loại máy bay mà tôi đã từng đi qua. Ngồi bên trong, ta có thể nhìn thấy cảnh vật hai bên đường, đặc biệt nhìn rất rõ núi Phú Sĩ sừng sững trước mặt với khoảng cách giữa thành phố Shizuoka và Yokohama. Mùa đông năm nay, Nhật Bản lạnh hơn nhiều so với năm trước, nhưng chỉ có mỗi đoạn đường thành phố Nagoya là có tuyết trắng. Cả thành phố hoàn toàn bị chìm trong làn tuyết.

Từ Tokyo về Hiroshima, tôi ngả ghế và gần như ngủ li bì suốt chặng đường này.
Tàu dừng lại ở ga chính Hiroshima, tụi tôi phải đổi tàu địa phương mất thêm nửa tiếng mới về đến thành phố Kure. Từ ga tàu Kure, lấy taxi mất độ 15 phút nữa thì về đến nhà của bố mẹ chồng. Căn nhà nằm cheo leo giữa lưng chừng một sườn đồi trông rờn rợn. Từ dưới đường quốc lộ đi bộ lên thì mệt dứt hơi, nhưng nếu đi ngược xuống thì khó bước vô cùng vì đôi giầy cao gót cứ chúi đầu mình xuống. Đây là lần thứ sáu tôi trở về ăn tết ở quê nhà chồng, cái Tết truyền thống của người Nhật cũng mang hương vị, bản sắc văn hoá na ná giống như Tết của người Việt Nam mình.
Căn nhà của ba mẹ chồng tôi được làm hoàn toàn bằng gỗ, mái ngói màu xám đen. Bên ngoài trông có vẻ cũ kỹ, xây dựng theo lối cổ điển, nhưng bên trong thì dường như mới tinh, đẹp và tiện nghi giống một khách sạn hạng sao. Căn nhà khá rộng, một trệt và một tầng lầu có năm phòng ngủ, một phòng khách, một phòng bếp, hai toilet, và một phòng tắm, rộng thênh thang nhưng lại chỉ có hai ông bà già trú ngụ. Phía bên ngoài căn nhà, có một sân vườn nhỏ trồng các loại cây kiểng, một hồ cá bé tí ti bên dưới giàn nho đã rụng sạch lá, chỉ còn lại cái khung giàn bằng cây gỗ khẳng khiu và những nhánh dây nho trơ trọi khô cằn. Ngay sát bên hông nhà là sườn núi được chính phủ cho đổ bê tông làm giống như bờ kè để bảo vệ cho đất đá trên cao không sụp lở xuống.

Kure là một thành phố biển với mật độ dân số khá thưa thớt, khoảng 220.000 cư dân, có trường đại học nổi tiếng University of Coast Guard, có vịnh Kure dùng làm nơi đóng quân của Hải quân Nhật Bản. Mấy lần trước tôi đã theo chồng đi khắp đó đây quanh thành phố thăm viếng, đã vào mấy shopping Center lớn của thành phố. Đi từ trên xuống dưới, từ trái qua phải nhưng thú thật chưa gặp được một cô gái Nhật nào có gương mặt xinh xắn dễ nhìn, để mà rình mò chụp lấy một tấm ảnh làm kỷ niệm (săn người đẹp). Nơi đây khác hẳn thành phố Tokyo, đi đến đâu cũng dễ bắt gặp một gương mặt kiều nữ kiêu sa, nhưng chồng tôi bảo rằng Tokyo không phải là nơi sản sinh ra những người đẹp. Theo môt tiểu thuyết gia rất nổi tiếng Nhật, ông này đã đi khắp các nơi để khảo sát, ông kết lại rằng chỉ có tỉnh Akita là địa phương có nhiều người đẹp nhất, từ những bà nội trợ đến những cô gái bán hàng và nhân viên văn phòng... ngay cả các bà xồn xồn, ai cũng đều xinh đẹp cả. Nghe vậy tôi cũng muốn một lần đến Akita cho biết.
Trước khi lấy taxi về nhà, vợ chồng tôi còn nhởn nhơ ngoài siêu thị Sogo cả tiếng, ngắm nhìn người qua lại. Đây là một siêu thị lớn nhất của thành phố Kure, nằm ngay bên cạnh ga xe điện. Cách đây vài năm sogo đã bị phá sản và được đại công ty Itorokado mua lại.
Trung tâm thành phố kure nằm trong một lòng chảo, xung quanh là núi đồi và một mặt hướng ra cửa biển. Hai bên sườn đồi đó dân cư xây dựng nhà cửa chen chúc bên nhau theo tầng lớp trông thật lạ mắt. Lần đầu tiên đến nơi này, tôi cứ ngỡ rằng đây là thị xã Sơn La, một thị xã miền núi quê nhà của tôi bên Việt Nam, người dân cũng dựng nhà bên sườn đồi y như thành phố Kure này, chỉ khác về kiến trúc và sự trù phú của hai nơi, hai đất nước.

Khoảng 2 giờ chiều tụi tôi mới chịu lên taxi để về nhà. Mẹ chồng tôi tươi cười ra mở cửa, bà là một phụ nữ Nhật cởi mở, không giống một số bà mẹ chồng của mấy cô gái Việt Nam mà tôi có dịp quen biết, họ khó tính và có vẻ khinh rẻ người Việt Nam mình. Mẹ chồng tôi hoàn toàn khác hẳn, bà yêu thương quý mến tôi như con gái ruột của bà, bà vẫn thường nhắc nhở chồng tôi:
- Vợ con ở đây có một thân một mình, buồn lắm, con nên dành nhiều thời gian chăm sóc vợ, một năm nên cho về Việt Nam thăm gia đình ít nhất hai lần. Thật tội nghiệp!
Trái lại ba chồng thì căn dặn:
- Hừm...! Vùng này cũng nhiều người Nhật lấy vợ ngoại quốc như Thái Lan, Philipin... họ ở đây cả chục năm không thấy về nước. Vợ con cũng nên như vậy, vài năm hẵng về một lần, về thường xuyên tốn tiền lắm!
Ba chồng tôi là lớp người tiêu biểu cho dân Nhật (mr Kẹo), gia đình ông khá giả, tiền bạc rủng rỉnh nhưng kẹo vô cùng, kẹo đến mức bà mẹ vợ phải thốt lên:
- Tao không ngờ gả con gái cho một tên keo kiệt như vậy!

Nhưng theo lời kể của mẹ, ông anh của bố chồng tôi còn kẹo gấp nhiều lần như vậy. Mẹ tôi kể chuyện về ông anh chồng kẹo và bà cười sang sảng, tôi không tưởng tượng ra ông bác kẹo bên chồng mặt mũi ra sao, và keo kiệt bủn xỉn như thế nào, nhưng cũng khoái chí cười tít cả mắt.
Bên nội chồng tôi có được sáu anh chị em, ba trai, ba gái. Một người em gái mất từ hồi còn nhỏ xíu. Bố chồng tôi là người thứ ba trong gia đình, trên có hai anh trai và sau còn hai em gái. Ngoài hai người em gái thì chỉ mình bố chồng tôi là có con để nối dõi tông đường. Hai ông anh trai đều có vợ nhưng lại không sinh được người con nào. Ông anh đầu đã mất cách đây vài năm. Ông anh thứ hai (tức là ông bác kẹo), ông này thì vợ đã chết sống một mình. Chồng tôi bảo rằng ông bác này khá giả nhất vì trước khi về hưu, ông là sĩ quan cao cấp làm việc trong sở cứu hoả ở thành phố Hiroshima, lương bổng rất cao. Sau ngày về hưu ông còn làm giám đốc cho công ty bia Kirin nổi tiếng của Nhật, nhưng không hiểu sao ông lại thích sống cuộc đời keo kiệt, ky cóp tiền bạc gửi trong ngân hàng để làm gì? Chết có mang theo được đâu?

Bố mẹ chồng tôi sinh được 2 người con, chồng tôi và một đứa em gái kém anh hai tuổi. Cô em gái này có chồng đã 15 năm nay nhưng cũng không chịu sinh con, vợ chồng cô ta sinh sống ngay thành phố Hiroshima này, cách Kure chỉ một tiếng đồng hồ lái xe. Vậy mà sáu lần về ăn Tết với gia đình chồng, tôi vẫn chưa một lần gặp mặt. Đôi khi tôi đem thắc mắc ra hỏi tại sao em gái anh không về thăm ba má trong dịp Tết, hay có phải em gái anh không ưa tôi là người Việt Nam chăng? Chồng tôi gạt đi, không coi đó là điều quan trọng, anh bảo con nhỏ đó vừa xấu người vừa xấu nết, sống lập dị, kêu tôi đừng để ý đến. Thậm chí mười năm nay anh em cũng không gặp mặt, không thư từ liên lạc, không cả điện thoại hỏi thăm nhau, kể cũng thật kỳ lạ, họ coi nhau cứ như người dưng, chẳng có chút xíu tình cảm gia đình ruột thịt. Mẹ chồng đưa cho tôi xem mấy cuốn abum hình chụp gia đình và chụp đám cưới của cô em gái. Cả một đống hình đó mà tôi dòm mãi cũng không thấy được tấm nào chụp cô em chồng cho ra hồn. Khiếp... người gì đâu mà xấu bà cố luôn! Trái lại, cậu em rể coi khôi ngô tuấn tú, cô này đúng thật là có phước! Lúc đầu, tôi tưởng chỉ có mình chồng tôi và cô em gái coi nhau như người xa lạ thế nhưng sau này tôi khám phá ra hầu như người Nhật nào cũng vậy, họ sống lạnh lùng cứ như những con rô bốt biết di động. Bạn bè muốn đến thăm nhau phải thông báo trước cả tháng và hỏi thăm xem người ta có đồng ý tiếp mình hay không. Ngay cả gia đình cũng vậy, kỳ nghỉ lễ vào mùa hè, vợ chồng tôi muốn về quê thăm gia đình nhưng mẹ chồng không đồng ý thì cũng không dám về. Chẳng bù cho người Việt Nam mình, được con cái về thăm bà mẹ nào cũng mừng quýnh quáng.

Lúc này bố chồng tôi không có nhà. Vì là những ngày cuối năm, hôm nay ông đi tảo mộ bên thành phố Takehara cách Kure một giờ đi bằng xe điện và nơi đó mới chính là quê nhà của dòng họ bên nội. Tôi cũng đã đến Takehara tảo mộ một lần khoảng hai năm trước, gọi là thành phố cho nó oai chứ thực ra Takehara chỉ giống như một thị trấn nhỏ, bản sao của thành phố Kyoto với nhà cửa thưa thớt gần giống như khu Little Saigon mà tôi đã có dịp đến thăm vào cuối thu 2004.
Tôi đứng giữa phòng khách, căn phòng nhỏ chừng chín mét vuông thông qua phòng bếp bằng cửa lùa. Ở Nhật hầu như người ta xây nhà giống hệt nhau, các phòng ba mặt đều có cửa lùa thông qua với nhau khi bằng kiếng, khi bằng gỗ. Tôi mở cửa bước sang phòng bên cạnh, đây là căn phòng rộng nhất và là nơi tụi tôi nghỉ ngơi mỗi khi có dịp về thăm gia đình. Một luồng khí lạnh phả vào mặt khiến tôi rùng mình. Căn phòng được ngăn vuông vức bằng những tấm kiếng bông mờ, nền nhà là những mảnh chiếu ghép lại với nhau thật độc đáo, người Nhật gọi loại này là phòng Tatami. Bởi cửa nhà làm hoàn toàn bằng kiếng, lại nằm về hướng Tây, nên ánh nắng chiều chiếu rọi xuyên vào làm căn phòng như sáng bừng lên. Tuy vậy nó vẫn không xoá tan nổi cái lạnh lẽo của chiều đông ở thành phố ven biển. Tôi cởi áo khoác treo lên cái móc nằm phía bên ngoài, tìm kiếm bộ đồ ấm mặc ở nhà trong đống hành trang mang theo. Thay vội vã và bước ngay ra phòng khách, nơi đang đặt cái lò sưởi đỏ rực được đốt bằng dầu hôi phảng phất một mùi thật khó chịu. Căn phòng này cũng là dạng phòng Tatami được phủ lên nền chiếu một tấm thảm sưởi ấm bằng điện. Tôi vốn sợ lạnh, không chịu nổi cái lạnh, mặc dù khi xưa tôi cũng sinh ra và lớn lên ở một vùng rừng núi Tây Bắc Việt Nam, nơi có mùa đông lạnh cắt da cắt thịt.

Mẹ chồng tôi đang đứng trước bồn rửa chén, loay hoay chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Thường thì tôi không được đụng vào bất cứ món gì khi bà chuẩn bị nấu ăn. Muốn phụ bà đôi công việc nhưng cứ bị bà đuổi xơi xơi làm tôi thấy ái ngại. Người Nhật họ cầu kỳ trong việc bếp núc, họ dành cả buổi chiều chỉ mỗi việc lo nấu nướng cho chồng con. Bởi vậy, phụ nữ Nhật được khuyến khích ở nhà làm nội trợ có đi làm thì đồng lương ít ỏi không thể sánh được so với đàn ông. Người Nhật họ ăn uống không giống người Việt Nam mình, món ăn nào cũng chia đều ra từng phần nhỏ cho từng người, không có chuyện đồ ăn đựng trong một dĩa rồi mỗi người thò đũa vào gắp chung, họ coi đó là sự mất vệ sinh. Hơn nữa không ai đụng vào phần ăn của ai. Trong lúc bà chuẩn bị nấu nướng thì chồng tôi ngồi bên bàn ăn đặt ngay trong phòng bếp, trước mặt là cái computer nhỏ xíu. Anh đang ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi vào tháng sau. Vừa học bài, vừa nói chuyện rôm rả. Mẹ chồng tôi tính tình cởi mở và hay diễu trò qua điệu bộ bằng tiếng nói, tuy không hiểu cho lắm những gì bà nói, nhưng tôi vẫn cười toe toét khi nhìn gương mặt của bà.
Tôi bước trở ra phòng bên ngoài, lôi trong mớ hành lý mấy hộp quà bánh mà chiều qua vợ chồng tôi cất công lên tận Daimaru nằm trong khu vực ga Tokyo để mua về tặng bà. Mẹ chồng tôi là người khảnh ăn, những thứ của ngon vật lạ nào bà cũng biết đến và đọc vanh vách hương vị của nó. Chồng tôi hiểu ý mẹ nên lúc nào cũng chọn những thức ăn hảo hạng cho mẹ. Hồi đầu, tôi cằn nhằn vì giá cả quá mắc mỏ, chỉ một hộp bánh thôi mà giá bằng cả tháng lương tôi đi làm bên Việt Nam, tôi tiếc đứt ruột đứt gan khi phải chi tiền mua những đồ xa xỉ ấy. Nhưng dạo sau này thì tôi mới hiểu, ở Nhật Bản tiền nào của đó, không có chuyện mua lầm. Mẹ chồng tôi thường gửi lên cho tụi tôi những thứ ngon vật lạ, ăn riết rồi quen miệng.

Sau này tôi không thèm động tới những đồ ăn thức uống rẻ tiền nữa, trà xanh phải mua loại hoản hạng, bánh trái các loại phải mua tận trong các siêu thị cao cấp thì mới thấy ngon miệng. Chính bà mẹ chồng đã dạy hư cho cô con dâu Việt Nam vốn trước đây có cuộc sống đạm bạc, nghèo khổ…
Đối với người Nhật, chuyện quà cáp rất quan trọng. Nếu bạn đến thăm viếng nhà người khác mà không mang theo quà là một điều mất lịch sự. Quà gì cũng được miễn là quà, đôi khi chỉ là những hộp bánh trái ăn tráng miệng, hộp quà này phải được đưa ra chiêu đãi luôn cả người khách mang đến. Mẹ tôi đón nhận những hộp quà với nụ cười hóm hỉnh và luôn miệng cảm ơn. Người dân Nhật được dạy dỗ từ thủa nhỏ những lễ giáo trong gia đình và câu cảm ơn ở cửa miệng, đúng hay sai gì cũng thấy người ta cảm ơn, xin lỗi rối rít, điều này hiếm bắt gặp ở bất cứ người Việt Nam mình trong xã hội đương thời. Có lần tôi chạy xe bị người khác tông vào, họ không xin lỗi tôi mà còn nổi đoá chửi bới: "Mày đui hay sao mà không biết tránh đường!" Lũ trẻ con nhà tôi cứ trơ mắt đón nhận món quà từ người lớn mà không biết mở miệng nói cảm ơn, mặc dù đã được nhắc nhở mỗi ngày. Tôi thấy cám cảnh cho lớp trẻ thời nay quá!

Trong những câu chuyện qua lại, mẹ chồng tôi bảo rằng ngày mai mẹ sẽ về quê thăm bà ngoại, nhân tiện mang thức ăn tết cho bà. Tôi đòi được đi theo, mấy năm rồi vợ chồng tôi không được gặp bà, tôi dường như quên luôn cả gương mặt của bà ngoại. Thường khi Tết đến, bà ngoại hay lên đón năm mới với con gái ở Kure. Vài năm trở lại đây do tuổi già, bà ngại không lên nữa mà ăn tết một mình cùng với bà con chòm xóm cũ. Bà ngoại sống ở thị trấn Higashi Hiroshima, tôi chưa từng đến đó lần nào, có muốn cũng chẳng dám vì mẹ chồng không cho phép. Lần này bà cũng từ chối bảo rằng lạnh lắm, để mình bà đi được rồi. Bà còn nói thêm rằng tiền lì xì bà ngoại đã gửi lên đây từ mấy bữa trước. Bà lật đật bỏ mọi công việc chạy vào phòng riêng lấy mấy bao lì xì, đưa tận tay vợ chồng tôi. Tụi tôi đón nhận và đáp lại bằng những lời cảm ơn, tiền lì xì năm mới không được quyền từ chối. Nhưng tôi thật sự muốn thăm bà ngoại, không phải chỉ đến để nhận bao lì xì của bà, phần muốn thăm viếng vùng quê cho biết thêm chút ít về những người nông dân Nhật sống ra sao. Cuối cùng tụi tôi cũng thuyết phục được và mẹ cho phép ngày mai về thăm bà ngoại.
Mẹ chồng tôi lúi húi cọ rửa hai cái bình bông nhỏ để cắm hoa chưng lên bàn thờ tổ tiên. Gia đình chồng theo đạo Phật, nhưng chồng tôi lại bỏ Phật theo Chúa. Từ ngày rước vợ qua sống chung thì anh chàng quên luôn cả đạo Chúa mà theo đạo Vợ. Sáu năm rồi tôi chưa hề thấy anh đi lễ nhà thờ, thỉnh thoảng anh cũng mang cuốn Kinh Thánh ra đọc. Tôi không có đạo nên không quan tâm lắm đến vấn đề tôn giáo. Có điều, ai rủ đi đâu tôi cũng đi, chùa tôi cũng đến, nhà thờ tôi cũng ghé qua và cả đạo Shinto (Thần Đạo) tôi cũng từng vô cầu nguyện. Bảo tôi không có đạo cũng đúng mà bảo tôi đa đạo thì cũng đúng luôn. Tôi có vài người bạn theo đạo Chúa, tôi cũng từng theo tụi nó đi nhà thờ. Tụi nó bảo với tôi rằng: "Mỗi khi gặp bế tắc trong cuộc sống, tâm thần trao đảo... tụi nó liền đi nhà thờ, chỉ cần vào trong đó cầu nguyện, tụi nó thấy mọi phiền muộn đều tan biến, tinh thần sảng khoái vô cùng..." Tôi cũng bắt chước làm y như vậy, chắp tay nguyện cầu Chúa mang những phiền muộn trong tôi đi giùm, nhưng tôi lại chẳng thấy cảm giác thanh thản nào cả. Chồng tôi bảo tại vì tôi không có lòng tin.

Mẹ chồng tôi kéo hai đứa vào trườc bàn thờ Phật vừa được bà cho sơn phết làm mới lại. Bà khoe rằng chỉ riêng tiền công sơn phết mà bà phải trả tới 300.000 yên (gần 3000 đô la Mỹ), tôi nghe ù cả hai lỗ tai. Mèn... mắc chi mà mắc rứa! Số tiền này tôi làm hộc mật cũng chưa bao giờ cầm được ở trong tay lúc còn bên Việt Nam. Bàn thờ được đặt trang trọng trong một cái tủ ngay căn phòng mà vợ chồng tôi thường nghỉ qua đêm khi về đây.
Hai cánh cửa tủ được mở toang, tôi choá mắt vì một mầu vàng rực rỡ có vẻ đẹp huyền bí, rờn rợn hiện lên trước mặt. Mỗi một nước lại có những tục lệ, và nền văn hoá khác nhau, bàn thờ của họ cũng thấy khác biệt. Mẹ chồng tôi líu lô xổ ra một tràng mà tôi nghe chẳng hiểu gì cả. Bà đưa cho tôi một cuốn sổ nhỏ, bìa được bọc bằng vải bông hường có viền ngoài bằng nhũ vàng. Cuốn sổ là một tờ giấy kéo dài và xếp lại gọn gàng, bên trong ghi bằng chữ Kanji (chữ Tàu), tôi đọc không hiểu. Chồng tôi giải thích đó là cuốn Gia Phả của giòng họ có từ bao đời nay. Mẹ chồng tôi nhìn với ánh mắt nửa như hờn nửa như trách, ca thán:
- Hai vợ chồng bay không sinh con, sau này cuốn Gia Phả sẽ trao cho ai đây?

Tôi nghe nhồn nhột, cúi đầu không dám nhìn thẳng vào ánh mắt bà. Tôi cảm thấy như mình có lỗi vì cho tới giờ này tôi vẫn chưa sinh được cho bà một đứa cháu nào để nối dõi tông đường, để bà ẵm bồng, nựng nịu. Đón lại cuốn Gia Phả từ tay tôi, bà trịnh trọng đặt nó trở vào chỗ cũ, cúi đầu chấp tay khấn nguyện lầm rầm trọng miệng, khi ngẩng lên, bà vỗ hai tay vào nhau nhẹ một cái, đóng cửa tủ và đi ra ngoài, miệng lầm bầm:
- Con gái không tốt, con trai cũng không tốt, không đứa nào chịu sinh cháu cho bà.
Tôi liếc mắt nhìn chồng, anh bóp nhẹ tay tôi, bàn tay lạnh buốt khiến anh buông ra như thể chạm vào cục nước đá. Tôi có bàn tay rất lạnh, nhất là mùa đông đến nó lạnh ngắt như đá cho dù trong nhà lúc nào cũng mở lò sưởi đủ ấm.
Sáu giờ chiều mà bố chồng vẫn chưa về, mẹ tôi lôi mấy hộp cá sống ra bỏ bên ngoài cho bớt lạnh. Hôm nay bà chiêu đãi tụi tôi món Sasimi (cá sống). Thức ăn khoái khẩu của người Nhật là món cá sống, những miếng cá tươi rói được cắt nhỏ, ăn chung với củ cải sống và wasabi (một loại mù tạt xanh đặc biệt của người Nhật) ăn cay nồng lên tận mũi. Cá sống cũng chia làm nhiều loại, loại không tanh và loại tanh, thường loại cá hơi nặng mùi tanh, họ ăn thêm với gừng sống. Tôi thích nhất món gừng muối dưa của họ, thơm và ngon ăn hoài không biết chán.

Tôi mân mê cầm hộp cá bự nhất lên coi, chẳng biết đây là loại cá gì nhưng khi nhìn bảng giá tôi giật bắn mình. Sao mà mắc quá! Một hộp với số lượng 300gr mà giá cả lên tới 6890 yên (gần 60 $) bằng lương công nhân bên Việt Nam làm việc cả tháng. Hộp thứ hai đựng một con mực tươi nhỏ bằng bàn tay, đã được lột vỏ sạch sẽ, trông nó trong suốt như nước, giá đề 2000 yên. Hộp thứ ba là loại cá đặc biệt được gọi là Otoro (một phần ít được lấy ra từ bụng của loài cá Thu chỉ sống ở vùng biển Nhật Bản). Ông ngư phủ nào mà vớ được một con cá loại này thì đúng thật là vô mánh lớn, một con cá có giá vài chục ngàn đô la, đóng cửa nghỉ câu vài tháng.
Bố tôi gọi điện thoại báo bận chưa về nhà kịp, kêu mọi người ăn cơm trước. Mãi đến gần 8 giờ ông mới lọ mọ về. Bố chồng tôi nay đã 76 tuổi, trông còn khoẻ mạnh mặc dù vừa mới qua một đợt phẫu thuật thông tim hồi trong năm. Ông vừa về đến nhà, mẹ vội lật đật dọn cơm cho ông ăn. Bố chồng tôi giống y như một ông hoàng thời trung cổ. Mẹ tôi phục vụ ông tận tình, chu đáo, điển hình cho lớp phụ nữ Nhật xưa kia. Bữa cơm nào của ông cũng phải có món cá sống và rượu sake, ông ăn khoẻ gấp ba lần tôi. Tôi ngồi bên cạnh ngắm nhìn ông ăn cơm với cái miệng móm xọm, bập lên bập xuống trông tức cười. Bố tôi rụng sạch cả răng nhưng lại không chịu đeo hàm răng giả, ông ăn cơm bằng lợi, và nói chuyện cứ phều phào hơi gió, tôi nghe chẳng hiểu gì. Đôi khi tôi rửa mặt ngoài bồn nước, vô tình mở trúng phải cái hộp ngâm hàm răng giả của ông làm tôi sợ chết khiếp.
Buổi tối, tôi nằm ngủ trong căn phòng thoang thoảng mùi dầu hôi toả ra từ cái máy sưởi bên góc nhà, tôi sợ cái mùi này kinh khủng, chỉ hửi một lúc là tôi vang váng nhức đầu liền, tắt thì sợ lạnh mà mở thì bứt rứt không ngủ được, tôi trùm mền kín mít, đến lúc nóng quá lại tung ra... cho đến tận gần sáng mới thiếp đi.

Khi tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao, không thấy mẹ đâu cả, hỏi thì chồng tôi trả lời mẹ đã đi rồi. Tôi dãy nảy lên trách anh sao không chịu đánh thức tôi sớm hơn, tôi muốn gặp lại bà ngoại, tôi muốn thăm viếng quê ngoại của anh... và thật ra thì tôi muốn có được những dữ kiện sống để hoàn tất bài viết của mình vậy mà anh nỡ làm tôi mất cơ hội. Anh phân trần:
- Anh thấy em ngủ ngon quá không nỡ đánh thức. Nhưng nếu em muốn đi thì sửa soạn nhanh lên, hy vọng đón kịp chuyến xe bus lúc 10 giờ tới. Mẹ ra Sogo mua đồ tết cho bà ngoại. 9:30 Sogo mới mở cửa, 9 giờ 50 có chuyến xe đầu tiên, chắc là mẹ có mặt trên đó.
Tôi vội vàng đánh răng rửa mặt, trang điểm lại tí chút và thay quần áo ấm, chỉ vậy thôi mà cũng tới sát nút 10 giờ sáng.
Vợ chồng tôi bước ra khỏi nhà, hướng theo đường quốc lộ đi tới. Anh chàng lướt nhanh như ma đuổi, lâu lâu ngoái cổ lại dục vợ:
- Nhanh lên em!
Còn tôi thì lẽo đẽo chạy bộ theo sau, đôi giấy boot cao cả tấc chao đảo dưới con đường dốc gần như dựng đứng, tôi chúi nhủi đầu xuống dưới nhém té mấy lần. Cuối cùng cũng đến được trạm dừng xe bus, chưa kịp thở thì xe bus trườn tới, tôi nhướng mắt nhìn lên trên cố tìm xem mẹ mình có trên đó không. Trên xe lác đác vài người, may mắn thay, mẹ tôi ngồi ngay cửa sổ, bà cũng vừa nhìn thấy tụi tôi, reo lên mừng rỡ. Tụi tôi leo lên xe và ngồi ngay sau lưng mẹ. Xe từ từ lướt đi, bỏ thành phố Kure lại phía sau lưng.
Từ Kure về Higashi Hiroshima mất hơn một giờ đi xe bus, con đường khá đẹp, phẳng lì không hề có ổ gà ổ vịt. Thấp thoáng xa xa là những làng mạc phố phường nằm dưới thung lũng, những căn nhà cổ kính, mái ngói đỏ au, những rặng núi xanh biếc, chập chùng xa tít, khiến tôi lại nhớ đến quê mình.
Khoảng hơn 11 giờ trưa một chút xíu, xe bus đã vào trung tâm thị trấn Higashi Hiroshima. Xe chạy chầm chậm và ngừng hẳn lại bên đường khi tới trạm dừng của xe bus. Cả ba lục tục kéo xuống trước khi bỏ tiền vào cái hộp để ngay trên đầu xe, gần nơi tài xế ngồi. Trên Tokyo, bước lên xe bus hành khách phải trả tiền liền, còn nơi đây, khi nào xuống xe khách hàng mới phải trả, từng trạm giá tiền khác nhau, tuỳ từng đoạn đường mình đi.

Thời tiết hôm nay khá đẹp, bầu trời trong xanh thấp thoáng những đám mây trắng bàng bạc bay lơ lửng trên cao. Ông mặt trời nhả những tia nắng vàng dịu lên con đường rải nhựa mịn màng. Đối diện bên kia đường là một cửa hàng nho nhỏ bán đủ các thứ kể cả cơm hộp, cà phê, thuộc hệ thống bán lẻ Family Mart. Vợ chồng tôi bước theo mẹ đi ngược trở lại khoảng 10 thước tới một ngã tư đường, từ đó quẹo tay phải đi thêm một đoạn ngắn nữa, đụng ngã tư thứ hai. Mẹ tôi đi chậm lại, ngó nghiêng rồi chỉ trỏ, bà giải thích rằng hồi xưa trạm xe bus ở đây, không phải ở chỗ hồi nãy. Ngày nay, khu thị trấn này dân cư đã đông hơn trước nhiều. Tôi cũng đưa mắt nhìn quanh, nhà cửa san sát, mái ngói đỏ au, đa phần nhà đều xây dựng theo một kiểu, mái ngói cong vòng. Trên những bức tường rào xây bao quanh, tôi thấy họ đặt vài cặp chim bồ câu quay đầu vào nhau, trông ngộ nghĩnh, tôi cũng không hiểu họ làm vậy có ý nghĩa gì, chắc chắn không phải là để... đuổi cọp và tôi mang thắc mắc này ra hỏi mẹ, nhưng bà cũng không biết luôn, bà đoán chắc để cho đẹp. Hồi mới qua Nhật, ngồi trên xe điện nhìn xuống, tôi thấy nhà nào nhà nấy nhỏ bé y như mấy cái chuồng chim bồ câu, vậy mà khi bước vào trong, căn nhà trở nên rộng rãi, thoáng đẹp và đầy đủ tiện nghi.
Đến ngã tư, chúng tôi lại quẹo phải, đi thêm một quãng ngắn nữa, mẹ tôi đưa tay chỉ về phía trước, bà bảo căn nhà nhỏ nhất đằng kia là nhà của bà ngoại. Căn nhà xinh xắn có tường màu trắng đục và mái ngói đen xám nằm lọt thỏm trong một khu phố đều lợp ngói đỏ au, trông nó lẻ loi trơ trọi y như ngoại tôi sống đơn độc tại đây gần cả cuộc đời mình. Từ bên ngoài, chúng tôi thấy bóng dáng ngoại nhỏ bé thấp thoáng đi lại bên trong. Mẹ tôi gõ cửa rầm rầm, gọi bà ầm ĩ nhưng tuyệt nhiên cửa vẫn đóng im ỉm, bà ngoại điếc nên chẳng nghe gì.

Tôi cũng đưa tay đập cửa vài lần, cả ba cùng đồng thanh gọi bà ngoại, nhưng cửa vẫn đóng chặt không xê dịch, tôi lẩm bẩm cười một mình: "bà ngoại điếc lòi tĩ chả nghe gì cả!" Mẹ tôi đi vòng lại phía sau nhà, vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì đó mà tôi nghe không rõ, chỉ một lát mẹ tôi ra mở cửa cho chúng tôi vào.
Bà ngoại cũng bước lại gần cửa, xin lỗi vì già điếc nên không nghe gọi cửa. Bà mặc bộ đồ ấm mầu xanh đậm, cái áo dầy cộp quần đông xuân mang vớ cũng dầy, trông bà có vẻ nặng nề. Mái tóc muối tiêu của bà cắt ngắn với gương mặt trắng hồng, đặc biệt hai gò má đỏ chót, đỏ hơn cả tôi đánh má hồng. Lạ một điều, năm nay bà ngoại 86 tuổi, vậy mà nước da trên gương mặt vẫn láng mịn, ngoại trừ vùng mắt và vùng khoé miệng. Trông bà vẫn mạnh khoẻ, bước đi nhẹ nhàng, không có vẻ gì là của người già nua. Tôi thầm nghĩ, bà chắc phải sống thêm cả chục năm nữa.
Tụi tôi lọt hẳn vào bên trong, đóng cửa lại, tôi loay hoay cởi đôi giầy boot, chồng tôi nhắc khéo, em chào bà ngoại đi nhớ bảo là "Harimematshite" (câu chào của người Nhật khi lần đầu tiên gặp mặt) nhé. Tôi cãi lại rằng tôi đã gặp bà rồi, nhưng chồng tôi lại lên tiếng bà ngoại không nhớ đâu. Tôi cúi đầu, chắp tay chào bà ngoại, bà cũng đáp lễ lại y như vậy. Lần này không giống như lần đầu tiên cách đây vài năm, bà ngoại ngồi quỳ gối trên tấm gối mỏng trong phòng Tatami, vái lậy tôi như tế sống làm tôi bối rối không biết đường nào lần, đó là phong tục của người Nhật.

Bước vô trong nhà, tôi có cảm tưởng như lạnh hơn ngoài đường, lạnh run bần bật. Tôi chui ngay sang phòng khách, xà xuống như ôm lấy máy sưởi. Mẹ chồng đứng bên ngoài phòng bếp đưa từng món trong giỏ đựng thức ăn ra cho bà ngoại xem và dặn bà những món gì. Tôi ngồi xoay lưng lại cái máy sưởi, nhìn vào phòng bên trong (phòng ngủ của bà ngoại). Các cửa lùa đã được mở toang, căn phòng khá gọn gàng, và tôi cũng nhìn thấy bàn thờ Phật giống y như bàn thờ bên nhà mẹ chồng tôi, nhưng trông nó cũ kỹ hơn. Phía trên đầu cửa có treo một tấm hình truyền thần vẽ người đàn ông mặc quân phục quân đội. Chồng tôi giải thích đó là hình ông ngoại. Anh kể rằng ông ngoại đã hy sinh trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, lúc bà ngoại 28 tuổi và mẹ thì chỉ khoảng 3 tuổi. Bà ngoại ở vậy nuôi con thờ chồng cho đến tận ngày nay tức là đã 58 năm rồi. Bất giác tôi quay sang phòng bên ngắm nhìn bà ngoại, lòng không khỏi xốn sang thương cảm. Bà ngoại thấp tè, tôi đã thuộc dạng xì trum, vậy mà bà chỉ đứng ngang vai tôi, mẹ thì cao hơn bà ngoại một chút, bố chồng cũng vậy, chỉ ngang tôi, hèn gì chồng tôi cũng rứa. Hồi mới quen nhau, tôi hay mang cái dáng dấp lùn tịt của anh ra ghẹo: "Sao người Nhật em thấy ngoài đường cao ráo mà sao anh thì lùn vậy? Có phải anh bị ảnh hưởng bom nguyên tử ở Hiroshima không?" Chồng tôi chỉ cười, ký đầu tôi bảo rằng tôi chỉ được cái nói vớ vẩn là giỏi!
Mẹ chồng tôi sau khi xếp thức ăn tết vào tủ lạnh cho bà ngoại, bà vẫy tụi tôi qua thăm chị bà con đang sống gần đây. Tụi tôi đi theo mẹ băng qua vài con lộ, đường phố vắng teo chẳng thấy bóng người nào. Mặt trời đã đứng bóng, ánh nắng vàng trải dài trên những đồng ruộng trơ gốc rạ. Miền quê Nhật Bản sao mà yên tĩnh lạ lùng! Thấp thoáng bên vệ đường là những cái vườn nho nhỏ trồng cải thảo, khoai tây, bắp cải, họ làm nhà và phủ ni lông lên trên để chống rét cho rau. Chồng tôi bảo, nếu không làm vậy rau sẽ chết lạnh hết.

Chồng tôi đưa tay chỉ về phía trước:
- Căn nhà kia hồi xưa bà ngoại sống ở đó!
Mẹ tôi dừng chân trước cổng ngôi nhà, tụi tôi cũng dừng theo. Mẹ tôi ngắm nghía cái cổng rồi bảo căn nhà này hình như vừa được sơn sửa mới lại, mùi sơn vẫn còn hôi nồng. Tôi ngắm nhìn cái cổng, nó được trạm trổ khá cầu kỳ. Cánh cổng mở toang, nhưng không thấy bóng dáng ai cả. Bên trong garage có mấy cái xe máy cầy máy kéo, bên tay trái có thêm một căn nhà khác, chắc đó mới là căn nhà chính để ở. Mẹ tôi đi vào, chào thật to:
- Kon ni chi wa! (chào buổi trưa).
Tụi tôi cũng lật đật chạy theo, mẹ tôi cất thêm tiếng chào mấy lần nữa mới thấy một ông già từ phía ruộng đi lên, cười vồn vã. Chồng tôi giới thiệu ông là dượng, chồng của dì mình. Tôi cúi đầu chào, ông độ ngang tuổi với mẹ, dáng người dong dỏng cao, trông khoẻ mạnh. Để mặc cho mẹ tôi nói chuyện với ông, chồng tôi quay ra đùa giỡn với con mèo ngay bên hiên nhà. Con mèo vện lông xám có gương mặt thật dễ thương, mập ú ù. Chồng tôi mê mèo còn hơn mê vợ, suốt ngày ước có một con mèo, nhưng vì sợ bệnh dị ứng mũi của tôi nên đành phải chịu không dám rước về nuôi.

Bỏ mặc anh bên ngoài tỉ tê với mèo, tôi theo mẹ vào trong nhà, mẹ và dượng đứng nói chuyện ngay trước ngưỡng cửa nhà trên, tôi cũng đứng kế bên vểnh tai nghe lóm. Cả hai cứ xì xồ líu la líu lô như chim hót, nhưng dù có nghe rõ cũng chẳng hiểu họ nói gì với nhau vì kẻ phiên dịch thì mắc lo "nhiều chuyện" với con mèo bên hiên nhà. Mẹ đưa biếu dượng túi quà mà nãy giờ tôi vẫn xách trên tay, mẹ chỉ sàn nhà và kêu tôi ngồi tạm, mẹ cũng ngồi xuống luôn đó mà không vô hẳn nhà. Đến lúc này dì mới bước ra, dì trông trẻ hơn mẹ tôi đôi tuổi, cao ráo và nhỏ nhắn. Tôi đoán chắc hồi trẻ dì cũng thuộc diện xinh gái ra trò. Giống như mẹ chồng tôi, dì cũng mất cha từ nhỏ, cả hai dì dượng trông đều chất phác, hiền lành chất phác như những người nông dân Nhật Bản.
Chồng tôi vẫn đứng ngoài vuốt ve con mèo, dượng tôi để mẹ và dì nói chuyện với nhau, ông chạy ra bên ngoài cùng chồng tôi bàn tán về con mèo. Tôi cũng bước vội ra theo vì bên ngoài có nắng ấm hơn trong nhà. Nhìn thấy dượng, con mèo vội tuột khỏi tay anh lao đến quấn lấy dượng rồi ngước cặp mắt ướt nhìn dượng kêu meo meo ra điều nhõng nhẽo. Dượng tôi kể rằng cách đây mấy tháng, con mèo bị tai nạn gãy cả cổ đưa đi cấp cứu trên bệnh viện, nó phải trải qua mấy đợt giải phẫu mới cứu sống được. Con mèo nay trông có vẻ mạnh khoẻ, chẳng có dáng vẻ gì bệnh tật gì, cổ đeo cái chuông tí xíu, mỗi bước đi nghe tiếng kêu leng keng. Cả nhà ai cũng cưng nó hơn vàng ngọc, lúc sau này mẹ tôi bảo con mèo thương ông dượng nhất, ông đi đâu nó cũng theo, ông lái xe thì nó nhẩy lên vai ông theo ông đi tới mọi chỗ, khi bị tai nạn nằm trên bệnh viện, ông dượng cũng phải ở lại đó với nó. Tôi dửng dưng không quan tâm mấy vì dù sao nó cũng chỉ là một con mèo. Có tiền thì mới vậy chứ nghèo như dân Việt Nam quê tôi, dám con mèo này đẫ bị bắt trộm làm món ăn đặc sản! Cách đây vài ngày, chồng tôi đọc trong tờ quảng cáo về nghĩa trang cho thú vật, mỗi mộ phần nghe đâu phải mua chừng hai triệu yên (gần 20,000$), anh ta tính đòi mua một mộ phần cho con mèo Harry Kun yêu quý của anh đã chết cả chục năm nay. Tôi gạt đi không chịu, anh cứ làm như 2 triệu yên là mớ giấy lộn.

Mấy người đứng ngoài hiên nhà bàn tán, nựng nịu con mèo dễ thương. Dì tôi vào trong nhà lục lọi một chút rồi trở ra trên tay xách một bịch bánh mochi, một loại bánh dày đã được xấy khô, mang tặng mẹ. Dì đưa cho tôi một bao lì xì nhỏ, mừng tuổi tôi. Tôi ngập ngừng hết nhìn mẹ lại nhìn dì chưa biết xử trí ra sao thì mẹ tôi đã lên tiếng cảm ơn giùm. Tôi lễ phép đưa hai tay đón nhận bao lì xì vì ngoài bà ngoại và mẹ, tôi chưa nhận tiền lì xì của ai bao giờ. Dường như chán cảnh đông người, con mèo lỉnh đi mất. Mẹ tôi kêu vợ chồng theo ra thăm viếng khu mộ phần của giòng họ ngoại. Tất cả đi tắt qua một cánh đồng khá rộng một bên trồng lúa một bên trông khoai tây. Chồng tôi thì thầm đây là khu ruộng của dì dượng. Dượng tôi trước khi về hưu làm công nhân cho hãng chế tạo xe Matsuda, những ngày cuối tuần thì về nhà làm ruộng. Người dân ở đây đa phần là vậy, trong tuần đi làm hãng xưởng, cuối tuần làm nông kiếm thêm thu nhập, bởi vậy đa phần người nông dân Nhật có cuộc sống khá giả và giàu có hơn dân thành phố. Người nông dân Nhật sướng quá, họ làm ruộng hoàn toàn bằng máy, cày xới cũng bằng máy, gieo trồng cũng bằng máy, tưới tiêu hay làm cỏ gì cũng đều bằng máy cả. Thấy cuộc sống của họ, tôi cảm thương người nông dân nước mình, đến bao giờ noong dân Việt Nam mới có được cuộc sống như người nông dân Nhật bây giờ, chắc cả trăm năm nữa cũng chưa được. Nhìn những cánh đồng dài bất tận, không khí trong lành, thị trấn yên tĩnh, tôi thủ thỉ vào tai chồng:
- Mai mốt nghỉ hưu, vợ chồng mình về đây sống hén.
Anh cười cười và bảo không bao giờ, anh không chịu được cuộc sống của miền thôn dã nên đã bỏ nơi đây lên Tokyo lập nghiệp.

Khu mộ phần của bên ngoại nằm cách nhà chừng 200 thước, trên một mô đất cao ráo, sạch sẽ, khang trang. Tuy rằng gia đình bên ngoại tôi theo đạo Phật như mộ phần được xây theo hình chữ thập giống như những ngôi mộ của người theo đạo Thiên Chúa Giáo, đẹp và cầu kỳ. Mộ của ông tổ to nhấtnằm chính giữa, mộ của con cháu nhỏ hơn nằm hai bên, có khi chỉ nhỏ bằng cái thẻ bài. Người Nhật đi tảo mộ vào cuối năm, họ mang theo hoa Cúc, và một loại lá cây đặc biệt chuyên dùng cho để cúng người chết. Thăm viếng mộ phần, dọn dẹp sạch sẽ, cắm hoa, lấy bình nước tưới đều lên các tấm bia để rửa sạch các bụi bậm. Người Nhật hầu như không còn tục lệ thắp nhang cho người chết.
Sau khi thăm viếng khu mộ phần của giòng họ ngoại, tôi chụp hình dì dượng làm kỷ niệm và chia tay ngay đó để rẽ qua lối khác về nhà bà ngoại. Trên đường trở về, cả ba tạt qua Family Mart mua cơm hộp ăn trưa,
Về đến nhà, lúc này tôi mới để ý, căn nhà bên ngoài trông nhỏ bé, nhưng bên trong khá rộng có hai phòng ngủ, một phòng khách. Tôi đi vòng quanh nhà ngó nghiêng thăm dò, phòng tắm, phòng toilet đều đẹp và tiện nghi không khác gì trên thành phố. Đằng sau căn nhà là một dẻo vườn nhỏ nằm theo hình vòng cung được rào chắn cẩn thận. Đây là nơi bà ngoại trồng khoai tây, cà rốt và các loại rau quả làm thú vui tuổi già, ruộng lúa của bà, đã cho người khác mướn canh tác vì bà già cả không còn làm nổi. Ở Nhật, miền Bắc và miền Tây, người ta chỉ trồng lúa một lần một năm vào mùa Xuân, thu hoạch vào mùa Thu, nhưng ở miền Nam thì trồng làm hai lần. Người Nhật quan niệm phải để cho đất nghỉ ngơi, nếu lạm dụng quá đất sẽ cằn cỗi và không còn cho gạo ngon nữa. Có lẽ nhờ vậy mà gạo của Nhật ngon và mắc nhất thế giới, loại thượng hạng 5 $ cho 1 kg, gạo thường cũng phải mất 3 $ /1 ký lô. Tại thị trường Nhật, chưa có gạo nước nào qua mặt được gạo Nhật, tôi đã từng mua thử gạo của Úc, Mỹ về ăn, nhưng rồi cũng phải bỏ vì tuy rẻ hơn được tí chút nhưng ăn cơm không thấy ngon. Thường gạo nhập được dùng vào việc chế biến thực phẩm khác như làm snack, làm bột, làm bánh...
Bà ngoại đã bao lần từ chối lời đề nghị về sống chung với con gái trên thành phố Kure, bà bảo rằng bà còn khoẻ, tự nấu ăn được, tự lo cho mình được và còn lấy việc trồng rau làm thú tiêu khiển tuổi già. Nếu lên kure, bà chẳng có việc gì làm, tối ngày ngồi xem tivi vì mọi việc đã có con gái tận tình phục vụ, chắc bà sẽ chết sơm mất. Bố mẹ tôi thuyết phục mãi không nổi, năm ngoái đã bỏ tiền sửa sang lại căn nhà này cho bà, cơi nới thêm một phòng để thỉnh thoảng về thăm nghỉ lại qua đêm. Chỉ nội việc đó không thôi mà phí tổn lên tới hơn 5 triệu yên, tôi nghe mà đau quặn bụng, với số tiền đó tôi có thể mua được một căn nhà kha khá bên Việt Nam để dưỡng già.

Cả nhà lôi cơm hộp ra ăn trưa, mẹ chồng ngồi theo thế quỳ gối, chồng tôi và bà ngoại cũng vậy. Tôi bắt chước theo, nhưng chỉ khoảng hai phút sau là cảm thấy khó chịu, chân tê cứng, ráng tới 10 phút thì tôi ngồi bệt xuống, đầu hàng. Ở những vùng quê này, người Nhật vẫn còn giữ phong tục tập quán cũ, cách ăn mặc và đi đứng cũng như kiểu ngồi khi xưa.
Chồng tôi bảo rằng ngày xưa người Nhât không có bàn ghế như Tây phương, bất kể đàn ông hay đàn bà ngồi đều quỳ gối trên sàn nhà, quỳ riết người phụ nữ Nhật lùn tỉn và có bắp chân to như chân voi. Cũng giống như người Việt Nam cổ xưa có bàn chân giao chỉ, ngón chân cứ thè lè ra, trông gớm chết!Có một điều này có thể nhiều người chưa biết, bàn chân người Á Châu, nhất là người Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan... có hình dáng khác hẳn người Tây phương, bàn chân người Tây phương họ đi giầy từ nhỏ nên bàn chân múp ở đầu, bàn chân người Á châu vì đi chân đất hay thói quen đi dép lẹp bẹp nên bàn chân toè ra y như hình cái quạt, bởi vậy sản xuất giày cho người Á Châu hoàn toàn khác mẫu với người Tây phương.
Bà ngoại cứ đi ra đi vào lăm le muốn mở toang hết mọi cánh cửa trong nhà cho thoáng. Mẹ sợ tôi lạnh nên cản lại. Chồng tôi giải thích, vì bà ngoại mặc nhiều đồ ấm nên bà ngoại không sợ lạnh, bà muốn mở cửa để đón không khí trong lành, mặc dù có máy sưởi lẫn máy lạnh nhưng bà không bao giờ thèm xài. Mấy người già họ cho rằng những thứ này đều độc hại đến sức khoẻ. Mẹ còn nói thêm tối đến bà ngoại đội nón để ngủ. Tôi ngắm nhìn bà ngoại, rồi lại ngắm mấy cái máy nóng lạnh mới toe treo trên tường nhà, mỗi phòng một cái, lòng thầm nhủ, uổng phí thật, không xài lắp làm chi cho tốn tiền. Có lẽ nhờ hít thở không khí trong lành, lại vận động nhiều cộng thêm chế độ ăn uống điều độ, nên bà ngoại tôi sống khoẻ mạnh như bây giờ. Người Nhật họ ít ăn thức ăn chứa dầu mỡ, chủ yếu là cá và tàu hũ. Tôi nghe chồng tôi nói rằng, xưa kia Nhật Hoàng cấm thần dân của họ không được ăn các loài thịt đỏ, có lẽ vì vậy mà dân Nhật lùn. Ngày nay sau bao năm thay đổi, người Nhật đã cao lên một cách đáng nể. Tôi lại thủ thỉ bên chồng, sau này về hưu, vợ chồng mình dọn về đây sống hén, vừa khỏi phải mua nhà, vừa có cuộc sống nhà hạ. Mình mở nhà hàng hay quán cà phê thêm cho vui. Chồng tôi gạt đi, không, ở đây không buôn bán gì được, đã có người mở rồi, nhưng không ai đến ăn uống nên phải dẹp tiệm.

Ở lại với bà ngoại thêm một lúc, cả ba mẹ con tụi tôi lại lục tục kéo nhau ra trạm xe bus đón cho kịp chuyến xe vào đúng 1 giờ 50 chiều. Trước khi ra về, tôi cố ngoái lại chụp một tấm hình bà ngoại nhỏ bé đứng bên bậu cửa nhìn theo, hy vọng còn gặp lại bà nhiều lần nữa.
Trạm đón xe bus nằm ngay trên chiếc cầu bắc ngang con suối nhỏ trên đường quốc lộ. Mùa Đông, con suối đã cạn khô chỉ còn tí xíu nước dưới đáy, trơ ra những viên đá sỏi, có vài bụi tre là ngà mọc đâm lên từ hai bên bờ. Tôi treo bịch bánh mochi lên thành cầu cho đỡ nặng, thấy vậy anh tôi nhắc nhở:
- Coi chừng kẻo xe tới em quên đó nghen.
Tôi im lặng không trả lời, đưa mắt nhìn xuống lòng suối khô cạn, gió thổi mạnh, lạnh muốn thấu tim gan. Bên dưới đầy rác rưởi, bịch ni lông, xác bao gói đồ ăn vứt tung toé, trông chẳng khác nào cảnh bên Việt Nam mình. Trời lạnh quá! Tôi đứng co rúm cả người lại, cứ mỗi lần đút hai tay vào túi áo cho ấm là bị anh nắm lấy lôi ra, anh bảo đàn bà con gái không được đút tay vào túi áo như vậy, người ta nhìn vào đánh giá mình là người không có học. Nhưng lạnh quá chịu không nổi tôi lại đút tay vào, anh lại thò tay kéo ra làm tôi bực mình thụi cho anh một cái, đẩy anh ra chỗ khác. Mặt trời biến mất, bầu trời sậm lại, gió thổi từng cơn mang cái rét đến như cắt da xé thịt. Nếu đúng theo lịch trình thì xe bus đã tới, nhưng có lẽ vì ngày cuối năm, ai cũng muốn nhanh chân về nhà sớm nên đường quốc lộ xe cộ nối đuôi nhau như nêm củi, vì vậy mà xe bus bị trễ.
Cả ba mẹ con tụi tôi đều ngong ngóng về phía trước coi xe bus đến chưa, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy nó đâu cả. Tôi thất vọng, dựa hẳn người vào thành cầu lơ đãng nhìn về phía trước mặt, chếch phía bên kia cầu có một căn nhà xây theo kiểu ngồ ngộ, khác hẳn những căn nhà xung quanh. Chồng tôi thấy tôi chăm chú nhìn vào nó bèn cất tiếng:
- Căn nhà đó hồi xưa là một tiệm cà phê đấy, nhưng chẳng có ma nào đến uống nên tiệm phải đóng cửa.
Tôi nghe vậy bỗng phì cười, nghĩ thầm, thế mà mình lại dự dịnh mai mốt anh nghỉ hưu, hai vợ chồng về đây sinh sống mở nhà hàng nữa. Chồng tôi vẫn đều đều bên tai:
- Em có biết tại sao mái ngói lại màu đỏ không?

Tôi nhìn sững anh không trả lời, anh tiếp:
- Anh không biết sao nó lại có mầu đỏ nhưng ngói loại này mắc tiền hơn loại mầu xám đen, chắc chắn nó tốt hơn ngói đen.
- Nó có màu đỏ vì nó được nung từ một loại đất sét đỏ, bên Việt Nam đầy. Thế mà cũng không biết.
Hồi còn "bao cấp" để có một căn nhà ngói ba gian là một việc khó vô cùng. Dù có đủ tiền nhưng mẹ tôi đã phải vác đơn chạy từ đầu trên xuống xóm dưới xin xỏ mãi mà phải chờ mất hơn cả năm mới được xét duyệt cho phép mua ngói về lợp nhà. Ngày nhận ngói trong xí nghiệp, tôi nhờ thêm mấy đứa bạn cùng lớp theo xe vào tận nơi bốc xếp, rồi ngày dựng nhà, tôi cũng chỗm trệ ngồi trên mái, giơ tay bắt từng viên ngói từ dưới thảy lên cho mấy bác thợ lợp nhà mình. Tuy nhiên, ngói bên Việt Nam mình có màu gạch non, tươi rói, viên nào viên nấy rám thô, không được mịn màng và đỏ sậm như ngói của Nhật.
Xe bus đã tới, cả ba chúng tôi cùng leo lên xe, một làn hơi ấm toả ra khiến tôi dễ chịu. Trên đoạn đường về nhà, mắt tôi díp lại, cơn buồn ngủ ập tới khiến tôi gục xuống, thiếp đi.
Tôi giật mình tỉnh giấc thì xe đã vào thành phố, tụi tôi không về nhà ngay mà đi thẳng ra ngoài siêu thị Sogo, tôi muốn mua một ít thịt xay, rau sống để chiều nay trổ tài nấu đố ăn Việt Nam cho cả nhà thưởng thức. Đến Sogo mới chỉ 3 giờ chiều, mẹ con tôi dạo một vòng bên dưới rồi leo tuốt lên lầu tám, nơi có nhiều nhà hàng ăn uống và có hẳn một nhà sách rộng lớn bên trong.

Chồng tôi mê sách, đi đâu, làm gì anh cũng phải ghé vào tiệm sách mới chịu. Tôi thì không ưa vì tôi chẳng có việc gì làm trong nhà sách, chữ nghĩa không biết, chỉ đứng lớ rớ coi tranh ảnh trong mấy tạp chí, đứng hoài thì mỏi chân làm tôi bực bội. Nhưng lần này có mẹ chồng nên phải chiều anh ta, lẽo đẽo theo hai người lên nhà sách.
Mẹ tôi dừng lại đứng ngắm lịch năm mới ngay đầu nhà sách, vợ chồng tôi cũng dừng lại theo. Anh đưa tay huých nhẹ tôi, nháy mắt ra hiệu về phía mẹ. Tôi nhìn bà rồi liếc lên mấy cuốn lịch treo trên tường, mỉm cười. Mẹ chồng tôi đang say mê ngắm hình mấy tài tử người Đại Hàn, miệng xít xoa khen ngợi. Mấy năm trở lại đây, mấy bà mấy cô người Nhật phát rồ lên vì làn sóng phim ảnh, ca nhạc bên xứ Hàn (trong đó có cả mẹ chồng tôi) họ là những fan trung thành của điện ảnh Hàn Quốc, đặc biệt họ mê nam tài tử tên Bê hay Bi gì đó (tôi nhớ mặt mà không nhớ tên) đóng vai chính trong trái Tim Mùa Đông. Mỗi khi anh chàng xuất hiện trong phim, quàng khăn hiệu gì, lập tức mấy bà liền mua đúng y chang hiệu đó, có bà còn sưu tầm đủ các loại hình ảnh của chàng trên tạp chí... cắt dán đầy phòng ngủ của mình.

Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 146
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com