Anh Trung, không làm ngụm nước à? - Tay thợ có cái tên rất Đức là Franz vừa tu một hơi hết nửa chai nước khoáng, rồi có nhã ý chìa nó cho bạn đồng nghiệp người Việt ngồi bên, một cử chỉ ngoại lệ. - Cảm ơn, tớ cũng có đây! - Người tên Trung trả lời rồi ngửa cổ ừng ực tu chai nước của mình. Nghề của họ nặng nhọc, nhem nhúa, cái nghề tháo dỡ các nhà máy hoang phế. Người Đức, chỉ mạt vận mới chui vào nghề này vì nó đã vất lại lang bạt. Vậy mà lọt thỏm trong đội lại có một tay “Việt cộng”. Thân hình gã cao, đậm không kém Tây là mấy nhưng mặt gã thì ít chất thợ thuyền, nhất là ở cặp mắt sâu, luôn có vẻ mông lung. Khi biết anh đã 55 tuổi mấy người Đức vừa trợn mắt ngạc nhiên - vì trông anh còn trẻ quá, lại vừa thương hại, vào tuổi đó mà còn làm nghề này thì quả là trời phạt! Hơn nữa gã lại có bằng kỹ sư, tốt nghiệp TU (Đại học Kỹ thuật Tổng hợp) Dresden hẳn hoi. Người Đức đã là “hàn lâm” (Akademiker), thì thà thất nghiệp hưởng trợ cấp chứ không đi làm thợ. Hình như đấy là chất “sĩ” của họ.
Nghề lưu động, ngủ lán, ăn trưa xong, Trung cũng liếm cái thìa cho thực nhẵn rồi đút nó vào túi quần sau để bữa chiều dùng tiếp. Gã được coi là thành viên bình đẳng trong đội vì nói tiếng Đức và hiểu người Đức “hơn” người Đức. Nhưng dù vậy gã vẫn là ngoại tộc, thường ngồi riêng một góc, ăn riêng một bàn vì… người Đức là người Đức! Ngay đồng nghiệp trong đội với nhau họ cũng chỉ thân mật bằng cách xưng hô “cậu - tớ” còn thì bánh ai người nấy nhá, bia ai người nấy tu, gặp nhau chỉ câu đầu lưỡi muôn thuở: “Cậu thế nào?”. Biên chế của đội luôn thay đổi vì nếu kiếm được chỗ khá hơn là người ta tếch. Chỉ có Trung “chí cốt” với công việc đã 6 năm nay, thành thâm niên nhất đội. Bỏ nghề này gã còn biết làm đâu? Có một điều luật bất thành văn là: “Chỗ làm trước tiên dành cho người Đức”.
Dân Đức lại ngộ nhận rằng người Việt có máu con buôn nên có lần Franz ái ngại hỏi Trung: “Sao anh không buôn bán như đồng hương của anh? Làm nghề này ở tuổi anh không nhọc lắm sao?”. Trung đáp: “Người Việt sở dĩ phải đi buôn, kể cả buôn lậu vì họ không còn đường nào khác. Tôi cũng đã thử buôn mấy lần”. … Sau ngày tái thống nhất, toàn bộ hệ thống kinh tế của DDR (Cộng hoà dân chủ Đức) cũ bị “tháo dỡ”, kể cả những xí nghiệp hiện đại nhất, tới nay chưa hẳn đã lạc hậu. Phải đến những vùng một thời là đại công nghiệp, là liên hiệp xí nghiệp khổng lồ, rộng hàng trăm héc ta nay trở thành đất chết, không một hơi thở của người, cỏ dại mọc trùm sắt thép, thỏ đồng chạy dung dăng, mới thấm cái xót xa, xót xa ba chiều, khôn tả về một quá khứ… bỏ hoang. Hôm đang dỡ một liên hiệp hoá chất, Franz chửi đổng: “Mẹ kiếp, chính tớ đã tham gia lắp đặt dàn máy này năm 88, nó được nhập từ Mỹ về, từng được coi là “siêu” nhất thời đó. Vừa khánh thành xong thì xảy ra “Wende”(1), nó bị đắp chiếu ngay từ đó. Nay lại chính tay mình tháo dỡ chúng ném vào bãi thải!”. “Ai bảo dân DDR tự nộp mình cho người ta để bây giờ cam chịu làm thứ dân loại hai” - Anh khác nói. “Vì thiếu chuối và không được đi du lịch phương Tây chứ sao” - Một tay góp thêm.
Bác thợ đứng tuổi, tiện tay quai một nhát búa thật lực vào vỏ cỗ máy làm nó bẹp dúm rồi nói: “Các ông chủ muốn phô sức mạnh đồng tiền của họ. Ngay cả tháp Truyền hình họ cũng định đánh sập nữa là. Đỉnh cao nhất của Berlin không thể gợi nhớ tới DDR!”. “Cũng giống như trẻ con sợ ma” - Trung đế vào. Nghe thế, một tay thợ trẻ đùa: “Bác Trung là người Việt mà đau DDR còn hơn cả Honnecker”(2). Trung cười: “Thì chính tớ là dân Việt”… Cái nghề của Trung, đại thể vậy. Không ai biết rằng, trước khi sang đây làm lao động khách (Gastarbeiter), như cách gọi của người Đức, anh đã là giảng viên đại học đứng bục hơn chục năm. Anh từng được coi là một “mầm” khoa học đầy triển vọng nhưng vì nhiều lý do, xếp hàng mãi vẫn không đến lượt đi nghiên cứu sinh. ở một trường đại học mà ngoài “băm” vẫn không có cái “fờ tờ sờ” thì coi như hãm tài, chuyên môn có giỏi đến mấy cũng “vứt”.
Trung muộn vợ vì loay hoay chỗ đặt tổ ấm. Đến khi nhận được nửa căn phòng tập thể - 8 mét vuông - anh mới ngăn liếp, thành gia thất. Chị An, vợ anh cũng làm khoa học. Gặp lúc mọi người đua nhau đi lao động ở Nga, Đức, Tiệp… bí quá, anh cũng liều viết đơn xin đi làm đội trưởng. Gửi đơn đi mà lòng day dứt: đường khoa học thế là cùng? Anh vừa mong đơn sớm được chấp nhận, và mong ai đó sẽ bác lại rằng một năng lực như thế sao để đi làm thuê! Thế là đi. Mấy tháng trước khi đi anh hối hả cho xong công trình dở dang, vừa viết vừa ngậm ngùi. Đồng nghiệp đánh giá công trình cặm cụi dài năm của anh xứng đáng được bảo vệ như một luận văn phó tiến sĩ. Nhưng mọi việc đều phải có thủ tục, kể cả khoa học. Bỏ cuộc, nhục nhã, tự anh xấu hổ với mình nhưng vẫn nghĩ chỉ vài năm thôi… Khi xếp sách vở vào một cái hòm thiếc, chôn sự nghiệp dang dở dưới gầm giường, anh mong sao đứa con sắp chào đời sẽ thoát khỏi cái 8 mét vuông này!
DDR đổ, Trung đã quyết về hẳn. Anh nóng lòng về đứa con trai đã sắp 5 tuổi. Bốn năm đầu An thường viết thư kể về con với niềm hạnh phúc vô bờ. Nhưng rồi không hiểu sao những lá thư thưa dần và có điều u uẩn. Tới nhà anh mới vỡ lẽ, con trai anh sau một căn bệnh tai ác đã bị di chứng về não. Cơ thể nó phát triển bình thường nhưng đầu óc thì ngẩn ngơ. Gã đàn ông có sạn trong đầu mà phải nuốt nước mắt vào cái phút lẽ ra hạnh phúc nhất đời. Vợ anh cũng khóc. Chỉ thằng cu cứ nghển mặt nhìn trời. Trung tìm đến trường cũ nhưng chỗ anh đã có người thay, anh đã lạc đường.
Anh dồn tiền mua một căn nhà nhỏ để vợ con thoát được tám mét vuông rồi bàn với An để anh lại ra đi “cứu nhà”. Khi chuyển hộ, moi cái thùng “sự nghiệp” dưới gầm giường ra Trung thấy nó gỉ nhoèn bởi nước đái của thằng cu. Thế là vĩnh biệt, ôi khoa học! Sang lại Đức, cái xí nghiệp đồ sộ một thời đã trở thành “hoang mạc”. Ròng một năm gã lọ mọ tìm đến hàng chục hãng, chìa cái bằng “đỏ” ra nhưng vô vọng. Mấy đận đi buôn đều “lõm”, may mà Trung tìm được việc này. Người ta phủ định DDR bằng cả hệ thống chính trị hùng hậu, còn gã, gã tháo rời cái quá khứ đã nuôi dạy gã thành người. Mang tiếng sống ở nước giầu sang bậc nhất châu Âu nhưng phồn vinh đâu dành cho gã. Trung thuê căn hộ trong một xóm mươi nóc nhà xập xệ, như bị bỏ quên trên bản đồ nước Đức hiện đại. Cư dân gồm toàn người về hưu hoặc thất nghiệp. Gã chỉ phải trả cho chủ nhà, một cụ bà ngót 80 tuổi độc thân, mỗi tháng 100 Mác. Có lẽ không còn chỗ nào mạt hơn nữa.
Đồ đạc trong nhà toàn những thứ vớ được qua mục rao vặt trên báo, gã chỉ mất công khuân về. Thế mà đủ cả, ti vi, tủ lạnh, computer, phô tơi… Chẳng bao giờ dám bước chân vào nhà hát, bù lại gã được an ủi bằng một dàn âm thanh “bãi rác” năm cha ba mẹ “tân kỳ”. Và sách, vô số sách, toàn sách “chợ giời”, đổ đồng mỗi Mác một quyển, dầy mỏng mặc kệ. Ngay cả cái ô tô ọc ạch, nhãn Trabant, một sản phẩm của DDR cũ, gã vẫn dùng để “xê dịch” cũng là do Franz thương hại sang tên cho, giá cũng 1 Mác. ở Đức căn hộ nào cũng có hộp thư nhưng hộp thư của Trung từ lâu đã… bỏ hoang. Bạn bè mải “cơm áo” chẳng thiết thư từ còn vợ anh, vì sự mặc cảm vô lý đã không viết thư sang nữa, chỉ đợi anh mấy tuần lại sốt ruột gọi điện về. ấy mà đột xuất có lần Franz ghé thăm. Tay Đức sững người thấy những sách là sách, cả ở xó bếp. Trung giải thích: “Sau khi đổi cờ thì tủ sách người ta cũng đổi màu. Ngoài chợ giời nhiều quyển cũ quý lắm!”.
“Thảo nào mà cái gì anh cũng biết - Franz nói - tôi trọng những người đọc nhiều nhưng tôi thì thích nghe nhạc hơn!”. Franz chọn đặt một đĩa nhạc vào máy rồi âm điệu bi thiết và hùng dũng của một bài hát công nhân nổi lên. Franz cắm cúi nghe. Trung vặn cho âm thanh to lên thì hắn lại vặn nhỏ đi, nghe hết bài, hắn thở dài: “Những bài hát… không còn tổ quốc!” “Không hẳn thế, còn nhiều người nghe và ở đâu những bài hát này vang lên thì đấy là tổ quốc của chúng!” - Trung đáp. Franz nhún vai, nghe tiếp bài khác, có lúc cả hai hát theo. Franz ngạc nhiên bảo: “Anh thuộc nhiều bài hát của phong trào công nhân Đức hơn tôi”. Trung bảo: “Thì vào các dịp mùng Một tháng Năm trước đây bọn ta vẫn đi diễu hành và hát cùng mọi người, thật là khí thế”. Bỗng Franz nhìn thẳng vào mắt Trung, nói: “Có gì… anh đừng giận… anh là trí thức, lại sống đơn độc giữa đám người Đức chúng tôi vốn bị cả thế giới coi là hợm hĩnh… Vậy có khi nào anh chạnh nghĩ là mình… cũng không còn tổ quốc?”. Trung đáp: “Đúng là mình vô dụng đối với Tổ quốc mình… nhưng đêm đêm mình vẫn về… sống với Việt Nam!”. “Phải, Tổ quốc là Tổ quốc!”. Tay Đức lẩm nhẩm rồi thấy Trung xúc động quá hắn trở lại chuyện bài hát, dặn: “Anh đừng mở máy to quá, nhỡ bọn đầu trọc ở quanh đây…”. “Cảm ơn cậu lo cho mình nhưng những bài hát này phải mở to nghe mới hùng tráng”.