Đoàn tuế cống sứ ấy từ Yên Kinh về đến Thăng Long vào buổi đầu xuân năm Giáp Tuất (Năm 1814). Mấy tháng liền vất vả đường trường, họ nghỉ ít hôm cho lại sức để đi tiếp vào Phú Xuân phục chỉ. Vả chăng cũng cần có thì giờ để dinh trấn Bắc Thành kịp phi báo cho các trạm dọc đường thiên lý sửa soạn cáng, ngựa đổi nhau và những đồ nhu dụng cung đốn. Ra giêng trời lại mưa phùn, cũng phải nán lại qua cữ mưa này. Trong nhà công quán vắng ngắt, đầu năm mới ít có ai có việc lên trấn thành. Sứ bộ cứ ăn xong lại ngồi suông nhìn mưa mãi cũng buồn. Suốt ngày khói thuốc lá tam ba cô (Xưa phiên âm chữ tobacco, một loại thuốc lá nước ngoài) mù mịt trong phòng, tiếng quân cờ xương chí chát, tiếng gẩy tiền phán thán xủng xoảng, họ cần bày trò chơi cho khây khỏa nỗi nhớ nhà. Phần lớn họ là người Đàng trong, không quen thuộc mấy ở Thăng Long, nên cũng chẳng muốn đi đâu. Dù mười hai năm đã qua từ khi Gia Long lấy được đất Bắc, họ vẫn dè dặt khi tiếp xúc với dân "nước" Bắc Hà, vì e nhân tâm còn chưa phục. Khi cần mua bán, họ chỉ cần rảo qua phố rồi sấp mải về ngay.
Nhưng quan Chánh sứ Nguyễn Du thì lại khác. Ông tuy người Nghệ An (Thời Nguyễn Du, huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Nghệ An) nhưng đã ở Thăng Long suốt một thời trai trẻ. Thật là dịp may thăm lại người xưa cảnh cũ. Lần trước ở Kinh ra, vì nhật kỳ đã gấp nên ông không nán lại được lâu. Sáng nay ông đã tính đi chơi, nhưng vì trời mưa nên phải ở nhà. Ông liền mang quyển truyện ngẫu nhiên mua được ở một cửa hàng sách Bến Hàng Châu ra đọc thử. Sách đã mất bìa, trang đầu, giữa là mấy chữ Phong tình lục, trên, dưới hai hàng chữ nhỏ Thanh Tâm tài nhân biên thứ và Ngũ vân lâu tàng bản, mỗi bề hơn kém một gang tay, in thạch bản dòng mười, mỗi dòng hăm nhăm chữ. Đọc một hồi, thì ra truyện Vương Thúy Kiều này ông đã thấy trong Kỳ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn, một mặc khách trong dinh Hồ Tôn Hiến. Thì ra Thúy Kiều là một người có thực, nhưng theo sự ghi chép của Mao Khôn, thoạt vào đầu Thúy Kiều đã là con hát, sau lấy Từ Hải, được Hồ Tôn Hiến dụ hàng, đến khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường là hết chuyện. Thanh Tâm tài nhân thì tả Thúy Kiều từ khi còn phong gấm rủ là, đi thăm mộ Đạm Tiên, gặp Kim Trọng, bán mình chuộc cha, lọt vào tay Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Hoạn Thư, Lão bà, Bạc Hạnh... rồi mới gặp Từ Hải. Sau khi nhảy xuống sông Tiền Đường, lại còn thêm một đoạn tái hồi Kim Trọng. Phải nhận rằng Thanh Tâm tài nhân đã thêm vào nhiều sự việc có từng lớp hẳn hoi, lại ly kỳ lắt léo. Văn chương thì tầm thường thôi nhưng không hiểu sao ông cảm thấy day dứt trước cảnh ngộ trớ trêu của Thúy Kiều đến thế. Bỗng ông nảy ra ý định: trong những ngày nhàn rỗi ở công quán, sẽ diễn truyện này ra Nôm cho đỡ sốt ruột chờ đợi buổi lên đường.
Nguyễn Du nhìn ra phía ngoài. Mưa đã tạnh, rặng liễu trước chùa Quán Sứ khô hết nước đang bay phất phới trước gió xuân như ganh với cành phan ở cổng chùa. Có tiếng người cười nói. Thiện nam tín nữ tấp nập đi lễ Thượng nguyên. Những cô gái nón quai thao tua cũng bay như lá liễu; tay giữ quai nón, tay kia vung vẩy, văn hài rón rén trên lối cỏ xanh. Thấy có chàng trai đi tới, cô yểu điệu nấp sau bà mẹ mặc áo ngoài lam giang trong lót nền hồ thủy, vừa đi vừa lẩm nhẩm nam mô, tay lần tràng hạt trước ngực. Tiếng xà tích bạc lách cách như tiếng nhạc ngựa... Cây đại trước chùa nở hoa trắng, mùi hương man mác quyện vào tà áo các cô gái đang bay lên như những câu thơ... Bỏ qua đoạn lung khởi, ông viết ngay vào đoạn ông cảm hứng nhất, từ mùa xuân tình ái đầu tiên trong đời Kiều: Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Ông dừng bút đắn đo. Nguyên văn tả Kim Trọng từ trước đã chờ chực lúc Thúy Kiều ra vào để được gặp nàng, như thế mất cả ý vị. Phải để Thúy Kiều thấy mộ Đạm Tiên đã rồi hãy gặp Kim Trọng, sau khi nhìn cái gương bạc mệnh sờ sờ trước mắt, nàng lo lắng cho thân mình về sau, nên lúc thấy bóng dáng của tình yêu, của hạnh phúc, nàng muốn nắm bắt lấy ngay, như thế vừa đúng tâm lý mà văn chương cũng có chỗ khởi, phục, đóng, mở, thu hút được người đọc. Ông đọc lại thấy nguyên văn tả cái buổi ban đầu lưu luyến thô kệch vụng về quá. Lại để chị em Thúy Kiều về nhà trêu đùa gán gép cho nhau đến là dơ dáng dại hình... Bỗng mắt ông sáng lên. Ngọn bút lại tung hoành trên mặt giấy như vó ngựa dập dồn. Những nét chữ xương kin hiện ra như dấu ngựa in trên đường. Bút dần dần đi chậm lại kiểu lỏng buông tay khấu bước lần dậm băng. Mầu trắng của ngựa, mầu xanh của áo... nổi bật trên nền trời buổi hội ngộ đầu tiên để lại một dấu vết suốt đời không phai nhòa được...
Đọc lại, ông sửng sốt thấy không phải là Kim Trọng mà là chính ông đang dạo bước qua đền Bích Câu... Chiếc lá đỏ trôi theo ngòi biếc, như một bài thơ hẹn ỡm ờ. Mái đền rêu mốc cong cong như nghiêng xuống, dáng Tú Uyên chờ đợi một Giáng Kiều nào. Trong đền nghi ngút khói hương mường tượng xiêm áo của nàng. Một đám mây là xuống thấp, có phải Giáng Kiều xõa tóc xuống để ông bíu theo mà bay lên trời? Hay đó là hồn thơ nâng ông bay lên cao? Dưới cầu nước chảy trong veo Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha Kiều từ trở gót trướng hoa Mặt trời gác núi chiêng đà thu không Gương nga chênh chếch dòm song Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân Hải đường lả ngọn đông lân Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.
Ngọn bút ông căng như một cành cây trĩu nhựa. Bóng hoa ngoài cửa sổ chập chờn trên mặt giấy ngà hoa một, hay là những chữ nở hoa dưới nét bút đẫm mực gieo xuống giấy như những giọt sương. Không biết là dòng thơ hay chính mùa xuân đã làm cho ông ngây ngất... Đến đoạn sau, đọc lại nguyên bản thì thấy viết: ... Kim Sinh thấy cô trốn nấp, nhân nói nhử cô rằng: - Đã là của tiểu thư thời tôi dám đâu không trả. Song tiểu thư cần xem cho kỹ thì mới khỏi lầm. Cô kia ở bên tường lại nói: - Thoa của cháu là thoa kim phụng, trên có ba viên bảo thạch chín một trân châu, không cần xem nữa, chính của cháu rồi. - Cô nói thế quả không sai, lẽ tôi phải đưa trả. Nhưng cũng phải trao tay cho cô thì mới ổn chứ! Người con gái ấy nghe nói đến đó, đứng nghĩ một hồi, không biết làm sao, đành phải đứng lộ ra nửa mình, và ra mặt mà nhận. Kim Sinh thấy chính là Thúy Kiều, lòng mừng hí hởn, bèn nói: - Thoa này thế ra là của Vương tiểu thư đánh mất, mà tôi lại may mắn bắt được! Khiến tôi lại nhờ nó mà thấy được phương dung, thật là hạnh phúc quá!
Thúy Kiều cũng biết đấy là Kim Trọng, bèn mừng thầm mà nói: - Chàng Kim ơi, sao lại nói như vậy? Đó là may mắn cho em mà thoa ấy lại là chính anh bắt được chứ... Nguyễn Du bực mình gấp mạnh quyển sách. Ai lại để cho Thúy Kiều lẳng lơ dạn dĩ thế này, còn gì là đoan trang e ấp nữa... Anh chàng Thanh Tâm tài nhân mang tên tài nhân nhưng về chuyện yêu đương thì anh ta chẳng tài chút nào. Ai lại trai gái gặp nhau đọc lý sự vụn, đã thế Thúy Kiều lại đầy vẻ dạy đời. Nguyễn Du nhớ lại hồi trẻ đi hát phường vải ở làng Trường Lưu, gặp một cô gái tên là Cúc, người đẹp giọng hay, tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi sắp quá thì, ông đã bẻ một câu xiết bao tình tứ: Trăm hoa đua nở tiết xuân Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu Cô Cúc đáp lại bằng một câu cũng thật là ý nhị: Vì chưng ham chút nhị vàng Cho nên Cúc phải muộn màng về thu.
Nhớ lại chuyện cũ, trước mắt ông như hiện ra cảnh các cô gái ngồi dựa cột nhà, mỗi người một cái xa, một chân đạp lên thoen xa, một chân co lại, tay phải quay quàng xa, tay trái cầm sợi vải đưa lên đưa xuống uyển chuyển nhịp nhàng như điệu múa. Tiếng xa vè vè với tiếng quay ro ro êm ái tạo nên một điệu nhạc trầm trầm đệm cho câu hát du dương. Bấy giờ đêm đã khuya, không gian tứ bề im lặng. Tiếng hát mảnh như tơ giăng dài trong không gian ràng buộc hồn người. Tiếng hát "giọng cao đón gió, giọng trầm lắng sương" làm hơi thở như ngừng lại, nhịp tim đập chậm hơn, lắng sâu vào tận đáy lòng. Trai gái đắm chìm trong tiếng hát, trong nguồn yêu thương dào dạt, tưởng như chỉ có mình họ giữa trời đất mênh mông. Hồi ấy Nguyễn Du thường sang Trường Lưu chơi với Nguyễn Huy Quýnh, chú Nguyễn Huy Tự (Nguyễn Huy Tự gọi Nguyễn Du bằng chú vợ, tác giả truyện Hoa tiên), thường được ông Quýnh dẫn đi hát phường vải. Sau buổi tối đầu tiên, từ đấy đêm nào Nguyễn Du cũng quen lệ tìm sang. Có lần nhỡ hẹn không sang, thế là lần sau đến, trước khi ra về, các cô gái còn bắt ông gửi khăn áo lại làm tin. Rồi dần dần sau các cuộc hát đối, hai cô gái Trường Lưu tên là Uy và Sạ, cùng đem lòng yêu ông, bỏ cả nghề canh cửi. Nguyễn Huy Quýnh biết chuyện bèn viết thư hộ để kể lể sự tình:
Trời làm chi cực bấy trời Cơi trầu này để còn mời mọc ai Tim gan đổ hắt ra ngoài Trông theo truông Hống đò Cài thấy đâu Khi lên đổ rối cho nhau Khi về trút một gánh sầu về ngay Nguyễn Du cũng viết bài "Thác lời trai phường nón" để đáp lại: Giữa thềm tàn đuốc còn tươi Bã trầu chưa quét nào người tình chung Hồng sơn cao ngất mấy trùng Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu Làm chi cắc cớ đến điều Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay... Lúc Nguyễn Du đang viết đây, dư âm tiếng hát xưa như còn văng vẳng bên tai: Tai nghe câu ví như ru Đêm thu để khiến nét thu ngại ngùng... Nhớ lại sau những đêm hát đối với cô gái phường vải, Nguyễn Du đã viết những lời thơ da diết: Tiếc thay duyên Tấn phận Tần, Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa, Chưa chi đông đã rạng ra. Đến giờ hãy giận con gà chết toi, Tức gan cho cái sao mai, Thảo nào vác búa đánh trời cũng nên...
Thế mà chỉ mấy tháng sau, cô Uy cô Sạ cũng bỏ ông mà đi lấy chồng. Thì ra ở đời cái gì đẹp cũng thường mau tàn, lúc này ông bâng khuâng nhớ tiếc thời trai trẻ. Nhưng bóng dáng của cậu Chiêu Bảy hào hoa phong nhã nổi tiếng kinh kỳ đã bị đẩy lùi vào dĩ vãng rồi. Bữa vừa tới Thăng Long ông đã đi thăm lại nhà cũ ở xóm Bích Câu, trước có dinh thự của thân phụ ông, quan Tham tụng Nguyễn Nghiễm, ngoài cổng có đắp ba chữ lớn "Ô Y hạng" (Ngõ áo đen, lấy điển cái ngõ nhà họ Tạ, có nhiều nhà làm quan đời Tấn (Trung Quốc)). Giờ cỏ non mùa xuân đã lấp hết dấu vết lâu đài. Nguyễn Du nhớ lại cảnh kiêu binh đến phá phủ đệ để trả thù việc Nguyễn Khản, anh ruột ông, chủ mưu bắt chém bảy tên kiêu binh, chặn trước mưu mô chúng tôn phù vua Lê lấn át chúa Trịnh. Lúc này Nguyễn Du như còn nghe thấy tiếng hò hét man rợ, tiếng chân bước thình thịch, tiếng gạch đá rào rào, bức tường lảo đảo rồi nặng nề vật mình xuống, bụi cát mù mịt... Tấm biển vàng "Kim Âu Đình" - ngự bút của Trịnh Sâm, bị kéo sập, đè lên những bể cạn, những núi non bộ, những đôn chậu... tiếng sứ vỡ lạo xạo chói tai... Chiếc sập gỗ trắc chân quỳ Nguyễn Khản từng ngồi cầm chầu điểm hát trước mặt Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ, gẫy răng rắc như tiếng dắt nghiến xương, và nhất là hình ảnh người khách phương bắc trấn cửa dinh, một mình chọi nhau với lũ kiêu binh, cuối cùng bị chúng bầm nát như bùn...
Một con cào cào từ đâu bay đến đậu vào tay ông, càng cứa vào da nghe rờn rợn. Cây lau gió thổi ngả nghiêng như trêu cợt. Nhớ lại câu thơ Đường: Khả liên Vương Tạ đình tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia (Dịch: Én xưa thềm cũ Tạ Vương. Bay về đậu chốn tầm thường dân gian). Nhưng ở đây én cũng không bay về, vì biết trước không còn chốn đậu... Trên đường về, ông vòng lên phố Hàng Hòm định hỏi mua một cái tráp sơn then. Trước cửa lùa tầng dưới một ngôi nhà kiểu chồng hộp diêm, có một người đàn bà ngoài ba mươi, ẵm đứa con nhỏ. Khăn xô, tóc bù rối nhưng lại mặc áo hồng của con hát nhà quan, cũ bạc có vết xoạc rách. Người ấy nhìn ông trừng trừng rồi buột tiếng kêu: - ối kìa! Ông lớn Bảy! Sao tóc ông bạc nhiều thế này, suýt nữa thì con... Người đàn bà đặt vội đứa trẻ xuống, toan sụp lạy. Nguyễn Du xua tay bảo đứng. Nhận ra là một người con hát cũ trong dinh của Nguyễn ức, em ông, ông hỏi: - Chị Hương đấy hả? Khăn ai thế? - Bẩm ông lớn, khăn chồng con ạ - Rồi không đợi hỏi tiếp, chị ta kể lể một thôi - Bẩm từ ngày ở cửa ông Tám con ra, con đã có người thương đến, nhờ giời cũng được ba mụn con. Nhưng mẹ chồng con không bằng lòng cho con là nhà trò con hát, bắt chồng con phải rẫy. Chồng con không vâng lời thế là cụ từ, không thèm nhìn mặt. Hai vợ chồng đành phải đi làm thợ sơn nuôi thân, nuôi cháu. Mới đây anh ấy chẳng may bị bạo bệnh mà chết, con vẫn thủ tiết thờ chồng nuôi con. Chả là nhà con thường có bạn buôn đến giao hàng nhận hàng, người anh chồng con vin vào đó vu cho con là trong khi tang chồng mà chứa giai trong nhà, cáo lên cửa quan. Chung quy chỉ muốn đuổi mẹ con con ra khỏi nhà này chiếm lấy mặt cửa hàng và để hưởng hết gia tài của mẹ chồng con sau này. Chẳng biết lễ lạt thế nào mà quan huyện Thọ Xương cho lính đến nhà, bắt con giải lên huyện về tội thất tiết làm bại hoại phong hóa. Con hỏi bọn lính có bắt được quả tang không mà lại trăng trói người ta. Chúng quát: Bất biết, lệnh quan đòi thì cứ phải lên hầu đã, rồi cứ sấn vào trói. Con liều đẩy chúng ra, hô hoán lên. Bà con phường bạn đến đánh tháo, chúng đành phải lui, trước khi về còn đe rồi sẽ biết tay. Con biết thế nào chúng cũng còn đến hành hung, mà con thì thân cô thế cô chống làm sao được với lũ hùm sói ấy. Bóp đầu bóp trán nghĩ mãi con mới sực nhớ ông Tám con có thể che chở cho con, nên vội bế cháu lội tắt đồng sang tận bên Kẻ Gióng. Sang đến nơi thì bà con dạy là ông con đã vào Kinh rồi...