watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:40:5028/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Bạn Thơ
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 1 trong tổng số 2

Bạn Thơ

Tác giả: Tràm Cà Mau

Bà Tư đứng ở cửa sổ nhìn ra vườn sau, thấy lá cây bắt đầu vàng, mây xám đục bay đầy trời. Bà thở dài, và nói vọng vào phòng khách, nơi ông Tư đang ngồi chăm chú nhìn lên màn ảnh máy vi tính, đọc thơ bạn bè qua liên mạng:
“ Thế là đã qua năm thứ tư rồi, mà cái nhà kho vẫn không được sơn. Anh cứ lần lửa hứa hẹn mãi. Sơn tróc, phô gỗ mục nát bên trong, trông tồi tàn tội nghiệp quá. Mùa nầy anh không sơn kịp, thì em cứ cho một mồi lửa cho yên chuyện. Để mối mọt ăn lan ra sụp luôn căn nhà chính, rồi vợ chồng dắt nhau ra gầm cầu mà ở.”
Ông Tư ngưng đọc. Nhìn qua bà và nói lớn:
“ Ừ, em cứ cho một mồi lửa đi. Rồi sẽ được sung sướng. Cháy lan nhà người khác, vào tù ngồi có cơm bưng nước rót hàng ngày, khỏi đi làm mà được nuôi nấng đàng hoàng tử tế. Suốt ngày đọc sách, xem truyền hình, tập thể thao, đánh cờ. Còn có cả máy vi tính nữa. Ăn thì sang hơn là chúng mình đi ăn tiệm. Em có nhớ hôm trước xem phim không? Bữa ăn của tù, có một đùi gà hầm, bánh mì, khoai tây nghiền, xúp, một ly cối sữa, một trái chuối, và cả bánh ngọt nữa. Mỗi đêm, còn có lính bồng súng gác cho mình ngủ. Nước Mỹ chi tiêu cho mỗi người tù hàng năm từ ba mươi đến bốn mươi lăm ngàn đồng kia mà.”

Bà Tư quay lại nói:
“Ở tù mà sướng thế, nên không ai sợ, cứ làm càn, phạm pháp. Tù mà còn viết đơn kiện chính phủ vì nhà bếp nấu ăn không vừa miệng. Chỉ có nước Mỹ mới điên khùng như vậy thôi. Tại sao những khi thất nghiệp, mình không la toáng lên, yêu cầu nhà nước cho mình mỗi năm ba chục ngàn tiêu chơi. Nếu không thì mình cứ phạm pháp, cũng phải tốn hơn chừng đó tiền nuôi mình.”
“ Em làm anh phát ra sáng kiến, anh sẽ đề nghị chính phủ Mỹ ký khế ước, giao cho cọng sản Việt Nam giam giữ tù, để tiết kiệm ngân sách. Cứ cho lên Hoàng Liên Sơn, Cổng Trời, Thanh Liệt, Sông Bé cải tạo là xong hết. Hàng năm, Mỹ chỉ trả công nuôi và giáo dục mỗi người tù chừng năm trăm hay một ngàn đô, thì nhà nước Việt Nam chỉ chi ra chừng bảy chục đến một trăm đô là quá thừa. Nuôi một triệu tù, thì Việt Nam thu lợi chừng nửa tỉ cho đến một tỉ đồng. Không cần dong tay nài nỉ xin xỏ tiền bạc của cộng đồng thế giới. Chính phủ Mỹ tiết kiệm được ba đến bảy tỉ đô la nuôi tù. Dư ra không biết bao nhiêu nhân lực đem sung vào lực lượng sản xuất. Phía Việt Nam, bắt tù đốn tre, chặt nứa, làm lán trại, trồng bắp, trồng khoai, ăn bo bo, khoai mì, thì chi phí ăn ở mỗi tháng chừng năm bảy đô là cùng. Còn cái lợi lớn khác, là khi mãn tù, anh nào cũng sợ xanh mặt, không bao giờ dám tái phạm nữa. Em cứ xem, mấy ông phi công Mỹ đã ở tù ngoài Bắc thì biết kết quả. Về rồi mới biết quý miếng cơm cháy, quý đời sống. Bởi vậy cho nên nhiều ông thành nghị sĩ, dân biểu, nhà ngoại giao, kỹ nghệ gia, thương gia triệu phú, nhiều lắm và nhiều lắm. Đó không phải nhờ công học tập cải tạo của bọn Bác Đảng sao ?

Bà Tư trở lại vấn đề :
“Nầy, anh đừng nói lảng qua chuyện khác. Em không tội chi đốt nhà để đi tù, rồi anh léng phéng với bà khác. Giao hẹn cho anh, tuần tới, phải sơn xong cái nhà kho. Nếu không thì em sẽ thuê người làm. Họ tính tiền công đến một ngàn rưỡi, rán mà trả tiền, đừng tiếc.”
“ Được rồi. Thứ bảy nầy anh rước một ông Mễ ngoài phố về phụ sơn, chừng một hai ngày thì xong. Em đừng lo.”
“ Làm gì thì làm, em không cần biết. Miễn sao sơn xong cái nhà kho thì thôi.”
Sáng thứ bảy, khi ông Tư còn ngủ nướng thì điện thoại đã reo vang . Bên kia đường dây, một ông bạn mời đến ăn sáng, và xoa mạt chược. Nghe đến mạt chược, ông Tư tỉnh táo hẳn, nói với vợ :
“ Bác Thư mời chúng mình đến ăn sáng, em có đi không?”
“ Không được. Anh đã hứa sơn cái nhà kho rồi. Hôm nay không đi đâu cả.”
Ông Tư tiu nghỉu, nói qua điện thoại với bạn:
“ Tôi sắp ra phố rước một ông Mễ về phụ sơn cái nhà kho. Hôm nay bận, xin hẹn tuần sau.”
“ Rước Mễ làm chi! Tôi có ông bạn mới tới Mỹ chưa được bao lâu, chưa có việc làm, rảnh rang lắm. Anh cho ông ta đến phụ sơn, kiếm chút tiền hút thuốc.”
Ông Tư ngần ngừ, rồi thở dài mà nói:
“ Không phải là tôi chẳng muốn giúp đồng hương, nhưng khó lắm anh ơi. Hồi trước có người bà con tôi mới đến Mỹ, họ năn nỉ tôi cho phụ cắt cây, làm cỏ trong nhà, rồi trả tiền công như trả cho người ngoài. Tôi cho làm và trả công cao hơn thuê người ngoài. Thế mà bây giờ, họ thi xong, hành nghề nha sĩ, đi đâu nó cũng nhắc chuyện hồi mới qua, đi làm công cho tôi, được trả lương tối thiểu. Mình nghe, cứ nhột và không vui. Người khác nghe, tưởng đâu mình lợi dụng, bóc lột sức lao động của người đó.. ”

Ông bạn bên kia đầu giây nói với giọng ép buộc và khẩn thiết:
“ Tôi bảo đảm cho, không có chuyện lấn cấn về sau. Đồng hương không giúp nhau, mà giúp người ngoài, nghe sao xuôi tai ? Hồi mới qua Mỹ, anh cũng mong có ai cho làm bất cứ việc gì, để kiếm chút tiền chứ. Sao mà mau quên hoàn cảnh khó khăn thế ? Chốc nữa, tôi chở anh ấy đến phụ sơn nhà nghe. Không từ chối được đâu.”
Ông Tư nghe mà chột dạ, và nhớ lại những ngày lao đao ban đầu. Đi đâu thấy ai làm việc gì, ông cũng nhìn và mơ ước được thuê vào làm . Không dám mơ được cái việc quý báu như mấy cô thư ký ngân hàng sang trọng, hoặc mấy cô tiếp viên ngồi ở bàn giấy, hay mấy ông gác gian bảo vệ cơ sở ăn mặc đồng phục oai vệ như sinh viên sĩ quan trong quân trường. Thấy họ cao sang quá. Khi thấy mấy ông thợ làm nghề xây cất, lưng đeo dây da to bản lòng thòng hàng chục thứ búa kềm, đồ nghề, ông cũng tự hỏi, biết chăng có ngày ông được như họ. Đọc tiếng Anh, thì ông không ngán, nhưng nghe và nói thì như câm điếc. Mơ ước có công việc làm ăn như trẻ con mơ chuyện thần tiên. Ông ho khan rồi trả lời:
“Xong rồi, anh cứ đem ông bạn qua đây phụ tôi. Sau nầy ông ta có ghét bỏ, thì tôi rán chịu. Bây giờ không nhận cho ông ta làm, thì tôi thấy tự xấu hổ với riêng mình, và không yên tâm.”

Bà Tư càu nhàu vì ông chấp nhận lời đề nghị của ông bạn. Ông nhẹ nhàng bảo vợ:
“ Thôi, làm được điều gì đúng mình cứ làm, cho lương tâm yên ổn. Sau nầy có ai ghét bỏ thì cũng không sợ.”
“ Anh thì hay tình cảm không đúng chỗ. Đi thuê Mễ về làm việc, lần nào cũng thuê mấy người không biết nói tiếng Anh, vì cứ nghĩ đến tình cảnh của anh ngày xưa. Rồi cứ ra dấu, hiểu lầm nhau mãi. Xưa khác, nay khác rồi. Phải đặt quyền lợi của mình lên trên tình cảm yếu đuối.”
“ Được trời cho như ngày nay, mình cũng không nên ôm hết lấy, mà nên chia xẻ chút chút với những kẻ đang khó khăn quanh mình.”
Khi ông Tư chuẩn bị dụng cụ và vật liệu xong, thì người bạn đem ông Phi, người muốn có việc làm đến. Ông nầy đầu hói láng, mày rậm, mang kiếng trắng, ăn mặc áo trắng, quần tây xanh sậm, đàng hoàng như sắp đi phố chứ không phải đi lao động sơn nhà. Hai bên chào hỏi giới thiệu nhau. Ông Tư cười, rào đón trước:
“ Nước mất nhà tan. Chạy qua được đây, toàn cả thiên thần bị đọa xuống trần gian, phải đi làm những việc trái với khả năng, không đúng với sở nguyện. Chúng ta cùng lứa tuổi, cho tôi kêu nhau bằng anh em cho thân mật. Cám ơn anh đến giúp tôi sơn nhà, mai mốt anh mua nhà cần sửa chửa, thì anh thuê tôi làm phụ, đừng thuê người khác nghe.”

Ông Phi cười, nụ cười hơi gượng, và nhìn ông Tư bằng ánh mắt biết ơn vì lời nói tế nhị, tử tế. Ông Phi nói:
“ Trong tù tôi cũng từng gánh phân người, làm đủ công chuyện nhọc nhằn. Bên nhà, tôi cũng đã làm đủ thứ nghề lao động chân tay. Sơn nhà thì nhẹ nhàng dễ dàng như húp cháo thánh.”
Sau khi uống xong tuần trà xã giao, ông Tư ông Phi đưa ra vườn sau, chỉ dẫn cách cạo sơn đã tróc lở trên tường nhà. Ông Tư vào nhà chuẩn bị thêm dụng cụ, để hai người cùng làm cho mau. Bà Tư đứng ở cửa sổ nhìn xuống nhà kho, thấy ông Phi vừa cạo sơn, vừa mấp máy môi, thỉnh thoảng đưa ngón tay chỉ chỏ vào quãng không. Bà lo lắng kêu chồng lại và nói:
“ Anh xem, ông kia lẩm bẩm một mình, tự nói tự nghe. Không chừng ông ta bị bệnh tâm thần. Anh phải cẩn thận, lỡ ông ta lên cơn, lụi cho anh một dao thì khốn đó.”

Nghe vợ nói, ông Tư cũng hơi ngán. Khi ra cạo sơn, ông dè dặt đứng xa ông Phi, để có gì bất trắc thì còn kịp mà chạy. Ông Tư cố lắng tai nghe ông Phi nói gì mà môi ông cứ mấp máy mãi. Lâu lâu, ông Tư liếc mắt canh chừng, nhưng thấy ông Phi vẫn chăm chú làm. Chừng nửa giờ sau, dường như ông Phi quên có ông Tư làm việc bên cạnh, cất tiếng ngâm thơ sang sảng. Ông Tư giật mình hỏi:
“ Anh ngâm thơ? Thơ của ai thế?”
Ông Phi hơi ngượng ngập trả lời:
“ Thơ tôi làm chơi cho vui ấy mà. Thời buổi nầy, còn rất ít người thích thưởng thức thơ văn. Truyền hình, phim truyện, phim nhạc tiến mau quá. Đời sống tốc độ, ít ai còn thì giờ mà ngâm nga thưởng thức cái đẹp trong văn chương. Tôi còn hủ lậu, nên cứ mang lấy cái nghiệp thơ vào mình. Cái nghiệp thiệt ông ạ . Bà con, bạn bè cứ cười tôi sống mơ mộng, không thực tế, thời buổi nầy, thơ văn không làm no bụng bằng bánh mì.”

Ông Tư cười ha hả và nói:
“ Anh làm tôi sợ hết hồn. Bà xã tôi thấy anh lẩm bẩm một mình, tưởng anh có bệnh tâm thần, không dè anh ngâm thơ. Nãy giờ tôi cũng sợ không dám đứng gần anh. Anh là một thi sĩ mà tôi không biết. Tôi cũng khoái đọc thơ lắm. Tôi không nghĩ rằng yêu thích thơ văn là hủ lậu như anh nói. Ngày nào trái tim con người còn biết thổn thức, ngày nào con người còn dùng chữ viết, còn dùng tiếng nói để trao đổi tư tưởng, thì ngày đó thơ văn còn được ưa chuộng. Chỉ khi nào khoa học tiến bộ đến độ con người truyền thông cho nhau bằng làn sóng , chuyển và nhận qua ý nghĩ trong óc thôi, thì e rằng khi đó văn thơ mới có thể tàn lụi. Anh thấy đó, thơ ít ai đọc mà lại được xuất bản ào ào, ai cũng in thơ. Anh bỏ cái cạo sơn xuống, vào trong kho nầy, tôi cho anh xem.”
Ông Tư mở cửa nhà kho, bật đèn và kéo ông Phi vào cái kho bề dài tám thước, bề ngang sáu thước, bốn bên tường có kê kệ đựng sách sát vách. Sách chất đầy kệ từ dưới sàn lên thấu trần. Ông Phi hớn hở nhìn thấy mấy ngàn tập, toàn cả thơ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Nhiều cuốn đóng gáy da dã sạm màu, chữ thếp vàng đã nhạt, bìa sờn rách vì thời gian. Ông Phi lẩm bẩm:
“ Thật là ‘Kho Thơ’. Tôi đoan chắc thư viện của thành phố nầy cũng không có nhiều thơ bằng.”

Ông Phi với tay lật một tập thơ chọn lọc, bên trong có chữ ký của người mua vào năm 1858 . Một thế kỷ rưỡi, từ khi phong trào tìm vàng dậy lên ở California. Cái bìa sách bằng da gần mũn, giấy vàng ố. Ông Phi đọc lướt qua một bài thơ ngắn rồi xuýt xoa:
“ Người xưa làm thơ hay thật. Làm sao mà anh có được cả kho thơ nhiều như thế nầy? Toàn là thơ quý, nhiều cuốn thơ xưa cả vài trăm năm . Những cuốn gáy da, chữ vàng nầy, không mua đâu ra nữa.”
Ông Tư cười sung sướng nói:
“ Mọi chuyện đều có cơ duyên. Ban đầu, tôi chỉ mua một ít cuốn thơ hay mà đọc thôi. Rồi tôi khám phá ra những tiệm sách cũ, họ bán chừng nửa giá. Những sách xưa và quý, thì họ bán đắt lắm, cả bạc trăm, mình không mua nỗi. Họ khôn và kinh nghiệm khiếp lắm. Về sau, ngày nghỉ tôi đi chơi, lùng sách tại các nơi treo bảng bán dồ cũ trên sân cỏ. Nhiều cuốn sách quý, bán vài ba đồng. Rồi tôi đi chợ trời. Có nhiều cuốn sách rất quý, người bán không biết giá trị, chỉ mong tống khứ đi cho đỡ chật chỗ. Mua chừng vài đồng là họ mừng húm. Có cuốn mua chừng hai đồng, mà vào tiệm sách quý, thấy đề giá một hai trăm bạc. Anh nhìn hơn chục tập thơ của Omar Khayyam trên kệ nầy, hôm tôi đi xem triển lãm bán sách quý, có cuốn đề giá hơn năm trăm . Trị giá mấy tập thơ nầy cả mấy ngàn bạc chứ không ít đâu. Thường thì các chủ tiệm sách cũ họ đi lùng và thu mua hết, họ giỏi và thông thái lắm, sách quý ít khi đến tay mình. Về sau, tôi gặp được cơ duyên tốt, kết thân với hai ông Mỹ bán đấu giá tài sản của những người chết. Thỉnh thoảng tôi mời các ông đi ăn tô phở , tô bún bò. Khi nào có bán đấu giá, các ông thông báo cho tôi biết. Các nơi nầy, sách thơ vất bừa bãi như rác. Nhiều cuốn thơ, có lẽ khi còn sống, chủ nhân còn quý hơn vàng. Khi chết rồi, chẵng ai biết đến giá trị. Tôi cứ thế mà hốt với giá rẻ mạt. Người bán cũng mừng, vì tôi hốt bớt rác cho họ. Nhưng cũng có khi người bán tinh lắm, biết sách quý, đề giá cao kinh khủng. Mười phần, thì có đến chín là không bán được, vì những người đi mua đấu giá tài sản ngưởi chết, đa số là dân phàm phu tục tử, văn thơ đối với họ không đáng giá vài xu, cho họ cũng không lấy vì ôm nặng. Bán không được, họ vất vào đống rác, những người thầu hốt rác, đem ra chợ trời, đổ xuống bán một đồng ba bốn cuốn. Nếu mình đến chợ trời đúng lúc, thì cứ hốt đầy xe, để mà về nhà nghe vợ cằn nhằn, bảo là tha rác về nhà. Có khi tôi bị cằn nhằn suốt cả một hai ngày, nhức đầu lắm ông ạ. Nhiều khi, mình đã có hai ba cuốn thơ đó rồi, mà thấy nó bán rẻ quá, thì cũng phải rước về thôi. Đây nầy, anh thấy tôi có bốn tập thơ cùng nhan đề “ Những Bài Thơ Tình Hay Nhất” và có ba cuốn “ Thơ Đọc Nhức Tim”, mười hai tập “ Thơ Omar Khayyam” Nhưng các tập nầy xuất bản vào các năm khác nhau.”

Ông Phi như người say lạc vào mê hồn trận của kho thơ. Ông lật hết tập thơ nầy qua tập thơ kia. Rồi ông cầm một tập thơ, ngồi dựa ngữa ra trên cái ghế xếp mà đọc say sưa. Không cần nhớ đến cái việc sơn nhà mà ông đang được thuê làm. Ông Tư cười cười, lẵng lặng đi ra, cầm cái bay cạo sơn tiếp. Khi ông Tư chợt nhìn đồng hồ, thì thấy đã gần mười hai giờ trưa . Ông vội vã vào lục tủ lạnh, lấy thức ăn, hâm lò vi ba. Lấy thêm một chùm bia, tôm khô, củ kiệu và vài thức nhắm , dọn ra cái bàn đặt dười bóng cây bưởi có trái xanh tròn đu đưa theo gió. Ông nghiêng đầu vào cửa kho và nói:
“ Trưa rồi, mời anh ra ăn, uống vài lon bia, mình nói tiếp chuyện thơ phú.”
Ông Phi ậm ừ vì dang đọc dở trang thơ, ông Tư phải kêu hai ba lần, ông mới lảo đảo bước ra, mắt nheo vì nắng chói. Hai người ngồi trên ghế thấp kê dưới bóng mát tàng cây bưởi. Ông Tư ép ông Phi uống bia, ăn thịt gà xối xì dầu, lòng heo xa xíu. Ông Phi như chưa tỉnh hồn ra khỏi miền thơ, mắt còn mơ màng. Ông nói:
“ Thơ Omar Khayyam hay thật. Ông là người Ba Tư, xứ Hồi Giáo khắc nghiệt, mà làm dược những bài thơ tuyệt diệu. Không có gì cao siêu, rất gần với đời sống. Làm xúc động lòng người. Tôi đọc, khoái quá, tôi có chuyển đoạn sau đây thành thơ lục bát, đọc anh nghe chơi. Ông Phi chạy vào nhà kho, lấy cuốn thơ, có trang xếp góc đánh dấu nói:
“ Đây, đoạn nầy tạm dịch văn xuôi : “Họ đoan chắc với tôi rằng ở Thiên Đường có con gái nhiều vô số . Họ cũng đoan chắc rằng, tôi sẽ tìm được rượu nho và mật ngọt trên Thiên Đường. Nhưng kìa, sao ở trần gian lại cấm rượu và đàn bà. Như thế, thì mai sau ( chết lên Thiên Đường) phần thưởng dành cho tôi là rươu và gái phải không?” Tôi diễn thơ như sau, anh nghe xem: “Thiên Đàng hứa hẹn đông nhiều. Rượu ngon, mật ngọt, yêu kiều gái xuân. Trần gian cấm rượu, giai nhân. Mai sau gái rượu thưởng phần phải chăng?”

HOMECHAT
1 | 1 | 139
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com