Ký ức tôi còn giữ được hình ảnh bà nội tôi là vào khoảng tôi lên bày lên tám gì đó, lúc đó là những năm đầu kháng chiến chống Pháp, bà nội tôi hồi đó đã già yếu lắm rồi, người ốm, cao lòng khòng, tay chân xương xẩu, da đen bóng, nứt nẻ như thân tràm lục. Ông nội tôi mất hồi nào tôi không biết, nghe nói từ hồi còn trẻ, bà nội tôi một mình nuôi ba tôi và mấy chú tôi lớn lên, ai cũng được học hành, ba tôi và người chú kế còn được lên học ở Sài Gòn đậu bằng tú tài, mấy chú khác học ở chợ huyện hoặc chợ tỉnh cũng đều có bằng cấp cả. Bà nội tôi có mười một người con, toàn con trai, người có vợ hoặc chưa vợ đều ở với bà, cho đến năm khởi nghĩa 45 đi tứ tán cả, phần lớn đi kháng chiến, một số đi buôn hoặc đi làm ruộng xa. ở nhà một mình bà nội tôi cai quản hết cả cơ ngơi gồm nhà cửa, vườn tược và hơn mười mẫu ruộng. Làng tôi nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây xứ đồng chua nước mặn nổi tiếng, dân cư thưa thớt, tôm cá nhiều nhưng muỗi mòng cũng lắm, bước ra khỏi nhà là phải xăn quần lội ngay xuống sình, nhà này cách nhà kia có khi kêu hú cũng không nghe tới. Tuy vậy làng tôi không hẳn là làng nghèo, do làm ruộng giỏi và cần cù nên có nhiều nhà lợp được mái ngói, thấp nhứt cũng lợp lá dừa nước cột kèo bằng cây tràm lụt. Nhà bà nội tôi thuộc loại khá giả, thuộc trung nông lớp trên hoặc tương đương như vậy. Có một dạo bà nội tôi xây được nhà nền đúc, mái ngói lợp âm dương, phía trước lót gạch bông xanh đỏ, phía sau có nhà bếp nhà kho, có cả một lẫm lớn để cất lúa. Sân nhà rất rộng, lót gạch tàu làm sân phơi lúa, vườn trồng đủ thứ cây trái không thành hàng lối gì cả, có một cây me già cao ngất chim đậu hót ríu rít suốt ngày. Bà nội tôi nuôi gà, nuôi heo, trâu có ba đôi, chó mèo mặc sức sanh sôi nảy nở chạy rông trong nhà. Cảnh nhà bà nội tôi nói chung là khang trang từ trước ra sau, chỉ trừ người chủ là bà nội tôi lúc nào cũng lam lũ, tất bật, quanh năm chỉ mặc bộ đồ bà ba đen bạc phếch, tay áo xăn tới khuỷu, quần xăn tới gối, đầu trần chân đất suốt ngày lặn lội ngoài đồng. Với hơn mười mẫu ruộng bà nội tôi quán xuyến tất cả, làm từ việc lớn như coi sóc hàng trăm công cấy công gặt tới việc nhỏ như đắp ống bọng, xả nước vào mương, thắt con cúi để un muỗi cho trâu, việc nào bà cũng làm với vẻ chăm chú, hối hả, mặt mày lúc nào cũng cau có tưởng chừng việc làm ruộng đối với bà là niềm hạnh phúc lớn nhứt lại cũng là nỗi đau khổ lớn nhứt. Không nghe bà than phiền điều gì, cũng không thấy lúc nào bà tỏ vẻ hả hê, vui sướng. Bà làm ruộng được nhiều tiền lắm, lâu lâu thấy bà giở tiền từ trong tủ ra phơi đầy một góc sân. Có một dạo cướp nổi lên dữ quá bà không dám cất tiền trong tủ mà đem giấu trên mái lá sau bếp, giấu nhiều chỗ rồi quên đi tới chừng nhớ ra lấy xuống thấy tiền phần bị ướt phần bị mối ăn hư hao gần hết, bà tiếc rẻ đem ra sông rửa, phơi khô bó thành một bó thảy lên đầu tủ cho nó mục dần đi với năm tháng. Tôi không biết bà nội tôi xài tiền vào đâu, bản thân bà không có nhu cầu gì cả, quanh năm chỉ vài bộ quần áo vải thô, cơm ngày ba bữa với cá bắt dưới sông, rau hái ngoài đồng, gà vịt nuôi chỉ để cho dịp giỗ tết đãi khách khứa. Lâu lâu thấy bà nội tôi mua về một bộ ván gõ, bộ ghế xa lông để ở nhà trên, nơi không khi nào bà bước chân lên tới nhưng lúc nào cũng mở rộng cửa mặc cho gà vịt đậu ỉa, heo làm chỗ gãi lưng. Có một lần tôi nhìn thấy một con heo ngồi chồm chỗm trên một chiếc ghế xa lông, một lần khác một con nghé từ đâu chạy xộc vào đứng lại chính giữa nhà khịt khịt mũi ngó cái tủ kiếng thấy có hình nó trong đó liền hoảng sợ tuôn chạy ra tuốt ngoài đồng, lôi cách mấy cũng không chịu trở vào.
Ruộng bà nội tôi nằm rải rác khắp làng, mỗi thửa có một tên rất kỳ lạ, nghe vừa xa xôi vừa gần gũi, tôi nhớ có một thửa tên là Giây Sấm, một thửa khác tên là Ông Bầu. Trâu bà cũng có tên, bà gọi chúng như con cháu trong nhà: con Pháo, con Xe... Nhà có một người làm duy nhất là thằng Tý, chủ yếu là giữ trâu, nó mồ côi nên ở lâu cũng coi như con cháu trong nhà. Những người làm khác bà nội tôi thuê mướn theo từng vụ mùa, không ngại la mắng, chửi rủa, không chỉ với chuyện làm việc cho bà mà cả chuyện riêng của gia đình họ như uống rượu say bỏ bê vợ con, làm biếng để vườn mọc đầy cỏ. Có một lần tôi thấy bà nội tôi chửi rủa thậm tệ một người làm công vì người này ngủ quên để ao cá bị ngập nước cá ra hết ngoài sông, sau thấy hối hận bà gánh cho một gánh gạo nhưng vừa tới nhà lại la mắng, chửi rủa nữa. Tôi không hiểu quan hệ giữa bà nội tôi với những người làm công, hoặc với bà con chòm xóm là như thế nào: có người thương yêu, có người mang ơn, người khác thì sợ, cũng có người ghét bỏ. nhưng trên tất cả, mọi người đều kính nể bà nội tôi vì bà làm ruộng giỏi, chăm chỉ, cần cù, sản lượng lúa tính bình quân thường cao hơn tất cả.
Làng tôi ngoài chuyện đồng chua nước mặn lại thêm thời tiết cứ thất thường khi thì nắng hạn nứt đất khi thì mưa dầm nước ngập linh láng, công sức đổ ra cho ruộng nương nhiều không biết bao nhiêu mà kể, cây lúa mọc lên như không phải từ đất mà từ lòng bàn tay. Rồi lại còn chiến tranh giặc giã nữa, khói lửa cứ liên miên năm này tháng nọ không bao giờ dứt. Những năm đó và cho tới mãi về sau này tưởng chừng như thằng giặc có thù riêng gì với làng tôi, cứ tập trung đi càn ở đó, bom pháo dập xuống ở đó, hai ngày có trận càn lớn, ba ngày có trận càn nhỏ, cho tới máy bay đi ném bom ở đâu chiều về còn dư bom chúng cũng trút xuống ở đó. Thời giặc Tây cả tỉnh có thằng Tây Ngựa, thằng Tây Búa ác khét tiếng đều đóng quân ở đó,chúng giỏi đi càn bắn phá giết chóc và cũng giỏi bắt gà bắt vịt, lùng sục không thua gì đám lính ngụy, đến lúa thóc giấu trong quan tài chúng cũng lôi ra được. Thằng Tây Ngựa chạy giỏi như ngựa, ham chạy rượt bắt người như săn thú.
Chuyện kể rằng dân làng căm thù thằng Tây Búa quá mới tổ chức một toán người giả làm những thằng hình rơm phục ngoài đồng, mà toán người đó toàn đàn bà con gái, họ rình phục như vậy cả tháng trời mới bắt được nó. Đó là tôi nghe kể thôi, còn thằng Tây Ngựa tôi có gặp một lần. Đúng là nó cao lêu nghêu chân dài như cây sào, mặt đỏ lựng, lúc nào cũng cau có, lầm lỳ, đi càn nó lùng sục không sót chỗ nào, ngó qua cả chuồng heo chuồng gà, ra sau vườn ngồi chồm hổm ngó xuống ao cá rồi ngước mắt nhìn lên ngọn me già. Rồi nó vào nhà tôi. Tôi đi sau đầu chỉ ngang tới gối nó. Nó quay lại nhìn tôi, mặt cau có lầm lỳ, huơ huơ cái ống vố lớn bằng nắm tay có vẻ muốn nói chỉ cần cái ống vố đó thôi nó cũng đập chết tôi. Đó là vào năm bốn bảy, ba tôi đi kháng chiến đã hai năm rồi, má tôi đem tụi tôi từ Sài Gòn về cất cái nhà nhỏ cạnh nhà bà nội tôi, đồ đạc chỉ có chiếc rương lớn đựng quần áo chúng tôi và mớ sách của ba má tôi, toàn sách chữ Tây vì ba má tôi trước đó học trường Tây ở Sài Gòn. Thằng Tây Ngựa đi sải mấy bước đã giáp vòng nhà, dừng lại trước kệ sách ngắm nghía rồi đưa tay lấy một cuốn sách giở ra coi. Nó coi liền mấy cuốn sách như vậy, mỗi lần coi xong nó đều trả về chỗ cũ cẩn thận, không xốc xáo, mặt vẫn cau có lầm lỳ. Rồi nó bỏ đi không đốt nhà tôi như theo thói quen nó đốt bất cứ nhà nào nó đi vào. Phải chăng là do mấy cuốn sách nó đã đọc, nó thấy cái gì, nhớ ra cái gì qua mấy đoạn văn ngắn ngủi trong đó ? Sau đó nó đi càn tiếp và đã bắn chết ba người, đốt năm cái nhà, tới xế chiều nó trở lại tổ chức xúc lúa nhà bà nội tôi.
Thằng Tây Ngựa đứng chính giữa sân (nó không bao giờ ngồi) khẩu súng ngắn đeo xề xệ dưới đùi, khẩu tiểu liên cầm trong tay, trông ra dáng là một thằng lính chuyên nghiệp. Nó đang trông coi đám lính ngụy đã cởi bỏ hết súng đạn, cởi cả áo cả giày mình trần chân đất như được dịp để vui đùa, ồn ào cười nói, la thét, chọc phá nhau, tranh nhau chạy ào vào lẫm lúa xúc từng thúng lúa lớn đội lên đầu chạy băng qua vườn, qua mương đem đổ xuống chiếc ghe chài đậu dưới bến, mặc cho bà nội tôi chạy bám theo sau, tóc tai rũ rượi, quần áo rách bươm, kêu gào van vỉ, níu kéo, chửi rủa, giành giựt làm lúa đổ tung toé trên lối đi. Thằng Tây Ngựa nói với bà nội tôi, giọng lơ lớ như ngậm sỏi trong miệng: - Bà già yên tâm, đây là nhà nước Pháp mượn có giấy tờ đàng hoàng. Còn hơn bà cho tụi Việt Minh ăn không, cái bọn chui rúc trong lùm trong bụi đó có gì mà trả ? Một tên lính ngụy đội một thúng lúa chạy như bay bỗng đụng nhằm bà nội tôi. Cả hai té văng ra, thúng lúa đổ tung toé. Tôi không bao giờ quên được cảnh ấy, lúc tôi chạy trờ tới nhìn thấy tên lính ngụy giơ cái thúng không lên cười lớn, bà nội tôi thì quì sụp xuống huơ lấy huơ để gom lúa vào lòng, lấy vạt áo cố xúc được chút nào hay chút ấy.
Đêm hôm đó chú Sáu tôi dẫn một toán du kích về tới. Toán du kích mình mẩy đầy bùn sình, mặt mày trầy suể, riêng chú Sáu tôi còn đứt cả vạt áo, quần thì chỉ còn một ống. Chú đi ra coi lẫm lúa rồi trở lại cười nói: - Tụi lính xúc hết lúa rồi hả má ? Bà nội tôi ngồi yên không nhúc nhích. Chú Sáu tôi ngồi xuống bên bà nội tôi. Tôi cũng ngồi xuống hỏi xin chú Sáu tôi chiếc ê-tuy đạn. Chú nói: - Tao có bắn được phát nào đâu. Tụi nó đông quá, tụi tao chỉ có chạy trốn thôi. Rồi chú quay sang bà nội tôi: - Tụi con đói bụng quá ơi, má còn gạo nấu cơm cho tụi con ăn không ? Bà nội tôi lặng lẽ đứng dậy đi ra sau vườn khui chiếc hầm giấu gạo xúc một rổ đầy đem đi vo, nổi lửa nấu cơm. Bà nội tôi lặng lẽ làm không nói gì, cho tới lúc cơm chín bới đưa cho từng người, bà mới nói: - Tụi bây du kích không đánh thằng Tây để nó xúc lúa của tao, giờ còn về đòi ăn cơm là sao, hả ? Chú Sáu tôi cười: - Tụi nó đông quá mà, lại có súng lớn tụi con đánh sao lại. Thôi để bữa khác tụi con sẽ đánh, giờ đói bụng ăn cơm cái đã. Chỉ một loáng chú Sáu tôi và toán du kích đã ăn hết chảo cơm lớn, ăn luôn cả cơm cháy, kéo nhau ra sau hè múc nước mưa đựng trong chiếc lu mái có trái bí đao nổi lềnh bềnh bên trên uống mỗi người một gáo nước đầy. Bà nội tôi ngồi yên nhìn chú Sáu tôi và toán du kích đang ngồi ưỡn người ra vì no, nói tiếp: - Thôi tụi bây đừng về đây nữa. tụi bây cần gạo tao đem cho nhưng tụi bây về đây đám lính thừa cơ đến xúc lúa của tao. Chú Sáu tôi cười lớn: - Tụi con không về đám lính cũng xúc lúa của má. Má bỏ tụi con sao ? - Tao không bỏ, nhưng tụi bây phải để yên cho tao làm ruộng.
Ruộng nương đối với bà nội tôi là trên hết ! Sáng hôm sau bà xúc hai thúng gạo gánh đi cho tới trời tối mịt mới về, rồi sáng hôm sau lại gánh gạo đi nữa. Bà đi ròng rã cả tháng trời, người gầy rạc đi, bỏ ăn bỏ ngủ, bà đi đâu trong nhà không ai biết, làng xóm cũng không. Nhưng bọn lính đồn thì biết, một hôm chúng cho lính xuống kêu bà lên. Nhiều lần bà nội tôi bị bọn lính kêu lên đồn như vậy. Chúng vặn hỏi, hoạnh họe đủ điều, có khi còn đánh đập bà nữa, những chuyện đó không khi nào bà kể lại, chúng tôi đoán được vì có lần từ đồn về giữa đường bà té vật nằm vắt ngang qua bờ ruộng, may có người đi đồng nhìn thấy kêu người khiêng bà về, chạy thuốc gần cả tháng trời, bà phải ăn cháo và uống nước trái ô rô cho tan máu bầm ra. Cả những chuyện khác bà nội tôi cũng không kể như chuyện bị cướp đánh dọc đường, bị bọn biệt kích treo lên cây tra khảo, hoặc những lần chìm ghe gạo ngoài sông cái, bà phải lội gần cây số mới tấp được vào bờ.
Có một chuyện như thế này: Chú Sáu tôi do tính tình thích bông lơn sau lần bị bà nội tôi đuổi không cho về nhà liền tìm chuyện trêu chọc, chú tìm một người du kích cao lớn cho đeo râu nhuộm tóc giả làm thằng Tây Ngựa với hai người du kích khác bận đồ rằn ri làm hai tên lính hộ tống chập tối xộc vào nhà đòi xúc lúa. Thằng Tây Ngựa xì xồ nói giọng mũi, hai tên lính "thông ngôn" lại từ hai câu ra tới tám câu lời lẽ đầy vẻ răn đe, dọa nạt. Chú Sáu tôi tính đóng màn kịch tới đó thôi, chỉ cốt cho bà nội tôi sợ rồi chú sẽ xộc vào bắt trói thằng Tây Ngựa làm oai với bà. Nhưng bà nội tôi không sợ, bà giả vờ van vỉ nhưng ngó dáo dác, rồi bất thình lình chụp cái cuốc bổ vào đầu cả Tây lẫn ngụy khiến cả ba bỏ chạy la lối chửi rủa chú Sáu tôi inh ỏi, không phải chửi bằng tiếng Tây mà bằng tiếng Việt.
Cuộc chiến càng ác liệt, ba tôi và mấy chú tôi không có dịp về nhà nữa, giao hết vợ con cho bà nội tôi nuôi, vừa con dâu vừa cháu nội đông tới vài chục. Bà nội tôi nuôi chúng tôi như nuôi bầy gia súc trong nhà, cá dưới sông, rau ngoài đồng cứ đi bắt, đi hái mà ăn, lúa trong bồ cứ xúc đi xay, đi giã, vải thô bà mua từng cây về cắt may quần áo cho chúng tôi, con gái con trai đều bận giống như nhau. Làng không có trường học chúng tôi mặc tính suốt ngày chạy rông theo sau đuôi trâu, dầm mình dưới con rạch nước đục ngầu mò tôm bắt cá, lội xuống đầm nhổ bông súng hoặc nhào ra ngoài ruộng làm trâu chém lộn nhau, cứ thấy đói bụng chạy về nhà lục cơm nguội ăn rồi lại rong đi chơi nữa, cho đến tối mịt tựu về ngồi quanh bên đống un nghe bà nội tôi kể chuyện. Bà nội tôi hay có tật kể lể rì rầm, ban ngày không có tụi tôi bà kể lể với con trâu con heo, có khi với cả gà vịt nữa. Có lần chợt trở về nhà buổi trưa lục cơm ăn tôi nghe thấy bà nội tôi đang láp giáp nói chuyện, ngó quanh không thấy có ai, dòm kỹ té ra bà đang nói chuyện với con chó Vện vừa mới đẻ con. Bà rầy con Vện về tội nó không biết cách ủ con, cho con bú, dặn bảo nó phải thế này thế nọ, chửi mắng nó rồi lại vỗ về an ủi nó, giọng điệu cũng giống như bà đã la rầy má tôi và mấy thiếm tôi những lần họ sanh chúng tôi. Con Vện nằm im nghe bà nội tôi rầy la, mắt ươn ướt, thỉnh thoảng thè lưỡi liếm đám con mới sanh còn đỏ hỏn, rồi lại liếm tay bà nội tôi. Chó nhà bà tôi nhiều vô số kể, chó mẹ đẻ chó con có bao nhiêu bà nội tôi nuôi hết. Mèo cũng vậy. Tới bữa ăn chó mèo chạy rần rần chung quanh, bà cho con này ăn, đánh con kia, miệng không ngớt la hét, chửi rủa, cuối cùng con nào cũng được phần của mình. Trừ mấy con trâu có chuồng trại đàng hoàng, đám gia súc khác cứ mặc sức chạy rông trong nhà ngoài vườn, chúng sống rất lộn xộn nhưng cũng rất hòa thuận, gà trống đậu trên lưng trâu mà gáy, heo ăn chung với vịt, chó mèo chạy giỡn với nhau. Buổi tối chúng tôi tựu về nhà, đám gia súc đã ngủ từ lâu, muỗi bay lèo xèo dưới chân, sau khi ăn hết chảo cơm lớn chúng tôi trải tấm đệm ra ngồi ngoài sân, cạnh đống un vỏ trấn hoặc chiếc con cúi ở gần chuồng trâu. Bà nội tôi ngồi chính giữa, chúng tôi sợ ma ngồi sát vào nhau như bầy gà con vừa ăn khoai nướng hoặc bắp rang vừa nghe bà nội tôi kể chuyện. Chuyện của bà nội tôi rất lộn xộn, không đầu không đuôi, chúng tôi vừa ngủ gật hoặc giỡn hớt chọc phá nhau nên chỉ nghe được lõm bõm nào chuyện mùa màng thời tiết, chuyện ma quỷ, trộm cướp, các thần linh và các phép của thần, các điềm lành điềm dữ, sự ứng mộng và bùa ngải, chuyện rừng rú và chuyện sông nước. Bà nội tôi kể chuyện này tiếp chuyện kia không cần biết chúng tôi có nghe hay không, cũng không biết câu chuyện dẫn tới đâu, có ý nghĩa gì, mục đích gì. Tuy vậy cũng có vài chuyện khiến tôi xúc động và còn nhớ tới bây giờ, như câu chuyện sau đây.