- Lê Ngọc-Trinh, xuất thân đệ tử danh gia. Ái đồ Khất đại phu. Được sư phụ sai xuất hiện giúp Trần Năng thống nhất ba mươi sáu động Nam Mê-Linh. Thay sư phụ quản trị các trang ấp của Lê Đạo-Sinh. Dùng nhân nghĩa cai trị dân. Được dân chúng kính yêu, tôn là Tiên cô giáng phúc. Theo quân tòng chinh Trung-nguyên, trấn giữ hậu quân. Dùng y đạo cứu trị cho dân. Khắp vùng đóng quân, người người yêu mến. Lệnh khởi binh ban ra, điều động tráng đinh, một đêm đánh chiếm bốn thành, chiếm lại hai mươi ba trang ấp trong tay giặc. Sắc phong Đại từ chí nhu công chúa. Tính thích ngao du, trị bệnh trăm họ, không muốn hưởng lộc trang ấp. Thuận theo ý, không phong thực ấp. Trao ấn Chinh-thảo đại tướng quân. Phó thống lĩnh đạo quân Quế-lâm. 0.
- Lê Thị-Lan, xuất thân đệ tử danh gia. Được sư phụ sai đem thư vào yết kiến Đào Thế-Kiệt. Giữa đường gặp Hoàng Đức-Phi. Khảng khái dạy bảo, chí khí được tỏ, tài năng đã phát. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh tráng đinh đánh chiếm hai thành, bốn trang ấp. Áp bức giặc đầu hàng, khiến máu không đổ, lương tiền không mất. Sắc phong Nhu-mẫn công chúa. Lĩnh ấn Trấn-tây tướng quân. Phó thống lĩnh đaọ binh Hán-trung. (Bà này đúng là nhu, là mẫn. Vì bà quá hiền. Chức của bà tương đương với ngày nay là Phó tư lệnh quân đoàn).
- Phật-Nguyệt, được Lĩnh-nam thần kiếm Nguyễn Phan thu nhận làm đệ tử. Kiếm thuật thần thông. Tính tình nhu thuận, hiền hòa. Văn đã giỏi. Mà tài dùng binh sớm phát. Trận đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, làm Đô-đốc, thắng thủy quân Thục. Trước sân rồng Quang-Vũ, dùng kiếm thuật trấn áp quần hùng Trung-nguyên. Đánh bại Thái-sơn thần kiếm Hoài-nam vương. Khéo ở chỗ, thắng không kiêu, khiến Hoài-nam vương trở thành bạn tốt của Lĩnh-Nam. Hiện trấn thủ hồ Động-đình, nhiệm vụ trọng yếu. Sắc phong Phật-Nguyệt công chúa. Lĩnh ấn Chinh-bắc đại tướng quân. Vì sớm giác ngộ đạo Phật, bỏ ra ngoài công danh, từ khước hưởng lộc thực ấp. Đạo hạnh thực đáng kính, đáng khen. 0.
- Trần Năng, có chí phục quốc thời thơ ấu. Được đệ nhất danh nhân thu làm đồ đệ. Võ công vô địch thiên hạ. Tính khí cương trực, khảng khái. Biết hóa giải cừu thù, trao quyền thống lĩnh Lôi-sơn cho Đinh Hồng-Thanh. Tòng chinh Trung-nguyên, đánh Xuyên-khẩu, Bạch-đế, vào Thành-đô. Lui về đánh chiếm chín quận Kinh-châu từ tay Hán. Xứng tài đại tướng quân. Sắc phong Yên-lãng công chúa. Ăn lộc vùng Toàn-liệt, Thượng-hồng. Xét tài trí, lĩnh Long-nhượng đại tướng quân, quản lĩnh Trung-quân, đóng tại Mê-linh. Chồng là Hùng Bảo, chí khí khác thường, thâm trầm, hào phóng. Suốt mấy năm trấn giữ binh quyền Lục-hải, tổ chức thao luyện binh mã. Giữ bờ cõi không bị trộm cướp. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh đạo quân Lục-hải, đánh chiếm toàn bờ biển vùng Giao-chỉ. Tiến về vây Long-biên. Có công đầu tại Long-biên. Thuận thế đem quân đánh Ký-hợp, Luy-lâu. Uy dũng nhất thế. Sắc phong Vũ-kị đại tướng quân, thống lĩnh Ngự-lâm quân. Tước Thượng-hồng công.
0.
- Trần Quốc, mồ côi từ nhỏ. Xuất thân đệ tử danh gia. Tự luyện thành bản lĩnh hơn Giao-long. Tuổi mười bảy làm Đô đốc, đánh chiếm Độ-khẩu, Mỹ-cơ. Sau trợ chiến Trưng Nhị, đánh chiếm suốt giải đông Ích-châu. Trận chiến Trường-an, chỉ huy thủy quân đánh chiếm Vị-nam, khiến Quang-Vũ kinh hồn bạt vía. Lệnh khởi nghĩa ban ra, kéo thủy quân trấn nhậm bắc Nam-hải. Sắc phong Gia-Hưng công chúa. Ăn lộc vùng Hoàng-xá, Gia-hưng. Lĩnh ấn Đô-đốc, chưởng quản thủy quân trấn bắc Nam-hải. 0.
- Trần-gia tam-nương, xuất thân danh gia đệ tử. Ba chị em lập chiến khu chống Hán. Khi tòng chinh Trung-nguyên, đánh chiếm Kiếm-các, Dương-bình quan. Lệnh khởi nghĩa ban ra, đem hai ngàn tráng đinh, đánh chiếm bảy đồn từ Bình-xuyên tới Cổ-loa. Đoạt cố đô Cổ-loa từ tay giặc trở về. Sắc phong Hồng-Nương làm An-Bình công chúa. Thanh-Nương làm Bình-Xuyên công chúa. Đạm-Nương làm Quất-Lưu công chúa. Ăn lộc các vùng này. Giao lĩnh ấn thống lĩnh kị binh Lĩnh-Nam. 0.
- Nguyễn Quý-Lan, xuất thân Tản-viên. Văn mô, vũ lược. Lệnh khởi binh ban ra, bày mưu cho Tượng-quận vương, đánh chiếm Tượng-quận từ tay người Hán. Tổ chức cai trị hoàn hảo. Sắc phong Liên-Sơn công chúa. Lĩnh Lễ bộ thượng thư. 0.
- Đinh Bạch-Nương, Đinh Tĩnh-Nương, xuất thân giòng dõi trung lương. Văn võ kiêm toàn. Giỏi thủy tính. Khi lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh tráng đinh Đào, Đinh trang, đánh chiếm hai huyện, ba thành của giặc trong hai ngày. Không tốn một giọt máu, một mũi tên. Theo Đào vương bắc chinh, cứu viện Giao-chỉ. Công hãm Luy-lâu. Sắc phong Đinh Bạch-Nương làm Tam-Sơn công chúa. Đinh Tĩnh-Nương làm Quân-Sơn công chúa. Chị làm Đô-đốc thống lĩnh thủy quân hồ Động-đình, vùng Trường-sa. Em làm phó. 0.
- Trần Thị Phương-Chi, tính thích ngao du sơn thủy, không thích công danh. Sớm ngộ đạo Bồ-đề. Được Bồ tát Tăng-Giả Nan-Đà cho thụ giới Tỳ kheo ni. Kính dâng tôn hiệu Lĩnh-nam Bồ-tát.
- Trần Thị Vĩnh-Huy, đệ bát Thái-bảo phái Sài-sơn. Văn mô, vũ lược. Lệnh khởi binh ban ra. Suất lĩnh đệ tử đánh từ Vân-hà đến Long-biên. Hợp quân vây đánh Long-biên. Sắc phong công chúa Vĩnh-Huy. Lĩnh Thượng-thư bộ lại. 0.
- Vương Sa-Giang, xuất thân cành vàng lá ngọc, đệ tử danh gia. Võ công tuyệt thế, sớm nổi tiếng Thiên sơn cầm tiên. Văn tài lỗi lạc. Nhan sắc khó tìm. Vì giữ lời hứa đánh cuộc với Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, đem thân thể ngọc ngà sang giúp Lĩnh-Nam. Tài đã trọng, đức càng thêm kính. Sắc phong Lĩnh-nam công chúa. Truyền theo Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, tiếp giúp Lĩnh-Nam. -1999 trước sau tôi vào Tứ-xuyên 4 lần. Lần nào tôi cũng đến đền thờ bà dâng lễ và xin... xâm. Linh ứng kỳ lạ).
- Nguyễn Giao-Chi, xuất thân giòng dõi trung lương, đệ tử danh gia. Tài âm nhạc không thua Trương Chi. Bàn tay tiên hóa phép được những món ăn tuyệt thế. Ôn nhu, văn nhã. Thế mà một tay điều khiển Mai-động ngũ hùng, đội Giao-long binh đánh úp Độ-khẩu. Sau đó đánh Hán-nguyên, Mỹ-cơ. Lại theo đạo Kinh-châu giúp Trưng Nhị đánh úp Quảng-an. Dự trận Trường-an, ra sức đánh Vị-nam trong đêm. Hiện đã kết hôn với Đô Dương, xin đứng ngoài vòng danh lợi. Thuận theo ý muốn. Sắc phong làm Hòa-Huệ công chúa. Ban cho hiệu Mai-Động tiên tử.
- Tây-vu tiên-tử, tuổi quá sáu mươi, thay Hồ Đề thống lĩnh Tây-vu. Lệnh khởi binh ban ra, suất lĩnh đệ tử Tây-vu, đánh chiếm huyện Tây-vu, gồm hai thành, mười đồn trong ba ngày. Hợp hàng binh, với đệ tử có sẵn, lập thành quân đoàn Tây-vu. Tài thực đáng trọng, đức càng đáng kính. Sắc phong Thiên-Sớ công chúa. Ăn lộc suốt vùng núi Thiên-sớ. Thống lĩnh quân đoàn Tây-vu.
- Lục Phong-Nữ, tính tình nhu thuận, hiền hòa. Tuổi chưa quá mười tám, theo quân đánh Trung-nguyên. Trận Xuyên-khẩu, Bạch-đế ra tài, kinh tâm anh hùng đất Bắc. Trận Trường-an, xung vào muôn nghìn tên, đánh Quang-Vũ, và hai mươi lăm vạn quân, bỏ thành chạy. Sắc phong Thiên-Phong lục công chúa. Truyền lĩnh chức đại tướng quân, theo sáu đạo Lĩnh-Nam phòng vệ đất nước.
- Ngũ-Long công chúa, khôn ngoan, sắc sảo. Tuổi chưa quá mười tám. Theo quân tòng chinh Trung-nguyên. Một trận Độ-khẩu, khiến anh hùng Trung-nguyên kinh hồn. Sau đó theo quân đánh Hán-nguyên, vào Thành-đô. Sắc phong Ngũ-Long công chúa. Truyền lĩnh ấn đại tướng quân. Trấn nhậm Bắc Lĩnh-Nam.
- Hoàng Thiều-Hoa, mồ côi từ nhỏ, phải đi chăn trâu. Bị đánh đập khổ sở. Được Đào hầu Cửu-chân đem về nuôi dạy. Văn, võ toàn tài. Ôn nhu, hiếu thuận, sắc nước hương trời. Đào hầu bị Thái thú Nhâm Diên làm cho tan nhà nát cửa. Bị phản đồ Trịnh Quang vu oan. Can đảm chịu đựng. Được Lĩnh-nam công tuyển làm phu nhân. Vẫn không quên chí phục quốc. Dùng uy Lĩnh-nam công phu nhân, che chở cho Trưng Nhị, Đào Kỳ, Phương-Dung, Vũ Trinh-Thục phục quốc. Sát bên cạnh Lĩnh-nam công, giết bọn quan Hán tham ô, cứu người Việt gặp khốn khổ. Lại khi tòng chinh Trung-nguyên, không nghĩ mình là vương phi, cầm quyền đại tướng đánh Độ-khẩu, Hán-nguyên, Phổ-khách, vào Thành-đô. Lĩnh-nam vương bị Quang-Vũ phản. Cầm quyền đại tướng quân đánh Hán. Trận Trường-an kinh tâm động phách Hán đế. Lịnh khởi binh ban ra. Hăm hở cầm quân đánh chiếm Luy-lâu, Long-biên. Công trạng đối với Lĩnh-Nam vào bậc nhất. Nay theo Thái thượng hoàng Trần Tự-Sơn vân du mây nước. Kính dâng tôn hiệu:
Minh từ, chí nhu,
Ôn huệ, thuần chính,
Hoàng thái hậu.
Trưng Đế truyền phong các anh hùng:
- Cao Cảnh-Minh, thần tiễn vang thiên hạ. Võ công, hiệp nghĩa khắp Lĩnh-Nam, Trung-nguyên, không ai mà không nghe danh. Tuổi cao, lòng son đối với xã tắc vẫn sáng chói. Đánh Võ-đô, dùng hiệp nghĩa tha anh hùng. Chiếm Dương-bình quan, trổ tài thần tiễn. Tính thích ngao du sơn thủy, chẳng ham công danh. Sắc phong Nhân-hiệp nghĩa dũng quốc công.
- Cao Cảnh-Sơn, chưởng môn phái Hoa-lư. Thần tiễn kinh nhân. Chế được nỏ thần. Xuất chiến Trường-an. Bắn chết hơn ngàn tướng Hán, bắn ngã mấy vạn binh giặc. Hùng khí Cao-cảnh hầu sống lại. Sắc phong Cao-cảnh công. Lĩnh ấn đại tướng quân. Thống lĩnh Thần-nỏ Lĩnh-Nam. 0.
- Cao Cảnh-Nham, Cao Cảnh-Khê, xuất thân đệ tử danh gia. Trung dũng có thừa. Theo thân phụ, đánh trận Trường-an. Khiến Quang-Vũ bay hồn bạt vía. Sắc phong liệt hầu. Lĩnh chức tướng quân, theo cha trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
- Đô Thiên, dùng hiệp nghĩa kết bạn với Lĩnh-nam vương Trần Tự-Sơn. Tước phong tới hầu, lĩnh chức thứ sử Hán-trung. Khi nghe vương bị Quang-Vũ bắt giam. Khảng khái bỏ quan chức, dẫn năm vạn quân, tụ nghĩa hồ Động-đình. Nghĩa khí đáng trọng thay. Sắc phong Động-đình công. Lĩnh ấn Trung-nghĩa đại tướng quân. Thống lĩnh đạo quân Hán-trung. Tổng trấn Trường-sa. 0.
- Minh-Giang, xuất thân đệ tử danh gia. Lĩnh ấn Phấn-uy đại tướng quân. Thống lĩnh đạo binh Quế-lâm đánh Thục. Lịnh khởi nghĩa ban ra, chỉ huy binh tướng nhanh chóng, bức các huyện lệnh, huyện úy đầu hàng. Sắc phong Phiên-ngung công. 0.
- Đặng Đường-Hoàn, tính khí cương trực. Suốt bao năm thống lĩnh nghĩa quân bất phục người Hán. Làm cho Tô Định, Lê Đạo-Sinh lao đao, khốn khổ. Dạy được ba đệ tử Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang đều là đấng anh hùng. Lệnh khởi nghĩa ban ra, đốc suất đệ tử, tráng đinh, đánh chiếm ba huyện, mười lăm đồn trong hai ngày. Lại có công đánh tan đội binh tà đạo của Lê Hinh mười lăm ngàn người. Sắc phong Long-biên công, tổng trấn Long-biên.
- Đào Chiêu-Hiển, Đào Đô-Thống, Đào Tam-Lang, đệ tử danh gia, khí phách anh hùng. Văn võ toàn tài. Theo sư phụ, khởi binh chống Hán. Có công đánh chiếm ba huyện, mười lăm đồn, dẹp mười lăm ngàn quân tà đạo Lê-Hinh. Sắc phong Liệt-hầu, lĩnh chức Phiêu-kị đại tướng quân. Trấn thủ Độ-khẩu, sẵn sàng tiếp ứng Thục.
- Nguyễn Tam-Trinh, hào khí phục quốc từ nhỏ. Văn võ toàn tài. Năm con trai nổi tiếng Mai-động ngũ hùng. Con gái là Nguyễn Giao-Chi, cùng đội Mai-động tòng chinh, đánh chiếm Độ-khẩu, Vị-nam. Mới đây suất lĩnh tráng đinh, đánh bảy đồn, chiếm hai thành gần Long-biên. Sắc phong Mai-động công. Lĩnh chức Đại tư không.
- Chu Bá, văn võ toàn tài. Biết chọn nẻo chính, bỏ đường tà. Sắc phong Bắc-đái công. Lĩnh Binh-bộ thượng thư.
- Vũ Công-Chất, đệ ngũ Thái-bảo phái Sài-sơn. Văn võ song toàn. Thống lĩnh tráng đinh kháng chiến tại Phượng-lâu. Mười năm làm cho giặc kinh hồn táng đởm. Sắc phong An-định công. Lĩnh Hình-bộ thượng thư.
- Trần Quốc-Hương, đệ thất Thái bảo phái Sài-sơn. Khởi nghiệp từ Thiên-trường, khí phách uy nghi. Tô Định bao phen cử ra làm quan từ chối. Lệnh khởi binh ban ra, một đêm chiếm trọn Nam-hải. Sắc phong Thiên-trường công. Tổng trấn Thiên-trường.
- Quách Lãng, đệ tử danh gia. Tài kiêm văn võ. Tùng chinh đánh Trường-an. Sắc phong Ngọc-đường công. Lĩnh ấn Phấn-oai đại tướng quân. thống lĩnh đạo binh Cửu-chân, phòng vệ nam Lĩnh-Nam.
- Đào Hiển-Hiệu, xuất thân giòng dõi trung lương. Trước đã được phong Hổ-nha đại tướng quân, thống lĩnh đạo binh Tượng-quận, đánh chiếm Độ-khẩu, nhập Thành-đô. Đem đạo binh từ Thục về Tượng-quận yên lành. Lệnh khởi binh ban ra. Đánh chiếm Tượng-quận trong ba ngày. Dẹp yên được mầm mống phản loạn của bọn Hán tham tàn. Tước phong Khúc-dương công. Thống lĩnh đạo binh Tượng-quận như cũ.
- Đào Quí-Minh, xuất thân giòng dõi trung lương. Lệnh khởi binh ban ra. Suất lĩnh đạo binh Đăng-châu trước bức Luy-lâu. Sau đánh Long-biên. Phá giặc ở Ký-hợp. Sắc phong Ký hợp công. Lĩnh ấn phó thống lĩnh đạo binh Tượng-quận.
- Vương Phúc, xuất thân cành vàng lá ngọc. Văn võ toàn tài. Lĩnh chức Bình-nam vương nước Thục. Giữa trận tiền, dùng nghĩa kết bạn với Đào Kỳ. Được Thục đế cử sang giúp Lĩnh-Nam, hiện làm quân sư cho Đô-đốc thủy quân Trần Quốc. Truyền gả Trần Quốc về với Vương Phúc, cho thành đôi thư hùng. Sắc phong Trấn-nam vương.
- Tây-vu Thiên-ưng lục tướng, mồ côi cha mẹ, được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Bản lĩnh chỉ huy Thần-ưng siêu việt. Tuổi mười lăm, mười sáu dẫn sáu trăm Thần-ưng tòng chinh Trung-nguyên. Trận Xuyên-khẩu khiến anh hùng đất Thục kinh hồn động phách. Trận Bạch-đế, chiếm thành đầu tiên. Trận Trường-an, đánh Quang-Vũ chạy trên trăm dặm. Tinh khôn, trung liệt, bí mật nhập Lạc-dương cứu sư tỷ Thiều-Hoa. Khảng khái, hào hiệp, can đảm. Đào Tứ-Gia có tâm Bồ-tát, nguyện hy sinh tính mệnh cứu sư huynh, cho rằng sư huynh cần sống, bảo vệ Lĩnh-Nam. Võ đạo cao như vậy, cổ kim chưa từng có. Nay năm người còn sống, tài đáng đại tướng. Sắc phong cho Đào Tứ-Gia làm:
Đại nhân, chí đức, minh nghĩa đại vương.
Truyền xây cất đền thờ ở Tây-vu.
Còn lại năm người, sắc phong: Lĩnh-Nam Thiên-ưng đại tướng quân, tước Liệt-hầu. Truyền trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
- Tây-vu lục hầu tướng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Tài điều khiển Thần-hầu như đội quân tinh nhuệ. Vượt núi Kim-sơn, vào Thục. Từ cổ không ai làm được. Đấu leo dây với Thanh-Châu, nêu rõ tài Phù-Đổng của thiếu niên Lĩnh-Nam. Trận Trường-an, đột nhập thành, đánh Quang-Vũ đến phải bỏ đất Tần mà chạy. Sắc phong: Lĩnh-Nam Thần-hầu tướng quân, tước Liệt hầu. Truyền trấn thủ bắc Lĩnh-Nam.
- Tây-vu tam báo tướng, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Được Hồ Đề đem về nuôi dạy. Tài điều khiển báo, xung phong hãm trận. Dự trận Võ-đô, Dương-bình quan, Kiếm-các, Trường-sa. Lập đại công. Mới đây đánh Long-biên, Luy-lâu. Lưu danh muôn thủa. Sắc phong Lĩnh-nam Tam-báo tướng. Tước Liệt-hầu truyền trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
- Hồ Hác, tài trí hơn người. Điều khiển đoàn Thần-tượng, đánh trận Xuyên-khẩu, Bạch-đế, Quảng-an, vào Thành-đô. Trận Trường-an khiến hai mươi lăm vạn quân Tần bị dẫm nát. Sắc phong Tượng-uy đại tướng quân. Tước Tiên-sơn hầu. Truyền trấn đóng Bắc Lĩnh-Nam phòng giặc.
- Ngao-sơn tứ lão, tuổi đã cao. Tâm tính trung hậu. Chỉ huy đội Thần-ngao canh phòng, trinh sát. Khắp các trận Trung-nguyên đều có mặt. Sắc phong Ngao-sơn đại tướng quân. Tước Liệt-hầu. Truyền trấn đóng Bắc Lĩnh-Nam phòng giặc.
- Mai-động Ngũ-hùng, Nguyễn Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Giòng dõi trung lương. Tài kiêm văn võ. Dẫn đội tráng đinh Mai-động, đánh úp Độ-khẩu. Sau chiếm Vị-nam. Tài trí đã hơn đời. Trung liệt càng sáng tỏ. Sắc phong Mai-động liệt-hầu. Đội Mai-động được phong làm Thần-kình Lĩnh-Nam.
- Thiên-trường Tam-kiệt, Trần Quốc-Dũng, Trần Quốc-Uy, Trần Quốc-Lực. Giòng dõi trung lương, con trai lạc hầu Thiên-trường Trần Quốc-Hương. Khi cha trọng nhậm Nam-hải, thay cha trấn Thiên-trường. Ngày đêm nuôi chí phục quốc. Lệnh khởi binh ban ra. Ba anh em đánh chiếm ba thành, chín đồn từ Thiên-trường tới Long-biên. Đem tráng đinh vây Long-biên, đánh Luy-lâu. Chí khí hào hiệp. Sắc phong Trần Quốc-Uy làm Kiến-xương hầu. Trần Quốc-Dũng làm Giao-thủy hầu. Trần Quốc-Lực làm Trung-thành hầu. Đồng lĩnh ấn đại tướng quân. Trấn thủ Thiên-trường, Lục-hải.
- Thần-nỏ Âu-lạc Tứ-hùng, xuất thân danh gia đệ tử. Tiễn thủ xuất chúng. Được cử tòng chinh Trung-nguyên. Trước xuất thủ đánh chiếm Võ-đô, Nam-bình, Bình-võ. Sau đánh Dương-bình-quan, Kiếm-các. Tại Cẩm-dương, dùng tiễn thủ chinh phục tướng Thục. Giữa trận kết nghĩa huynh đệ. Dũng, lược, nghĩa, mưu toàn tài. Sắc phong Liệt-hầu. Truyền lĩnh ấn đại tướng quân, trấn thủ Bắc Lĩnh-Nam.
- Hợp-phố Lục-hiệp, đại nhân, đại nghĩa, đại hiệp. Theo Lĩnh-nam công chinh tiễu các thái thú tham ô, giết bọn Hán tàn ác. Lĩnh chức Thái-thú, Đô-úy khắp vùng Lĩnh-Nam. Đâu đâu cũng gây được kính trọng trong dân. Nay Lĩnh-Nam phục hồi. Không muốn vướng mắc công danh. Thuận cho được ngao du sơn thủy, trao quyền ngang với Lạc-vương. Thấy tham quan, ác bá bất kể cấp nào, được quyền chém đầu răn chúng. Đổi tên Hợp-phố lục hiệp thành Lĩnh-nam lục hiệp. Riêng Lưu Nhất-Phương tuẫn quốc, sắc phong:
Nhân dũng, đại nghĩa bảo quốc đại vương.
Truyền cấp hai mươi mẫu đất tốt làm hương hỏa. Quanh năm thờ kính.
Ngoài ra các anh hùng khác đều lĩnh chức tước của các Lạc-vương, không thấy ghi trong bảng phong công thần.
Sau đây, một vài chi tiết tìm được:
Cửu-chân:
Lạc vương: Đô Dương.
Tư-mã: Lạc công Đinh Đại.
Tư-đồ: Nghi-sơn hầu Đào Nghi-Sơn.
Tư-không: Biện-sơn hầu Đào Biện-Sơn.
Giao-chỉ:
Lạc vương: Trưng Nhị.
Tư mã: Thọ-xương hầu Trần Dương-Đức.
Tư đồ: Phương-nghi hầu Chu Thổ-Quan.
Tư không: Tần-lĩnh công Đặng Thi-Kế.
Nhật-nam:
Lạc vương: Lại Thế-Cường.
Tư mã: Linh-việt hầu Trương Thủy-Hải.
Tư đồ: Dương-tĩnh hầu Trương Đằng-Giang.
Tư không: Kiến-bình hầu Trần Khổng-Chúng.
Quế-lâm:
Lạc vương: Lương Hồng-Châu.
Tư mã: Lôi-sơn công Đinh Công-Thắng
Tư đồ: Linh-lăng công Triệu Anh-Vũ.
Tư không: Nam-sơn công Phan Đông-Bảng.
Tượng-quận:
Lạc vương: Hàn Bạch.
Tư mã: Quế-dương hầu Chu Đức.
Tư đồ: Nghi-dương hầu Vương Hồng.
Tư không: Giao-sơn hầu Chu Thanh.
Nam-hải:
Lạc vương: Trần Nhất-Gia.
Tư mã: Khúc-giang công Trần Nhị-Gia.
Tư đồ: Trung-sơn công Trần Tam-Gia.
Tư không: Nhu-sơn công Trần Tứ-Gia.
Còn hai vị, địa vị cao cả, Trưng hoàng đế không phong chức tước, chỉ ban chiếu tôn xưng. Thứ nhất Khất đại phu Trần Đại-Sinh:
Chí nhân, đại từ, thánh y.
Lĩnh-Nam tiên ông.
Cựu hoàng đế Trần Tự-Sơn, được tôn làm:
Ứng càn, ngự cực,
Thần Văn, Thánh Võ,
Long Công, Thịnh Đức,
Nhân Huệ, Chí Minh,
Thái thượng hoàng đế.
Sau khi tuyên đọc sắc chỉ. Ngài hô lớn:
- Các con dân Lĩnh-Nam, quì gối trước bàn thờ Quốc-tổ.
Toàn thể văn thần võ tướng quì gối. Lễ tám lễ.
Tiếp theo các lạc vương chúc tụng Lĩnh-Nam hoàng đế. Người vui nhất là Đào Thế-Kiệt, tức Cửu-chân vương. Ngài cười lớn:
- Từ khi biết nghe, biết nói. Tôi chỉ mơ có ngày hôm nay. Sau ngày phục quốc đến giờ. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Mình mê hay tỉnh đây?
Lạc vương Nam-hải Trần Nhất-Gia hỏi:
- Bây giờ Đào vương gia định làm gì?
Đào vương ngơ ngẩn, nhìn Trưng hoàng đế, nhìn bàn thờ Quốc-tổ, nhìn anh hùng các nơi, nhìn vợ nhìn con, nhìn đệ tử. Ngài lắc đầu:
- Làm gì ư? Bây giờ, tôi sướng quá. Hạnh phúc quá... Không... không còn... gì...
Đến đây mắt ngài trợn ngược. Đứng im trên đài. Trần Năng kinh hoảng, vọt người lên. Cầm tay ngài bắt mạch. Gọi lớn:
- Thái sư phụ! Thái sư phụ!
Nhưng đã trễ, mạch không còn nhảy nữa. Bà nói với Đào vương phi:
- Thái sư phụ đã qui tiên rồi!
Trưng hoàng đế nói lớn:
- Các anh hùng nghe đây: Cửu-chân Đào vương, suốt đời ưu tư lo phục quốc. Nay được toại nguyện. Ngài vui quá, mà qui tiên. Đã đành sinh ra, ai cũng phải chết. Song Đào vương chết như thế thực vui sướng mà chết. Đó là phần thưởng quí báu nhất cho người anh hùng suốt đời lao tâm khổ tứ với đại cuộc đất nước. Chúng ta không nên buồn.
Ngài truyền đặt xác Đào vương trước bàn thờ Quốc-tổ. Lệnh anh hùng các nơi đến trước ngài làm lễ, từ biệt. Ngày hôm đó truyền khâm liệm, mang về Cửu-chân an táng. Truyền cả nước để tang.
Ba hôm sau...
Giao-chỉ vương Trưng Nhị hỏi các anh hùng Cửu-chân:
- Nước không nên để một ngày không vua. Đào vương qui tiên. Vậy các anh hùng Cửu-Chân hãy suy cử người thay thế.
Ghi chú của tác giả: Kể từ đây, chúng tôi dùng danh xưng hoàng đế Lĩnh-Nam, Trưng Đế, Trưng hoàng đế để gọi Trưng Trắc. Và Trưng vương, Giao-Chỉ vương để gọi Trưng Nhị.
Khác hẳn với các vùng khác. Anh hùng Cửu-chân, người người đồng một tâm. Họ liếc nhìn Đào Kỳ. Trưng đế biết quần hùng muốn suy cử Đào Kỳ.
Ngài phán:
- Anh hùng Cửu-chân muốn suy cử ai cũng được. Duy Đào tam đệ thì không nên. Đào đệ đã lĩnh chức Bắc-bình vương, lĩnh ấn Đại-tư-mã, hai vai gánh vác sơn hà, quá nặng nề, không thể chịu thêm được nữa.
Đinh Đại lên tiếng:
- Anh hùng, đệ tử Cửu-chân nghe đây: Đất Cửu-chân ta ở phía sau Lĩnh-Nam. Giặc Hán có xâm lăng, tất đem thủy quân từ biển đánh vào. Sau đó đánh trở lên. Chức lạc vương Cửu-chân, do sư huynh ta gánh vác thì được. Còn lại từ Đào vương phi, tức chị ta, cho đến ta và các đệ tử không ai gánh vác nổi. Võ đạo, võ công, lòng son chúng ta có. Còn bảo chúng ta lĩnh trọng trách lớn đó, thực không nổi. Ta muốn mời một người không ở Cửu-chân vào thay thế sư huynh. Các ngươi nghĩ sao?
Quần hùng nghĩ: Tài hơn, hoặc ngang với Đào vương chỉ có Trưng đế, Trưng vương, Phương-Dung, Đào Kỳ, Vĩnh-Hoa. Còn ai đâu?
Trần Dương-Đức kính cẩn hỏi:
- Sư thúc, Lĩnh-Nam ta, không biết còn ai có tài ngang với sư phụ, mà chưa lĩnh trọng trách gì?
Đinh Đại cười:
- Ta nghĩ đến một người: Võ công đã cao. Tính tình hào sảng. Đánh dư trăm trận. Hiểu biết hết tình hình triều Hán, là bạn của các đại thần nhà Hán. Tài dùng binh, e rằng không đại tướng Hán nào bì kịp.
Đinh Tĩnh-Nương lắc đầu:
- Bố ơi! Bố muốn nói đại ca Trần Tự-Sơn hả bố? Đại ca không chịu nhận đâu. Đại ca đang ngao du sơn thủy. Bố bắt đại ca trở về sao?
Đinh Đại tát yêu con gái:
- Con lầm rồi! Còn một người nữa. Chứ bố đâu có muốn mời Trần đại ca.
Đào Kỳ, Phương-Dung đồng kêu lên:
- Đô Dương! Đô đại ca! Đúng, đại ca đã xin Trưng đế tha cho không phải nhận chức tước gì. Bây giớ chúng ta dùng đại nghĩa, xin Đô đại ca nhận chức Lạc-vương Cửu-chân.
Đô Dương đang ngồi trên khán đài quan khách với Nguyễn Giao-Chi. Ông nghe Đào Kỳ nói vậy, đứng dậy vẫy tay nói:
- Đào hiền đệ! Đa tạ hiền đệ tín nhiệm ta. Song ta đang muốn được thảnh thơi, nhàn tản một thời gian đã.
Phương-Dung đến bên ông nói:
- Đô đại ca! Đại ca bỏ Lĩnh-Nam sang Trung-nguyên, vào sinh ra tử bao phen cho nhà Hán. Không lẽ bây giờ đại ca không coi Lĩnh-Nam bằng Hán hay sao?
Đô Dương biết Phương-Dung lợi hại không thể tưởng được. Muốn cãi với nàng, thực khó khăn. Ông nhìn vợ hỏi ý kiến. Giao-Chi nói:
- Giữa Đào gia với Mai-Động có nhiều ơn nghĩa. Bố em trước đây đứng ra gả sư tỷ Thiều-Hoa cho đại ca Tự-Sơn. Đào lão bá đứng ra gả em cho anh. Hai nhà như một. Vậy anh thay Đào lão bá lĩnh trọng trách mới phải đạo.
Đô Dương thuộc đấng đại trượng phu đa tình. Ông lưu lạc bên Trung-nguyên bao năm trời. Công danh tới thái thú. Vinh dự tới tước hầu. Tiền rừng bạc biển. Ông không cưới vợ. Thường mơ màng một bóng giai nhân, ôn nhu văn nhã, võ công cao, có tấm lòng son với đất nước. Được người như thế, vừa là bạn đồng tâm hiệp lực, vừa là tri kỷ, vừa là người yêu.
Ông gặp Giao-Chi. Giao-Chi còn nhiều đức tính hơn ông mơ tưởng. Nàng có nhan sắc mặn mà vào bậc nhất thời bấy giờ. Từ hôm cưới vợ, nhất nhất phu thê thuận lòng, hợp ý. Đến nằm mơ ông cũng không ngờ mình có người vợ như vậy.
Ông sủng ái Giao-Chi cực kỳ. Trên đời, ông chỉ tuyệt đối nghe lời Trần Tự-Sơn, bây giờ thêm Giao-Chi. Ông tưởng Giao-Chi sẽ chối từ. Ông có cớ đó, thoát vòng vây của Phương-Dung. Không ngờ Giao-chi với Phương-Dung tri kỷ với nhau từ lâu. Họ yêu chồng, kính chồng, mưu tìm hạnh phúc với chồng... Song có một điều Đô Dương không nghĩ tới: Họ xuất thân giòng dõi trung lương, coi việc nước lớn hơn tính mệnh. Vì vậy Đô Dương mới bị vợ cột chân cứng ngắt. Ông không lấy thế làm buồn, nghĩ trong lòng: Nếu vì Giao-Chi mà chết, ta cũng được chết vì sung sướng. Huống hồ gánh vác việc nước. Ông đứng dậy chắp tay nói lớn:
- Nếu các anh hùng Cửu-chân, đều tín nhiệm. Đô Dương tôi xin tuân lệnh.
Đinh Đại hỏi các anh hùng vùng Cửu-chân:
- Có ai phản đối việc chúng ta suy cử này không?
Quần hùng, đệ tử Cửu-chân đồng loạt hô lớn:
- Tuyệt đối không!
Trưng đế phán:
- Mời Đô đại ca lên đài làm lễ trước bàn thờ Quốc-tổ và trước Linh cữu Đào vương gia.
Đô Dương lên đài, lễ trước bàn thờ Quốc-tổ tám lễ. Ông thề lớn:
- Đệ tử Đô Dương, được anh hùng Cửu-chân suy cử nhận trọng trách lạc vương Cửu-chân. Đệ tử nguyện dùng hết tâm trí, bảo vệ đất nước. Nếu đệ tử sai lời, bị chết dưới muôn ngàn đao, kiếm.
Anh hùng các nơi vỗ tay rung động trời đất.
Trưng đế đến trước linh cữu Đào vương, hành lễ. Tuyên sắc phong:
Long công, thịnh đức,
Chí minh, đại nghĩa,
Cửu-Chân vương.
Ngài nói với các lộ anh hùng:
- Anh hùng các nơi đâu về đó. Đào tam đệ, Phật-nguyệt, Thánh-Thiên, Hiển-Hiệu phải lên đường trấn nhậm ngay. Chậm một ngày, nguy một ngày. Trẫm muốn cùng tam công, tể tướng đi khắp các nơi, thăm dân cho biết sự tình. Cũng để tuyên cáo Lĩnh-Nam đã trở về với người Việt.
Trưng Đế hỏi Tư-không Nguyễn Tam-Trinh, Tể-tướng Phương-Dung:
- Hiện các lạc vương cai trị dân bằng võ đạo. Ta chưa có luật. Vì vậy trẫm muốn cùng sư thúc và các sư muội thăm khắp nơi, để hiểu biết dân tình. Sau đó trở về phiền sư muội soạn ra bộ luật cho Lĩnh-Nam.
Phùng Vĩnh-Hoa tâu:
- Hán có gì hay, ta phải học. Hán có gì dở, ta phải tránh. Hán có luật, có điển chế triều đình, có lịch nêu rõ chính thống. Ta cũng phải soạn lịch. Chẳng nên dùng lịch Trung-nguyên.
Phương-Dung biết Phùng Vĩnh-Hoa xuất thân phái Sài-sơn, uyên thâm văn minh Lĩnh-Nam. Bà hỏi:
- Vấn đề Lịch-số, em có biết qua. Song chưa tường tận. Xin sư tỷ đừng tiếc công chỉ dạy.