Lần đầu tiên trong đời Đào Kỳ gặp một đối thủ có công lực cao thâm ngoài sự tưởng tượng. Đến Khất đại phu, hôm ngộ nhận ở Thành-đô, chàng đối chưởng với ông, chỉ ngang tay nhau. Nội công âm nhu, pha Ngũ-độc của Mao-đông-Các cũng không chịu nổi chưởng lực của chàng. Hôm nay, chàng, đã dùng cả cương lẫn nhu phát hai chưởng khác nhau thế mà đối phương chỉ vòng tay một cái, đẩy hai chưởng của chàng vào nhau, hóa giải chưởng lực của chàng.
Chàng định xử dụng Lĩnh-nam chỉ. Nghe tiếng gọi, vội thu công, nhảy lùi về sau bảy, tám bước, vì sợ đối phương phản công.
Trần Năng chỉ vào người đó nói:
- Sư thúc ngộ nhận rồi. Người mà cháu vẫn nhắc nhở đến luôn. Sư thúc thường ước ao gặp người. Ngài có pháp danh Tăng-Giả Nan-Đà.
Tiên-yên nữ hiệp cũng nói:
- Bồ tát đang dùng Thiền-công Phật-gia cứu trị cho Sún Cao. Cháu ngộ nhận rồi!
Đào Kỳ tỉnh ngộ. Mọi người đứng xung quanh Tăng-Giả Nan-Đà. Sún Rỗ nói với Đào Kỳ:
- Sư huynh! Thì ra đoàn Thần-ưng trông thấy thằng Cao bị nạn. Thần-ưng vốn có linh tính, chúng kêu ré lên, cùng bay đến, tỏ ý thương xót chúa tướng. Chúng nhận biết Bồ-tát chữa trị cho Cao, vì vậy chúng đậu trên cây, im lặng, không kêu, sợ làm rối loạn tâm thần ngài.
Đào Kỳ xấu hổ, tự mắng mình:
- Sư đệ nói đúng. Tam ca không thông minh nhanh trí bằng loài chim.
Đào Kỳ muốn biểu lộ sự mẫn tiệp của mình đối với sư đệ: Có lỗi phải nhận. Chứ thực ra không phải thế. Suốt thời gian qua, chàng sống trong đau khổ, vì được Sún Cao hút chất độc, tự nguyện chết thay. Chàng với Ngũ Sún tìm khắp nơi. Bây giờ, từ xa, thấy nó nằm dài trên tảng đá, một người để tay lên ngực nó. Bất cứ ai ở vào hoàn cảnh của chàng, cũng phải ra tay thần tốc, giải thoát cho nó.
Khất đại phu đến bên Sún Cao cầm tay nó bắt mạch. Mạch không nhảy nữa. Ông dồn chân khí vào huyệt Thái-uyên. Chân khí của ông tan biến mất. Ngạc nhiên, ông dồn chân khí mạnh hơn. Cũng biến mất. Thấy kỳ lạ, ông nắm lấy cườm tay nó, đẩy chân khí vào cả Thủ-tam-âm, Thủ-tam-dương kinh. Chân khí của ông cuồn cuộn ra bao nhiêu, mất bấy nhiêu. Ông vội thu tay lại, hiểu ra:
- Vị Bồ tát này đang dồn Thiền-công vào người Sún Cao. Mình dồn chân khí vào, hai luồng chân khí gặp nhau. Thiền-công có tính năng hóa giải mọi nội lực. Vì vậy, chân khí của mình bị hóa giải.
Trần-Năng hỏi:
- Sư phụ! Còn hy vọng không?
Khất đại phu lắc đầu:
- Khó lắm. Mạch Tước tác, thì trăm phần chỉ có một phần hy vọng.
Trần-Năng hỏi:
- Mạch Tước tác là mạch gì?
Khất đại phu thở dài:
- Mạch nhảy như con chim sẻ ăn lúa. Mổ lóc, chóc mấy cái lại ngưng.
Hiện diện hàng chục người, trên trăm Thần-ưng, mà không một tiếng động.
Một lát Tăng-Giả Nan-Đà buông tay ở ngực Sún Cao ra, ông nói với Trần-Năng:
- Khó quá! Khó quá.
Ông đưa mắt nhìn Đào-Kỳ:
- Đào thí chủ. Chưởng lực thí chủ bao hàm dương cương, âm nhu đủ cả. Mạnh đến không tưởng được. Trên đời bần tăng chưa từng thấy qua. Chiêu đầu kỳ lạ, bảo rằng ác cũng không phải, bảo rằng thiện cũng không đúng.
Đào Kỳ cung kính chắp tay:
- Đệ tử không biết Phật gia, trót mạo phạm. Xin Bồ-tát hỉ xả, đại từ, đại bi xá tội cho. Chiêu đầu là Ác ngưu nan độ chiêu sau là Loa thành nguyệt hạ.
Tăng-Giả Nan-Đà nói:
- Thì ra thế! Chiêu đầu kình lực phát rõ ràng là Ác song không có ý ác, mà có ý mở đường, đẩy cái ác sang bên cạnh. Hóa ra chiêu đó dùng để đẩy con trâu dữ cản đường. Thành ra trong cái ác đánh trâu, có cái thiện đẩy trâu. Chiêu sau như một cái tháp chụp xuống, nhẹ nhàng mà dũng mãnh. Trong cái nhàn tản, có cái uất ức. Thì ra chiêu này do vua An-Dương chế ra, trong lúc cố thủ thành Cổ-loa chống với Triệu-Đà.
Ngài nhìn mọi người, rồi nói:
- Cách đây hai ngày, bần tăng qua đồi Nghi-dương, thì gặp tiểu thí chủ đây nằm trong bụi cỏ, chân tay run rẩy, tỏ ra đau đớn vô hạn. Bần tăng đỡ dậy, coi lại thì ra tiểu thí chủ bị trúng Huyền-âm. Bần tăng dùng Thiền-công cứu. Song đã quá trễ. Bần tăng coi kỹ lại, hóa ra tiểu thí chủ không bị Huyền-âm chưởng đánh trúng, mà do tiểu thí chủ phát tâm Bồ-đề, hút chất độc cứu người. A Di Đà Phật! Tiểu thí chủ nhỏ tuổi, mà tâm đạo như một đại Bồ-tát.
Ngài lim dim nhập định một lúc rồi tiếp:
- Bần tăng nghĩ hết cách cứu trị, vẫn vô hiệu. Đầu tiên tiểu thí chủ tập một thứ võ công Lĩnh-Nam, lấy leo trèo trên cây làm căn bản. Sau không biết cơ duyên nào, lại luyện nội công của phái Cửu-chân, dương cương. Tiếp theo lại luyện nội công âm nhu giống nội công phái Long-biên. Cuối cùng luyện Ngũ-độc thần công. Dùng thần công ấy hút chất độc cứu người khác. A Di Đà Phật! Phúc đức quá. Khất đại phu, Đào Kỳ, Phương-Dung đều khâm phục Tăng-Gỉa Nan-Đà. Ngài chỉ chẩn mạch, mà biết rõ hết những gì Sún Cao đã trải qua.
Phương-Dung tường thuật tỷ mỉ những biến chuyển đã xảy ra xung quanh Sún Cao cho Tăng-Giả Nan-Đà nghe. Ngài nghe xong gật đầu:
- Tiểu thí chủ mới mười sáu, mười bảy tuổi, mà đã có tâm đạo cao như thế. Đức Phật dạy người tu hành: Hỷ xả cứu người, nhảy vào miệng cọp đói, cắt thịt nuôi chim ưng. Tiểu thí chủ có hạnh Bồ tát, hy sinh thân mình, cho sư huynh sống. Tiếc rằng bần tăng gặp tiểu thí chủ quá trễ, thành ra không kịp nữa rồi. Ngũ độc phá hết tạng phủ. Bần tăng để tay vào ngực, đẩy chất độc ra khỏi tâm, hầu tiểu thí chủ tỉnh dậy. Song đến giờ vẫn còn mê man.
Sún Rỗ nước mắt đầm đìa:
- Bồ Tát! Đệ tử chịu chết cho em cháu sống. Như vậy có được không?
Tăng-Gỉa Nan-Đà lắc đầu:
- Ngay khi tiểu thí chủ này, hút Ngũ-độc trong người Đào vương gia. Bần tăng có ngồi cạnh cũng vô ích. Vì chất độc đã vào tạng phủ, trục ra làm sao được? Dù có dùng thuốc giải độc của phái Trường-bạch cũng vô hiệu.
Bỗng Sún Cao trở mình một cái, mắt từ từ mở ra. Nó ngơ ngác nhìn mọi người. Sún Rỗ nói:
- Cao! Mày có nhận ra tao không? Rỗ đây này.
Sún Cao mỉm cười:
- Ừ! Tao nhận được mày. Nãy đến giờ, tao nằm đây, chân tay cử động không được, mà nghe hết, hiểu hết những biến chuyển xung quanh.
Nó đưa mắt nhìn mọi người, rồi nói với Tăng-Giả Nan-Đà:
- Suốt hai ngày qua, trong cơn mê mê, tỉnh tỉnh, đệ tử biết có sư phụ bên cạnh. Sư phụ đọc kinh cho đệ tử nghe. Đệ tử hiểu hết. Song nói không được mà thôi. Sư phụ! Sư phụ nói: Sinh tử vô thường. Có sinh ra thì phải có đau yếu, già lão, rồi phải chết. Chết trước hay chết sau cũng vậy mà thôi. Chỉ cần sao giữ cho cái tâm trong sáng. Đệ tử nghe kinh Phật, áp dụng vào luyện nội công. Đợi chết rồi, đệ tử tìm Mao Đông-Các đấu với y một trận, trả cái thù này.
Tăng-Giả Nan-Đà lắc đầu:
- Không nên, thí chủ tự nguyện hy sinh cứu Đào vương gia, mà đổ thù oán lên đầu người khác càng thêm nghiệp quả cho Vương-gia. Thí chủ cho rằng mình chết gốc ở Mao Đông-Các, phải tìm Mao trả thù. Thế thì mười sáu ngàn binh sĩ Hán, bị thí chủ cho Thần-ưng ăn thịt. Họ sẽ báo thù vào ai đây? Thù oán chồng chất mãi bao giờ mới hết!
Sún Cao tỉnh ngộ, a lên một tiếng:
- Đệ tử hiểu rồi! Sư phụ dạy Tâm trong sáng, trong lòng không còn tơ tưởng hình sắc, sự vật, tình cảm gì phải không?
Tăng-Giả Nan-Đà gật đầu:
- Đúng thế. Thí chủ giác ngộ mau quá. Phật A Di Đà sẽ đón thí chủ về Tây-phương Cực-lạc.
Đến đây Sún Cao cười rất tươi. Nó nói với mọi người:
- Thế giới ta ở có tên là Ta-bà. Người giết người! Người hại người. Thôi về thế giới Cực-lạc sống sướng hơn.
Đến đó mệt quá, nó nhắm mắt nằm im. Tăng-Giả Nan-Đà ra hiệu cho mọi người im lặng. Ngài gõ mõ, đọc kinh A Di Đà. Một lát Sún Cao mở mắt ra nhìn mọi người, mỉm cười, nói với Sún Rỗ:
- Tao về thế giới Cực-lạc đây.
Nó nói với Đào Kỳ :
- Tam sư huynh ! Em biết rằng sự hy sinh của mình đúng đạo lý. Sư phụ dạy : Người ta sinh ra, ai cũng phải chết. Trong những cái chết, thì cái chết cho đất nước là xứng đáng nhất. Tam ca ơi ! Em nghĩ rằng đất nước không thể thiếu tam ca. Em nguyện chết để tam ca phục hồi Lĩnh Nam… Em…
Nó mỉm cười, ngẻo đầu sang một bên. Mắt từ từ nhắm lại.
Tăng-Giả Nan-Đà nói lớn:
- Các vị thí chủ. Tiểu thí chủ đã quá vãng. Các vị không nên khóc lóc, e làm cho hương linh tiểu thí chủ vãng sinh khó khăn.
Đào Kỳ gọi Thái thú Nghi-dương, nói:
- Phiền đại nhân mua dùm tôi chiếc quan tài, với vải, hoa khô vàng, hương tẩm liệm cho sư đệ của tôi.
Tăng-Giả Nan-Đà chắp tay:
- Đào vương gia! Hôm qua, tiểu thí chủ đã xin qui y Tam-bảo. Khi một người ngộ đạo, qui y thì bần tăng cho pháp danh. Bần tăng đặt cho tiểu thí chủ là Độ-Ách. Khi còn sinh thời, tiểu thí chủ có tên Sún Cao. Sau theo học với Đào hầu, sư phụ ban cho tên Đào Tứ-Gia. Tiểu thí chủ nói Từ khi có trí nhớ được cô nương Hồ Đề dạy phải lập lại Lĩnh Nam. Giải thoát đau khổ cho sinh linh phía Nam núi Ngũ-lĩnh. Giữa lúc Lĩnh Nam được phục hồi, tiểu thí chú lòng nghi hoặc, cho rằng Kiến-Vũ thiên tử không thực tâm. Ngày một ngày hai y sẽ đem quân đánh Lĩnh Nam. Tiểu thí chủ so sánh bản thân Đào vương gia với chính bản thân mình. Người tin rằng Đào vương gia võ công cao cường, kiến thức uyên bác, bảo vệ dân Việt hữu hiệu hơn mình. Vì vậy tiểu thí chủ mới hút chất độc trong người vương gia. A Di Đà Phật, tiểu thí chủ lòng dạ từ bi. Ý nghĩ trong sáng. Suốt đời muốn giải ách cho Lĩnh Nam. Vì vậy bần tăng đặt cho pháp danh Độ-Ách.
Ngài gật đầu, tiếp:
- Khi đức Thích-Ca Mâu-Ni tịch diệt. Chúng đệ tử thiêu xác ngài. Từ ngày ấy, Phật-tử quá vãng, đều đem nhục thể thiêu. Vậy bần tăng xin các vị cho phép bần tăng thiêu nhục thể Độ-Ách.
Đào Kỳ kính cẩn chắp tay:
- Đệ tử nguyện tuân lời dạy của đại sư.
Đào Kỳ cùng mọi người làm một cái đài bằng củi khô, khiêng xác Độ-Ách đặt lên trên. Sún Rỗ cầm tù và thổi một hồi dài. Cả đoàn Thần-ưng bay tản đi khắp nơi. Một lát chúng trở về, trên mỏ mỗi con ngậm một đóa hoa.
Sún Rỗ cầm tù và thổi một hồi thực dài, tiếng tù và bi ai, thảm não, như khóc, như than, như tiếng mẹ hiền mất con. Như tiếng trẻ thơ khóc mẹ. Đoàn Thần-ưng lượn thành vòng tròn quanh giàn thiêu đúng mười vòng.
Sún Rỗ thổi một hồi nữa. Thần-ưng từng năm con một tách khỏi đàn, thả hoa xuống xác Độ-Ách. Đoàn Thần-ưng thả hoa xong, vỗ cánh bay lên trời, lượn vòng tròn, cùng cất tiếng kêu dài, đầy bi ai thảm thiết. Hiện diện, chỉ mình Tăng-Giả Nan-Đà, giữ được nước mắt. Còn tất cả nước mắt đều tuôn rơi.
Đâu đó, tiếng tiêu kéo dài, não nuột, như muôn ngàn tiếng nức nở. Thỉnh thoảng giọng rít lên thực cao, rồi lại từ từ trầm xuống.
Sa-Giang nổi tiếng tiêu thần đất Thục. Nàng vốn đa tình, đa cảm, lãng mạn. Trước đây đã cùng Lục Sún đùa vui. Bây giờ trước cái chết thảm não của Sún Cao, tiếng tiêu của nàng càng nức nở, bùi ngùi, nuối tiếc, khóc than, làm mọi người muốn đứt từng khúc ruột.
Tăng-Giả Nan-Đà ngồi xếp chân gõ mõ đọc kinh. Ngài đọc bằng tiếng Phạn. Cử tọa không ai hiểu ý nghĩa lời kinh ra sao. Đọc kinh xong, ngài đánh lửa, đốt dàn thiêu. Phút chốc ngọn lửa bốc cao, bao phủ khắp người Độ-Ách. Không chờ Sún Rỗ ra lệnh. Đoàn Thần-ưng vỗ cánh bay lên cao, lượn vòng tròn giữa cột khói, lại cất tiếng kêu bi thương.
Đã có lời dặn của Tăng-Giả Nan-Đà mọi người không nên khóc, để hồn Độ-Ách dễ siêu thoát. Hiện diện tại đây, hầu hết là những người nội công cao, biết chế chỉ tâm thần vừa cầm được nước mắt, nghe tiếng Thần-ưng kêu, họ lại bật ra tiếng khóc.
Trời về chiều, nhục thể Độ-Ách đã cháy hết. Tăng-Giả Nan-Đà đứng dậy nói:
- Khi xưa, thiêu nhục thể của đức Thích-Ca Mâu-Ni, đệ tử tìm được nhiều viên ngọc Xá-Lợi. Bây giờ các vị với bần tăng cũng tìm ngọc Xá-Lợi của Độ-Ách.
Không ai hiểu Tăng-Giả Nan-Đà định nói gì, nhưng họ cũng làm theo. Bới tìm một lúc, được hai trăm năm chục viên ngọc trắng.
Nguyên trong phép thiêu nhục thể nhà phật, những người được đốt bằng củi sau khi thịt cháy hết. Xương gặp nóng, chảy ra, kết lại thành những viên tròn, gọi là Ngọc xá lợi. Xưa kia, khi đức Thích-Ca Mâu-Ni nhập diệt. Đệ tử thiêu xác ngài, lấy được nhiều ngọc Xá-lợi, đem chia cho đệ tử các nơi. Sau này Việt-Nam cũng thỉnh được một viên, thờ ở chùa Xá-lợi thành phố Sài-gòn. Còn lối thiêu ngày nay của Tây-phương, đốt trong lò nóng ba ngàn độ, thì xương, cùng thịt, đều thành tro hết.
Khất đại phu nói:
- Người ta sinh ra, ai cũng phải chết. Chết cao cả như Đào Tứ-Gia hỏi mấy ai đạt được? Thôi bây giờ, chúng ta lên đường đến hồ Động-đình, nếu không thì trễ mất.
Mọi người trở về Nghi-dương, đã thấy Trần Tự-Sơn, Hoàng Thiều-Hoa, Hoài-nam vương, Mã Vũ, chờ ở đó tự bao giờ. Hoàng Thiều-Hoa thấy mọi người mắt đỏ lên, thì hỏi:
- Truyện gì đã xảy ra?
Sa-Giang òa lên khóc. Nàng ôm lấy Thiều-Hoa:
- Đào Tứ-Gia! Sún Cao chết rồi!
Nàng thuật lại chi tiết những gì đã xảy ra cho Thiều-Hoa nghe. Hoàng-thiều-Hoa vốn là người đa tình, đa cảm. Nàng thương yêu Lục Sún như thương Đào Kỳ. Nàng đã biết truyện Sún Cao hút nọc độc cho Đào Kỳ. Trong thâm tâm nàng coi như Sún Cao chết rồi. Song bây giờ nghe thuật lại, nàng cũng bật thành tiếng khóc. Nàng nói với Tăng-Giả Nan-Đà:
-Bạch sư phụ. Đệ tử muốn mang một viên ngọc "Xá-lợi" có được không?
Tăng-Giả Nan-Đà nói:
- Được chứ.
Ngài đưa cho mỗi người một viên. Có người thì bỏ vào túi. Đào-Kỳ lấy cây kim, vận sức âm nhu vào tay, chọc thủng viên ngọc, lấy giây xuyên qua đeo vào chuôi kiếm. Thiều-Hoa, thì đeo vào với bông hoa cúc bằng vàng, lá ngọc trên đầu nàng.
Hoài-nam vương, Mã Vũ chắp tay từ tạ anh hùng Lĩnh Nam. Người đi hồ Động-đình, kẻ về Lạc-dương.
Đoàn người đến bờ sông Trường-giang, đã thấy một chiến thuyền đậu sẵn ở đó. Trên cột buồm, là cờ Lĩnh Nam bay phất phới. Có tiếng tiêu, tiếng hát véo von từ khoang thuyền vọng lại:
Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.
Qua cầu ngả nón trông cầu,
Cầu bao nhiêu nhịp, em sầu bấy nhiêu.
Sa-Giang gọi lớn:
- Sư tỷ Giao-long nữ! Mau ra đón Lĩnh-nam tiên ông cùng Hoàng đế Lĩnh-Nam.
Tiếng sáo, tiếng đàn im bặt. Hai người từ dưới lên khoang, Trần Quốc với Tử-Vân. Phương-Dung trêu Trần Quốc:
- Em tôi nhớ ai, thương ai mà hát buồn muốn đứt ruột.
Rồi chỉ Vương Phúc, trêu Trần-Quốc:
- Ai đã về đây.
Trần Quốc xấu hổ, cúi đầu xuống nói:
- Cháu vâng lệnh sư tỷ Trưng Nhị, đón Lĩnh-Nam hoàng đế, Lĩnh-Nam tiên ông cùng các vị sư bá, sư thúc, sư huynh, sư tỷ.
Sa-Giang đùa:
- Sư tỷ không chờ em à? Hay sắp làm chị dâu rồi không thèm ngó tới đứa em này hả?
Trần Quốc dơ tay đánh Sa-Giang. Sa-Giang núp vào Vương Phúc:
- Anh ơi! Chị dâu đánh em nè!
Cô bé Tử-Vân, bây giờ đã thành thiếu nữ dậy thì, xinh đẹp. Nàng mặc bộ quần áo tím, đứng trước mũi thuyền, phát tay ra lệnh.
Thuyền nhổ neo vượt sóng. Sa-Giang kể cho Trần Quốc nghe truyện Sún Cao.
Lại đến lượt Trần-Quốc, Tử-Vân khóc.
Tuy trước cái chết của Sún Cao, song mọi người thấy lòng phơi phới, vì hôm nay, ngày đất Lĩnh Nam phục hồi. Điều mà từ đời ông, đời cha, trải gần hai trăm năm mong mỏi. Người người nói truyện như pháo nổ. Duy Hoàng Thiều-Hoa ngồi cạnh Tăng-Giả Nan-Đà, nghe ngài thuyết pháp.
Thuyền bắt đầu từ Trường-giang, theo nhánh sông vào hồ Động-đình.
Trần Tự-Sơn, Đào Kỳ đứng trước mũi thuyền ngắm cảnh. Trên hồ, từng đoàn chiến thuyền, kéo cờ Lĩnh Nam, tuần phòng nghiêm mật. Trần Tự-Sơn nói với Đào Kỳ:
- Thời thế tạo thành anh hùng! Anh hùng tạo thành thời thế! Sư đệ thấy không. Mới cách đây mấy năm, Trưng-Nhị giả làm đệ tử sư thúc Đào Thế-Hùng cùng với sư đệ, Phương-Dung tới phủ Lĩnh-nam công. Ta biết hết. Song lờ đi. Ta đem sách Lục-thao, Tôn Tử, cùng cách hành binh, bố trận giảng cho ba người. Ba người ngơ ngơ ngác ngác như nai tơ. Thế mà bây giờ, Trưng Nhị tổ chức đại hội hồ Động-đình qui mô, cứ nhìn đoàn chiến thuyền tuần hành thế kia,ta cũng biết cuộc phòng thủ, cực kỳ chu đáo.
Trần Quốc đứng cạnh nói:
- Trưng sư tỷ dặn đệ tử trình với sư thúc chi tiết cuộc bố phòng. Xin sư thúc cho ý kiến.
Trước kia Trần Quốc gọi Trần Tự-Sơn bằng đại ca vì Đào Thế-Kiệt với Trần Quốc-Hương là bạn thân. Nàng gọi Thiều-Hoa bằng sư tỷ. Thuận miệng gọi Tự-Sơn bằng đại ca. Sau khi thân thế Trần Tự-Sơn được công bố. Trần Tự-Sơn vai em họ Trần Quốc-Hương. Nàng đổi cách xưng hô gọi Tự-Sơn bằng sư thúc. Nàng tiếp:
- Kế hoạch phòng thủ như sau: Đạo quân Nhật-nam của sư bá Lại Thế-Cường đóng ở núi Quân-sơn, phụ trấn có Tây-vu Tam hổ tướng. Đạo quân Nam-hải của sư bá Lương Hồng-Châu đóng ở Ích-dương phụ trấn có Tây-vu tam báo tướng. Lực lượng phòng thủ trên bờ sông Trường-giang có hai trăm chiến thuyền, chia làm hai chục đội. Trên mỗi đội đều có hai dàn Nỏ-thần. Lễ đài đặt ở núi Tam-sơn, do Hồ sư tỷ trấn đóng. Phụ trấn có Sún Lé, Sún Đen, Sún Lùn, Sún Hô, Ngao-sơn tứ lão. Dưới chân núi Tam-sơn, có chiến thuyền, do Lục-Phong quận chúa và Ngũ-Long công chúa, mỗi người chỉ huy một chiến thuyền, làm trừ bị.
Đào-Kỳ hỏi:
- Anh hùng các đạo tề tựu đủ chưa?
Trần Quốc nói:
- Tất cả đều tới từ hôm qua. Hôm nay thêm Khúc-giang ngũ hiệp, Tượng-quận tam anh. Phái Long-biên sư bá Nguyễn Trát không về dự. Tứ kiệt Cối-giang Anh, Hùng, Hào, Kiệt khẩn trở về Giao-chỉ, cũng vắng mặt.
Phương-Dung hỏi:
- Tại sao? Nhà ta có truyện gì ư?
Trần Quốc cười:
- Thông thái như sư tỷ mà hỏi em tại sao à? Anh hùng đi hết. Ở Giao-chỉ Tô Định làm loạn thì sao? Vì vậy đại ca Đặng Thi-Sách yêu cầu lão bá canh chừng y. Đại ca còn cho bốn sư huynh Anh, Hùng, Hào, Kiệt trở về khẩn cấp trợ giúp lão bá. Nếu Tô Định hó hé gì thì giết tươi liền.
Thuyền đã đến gần Tam-sơn. Hai đoàn thuyền dàn song song, mỗi đoàn hai mươi chiếc. Trên thuyền gươm đao sáng choang. Họ thấy Trần Tự-Sơn, thì đánh chiêng trống vang lừng. Thuyền Tự-Sơn đi giữa. Hai bên, bốn mươi chiến thuyền chào mừng. Thuyền đến gần chân núi, hỏa pháo thăng thiên bắn vọt lên trời. Nổ đến đùng một cái. Lập tức đoàn đệ tử phái Sài-sơn hơn hai trăm người, xử dụng đủ mọi loại nhạc khí, đánh lên bản Động-đình ca. Trần Tự-Sơn đứng trước mũi thuyền, cạnh chàng có Hoàng Thiều-Hoa, Đào Kỳ, Phương-Dung. Trên nóc thuyền, Khất đại phu, Tiên-yên nữ hiệp, Chu Bá, Trần Năng.
Thuyền từ từ tiến vào bờ, giữa tiếng nhạc hùng tráng.
Từ bãi hồ lên lễ đài, Trưng Nhị đã cho sửa chữa, lấy đá làm thành những bậc. Tất cả chín mươi chín bậc tượng trưng cho chín mươi chín lạc hầu con Lạc Long-Quân. Lễ đài chính là bậc thứ một trăm tượng trưng Hùng vương. Mỗi bậc có một lá cờ, biểu hiệu của các Lạc ấp đời vua Hùng.
Trần Tự-Sơn lấy trong bọc ra chiếc hộp ngà. Chàng trịnh trọng để lên chiếc mâm vàng, trao cho Tử-Vân. Tử-Vân bưng mâm vàng đi trước. Trần Tự-Sơn cùng đám anh hùng đi sau, hướng lên lễ đài.
Lễ đài làm bằng gỗ vuông vức, rộng ước khoảng mười trượng. Cao hơn hai trượng. Trên lễ đài, cắm đủ thứ cờ của các môn phái, các trang, các ấp, các động. Giữa lễ đài, bày sáu cái đỉnh đồng thành hàng chữ nhất, tượng trưng cho sáu vùng Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam. Phía sau sáu đỉnh đồng, một bài vị bằng gỗ dài rộng hơn ba trượng, trên đề chữ thiếp vàng Liệt tổ Lĩnh-Nam chi linh vị.
Một cột cờ, xây bằng đá, cao ước năm mươi trượng (trăm mét ngày nay), có bậc thang lên phía trong. Trên đỉnh, kéo lá cờ Lĩnh Nam cực lớn. Gió hồ thổi, cờ bay phất phới. Sau cột cờ, là mười khán đài lớn. Mỗi khán đài đặt mười tám hàng ghế. Người ngồi nghẹt.
Tiếng loa hô lớn:
- Anh hùng Lĩnh Nam đứng dậy, bái kiến sắc chỉ của Quốc tổ.
Thời Hồng-Bàng, đất Lĩnh Nam được gọi là nước Văn-Lang. Các vua Hùng theo lệ cha truyền con nối. Đến năm 258 trước Tây lịch, nước Văn-Lang trải qua 2622 năm. Vua Hùng, rượu chè, bỏ bê chính sự. Anh hùng Tây-vu họp nhau bầu Thục-Phán làm thống lĩnh, đem quân đánh. Vua Hùng bị bại nhảy xuống giếng tự tử. Thục-Phán lên làm vua, tức là An-Dương vương, xưng quốc hiệu Âu-Lạc năm 257 trước Tây-lịch. Đó là ngày 6 tháng giêng. Vì vậy tục ngữ Việt-Nam có câu:
Chết, bỏ con bỏ cháu,
Sống không bỏ mồng 6 tháng giêng.
An-Dương vương làm vua được năm mươi năm. Đến năm Quí-tỵ, nhằm 208 trước Tây-lịch, bị Triệu-Đà dùng con trai là Trọng-Thủy sang ở rể Âu-Lạc, phá nỏ thần, mà bị bại. Khi biết mình bị lừa, ngài viết chiếu chỉ nhường ngôi cho người con trưởng của sư đệ Phương-chính hầu Trần Tự-Minh tên Trần Tự-Anh, dặn phải phục quốc, rồi giết Mị-Châu, nhảy xuống biển tự tử.
Trần Tự-Anh suất lĩnh đệ tử khởi binh, bị đánh bại. Con cháu các đời nhận di chiếu, mưu phục quốc. Đến cha của Trần Tự-Sơn là Trần Kim-Bằng. Ông đổi sang họ Nghiêm, đến học võ phái Quế-lâm, lên Trường-sa làm tướng cho Trường-sa Định-vương. Sau khi xảy ra vụ Hàn Tú-Anh, ông từ quan, về Quế-lâm dạy học trò, mưu phục quốc. Mọi người lầm tưởng ông là người Hán. Chính vì vậy mà Quang-Vũ trọng dụng Nghiêm-Sơn, phong chàng làm Lĩnh-nam vương. Tuy có đất Lĩnh-nam trong tay, mà Tự-Sơn không dám lật ngược lại. Bởi bấy giờ đất Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, phần nửa là người Hán. Đất Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam, trên từ Thái thú xuống tới các võ tướng cao cấp đều là người Hán. Vì vậy một mặt chàng ngấm ngầm liên kết với võ lâm anh hùng, khích phong trào Phản Hán phục Việt. Một mặt chàng giao quyền dần vào tay người Việt.
Trước khi mang quân đánh Thục, chàng nhờ Đào Kỳ mời các cao nhân tới con thuyền trên sông Cối-giang, thố lộ thân thế. Hôm ấy các anh hùng đều lạy chàng tám lạy, coi như lạy hoàng đế Lĩnh-Nam.
Hôm nay trong buổi lễ này, chàng sẽ đọc sắc chỉ đó.
Sáu cao nhân sáu vùng đứng trước lễ đài cung kính đón Trần Tự-Sơn. Họ hô lớn lên:
- Đào Thế-Kiệt, đại diện vùng Cửu-chân, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
- Trần Nhất-Gia, đại diện vùng Nam-hải, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
- Lương Hồng-Châu, đại diện vùng Quế-lâm, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
- Hàn Bạch, đại diện vùng Tượng-quận, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
- Lại Thế-Cường, đại diện vùng Nhật-nam, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
- Đặng Thi-Sách, đại diện vùng Giao-chỉ, nghinh tiếp thánh chỉ của Quốc-tổ.
Trần Tự-Sơn bưng hộp đựng chiếu chỉ để phía dưới bài vị.
Trưng Nhị nhân danh người tổ chức đại hội. Nàng đứng lên góc lễ đài vận khí vào đơn điền, lớn tiếng nói:
- Thưa các vị anh hùng Lĩnh Nam. Tôi được thái sư thúc Trần Đại-Sinh, sư bá Trần Thị Phương-Châu cùng các vị sư huynh, sư tỷ, ủy nhiệm cho tổ chức đại hội hồ Động-đình tuyên cáo ngày khởi nghĩa của trăm họ Lĩnh Nam.
Thưa các vị. Tại sao lại hội ở hồ Động-đình? Thưa, chỗ chúng ta đứng này, xưa kia, Quốc-tổ Kinh-Dương vương, Lạc-Long quân cùng quốc mẫu kết hôn, rồi lên núi Tam-sơn, thưởng ngoạn thắng cảnh. Vì vậy hồ Động-đình coi như nơi phát tích hai vị Quốc-mẫu của chúng ta.
Sau đó nàng tường thuật tỷ mỷ việc An-Dương vương viết chiếu nhường ngôi cho Trần Tự-Anh, truyền phải phục quốc. Nàng còn kể hết những cơ cực của Trần Tự-Sơn khi được phong Lĩnh-nam công. Một tên lính không có. Thân cô, thế cô. Trong khi đó người Việt nghi ngờ, nhục mạ chàng Chó Ngô, Hán bốn chân. Nhờ có chiếu chỉ An-Dương vương, chàng can đảm chịu đựng kiên trì, đi đến thành công ngày nay. Hôm nay ngày 15 tháng 3 anh hùng các nơi tề tụ, làm lễ tuyên cáo khởi nghĩa Lĩnh-nam, coi như ngày phục hồi Lĩnh-nam.
Nàng dứt lời, ba hồi chiêng trống. Đoàn đệ tử Sài-sơn cử bài Động-đình ca. Bản này tương truyền do Trương Chi soạn. Nguyễn Tam-Trinh sửa chữa lại, chép thành nhạc phổ.
Nhạc dứt, Trưng-Nhị hô lớn:
- Con dân Lĩnh Nam quì xuống nghe sắc chỉ của Quốc-tổ.
Tất cả anh hùng đều quì xuống. Tự-Sơn lên đài, mở hộp thiếp vàng, cầm ra một tấm lụa. Chàng dõng dạc đọc:
Niên hiệu Âu-Lạc năm thứ năm mươi.
Âu-Lạc hoàng đế ban chiếu cho sư điệt, con dân Lĩnh-Nam.
Đất Lĩnh-Nam khởi từ Kinh-Dương vương lập quốc, đến nay trải 2677 năm. Nam, bắc cương thổ đã định. Phong tục, tiếng nói, chữ viết, văn hiến có khác. Ngũ-lĩnh về Bắc thuộc Trung-nguyên. Lĩnh Nam trở xuống thuộc Âu-lạc. Sau Tần Thủy-Hoàng manh tâm sai Đồ Thư đánh xuống nam. Ta cùng sư đệ Vũ Bảo-Trung, Cao Nỗ giết Đồ Thư, đánh tan năm trăm ngàn quân Tần. Lĩnh Nam đất rộng, người thưa, ta để mất Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hải. Đêm đêm nằm nghĩ lại đau xót trong lòng. Chí muốn phục hồi, tướng sĩ một lòng. Ngặt vì dân ít, đành cắn răng mà chịu.
Ta vì già yếu, tinh thần lú lẫn. Không nghe lời can của sư đệ Vũ Bảo-Trung, Cao Nỗ, để xảy ra vụ Mỵ-Châu, Trọng-Thủy. Nghĩ lại xấu hổ với con em Tây-vu, tủi hổ với con dân Âu-lạc. Nay ta nguyện lấy cái chết để đền tội.
Ta truyền ngôi cho con trưởng sư đệ Trần Tự-Minh là Trần Tự-Anh. Tự-Anh thay ta suất lĩnh con em. Đánh đuổi Triệu Đà, phục hưng Lĩnh Nam.
Phàm phục hưng đất nước, không phải một người, mà phải nhiều người.
Con dân Âu-lạc phải sao cho triệu người cùng nghĩ, triệu người cùng làm, triệu người như một, thì giặc có mạnh đến đâu, rồi cũng phải tan. Mưu đại sự phải bền gan. Hôm nay không xong, thì ngày mai. Ngày mai không xong thì tháng sau. Tháng sau không xong thì năm sau. Một năm không xong thì mười năm. Mười năm không xong thì trăm năm. Đời này không thành thì đời sau. Miễn là đừng nản chí, thì trước sau Lĩnh-Nam cũng trở về với người Việt.
Khi đất nước phục hồi rồi, thì họp anh hùng lại, cử lấy người làm vua như xưa kia đệ tử Tây-vu đã cử ta. Song vết xe trước đã đổ: Cử ta lên, mà không định rõ hạn kỳ, thành ra về già, ta lầm lẫn, làm mất nước. Vậy sau khi đuổi được giặc dữ, Lĩnh Nam phục hồi, bầu lấy Lĩnh Nam hoàng đế, hạn sáu năm, cử lại một lần. Như vậy, người ngồi trên ngai mới thấy trọng trách chăn dân là trọng yếu. Chứ không phải tự xưng Ta là con trời, ngồi trên đầu trăm họ, không làm lợi ích cho đất nước.
Xin thần dân Âu-lạc, tha tội cho trẫm. Trẫm lấy cái chết, để đền tội với liệt tổ Lĩnh Nam.
Khâm thử.
Trưng Nhị dõng dạc nói:
- Con dân Lĩnh Nam đứng dậy. Mời các vị anh hùng an tọa. Theo chiếu chỉ của Quốc-tổ Âu-Lạc, thì người kế vị ngài là Trần Tự-Anh. Nếu kể từ An-dương vương đến Trần Tự-Sơn gồm mười đời. Toàn thể con dân Lĩnh Nam quì xuống bái kiến hoàng đế Lĩnh Nam họ Trần.
Anh hùng các lộ đều quì xuống tung hô:
- Hoàng đế Lĩnh Nam muôn năm.
Trưng Nhị hô:
- Kính mời quí khách tới lễ Quốc-tổ Hùng-vương, An-Dương vương. Đầu tiên mời Tiểu Khổng-tử tức Lục Mạnh-Tân tiên sinh.
Đào Kỳ là học trò yêu của Lục Mạnh-Tân. Chàng đến khán đài của ông, hướng dẫn ông lên đài. Ông mặc quần áo nho sĩ Trung-nguyên. Gió hồ thổi y phục bay phơi phới. Người người đều tấm tắc:
- Giống Khổng-tử, Mạnh-tử thực.
Lục Mạnh-Tân cùng vợ là Lê Phương-Lan quì gối trước bài vị Quốc-tổ lễ tám lễ. Ông đứng dậy nói:
- Tôi là môn đồ Khổng, Mạnh. Đức thánh Khổng chỉ dạy nhân nghĩa, không dạy người ta chém giết nhau. Tôi từ Trung-nguyên, đến Lĩnh Nam truyền đạo thánh. Anh hùng Lĩnh Nam không coi tôi là cừu thù, đãi tôi như khách. Hôm nay Lĩnh Nam phục hồi. Tôi kính cẩn chúc mừng toàn thể anh hùng, trăm họ Lĩnh Nam an cư lạc nghiệp.
Tiếng vỗ tay hoan hô rung động cả núi Tam-sơn.
Lục Mạnh-Tân với vợ xuống đài. Trưng Nhị hô tiếp:
- Kính mời Ngũ-phương Thần-kiếm lên đài lễ Quốc-tổ Lĩnh Nam
Ngũ-phương Thần-kiếm danh vang Trung-nguyên, Lĩnh Nam. Trước đây họ giúp Cảnh-Thủy hoàng đế khởi binh ở Quan-Trung, đánh chiếm Trường-an, Thiên-thủy, Lâm-đồng. Sau khi thành công, họ từ khước quan tước. Cảnh-Thủy hoàng đế cảm động, tặng họ một thanh Thượng-phương bảo kiếm được quyền Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. Quang-Vũ cướp sự nghiệp của Cảnh-Thủy hoàng đế. Y sợ Ngũ-phương Thần-kiếm hỏi tội. Nhân vụ quan lại Lĩnh Nam gửi mật tấu về rằng Nghiêm Sơn làm phản. Quang-Vũ làm như tin tưởng Ngũ-kiếm, phái họ xuống Lĩnh Nam điều tra. Nếu họ giết Nghiêm Sơn hay Nghiêm Sơn giết họ đều có lợi cho y. Không ngờ họ là người hiệp nghĩa. Đến Lĩnh Nam thấy dân chúng khốn khổ với bọn tham quan. Họ cho rằng nếu trả Lĩnh Nam cho người Việt thì dân chúng sung sướng hơn. Họ quay ra giúp anh hùng Lĩnh Nam. Nhân vụ án Hàn Tú-Anh, họ về Trường-an hạch tội Quang-Vũ. Trận Trường-an giữa liên quân Thục-Lĩnh-Nam với Quang-Vũ. Họ chỉ thân với Lĩnh Nam, chứ trước mắt họ, Thục là một thứ giặc cướp biên cương. Họ giúp Quang-Vũ đánh Thục. Trong suốt mười năm qua, họ kinh lược một giải đất Lĩnh Nam, dùng võ đạo, giết không biết bao nhiêu bọn cường hào, ác bá, bọn tham quan, cứu giúp người vô tội. Khắp Lĩnh Nam, tiếng tăm vang dội.