Chỉ trong nháy mắt, Thiên Hồ với Tỷ Ni tìm kiếm tới cạnh giếng. Thiên Hồ giận dữ khôn tả, vừa tìm kiếm vừa mắng chửi, chân của mụ đi tới đâu là đá bay lung tung tới đó. Thanh Lam ôm chặt lấy Lan nhi, ngồi sát vào vách đá, không dám thở mạnh, trong lòng hồi hộp. Có tiếng của Tam Nhỡn Tỷ Ni nói vọng xuống rằng: - Tiểu tử ẵm đồ đệ của bần ni đi như thế, chắc y không thể nào đi xa được đâu. Chúng ta nên chia nhau mỗi người đi một ngả, như vậy chắc thể nào cũng tìm thấy y. Hình như lão ni muốn thương lượng với Thiên Hồ vậy, nhưng ngờ đâu Thiên Hồ lại dùng giọng mũi kêu “hừ” một tiếng, rồi trả lời rằng: - Chia đường mà đuổi ư? Mụ muốn một mình dụ dỗ con ta đi hay sao? Nói thực cho mụ biết, con nhỏ mà tiểu tử họ Giang đó ẵm là con gái của ta, mụ khỏi quan tâm tới làm chi! Tam Nhỡn Tỷ Ni tức giận khôn tả, quát tháo: - Sao bà lại biết nó là con gái của bà? Bần ni có phải là người đi cướp con gái của người ta như bà tưởng tượng đâu? - Thế ngươi làm sao lại biết nó là đồ đệ của ngươi? Chẳng lẽ Thiên Hồ này cướp đồ đệ của người ta về nhận làm con gái hay sao? Hừ! Ngày hôm nay, nếu không tìm thấy tiểu tử ấy, ta nhất định không chịu để yên cho ngươi đâu! - Tìm không thấy đồ đệ của bần ni, bần ni cũng không chịu để yên cho Thiên Hồ ngươi đâu! Hai người đều không chịu lép vế nhau, tiếng cãi nhau càng ngày càng lớn, nhưng rồi càng ngày càng xa dần. Thanh Lam vội lui về phía sau một bước, tới khi hai người ở phía trên đi tới gần miệng giếng, chàng vội im hơi nín tiếng. Nhưng không bao lâu, tiếng cãi vã của hai người lại càng ngày càng xa. Thanh Lam vẫn cầm ba viên thuốc Hộ Tâm đan của ông già ném cho ở trong tay, thấy hai người ở bên trên đã đi xa rồi chàng định cho Lan nhi uống nhưng phải tìm chỗ nào khô ráo một chút mới ngồi và cho nàng uống được. Chàng liền dùng chân gạt những viên đá lởm chởm ở dưới đất và dọn được một chỗ trống, không còn đá và sỏi nữa, chàng mới ngồi xổm xuống đặt Lan nhi ở trên đùi mình, giở gói thuốc lấy ba viên thuốc ra. Nhưng thấy Lan nhi cứ nhắm mắt, hơi thở rất yếu, không biết làm cách nào để cho nàng uống thuốc được. Chàng phân vân hết sức, hơn nữa ở trong giếng khô này thì lấy đâu ra nước cho nàng chiêu thuốc? Vì vậy chàng càng khó nghĩ thêm. Sau Thanh Lam nghĩ ra được một kế, đành bỏ thuốc vào mồm nhai, rồi mớm vào mồm Lan nhi. Đồng thời, chàng dùng chân khí của mình dồn thuốc xuống bụng nàng. Tuy trong giếng không có người thứ ba, nhưng chàng cũng cảm thấy xấu hổ và trống ngực đập rất mạnh. Thời gian trôi qua rất nhanh, hết phút này sang phút khác. Lan nhi uống Hộ Tâm đan rồi mà vẫn chưa thấy tỉnh táo. Chàng không biết có nên giải huyệt hay không? Chàng lại nghi ngờ ba viên thuốc của ông già không linh nghiệm. Nhưng chàng nghĩ lại ông già giả dạng mình để dụ Vương Ốc Tản Nhân đi nơi khác, đủ thấy ông ta là người dị dung phong trần. Nghĩ tới đó chàng lại lo âu cho ông già, chỉ sợ một mình ông ta không sao địch nổi Vương Ốc Tản Nhân. Chàng lại nghĩ đến Lan nhi đang nằm ở trong lòng mình không biết có phải là Lan nhi thực sự không? Chàng cũng biết Liễu Kỳ với Lan nhi hai người giống hệt nhau, chưa biết chừng người ở trong lòng mình đây là Liễu Kỳ cũng nên, vì thế Tam Nhỡn Tỷ Ni mới đi tìm kiếm nàng. Chàng đang suy nghĩ thì bỗng nghe thấy có tiếng lá khô rớt xuống. Chàng giật mình, đang tìm kiếm lá khô ở đâu rớt xuống, thì đã có tiếng nói của ông già ăn quỵt vọng tới: - Hừ! Tiểu tử ngươi núp ở đâu thế? Thanh Lam nghe thấy có tiếng nói của ông già thì mừng rỡ khôn tả, vội đáp: - Lão tiền bối đã tới đấy à? Tiểu bối ở đây đấy! Ông già cười khì nói tiếp: - Tiểu tử đừng có ẵm cô bé ngồi ngẩn người ra như thế nữa! Nơi đây không được an toàn đâu! Lão Hồ Ly với Ni cô vẫn còn tìm kiếm ở quanh đây chưa biết chừng chúng sẽ tìm kiếm tới cái giếng khô này cũng nên. Thanh Lam lo âu vô cùng, vội hỏi: - Biết làm sao bây giờ đây? - Già đã gọi ngươi tới đây, khi nào già lại để cho ngươi bị bắt ở chốn này? Thôi được theo già đi! Tiếng nói của ông già vừa dứt, thì thấy ở sau vách đá phía bên trái đã có một bóng người thấp thoáng rồi biến mất. Lúc này Thanh Lam mới biết trong giếng khô này, sau vách đá lại còn có lối đi. Chàng liền ẵm Lan nhi đứng dậy, lẻn qua cái khe đá ấy, vừa đi lọt hai người. Chàng nghe thấy ông già ở phía đằng trước kêu gọi: - Này tiểu tử, đi nhanh lên chứ! Đi chậm như thế thì đến bao giờ mới lên tới? Chàng nghe thấy tiếng nói của ông già chỉ ở chỗ cách mình chừng mười trượng thôi, chàng kinh ngạc vô cùng, không ngờ cái giếng này lại có đường đi sâu như thế, càng đi càng thấy đường chúc xuống. Không dám chậm trễ, chàng vội giở hết khinh công ra đuổi theo luôn. Ông già rất hay nói chuyện, vừa đi ông ta vừa nói tiếp: - Người lấy làm lạ lắm phải không? Cái giếng khô này sao lại dài đến thế? Nói thực cho ngươi biết, còn xa lắm, và nơi đó là một con đường suối xưa kia, vì nước suối đã khô và được người sửa sang lại, nên cứ theo con đường đó mà tiến sẽ tới thẳng núi Thái Hành. Mãi gần đây già này mới khám phá ra con đường này, ngươi cứ việc đi theo già là không sợ lạc lối đâu, vì lão còn có một bản địa đồ nữa. Ông ta nói xong, bật đá lửa lên, trong lối đi ấy quả nhiên chàng đã trông thấy ông già đang cầm một bản địa đồ. Ông ta đi ở phía trước nhanh khôn tả, chàng giở hết tốc lực ra mà vẫn không sao đuổi kịp. Lúc nào cũng cách ông ta chừng mười trượng. Mỗi khi đi tới khúc quanh thì ông già cũng ngừng chân lại và bật lửa lên để đợi chờ. Thấy hành vi của ông già rất kỳ lạ, nhưng chàng vẫn không để ý tới điểm đó mà chỉ nghi ngờ đến lai lịch của ông ta thôi, và chàng cũng không biết ông ta định dẫn mình đi đâu? Nửa tiếng đồng hồ sau, chàng đã đi ước chừng ba mươi dặm rồi mà phía trước vẫn còn tối om, và ông già vẫn tiếp tục đi như thường. Chàng nóng lòng sốt ruột, liền lên tiếng hỏi: - Lão tiền bối, chúng ta đi đâu bây giờ đây? Ông già vừa đi vừa đáp: - Sắp tới rồi! Sắp tới rồi! Già này còn cố kiếm một chỗ để cho hai người được ở yên thân vài ngày chứ? Ông ta vừa nói vừa có vẻ đùa giỡn, khiến Thanh Lam mặt đỏ bừng. Chàng hổ thẹn, không tiện trả lời. Lúc ấy, thấy lối đi càng cao dốc, chàng ẵm lấy Lan nhi phải xốc lên vai mới đi được. Sau khi tới một chỗ dốc vừa chật hẹp, chàng cảm thấy khó đi khôn tả. Nên chàng vội gắng hết hơi sức mới miễn cưỡng qua nổi chốn ấy, nhưng mồ hôi đã toát ra như mưa rồi. Cũng may không lâu đã tới một cái hang động, nhưng khi đi qua cửa hàng lại là chỗ cửa ra, bên trên có một con đường ghép đi xuôi xuống, ánh sáng mặt trời tự đáy khe đó mà chiếu xuống, vách bên trái có một con đường nhưng không thể nói là đường được, vì đoạn đoạn tục tục, chỉ có thể đi được một người thôi. Chàng thấy ông già đi ở phía trước cứ nhảy nhảy nhót nhót mới qua được con đường vừa dốc vừa lởm chởm này. Chàng vì vác Lan nhi ở trên vai đi theo, muốn bắt chước lối đi của ông già không phải là chuyện dễ, chỉ trượt chân một cái có thể đánh rớt Lan nhi cũng chưa chừng, nên vừa đi, chàng vừa hết sức chú ý và đề phòng. Chàng theo được mấy chục trượng, mồ hôi đã ướt đẫm. Nhưng may thay, ông già đã ngừng chân ở chỗ cách chàng chừng ba trượng, lưng dựa vào vách đá, giở bản đồ ra coi. Nơi đây chỉ có một con đường đi thôi, chứ không có đường ngách hay đường quanh gì cả. Chàng không hiểu tại sao ông ta lại cứ chăm chú xem tờ địa đồ như thế? Xem địa đồ một hồi, ông già bỗng ngửng đầu nhìn vách đá ở trước mặt, mừng rỡ nói: - Ừ, đến rồi, đến rồi, ở ngay đây đấy! Ông ta vừa nói vừa vẫy tay gọi Thanh Lam và nói tiếp: - Tiểu tử mau lại đây! Lần này đã đến thực đấy. Thanh Lam nghe lời vội chạy tới gần chỗ đó, ông già không đợi chàng lên tiếng, đã chỉ tay vào vách đá, cười khì và nói tiếp: - Coi kìa! Lão đã tìm được một chỗ để cho cậu chữa bệnh rất tốt. Cậu xem này, nơi đây vừa thanh tịnh, vừa cao ráo, không còn sợ Thiên Hồ với Ni Cô đến quẫy nhiễu nữa! Thanh Lam ngửng đầu lên nhìn, thấy trên vách đá có treo một sợi dây sắt dài hơn hai mươi trượng dưới đầu dây sắt có cột một cái vòng sắt, nhưng chỗ đầu giây ấy cách mặt đất chừng mười lăm, mười sáu trượng. Giữa ông già với vách núi lại còn cách một cái khe núi. Chàng không biết sợi dây sắt dùng để làm chi? Chàng nghe giọng nói của ông già thì hình như phải leo cái dây sắt này mới lên được bên trên. Quả nhiên chàng đang nghĩ ngợi thì ông già đã quay đầu lại nói: - Tiểu tử cứ theo lão mà lên như thế này. Nói xong ông ta tung mình nhảy lên cao bảy tám trượng. Thanh Lam thấy vậy kinh ngạc hết sức, bụng bảo dạ rằng: - “Khinh công của ông già này tuy khá cao siêu, nhưng ông ta chỉ nhảy lên được một nửa như thế, còn những bảy tám trượng nữa mới tới nơi thì làm sao ông ta nắm được cái vòng sắt kia? Vả lại trên vách mọc đầy rêu như thế, và cũng không có chỗ ngừng chân, như vậy nhỡ lỡ chân một cái óc phải nguy hại không?” Chàng đang lo âu và thất kinh kêu “ủa” một tiếng thì người của ông già đã lượn quanh nửa vòng rồi phi lên trên cao, tốc độ nhanh kỳ lạ, chỉ nghe thấy kêu “coong” một tiếng ông ta đã nắm được cái vòng sắt, người đeo lơ lửng ở trên không rồi. Chàng ngẩn người ra nhìn và sực nhớ ra pho khinh công ấy của ông già là “Vân Long Tam Hiện” mà thầy đồ Thư đã nói qua cho chàng nghe. Có lẽ đây là thế phi lên lần thứ nhất tên là Tiềm Long Thăng Thiên? Chàng đang suy nhgĩ thì ông già đã ở bên trên gọi: - Tiểu tử, mau lên đi, còn đứng ngẩn người ra suy nghĩ làm chi? Nếu là lúc thường thì chàng cũng có thể miễn cưỡng nhảy lên được, nhưng bây giờ vì ẵm Lan nhi, nên chàng không dám thử thách. Ông già ăn quỵt ở bên trên lại kêu gọi tiếp: - Tiểu tử đừng có sợ! Với khinh công của ngươi vừa đuổi theo lão cũng vừa đủ để nhảy lên rồi, không sao đâu! Thanh Lam đành phải đánh liều dù không lên tới lại nhảy xuống dưới đất cũng không nguy hiểm gì cả, nên chàng liền vận chân khí nhún chân tung mình nhảy lên. Chàng có biết đâu được Không Không sư bá đả thông Sinh Tử Huyền Quan rồi, công lực của chàng không kém gì những người đã tu luyện hàng mấy chục năm, nên chàng vừa nhảy một cái đã lên cao hơn mười trượng. Lúc ấy ông già có một sợi dây với một cái chùy vàng đeo lơ lửng ở dưới vòng sắt, người chàng đã vượt qua chùy rồi chàng liền giơ tay nắm lấy sợi dây gấm. Chàng ngạc nhiên hết sức, không ngờ mình lại nhảy được cao như vậy? Chàng đang ngạc nhiên thì ông già lại nói vọng xuống rằng: - Tiểu tử cứ nắm chặt lấy sợi giây ấy, đừng có cử động gì cả! Ông già dặn chàng xong, dùng chân móc chặt vào cái vòng sắt và cột đầu sợi giây kia vào ngang lưng mình rồi cứ thế mà theo sợi giây sắt leo lên phía trên. Thanh Lam cảm thấy người mình như bay lơ lửng ở trên không, còn ông già nhanh nhẹn như một con vượn, chỉ trong chốc lát đã lên hết sợi giây sắt kia rồi. Thanh Lam ngửng đầu lên nhìn, không thấy ông ta đâu nữa. Chàng đoán chắc trên đó thế nào cũng có một cái hang động. Quả nhiên chàng lại thấy ông ta nhô đầu ra, rồi hai tay cứ kéo sợi dây gấm lên. Chỉ trong chốc lát, chàng đã được ông già lôi tới phía trên. Lúc ấy chàng mới biết nơi ấy có một khe núi rất chật hẹp. Ông già đi trước dẫn đường, chàng ẵm Lan nhi theo sau. Khe núi ấy không sâu, chỉ đi chừng trăm bước là đã đi hết cái khe ấy liền.
Hồi 26
Mười hai vị Tỷ La đại sư
Đi qua khỏi cái khe núi đó, chàng mới hay phía đằng trước là một cái bình đài rộng chừng ba mẫu, bốn chung quanh có vách núi bao vây. Những vách núi cao chọc trời, nên bình đài đó giống hệt cái giếng lớn. Vách núi ở phía trước, bên trên có viết ngang sáu chữ như sau: “Nam Mô A Di Đà Phật” Chữ nào cũng to hàng trượng, giữa hai chữ A và Di, chỗ phía bên dưới có một cánh cửa to lớn độ bốn thước. Ông ta cung kính quì ở trước cửa đá, mồm lẩm bẩm khấn một hồi rồi mới đứng dậy, tiến lên một bước, hai tay từ từ mở cánh cửa đá ấy, chỉ nghe thấy kêu kèn kẹt, hai cánh cửa đá đã bị ông ta đẩy rộng ra, bên trong liền có một luồng hơi lạnh đưa ra, đến nỗi ông già cũng không chịu nổi, phải rùng mình một cái. Nhưng ông ta vẫn đi trước, tiến vào bên trong. Bên trong toàn là những thạch kim nhũ treo lơ lửng nhưng có ánh sáng lòe loẹt chiếu sáng khắp căn phòng ấy. Thanh Lam theo ông già từ từ bước vào, thấy vậy cũng phải kinh ngạc vô cùng. Thì ra thạch thất ấy rất lớn rộng và có lẽ là một gian Phật đường. Phía trong thạc thất có bày bàn thờ đá xanh, trên vách có vẽ một lão hòa thượng mặc áo đen chắp tay và chân dẫm trên một cành lau, mặt lão hòa thượng rất hiền từ và trông rất sống động. Chàng đã nhận ra đó là hình đồ của Đạt Ma thiền sư Nhất Vỹ Quá Giang. Hai bên bàn thờ có bày la liệt mười ba cái bồ đoàn đục bằng đá xanh. Chỉ có một cái bồ đoàn là bỏ trống thôi, còn mười hai cái kia, bên trên đều có mười hai vị hòa thượng đang ngồi nhắm mắt nhập định, diện mạo của mười hai vị hòa thượng ấy trông rất kỳ lạ. Mười hai vị đều mặc áo cà sa màu tía, có ánh sáng lóng lánh không phải bằng tơ cũng không phải bằng lụa, làm bằng một thứ vải lụa rất đặc biệt. Trên vách đá ở phía sau lưng người nào người nấy đều có khắc hình La Hán khác nhau, có vị đứng có vị ngồi trông rất linh động. Thanh Lam thấy vậy thắc mắc vô cùng bụng bảo dạ rằng: - “Mười hai vị hòa thượng này có lẽ là những hòa thượng tu hành ở trong ngôi chùa đó cũng nên. Nhưng sao họ lại bỏ chùa không ở mà chui xuống dưới giếng khô đào đường hầm đi tới đây ngồi ở trước vách đá này tu luyện chăng? Ông già ăn quỵt theo bản địa đồ bí mật dẫn mình tới đây để làm chi, chẳng lẽ ông ta muốn nhờ bọn hòa thượng cứu chữa cho Lan nhi chăng?” Chàng đang suy nghĩ thì bỗng nghe ông già ăn quỵt lên tiếng nói: - Tiểu tử lại đây đặt con nhỏ nằm xuống đã, rồi lão sẽ bảo cách cho ngươi chữa cho nó. Nói xong, ông ta đi thẳng vào trong thạch thất ở phía bên phải. Thì ra nơi đó lại có một cửa hang bên trong là một gian thạch thất rộng trừng hai trượng. Trong thạch thất chỉ có một cái sập đá thôi, chứ không có bàn ghế chi cả. Ông già ăn quỵt chỉ cái sập đá mà nói: - Ngươi giải huyệt cho nó rồi đặt nó nằm lên trên sập, lão còn có lời muốn nói với ngươi. Thanh Lam vâng lời đặt Lan nhi nằm lên trên sập và giải huyệt cho nàng ta, chàng thấy trong thạch thất này âm hàn, sợ Lan nhi bị thương chịu không nổi giá lạnh, vội cởi áo dài của mình ra đắp cho nàng. Ông già thấy vậy cười khì một tiếng rụt đầu rụt cổ nói: - Tiểu tử cũng khéo săn sóc trông nom đấy. Nói xong, ông ta lấy một cái bọc giấy khá lớn vứt lên trên sập và dặn tiếp: - Đây là bọc lương khô đủ cho hai người ăn ba ngày, đi chúng ta ra bên ngoài đi. Thanh Lam mặt đỏ bừng vội cãi lại: - Thưa lão tiền bối vết thương của cô ta... - Không sao, con nhỏ đã uống Hộ Tâm đan của già này rồi trong ba ngày dù nó bị thương nặng đến đâu cũng không việc gì cả, già bận lắm, làm xong công việc ở đây là phải đi ngay. Lão tiền bối sẽ rời khỏi nơi đây ngay ư? - Phải! Có người nhờ vả lão một việc rất khẩn cấp, nên lão phải đi giúp người đó ngay, nhưng tiểu tử đừng có lo âu, lát nữa già sẽ dặn bảo đâu vào đấy hẳn hoi. Thanh Lam không biết ông ta sẽ có lời dặn bảo thì chàng cứ việc đi theo ra thôi. Hai người ra tới thạch thất lớn ở bên ngoài ông già lớn tiếng nói tiếp: - Tiểu tử chúng ta hãy vái Đạt Ma thiền sư với kim thân của mười hai vị đại sư này. Nói xong ông ta cung kính vái lạy, rồi đi tới trước mười hai vị vái từng người một mồm lẩm bẩm khấn hỏi. Thanh Lam không nghe thấy rõ ông ta khấn những gì, chờ ông ta lễ xong cũng bắt chước vái lại một lượt thôi. Ông già đi tới gần cái bàn đá lấy một cái hộp bằng đá thạch ngọc dài chừng một thước để ở dưới lư hương ra, hai tay bưng lấy lá thư đó tủm tỉm cười và hỏi: - Tiểu tử có biết trong này là cái gì không? Thanh Lam lắc đầu, ông già trịnh trọng nói tiếp: - Đây là Dịch Cân kinh do tay Đạt Ma thiền sư viết năm xưa. - Dịch Cân kinh? Thanh Lam nhớ lúc mới học võ thầy đồ Thư có cho hay Dịch Cân kinh là một môn nội gia tâm pháp, khi Đạt Ma tới chùa Thiếu Lâm diện bích chín năm mà sáng tác ra trong thời kỳ diện bích ấy, và cũng là một vật trọng báu của cửa Phật, chàng thắc mắc nhất là tại sao vật quí báu như thế mà ai lại để ở dưới lư hương một cách lơ đễnh như vậy? Ông già thấy chàng ngẩn người ra liền cười khì nói: - Nói thực cho ngươi biết già này thừa lệnh ân sư chuyên vì cuốn sách này mà tới đây, vả lại còn phải đem lên chùa Thiếu Lâm nữa. Thanh Lam kinh ngạc hết sức vội hỏi lại: - Lão tiền bối còn có sư phụ ư? - Tất nhiên sư phụ của lão là bạn thân của mười hai vị đại sư đã thành phật này, hồi đó cách đây hơn trăm năm rồi. - Ủa! Thoạt tiên chàng tưởng mười hai vị hòa thượng đó là đang ngồi nhập định, chứ có ngờ đâu các vị ấy đã thành phật rồi, và câu chuyện xảy ra hồi trăm năm về trước, sư phụ của ông già ăn quỵt này còn sống ở trên đời như vậy có phải là đã trên hai trăm tuổi không? Ông già thấy Thanh Lam kêu ủa như vậy, liền cười khì và hỏi: - Tiểu tử ngươi đã gặp sư phụ của già rồi ư? Thanh Lam lắc đầu đáp: - Không! Tiểu bối có được gặp bao giờ đâu? - Không, già nói sau này thể nào ngươi cũng được gặp sư phụ của già, quí hồ ngươi là người có duyên. - Nếu phen này may mắn tiểu bối cũng muốn được yết kiến cụ ta một phen. - Thôi đừng nói sang chuyện khác nữa, tiểu tử có biết mười hai vị đại sư này là ai không? Thanh Lam lắc đầu ông già lại nói tiếp: - Tất nhiên ngươi biết sao được, mười hai vị đại sư này là môn hạ đích truyền của Đạt Ma thiền sư đấy! Đại đệ tử tên là Đàm Tôn, nhưng pháp thể của Đàm Tôn đại sư không có ở đây. Thanh Lam nghe thấy ông ta nói như thế đưa mắt nhìn vào một cái thảm bồ đoàn bằng đá bỏ trống cạnh mười hai vị đại sư kia. Ông già lại nói tiếp: - Vì đó là Lý Thế Dân thái tôn hòang đế của bổn triều, nhưng chưa tức vị. Đàm Tôn đại sư dẫn mười hai vị sư đệ hộ tá vua Thái Tôn bình định Vương Thế Doãn có công. Trước khi Thái Tôn đăng cơ đã ngự ban cho Đàm Tôn làm đại tướng quân chủ trì chùa Thiếu Lâm. Mười hai vị đại sư cũng được phong theo nhưng mười hai vị này không chịu thụ phong, nhà vua liền ban cho mỗi người một bộ áo cà sa Tỷ La tức cà sa hiện đang mặc ở trên người của mười hai vị đại sư ấy. Thanh Lam nghe tới đó liền đưa mắt nhìn những bộ áo cà sa có ánh sáng lóng lánh tia ra bụng bảo dạ rằng: - “Thế ra những bộ áo này lại có lịch sử như vậy, thảo nào mình mới vào trong cửa đã thấy những bộ áo cà sa của mười hai vị đại sư này đặc biệt và lạnh lùng lắm.” Ông ta lại nói tiếp: - Sau đó Võ Thị Tắc Thiên chuyên quyền giết chóc bừa bãi nhưng lại sợ võ công của chùa Thiếu Lâm, nên Võ thị mới ban chay cho các vị đại sư ở chùa Thiếu Lâm, nhưng lại ngấm ngầm bỏ thuốc độc vào trong đồ chay, để giết hại Đàm Tôn đại sư. - Ủa! - Vì vậy mười hai vị đại sư này mới phải đem theo Dịch Cân kinh do tay Đạt Ma thiền sư viết đào tẩu với ngôi chùa này. Võ thị liền phái bọn tay sai đi khắp nơi tìm kiếm. Mười hai vị đại sư xuống dưới giếng khô lẩn trốn, ngờ đâu lại tìm ra con đường bí mật này và lại còn tìm thấy một cái hang đá thiên nhiên nữa. - Ủa! - Sau khi Võ thị bị dẹp, mười hai vị đại sư này cứ ở đây bế quan khổ luyện chứ không chịu ra ngoài nữa. Trải qua mấy chục năm tiềm tâm tinh nghiền, cuốn Dịch Cân kinh này mỗi người đã nghĩ ra được một thế chưởng pháp gọi là Tỷ La thập nhị thức và khắc ngay ở trên vách đá chỗ sau lưng của mười hai vị. - Ủa! Nghe tới đó Thanh Lam đưa mắt nhìn kỹ lại những hình khắc ở trên vách đá chỗ sau lưng của mười hai vị đại sư kia, quả thực hình nào cũng khắc một vị La Hán, chàng liền lên tiếng hỏi: - Lão tiền bối sao lại biết tường tận đến như thế? Ông già vừa cười vừa đáp: - Tất nhiên những cái đó là do ân sư của già nói cho già hay, cách đây mấy chục năm ân sư của già ngẫu nhiên đi qua trên đỉnh núi này liền gặp mười hai vị đại sư, có một vị đại sư sắp sửa viên tịch đến nơi và có nhờ ân sư của già sau này sai môn hạ đệ tử đến đây lấy cuốn Dịch Cân kinh này đem trả về chùa Thiếu Lâm, và xin tặng Tỷ La thập nhị thức để trả công đưa cuốn kinh này đi hộ. Lúc ấy ân sư của già có nhận lời các vị đại sư mười năm sau thể nào cũng hòa n thành nguyện vọng của các vị. Nói thực cho tiểu tử biết lúc ấy già mới được nhập môn. - Thế ra mười năm trước đây lão tiền bối mới bái sư ư? - Phải, già này bái sư hơi chậm một chút, tiểu tử lại đây chúng ta hãy tập Tỷ La thập nhị thức này trước đi, tập xong già còn có một việc rất quan trọng kể cho ngươi nghe nữa. Nói xong, ông ta đứng phắt dậy. Thanh Lam thấy tính nết của ông già này rất lạ chưa nói dứt câu đã bắt mình luyện chưởng rồi, và lại Tỷ La thập nhị thức là của mười hai vị đại sư dùng để cho người đem cuốn Dịch Cân kinh này đến chùa Thiếu Lâm, mình có công cán gì đâu mà cũng theo ông ta luyện tập? Chàng nghĩ như thế liền nghiêm nghị đáp: - Thưa lão tiền bối Tỷ La thập nhị thức này vốn dĩ là của mười hai vị đại sư, tiểu bối vô công bất thụ lộc, tiền bối cứ việc luyện tập một mình đi. Ông già giơ một ngón tay cái lên khen ngợi vừa cười vừa đáp: - Người trong võ lâm ai cũng ham muốn được học hỏi thêm võ công, hễ thấy nơi đâu có phát hiện bí kíp là tới đó tranh cướp liền, chớ người thực thà và trí túc như tiểu tử quả thực hiếm có. Nhưng người nên biết trong cửa phật bao giờ cũng nói tới hai chữ pháp duyên, ai đã bước chân vào trong hang động này tức là người đó có duyên rồi. Huống hồ già ở trên tửu lầu ra là muốn dụ ngươi cùng đi tới đây. Sau mới xảy ra lắm chi tiết lôi thôi, nhưng chuyện đó ngươi đã biết rồi lại đây đừng làm mất nhiều thì giờ nữa. Thanh Lam thấy ông ta thúc giục như vậy đành phải nhận lời. Hai người liền theo những hình khắc ở trên vách mà luyện tập từ thức thứ nhất, thức thứ nhì... cho tới thức cuối cùng. Thanh Lam là người rất thông minh lại được cùng ông già nghiên cứu như vậy nên dễ luyện tập và chàng cảm thấy pho chưởng pháp này lợi hại cùng biến hóa khôn lường. Một lát sau chàng đã học được mười hai thức chưởng pháp kia ngay. Hai người luyện lại một lần nữa. Ông già ngạc nhiên hỏi Thanh Lam; - Tiểu tử ngươi ít tuổi như vậy mà sao ngươi lại ra chân ra tay nội lực lại thâm hậu đến như thế? - Lão tiền bối sáng suốt thực, ba tháng trước đây tiểu bối gặp được tệ sư bá Không Không lão nhân ông ta dùng chân khí đả thông sinh tử huyền quan cho tiểu bối, sau lại truyền cho tiểu bối pho Ly Hợp thần công. Ông già nghe nói giật mình kinh hãi vội hỏi lại: - Tiểu tử ngươi được Không Động lão nhân thương yêu và truyền thụ Ly Hợp thần công cho quả thực phúc duyên của ngươi lớn không thể tưởng tượng được. Hà hà nếu vậy lúc này ngươi đã được thêm sở trường của hai môn phái rồi. Nói xong, ông ta ngồi xuống thò tay vào túi lấy cái lọ sứ và một bọc vải hoa nho nhỏ cùng một cái hộp hình dài dùng vải trắng bọc chặt để cả lên trên đầu gối rồi gọi Thanh Lam rằng: - Tiểu tử ngươi lại đây ngồi xuống, chúng ta nói chuyện đứng đắn. Thanh Lam vâng lời liền ngồi xuống cạnh ông ta và vừa cười vừa hỏi tiếp: - Ngươi có biết những thứ này là vật gì không? Ở đâu ra? Thanh Lam lắc đầu, ông già cười hí hí rụt đầu rụt cổ nói tiếp: Những vật này lão lấy được của anh em Yến Sơn song kiệt đấy. Thanh Lam không sao nhịn được cười, vì chàng thấy ông già cũng là một tay trộm già, nhưng chỉ nghĩ thầm thôi chứ không dám nói ra tiếng. Ngờ đâu, ông già đã lên tiếng hỏi liền: - Có phải ngươi cười lão là kẻ trộm đấy không? Nhưng ngươi có biết lão lấy trộm những thứ này là để cho ngươi sử dụng đấy chứ? Ông ra vừa nói vừa chỉ ba cái lọ sứ mà nói tiếp: - Ba cái lọ thuốc này giải độc linh dược của nhà họ Đường ở Tây Xuyên rất linh nghiệm, ngươi nhìn kỹ xem có phải trên lọ có khắc chữ Đường đấy không? Nghe nói Đường tiên sinh hồi còn ít tuổi lượm được một cuốn độc kinh chuyên luyện các chất độc, nhờ vậy tiếng tăm mới lừng lẫy giang hồ. Yến Sơn song kiệt là môn hạ của y, nên lúc nào trong người chúng cũng có ba cái lọ sứ này. Vì thấy bạn của cậu bị Tuyệt Tình châm của anh em họ Khương bắn trúng, nên lão mới thuận tay quơ luôn ba cái lọ này tới, ngờ đâu đắc vật vô sở dụng. Thanh Lam nghe nói cả kinh bụng bảo dạ rằng: - “Chả lẽ Tuyệt Tình châm của Yến Sơn song kiệt không có thuốc nào cứu chữa được chăng?” Ông già không đợi chờ chàng lên tiếng đã nói tiếp: - Tuyệt Tình châm làm bằng một thứ gang rất dòn, khi bắn vào thân người tự động gãy ra làm mấy khúc, trên kim có những chất độc có thể làm cho máu của người ta đông đặc ác độc khôn tả. Nhưng ám khí độc dược của nhà họ Đường đều có thuốc giải độc và đệ tử của nhà họ Đường đi đâu cũng đem theo ba lọ thuốc này trong ba lọ thuốc có một lọ chuyên giải bách độc. Ngoài ra hai lọ là thuốc giải độc môn ám khí riêng của chúng, nhưng ngoài một chữ Đường khắc ở ngoài ra thì không có dấu hiệu gì đặc biệt hết. Như vậy chỉ có mình chúng mới biết lọ nào dùng để chữa thứ gì thôi. Nên bây giờ có lấy được cũng như không. Ngươi cứ để ở bên cạnh người may ra sau này cũng có ngày dùng tới. - Thưa lão tiền bối bây giờ chúng ta dùng cách gì mà chữa cho Lan nhi khỏi bị thương. - Đừng có lo, lão chưa nói dứt. Ông ra lại cầm cái hộp hình dài có vải trắng bọc chặt lên vừa cười vừa nói tiếp: - Lúc ấy già vẫn chưa biết ngươi có kỳ ngộ như vậy, không những sinh tử huyền quan đã thông mà còn học hỏi được pho Ly Hợp thần công một pho võ học vô thượng của phái Không Động, nên già mới thuận tay lấy luôn cả cây sâm nghìn năm lại cho ngươi uống, để cho ngươi mạnh thêm, nhưng bây giờ ngươi khỏi cần đến nó. - Cây sâm nghìn năm ư? Chàng thắc mắc hết sức vì rõ ràng trông thấy Yến Sơn song kiệt đã trao đổi cây sâm cho thiếu phụ rồi, sao trong người Song kiệt lại vẫn còn có một cây sâm nghìn năm như thế này. Chả lẽ chàng đã cướp lại của thiếu phụ chăng? - Hà hà Băng Phách Phu Nhân là người giàu kinh nghiệm giang hồ như thế mà cũng bị Yến Sơn song kiệt đánh lừa, cây sâm mà bà ta cầm đi đó chỉ là một cây lão sơn nhân sâm thôi, chứ không phải là cây sâm nghìn năm. - Ủa! Thế ra Yến Sơn song kiệt đã lừa của bà ta một viên Băng Phách chân giá trị liên thành như vậy. - Hà hà giá trị liên thành ư? Tiểu tử ngươi thực không có một chút kinh nghiệm giang hồ gì cả. Băng Phách phu nhân tiếng tăm lừng lẫy khắp võ lâm Yến Sơn song kiệt vừa trông thấy hạt châu đó đã biết ngay là ai? Nên chúng mới ngoan ngoãn đưa cây sâm cho bà ấy, nhưng chúng lăn lộn giang hồ lâu năm nên lúc nào chúng cũng phải đề phòng sẵn có người phỗng tay trên của mình, vì vậy chúng mới lấy cây sâm nghìn năm ra và bỏ một cây lão nhân sâm vào trong hộp gấm. Tuy Song kiệt giả bộ rất khéo léo, nhưng qua sao được mắt già này, nên già thuận tay lấy cả cây sâm nghìn năm tới đây, cây sâm nghìn năm này có thể cải lão hòan đồng và cải tử hồi sinh nữa, Tuyệt Tình châm ở trong người bạn ngươi tuy có độc mà chất độc ấy làm cho máu của người ta đông lại thôi, ngươi dùng bí quyết chữ Hợp của Ly Hợp thần công có thể hút hết được những kim gãy ở trong người vợ ngươi, rồi cho vợ ngươi ngậm một miếng sâm ngàn năm là khỏi liền, sâm này quí báu lắm và công hiệu rất mạnh chỉ một miếng cũng đủ rồi, ngươi đừng cho vợ ngươi ngậm nhiều còn dư thì ngươi cứ đem theo ở trong người. Nói xong, ông ta đưa ba cái lọ sứ với cái hộp sâm cho Thanh Lam. Chần chừ giây lát Thanh Lam mới dám đỡ lấy hai món ấy. Ông già lại chỉ cái bọc vải hoa nho nhỏ và nói tiếp: - Ngươi có biết cái này là cái gì không? Thanh Lam có vẻ bực mình bụng bảo dạ rằng: - “Lão tiền bối này lôi thôi thực, là vật gì thì cứ nói trắng ra có hơn không, hà tất phải hỏi thử từng vật như vậy, có khác gì là ra đầu đề thi bắt trả lời hay không?” Nghĩ đoạn chàng lắc đầu đáp: - Tiểu bối không biết lão tiền bối cứ nói đi. Ông già mỉm cười gật đầu đáp: - Ngươi cứ mở ra xem. Thanh Lam đỡ lấy cái hộp mở ra xem, thấy bên trong là một cái hộp gỗ trầm hương và có cái khoá nho nhỏ khoá lại. Cái hộp đã quí báu như vậy chắc bên trong phải là một vật càng quí báu lắm.