Trương Vô Kỵ lòng chấn động, nghĩ thầm: “Hóa ra Dương giáo chủ đã chỉ định nghĩa phụ ta tạm nhiếp chức vụ phó giáo chủ. Nghĩa phụ ta văn võ toàn tài, Dương giáo chủ chết rồi, ông ta là nhân vật kiệt hiệt nhất của Minh giáo. Tiếc rằng Dương phu nhân không đọc lá thư này, nếu không Minh giáo không đến nỗi tàn sát lẫn nhau, long trời lở đất như thế”. Chàng thấy Dương Đính Thiên coi trọng Tạ Tốn như thế, lòng thật vui mừng, nhưng cũng không khỏi thương cảm, xuất thần một hồi rồi lại đọc tiếp: Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp tạm do Tạ Tốn tiếp chưởng, sau này sẽ chuyển lại cho tân giáo chủ. Làm rạng rỡ tôn giáo của chúng ta, đuổi quân Hồ Lỗ ra khỏi bờ cõi, làm điều lành, trừ điều ác, giúp chuyện ngay, chống kẻ gian, mong các đấng minh tôn thánh hỏa phổ huệ thiên hạ thế nhân là điều tân giáo chủ phải cố mà làm. Trương Vô Kỵ nghĩ thầm: “Cứ theo di mệnh của Dương giáo chủ mà xem, tông chỉ của Minh giáo thật là chính đại. Các đại môn phái cứ khư khư giữ lấy quan niệm của môn hộ, không ngừng làm khó dễ Minh giáo, quả thực không phải chút nào”. Chàng lại đọc tiếp tờ di thư: Ta đem công lực còn sót lại trong mình, đóng cửa đá lại ở cùng Thành Côn trong đường hầm này, còn phu nhân cứ theo bản đồ bí đạo mà thoát ra. Đương thế không có người thứ hai nào có thần công Càn Khôn Đại Na Di, thì cũng không ai có thể đẩy được cái cửa đá nằm ở vị trí Vô Vọng. Đợi đến khi hào kiệt hậu thế luyện được rồi, tàn cốt của ta và Thành Côn cũng đã mục nát. Đính Thiên cẩn bạch. Sau cùng là một hàng chữ nhỏ: Ta tên là Đính Thiên, ở trên đời không làm được công nghiệp gì, đối với bản giáo không làm tròn nhiệm vụ, làm đau lòng phu nhân, ôm mối hận chết đi, vậy mà dám cuồng ngôn đội trời đạp đất[2], thật đáng chê cười. Ở phía sau bức thư là một bản đồ bí đạo, ghi rõ các nơi ngõ ngách và cửa nẻo. Trương Vô Kỵ mừng quá, nói: - Dương giáo chủ vẫn tưởng sẽ tự giam mình chung với Thành Côn trong đường hầm này, hai người cùng chết, nào ngờ ông ta tính không đến nơi đến chốn, chết sớm quá, để cho gã Thành Côn kia thung dung cho tới tận hôm nay. Cũng may mình có bức bản đồ này có thể kiếm được lối ra. Tại bức địa đồ, chàng kiếm đúng chỗ mình đang đứng, tra xét lại thì có khác nào bị một thùng nước lạnh dội từ đầu trở xuống, thì ra lối thoát duy nhất, chính là lối mà Thành Côn dùng đá lấp mất rồi, thành ra dù có hay không có bức toàn đồ cũng thế thôi. Tiểu Siêu nói: - Công tử đừng vội nản lòng, có thể có lối khác không chừng.
Cô ta cầm lấy tấm bản đồ, cúi đầu xem kỹ, thấy bản đồ vẽ thật rành rọt, đúng là ngoài lối đó ra không còn đường nào khác. Trương Vô Kỵ thấy nàng lộ vẻ thất vọng, cười gượng: - Di thư của Dương giáo chủ có nói rõ, nếu ai luyện thành thần công Càn Khôn Đại Na Di, thì có thể đẩy được cánh cửa đá mà ra. Trên đời bây giờ ngoài Dương Tiêu tiên sinh ra, không ai luyện qua môn này cả. Thế nhưng ông ta công lực còn non, dẫu có ở nơi đây cũng chưa chắc đã làm được việc gì. Hơn nữa, mình cũng không biết hướng Vô Vọng là ở chỗ nào, trên bản đồ không ghi rõ, thì làm cách nào mà tìm? Tiểu Siêu nói: - Vô Vọng ư? Đó là phương vị của một trong sáu mươi tư quẻ của Phục Hi, Càn chấm dứt ở cung Ngọ, Khôn chấm dứt ở cung Tý, Dương ở phương Nam, Âm tại phương Bắc. Vô Vọng nằm giữa hai vị trí Minh Di và Tùy. Nàng nói xong liền ở trong thạch thất phân chia phương vị, đi đến góc phía tây bắc, nói: - Ở tại nơi đây. Trương Vô Kỵ thấy lên tinh thần, nói: - Có thật không? Chàng liền chạy đến đường hầm chứa binh khí, lấy một cây đại phủ về, cạo sạch những đất cát bám trên tường, quả nhiên có dấu của một cánh cửa, nghĩ thầm: “Ta tuy không biết phép tắc trong Càn Khôn Đại Na Di, nhưng luyện Cửu Dương thần công đã thành, uy lực chưa chắc đã kém gì môn này”. Nghĩ thế bèn tụ khí vào đan điền, kình lực vận lên hai cánh tay, hai chân xoải ra thành cung tiễn bộ[3], từ từ đẩy ra. Chàng đẩy một hồi lâu, thạch môn trước sau vẫn không nhúc nhích. Bất luận hai tay chàng đổi kiểu nào, vận chân khí cách nào, tới khi hai tay mỏi nhừ, xương cốt cơ thể kêu lục cục, cái cửa đá đó vẫn trơ trơ tưởng như liền với bức tường là một, chẳng di động được một phân. Tiểu Siêu khuyên: - Trương công tử, đừng thử thêm nữa, để cháu đem hỏa dược lại xem thế nào. Trương Vô Kỵ vui mừng nói: - Hay lắm, tôi quên mất là mình có thuốc súng. Hai người đem tất cả nửa thùng thuốc súng nhồi vào thạch môn rồi đốt dây dẫn hỏa. Sau tiếng nổ, cánh cửa đá bị vạt vào đến bảy tám thước nhưng vẫn không thấy đường hầm đâu, xem ra tảng đá này bề dày còn hơn cả bề rộng.
Trương Vô Kỵ hơi cảm thấy ân hận, cầm tay Tiểu Siêu, dịu dàng nói: - Tiểu Siêu, toàn là do tôi cả, làm cho cô cũng bị giam nơi đây không ra được. Tiểu Siêu đưa đôi mắt trong suốt nhìn thẳng vào mặt chàng nói: - Trương công tử, công tử phải trách cháu mới phải, nếu như cháu không dẫn công tử vào … thì đâu đến nỗi … đến nỗi … Nói đến đây, cô gái giơ tay áo gạt lệ, một hồi sau, bỗng dưng cười khanh khách, nói: - Nếu mình không ra được thì buồn lo cũng có ích gì. Để cháu hát cho công tử nghe một bài, được không? Trương Vô Kỵ còn lòng dạ nào mà nghe hát, nhưng không nỡ làm nàng cụt hứng, mỉm cười nói: - Thế thì hay lắm. Tiểu Siêu ngồi xuống bên cạnh chàng, cất tiếng hát:
Nhân sinh lý lẽ ai ơi, Làm người cốt được thảnh thơi đủ rồi. Ai ai cũng có thời thăng giáng, Chẳng một ai chỉ xuống không lên. Trong may có rủi kề bên, Rủi kia cũng sẵn có hên ẩn tàng. Trương Vô Kỵ nghe đến câu: “Cát tàng hung, hung tàng cát” lại nghĩ đến thân phận mình, quả đúng như thế, thấy giọng nàng trong trẻo dễ nghe, lên cao xuống thấp thật uyển chuyển, bao nhiêu buồn phiền giảm hẳn. Cô gái lại hát tiếp: Giàu sang đâu hẳn giàu sang mãi, Trời chói chang có lúc xế chiều. Trăng kia sáng mãi bao giờ, Tròn rồi lại khuyết đầy chờ khi vơi. Đất thoai thoải đông nam một cõi, Vòi vọi nghiêng tây bắc trời cao. Dù cho thiên địa nhường bao, Cũng chưa toàn vẹn làm sao con người.
Trương Vô Kỵ nói: - Tiểu Siêu, cô hát nghe hay quá, bài hát này ở đâu vậy? Tiểu Siêu cười đáp: - Công tử nói đùa, cháu hát có gì đâu mà hay? Cháu nghe người ta hát, nên nhớ được vài câu, cũng chẳng biết của ai làm nữa. Trương Vô Kỵ nghĩ đến câu “Thiên địa thướng vô hoàn thể” nên tấm tắc khen bài hát. Tiểu Siêu hỏi: - Công tử có thích nghe hát thật không? Hay chỉ nói giả vờ? Trương Vô Kỵ cười: - Thích hay không thích nghe lại còn giả hay thật gì nữa? Lẽ dĩ nhiên là thật rồi. Tiểu Siêu nói: - Hay lắm. Để cháu hát thêm một bài nữa nhé? Cô ta lấy tay vỗ lên trên đá làm nhịp, hát thêm:
Chớ nên cau mặt nhíu mày, Cũng đừng tranh cãi để cầu hơn ai. Mặt hoa da phấn hôm nay, Già hơn bữa trước một ngày còn chi? Xuân qua đông lại tới thì, Từ xưa vẫn thế có gì khác đâu. Dù cho khôn khéo sang giàu, Nghèo hèn ngu độn cũng đều như nhau. Cõi trần kẻ trước người sau, Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay. Hôm nay chỉ biết hôm nay, Trăm năm thấm thoát đã hay một đời. Mấy ai thọ được bảy mươi, Thời gian như nước chảy xuôi qua cầu. Bài hát ý tứ mênh mang, hiển nhiên người làm ra cũng đã nhiều kinh lịch, biết rõ bụng dạ nhân tình, ở miệng một cô gái đang tuổi hoa niên hát ra xem chừng không xứng, đúng là cô ta nghe người khác hát rồi thuộc lòng. Trương Vô Kỵ tuổi tuy còn trẻ nhưng mười năm qua cũng đã nếm đủ mùi gian khổ rồi, hôm nay bị kẹt trong giữa lòng núi, trước mắt thấy không còn đường sống nhẩm lại hai câu: "Cõi trần kẻ trước người sau, Cuối cùng cũng đến cái cầu xuôi tay" không khỏi trùng lòng. Cái cầu xuôi tay hẳn là ngày từ giã cõi đời. Chàng đã nhiều lần lâm vào cảnh sinh tử quan đầu, nhưng trước đây chỉ có hai đường, sống hay chết, không liên lụy đến ai, lần này lại kéo thêm cô bé Tiểu Siêu, rồi chuyện tồn vong của Minh giáo, an nguy của Dương Tiêu, Dương Bất Hối và bao nhiêu người khác, cái thâm cừu giữa nghĩa phụ và Viên Chân, đều có ít nhiều liên quan đến chàng, nên không đành lòng mà chịu chết. Chàng đứng lên đến đẩy cái cửa đá lần nữa, thấy chân khí trong cơ thể lưu chuyển, tưởng như trong người tích súc một luồng lực khí vô cùng vô tận, nhưng tắc tị không thể sử dụng được, khác nào cơn lũ lụt cuồn cuộn trên sông bị hai bờ đê chặn lại, không thể nào vượt qua. Chàng thử ba lần không xong đành chịu thúc thủ. Bỗng thấy Tiểu Siêu lại cắt đầu ngón tay, lấy máu tươi tô lên miếng da dê, nói: - Trương công tử, công tử thử luyện Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp xem sao? Biết đâu công tử thông minh hơn người, tập một lần là được.
Trương Vô Kỵ cười đáp: - Các giáo chủ tiền nhiệm của Minh giáo luyện suốt cả đời nhưng cũng chưa ai thành công. Các vị đó đã làm giáo chủ, tài trí ắt phải trác tuyệt hơn người, tôi chỉ trong sớm tối làm sao có thể hơn họ được? Tiểu Siêu lại cúi đầu hát: Hôm nay chỉ biết hôm nay, Trăm năm thấm thoát đã hay một đời. Công tử cứ luyện thêm được lúc nào hay lúc nấy. Trương Vô Kỵ mỉm cười, đón lấy miếng da dê, miệng nhẩm đọc, thấy viết trên mảnh da này toàn là cách vận hành chân khí, cùng các pháp môn di cung sử kình. Chàng theo đó làm thử, không phí chút hơi sức nào đã làm được ngay. Trên miếng da viết tiếp: Đây là tâm pháp cấp thứ nhất, người ngộ tính cao thì bảy năm có thể luyện thành, người kém một chút thì phải mất mười bốn năm. Chàng lấy làm lạ: “Cái này có khó khăn gì đâu? Sao lại phải luyện tới bảy năm mới xong?”. Chàng xem tiếp xuống tâm pháp cấp thứ hai, theo đó mà làm, chỉ một lát là chân khí quán thông, trong mười đầu ngón tay, tưởng chừng như có hơi lạnh vọt ra. Trong đó lại có ghi chú: Cấp thứ hai, người ngộ tính cao thì bảy năm có thể luyện thành, người kém một chút thì phải mất mười bốn năm. Nếu tới năm thứ hai mươi mốt mà không tiến triển, không được luyện sang cấp thứ ba, để phòng tẩu hỏa nhập ma, không cách nào cứu được. Chàng vừa mừng vừa sợ, liền coi tiếp xuống cấp thứ ba. Lúc này những hàng chữ đã mờ, chàng đang định lấy chủy thủ cắt ngón tay thì Tiểu Siêu đã lấy máu mình xoa lên mảnh da dê trước. Trương Vô Kỵ vừa đọc vừa luyện theo, tầng thứ ba rồi tầng số bốn, đi đến đâu thông đến đó luyện được ngay chẳng khác gì chẻ tre.
Tiểu Siêu thấy mặt chàng một nửa bên đỏ như máu, nửa bên kia lại xanh lè, trong lòng hơi hãi sợ, nhưng thấy chàng thần định khí túc, hai mắt sáng lấp lánh, nên cũng yên tâm. Đến khi chàng đọc tiếp luyện tâm pháp qua cấp thứ năm, mặt chàng lúc xanh lúc đỏ. Khi mặt màu xanh thì thân thể hơi run như ở trong đá lạnh, còn khi mặt đỏ thì mồ hôi vã ra như mưa. Tiểu Siêu lấy khăn tay ra, đưa lên định lau mồ hôi trán cho chàng, đột nhiên tay giật mạnh một cái, thân hình ngả qua một bên như muốn ngã ngửa. Trương Vô Kỵ đứng lên, giơ tay áo lau mồ hôi, trong nhất thời chẳng hiểu tại sao, nhưng cũng biết rằng cấp tâm pháp thứ năm chàng đã luyện xong rồi. Thì ra môn Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp này vốn là một phương thức vận kình sử lực rất là xảo diệu, căn bản đạo lý là làm thế nào phát huy tối đa cái tiềm lực trong cơ thể của mỗi người. Trong bất cứ ai cũng có một tiềm lực thật to lớn, nhưng bình thời không sử dụng được mà thôi. Chỉ khi nào gặp chuyện khẩn cấp, chẳng hạn như cháy nhà mới thấy một người sức trói gà không chặt cũng có thể vác cả nghìn cân. Trương Vô Kỵ luyện xong Cửu Dương thần công rồi, lực đạo súc tích trong người hiện nay không ai bì kịp, có điều chưa được minh sư chỉ điểm nên không sử dụng được. Bây giờ chàng học được Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, sức lực trong người như hồng thủy trào lên, không có gì có thể chế ngự nổi. Môn tâm pháp này sở dĩ khó mà luyện cho thành công, chỉ sơ xẩy một chút là tẩu hỏa nhập ma ngay, toàn là do việc vận kình vừa xảo diệu, vừa phức tạp, mà nội lực người luyện công lại chưa đủ hùng hồn để vượt qua. Việc đó cũng không khác gì đưa cho một đứa trẻ bảy tám tuổi múa một chiếc búa nặng hàng trăm cân, trùy pháp càng tinh vi áo diệu, thì càng dễ đưa đến chỗ tự đánh vào mình vỡ đầu chảy máu. Thế nhưng nếu người sử dụng cái búa là một đại lực sĩ thì lại không sao cả. Những người luyện môn tâm pháp này trước đây, chỉ vì nội lực hữu hạn, miễn cưỡng tu luyện, để lâm vào cảnh bụng dạ có thừa mà sức chẳng đủ. Các vị giáo chủ Minh giáo ngày xưa có mấy ai không hiểu đạo lý này đâu. Thân đã làm đến giáo chủ hẳn chí khí kiên nghị lấp biển dời non, đâu có người nào chịu thua kém ai, mà cũng có ai thấy khó mà bỏ cuộc? Đại phàm võ học cao thủ đều lấy câu châm ngôn “tinh thành sở chí, kim thạch vi khai[4]” nằm lòng, nên người nào cũng hăm hăm hở hở, hết sức tu tập, biết đâu rằng sức người có hạn, chỉ nhất tâm nghĩ rằng “nhân định thắng thiên” để đến nỗi ẩm hận nhi chung. Trương Vô Kỵ sở dĩ chỉ mất nửa ngày đã luyện xong trong khi nhiều người thông minh tài trí, võ nghệ cao cường hơn chàng nhiều lần, hết sức hết tâm mấy chục năm vẫn không thành công, cái khác nhau cũng chỉ là một bên nội lực có thừa, còn một bên nội lực chưa đủ mà thôi. Trương Vô Kỵ luyện đến cấp thứ năm rồi, thấy tinh thần lực khí toàn thân chỗ nào cũng có thể chỉ huy như ý muốn, muốn phát là phát, muốn thu là thu, tất cả đều do tâm ý điều khiển được cả, khắp cơ thể, các đốt tiết cảm thấy thật là thoải mái. Lúc này chàng quên cả việc phải đẩy cánh cửa đá, tiếp tục luyện xuống cấp thứ sáu. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, chàng đã bước vào cấp thứ bảy.
Cấp thứ bảy này so với cấp thứ sáu áo diệu gấp bội, không có thể hiểu được một cách dễ dàng. Cũng may là chàng tinh thông y đạo, mạch lý, mỗi khi gặp chỗ khó khăn không hiểu, lại đem y lý ra ấn chứng, nên mọi chỗ chàng đều quán thông. Khi luyện được quá nửa rồi, bỗng thấy khí huyết trào lên, tim đập mạnh. Chàng vội định thần, từ đầu luyện lại, cũng bị y như thế. Từ khi chàng luyện cấp thứ nhất tới chỗ này, chưa bao giờ bị tình trạng như vậy. Chàng bỏ qua mấy câu, luyện tiếp xuống dưới, lại thấy thuận lợi, nhưng được vài câu lại gặp trở ngại. Từ đó về sau, trở ngại mỗi lúc một nhiều, tính ra tổng cộng có tất cả mười chín câu không sao luyện được. Trương Vô Kỵ trầm ngâm một hồi, để tấm da dê lên trên đống đá, cung kính phục xuống, khấu đầu mấy lần, khấn: - Đệ tử Trương Vô Kỵ, vô tình tìm được thần công tâm pháp của Minh giáo, chỉ vì mong thoát khỏi khốn cảnh tìm đường sống, quả không có bụng ăn cắp bí tịch của quí giáo. Đệ tử sau khi thoát khỏi hiểm cảnh rồi, sẽ nhất quyết đem thần công này tận lực giúp quí giáo, không dám phụ lòng vun đắp và đại ân cứu mạng của liệt đại giáo chủ. Tiểu Siêu cũng quì xuống lạy mấy lạy, hạ giọng khấn thêm: - Liệt đại giáo tông ở trên, xin quí ngài phù hộ cho Trương công tử trung hưng Minh giáo, làm sáng tỏ uy danh của liệt tổ. Trương Vô Kỵ đứng thẳng lên nói: - Tôi đâu có phải là giáo đồ của Minh giáo, theo lời giáo huấn của thái sư phụ tôi, trong tương lai sẽ không thể nào gia nhập Minh giáo được. Thế nhưng sau khi tôi đọc di thư của Dương giáo chủ rồi, biết được tông chỉ của Minh giáo thật là quang minh chính đại, nên thể nào cũng kiệt tận sở năng, cố giải thích những chỗ hiểu lầm cho các đại môn phái, xin hai bên đừng tranh chấp nữa. Tiểu Siêu nói: - Trương công tử, công tử nói còn mười chín câu chưa luyện xong, sao không nghỉ một lát, cho tinh thần sung túc, biết đâu chả luyện được? Trương Vô Kỵ nói: - Hôm nay tôi đã luyện thần công Càn Khôn Đại Na Di đến cấp thứ bảy rồi, tuy phải bỏ qua mười chín câu, cũng có chút khuyết điểm thực, nhưng cũng như bài hát của cô mới rồi:
Dù cho thiên địa nhường bao, Cũng chưa toàn vẹn làm sao con người. Có lẽ nào tôi không biết đủ, tham lam cốt được thật nhiều? Tôi có phúc trạch công đức gì mà được thần công tâm pháp của Minh giáo? Để lại mười chín câu không luyện, chính là hợp đạo lý đó. Tiểu Siêu nói: - Công tử nói phải lắm. Nàng cầm lấy tấm da dê, hỏi xem Vô Kỵ chỗ nào luyện chưa được, thầm nhẩm lại mấy lần nhớ kỹ mười chín câu đó trong lòng. Trương Vô Kỵ cười hỏi: - Cô nhớ để làm gì? Tiểu Siêu má đỏ bừng, nói: - Chẳng làm gì cả. Cháu thấy công tử mà còn chưa luyện được nên xem thử coi khó đến mức nào. Có biết đâu Vô Kỵ là người không coi trọng chuyện gì cả, thấy phải dừng là dừng, chính hợp với đạo “tri túc bất nhục” (biết đủ thì không phải chịu nhục) của cổ nhân. Thì ra năm xưa vị cao nhân sáng chế Càn Khôn Đại Na Di này, nội lực tuy mạnh thật, nhưng cũng chưa tới mức mạnh như Cửu Dương thần công nên cũng chỉ tới cấp thứ sáu là hết. Tâm pháp ông ta viết trong cấp thứ bảy, chính ông ta cũng chưa luyện tới, chỉ do thông minh trí tuệ, tưởng tượng và biến hóa ra mà thôi. Mười chín câu Vô Kỵ luyện không thông, toàn là do vị cao nhân tưởng tượng mà thêm vào, tưởng đúng mà thực ra không phải. Nếu Trương Vô Kỵ là người có cái tâm cầu toàn, nhất định phải luyện cho kỳ được mới thôi, ắt sẽ tẩu hỏa nhập ma ở cái cửa ải sau cùng này, chẳng khùng điên si ngốc thì cũng toàn thân bại liệt, có khi còn đứt kinh mạch táng mạng không chừng. Hai người gom góp đất đá, chôn cất di thể hai vợ chồng Dương Đính Thiên xong mới đi đến trước cánh cửa đá. Lần này Trương Vô Kỵ chỉ cần đưa tay phải, để vào một bên cửa, theo đúng phép vận khí của Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp, hơi sử kình, phiến đá đã kêu kèn kẹt từ từ chuyển động. Chàng vận thêm một phần sức lực nữa, cánh cửa chầm chậm mở ra. Tiểu Siêu mừng quá, nhảy cẫng lên, vỗ tay khen ngợi, xích sắt ở tay chân chạm vào nhau, lại kêu leng keng liên hồi. Trương Vô Kỵ nói: - Để tôi bứt sợi dây xích lần nữa xem sao. Tiểu Siêu cười đáp: - Lần này chắc là phải được. Trương Vô Kỵ cầm sợi dây xích nối liền hai cánh tay nàng, vận kình kéo ra, dây xích từ từ dài ra, nhưng vẫn không đứt. Tiểu Siêu kêu lên: - Ối chao, không ổn rồi. Công tử càng kéo dài chừng nào, thì lại càng bất tiện chừng nấy.
Trương Vô Kỵ lắc đầu: - Cái dây xích này thật quái lạ, e rằng kéo dài đến mấy chục trượng cũng vẫn chưa đứt. Thì ra một đời giáo chủ Minh giáo trước đây tìm được một khối vẩn thạch quái dị từ trên trời rơi xuống, trong đó có chứa chất liệu kim khí không như các loại sắt thép khác, các thợ khéo trong Nhuệ Kim Kỳ liền thử đúc binh khí nhưng không xong, nên rèn thành sợi dây xích này. Trương Vô Kỵ thấy Tiểu Siêu ủ rũ nên an ủi cô ta: - Cô yên tâm, cứ tin rằng tôi thể nào cũng mở được xích này cho cô. Chúng mình bị kẹt trong giữa chừng núi như thế này cũng còn ra được, sá gì một sợi dây xích nhỏ? Chàng muốn tìm Viên Chân báo cừu, quay trở lại cố đẩy hai tảng đá vạn cân kia, tuy chàng đã luyện thành thần công, hai khối đá bị chàng đẩy có chuyển động, nhưng vẫn không chịu mở ra. Chàng lắc đầu, cùng Tiểu Siêu đi trở lại lối cửa đá. Khi qua rồi, chàng quay lại đẩy cánh cửa đá lại như cũ, thấy tảng đá này nào có phải là cửa đâu? Thực ra đó chỉ là một khối nham thạch thiên nhiên, dưới dáy có chèn một quả cầu sắt lớn dùng như bản lề. Ngày tháng trôi qua, trái cầu đó hoen rỉ nên khối nham thạch đó khó mà chuyển động. Chàng nghĩ đến năm xưa Minh giáo kiến tạo địa đạo này, sử dụng vô số nhân lực, không biết bao nhiêu năm tháng, bao công phu và tâm huyết. Chàng tay cầm bản đồ bí đạo theo đúng đường mà đi, tuy ngoắt ngoéo nhiều lối nhưng không phải mất công gì đã thoát ra được. Vừa ra khỏi đường hầm thấy ánh sáng chói lòa chiếu vào mặt, hai người nhất thời không mở mắt ra được. Qua một lúc sau, mới chầm chậm hé mắt ra, thấy băng tuyết khắp nơi, ánh mặt trời phản lại nên mới càng thêm sáng chói như thế. Tiểu Siêu thổi tắt cây đuốc trên tay, tại bãi tuyết đào một cái lỗ nhỏ chôn cây đuốc xuống, nói: - Cây đuốc ơi là cây đuốc, đa tạ ngươi chiếu sáng cho Trương công tử và ta ra khỏi đường hầm, nếu không có ngươi thì bọn ta không thể nào làm được cái gì cả. Trương Vô Kỵ cười ha hả, trong lòng thấy sảng khoái, chợt nghĩ lại: “Thế nhân biết bao nhêu là kẻ vong ân phụ nghĩa, còn tiểu cô nương này đối với một cây củi cũng còn như thế, ắt hẳn là người trung hậu trọng nghĩa”. Chàng quay nhìn cô mỉm cười, ánh sáng từ băng tuyết hắt lên khuôn mặt cô gái, thấy nàng da dẻ trắng trẻo, mịn màng như ngọc, nên buột miệng khen: - Tiểu Siêu, cô đẹp quá. Tiểu Siêu vui mừng nói: - Trương công tử, công tử không nói dối đấy chứ? Trương Vô Kỵ nói: - Cô đừng giả vờ què chân, gù lưng làm thành quái dị nữa, cứ như thế này thì đẹp biết bao. Tiểu Siêu nói: - Công tử bảo cháu đừng giả vờ, cháu sẽ không giả vờ nữa. Tiểu thư nếu muốn giết cháu, cháu cũng không giả vờ. Trương Vô Kỵ nói: - Nói bậy nào. Cô có làm gì đâu mà đòi giết cô?
Chàng lại nhìn cô ta lần nữa, thấy nàng da dẻ trắng hồng, sống mũi hơi cao hơn so với con gái bình thường, tròng mắt ẩn ẩn màu xanh của biển cả, liền nói: - Cô là con gái bản địa Tây Vực, có phải không? So với con gái Trung Nguyên chúng tôi, xem có phần đẹp hơn. Tiểu Siêu hai lông mày hơi nhướng lên, nói: - Cháu chỉ muốn được giống như con gái Trung Nguyên thôi.