Nội dung thủ bút: Trước năm 1945 và có lẽ trước năm 1960, người địa phương không gọi “đồng bằng sông Cửu Long” mà gọi là Miệt Vườn, với câu hát khá phổ biến: Mẹ mong gả thiếp về vườn, Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh… Sơn Nam |
Sơn Nam (Phạm Minh Tài): Viết văn. Sinh ngày: 11-12-1926, tại Rạch Giá, Kiên Giang
Tác phẩm: Tìm hiểu đất Hậu Giang 1959
, Chuyện xưa tích cũ 1958
, Hương rừng Cà Mau 1962,
Chim quyên xuống đất 1963
, Hình bóng cũ 1964,
Vạch một chân trời 1968
Sơn Nam Hơi thở của miền Nam nước Việt Sơn Nam, một trong những nhà văn có giá trị của miền Nam nước Việt. Hôm nay, tôi viết về Sơn Nam không phải là cuộc đối thoại giữa hai người làm văn nghệ mà chính thực chỉ nói lên vài cảm nghĩ của người đọc sách đối với người sáng tác.
Sơn Nam đến với tôi không đem theo gió bão hoặc nỗi quằn quại, ray rứt, chua xót của con người thời đại. Sơn Nam đến với tôi bằng hơi thở, bằng nụ cười hồn nhiên, bằng nhớ thương nhè nhẹ, bằng những ngón tay giao cảm chạy dài theo những con rạch giăng mắc như mạng nhện khắp vùng châu thổ miền Nam nước Việt.
Sơn Nam, một tâm hồn đơn thuần, chất phác như luống cày. Sơn Nam sống như con chim rừng nhỏ nhoi lạc vào thành phố. Có những chiều, không gian câm nín tựa phiến đá, thời gian lắng đọng trong khung trời thép rỉ, người đọc Sơn Nam mới cảm thấy tự đáy lòng dâng lên từng đợt sóng u hoài. Đã nhiều lần, đêm trắng không kêu vào giấc ngủ, tự nhiên mấy câu thơ thay lời tựa của Sơn Nam trong tác phẩm
Hương rừng Cà Mau lại vang vang trong hồn tôi như hơi kèn đồng lên qua khe cửa vũ trường bay vút lên trời cao tím ngắt:
“Muỗi, vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút…
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hoà…”
Sơn Nam sinh trưởng tại miền Hậu Giang, nơi muỗi, vắt nhiều hơn cỏ. Hơi thở của Sơn Nam hôm nay là hơi thở của miền Nam nước Việt hôm qua. Chính vì đó, Sơn Nam đã dẫn dắt chúng ta qua tác phẩm để tìm lại sức sống, một sức sống tiềm tàng, phong phú của những con người coi nhẹ gian lao, cực khổ, khinh cái chết, trọng tiết tháo và giàu lòng nhân từ trong buổi đầu đi tìm đất mới. Tâm hồn Sơn Nam không bị ánh sáng phù phiếm của đô thị chi phối. Những phát minh về cơ khí cũng như mọi phát minh khác do sự cố gắng của con người hiện đại tạo ra với mục đích làm cho con người được hưởng một phần an nhàn của thể xác, đối với Sơn Nam, có lẽ chẳng làm anh thích thú. Sự kiện này được chứng minh xuyên qua những suy nghĩ của anh trong tác phẩm.
Người đọc Sơn Nam không hề tìm thấy dấu vết của đại lộ, không một ánh sáng điện, không cả những công viên với hàng ghế sơn xanh đậm, có những chiếc lá vàng rơi – như cánh bướm lạc loài – trên bồn cỏ mát mùi da thịt, mà các nghệ sĩ hôm nay thường dùng như biểu tượng sinh hoạt văn nghệ với chiều sâu ý thức. Ở Sơn Nam, đại lộ là những con rạch, những con rạch Thuồng Luồng, rạch Cái Cau, rạch Bình Thuỷ và nhiều con rạch khác có những tên nghe lạ tai nhưng gợi lên từng âm hưởng xa vời. Và ánh sáng của đời sống chỉ là cái thếp đèn thắng bằng dầu cá, còn công viên là những cánh rừng tràm xanh ngắt, nơi
“chướng khí mù như sương” và xác lá ngập cao hàng mấy thước đã bao nhiêu ngày tháng chẳng ai buồn nhặt. Sơn Nam, với tâm hồn cố sơ luôn luôn nuối tiếc quá khứ. Anh coi quá khứ là lẽ sống duy nhất, nên anh bấu víu quá khứ như đứa trẻ dang mười ngón tay bé nhỏ ôm chặt lấy mẹ hiền, e sợ nếu lỏng tay người mẹ sẽ chạy trốn. Sơn Nam thiết tha với con người cũ, yêu mến mảnh đất
“chôn nhau cắt rốn” vì thế, tuy giam thân ở trong lòng thành phố đầy cám dỗ của vật chất, của tiến hóa, mà mỗi khi nhúng bút vào mực thì nỗi buồn sầu xứ lại ứ nghẹn trong máu, trong tim, rồi than vãn:
“Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?...”
Về cố hương để làm gì? Nếu không phải là sống với hòn Cố Tròn, vùng Mả Lan, với những xóm Khoen Cà Tưng, xứ Cà Bây Ngộp, với cảnh
“dưới sông sấu lội, trên bờ cọp đua” với cây Huê xà, trái Mù u, lá Năng kim, Ô rô và cỏ ống, hơn nữa còn có thể chuyện trò với những nhân vật như ông Từ Thông, ông Năm Xay Lúa, chú Xồi, con Bảy đưa đò, chú Tư Dinh, lão Bích và các nhân vật rất xa lạ đối với dân thành phố nhưng rất gần gũi với cuộc sống nông thôn.
Mỗi câu chuyện của Sơn Nam là một bức hoạ đặc biệt và khác biệt từ hình thể tới màu sắc. Đọc Sơn Nam, ta có cảm tưởng như chính ta đã sống, đã đi vào từng chi tiết của nếp sống đó. Con người hôm nay bị chi phối quá nhiều bởi dục vọng. Sự đấu tranh của con người trong cuộc sống hôm nay quả thật xa cách, xa cách như con đường thiên lý không có trạm dừng chân, đối với con người hôm xưa, những con người
“trên phá sơn lâm, dưới đầm Hà Bá” đã có công làm cho mảnh đất miền Nam được phì nhiêu bằng cách bón vào lòng đất mới, xương máu của mình. Người xưa ra đi với chí hướng quyết liệt, vì sự sinh tồn của kiếp người, những kiếp người nói theo văn chương hôm nay –
sinh ra đời dưới ngôi Sao xấu – nhưng tâm hồn người xưa thật bao dung, độ lượng. Dòng máu du mục chắc hãy còn xao xuyến ở trong mỗi phân vuông trên da thịt, nên bản chất của người dân miền Nam vốn hiếu động. Nhưng trường hợp Sơn Nam là ngoại lệ. Sơn Nam từ chối hiện tại bằng cách một mình lững thững đi sâu vào dĩ vãng. Cuộc sống nội tâm đã thúc đẩy, dồn ép Sơn Nam vào chiều hướng nhất định, anh vui vẻ nhận lấy và tự kiêu hãnh vì mình đã tìm thấy hồn mình trong đó. Anh kể lại nếp sống xa xưa ấy với tất cả say mê, cởi mở. Sơn Nam viết văn giản dị như nói chuyện. Câu chuyện tuy quê mùa nhưng không kém tế nhị, sâu sắc. Những nhân vật của Sơn Nam, trên thực tế, chưa cách biệt với cuộc sống hôm nay bao nhiêu, mới chỉ độ 3, 4 chục năm trời mà sao, những hình bóng ấy, qua lời văn của Sơn Nam lại xa ta như những nhân vật trong truyện cổ tích? Chúng ta vẫn thường gặp họ lang thang trên khắp nẻo đường miền Hậu Giang, trên các sông ngòi. Chúng ta đã từng ca ngợi họ và viết tên họ bằng chữ hoa trong trang sử đấu tranh của dân tộc. Mà sao, mà sao ở giữa lòng thành phố, dưới ánh sáng chói chang do điện lực tạo nên, nhìn họ qua trang giấy trắng, mực đen, chúng ta có cảm tưởng như nhìn thấy bóng ma, hoặc những hình thể xa mờ, chập chờn ẩn hiện sau lớp sương mù dĩ vãng? Chính vì lo sợ một ngày nào những hình bóng thân yêu ấy sẽ biến mất đi, mất đi vĩnh viễn như xác người, xác vật nát rữa trong mùa nước lụt, Sơn Nam không thể tàn nhẫn đến độ dửng dưng để mặc cho sự đổ vỡ của nếp sống xảy ra sau mỗi cơn nước giựt, nên Sơn Nam đã cố gắng làm cho họ, lớp-người-đi-trước, sống lại trong văn chương, để ghi nhận sự có mặt của quá khứ, sự có mặt oai hùng và hiển hách. Sơn Nam đã tận dụng tài hoa: với những ngón tay phù thuỷ anh nhào nặn ra những nhân vật sống động phản ánh đúng lề lối sinh hoạt của miền Hậu Giang trong giai đoạn chót của đời sống nô lệ, trong đột khởi của ý thức đấu tranh đòi trả lại tự do cho kiếp người, đã từng nhân danh con người mà tranh đấu.
Nhưng, điểm cao quý nhất trong tác phẩm của Sơn Nam vẫn là tình thương đồng loại. Trong cảnh sống cơ cực của bước đầu khai phá, những con người thương mến nhau qua hoạn nạn, cùng cảm thông với nỗi cơ cực, bần hàn trong hoàn cảnh luôn luôn bất lợi cho con người vì một lúc phải đối phó với hai kẻ thù: thực dân và thiên nhiên. Sự kiện chua xót này được thể hiện trong truyện ngắn “Một cuộc biển dâu”.
Nội dung truyện đó tóm tắt như sau: Lão Bích bị ho lao mười mấy năm trời vì cuộc sống quá đày ải, biết rằng mình sắp chết mà vẫn phải bỏ chòm xóm ra đi vì thiếu thuế thân, và không biết trông cậy vào đâu mà sống.
Ra đi với cái gì? Chỉ có đứa con nhỏ với chiếc xuồng nát.
Sau cuộc vượt đồng đêm tránh thuế, lão Bích chết giữa dòng nước mênh mông, xác neo dưới ruộng. Trước khi chết, lão nhớ mình còn cái áo đang mặc, bảo con cởi ra lấy mà dùng, mình chết trần cũng được, chúng ta hãy nghe Sơn Nam diễn tả trạng huống đó:
Thằng Kim bò trên xuống, hươi dầm định đập lũ quạ đang liều lĩnh bu lại mũi xuồng. Lão Bích lắc đầu:
“Nó muốn rỉa xác tao thì cứ rỉa. Coi chừng chìm xuồng, rán bơi tới nữa… con ơi!”
Rồi lão nắm tay nó mà kéo lại sát mặt:
“Thấy chòm cây, xóm nào trước mặt không? Hừng sáng rồi hả?”
Thằng Kim hoảng hồn, đoán rằng cha nó hấp hối. Mặt trời sắp lặn. Nó bơi mạnh, qua lượn sóng to, nó hồi hộp, chưa kịp nghỉ tay là lượn sóng khác tràn tới. Đằng xa kia, ẩn hiện trên ngọn sóng, lúa xanh rì. Từ hồi sáng, mặc dầu nó bơi liên tiếp, cảnh vật xung quanh vẫn y hệt. Nước chảy hăng, tràn lan từ bờ sông Hậu Giang ra vịnh Xiêm La, chảy mãi về hướng Tây. Nó thắc mắc: nước ở đâu mà nhiều quá, ngập đồng ruộng, sâu cỡ hai thước mênh mông không bờ, không bến như biển khơi. Hồi hôm lão Bích dẫn giải:
“Đây vùng ruộng xạ thuộc tỉnh Long Xuyên. Hằng năm, nước lên vài tháng rồi giựt xuống. Đi tắt như vậy hơi cực, nhưng không ai xét giấy thuế thân.”
Giờ đây nó mới hiểu rõ sự thật của tiếng “hơi cực”.
… Mặt trời xuống, ngày một thấp. Và rặng cây ban nãy biến đâu rồi? Sóng gió đã dịu. Phía trước mũi xuồng, lố nhố những đống đen ngòm, chuyển động như giăng ngang kín chân trời.
Lão Bích nói với giọng yếu ớt:
“Thấy bờ bến gì chưa?”
Nó nghiêng tai nghe tiếp:
“Ba để lại cho con chiếc áo này… Yếu quá… Ba ngồi dậy cởi áo không được… Con…”
Nó trố mắt. Hai chân của cha nó im lìm như khúc gỗ, bỗng nhiên cựa quậy, giãy giụa.
“Sao… sao không cha?”
Lão Bích không nói nên lời, môi mấp máy. Đôi mắt lão trợn trắng, rồi nhắm lại, sâu hoắm.
Thằng Kim la rú lên, bò tới. Tay chân ba nó đã lạnh ngắt, mặt thì xanh đen. Nó khóc không nên tiếng, nước mắt, nước mũi cứ tuôn xuống…
Lão Bích đã chết rồi qua những câu văn thật mộc mạc và vô cùng cảm động của Sơn Nam. Nhưng chết đã vậy, việc chôn cất thì sao? May mắn thay, thằng Kim đã được sự giúp đỡ của những con người tuy không ruột thịt nhưng tình thương đồng loại đã gần như một bổn phận thiêng liêng đối với họ. Sơn Nam nói với chúng ta nỗi cay đắng ấy:
Nghe thằng Kim thuật lại hoàn cảnh của cha nó, ông Hai Tích thở dài, gọi bà Hai nấu thêm cơm để thằng Kim cùng ăn. Thằng Kim nuốt không vô, hồi xế trưa đến giờ, tâm trí nó bận rộn vì một câu hỏi mà nó không dám thốt ra: “Chôn ba nó ở đâu? Làm sao mà chôn?”. Bà Hai gọi ông Hai ra phía sau. Hai vợ chồng nói qua nói lại thì thào. Ông Hai trở ra:
“Ý của cháu thế nào? Miệt này, mùa này ai rủi ro cũng vậy. Bác coi cháu như người nhà nên mới nói thiệt. Phải chôn gấp nội chiều nay, lòng vòng chờ sáng mai không ích lợi gì.”
Thằng Kim hỏi:
“Thưa bác, chôn ở đâu?”
Đoán được vẻ lo âu sợ hãi ấy, ông Hai Tích ngập ngừng:
“Nói là chôn cho đúng tục lệ chớ đất đâu mà chôn?”
Tứ bề là nước. Có hai cách: một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo trên mặt nước, chờ khi nước giật mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây, dằn đá mà neo dưới đáy ruộng…
Thằng Kim đập đầu xuống sàn nhà, hai tay bức tóc:
"Trời ơi, phải biết vậy, ba tôi tới xứ này làm chi…"
Thế là xác lão Bích được neo ở dưới ruộng, thằng Kim đau xót nhìn mặt nước như con ác thú khổng lồ há miệng nuốt trọn thân xác cha nó một cách ngon lành, để rồi mai đây tới mùa nước giựt, thịt da của lão Bích tan vào lòng nước, còn lại nắm xương tàn cũng bị đồng hóa với xương trâu “len" đi xa chết bệnh dọc đường, không còn ai nghĩ tới, nhớ tới và bị những luống cày lấp đi cho lúa xạ mọc lên.
Tâm hồn Sơn Nam nghiêng xuống nỗi đau của cuộc đời với lối hành văn đặc biệt. Người đọc có cảm tưởng nỗi đau ấy là của chính anh. Nhưng không phải truyện nào của Sơn Nam cũng mang sắc thái u buồn ấy, có truyện anh viết thật dí dỏm như truyện “Bác vật xà-bông”, có truyện nhẹ nhàng, súc tích chứa ẩn một triết lý nhân sinh như truyện “Cô Út về rừng”. Có truyện gần giống truyện cổ hoang đường quái dị của vùng Thất Sơn kỳ bí như truyện “Miễu Bà Chúa Xứ”. Có câu truyện tình buồn man mác, thấm thía và đẹp như thơ. Họ yêu nhau vì câu hò, tiếng hát. Họ gặp nhau như cơn gió, rồi xa nhau cũng nhẹ như một cơn gió. Tiếng hò tha thiết ấy, qua lời văn của Sơn Nam, hình như đến bây giờ vẫn còn bay bàng bạc trên mặt sông Cái Lớn, trong rạch Cái Ca để nuối thương mối tình đã mất.
Dưới ngòi bút Sơn Nam, không phải đời sống của nông dân miền Nam hoàn toàn hiền lành và bao dung tuyệt đối. Họ cũng biết áp dụng triệt để “luật sống” trong những tháng ngày phải tranh giành miếng cơm, manh áo. Họ cũng biết dùng thủ đoạn, mánh khóe hiểm độc để hạ nhau như thầy Rắn Năm Điền ở trong truyện “Cây huê xà”. Nhưng luật nhân quả đã được Sơn Nam tôn trọng để đi đến kết cuộc: kẻ nào làm trái, kẻ ấy sẽ gặp không hay.
Sơn Nam viết thật phong phú. Anh dắt người đọc đi từ trạng thái này qua trạng thái khác, ở mỗi trạng thái lại nảy ra cá tính riêng biệt như truyện “Hát bội giữa rừng” đã làm người đọc nửa say mê, nửa bỡ ngỡ với không khí sặc mùi văn nghệ giữa chốn rừng sâu, chỉ có cá sấu và cọp. Mà lạ thay, cái “văn nghệ rừng” ấy lại cảm hóa được chúa sơn lâm, đến nỗi khi gánh hát đi rồi, sân khấu đã tốc nóc, bao nhiêu nọc làm hàng rào đã ngả nghiêng trên dòng nước, mà đôi cọp vẫn thường tới lui ngồi ủ rũ dựa gốc cây dừa bên bờ rạch như nhớ tiếc. Có người cho rằng nếp sống văn nghệ của Sơn Nam không theo kịp thời đại, thời đại đầy dẫy phi lý thoe quan điểm Camus, thời đại hưởng thụ của Sartre, thời đại đam mê của Sâng hoặc xa hơn nữa, thế giới trừu tượng của thi ca và hội hoạ, thế giới của những con người sống vội vã, cuồng nhiệt chạy theo dục vọng qua ánh đèn xanh đỏ. Nói một cách chính xác hơn, Sơn Nam đã từ chối vòng hoa ân thưởng với tất cả can đảm vì đã dám sống và sống thực với cảm nghĩ của mình. Sơn Nam làm văn nghệ vì sự thôi thúc của bản năng, vì nỗi dằn vặt của nội tâm. Càng đọc anh, chúng ta càng nhận thấy rõ rằng thân phận con người Việt Nam được phản ánh qua những khung cảnh khắc khổ của thiên nhiên, của xã hội, cái thiên nhiên và xã hội dưới thời nô lệ như a tòng với nhau để đè nén con người. Sơn Nam đã truyền vào máu ta từng hơi thở, hơi thở oai hùng, bất khuất của lớp người đi trước để làm vốn cho người hôm nay, cả lớp người ngày mai nữa.
Tâm hồn Sơn Nam bình dị, thật bình dị như cỏ cây và thanh thoát như khí trời. Những lời nói và hành động trong văn chương cũng như giữa cuộc sống đều toát ra sự hiền hoà, chân thực chẳng riêng với mình, còn với người. Quê hương miền Nam và kích thước của miền Hậu Giang như gói trọn trong cơ thể Sơn Nam, nó là những vi ti huyết quản, nó là xương máu, da thịt. Nó là sự “bất khả lìa”. Nó có đấy, còn đấy và mãi mãi còn đấy. Sự kiện này được chứng minh ở tâm sự của mỗi nhân vật hiện diện trong văn chương Sơn Nam. Nói đến văn chương, đích thực Sơn Nam không làm văn chương mà chỉ sử dụng văn chương để gửi gắm nỗi khắc khoải, nỗi nhớ thương quê cha đất mẹ, qua những cơn phong ba thời đại.