watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
15:27:0618/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Tây Sở Bá Vương Hạng Võ - Trang 25
Chỉ mục bài viết
Tây Sở Bá Vương Hạng Võ
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Trang 18
Trang 19
Trang 20
Trang 21
Trang 22
Trang 23
Trang 24
Trang 25
Trang 26
Tất cả các trang
Trang 25 trong tổng số 26

Chương 16
Di hận tại Cai Hạ

Sinh ly tử biệt

Chín vạn quân Sở do Tây Sở Bá Vương Hạng Võ chỉ huy, sau khi kéo tới Cai Hạ thì dừng lại.  Ông chuẩn bị mở một trận quyết chiến sau cùng với liên quân Hán tại đây.
Hán và liên quân của các chư hầu cũng dàn trận để quyết chiến.  Hàn Tín do được sự tín nhiệm của Lưu Bang, đã trở thành thống soái của ba chục vạn liên quân, trong lòng lấy làm đắc ý, quyết tâm thi thố tài năng của mình để không phụ lòng tin cậy của Hán Vương.  Ông đã bố trí trận quyết chiến này như sau: ra lệnh cho Khổng tướng quân chỉ huy quân cánh tả, Phí tướng quân chỉ huy quân cánh hữu, còn ông thì chỉ huy trung quân.  Cánh quân của  Lưu Bang, ở phía sau, còn Châu Bột, Sài tướng quân thì làm hậu vệ cho Lưu Bang.  Trong cuộc hội nghị trước khi diễn ra trận đánh, Hàn Tín đã có lời chỉ thị một lần nữa đối với thủ lĩnh của các cánh quân, hiệu triệu các cánh quân đều phải nghe theo sự chỉ huy thống nhất, hành động phải nhịp nhàng, kết hợp thành một khối vững chắc, để đánh một đòn cuối cùng và có tính chất hủy diệt đối với quân đội của Hạng Võ.
Giờ tấn công đã điểm.  Sáng sớm ngày hôm đó, trong doanh trại của liên quân trống trận nổi lên inh ỏi, tiếp theo, Hàn Tín dẫn trung quân tiến ra khỏi doanh trại, còn các cánh quân khác thì nối tiếp theo sau như sự bố trí trong kế hoạch, đằng đằng sát khí, cát bụi tung bay mù mịt.
Đối diện với liên quân, quân Sở cũng sẵn sàng để quyết chiến.  Chín vạn binh mã do Tây Sở Bá Vương dẫn đầu vẫn không mất hết nét oai phong của một đạo quân mạnh mẽ.  Khi giao chiến bắt đầu, Hạng Võ cũng giống như trước đây, luôn đi đầu các binh sĩ.  Trong tay ông cầm một cây giáo xà tiêu, cưỡi trên lưng con ngựa Ô Truy, to tiếng quát tháo, rồi xông về phía trước một cách dũng mãnh, để đánh nhau với quân địch.   Hạng Võ không hổ là một viên mãnh tướng, đứng trước ba chục vạn đại quân với khí thế ồ ạt, ông không hề tỏ ra sợ hãi, trái lại, càng đánh càng hăng, với một sức mạnh không ai chống đỡ nổi.  Hàn Tín bị sự áp đảo của Hạng Võ không khỏi khiếp đảm.  Đôi bên đại chiến mấy hiệp, Hàn Tín dần dần cảm thấy đuối sức.  Để tránh khỏi bị thảm hại, nhất là để tránh kế hoạch quyết chiến chung khỏi bị phá sản, Hàn Tín không dám tiếp tục giao tranh mà nhanh chóng thu hồi quân rút lui về phía sau.  Hạng Võ thấy Hàn Tín rút lui, trong lòng hết sức vui mừng, xua quân đánh thốc về phía tây.  Nào ngờ, trong khi trung quân của Hàn Tín rút lui, thì theo kế hoạch hai cánh quân ở phía tả và phía hữu liền xông lên giành lấy vị trí chiến đấu.  Họ chờ cho Hạng Võ xua quân thọc sâu thì hai cánh quân ở phía phải và phía trái do Khổng tướng quân và Phí tướng quân chỉ huy liền tràn lên chiến đấu.  Trung quân của Hàn Tín được biết quân Sở đã bị chặn đứng liền quay trở lại ra tay sát phạt.  Ba cánh quân nói trên đã tạo thành một thế bao vây ba mặt đối với quân Sở.  Quân Sở từ đó lâm vào thế bất lợi.  Đôi bên kịch chiến một lúc lâu thì quân Sở bắt đầu núng thế, vì tổn thất quá nặng nề.  Trong khi đó liên quân chiến đấu mỗi lúc càng thêm hăng.  Đến giữa trưa, quân Sở cuối cùng đã bị đánh bại, phải rút lui về thế phòng ngự.  Hạng Võ ra lệnh cho toàn quân: đắp luỹ vững chắc đề phòng bị đột kích.  Lúc bấy giờ Hàn Tín chỉ huy ba chục vạn quân bao vây quân Sở thành nhiều lớp rất chặt chẽ.

Tình hình này kéo dài suốt mấy hôm, quân Hán vẫn không mở cuộc tấn công.  Họ nới lỏng đội ngũ để tiến hành bao vây từ nhiều mặt.  Ý đồ tác chiến của Hàn Tín là tạm thời tránh cách đánh trực diện với quân Sở, thực hiện cách bao vây để chờ quân Sở ăn hết lương thực sẽ tiêu diệt chúng.
Lúc bấy giờ đang ở giữa mùa đông, khí trời rất lạnh, trong khi y phục của quân Sở lại quá mong manh, lương thực không đủ ăn, tình hình sĩ khí liên tực giảm mạnh.  Ban ngày họ tìm những nơi có ánh nắng để sưởi ấm, đến đêm thì máy người chen chúc vào nhau để tạo hơi ấm.  Đáng lý việc canh phòng doanh trại phải có đông đủ binh sĩ tham gia, nhưng do quân Hán không mở cuộc tấn công, nên họ cũng buông lỏng sự cảnh giác, chỉ để lại một ít người đi tuần tiễu, còn tất cả thì ở trong doanh trại trướng nghỉ ngơi.  Họ rất ít đi lại và cũng lười nói chuyện với nhau.  Tất cả chỉ biết buồn bã ngồi cạnh nhau để lấy hơi ấm, và nhắm mắt lại để dưỡng thần.  Các tướng lãnh biết binh sĩ của họ bị đói bụng, và cần phải duy trì thể lực cho nên cũng không quản lý họ quá chặt chẽ, mà để cho họ được tự do.  Các tướng lãnh cũng như binh sĩ đều cảm thấy tương lai rất mờ mịt, chuyện sống chết không ai đoán được.  Tất cả họ đều biết quân Sở đang bị quân Hán bao vây rất chặt chẽ, muốn phá vòng vây không phải là chuyện dễ.  Họ hy vọng quân Hán mau chóng mở cuộc tấn công để cùng nhau đánh một trận cho hả hê, sớm kết thúc tình trạng dở sống dở chết trong cảnh bị bao vây như thế này.  Sự chờ đợi đó làm cho người ta buồn bực và sốt ruột, nhưng  vẫn phải cứ chờ đợi, vì họ còn biết làm cách nào khác hơn.  Quyền chủ động không còn ở trong tay họ, cho nên họ phải chờ đợi mà thôi.

Đêm hôm đó trời đặc biệt tối, mặt trăng và các vì sao đều bị mây đen che phủ không thể lọt ra ngoài một tí ánh sáng nào.  Núi và cây gần như đều trở nên mông lung, giống như bị trùm lên một tấm màn mỏng màu đen.  Tất cả cảnh vật thiên nhiên, đều yên ắng trong một không gian phủ kín màu đen, không một tiếng động, không ai nói cười, trong lòng mỗi người nặng trĩu nỗi buồn và những suy nghĩ miên man.
Trong doanh trại của quân Sở, những ngọn đèn thắp bằng mỡ thú đang lay động chập chờ, phản ánh những gương mặt vàng bệch và những đôi mắt sáng lờ mờ như đèn ma.  Tất cả tướng sĩ đều không ngủ được, vì bụng họ đang trống trơn, muốn dỗ giấc ngủ thật là khó, hơn nữa, lúc ban ngày họ đã nằm ngủ trên sườn đồi có ánh nắng.  Để xua đuổi những cơn đói và lạnh, họ thì thầm nói chuyện với nhau.  Đầu đề câu chuyện của họ là ăn, đặc biệt là những món ăn ngon ở quê hương của mình.  Hầu hết các binh sĩ đều là người đất Sở.   Đất Sở là nơi sản xuất lúa gạo.  Gạo có thể nấu cháo, có thể nấu cơm, khi nấu cơm có thể cho thêm vào một ít quả rim mật để làm gia vị, cơm đặc biệt thơm ngon.  Nếu nấu cơm khô thì ăn với canh nóng hoặc làm nước xốt trộn cơm lại càng thơm ngon hơn.  Giờ đây, nếu có thể ăn một bữa no nê, thì dù chết cũng hả dạ.  Gạo khi xay giã xong, còn có thể làm các loại bánh hoặc làm cơm nhồi ăn cũng rất ngon.  Nếu có thêm măng tre, củ sen, rau muống, su hào, hoặc nếu có một miếng gan heo, một miếng thịt dê, thì bữa cơm lại càng đậm đà hơn nữa.   Họ càng nói càng hăng và không ngớt nuốt nước bọt, khiến dạ dày rổng của họ dường như đã chứa đầy thức ăn.  Cơ thể vốn thiếu nhiệt lượng của họ chừng như đang dâng lên một luồng hơi ấm.  Họ đã thấy thỏa mãn, thấy phấn khởi, nhưng sau đó lại nhanh chóng trở thành một cảm giác đói lạnh nặng nề và khổ sở hơn.
Giữa bầu trời đêm mênh mông bỗng vang đến một bài hát:
Ruộng vườn sắp hoang vu rồi sao không về?
Nghìn dặm tùng quân là vì ai?

........

Ôi!  tiếng hát của đất Sở sao nghe thân thiét và quen thuộc quá!  Tất cả các binh sĩ không ai bảo ai cùng nhau bước ra cửa lều trướng, im lặng lắng nghe.  Tiếng hát đó làm cho họ như thấy rõ núi non sông nước tại quê hương của mình, thấy rõ những phụ lão, những thân phận quen thuộc ở vùng quê hương.  Trong lòng họ bỗng dậy lên một nỗi niềm nhớ quê hương tha thiết.  Có người tặc lưỡi thở dài, có người âm thầm  rơi lệ, cũng có người cất giọng khe khẽ hát theo.  Họ nhìn bầu trời đen tối trong lòng vô cùng đau khổ.
Những khúc ca đó làm cho Tây Sở Bá Vương đứng ngồi không yên.  Ông nghiêng tai lắng nghe, nhận thấy tiếng hát đó từ trong doanh trại của quân Hán bay ra.  Chừng như có rất đông người cùng hát, giống như một đoàn hợp xướng có đến hàng nghìn, hàng vạn ca sĩ đang hát một cách nhịp nhàng, trùm kín cả doanh trại của quân Sở.  Tiếng hát khi nhạt, khi khoan, khi bổng khi trầm, khi ai oán lúc thiết tha, thể hiện một thứ tình cảm quê hương đậm đà.   Tiếng hát làm cho Hạng Võ nhớ lại tất cả những gì ở quê nhà, nào là núi xanh, nước biếc, nào là những cánh đồng phì nhiêu, lúa trĩu hạt, nào là những chiếc thuyền câu nhấp nhô trên sóng nước, nào là phong cảnh xinh đẹp đáng yêu của quê hương.  Ông đã lớn lên trên đất Sở, sự nghiệp của ông, những gì mà ông theo đuổi, những thành công mà ông gặt hái được đều gắn liền với mảnh đất của quê hương.  Dòng máu chảy trong huyết quản của ông chính là dòng máu của người Sở, không giờ phút nào ông có thể quên đi nước Sở mà tổ tiên ông đã từng hiến thân.  Những hoài niệm sâu xa đó làm cho Hạng Võ cảm thấy nôn nóng muốn trở về quê hương ngay, nhưng hiện thực thì không cho phép ông được đi đâu cả.  Nhớ lại chuyện đã qua, rồi liên kết với chuyện trước mắt, Hạng Võ cảm thấy một nỗi buồn đau lướt qua tâm hồn mình.
Khi Hạng Võ có những ý nghĩ miên man đó trở về với thực tại, thì trước ánh sáng lù mù của những ngọn đèn chung quanh lại  không khỏi suy nghĩ: chẳng lẽ quân Hán đã chiếm lĩnh toàn bộ đất đai của nước Sở rồi hay sao?  Tại sao trong doanh trại của quân Hán có nhiều người như thế?  Kể từ ngày Bành Thành bị chiếm đóng, thì tin tức mất thành mất đất cứ nối tiếp nhau truyền đến.  Lòng ông nôn nóng như bị lửa đốt nhưng lại không có cách giải quyết nào.  Ông thường lo ngại những vùng đất mà ông phải đổi bằng máu xương qua những cuộc chiến đấu mới có udodjc thì ngày nay lại mất hết.  Nếu đúng như vậy, thì ông dù có nhà cũng không thể trở về, và bao nhiêu công lao trước kia đều phủi sạch.  Từ những tiếng hát theo điệu Sở ca đã làm cho Hạng Võ suy đoán như thế và ngày nay đã trở thành sự thật.  Ông không khỏi cảm thấy vô cùng bối rối, vầng trán tự nhiên lấm tấm mồ hôi.
- Cho rượu ra!

Đôi mắt ông nhìn sững sờ, và miệng lẩm bẩm một câu nói như thế.  Tức thì, những người hầu liền mang rượu và thức ăn ra với một thái độ vô cùng kính cẩn.  Họ đặt rượu và thức ăn lên mặt bàn.  Thức ăn rất tầm thường, chỉ có một món xào duy nhất, Hạng Võ không tham tài háo sắc giống như Lưu Bang, ăn uống cũng rất giản dị.  Ông không có vợ đôi vợ ba, mà chỉ có một mình Ngu Cơ nương nương.  Hằng ngày thức ăn của ông cũng không có hai món, mà chỉ một món là đủ rồi.  Người đầu bếp thấy Bá Vương luôn ngồi  trên lưng ngựa đi chinh chiến khắp nơi, quá cực nhọc, lại ăn uống quá đạm bạc nên nghĩ ra một cách là chọn những món ăn mà Hạng Võ yêu thích như thịt gà xé sợi, cá vò viên, hải sản, rau cải, rồi xào chung thành một món duy nhất để có đủ chất bổ dưỡng.  Nhưng hôm nay món xào lại càng giản dị hơn, chỉ có mấy miếng thịt chim trĩ xào với củ cải.  Trong quân đội gần như hết sạch lương thảo, vậy tìm đâu ra những món ăn ngon.  Cũng may là Hạng Võ không chú ý tới điều đó, mà ông chỉ lo uống rượu.  Cứ ly này uống cạn thì lại rót ly khác.  Ông hoàn toàn không còn nhận ra hương vị của rượu nữa, mà chỉ thấy nó đắng và chát làm sao!
Hạng Võ vừa mới rót đầy ly rượu, đang muốn bưng lên uống thì một bàn tay dịu dàng đã ngăn ông.  Hạng Võ ngước mặt nhìn lên, thấy đó là Ngu Cơ.  Hôm nay Ngu Cơ mặc một bộ trắng rất giản dị, trên búi tóc cũng chỉ có một vài món trang sức.  Đôi mày của nàng hơi cau lại, đôi mắt sáng đượm nét buồn.  Khi ánh mắt của Hạng Võ nhìn lên khuôn mặt căng tròn, da thịt trắng mịn của Ngu Cơ, thì trong lòng không khỏi xúc động.  Vì ông đã nhận ra nét lo lắng của Ngu Cơ.   Nàng đang lo lắng cho số phận của quân Sở.  Hạng Võ cảm kích người ái Cơ của mình, nên khẽ gật đầu, đưa tay kéo nàng đến gần mình và ngồi xuống bên cạnh.
Kể từ ngày lấy Hạng Võ, Ngu Cơ vẫn thường sống bên cạnh chồng.  Trong những cuộc đông chinh tây chiến, trong lúc hành quân nhọc nhằn, họ luôn luôn sống gần bên nhau.  Họ cùng hưởng niềm vui qua những trận thắng lợi, và chia sẻ nỗi buồn trước những trận thất bại.  Tình cảm của hai người rất gắn bó với nhau.  Trên chiến trường Hạng Võ là một võ phu oai dũng, nhưng khi đứng trước Ngu Cơ thì ông lại là một người chồng rất nhu mì.  Tình thương chung thủy và duy nhất của ông, đã làm cho Ngu Cơ cảm thấy càng thêm ấm áp.   Ngu Cơ cũng đem tất cả cuộc đời của mình gắn chặt với sự nghiệp của Hạng Võ, luôn luôn là một người nội trợ đảm đang trung thành.  Nàng đã nhiều lần hiến kế hay cho Hạng Võ, và trong đời sống hằng ngày, và trong đời sống hằng ngày, nàng luôn luôn chăm sóc cho Hạng Võ một cách đầy đủ và tỉ mỉ.  Trong những ngày gần đây, do tình hình bất lợi, Ngu Cơ càng lo lắng hơn bao giờ hết, nhưng nàng cố che giấu sự lo lắng đó, vì sợ Hạng Võ sẽ vì nàng mà bị chi phối việc quân.  Đêm hôm nay, tiếng Sở ca từ bốn bên vọng tới, đã làm cho nàng cảm thấy phập phồng.  Chừng như nàng linh cảm những chuyện bất tường sắp xảy ra, đó là một cuộc sinh ly tử biệt đáng sợ.  Nàng dựa sát vào người chồng, như sợ Hạng Võ sẽ rời nàng ra đi.  Qua những năm chinh chiến liên tục, Ngu Cơ đã quen cảnh xa chồng, nhưng trong cái lạnh của đêm nay, nàng không muốn rời chồng, dù cho có chết cũng chết chung một nơi.
Bên ngoài doanh trướng có tiếng ngựa hí vọng vào.  Đó là tiếng hí của con ngựa Ô Truy.  Con ngựa này từng được Bá Vương Hạng Võ cưỡi để xông pha khắp các chiến trường, đã lập được nhiều chiến công to lớn.  Hạng Võ rất yêu con chiến mã của mình, xem nó là một người bạn thân mật không biết nói.  Ngày thường cứ mỗi lần con ngựa Ô Truy hí vang, đều làm cho tinh thần của Hạng Võ thêm phấn chấn, ý chí thêm hào hùng.  Thế nhưng giờ đây tiếng hí của nó càng làm cho tâm trí của Hạng Võ thêm rối bời.  Đứng trước một viễn cảnh tuyệt vọng, tai nghe Sở ca nổi lên khắp bốn bên khiến cho Hạng Võ cảm thấy rất tuyệt vọng.  Tâm trạng phức tạp của ông đã biến thành một khúc ca bi tráng:
Lực bạt sơn hề khí cái thế,
Thời bất lợi hề truy bất thệ,
Truy bất thệ hề khả nại hà,
Ngu hề Ngu hề nại nhược hà?


Dịch:
Sức nhổ núi chừ khí trùm trời,
Thời bất lợi chừ ngựa chùn rồi,
Ngựa chùn rồi chừ biết sao đây,
Ngu hề Ngu hề phải làm gì?


Bài hát ấy xuất phát từ đáy lòng của Hạng Võ, phản ảnh tình trạng tiến thoái lưỡng nan của chính ông.  Hạng Võ hát lên bài hát đó với tất cả sự rung động của lòng mình, và bất giác hai dòng lệ trào ra, Ngu Cơ nghe qua cảm thấy như dao cắt ruột, để Hạng Võ không quá đau thương, Ngu Cơ cười gượng rồi đứng lên, nói:
- Này Đại Vương, đêm nay không phải như những đêm bình thường, Đại Vương đã cất tiếng hát vậy tiện thiếp xin bước ra múa để giúp vui cho Đại Vương. 
Hạng Võ cũng gượng cười khẽ gật đầu.  Ngu Cơ nhẹ nhàng bước ra tuốt kiếm vừa múa vừa hát:
Hán binh dĩ lược địa,
Tứ diện Sở ca thanh.
Đại Vương ý khi tận,
Tiện thiếp hà liêu sanh!

Dịch:
Hán binh đã xâm nhập,
Bốn phía tiếng Sở ca.
Đại Vương ý chí hết,
Thiếp sống nào thiết tha!


Múa xong, Ngu Cơ bước đến gần Hạng Võ, nói:
- Kể từ khi thiếp theo hầu hạ Đại Vương cho tới nay, được Đại Vương ưu ái trăm phần, thiếp thật không muốn ngày nào xa nhau.  Nhưng nay quân Hán đang bao vây lớp lớp, quân Sở sắp sửa lâm nguy, vậy tiện thiếp phải đành đi trước.   Mong Đại Vương đột phá trùng vây, chỉnh đốn lại sơn hà, được vậy thì thiếp cũng an lòng nhắm mắt dưới chín suối!
Nói tới đây, Ngu Cơ khóc như mưa, nghẹn ngào không thốt nên lời nữa.  Nàng nhìn Hạng Võ với đôi mắt thâm tình, nói:
- Xin Đại Vương hãy bảo trọng!
Dứt lời nàng tung gươm khứa ngang cổ tự sát.
Một sinh mệnh đã kết thúc, một thân người đẹp như một pho tượng tạc bằng ngọc đã ngã quỵ trên vũng máu.  Tiếng gió đã im, cả trời đất đều trở nên im lặng một cách đáng sợ.  Thời gian chừng như cũng dừng lại.
Hạng Võ đang đứng trơ trơ bên cạnh vợ, bỗng đau đớn òa lên khóc to:
- Bớ Ngu Cơ...
Ông nhảy bổ tới ôm chầm lấy xác của Ngu Cơ, nước mắt đầm đìa.  Những người hầu cận nghe tiếng động vội vàng chạy vào, tất cả họ đều òa lên khóc.  Họ đau đớn và tiếc nuối cho cái chết của Ngu Cơ và đau buồn trước tương lai của Sở.
Bên ngoài doanh trướng, tiếng Sở ca lại vang lên như tiếng nhạc gọi hồn, làm cho đêm tối đen đầy bi thảm càng thêm rùng rợn.  Hạng Võ gần như mê loạn, không biết đâu là nơi có mặt trời, đâu là nơi có mưa rơi.

Chương 16 (B)
Tám trăm tráng sĩ

Sự kiện Hạng Võ sinh ly tử biệt với Ngu Cơ là một sự kiện xúc động lòng người nhất trong trận chiến tại Cai Hạ.  Sự yêu thương của một người anh hùng đối với mỹ nhân, sự tuẫn tiết của một mỹ nhân đối với người anh hùng, đã phổ lên một bản bi ca thâm trầm, rung động không biết bao nhiêu tâm linh của người đời.  Có người đồng tình, có người xót thương, có người cảm động và buồn đau, hơn nữa, cũng có những câu chuyện truyền thuyết trong dân gian mang màu sắc truyền kỳ được truyền tụng thật lâu dài, và không bao giờ mất đi sự hấp dẫn.  Ngày nay, trong dân gian tại Từ Châu có một món ăn để tẩm bổ được đặt tên là món "Bá Vương Biệt Cơ", có sự tích tương quan đến câu chuyện giữa Hạng Võ và Ngu Cơ.  Tương truyền vào giai đoạn cuối của cuộc tương tranh giữa Sở và Hán, do quân lực của Sở ngày càng suy yếu, khiến Hạng Võ phải ngày đêm bôn ba rất cực nhọc, ăn uống thất thường.  Ngu Cơ thấy vậy  rất lo lắng, nên đã làm ra một món ăn để cho Hạng Võ tẩm bổ.  Nàng dùng con ba ba có rất nhiều tại Bành Thành, đem chưng với gà mái thành một món ăn ngon.  Hạng Võ ăn xong, lên tiếng khen ngợi liên tiếp, và cảm thấy tinh thần khoẻ khăosn ra.  Từ đó về sau, Ngu Cơ thường bảo người làm bếp nấu món này cho Hạng Võ dùng.  Từ đó trở đi, người đầu bếp đã nổi danh với món ăn đó.  Sau khi Hạng Võ bị đánh bại và chết đi, thì người đầu bếp đã lẫn trốn đến một nơi khác để sinh sống.  Nhưng ông ta vẫn tiếp tục làm món ăn nói trên, để tưởng niệm đến Hạng Võ và Ngu Cơ, người đầu bếp này đã gọi món ăn ba ba hầm với gà mái là món "Bá Vương Biệt Cơ".  Cho tới ngày nay, người ở vùng Từ Châu vẫn rất thích ăn thịt ba ba, nhất là thích ăn món ba ba hầm với gà mái, và cứ khi ăn món đó thì họ lại nhắc đến câu chuyện bi tráng giữa Hạng Võ và Ngu Cơ, để hoài niệm một chuyện tình đẹp đầy bi tráng...

Hạng Võ khi ôm xác Ngu Cơ thì ruột gan như đứt từng đoạn.  Ông gọi tên Ngu Cơ thật to không biết bao nhiêu lần.  Ông không tin là Ngu Cơ đã xa rời ông trong một hoàn cảnh như thế.  Trước mắt ông, hình bóng yêu kiều của Ngu Cơ vẫn còn hiện rõ.  Bên tai ông tiếng nói dịu dàng của Ngu Cơ vẫn còn nghe như lúc nàng còn sống.  Qua hình ảnh đó, qua tiếng nói đó, lại càng làm cho ông đau khổ muôn phần.  Từ trước tới nay, ông chưa bao giờ cảm thấy đau khổ và cô độc đến như vậy.  Tinh thần của ông gần như bị sụp đổ, ông chưa bao giờ cảm thấy tuyệt vọng đối với sự nghiệp, đối với tương lai của mình đến như vậy.
Người anh của Ngu Cơ là Ngu Tử Kỳ hay tin vội vàng chạy tới.  Ông thấy em gái của mình đã chết, vì quá đau đớn, nên cũng tuốt gươm tự sát.  Như vậy, càng làm cho quả tim vốn tan nát của Hạng Võ lại càng đau đớn ê chề.
- Bẩm Đại Vương, chúng ta dù sao cũng phải tìm một biện pháp chứ!  Phải phá vòng vây trở về Giang Đông, biết đâu còn có cơ hội quật khởi một lần nữa!
Các tướng lãnh thân cận của Hạng Võ sau khi khóc một lúc, đã lên tiếng nhắc nhở vị thống soái của mình.  Đến chừng đó, Hạng Võ mới ý thức được các tướng sĩ dươi tay mình vẫn còn mong chờ quyết định của mình.  Hạng Võ cố đè nén đau thương trong lòng để quay trở về với thực tại.  Ông lên tiếng hỏi các tướng sĩ:
- Chúng ta hiện giờ còn bao nhiêu binh mã?
Một tướng lãnh đau đớn cúi đầu đáp nho nhỏ:
- Tám trăm!
Hạng Võ nghe qua không khỏi giật mình, đôi mày cau lại.  Tám trăm ư?  Chả lẽ thực sự dưới tay mình chỉ còn vỏn vẹn có tám trăm người?  Trước đây khi khởi binh tại Giang Đông, ông có dưới tay tám nghìn tử đệ, về sau cứ mỗi lần chiến thắng thì đội ngũ lại nhanh chóng mở rộng thêm, đông đến năm chục vạn binh mã.  Ngày nay tình cảnh lại bi đát đến mức độ như thế này, thực là đáng buồn thay!  Ông bắt đầu tự trách, vì sự chỉ huy của mình đã phạm phải sai sót, vừa khinh địch vừa thiếu cảnh giác, nên mới dẫn tới tình trạng hao binh tổn tướng.  Ông thấy nản lòng, vì chỉ có tám trăm người trong tay, thì làm sao đối phó được với ba chục vạn binh mã của quân Hán?  Nhưng, với một tâm trạng phục thù và lòng tự tin mù quáng, đã khiến ông phấn chấn trở lên.  Ông phải phục thù, phải phục thù cho Ngu Cơ, phải phục thù cho các tướng sĩ vong trận của quân Sở.  Ông vẫn không xem quân Hán ra gì, và vẫn tin tưởng một cách kiên định, là Tây Sở Bá Vương Hạng Võ không có trận chiến đấu nào bị thất bại, với sự dũng cảm phi thường của ông, ông hoàn toàn có thể đột phá trùng vây của quân Hán.
Tức thì, ông ra lệnh cho binh sĩ chôn cất Ngu Cơ và người anh vợ là Ngu Tử Kỳ, rồi tập hợp tám trăm tráng sĩ lại trước doanh trướng của mình nói với họ:
- Hỡi các tướng sĩ!  Hạng Võ tôi thật có lỗi với các anh, chính tôi đã hại các anh!  Hiện nay chúng ta đang bị quân Hán bao vây lớp lớp, nhưng chúng ta phải phá trùng vây vượt ra ngoài, chứ không thể ngồi ở đây chờ chết.  Tôi sẽ dẫn các anh phá tan trận địa của địch, chém giết quân địch để trả thù cho bao nhiêu anh em đã bị chết, và cũng để khôi phục lại giang sơn đại Sở của ta!

Quân Sở còn lại tám trăm tráng sĩ, hầu hết đều là những thành phần tinh nhuệ trong quân đội.  Họ có cùng một tính khí giống như Hạng Võ: dám xung phong hãm trận, coi chết như không, kiên nghị quả đoán, không sợ cường địch.  Trong giờ phút đó, họ nghe Hạng Võ nói sẽ dẫn họ đột phá trùng vây, thì hăng hái muốn được thử sức mình, cho dù bụng họ đang trống không, quần áo mỏng manh phải chịu giá rét, nhưng khi nghe nói sẽ cùng quân Hán quyết chiến, thì tinh thần họ bỗng lên cao gấp trăm lần.  Mỗi người trong số họ đều có một giai đoạn lịch sử đáng kiêu hãnh.  Chiến công của họ đã chứng tỏ một cách hùng hồn: họ có thể giành được thắng lợi trong cuộc đột phá trùng vây.  Thế là họ cùng đồng thanh nói với Hạng Võ:
- Tôi bằng lòng đi theo Đại Vương!
Hạng Võ nhìn những người chiến sĩ y phục và khôi giáp xốc xếch, hết sức cảm động.  Ông liền xuống lệnh đột phá trùng vây, tự mình đi trước, dẫn tám trăm tráng sĩ theo sau, xông vào quân Hán đang bao vây giữa đêm tối.
Kỳ thực thì sự bao vây của quân Hán không phải quá chặt chẽ như Hạng Võ tưởng tượng.  Và trong số họ không có đông đảo những người Sở như ông nghĩ.  Việc quân Hán cùng nhau hợp xướng những bài hát của đất Sở, chẳng qua là một chiến thuật tấn công về tâm lý của Hàn Tín.  Vì Hàn Tín biết Hạng Võ cũng như các tướng sĩ quân Sở đều có tình cảm với quê hương rất sâu đậm, nên đã ra lệnh cho quân đội chư hầu cùng hát lên những bài hát đất Sở để lấy đó làm dao động tinh thần của quân Sở.  Kế hoạch đó của Hàn Tín quả nhiên đã có hiệu quả rõ rệt, làm cho tình cảm của Hạng Võ càng trở nên bi quan, đồng thời, có sự phán đoán sai lầm.  Trong khi Hạng Võ chưa sử dụng bao nhiêu sức mạnh là đã phá được trùng vây vượt ra ngoài, thì ông mới biết là quân Hán không phải có một sức mạnh phi thường như ông nghĩ.
Sau khi đột phá được vòng vây, Hạng Võ liền tiếp tục phi ngựa chạy về phía nam. Khi trời dần dần sáng tỏ, quân Hán mới phát hiện Hạng Võ đã thoát ra khỏi được trùng vây từ giữa đêm khuya.  Lưu Bang cấp tốc ra lệnh cho người chỉ huy kỵ binh là Quán Anh, dẫn năm nghìn kỵ binh đuổi theo Hạng Võ.  Trong khi đó thì Hạng Võ cố thúc ngựa chạy cho nhanh, mà không cần biết đến điều gì khác.  Vào buổi sáng hôm đó, Hạng Võ đã vượt qua sông Hoài, và khi quay đầu nhìn lại mới thấy số binh sĩ đi theo mình có nhiều người bị rớt lại ở phía sau, và số theo kiẹp ông chỉ còn hơn một trăm người.
Khi Hạng Võ tới Âm Lăng thì bị lạc đường.  Ông gặp một cụ già nhà quê, bèn dừng lại để hỏi đường thì cụ già đưa mắt nhìn Hạng Võ từ trên xuống dưới, rồi khẽ nhíu đôi mày xảo trá, thong  thả đáp:
- Đi về phía trái.

Hạng Võ liền phóng ngựa về phía trái như lời cụ già chỉ dẫn, nhưng đi không bao xa thì lại gặp phải một vùng đồng lầy mênh mông.  Hạng Võ đi tiếp một lát, thấy khu đầm lầy này quá rộng lớn và không có đường quay trở lại, bèn tìm đi về một hướng khác, nhưng vẫn không thấy có đường đi.  Lúc báy giờ người ngựa của họ đều quá mệt mỏi, nhưng họ không dám dừng chân nghỉ ngơi, và sợ quân Hán đuổi kịp.  Các tướng sĩ của Hạng Võ đều lên tiếng thán oán, mắng cụ già xấu bụng kia đã đánh lừa họ.  Hạng Võ nào biết cụ già kia muốn gạt họ đi vào con đường cùng không phải là không có lý do.  Kể từ ngày Hạng Võ khởi binh cho tới nay, ngoài một số việc làm tốt như đánh bại quân Tần, tiêu diệt quân Tần, ông  còn có những việc làm tàn bạo khác, như đi đến đâu thì cho binh sĩ đốt nhà, cướp của thẳng tay, cho nên họ đã trở thành một thứ tai hoạ mới của bá tánh, làm mất lòng dân.  Giờ đây, Hạng Võ đi lạc đường vào một khu vực đầm lầy rộng lớn, có thể nói là sự báo ứng tất nhiên của những việc làm tàn bạo đó.
Đưa mắt nhìn khu đầm lầy trước mặt, Hạng Võ cảm thấy như đây là một tấm lưới khổng lồ mà ông không thể nào thoát ra được.  Ông đã loanh quanh tại đó trong một thời gian khá lâu, chẳng khác gì bị rơi vào bẫy, không còn có thể thoát ra được.  Mãi tới khi họ tìm được lối ra thì toán kỵ binh của quân Hán đã xuất hiện trước mặt họ.  Hạng Võ lại đánh nhau một trận với quân Hán, rồi mới tiếp tục bỏ chạy về hướng Đông Thành.  Con ngựa Ô Truy quả không hổ danh là một con chiến mã số một trong thiên hạ.  Nó ngẩng đầu lên, co vó chạy như bay, chẳng khác nào có một thần lực phi thường.  Nhưng, những con ngựa khác thì không thể chạy nhanh như nó, vì chúng đã quá mệt mỏi, hai lỗ mũi thở phì phò khói trắng.  Có những con đã kiệt sức, té quỵ xuống đất không còn đứng dậy được nữa.  Khi Hạng Võ chạy tới Đông Thành, thì số binh sĩ còn bám theo kịp ông chẳng qua có hai mươi tám người, trong khi đó thì kỵ binh của quân Hán đuổi theo họ đông đến mấy nghìn người.
Nhìn toán binh mã đông đảo của quân Hán đuổi theo, trong lòng Hạng Võ không khỏi cảm thấy tuyệt vọng.  Ông suy nghĩ: địch đông  ta ít, đôi bên chênh lệch nhau quá xa, không còn hy vọng thoát thân được nữa.  Ông bèn nói với hai mươi tám chiến sĩ kỵ binh còn lại:
- Kể từ ngày ta khởi binh cho tới nay đã tám năm dài, bản thân ta đã trải qua hơn bảy chục trận chiến đấu, không ai có thể chiến thắng được ta, quân ta đi tới đâu đều tiến như chẻ tre tới đó.  Ta chưa từng bị thất bại và nhờ đó mà ta đã chiếm được cả thiên hạ, tự xưng là Bá Vương.  Nay ta bị vây khốn ở nơi đây, đó là ý trời muốn giết ta, chứ không phải ta có sự sai sót trong chiến đấu!
Nói tới đây, ông dùng ánh mắt thăm dò nhìn về phía những người kỵ binh của mình.  Tất cả số kỵ binh đó đều gật đầu cho là phải.  Hạng Võ cảm thấy như được an ủi, cảm thấy đã thỏa mãn.  Ông có tính trọng danh dự rất cao.  Ông thích người khác khen ngợi tâng bốc mình, cho dù đang ở vào bước đường cùng, ông vẫn muốn được người khác gọi ông là một vị anh hùng bách chiến bách thắng, từng chỉ huy một đạo binh vô địch trong thiên hạ.
Hạng Võ quyết tâm thể hiện bản sắc anh hùng của ông trong những giờ phút cuối cùng này, để chứng thực cho các tướng sĩ của ông thấy sự thất bại của ông là hoàn toàn do ý trời, còn việc chỉ huy chiến đấu của ông vẫn không ai sánh kịp, không có một sai sót nào.  Ông cất cao giọng, ưỡn thẳng ngực lên, tiếp tục nói:
- Ngày hôm nay tất nhiên là phải chiến đấu cho tới chết tại đây, nhưng trước khi ta chết, ta sẽ vì các vị mà đánh nhau một trận quyết định với quân Hán.  Ta sẽ lấy ba đợt chiến thắng quân Hán để giúp cho các vị vượt khỏi trùng vây.  Ta sẽ chém tướng Hán, chém gẫy ngọn cờ của quân Hán, để cho các vị hiểu rằng sự quyết tâm chiến đấu cho tới chết của ta ngày hôm nay, là do ý trời muốn giết ta, chứ ta không có lỗi lầm gì trong cuộc chiến đấu này cả!
Số kỵ binh còn lại đều tỏ ra hết sức khâm phục Hạng Võ, đồng thanh nói:
- Đại Vương đúng là có sức mạnh như thần!
Thế là Hạng Võ chia hai mươi tám kỵ binh của mình ra thành bốn đội, nhắm bốn hướng để đột phá vòng vây.  Quân Hán thấy vậy, vội vàng siết chặt vòng vây của họ, áp sát vào Hạng Võ.  Một tướng Hán cưỡi ngựa xông tới định tấn công thẳng vào Hạng Võ, Hạng Võ thấy thế liền nói với các binh sĩ dưới tay:
- Các nugoi không cần phải sợ hãi, ta sẽ chém chết tướng Hán này cho mà xem!
Nói dứt lời, ông ra lệnh cho các binh sĩ cứ nhắm bốn hướng thoát ra khỏi vòng vây đúng như kế hoạch đã dự định.  Các kỵ binh dưới tay ông liền bám sát theo sau ông xông lên sát phạt với một tinh thần liều chết để chiến đấu, cuối cùng họ đã phá  được vòng vây và tập hợp tại ba điểm khác nhau trên sườn núi ở phía đông.  Viên tướng Hán kia cũng truy đuổi theo không chịu buông tha.  Hạng Võ quát lên một tiếng lớn rồi từ trên sườn núi phi ngựa trở xuống.  Quân Hán như ngọn cỏ bị gió lùa, một lần nữa, lại bị chém chết tất cả, và viên tướng Hán kia cũng bị Hạng Võ chém té xuống ngựa.
Một lang trung kỵ của quân Hán là Dương Hỷ thấy Hạng Võ chỉ biết thẳng tay chém giết, bèn mở cuộc truy ích từ phía sau lưng của ông.  Hạng Võ phát hiện được, giận dữ trợn tròn xoe đôi mắt, quát to lên một tiếng, làm cho Dương Hỷ kinh hoàng như vừa nghe một tiếng sấm nổ.  Con chiến mã của ông ta cũng quá sợ hãi, vội vàng quay đầu bỏ chạy thục mạng về phía sau.  Nói tiếp tục chạy mấy dặm đường mới dừng lại.  Lúc bấy giờ, Dương Hỷ vẫn chưa hoàn hồn, toàn thân đều ướt đầm mồ hôi.
Hạng Võ tập hợp kỵ binh của ông ta lại ba địa điểm nơi sườn núi phía đông, để đề phòng bị quân Hán tiêu diệt.  Quân Hán cũng chia thành ba bộ phận để tiến hành bao vây từng nơi.  Hạng Võ đưa mắt nhìn quanh một lượt, sửa lại khôi giáp, rồi thúc con ngựa xông vào quân Hán, và một trận chém giết thẳng tay lại diễn ra.  Hàng trăm quân Hán lại bị giết, một tên đô úy cũng bị Hạng Võ đâm chết.   Trong khi Hạng Võ một lần nữa tập hợp đội ngũ của mình, thì phát hiện chỉ có hai người bị thiệt mạng.  Hạng Võ cảm thấy hết sức đắc ý, nói với kỵ binh của mình:
- Thấy chưa?  Chắc là các ngươi đã thấy rõ chứ?  Ta nói được là làm được, bọn quân Hán này không phải là đối thủ của ta đâu!
Số kỵ binh còn lại càng tỏ ra khâm phục vị chủ tướng của mình, đồng thanh la to:
- Lời nói của Đại vương quả không sai tí nào!
Một cảm thức đắc ý như một luồng hơi ấm chạy khắp tâm hồn của Hạng Võ.  Lúc bấy giờ, ông không còn thấy mình là một kẻ bị thất bại, mà là một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, không ai có thể so sánh kịp.  Ông là hóa thân của sức mạnh, là một vị thần chiến thắng lấp lánh ánh hào quang , mà đã là thần rồi, thì tất nhiên sẽ là người vô địch, là bất tử, là vĩnh hằng!
Sự an ủi gần như ngu xuẩn đó của Hạng Võ so với hiện thực ác liệt trên chiến trường đúng là hoàn toàn không hài hòa tí nào.  Nhưng Hạng Võ vẫn hy vọng có được sự an ủi đó, và ông đã chiến đấu đẫm máu như một con thú rừng dù sa lưới nhưng vẫn chiến đấu tới giờ phút cuối cùng, để giành cho được một sự an ủi như thế.  Giờ đây, ông đã có được sự an ủi đó rồi, cho nên tâm trạng của ông cũng được cân bằng.   Ông gần như quên hẳn giờ phút cuối cùng của đời mình đã sắp tới, mà có cảm giác như mình đang tiếp bước nhip nhàng theo tiếng trống trận khải hoàn giữa đám đông hoan hô.  Những xác chết nằm ngổn ngang của quân SỞ, không còn làm cho ông thấy đáng sợ nữa.  Mà máu tươi từ những xác chết đó đã trở nên những đóa hoa đỏ để chúc mừng sự chiên thắng của họ.
Những kỵ binh cuối cùng theo Hạng Võ cũng có cùng một tâm trạng như thế.  Trên sắc mặt của họ đang hiện lên một nụ cười bi thảm, vì họ đang vui mừng cùng với vị thống soái của mình đi vào những giây phút cuối cùng của cuộc sống!

Sự bố thí cuối cùng
Hạng Võ và hai mươi sáu kỵ binh cuối cùng của ông, sau khi đột phá khỏi trùng vây lại rút lui tới bờ tây sông Ô Giang.  Sông Ô Giang là một đoạn của sông Trường Giang, hiện nay tọa lạc tại trấn Ô Giang, huyện Hòa, tỉnh An Huy.  Dưới đời Tần, trấn Ô Giang được gọi là Đông Thành, Ô Giang Thành, về sau lại đổi thành huyện Ô Giang, nhưng sau đó lại bỏ huyện đổi thành trấn.  Phía đông bắc huyện Hòa có một con sông nhỏ dài chừng năm sáu chục dặm, tên gọi Tứ Mã Hà, cũng gọi Trụ Mã Hà, hoặc Chi Mã Hà, chảy vào sông Trường Giang tại phía đông nam của trấn Ô Giang. Tại đoạn sông này của Trụ Mã Hà chảy vào Trường Giang, đất hai bên bờ rất đen nên gọi là Ô Giang.  Thời xưa, một dòng sông được mang nhiều tên khác nhau là một hiện tượng rất phổ biến, và các châu quận, thành ấp cũng thường lấy tên đất để đặt tên.  Như sông Trường Giang ngày nay, thì từ Nghi Tân thuộc tỉnh Tứ Xuyên trở lên được gọi là Kim Sa Giang; từ Nghi Tân đến Nghi Xương của tỉnh Hồ Bắc được gọi là Xuyên Giang; từ Chi Thành của tỉnh Hồ Bắc đến  Lăng Cơ thuộc tỉnh Hồ Nam được gọi là Kinh Giang; từ Trấn Giang thuộc tỉnh Giang Tô trở xuống được gọi là Dương Tử Giang.  Thời xưa, sông Trường Giang còn có nhiều tên khác nhau hơn nữa.  Lấy thí dụ như Kim Sa Giang cũng có hơn mười mấy tên gọi khác nhau như Mãnh Thủy, Nhược Thủy, Lô Thủy, Mã Hồ Giang, v.v...  Còn Ô Giang nằm trong nội địa của hai tỉnh Tứ Xuyên và Quới Châu ngày nay, thời cổ được gọi là Diên Giang Thủy, Bồi Lăng Giang, Bồi Giang Thủy, Kiềm Giang, Ba Giang, đến đời Minh thì gọi là Ô Giang.  Con sông này phát nguyên từ chân núi phía đông của núi Ô Mông thuộc tỉnh Quý Châu, chảy về phía đông đến Bồi Lăng Giang thuộc Tứ Xuyên thì đổ vào sông Trường Giang.  Con sông Ô Giang này không có dính dáng gì tới câu chuyện Hạng Võ nói ở đây.
Sở dĩ chúng tôi phải nói dài dòng về những sông ngòi như trên là để bạn đọc tránh sự hiểu lầm đối với con sông Ô Giang nơi Hạng Võ đã hy sinh.  Tây Sở Bá Vương lúc bấy giờ không còn là một vị anh hùng đầy khí phách như trước kia nữa, vì ông đã quát mệt mỏi, quát thất vọng, trên khuôn  mặt màu đồng hun và có nhiều râu của ông, thể hiện rõ nét tuyệt vọng của một người anh hùng đã tới bước đường cùng.  Hai mắt sáng dưới đôi chân mày rậm đen của ông đã trở nên lờ mờ, khó che giấu được nét sợ hãi.  Chiến bào của ông đã bị rách nhiều nơi, dính đầy đất cát và những đốm máu sau khi trải qua nhiều trận khổ chiến.  Trên đùi của ông cũng mang hai vết thương nhẹ.  Cho dù ông vẫn là một người có thân hình cao to, nhưng dáng vẻ bề ngoài và thần sắc lúc bấy giờ đang hiện rõ nét thiểu não của một người chiến bại.
Con ngựa Ô Truy chừng như hiểu được tâm trạng của người chủ, nó ngoan ngoãn đứng im lặng bên cạnh chủ nhân, thỉnh thoảng ngước đầu lên để an ủi chủ của mình.  Khắp thân mình nó đang ướt đẫm mồ hôi, lông nó không còn đen mượt như lúc bình thường, vì trong những lần đột phát trùng vây nó đã đưa Hạng Võ vượt qua một lộ trình thật dài đầy cát bụi.  Nó khong hổ là một con thiên lý mã nổi tiếng trong đời.  Trong chiến đấu nó luôn luôn tỏ ra hết sức dũng cảm, và đã vượt qua bao nhiêu đoạn đường nguy hiểm như vượt qua một dãy đất bằng, bốn vó của nó không ngừng nện vào mặt đất, và đã bỏ rơi kỵ binh của quân Hán ở lại phía sau thật xa.  Nếu không phải nó, có lẽ Bá Vương đã bị đuổi kịp từ lâu.  Tây Sở Bá Vương Hạng Võ hết sưc cảm ơn con ngựa yêu quí của mình, ông dẫn con ngựa tới sát bờ sông, và bụm nước sông lên cho nó uống, như đang nói với nó: "Ô Truy ơi! Ô Truy ơi!  Ngươi đã nhọc nhằn vì ta quá rồi, ta xin cảm ơn!"  Con ngựa như hiểu được ý chủ, nó uống cạn số nước  đang bụm trong hai bàn tay của Hạng Võ, rồi sau đó đã dùng lưỡi liếm nhẹ lên bàn tay của Hạng Võ.  Nó giống như một đứa trẻ đang được vuốt ve, khẽ nhắm đôi mắt lại tỏ ra rất mãn nguyện.
Dòng nước Ô Giang không ngớt chảy và tạo nên những tiếng kêu róc rách.  Những tiếng keu đó chẳng khác nào lời ca gọi hồn.  Tiếng nước chảy róc rách dưới sông nghe rất u buồn, tạo nên một cảm giác thoáng dâng dễ chịu.  Nghe tiếng nước chảy róc rách đó, khiến ta có thể trút sạch được nỗi phiền muộn trong lòng.  Thế nhưng, lúc bấy giờ Hạng Võ không hề có cảm giác đó.  Bên tai ông vẫn còn văng vẳng tiếng sát phạt kinh hồn ở chiến trường.  Hạng Võ hồi tưởng lại những cảnh tượng nguy hiểm đã qua: đột phá trùng vây, chiến bại phải bỏ chạy, những cuộc sát phạt đẫm máu, từng giây phút ông luôn luôn phải đối phó với sự uy hiếp của tử thần, nếu có sự sơ suất nhỏ nào, thì có thể bị lọt vào tay của kẻ địch.  Ông cảm ơn trời đất đã giúp ông vượt qua tất cả những khổ nạn đó, quân Hán đã bị ông bỏ rơi lại ở phía sau.  Nhưng mọi việc sắp tới sẽ thế nào? Vượt qua sông ư?  Ông từng có ý nghĩ đó, nhưng rồi lại tỏ ra do dự. Hạng Võ là người rất trọng danh dự, vì đường đường là một Tây Sở Bá Vương, từng nắm trong tay năm chục vạn quân, vậy ngày nay vượt qua sông để trở về Giang Đông, không phải sẽ bị các phụ lão ở Giang Đông chê cười đó sao?
Hạng Võ đang đắn đo thì từ trong một lùm cây bên bờ sông bỗng thấy một chiếc thuyền nhỏ nhô ra, trên thuyền có một cụ gài diện mạo hiền hòa, đang chèo thuyền đến gần.  Sau khi cho thuyền cập bến, ông mới vòng tay thi lễ nói với Hạng Võ:
- Tiểu thần là Đình trưởng Ô Giang, đã chờ đợi Đại Vương ở đây từ lâu rồi, vậy xin Đại Vương mau bước xuống thuyền!   Hiện giờ trên sông này chỉ có chiếc thuyền của tiểu nhân mà thôi, đại vương sang bên kia bờ sông, thì quân Hán sẽ không thể nào truy đuổi được nữa.  Giang Đông là vùng đất đại vương khởi nghĩa, mặc dù địa phương nhỏ, nhưng cũng rộng đến mấy trăm dặm, dân chúng tuy ít, nhưng cũng đông đến mấy chục vạn người.  Đại Vương trở về Giang Đông chấn chỉnh lại đội ngũ, xây dựng lại lực lượng, thì vẫn không mất danh nghĩa là một vị vương tại một địa phương, vậy xin đại vương chớ nên đắn đo nữa!
Đình là nơi người đi đường thường trọ qua đêm.  Dưới đời nhà Tần, cứ mỗi mười dặm thì được xây dựng một đình, mỗi đình có đình trưởng, là một tiểu quan của địa phương, có nhiệm vụ trị an tại địa phương đó, cũng như lo việc tố tụng của địa phương.  Trước khi Lưu Bang khởi nghĩa, cũng từng làm đình trưởng tại Tứ Thủy.  Ô Giang Đình này chính là đình đứng đầu tại Đông Thành, được thành lập từ đời nhà Tần.  Đình trưởng Ô Giang trước đây đã từng ngưỡng mộ sự dũng cảm và tài năng của Hạng Võ, đối với việc Hạng Võ bị chiến bại tại Cai Hạ, ông tỏ ra rất tiếc nuối, nên đã đậu thuyền tại đây chờ đợi để cứu Hạng Võ thoát khỏi cảnh hiểm nguy, đồng thời, cũng bày tỏ lòng ngưỡng mộ của mình đối với vị anh hùng này.
Hạng Võ rất cảm động, vì trong bước đường cùng vẫn còn người có lòng tốt sẵn sàng tương trợ mình.  Khi nghĩ tới cụ già nhà quê gian manh trước kia, đã đánh lừa mình đi vào một vùng đầm lầy, ông càng thêm cảm kích vị đình trưởng đang ở trước mặt.  Ông nghĩ bụng:  Hạng Võ ta mặc dù bị bại binh như thế này, nhưng tất cả lòng dân không phải hướng về quân Hán, mà bá tánh trong thiên hạ vẫn có người đứng về phía Đại Sở, điều đó đủ chứng minh  bá nghiệp của ta không phải thiếu người ủng hộ.  Ông cũng không tránh khỏi sự ái ngại trong lòng: người trong thiên hạ coi trọng ta đến thế, vậy mà ta đã mang đến lợi ích gì cho mọi người trong thiên hạ?  Đặc biệt là đối với phụ lão tại vùng Giang Đông, đã từng đặt nhiều hy vọng ở ta, mongta sẽ xây dựng được một sự nghiệp lớn, thế mà nay ta lại rơi vào hoàn cảnh như thế này, vậy thử hỏi làm sao ăn nói với phụ lão ở Giang Đông đây?
Khi suy nghĩ đến đó, Hạng Võ cảm thấy trên mặt mình nóng bừng, ông khiêm tốn nói với đình trưởng Ô Giang:
- Lòng tốt của ông làm tôi thấy lòng thật ấm áp.  Tôi hết sức chân thành cảm ơn ông.  Nhưng, ý trời khó cãi, tôi vượt qua sông thử hỏi có lợi ích gì?  Hơn nữa, trước kia tôi mới khởi binh đã dẫn theo tám nghìn tử đệ vượt qua sông tiến về phía tây, nhưng tới nay thì không còn ai sống sót trở về, mà chỉ còn duy nhất một mình tôi, cho dù phụ lão ở Giang Đông có thương tôi đi nữa, thử hỏi tôi còn mặt mũi nào trở về đó?  Thủ hỏi tôi không biết hổ thẹn hay sao?
Đình trưởng Ô Giang định lên tiếng khuyên nhủ thêm, nhưng Hạng Võ lại nói tiếp: tôi biết ông là một người lớn tuổi có đức hạnh, nhưng hiện giờ tôi không có gì để báo đáp ông, vậy tôi xin tặng con ngựa yêu quí của tôi cho ông!  Con ngựa này là một con ngựa tốt nhất trong thiên hạ, ngày đi nghìn dặm, khi ra trận nó xông pha không một chiến mã nào sánh bằng, và đã theo tôi suốt năm năm qua, nay tôi không nỡ giết chết nó, càng không nỡ để cho nó rơi vào tay quân Hán, vậy ông hãy giữ lấy nó, chú ý nuôi nó cho tốt.... Nói tới đây, Hạng Võ nghẹn lời, ông đưa tay vuốt nhẹ lên mình con ngựa Ô Truy, rồi lại vuốt nhẹ lông bờm của nó, và dùng bàn tay vỗ nhẹ lên trán nó mấy lượt, buồn bã nói:
- Ô Truy ơi, người bạn của ta, từ nay đành phải xa cách!
Trong lòng Hạng Võ cảm thấy đau nhói, lệ nóng đã trào lên khoé mắt.  Một người anh hùng từng xem chết sống không ra gì ngoài chiến trường, thế mà nay đứng trước sự vĩnh quyết với con ngựa yêu của mình ông lại tuôn rơi nước mắt.  Trước đây ông thương yêu nhất là Ngu Cơ, và con ngựa Ô Truy này.  Đến nay Ngu Cơ đã tự sát, còn con ngựa Ô Truy lại sắp lìa xa ông, vậy thử hỏi ông không đau đớn như đứt từng khúc ruột sao được?
Tiếng vó ngựa từ sau lưng vọng tới, càng ngày càng rõ dần, đó là toán kỵ binh truy kích của quân Hán.  Hạng Võ nhìn khói bụi tung bay mịt mù từ xa, vội vàng trao sợi dây cương ngựa cho đình trưởng, rồi quay mặt trở lại cố nén lòng khoát tay nói khẽ:
- Xin ông hãy mau dẫn nó đi đi!
Đình trưởng không còn cách nào khác hơn, chỉ lắc đầu nói:
- Nếu đại vương không chịu sang sông, thì tiểu quan cũng không thể nài ép, tiểu quan nhất định sẽ nuôi dưỡng con ngựa này thật kỹ, xin đại vương an tâm!
Nói dứt lời, đình trưởng gạt lên rời đi.

Giờ đây, Tây Sở Bá Vương Hạng Võ không còn vướng víu chi cả.  Ông thấy tâm hồn nhẹ nhàng chưa từng có.  Tất nhiên đó là sự nhẹ nhàng mang theo rất nhiều đau khổ.  Ông đưa chân bước từng bước nặng nề lên một quả đồi, dùng kiếm chống xuống đất, ngửa mặt đứng thẳng người, nhìn vào quân Hán đang áp sát tới, trên khoé miệng hiện lên một nụ cười khinh bỉ.
Quân Hán mỗi lúc mỗi tới gần ông, số đi trước đã giục ngựa phóng lên quả đồi.  Hạng Võ đứng sừng sững như  một pho tượng.  Quân Hán bắt đầu khiếp sợ, họ vươn to hai mắt và gò cương ngựa đứng lại.  Lúc bấy giờ bỗng nghe Hạng Võ quát lên một tiếng to như sấm nổ, rồi tung gươm xông xuống phía dưới.  Quân Hán đứng trước cử chỉ hùng dũng cảm mãnh liệt đó đều rối loạn thụt lùi, có đến mấy trăm người đã bị Hạng Võ giết chết.  Trong cuộc chiến đấu đẫm máu lần trước, hai mươi sáu kỵ binh còn lại của Hạng Võ hầu hết đều bị tử trận.   Bản thân Hạng Võ cũng bị thương mười mấy chỗ, khắp mình ông đẫm máu, nhưng nét oai hùng vẫn không hề suy giảm, khiến quân Hán không ai dám tới gần.  Bỗng nhiên Hạng Võ phát hiện một bộ mặt quen thuộc trong quân Hán, ông bước tới gần người đó, lên tiếng hỏi:
- Anh có phải là Lữ Mã Đồng, người bạn cũ của tôi không?
Lữ Mã Đồng, người được gọi tên, trước tiên có vẻ sửng sốt, nhưng tiếp đó anh ta liền quay sang viên tướng Hán là Vương Ế đang ở bên cạnh nói:
- Đó chính là Hạng Vương!
Hạng Võ lúc đó đang thu kiếm cầm trên tay, chừng như cuối cùng ông đã tìm được nơi ký thác tấm thân của mình.  Ông nói với Lữ Mã Đồng:
- Tôi biết quân Hán có treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu tôi, nó đáng giá twosi nghìn vàng, và được phong ấp vạn hộ.  Tôi và anh là bạn cũ, vậy tôi xin tặng vật quý giá đó cho anh!
Nói dứt lời, Hạng Võ tung kiếm tự sát.  Chiếc đầu đầm đìa máu tươi của ông lăn lông lốc trước mặt Lữ Mã Đồng, giống như một món quà lập loè ánh sáng...
Đó là hành động vừa rộng lượng lại vừa keo cú, vừa tàn bạo lại vừa nặng tình cảm, mà Tây Sở Bá Vương bố thí lần cuối cùng, và cũng là một tình cảm dâng tặng cho người đồng hương của một vị anh hùng cái thế, từng lập được không biết bao nhiêu chiến công hiển hách, nhưng lại thường bị thứ quan niệm quê hương nặng nề ràng buộc.
Nhưng, Lữ Mã Đồng không có được một thứ tình cảm giống như Hạng Võ, anh ta chẳng hề nhớ được cái gì gọi là tình cảm đồng hương, mà chỉ biết chiếc đầu lâu này thật là đáng giá, có thể đổi lấy một chức quan to và nhiều bổng lộc, có thể làm cho địa vị của anh ta thay đổi một cách cơ bản.  Đứng trước vận may sắp đến với mình, người bạn cũ của Hạng Võ không khỏi mừng ra mặt, xúc động làm quả tim nhảy thình thịch, hai tay vội vàng đưa ra định chụp lấy chiếc đầu lâu đẫm mau, nhưng thật đáng tiếc, ông ta đã chậm một bước.  Vương Ế đang đứng bên cạnh anh ta đã nhảy tới ôm chặt món bảo vật vô giá đó vào lòng.  Số người còn lại cũng ùa lại bên cạnh xác chết của Hạng Võ, họ giành giựt nhau mà không kể bất cứ những điều gì có thể xảy ra.  Họ đạp lên nhau, thậm chí tàn sát nhau để giành cho được một mảnh thi thể đáng giá đó, vì những mảnh thi thể này sẽ đem đến vận may cho họ.  Đứng trước sự quyến rũ của vàng, các tướng sĩ quân Hán người nào người nấy đều hoa cả mắt, hung hăng như loài cọp beo, tham lam như loài chó sói, xảo quyệt như loài chồn, bộc lộ tất cả hành động vô đạo đức trong cuộc tranh giành xác chết của Hạng Võ.  Họ vì muốn giành cho được một miếng thịt của Hạng Võ, nên đã sẵn sàng đánh nhau, mấy chục người vì thế mà đã mất mạng.  Cuối cùng, lang trung kỵ Dương Hỷ Kỵ Tư Mã Lữ Mã Đồng, lang trung Lữ Thắng đều được hậu thưởng.  Lữ Mã Đồng được phong làm Thủy Trung Hầu, Vương Ế được phgn làm Đỗ Diễn Hầu, Dương Hỷ được phong làm Xích Tuyền Hầu, Dương Võ được phong làm Ngô Phòng Hầu, Lữ Thắng được phong làm Niết Dương Hầu.  Tất nhiên đó là chuyện về sau.
Trận giành xác chết quyết liệt bên bờ sông Ô Giang đã kết thúc, một bên là người bố thí hào phóng, còn một bên là kẻ tranh đoạt ty tiện.  Cảnh tượng tương phản mạnh mẽ đó đã trở thành một dấu chấm câu để kết thúc cuộc tương tranh giữa Sở - Hán kéo dài hai năm chín tháng.  Tây Sở Bá Vương nếu ở dưới cửu tuyền biết được, không hiểu ông có cảm xúc ra sao trước tình cảnh này.  Thất vọng ư?  Đồng tình ư?  Phẫn nộ ư?  Hay có thể ông nghĩ đến việc bố thí thân xác của mình cho những người đồng hương rồi cảm thấy vui sướng?
Dòng sông Ô Giang vẫn tuôn chảy, tiếng róc rách của nó giống như tiếng thở dài buồn bã, mà cũng giống như tiếng than đầy đau thương.  Bên bờ sông, bãi chiến trường đã được kết thúc, mà chỉ còn để lại những ngọn giáo gãy, những xác chết ngổn ngang, và máu tươi đỏ hồng của một vị anh hùng ba mươi mốt tuổi!

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 196
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com