watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
17:12:0318/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Sử Trung Quốc 1 - Trang 16
Chỉ mục bài viết
Sử Trung Quốc 1
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Trang 17
Tất cả các trang
Trang 16 trong tổng số 17

Chương V ( 2)
B. CHIA HAI NAM BẮC - NAM TỐNG -152

1. Cao Tôn lên ngôi, dời đô xuống Nam.
Chiếm được kinh đô, bắt hết được hoàng tộc của Tống rồi, Kim rút quân về sau khi lập Trương Bang Xương làm Sở đế, chứ không chiếm hết luôn giang sơn của Tống vì Kim thiếu quân, thiếu người để cai trị và biết rằng người Hán không chịu hợp tác với họ, cứ để cho Tống làm một nước đàn em mỗi năm nộp cống vàng, bạc, lụa và hễ có dịp thì bắt cắt thêm đất, như tằm ăn dâu mà lại hơn.
Quần thần và dân chúng không phục Trương Bang Xương, ông ta biết thân phận khó làm bù nhìn được, nên mời bà phế hậu của Triết Tôn (lúc đó đã về ở với cha mẹ nên không bị Kim bắt) ra dự bàn việc nước, rồi cùng tôn một thân vương lên ngôi ở Quý Đức (Hà Nam ngày nay) tức vua Cao Tôn.
Cao Tôn mới đầu cũng muốn khôi phục lại các đất đã mất, nên dùng lại Lý Cương, vị danh thần đã tận lực chống giữ kinh thành, nhưng rồi nghe lời bọn gian thần chủ hoà, bãi Lý Cương mà chỉ nghĩ đến việc bôn đào, dời xuống Dương Châu, sau cùng đóng đô ở Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Triết Giang ngày nay), từ đó sử gọi là Nam Tống.

2. Tống, Kim ghìm nhau
Xuống miền nam, nhà Tống còn kéo dài thêm được trăm rưỡi năm nữa, một trăm rưỡi năm không vẻ vang chút nào cả.
Thời Nam Tống là thời Tống và Kim ghìm nhau, không nước nào quyết tâm diệt nước kia cả, Kim vì lẽ tôi mới trình bày ở trên, Tống vì sáu, bảy ông vua đều tầm thường nếu không nhu nhược thì do dự, nghe lời bọn đại thần chủ hoà, làm lơ trước sự phẫn nộ, thoá mạ của dân chúng, chỉ muốn rửa cái nhục mất nước, tệ hơn nữa, có vua như Cao Tôn còn để cho gian thần hãm hại tôi trung nữa, y như triều Tự Đức ở nước ta khi bị Pháp xâm chiếm. Thực ra họ cũng muốn khôi phục những đất đã mất, muốn khỏi phải nộp thuế cho Kim đấy, nhưng nhút nhát không dám.
Thành thử cả hai bên đều chờ cơ hội, hễ thấy địch suy yếu hoặc chia rẽ nội bộ thì đem quân đánh, đánh mà thua thì xin hoà, chịu bỏ ít nhiều quyền lợi, nếu thắng thì yêu sách, đòi thêm quyền lợi, bạc, lụa, đất đai (trường hợp Kim), hoặc đòi rút bớt thuế hàng năm, trả lại ít đất đã chiếm (trường hợp Tống).
Trước sau ba bốn lần đánh rồi hoà, hoà rồi đánh như vậy. Xét chung thì Kim vẫn lấn Tống dần dần, Tống vẫn mất đất thêm. Chép lại những cuộc chiến nho nhỏ đó là điều vô ích, tôi chỉ kể qua ba hoà ước Tống ký với Kim.
* Cao Tôn -35 vì nghe lời gian thần Tần Cối kẻ nhất định chủ hoà (coi ở dưới) nên 1141, kí hoà ước với Kim chịu Kim phong chức cho ( nghĩa là chịu xưng thần với Kim) Khang Vương phải cắt đất ở phía Bắc Hoài Thuỷ và Đại Tán Quan nhường cho Kim, mỗi năm phải nộp 25 vạn lạng bạc và 25 vạn tấm lụa cho Kim. Kim cho chở quan tài của Huy Tôn và Thái Hậu về Tống.
* Hiếu Tôn -26 năm 1165 định lại hoà ước, gọi vua Kim bằng chú, số tiền hằng năm tế tuệ phải nộp được giảm,bạc, lục mỗi thứ 50 vạn chỉ còn 20 vạn, địa giới như cũ. Lần này Tống không thắng nhưng Kim cũng nhường một chút.
* Nhưng đến năm 1208, đời Minh Tôn -28, Tống thấy Kim có nội loạn đem quân đánh, chẳng dè thua to, phải xin hoà, tăng tuế tuệ lên 30 vạn lạng bạc, 30 vạn tấm lụa.
Vậy trước sau Tống vẫn bị áp bức, mất thêm đất, thêm tiền, và chỉ còn giữ được lưu vực sống Dương Tử với vài tỉnh giáp biển ở miền Nam (coi bản đồ trang 321 tập một).

3. Phe chủ chiến.
Dân chúng bất bình nhất về hoà ước 1141. Lần đó Kim đưa binh vào đánh quyết lấy Hà Nam, Thiểm Tây. Ba tướng Tống là Lưu Kỳ, Hàn Thế Trung, Nhạc Phi hết sức kháng chiến. Anh hùng nhất là Nhạc Phi, ông rất phẫn uất vì rợ Kim xăm vào lưng bốn chữ "Tinh trung (nghĩa như tận trung) báo quốc". Ông khéo khuyến khích tướng sĩ, giữ quân luật nghiêm minh, đánh bại được Kim nhiều trận, người Kim rất sợ, đã núng thế, muốn xin hàng. Nhưng tại triều có Tần Cối trước bị Kim bắt về phương Bắc, rồi được vua Kim thả ra, cho về với Cao Tôn làm nội ứng, không hiểu sao Cao Tôn dùng hắn làm tể tướng. Hắn nhất định chủ hoà, Cao Tôn nghe theo. Nhạc Phi đang hăng hái đuổi quân Kim gần tới Biện Kinh thì một ngày liên tiếp nhận được 12 đạo kim bài (tín bài bằng vàng) triệu về. Nhạc Phi ức quá, khóc: "Công mười năm, một sớm phải bỏ cả", rồi hạ lệnh lui binh, nhân dân níu ngựa ông lại, chùi nước mắt, vang ông ở lại. Tướng ở chiến trường có quyền không tuân lệnh triều đình, ông quá trung với vua mà không báo quốc được, thật đáng hận biết bao. Về tới triều đình, ông bị Tần Cối bỏ ngục liền rồi chẳng xử tội gì cả, giết ông. Có sách chép là thắt cổ ông. Đời ông được đời sau chép trong truyện "Nhạc Phi". Hiện nay ở Hàng Châu, kinh đô Nam Tống, còn một ngôi đền lộng lẫy thờ ông. Quỳ trước mộ ông là hai tượng bằng sắt, tức vợ chồng Tần Cối. Cửa đền có đôi câu đối:
Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch cốt vô cô chú nịnh thần

Nghĩa là:
Núi xanh may mắn được chôn xương bậc trung quân
Sắt trắng vô tội mà phải đúc bọn nịnh thần

Thời đó khiếp nhược chủ hoà đầy triều đình nhưng hạng anh hùng cũng đông, quyết sống mái với Kim. Trước Nhạc Phi, Hàn Thế Trung có Lý Cương (đã chép ở trên), Diêu Bình Trọng đốc suất quân cần vương đánh trại quân Kim. Tôn Trạch chiêu mộ nghĩa sĩ và hảo hán bốn phương, tích trữ lương thực đủ dùng trong 6 tháng, quyết ý chống với giặc, nhưng Cao Tôn không cho, ông buồn hận mà chết......
Về cuối đời Nam Tống còn nhiều anh kiệt hơn nữa, tôi sẽ chép ở sau.

4. Các đảng nghĩa quân.
Dân chúng tinh thần cũng rất cao, vì thâm oán Kim cướp đất của họ, ngạo mạn, hách dịch.
Ngay từ 1121(gần đời Huy Tôn) đã có một bạo động mà người cầm đầu là Tống Giang căn cứ địa là Lương Sơn Bạc (ở Sơn Đông ngày nay), khẩu hiệu là "Thế thiên hành đạo" chống lại triều đình, quan quân phải sợ, thanh thế rất lớn, khu vựa hoạt động rộng, từ Sơn Đông tới Hà Bắc, dân chúng theo rất đông, đủ các giới từ quan lại nhỏ, quân dân, nông dân, ngư dân, nhà sư, tiểu thương..........Cuộc bạo động đó được nhân gian truyền khẩu cho nhau nghe, sau một nhà văn đời Minh, Thi Nại Am chép lại trong bộ kiệt tác Thuỷ Hử mà hồi nhỏ chúng ta say mê đọc.
Từ đó cuối đời Nam Tống, không biết có bao nhiêu cuộc nông dân nổi dậy, vạch tội triều đình, bỏ đất, bỏ dân, chống lại quân Kim, nhỏ thì dăm ngàn, lớn thì hàng vạn, có khi cả chục, cả trăm vạn người như đảng "Bát Tự Quân" mà khẩu hiệu là tám chữ (bát tự) xăm trên mặt: "Xích tâm báo quốc, thệ sát Kim tặc", đảng "Hồng cân quân" đội khăn đỏ, thường đánh du kích quân Kim.
Những đảng nghĩa quân đó không tỉnh nào không có, y như nước ta hậu bán thế kỷ trước. Giá triều đình Tống biết giúp đở họ một chút và khuyến khích họ thì quân Kim chắc phải trả lại Biện Kinh mà rút về phương Bắc.

5. Phong trào học sinh dâng thỉnh nguyện.
Một điểm đáng ghi nữa, rất mới trong lịch sử Trung Hoa là đời Nam Tống có phong trào học sinh đại diện cho dân dâng thỉnh nguyện lên vua. Người đầu tiên có lẽ là Thái học sinh Trần Đông cầm đầu mấy vạn dân quê lại cửa khuyết xin vua Khâm Tôn dùng lại Lý Cương như trên tôi đã chép. Rồi hò hét, chửi rủa Bang Ngạn khi hắn vô triều. Triều đình sợ binh biến, miễn cưỡng chấp nhận hết thỉnh nguyện của dân, vậy mà mấy chục tên nội thị cũng bị dân chúng hành hung cho tới chết.
Từ đó học sinh ở nhiều nơi khác noi gương, cũng dâng thỉnh nguyện "thu phục đất đã mất", tổ chức nhân dân võ trang", "khai phóng ngôn luận", phong trào đó nổi lên là do đạo học sinh đời Tống phát triển, học sinh chịu ảnh hưởng của họ Trình, họ Chu (coi tiếp sau)
Đời Hiến Tôn (1163) thái học sinh trường Quán gồm 72 người dâng thư đòi chém bốn đại thần chủ hoà. Họ không có hậu thuẫn của dân chúng mà yêu sách hăng quá, triều đình phản ứng mạnh, cấm làm việc dâng thư ở cửa khuyết.
Đời Lí Tôn, khi Mông Cổ xâm lăng (1235) tất cả trường Thái học (như Quốc Tử giám đời sau), Vũ học (dạy võ bị), Kinh học (dạy các kinh của lão Nho, Lão.....) nối tiếp nhau bài khoá, dâng thư đòi đuổi bọn đại thần hại dân hại nước, bị triều đình đàn áp. Lần đó là lần cuối, phải đợi tới cuối đời Thanh, hạng thanh niên trí thức Trung Hoa mới lại đóng vai trò như vậy.

Chương V ( 3)
6. Tống, Kim và Mông Cổ ở cuối thế kỷ XII

Tống, Kim đều suy
Sự ghìm nhau của Tống và Kim đến cuối thế kỷ XII đã giảm đi ít nhiều. Tống cắt thêm ít đất cho Kim, Kim rút bớt tiền nộp mỗi năm cho mươi vạn, hai bên đều xưng đế, vua Tống gọi vua Kim là chú, nghĩa là vẫn tự nhận là nước phụ dung của Kim. Sở dĩ vậy vì cả hai bên đều suy rồi.
Kim suy vì quốc gia đã phong kiến hoá, nhân dân đã Hán hoá, họ mô phỏng theo chữ Hán mà tạo ra một thứ chữ riêng, mở trường học, đã có một số người thông ngũ kinh, tứ thư, làm thơ văn như người Hán, vốn lại là bớt hung hãn.
Tống suy vì dân chúng thất vọng, cứ phải đóng thuế mỗi năm một nhiều, nỗi lên cướp bóc, trong lịch sử chỉ thấy ghi: "Tứ Xuyên nhiều giặc", "Giang Tây nhiều giặc"....đâu đâu cũng có giặc.
Trong khi đó thì mọi rợ ở phía Bắc Hắc Long giang, rợ Mông Cổ, thịnh lên rất mau và như một cơn lốc, tới đâu quét sạch tới đó, mới đầu diệt Kim, sau diệt Tống, sự tranh chấp giữa Tống, Kim do đó mà chấm dứt.

Mông Cổ mạnh lên.
Rợ Mông Cổ tự xưng là giống Thát Đát, gồm nhiều bộ lạc Hung nô, Thổ (Đột Quyết), Mông Cổ (nhiều nhất), sống bằng du mục, ở thế kỷ XI mà vẫn như rợ Hồ ở đầu đời Hán, có hàng triệu con ngựa cứ mùa đông miền Bắc cỏ chết hết thì dời xuống miền Nam rồi đến mùa hè lại trở lên miền Bắc. Họ ở liều, thức ăn chính là thịt và sữa ngựa, săn bắn và chiến đấu với các rợ khác, rất giỏi phi ngựa bắn cung, hung hãn, tàn bạo.
Thế kỷ XII họ lệ thuộc nước Kim, học được của Kim những chiến thuật mới. Có một sự trùng diễn ngẫu nhiên của lịch sử: Kim trước lệ thuộc Khiết Đan, bị một vua Khiết Đan tàn bạo, đàn áp quá mà nổi loạn, diệt được Khiết Đan, thì Mông Cổ cũng bị Kim ức hiếp quá mà qua thế kỷ XIII đánh lại Kim, Kim thua nhiều trận phải cắt đất, nộp bò, dê, đậu, gạo....., phong cho tù trưởng Mông Cổ tước vương, họ không thèm nhận, tư xưng là Đại Mông Cổ quốc.
Đến đời Thiết Mộc Chân (Témoudjie, Thái Tổ nhà Nguyên) Mông Cổ lại càng mạnh, diệt được nhiều bộ lạc ở Tây Vực, năm 1206 lên ngôi Đại Hãn (Hoàng đế). Hiệu là Thành Cát Tư Hãn (Genges Khan).
Năm 1210 Thành Cát Tư Hãn lại đánh Kim, chiếm được Tây kinh của Kim, Kim lại xin hoà, nộp vàng lụa, phụ nữ và dâng một công chúa cho Thành Cát Tư Hãn làm thiếp. Mông Cổ rút quân về để chuyển qua đánh phía Tây, chiếm được miền Tây Vực, thẳng tiến tới bờ phía bắc Hắc Hải, chiếm hết các nước lớn nhỏ trên đường hành quân, cuối cùng là Kiev của Nga. Sử chép rằng họ tới đâu thắng tới đó như vào chỗ không người vì họ tàn bạo, khát máu vô cùng, hễ thành nào chống cự lại thì họ sang phẳng, giết hết dân, không chừa một đứa con đỏ, sọ người chất cao như núi, điều đó đúng nhưng không phải chỉ vì vậy. Theo nhiều sử gia châu Âu gần đây thì Mông Cổ rất giỏi về chiến thuật, không một nước châu Âu nào thời đó bì kịp; trước khi tấn công họ chịu tìm hiểu kỹ tình hình chính trị của địch, địa thế, sức mạnh của địch, có lẽ họ biết dùng súng nữa mà Trung Hoa thời đó đã chế tạo được.
Tới Nga rồi, Thành Cát Tư Hãn trở về Trung Hoa đánh Tây Hạ, chưa xong thì chết. Tây Hạ hàng (1227). Thành Cát Tư Hãn chia những đất đã chiếm được cho bốn con, lập thành bốn hãn quốc.
Bọn nối ngôi đó sau còn Tây tiến hai lần nữa; lần thứ nhất chiếm Hồi Quốc, Đông Âu, Nhật Nhĩ Man......(1234), lần thứ ba chiếm Tây Bộ Á Tế Á (1251). Tôi chép lịch sử Trung Hoa nên không ghi lại dù vắn tắt những chiến công đó của họ; chỉ xin nói qua rằng khi họ chiếm được trọn Trung Hoa vào khoản năm 1280 thì đế quốc của họ - đế quốc của Mông Cổ- lớn nhất trong lịch sử cổ kim.
Việc chiếm trọn Trung Quốc là công của Oa Hoạt Đài (con của Thành Cát Tư Hãn) và Hốt Tất Liệt (Khoi Lai Khan) tức Nguyên Thái Tổ.
Oa Hoạt Đài (1) (Ogodei) đem quân đánh Kim, vây Biện Kinh 16 ngày không lấy được. Mông Cổ sai sứ vào xin Tống (vua Lí Tôn) hợp binh đánh Kim. Vua tôi nhà Tống muốn thừa diệp đó, diệt Kim để rửa nhục, mà quên rằng trước kia Tống giúp Kim diệt Liêu, sau bị Kim phản, trở lại hại Tống. Lần này cũng vậy, Tống giúp Mông Cổ diệt Kim 0 rồi cũng bị Mông Cổ phản trở lại hại Tống.
Kim làm chủ miền Bắc 120 năm, khi bị diệt, xin Mông Cổ trở về Mãn Châu sống đời du mục trở lại dưới quyền của Mông Cổ và tới thế kỷ XVI, họ mới trở lại làm chủ Trung Quốc, với tên Mãn Thanh.
Sau đó Oa Hoạt Đài đánh Cao Li ở phía Đông, Hốt Tất Liệt đánh Vân Nam, Thổ Phồn, Nam Chiếu ở phía Tây và Nam.
Năm 1260 Hốt Tất Liệt lên ngôi, tức vua Thế Tổ nhà Nguyên, năm 1264 dời đô từ Karakorum lại Yên Kinh (Bắc Kinh), năm 1268 vây Tương Dương, Tương Dương cố thủ 5 năm rồi mất (1273). Thế của Tống lúc này rất nguy. Đầu đời Cung đế, năm 1275 Mông Cổ đem quân theo Giang Đông tiến xuống, thừa tướng Tống là Giả Tự Đạo sai hai viên tướng đốc suất 13 vạn tinh binh, 2500 thuyền chiến cự địch, nhưng chưa xáp chiến quân Tống đã vỡ, Tống mất liên tiếp các đất Lưỡng Bồ, Kiến Khang, Trấn Giang, Thái Bình, Dương Châu, rồi Lâm An bị bức. Cung đế chiêu mộ quân cần vương. Văn Thiên Tường và Trương Thế Kiệt hưởng ứng, bàn kế chặn địch, nhưng tể tướng là Trần Nghi Trung chỉ muốn hoà, ba lần sai sứ xin nhường đất để Mông Cổ lui binh, lần cuối cùng chỉ xin giữ một tiểu quốc để tế tự, mà cũng bị cự tuyệt. Triều đình khiếp nhược như vậy mà dân chúng thì quyết chiến. Theo Will Durant trong sách đã dẫn, thì ở "Juining-fu" một vị thủ lãnh cố cầm cự cho đến khi tất cả những người già cả, các người tàn tật bị người trong thành ăn thịt hết, còn các người khoẻ mạnh thì chết vì chiến tranh hết, chỉ còn lại đàn bà để giữ thành, lúc đó ông mới cho nỗi lửa đốt thành và ông chết thiêu trong dinh của ông.

(1) có sách ghi là A Hoạt Đài
Tống vong tam kiệt
Quân Mông Cổ vào được Lâm An, bắt được Cung đế, thái hậu và mấy ngàn người đưa lên phương Bắc (1276)
Bọn di thần là Lục Tú Phu (tể tướng), Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tôn lên ngôi, đưa xuống Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc suất nghĩa quân chống Mông Cổ, mấy lần đều thua.
Năm 1277 Trương Thế Kiệt dắt Đoan Tôn xuống Quảng Đông, năm sau Đoan Tôn chết ở Can Châu (Quảng Đông). Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại lập em là Quảng Vương lên thay, đưa ra đảo Nhai Sơn (Quảng Đông). Mông Cổ bắt được Văn Thiên Tường rồi, tiến đánh Nhai Sơn. Không thể chống cự được nữa. Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết cả vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua nhảy xuống theo (1279). Theo một học giả Nhật là Trung Sơn Cửu Tú Lang làm thống kê thì số trung thần nghĩa sĩ tử tiết là 274 người. Có người còn bản rằng hàng trăm người Trung Hoa noi gương đó cũng tự trầm mình chứ không chịu hàng Mông Cổ.
Trang sử cuối cùng của nhà Tống đó bi thảm nhất mà cũng vẻ vang nhất. Có thể nói là trang sử vẻ vang duy nhất của triều đình nhà Tống.
Văn Thiên Tường bị bắt về Yên Kinh, Trương Thế Kiệt vẫn chưa tuyệt vọng, dò đường thuỷ qua Việt Nam, mưu sự khôi phục. Nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết.
Văn Thiên Tường bị giam bốn năm ở Yên Kinh, Hốt Tất Liệt dụ dỗ ông, ông nhất định không chịu nhận uy quyền của vua Nguyên. Tôi chép lại dưới đây đoạn Will Durant khen khí tiết của ông.
"Trong một đoạn văn vào hàng nổi danh nhất của Trung Hoa, Văn Thiên Tường viết: "Ngục của tôi chỉ có hai con ma trơi chiếu sáng, không một ngọn gió nào thổi vào chỗ tối tăm, tịch liêu này cả.....Sống trong sương mù và trong không khí ẩm thấp, tôi thường nghĩ rằng sắp chết tới nơi, vậy mà trọn hai năm, bệnh tật hoài công lảng vảng chung quanh tôi. Riết rồi tôi thấy cái ngục nền đất ẩm thấp, hôi hám này là một cảnh thiên đường. Vì thế mà tôi giữ vững được ý chí, ngắm mây trắng trôi trên đầu mà lòng buồn mênh mông như vòm trời vậy"
"Sau cùng Hốt Tất Liệt sai người dẫn ông tới trước mặt mình hỏi: "Ngươi muốn gì" Văn Thiên Tường đáp: "Thiên Tường này đội ơn nhà Tống mà được làm tể tướng thì sao có thể thờ hai nhà được, ta chỉ xin được chết thôi". Hốt Tất Liệt chấp nhận. Khi lưỡi búa của tên đao phủ hạ xuống, ông quay mặt về Nam Kinh, như thể vua Tống còn ở đó, mà vái dài".
Will Durant chê hành động đó của Hốt Tất Liệt là "man rợ". Mấy hàng "nổi danh nhất" của Văn Thiên Tường. Will đã dẫn ở trên ít người được biết, nhưng bài chính khí ca của ông "tráng liệt như cầu vồng vắt ngang trời, mỗi lần ngâm lên thấy máu sôi trong lòng", nghe như một bài tiến quân ca, thì nhà nho Trung Hoa, Việt Nam thời xưa không ai không thuộc nó các vị như Phan Đìng Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Trung Trực......của ta tất đã nhiều đêm vung bảo kiếm, nhìn ngân hà mà ca:
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạt
Thượng tắt vi nhật tinh......
Trờiđấtcóchínhkhí

Bài đó tôi đã trích dịch trong Đại cương văn học sử Trung Quốc, cuốn III, trang 58
Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu được đời sau gọi là Tống vong tam kiệt (Ba hào kiệt thời Tống mất nước) . Có ba vị đó với Nhạc Phi, Tống cũng đỡ tủi.

Chương V ( 4)
C. KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Nông nghiệp.
Chúng ta đã biết thời đầu nhà Tống, cũng như mọi thời đầu của các nhà khác (Hán, Đường) nông nghiệp phát triển nhờ chính sách phát ruộng cho dân và nhờ dân được yên ổn làm ăn. Còn nhiều nguyên nhân nữa; công việc thuỷ lợi, đào kinh, đắp đê ở hạ lưu sông Dương Tử phát triển, người ta biết dùng những giống lúa mới thứ lúa sớm ở Chiêm Thành - (Theo Lombard)- và mỗi địa phương chuyên trồng một vài loại, số thu hoạch tăng lên, dân số tăng theo.
Nhưng vì chính sách thuế má bất công, dân nghèo thì phải đóng góp nhiều, kẻ giàu thì được miễn nhiều thứ thuế mà lại giỏi trốn thuế, nên kẻ nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu, nhất là thuế mỗi ngày một tăng, nên dân chúng đói quá phải nổi loạn, mỗi khi lụt hoắc mất mùa. Như 1075, ở Hồ Châu lụt, mùa màng hư hết, nữa triệu người chết đói, mặc dù triều đình đã phát chẩn 1.250.000 hộc lúa cho dân nghèo.
Nạn đói vì thiên tai là nạn lớn nhất của dân Trung Hoa. Có người đã làm thống kê thấy rằng trong 2.300 năm từ thế kỷ thứ VIII trước T.L tới cuối đời nhà Minh, chỉ có 720 năm là Trung Hoa không bị thiên tai còn những năm khác, trước sau họ bị 1057 cơn nắng hạn và 1030 vụ lụt, ấy là chưa kể nạn chiến tranh. Tân Pháp của Vương An Thạch có thể làm cho quốc khố khá hơn nhưng dân chúng lại khổ hơn: từng đoàn người đói rách rời bỏ quê hương, kéo lên kinh đô xin ăn, khám đường nhiều nơi chật những người thiếu thuế. Tô Đông Pha trong cựu đảng chán nản, lấy làm xấu hổ rằng giới sĩ như ông đọc biết bao nhiêu sách mà không tìm được một phương cứu đói cho dân được.
Giới đại điền chủ trái lại vẫn sống trong cảnh xa xỉ. Theo Eberhard, cuối Nam Tống (đời Độ Tôn), một người tên là Kia Sseo-tao, em một quý phi, có địa vị khá ở triều, đề nghị triều đình hạn chế số ruộng đất tối đa mà mỗi người được có, quá số đó phải bán cho nhà nước, nhà nước mua rồi di dân lại cho làm, để thu thuế. Ông áp dụng ngay vào miền phía nam của Nam Kinh, nơi các đại thần có nhiều ruộng đất, nhưng bọn đại địa chủ giết ông và chính sách đó phải bãi bỏ (1295)

2.Công Nghiệp
Có ba ngành phát nhất
a. Nuôi tằm, dệt lụa Tô Châu, gần Hàng Châu có nhiều xưởng dệt dùng cả ngàn người thợ.
b. Thuật in phát sinh trong các tu viện (Phật Giáo và Đạo Giáo) để in hình phật, bùa chú....rồi tới thế kỷ IX, X mới phát triển ở ngoài đời từ Tây Tứ Xuyên xuống đến hạ lưu sông Dương Tử: lịch, sách coi số, từ điển nho nhỏ. Giữa thế kỷ thứ X mới xuất hiện những kinh, thư của Khổng giáo in bằng mộc bản do lệnh của triều đình, trước đó người ta phải dùng giấy vỗ lên các tấm bia bằng đá rất hiếm, chỉ có ở kinh đô. Từ 960, người ta in nhiều kinh phật. Cũng vào khỏan đó đã có người dùng hoạt tự bằng đất nung, gỗ hay thiếc, nhưng phải dùng khỏan 7000 chữ, rất bất tiện, mà in như vậy ko đẹp, nên thuật đó lần lần không ai dùng.
c. Đáng kể nhất là đồ gốm, đồ sứ. Đồ sứ đạt đến tuyệt đích ở đời tống và nổi danh khắp thế giới.Có rất nhiều lò ở khắp nơi. Tại Bắc là lò Định Châu, Từ Châu, tại Trung Nguyên là lò Nhữ Châu, Quân Châu.......tại Nam là lò Long Tuyền (nổi danh nhất), Tu Hội.....
Đồ sứ là những đồ gốm gần như pha lê, khoáng chất dùng là cao lãnh (kaolin) và một thứ thạch anh trắng gọi là "bạch đôn tử"(quartz). Người ta nặng thành đồ, phủ lên một lớp men trắng rồi mới bỏ vô lò nung, có khi người ta vẽ, sơn lên men rồi nung lại. Có những người thợ chuyên môn vẽ hoa, loài vật, phong cảnh, tiên, thánh.....
Các nhà chuyên môn, sành nhất về đồ sứ cho rằng không đồ sứ cổ nào hơn được đời Tống; đời Minh, Thanh điều kém. Từ vua tới dân ai cũng thích đồ sứ, nó tràn ngập trong nước: chén, dĩa, bình, vại, chúc đài, bàn cờ.......Lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện những đồ sứ xanh như ngọc thạch, gọi là Đồng Thanh(céladon)(1) (mà bao lâu nay các nhà đồ gốm vẫn ước ao chế tạo )được, còn các nhà sưu tập đồ cổ thì tranh nhau mua. Vua Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư đều sưu tập nó. Những đồ sứ màu huyết bò hoặc trắng tinh (Bạch ngọc)cung rất quý. Nghề làm đồ gốm lang qua Nhật, Việt Nam, Xiêm nhưng nghệ thuật kém xa.
Cũng gọi là Long tuyền diêu (diêu mới đầu chỉ các lò nung đồ sứ,sau chỉ các đồ sứ) còn có tên nữa là Tống ngọc(ngọc đời Tống)

3.Thương Mãi.
Rất phát đạt. Bọn thương nhân họp nhau lại, càng ngày càng mạnh lên. Ngay giới quan lại lớn nhỏ cũng muốn kết thân, làm thông gia với họ và hùn vốn với họ làm ăn. Thời nào cũng vậy, hễ phú thì thành quý.
Nội thương phát triển nhất ở miền lưu vực sông Dương Tử và miền Nam nhờ sông đó đưa lên tới Tứ Xuyên được, mà hạ lưu lại rất nhiều kinh rạch thuận lợi cho sự chở chuyên. Cũng nhờ lưu vực đó phong phú nữa.
Ngoại thương phát đạt nhất ở miền bờ biển từ Phúc Kiến đến Quảng Đông. Các vua Tống rất quan tấm đến việc thông thương đường biển, khuyến khích các nước Nam Dương đến mua bán. Trung Quốc đã có những thuyền lớn chở được ngàn người, trọng tải 300.000 (cân khoản 150 tấn), và dùng la bàn để chỉ phương hướng, nhờ vậy mà thương thuyền đi biển khá nhiều, phía Đông đến Nhật Bản, Cao Li, phía Nam đến Chiêm Thành, quần đảo Nam Dương, phía Tây đến Ấn Độ, Ba Tư. Trong số người ngoại quốc đến buôn bán ở Trung Quốc thì người Ả Rập đông nhất, vì Hồi giáo được truyền bá ở Trung Quốc nhiều hơn các tôn giáo khác (trừ Phật giáo), người Nam Dương theo Hồi giáo đến Trung Quốc cũng đông, họ bán hương liệu, ngà voi, tê giác, đồi mồi, san hô, các đồ châu báo, và mua trà, tơ lụa, đồ sứ, sơn, vàng, bạc, đồng, thiếc. Ở Quảng Châu, Tuyên Châu, Lưỡng Chiết có đặt những ti Thị bạc để thu thuế quan. Đời Huy Tôn (đầu thế kỷ XII) số thuế thu được lên đến 10.000.000 quan tiền. Theo Eberhard thì giữa thế kỷ XII, số thuế ngoại thương bằng 7% số lợi tức quốc gia (không kể thuế đất ruộng), ngang với số thuế đánh vào trà, mà kém số thuế đánh vào rượu : 36%, vào muối 50%.
Để tăng lợi tức, chính phủ mở rất nhiều khách sạn và ti bán rượu.
Các thương nhân họp nhau lại lập các thương hàng, tập hợp lại thành khu vực, các thương nhân đồng nghiệp (cùng bán một loại hàng) đoàn kết với nhau để định giá, độc chiếm, lũng đoạn thị trường.
Đời Tống (thế kỷ XII) dùng bốn thứ tiền: Tiền đồng, tiền sắt, tiền bạc, tiền giấy, làm thiệt hại dân chúng rất nhiều. Nguyên là do thời Bắc Tống ở khu vực Tứ Xuyên, tiền sắt chuyên chở khó khăn, mới tạo ra một thứ tiề giấy gọi là giao tử. Một giao tử ăn một quan, ba năm đổi một lần, giao cho nhà giàu biện lý, đến đời Nam Tống trở thành một thứ tiền giấy quốc gia phát hành. Số tiền thời đó là 10 triệu quan.

Chương V ( 5)
4.Đời sống thành thị
5.Hàng Châu - Đời sống các giới.

4.Đời sống thành thị
Thương mãi phát đạt thì thị trấn thành thị cũng phát triển. Trung tâm kinh tế đã từ miền Bắc chuyển xuống miền Nam. Kinh đô đã không còn ở trung lưu sông Hoàng Hà nữa; nó từ Trường An chuyển lại Lạc Dương, rồi từ Lạc Dương đến Biện Kinh (Khai Phong ngày nay), đời Nam Tống nó xuống Hàng Châu. Năm 1170 Hàng Châu đã có nửa triệu người. Chợ búa phố xá rất đông đúc. Miền Nam khí hậu ấm áp hơn miền Bắc, cây cỏ xanh tươi nhiều hồ, nhiều sông, đời sống dễ chịu nên tính tình của con người cũng thay đổi,bớt khắc khổ, đạm bạt, nghiêm ngặt mà phóng khoáng hơn, vui vẻ, ham hưởng lạc, lãng mạn hơn.
Giới thương gia ở kinh đô sống trong những dinh cơ rộng: phía trước là ngôi nhà lộng lẫy tiếp khách, có nhà thờ tổ tiên, phía sau là khu cho phụ nữ, trẻ con, chung quanh là vườn rộng có cây cảnh, cây ăn quả, non bộ. Họ có nhiều cao lâu, tửu quán, trà thất để ăn tiệc, chơi bời, ngắm trăng, nước, nghe hát. Muốn biết đời sống của họ, chúng ta có thể đọc những truyện Thuỷ Hử, nhất là Kim Bình Mai, hoặc cuốn La vie quotidienne en Chine la veille de l invasion mongole của Jacques Gernet. Truỵ lạc là giới thương nhân đó và giới quan lớn mà hầu hết là đại điền chủ. Ở Trung Quốc, thời xưa các quan đều ăn hối lộ không nhiều thì ít, vì lương của họ thấp quá mà họ lại có nhiều vợ, nhiều con, nhiều kẻ hầu người hạ, có khi phải giúp đỡ cho anh em, họ hàng nữa. Một người làm quan thì cả họ được nhờ. Vua Cao Tôn hiểu vậy tăng lương cho họ, không rõ bao nhiêu nhưng có tăng gấp đôi, gấp ba cũng không đủ. Cho nên ông quan nào cũng không có di sản của tổ tiên, hoắc vợ giàu, đảm đang, mà ráng giữ đức thanh liêm thì phải sống đạm bạc như Phạm Trọng Yêm: Vợ con không được bận đồ tơ lụa, bữa cơm chỉ dọn một món thịt, trừ khi có khách mà ông là một đại thần ở triều Nhân Tôn đấy. Còn Tô Đông Pha hồi còn làm chức quan nhỏ, thất phẩm ở Mật Châu (lúc đó triều đình đã giảm lương quan lại), phải chịu mọi cảnh thiếu thốn, con cái nheo nhóc, không đến nỗi chết đói, nhưng có lúc cùng một bạn đồng sự, phải đi hái cúc trong các vườn hoang để ăn cho đầy bao tử.(1)
Nhưng đời Tống có điểm đáng khen là nhờ đạo học của các triết gia họ Chu, họ Trình, tinh thần nhà Nho chân chính rất cao, nhiều kẻ sĩ biết trọng khí tiết. Âu Dương Tu, Tư Mã Quang, Trình Hạo, Trình Di, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch đều có đức cả. Nhờ họ mà học sinh thời đó, nhất là học sinh trường Thái học, đa số có tinh thần ái quốc, dám dâng thư vạch lỗi lầm của triều đình như trên tôi đã kể. Xét chung thì sĩ phong thời đó đáng khen, cho nên khi triều đình Tống nhảy xuống biển tự tử, không chịu cái nhục để cho quân Mông Cổ bắt sống, trong nước có cả ngàn người tuẫn tiết theo, đàn bà cũng như đàn ông.
(1) Ở nước ta thời Nguyễn cũng vậy. Một quan huyện liêm khiết ngày 25 tết đóng cửa huyện đường mà trong nhà không còn gạo. Nhiều ông làm chức đốc học mà khi chết chỉ có được vài sào ruộng, vài căn nhà lá, từ đường do môn sinh góp tiền cất cho.

5.Hàng Châu - Đời sống các giới.
Khi rợ Kim chiếm biện kinh rồi, vua Cao Tôn đầu đời Nam Tống lưu lạc hai ba nơi rồi sau lại Hàng Châu lúc đó chỉ là một cái phủ ở ngay tỉnh lị, tỉnh Chiết Giang. Mới đầu triều đình chỉ tính ở tạm tại đó, coi đó là một "hành tại" (người Âu phiên âm là Quinsay) cũng như hành cung vậy thôi. Sau thấy phong cảnh nơi đó đẹp đẽ, khí hậu mát mẽ, cây cối xanh tươi, nhất là miền đó có nhiều đồi, nhiều hồ, sông rạch và chằm, rợ Kim quen chiến đấu ở miền Bắc, phi ngựa trên những đồng cỏ mênh mông, gặp những sông rạch, chằm đó sẽ bất lợi, nên triều đình Nam Tống lựa Hàng Châu làm kinh đô.
Nó nằm trên bắc ngọn sông Chiết Giang- khúc đó cách bờ biển không xa, còn có tên là Tiền Đường (nơi nàng Kiều gieo mình xuống để chấm dứt 15 năm đau khổ), phía nam nó dựa lưng vào núi Ngô Sơn, phía tây nó soi bóng trên Tây Hồ, nổi danh là nơi linh tứ bật nhất của Trung Hoa nhờ cảnh đồi núi, hồ biển tuyệt đẹp, nhờ khí hậu ấm áp, nhờ dân trong miền tính tình vui vẻ, nam thanh nữ tú, tiếng ca hát ngâm thơ vang lên trong các vườn hoa, các trà thất, bên bờ nước, dưới các hàng liễu.
Đầu Nam Tống, nó chỉ độ 200.000 dân, cả Nam Tống được độ 60 triệu dân, Bắc Tống được độ 40 triệu nữa. Nhưng nó phát triểu rất mau vào cuối đời Nam Tống, đầu đời Nguyên, nó đã có một triệu dân, thành thị trấn đông dân nhất, giàu có nhất thế giới. Mà coi trên bản đồ chúng ta thấy rất hẹp. Nó có hai vòng thành, vòng trong xây vào thế kỷ VII. Thị trần ở vòng trong: từ Nam tới Bắc độ bảy cây số, chiều ngang độ 2 cây số. Thành trong đắp bằng đất, đá và gạch cao chín thước, dưới chân dày ba thước, có 13 cửa mà 3 ở phía đông quan trọng nhất, xây cất rất vững chắc, canh gác suốt ngày đêm. Từ năm 893 người ta bắt đầu xây thêm vòng ngoài. Dưới chân thành có hào rộng.
Có một con đường chính rộng trăm bước chân từ Bắc tới Nam, nơi có cung điện, tôn miếu và đàn Nam giao. Có nhiều đường từ Đông qua Tây cắt ngang đường chính đó, và nhiều kinh chạy song song với đường chính. Không biết ngoại ô lan tới đâu. Và người ta chỉ đoán rằng vào khoảng 1274. Thị trấn rộng trên 20 cây số vuông, mà chứa 1.000.000 người (1) cho nên rất chật chội.
(1) con số này tin được vì cứ 2,3 năm một lần, vào những năm nhuận, triều đình kiểm tra lại dân số. Hơn nữa, từ năm 1276 nhà nào ở Hàng Châu cũng phải ghi tên những người trong nhà, kể cả trẻ con, vào một tờ khai dán ở cửa.

Phần III
Chương VI
Thời Quân Chủ ( Tiếp)


Giai Đoạn sau
Hán suy, Hồ mạnh
Dưới Sự Thống trị của Mông Cổ
Nhà Nguyên -90
Tổng Quan
Tới đây chúng ta bước vào một giai đoạn mới của lịch sử Trung Hoa mà có sử gia ( Lombard cho là thời ổn định ( atabilisation), nghĩa là quốc gia Trung Hoa từ nay không còn những cảnh loạn lạc, chia rẽ, phân tán thành cả chục nước như thời Nam Bắc Triều ( cuối Hán ) , thời Ngũ Đại ( cuối Đường ) hoặc ít nhất cũng làm hai, ba nước như thời Tam Quốc và thời Tống ; có sử gia ( Eberhard) lại cho là thời Cận Đại của lịch sử Trung Hoa có thể so sánh với thời Cận Đại của Âu Tây, vì ở Trung Hoa giai cấp sĩ tộc giàu có và cầm quyền bây giờ mạnh lên, hơi giống giai cấp bourgeoisie ở phương Tây. Tôi nói hơi giống và chính Eberhard cũng nhận rằng phải tới sau cách mạng Tân Hợi ( 1911), Trung Hoa mới thực sự có giai cấp bourgeoisie hoàn toàn dự vào những hoạt động chính trị .
Chúng tôi đứng về một phương diện khác mà xét thì thấy ba triều Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân tộc Trung Hoa , dân tộc Hán. Lịch sử Trung Hoa là lịch sử một dân tộc văn minh rất sớm, mở mang được một bờ cõi rất rộng , ở sát nách các dân tộc du mục, hiếu chiến phương Bắc ( Đông và Tây ), và suốt hai ngàn rưỡi năm , tới cuối đời Tống , chỉ là một cuộc tranh đấu để sinh tồn giữa họ với các rợ đó. Cuộc tranh đấu bất tuyệt và thật gay go: Hễ dân tộc Trung Hoa thịnh lên ( đầu Chu, đầu Hán , đầu Đường) thì các rợ phải lùi về các cánh đồng cỏ của họ, đợi lúc Trung Hoa suy thì lại từng đoàn, từng đoàn phi ngựa qua cướp bóc,chiếm lúa gạo, của cải đất đai. Cuối đời Hán chúng đã len lỏi vào làm chủ được một phần Hoa Bắc trong hai thế kỷ rưởi . Đường mạnh lên, đuổi chúng đi, cuối Đường chúng trở lại, làm chủ được già nửa Hoa Bắc trên nửa thế kỷ, rồi lại rút đi, nhưng không rút đi hết , một phần Hoa Bắc vẫn còn thuộc rợ Liêu và rợ Kim đã Hán hóa khá nhiều, có thể chế, có tổ chức mạnh, rồi tới cái mức Tống tuy đã thu lại được, phải chịu lép, nhận chúng như nước đàn anh, nộp cống (thực ra là thuế hằng năm) cho chúng . Sau cùng, một rợ khách , rợ Mông Cổ diệt được Liêu và Kim, rồi diệt luôn cả Tống nữa. Lần này là lần đầu tiên dân tộc hán hoàn toàn mất chủ quyền, toàn cỏi non sông Trung Hoa nằm dưới gót ngựa Mông Cổ trong non một thế kỷ: 90 năm -90 .
Qua đời sau, đời Minh dân tộc Trung Hoa đuổi được rợ Mông Cổ đi, giành lại độc lập trong 276 năm -267 . Vậy là trong 633 năm -634 dân tộc Trung Hoa chịu sự thống trị của các rợ 357 năm, chỉ tự chủ được 276 năm.
Vì vậy tôi gọi thời đại Nguyên, Minh, Thanh là thời suy của dân tộc Hán. Suy chẳng những vì mất chủ quyền rất lâu, mà còn vì về văn hóa, tuy vẫn tiến bộ được ở vài điểm, nhưng không còn rực rỡ bằng Đường, Tống nữa.

A - CHÍNH SÁCH CỦA MÔNG CỔ
1- Chính sách chung của các rợ
- Họ luôn luôn đợi lúc Trung Hoa suy, có nội loạn mới tấn công thì dùng những người Trung Hoa ở miền biên giới làm cố vấn dắt dẫn;
- Chiếm được đất rồi,họ dùng chính sách chia để trị : chia rẽ giống này với giống khác ; giới này với giới khác;
- Họ phải dùng người Hán để thu thuê, cai trị người Hán; nếu có thể được, họ dùng ngoại nhân ( như các rợ đại Hán hóa, thương nhân Á rập, Hồi Hồi ...)
- Văn minh họ kém, thường họ không có chữ viết, nên họ phải theo chế độ, văn minh Trung Hoa, ngay đến tên triều đại, miểu hiệu, cũng dùng tên Trung Hoa.
- Lâu rồi thì họ Hán hoá, mất tình thần hiếu chiến, ham hưởng lạc, mà suy nhuợc , bị người Hán quật lại, đuổi đi; lúc đó đất đai của họ thành đất đai của Hán, người Hồ nào ở lại thì thành người Hán, do đó tổ quốc Trung Hoa lại rộng thêm, đông dân thêm;
- Họ biết vậy , nên có rợ như Liêu, giữ một phần đất ở ngoài Vạn Lý Trường Thành, không cho Hoa hóa, để khi bị đuổi khỏi Trung Hoa thì họ trở về đó.

2 - Kỳ thị Trung hoa.
Mông Cổ cai trị Trung Hoa cũng theo chính sách đó, nhưng cực kỳ tàn nhẫn, không kém bọn thực dân da trắng đối xử với dân bản xứ da đen ở Nam Phi ngày nay.
Hồi Hồi Tất Liệt mới lên làm vua Trung Hoa, đổi quốc hiệu là Nguyên, tức Nguyên Thế Tổ , một viên thượng thư Mông Cổ khuyên ông ta:
- Tụi Trung Hoa này không ích gì cho chúng ta hết, nên đuổi hết chúng đi, dùng ruộng của chúng để làm cánh đồng cỏ nuôi ngựa .
Một viên Thượng Thư khác đưa ý kiến:
- Phải tận diệt năm gia tộc lớn nhất của Trung Hoa để chúng khỏi cầm đầu phong trào chống lại chúng ta .
Cũng may Thế Tổ không nghe lời họ mà nghe lời một cựu Tể Tướng Khiết Đan tên là Da Luật Sở Tài, dùng người Trung Hoa trong việc trị nước. Ông ta hiểu rằng không thể cai trị người Trung Hoa như cai trị các dân tộc khác trong đế quốc, cho nên ông tách Trung Hoa ở phía dưới Trường Thành thành một nước riêng, có chế độ riêng; còn phần ở phía trên Trường Thành , tuy cũng thuộc về ông , nhưng vẫn theo chế độ cũ của Mông Cổ, phong tục Mông Cổ. Ông lại bỏ Kinh Đô cũ Karakorum mà lập Đại đô ở Bắc Kinh ngày nay, mặc dầu Karakorum thời đó là nơi tụ họp gần đủ các giống người từ Đông qua Tây.
Nhưng ông đặt ra những luật kỳ thị chủng tộc, điều mà từ trước chưa hề thấy ở Đông Á. Xã hội chia làm bốn hạng người:
- Đứng đầu là người Mông Cổ, nhiều đặc quyền nhất; rồi tới các dân tộc không phải là Hán ở Trung Á, như Khiết Đan, Úy Ngô Nhi, Tây tạng ...mà văn hoá và huyết thống, phong tục gần với Mông Cổ ; hạng này gọi chung là " sắc mục " được hưởng một số đặc quyền, hạng thứ ba là người Hán ở phía bắc mà họ cho là đã đồng hóa ít nhiều với các rợ, đángtin cậy một chút, cuối cùng là người Hán ở miền Nam bị kỳ thị nhất vì đã chống lại họ mạnh nhất.
Đó là về giống người , về giai cấp trong xã hội thì họ chia làm mười :
1- Quan lớn ở triều đình ( đều là người Mông Cổ )
2- Quan nhỏ ở địa phương
3- Lạt ma ( thầy tu Tây Tạng )
4 - Đạo sĩ
5 - Y Sĩ
6 - Thợ và người làm tiểu công nghệ
7 - Thợ săn
8 - Làm các nghề họ cho là đáng khinh như con hát
9 - Nhà nho
10 - Ăn mày
Mới đầu người Trung Hoa Bắc và Nam không được thi cử, không được lãnh một chức gì dù là nhỏ, trong chính quyền . Về sau họ được thi, nhưng phải thi riêng, không được thi chung với người Mông Cổ và các người sắc mục. nếu họ đậu tiến sĩ thì tên nêu trên một bảng riêng ở bên trái , bảng bên phải dành cho người Mông Cổ và người sắc mục. Dĩ nhiên hai hạng người sau dù bài kém cũng được tuyển . Gần đây hoa lục cũng dùng lối phân biệt đó đối với thí sinh trong giai cấp vô sản, và nước ta hiện nay cũng vậy . ( 1 ) Sau cùng người Hán nào được bổ dụng thì bắt buộc phải học tiếng Mông Cổ , và theo đạo Hồi, ít nhất là bề ngoài, đạo mà Mông Cổ che chở .
Có thời, người Hán bắt buộc phải bỏ y phục cùng cổ tục, ăn mặc theo rợ Hồ, cài áo bên trái, tay hẹp, tóc thả xuống sau lưng.
Luật pháp đối với họ rất khắc khe: không được có vợ Mông Cổ hoặc sắc mục. Mắc tội ăn cắp thì người Mông Cổ chỉ bị phạt vạ, còn người Hán thì lần đầu bị xâm vào cánh tay bên trái, lần thứ nhì vào cánh tay bên mặt, lần thứ ba vào cổ để mọi người trông thấy . Nếu giết một người Mông Cổ hay sắc mục thì người Hán phải chịu tử hình và gia đình phải chịu phí tổn ma chay - dĩ nhiên là nặng - cho thân nhân người chết. Trái lại , kẻ bị giết là Trung Hoa mà kẻ sát nhân là người Mông Cổ hay sắc mục thì có thể viện lẽ là trong cơn say rượu hoặc trong lúc tranh luận hăng quá, lỡ tay, và chỉ bị phạt và hoặc cùng lắm là đày ra biên giới.
Ruộng, ngựa của người Trung Hoa, Mông Cổ muốn chiếm thì chiếm.
Một sắc lệnh ban năm 1337 cấm người Trung Hoa giữ khí giới, vậy là họ khôngthể săn bắn được vì cung, tên cũng là khí giới.

3 - Nhưng tiếp đón mọi dân tộc.
Điều làm xáo trộn phong tục và xã hội Trung Hoa nhất là chính sách coi trọng công thương, mà ức sĩ, đặt kẻ sĩ ở cuối thang xã hội, chỉ trên bọn ăn mày, khiến kẻ sĩ có tư cách không chịu hợp tác với họ, một số vô rừng ấn dật, và gặp thời cơ thì cầm đầu phong trào phản Mông.
Vậy Mông không muốn dùng Hán mà Hán cũng không muốn hợp tác với Mông, do đó người Mông vốn chủ quan chiến tranh, không biết cai trị, phải dùng nhiều quan lại ngoai nhân, tạm nên một chế độ siêu quốc giới ( cosmopolite) , như người Ý
Marco Polo cai trị Dương Châu (coi ở sau), một người Á Rập cai trị Vân Nam ( do đó mà ở Vân Nam Hồi Giáo thịnh hơn các tỉnh khác)
Đế Quốc Mông Cổ lan từ Đông Á, qua Trung Á, tới Nga và một phần Tây Âu, nên sự giao thông từ Trung Hoa qua Châu Âu rất yên ổn, dễ dàng, và lần đầu tiên trong lịch sử, Đông Tây tiếp xúc thẳngvới nhau. Trong một thế kỷ từ 1240 tới khoảng 1340, người Âu qua Hoa Bắc,( mà họ gọi là Cathay) bằng nhiều đường ; từ phía Nam nước Nga băng qua những cánh đồng cỏ mênh mông của Trung Á, đường đó khó đi nhất, hoặc vượt Hắc Hải, rồi theo con đường chở lụa của thời trước, qua những ốc đảo ở Trung Á, đường này dể đi, hết thảy các thương nhân đều dùng, hoặc do đường biển tới Syrie rồi từ đó tới Bagdad, vô Trung Á. Còn một điều nữa, dùng biển vượt Ấn Độ Dương, tới Nam Á rồi lên Quảng Châu. Đường này người Âu ít dùng vì thường bị người Á Rập chặn.
Thời nhà nguyên, Cảnh giáo hơi phát đạt ở Trung Hoa, vì mẹ của Hốt Tất Liệt, và có lẽ một Đại Hãn ( vua Mông Cổ ) nữa theo đạo đó. Tại nhiều miền Trung Hoa có tín đồ Cảnh Giáo và một số làm quan cho nhà Nguyên.
Sau Cảnh Giáo tới Công Giáo, Giáo Hoàng La Mã bốn năm lấn phái sứ thần tới triều đình Nguyên để kết thân, xin mở giáo đường, để truyền giáo. Hai sứ thần quan trọng nhất là tu sĩ John Hontecorvinovà tu sĩ Odoricof Marignolli, cả hai đều là người Ý tu theo giòng Saint François d Assise. Họ đều được vua Nguyên tiếp; chính sách của Mông Cổ là mở rộng biên cương,cho mọi tôn giáo, mọi người ngoại quốc vô và dùng họ trong công việc buôn bán, cả trong việc hành chính nữa. Họ chỉ kỳ thị người Trung Hoa thôi.
Họ có nhiều cảm tình với người Ả rập, cho dựng nhiều giáo đường Hồi, năm 1250 dùng một người Á Rập làm viên quản đốc tối cao các tàu buôn ở miền Phúc Kiến.
Người ngoại quốc được trọng dụng nhất là Marco Polo, mà tập du ký nhan đề là Le Livre de Marco Polo et des merveilles d Asie ( Cuốn sách của Marco Polo về các kỳ quan của Châu Á) làm ngtười Âu thời đó chóa mắt về phương Đông, thành một tác phẩm bất hủ (hiện nay vẫn còn nhiều người đọc) ảnh hưởng rất lớn, mở đầu cho cuộc trao đổi vật chất và tinh thần giữa Đông Tây, việc phổ biến thuật làm giấy, nghề in, cách dùng thuốc súng ... Ở Phương tây.
Thời đó vào thế kỷ XIII, hai thương nhân Ý ở Venise ( một trung tâm thương mãi quan trọng trên bờ Địa Trung Hải) Maffeo và Nicolo Polo chở nhiều đồ trang sức và bảo ngọc lại bán ở Constantinople. Bán có lời, họ vượt biên giới vào đất Mông Cổ để tiếp tục làm ăn. Một viên quan Mông cổ mời họ theo ông ta tới Bắc Kinh, vua Mông Cổ thích bảo ngọc lắm, sẽ mua cho. Họ nghe lời , tới Bắc Kinh, được Hốt Tất Liệt tiếp và nhờ mang một bức thư về trình lên Giáo Hoàng.

Giáo Hoàng Grégoire X lại phái Nicolo đem bức thư trả lời về Trung Hoa. Lần này Nicolo dắt theo em là Maffeo và con trai là Marco mới 17 tuổi. Cả ba đều được triều đình Mông Cổ tiếp đãi long trọng, và thanh niên Marco rất thông minh, khéo léo, được vua Mông Cổ mến, tin, giao cho nhiều việc (như nhận xét về địa hình), sau cùng cho một chức quan trọng ở Dương Châu( có sách nói là chức Thái thú, có sách bảo là coi việc khai thác và bán muối).
Marco ở Trung Quốc 17 năm, sau nhớ quê hương, xin về. Vua Mông Cổ bằng lòng và phái chàng đưa một công chúa Mông Cổ đã hứa gã cho vua Ba Tư. Sau 18 tháng lênh đênh trên biển họ mới tới vịnh Ba Tư, đưa công chúa lên bờ rồi, Marco tiếp tục lại Constantinople mới tới Venise năm 1295. Ông kể những kỳ quan ở Trung Hoa cho người đồng hương nghe, bảo vua Mông Cổ mỗi năm thu được từ 10 đến 15 triệu đồng tiền vàng, thần dân có tới mấy chục triệu cái gì cũng tới số triệu , không ai tin ông còn mỉa ông là nói láo, gọi ông là " chú triệu ". Ít lâu sau, ông bị bắt làm tù binh trong một trận giữa Venise và Gênes; và ở trong khám ông kể lại hồi ký cho một người chép lại thành cuốn: Du Ký của Marco Polo ".
Ngoài ảnh hưởng của đạo Hồi, đạo Ki Tô, còn phải kể thêm sự cống hiến của các dân tộc phương Bắc ( Khiết Đan, Kim, Mông Cổ), nhất là Tây Tạng, Tu viện Lạt Ma giáo được dựng lên, một tu sĩ Tây tạng Phagepa, Trung Hoa phiên âm là Bát Tư Ba tạo cho Mông Cổ một thứ chữ viết tượng thanh( phonétique) khác hẳn chữ Trung Hoa. Một kiến trúc sư xứ Népal( Ấn Độ) xây dựng lại một ngôi đền.
Rồi những kỷ thuật nói về đồ sứ ( đồ Closonné: Thất bảo?) về cách dệt thảm, cách nấu rượu, cả về thiên văn học về môn vẽ bản đồ. Trung Hoa cũng rút kinh nghiệm được của Á rập. Vì vậy mà Lombard bảo Trung Hoa đời Nguyên là một cái " lò văn hóa"
( crenset culture), và Simon Leys trong Ombres Chinois ( Paris 1975) bảo nếu nhà Minh và nhà Thanh biết theo chính sách " khai quan " ( m::7ạ1:: c::10ạ1::) đó thì Trung Hoa đã tiến bộ như phương Tây rồi.

Người Trung Hoa không phải chỉ tiếp thu mà thôi. Họ cũng truyền bá văn hóa của họ qua phươn Tây bằng những con đường từ Đông qua Tây. Thời Mông Cổ toàn thịnh, có hàng ngàn thường dânTrung Hoa túa ra khắp nơi trong đế quốc Mông cổ, tới Nga, Ba Tư, Méssopotamie (miền Lưỡng Hà). Các dân tộc đó học được của họ thuật chế tạo thuốc súng, nghề in, cách dùng giấy bạc, cách dùng thuốc trị bệnh, những phát minh vể y khoa. Mà thương nhân ngoại quốc tới Trung Hoa cũng rất đông; riêng Tràng An có tới 2.000 thương điếm của ngoại nhân.
Nhiều kỷ sư Trung Hoa giúp Méssopotamie trong việc thủy lợi; một nhà bác học Á rập, Rashid Ud-Din, giao thiệp với y sĩ Trung Hoa và viết một cuốn truyền bá y học Trung Hoa tại Tây Á.
Văn minh Trung Hoa sở dĩ được truyền bá rộng như vậy chính là nhờ Mông Cổ. Trong cái họa cũng có cái phúc.
(1) Tác giả viết trước năm 1984 ( BT )


HOMECHAT
1 | 1 | 191
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com