watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:42:1118/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Nho Lâm Ngoại Sử 51 - Hết - Trang 3
Chỉ mục bài viết
Nho Lâm Ngoại Sử 51 - Hết
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang
Trang 3 trong tổng số 3

Hồi 54
Giai nhân ốm, đoán số lầu xanh,
Danh sĩ khờ dâng thơ quán đĩ

Sính Nương đang ngủ với Trần Tứ, mơ thấy Trần Tứ đã được làm tri phủ Hàng Châu, lúc tỉnh dậy nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời đã sáng. Sính Nương dậy rửa mặt chải đầu. Trần cũng dậy. Mụ dầu vào phòng hỏi thăm sức khỏe. Đang lúc ăn điểm tâm thì Kim Tu Nghĩa vào đòi Trần Tứ cho mình uống rượu mừng, Trần Tứ nói:
- Hôm nay tôi phải lên phủ Quốc Công, ngày mai tôi sẽ trở lại và đãi anh một bữa.
Kim Tu Nghĩa bước vào phòng thấy Sính Nương vẫn chải đầu chưa xong. Bộ tóc mây đen nhánh buông thõng đến đất. Kim Tu Nghĩa nói:
- Chúc mừng cháu Sính Nương hôm nay được một người khách quý. Kìa! Đến bây giờ cháu vẫn còn tô điểm chưa xong kia à! Thế này thì càng ngày lại càng lười biếng rồi.
Nói xong quay lại hỏi Trần Tứ:
- Ngày mai lúc nào ông trở lại đây? Tôi sẽ thổi sáo và bảo Sính Nương hát vài khúc cho ông nghe. Trong tất cả các chị em ở mười sáu lầu này không ai hát bài “Thanh bình điệu” của Lý Bạch hay bằng Sính Nương cả.
Trong khi Kim Tu Nghĩa nói thì Sính Nương lấy khăn tay lau bụi trên mũ Trần Tứ và dặn:
- Chiều mai thế nào anh cũng phải đến, đừng để em đợi đấy!
Trần Tứ gật đầu về nhà với hai người hầu. Vì không còn tiền nữa Tứ viết một cái thư khác sai người đưa đến phủ Quốc công nhờ Từ công tử thứ chín ở phủ Từ quốc công cho mượn hai trăm lạng nữa. Một lát sau, người đầy tớ trở về báo:
- Ông Chín gửi lời thăm ông, ông ta vừa ở Bắc Kinh đến phủ Quốc Công. Ông Ba được bổ làm tri phủ Chương Châu tỉnh Phúc Kiến. Trong ngày mai, ông Chín sẽ đến thăm ông rồi sẽ cùng đi Phúc Kiến để giúp việc cho ông Ba. Còn số tiền thì ngày mai ông Chín sẽ mang lại, nhân tiện để từ biệt ông một thể.
- Nếu ông Ba đã về thì ta phải đến thăm trước.
Nói xong Trần lập tức lên kiệu, mang theo người hầu đến phủ Quốc Công. Khi người giữ cổng vào bảo, một người quản gia ra nói:
- Ông Ba và ông Chín đều đi ăn tiệc ở Mộc Phủ. Nếu ông có danh thiếp, tôi xin đưa lại.
- Tôi cũng không có việc gì nói, chỉ đến hầu thăm ông Ba thôi.
Nói xong, Trần trở về nhà. Hôm sau hai công tử đến nhà Trần để từ biệt. Họ xuống kiệu ở ngoài cửa, Trần ra tiếp, đưa vào ngồi trong nhà khách ở bên bờ sông. Công tử thứ Ba nói:
- Đã lâu lắm chúng ta không gặp nhau. Nay trông em lại đẹp trai hơn trước . Khi cô mất đi thì anh ở Bắc Kinh không thể đến điếu. Mấy năm nay, chắc học vấn của em lại càng sâu rộng hơn trước.
- Mẹ em mất đi đến nay đã hơn ba năm. Vì em rất phục học vấn của em Chín nên em đến Nam Kinh để mong được học tập. Nay em anh lại được bổ nhiệm đến Phúc Kiến, cả em Chín cùng đi theo, em không biết nhờ vào ai.
Công tử thứ chín nói:
- Nếu anh không ngại gì xin anh cùng đi với em. Đường xa đi đông cho đỡ buồn.
- Em cũng muốn cùng đi lắm, nhưng trong nhà còn ít việc vặt chưa thu xếp xong, phải đợi hai ba tháng sau mới có thể đến Phúc Kiến được.
Công tử thứ chín bảo người nhà mang vào một cái hộp trong đó có hai trăm lạng bạc, đưa cho Trần Công tử thứ ba nói:
- Anh đợi em đến nha môn. Ở đấy có nhiều việc cần em giúp đỡ, thế nào em cũng đến giúp anh.
Uống trà xong, hai người cáo từ ra về. Trần cũng lên kiệu đến phủ Quốc Công. Trần tiễn hai người đến tận thuyền rồi cáo từ về nhà.
Bấy giờ Kim Tu Nghĩa đang ngồi đợi ở nhà liền theo Trần Tứ đến Lâu Lai Tân. Hai người bước vào phòng ngủ; thấy Sính Nương vẻ mặt xanh xao. Kim Tu Nghĩa nói:
- Mấy lâu nay cháu không được gặp ông Trần nên đau tim.
Mụ dầu đứng bên cạnh nói:
- Cháu nó được nương chiều từ lúc còn bé, khi nào cháu nó buồn bực việc gì thì bệnh đau tim lại phát ra. Hai hôm nay ông không đến, cháu nói rằng ông ghét cháu, nên bệnh lại phát.
Sính Nương nhìn thấy Trần Tứ, hai hàng nước mắt rưng rưng không nói được một tiếng. Trần Tứ nói:
- Em đau ở đâu? Muốn chữa bệnh này thì làm thế nào? Trước đây khi bệnh này phát ra thì uống thuốc gì?

Mụ dầu nói:
- Trước đây cháu mắc bệnh này, cháu thường không chịu uống một tí nước trà nào. Thầy thuốc có cho đơn; nhưng cháu chê thuốc đắng không chịu uống. Tôi phải nấu nhân sâm cho uống từng thìa một; như thế dần dần mới khỏi được.
Trần Tứ nói:
- Tôi có tiền đây. Tôi sẽ đưa năm mươi lạng bạc để bà mua nhân sâm cho nàng dùng. Sau này mua được thứ nhân sâm tốt tôi sẽ đưa lại.
Sính Nương nghe vậy dựa lưng vào gối thêu, quấn chăn xung quanh mình; mặc một áo lót màu đỏ, thở dài một cái và nói:
- Khi nào bệnh này phát ra, không hiểu tại sao trong lòng em thấy rờn rợn.
Thầy thuốc bảo em nếu uống nhân sâm thôi thì hư hỏa càng mạnh. Vì vậy em phải dùng nhân sâm với hoàng liên. Như vậy đêm mới chợp mắt được. Nếu không thì mắt cứ mở thao láo mãi đến sáng.
Trần nói:
- Cái đó cũng dễ. Ngày mai anh sẽ đưa hoàng liên đến cho em.
Kim Tu Nghĩa nói:
- Ông Tứ ở trong phủ Quốc Công, nhân sâm và hoàng liên đáng giá là bao Sính Nương cứ tha hồ mà dùng.
Sính Nương nói:
- Em không hiểu tại sao trong lòng em thấy rờn rợn, cứ nhắm mắt là nằm mơ lung tung. Ngay cả ban ngày cũng còn sợ.
Kim Tu Nghĩa nói:
- Đó là vì con người cô yếu đuối cho nên không chịu đựng được sự khó nhọc không chịu được điều phiền muộn!
Mụ dầu nói:
- Hay là có xúc phạm đến vị thần nào chăng? Phải nhờ một nhà sư đến giải hạn cho mới được.
Vừa lúc ấy bên ngoài có tiếng mõ. Mụ dầu chạy ra thấy sư cô Bản Tuệ trong am Diên Thọ đến để xin gạo hàng tháng. Mụ dầu nói:
- Ối chào! Sư cô đây rồi. Hai tháng nay không gặp. Mấy lâu nay sư cô ở trong chùa lễ Phật có bận lắm không?
- Không giấu gì bà, năm nay gặp lúc không may. Tôi có một cô tiểu hai mươi tuổi, vừa mất tháng trước. Đến cả lễ Quan âm cũng chưa làm được. Người dâu của bà như thế nào?
- Cứ nay khỏe, mai lại đau. May có ông Trần ở phủ Thái Bình chăm sóc cho. Ông Trần là anh em họ với Từ công tử trong phủ Quốc Công, thường hay đến nhà tôi. Nay bệnh của cháu lại phát ra. Mời sư cô vào xem.
Sư cô đi theo phòng. Mụ dầu nói:
- Đây là ông Trần Tứ ở phủ Quốc Công.
Sư cô chào và hỏi thăm. Kim Tu Nghĩa nói:
- Ông Tứ! Sư cô đây là một người rất có đạo đức.
Sau khi chào Trần Tứ, sư cô đến giường nhìn Sính Nương. Kim Tu Nghĩa nói:
- Chúng tôi vừa bàn đến việc lễ giải hạn. Nay không gì bằng mời sư cô cùng giúp.
- Tôi không biết việc lễ giải hạn nhưng để tôi xem sắc mặt như thế nào.
Và bước vào ngồi bên giường. Sính Nương vốn biết sư cô. Nàng vừa cất đầu lên nhìn, thấy cái mặt vàng, cái đầu trọc, đột nhiên nhớ đến sư cô ở trong giấc chiêm bao lại càng hoảng sợ, liền kêu lên một tiếng: “Xin lỗi” lấy chăn trùm lên đầu nằm xuống. Sư cô nói:
- Xem cô có vẻ mệt, tôi xin ra. Sư cô chào mọi người ra khỏi phòng. Mụ dầu đem gạo hàng tháng cho sư cô. Sư cô tay cầm mõ, tay phải cầm túi gạo đi ra.
Trần Tứ về nhà trọ đưa cho người nhà một ít tiền bảo đi mua nhân sâm và hoàng liên. Bà cụ Đổng là chủ nhà chống gậy ra hỏi:
- Ông Tứ, người ông mạnh khỏe như vậy thì mua nhân sâm và hoàng liên làm gì? Tôi nghe nói độ này ông chơi bời ở ngoài. Tôi là chủ nhà, lại là một người già cho nên không muốn nói với ông. Nhưng người xưa đã nói: “Cả một chiếc thuyền đầy vàng cũng không trả được cái nợ yên hoa”. Những người đàn bà như thế không phải là người tốt gì đâu. Khi nào ông hết tiền thì người ta quay đít lại với ông ngay thôi. Năm nay tôi đã bảy mươi tuổi. Ngày ngày tôi tụng kinh, niệm Phật, có Quan Âm Bồ Tát chứng giám tôi nỡ nào giương mắt nhìn ông lại bị lừa như thế.
- Cụ nói phải lắm, tôi biết hết cả rồi. Nhân sâm và hoàng liên này là phủ Quốc Công nhờ tôi mua đấy!
Vì sợ cụ Đổng nói thêm nên Trần Tứ nói tránh:
- Tôi cũng sợ chúng nó mua những thứ không tốt, tôi phải thân hành đi mua mới được.
Bèn đi đến hiệu thuốc, sai người nhà mua nửa cân nhân sâm, nửa cân hoàng liên và bọc như giấu vàng, đem đến lầu Lai Tân. Vừa bước vào lầu thì nghe thấy tiếng đàn tam huyền ở trong. Mụ dầu đã nhờ một người mù đoán số cho Sính Nương. Trần Tứ đem nhân sâm, hoàng liên đưa vào cho mụ dầu và cùng ngồi nghe đoán số. Thầy số nói:
- Năm nay cô mười bảy. Nhưng lại gặp phải một điều không hay, phạm phải ngôi sao “kế đô”(1) làm cô bực bội không yên. Nhưng việc này không lo ngại gì. Tôi xin nói thẳng, cung bản mệnh của cô nương phạm vào “sao hoa cái”(2) bây giờ cô phải thờ một vị Phật thì mới khỏe được. Sau này cô sẽ lấy chồng quan, sẽ đội mũ phượng và làm bà lớn.

Nói xong người kia cầm đàn tam huyền vừa đánh vừa hát rồi đứng dậy đi ra. Mụ dầu mời uống trà, đưa ra một đĩa kẹo, một đĩa táo đặt lên bàn, cùng ngồi.
Người đầy tớ gái rót trà. Trần hỏi:
- Ông ở Nam Kinh làm ăn ra sao?
Người mù nói:
- Nói làm gì việc ấy! Chẳng bằng mọi năm. Mọi năm chỉ có những người mù chúng tôi làm thầy bói thôi. Nhưng dạo này những người mắt sáng cũng làm thầy bói, cướp mất nghề của chúng tôi. Cách đây hai mươi năm, ở Nam Kinh có ông Trần Hòa Phủ. Ông ta ở xa đến, nhưng vừa đến Nam Kinh thì các cụ lớn tranh nhau nhờ đoán số. Nay ông ta đã chết; có một người con trai lấy con gái người láng giềng của tôi. Ngày nào anh ta cũng cãi nhau với bố vợ, làm cho xung quanh hàng xóm không thể ở yên được. Bây giờ tôi về nhà thế nào cũng nghe hắn cãi cọ thôi.
Nói xong, y đứng dậy cảm ơn rồi ra về. Người kia về nhà đi đến vườn Đông Hoa, vào một con đường nhỏ thì quả nhiên nghe thấy tiếng con trai Trần Hòa Phủ đang cãi nhau với bố vợ. Ông bố vợ nói:
- Ngày nào anh cũng đi bói, anh kiếm được mấy mươi đồng tiền thì đem mua thịt thủ lợn, bánh ngọt ăn hết, không đưa về nhà lấy một đồng. Anh tưởng tôi nuôi vợ cho anh phải không? Ừ! Nó là con gái của tôi, cái đó còn có lí, nhưng tại sao tiền thịt lợn anh không trả lại cứ hỏi tôi? Tại sao anh lại cứ ầm ĩ suốt ngày? Số tôi sao mà đen như thế?
- Nếu thầy ăn cái thủ lợn ấy thì phải trả tiền chứ?
- Thằng này láo, nếu tao ăn thì tao trả tiền. Nhưng chính mày ăn cơ mà!
- Giả thử con đã trả tiền cho thầy rồi, thầy đem tiền đi thì thầy phải trả tiền chứ.
- Đồ chó! Mày mắc nợ người ta, sao lại bảo tao tiêu tiền của mày?
- Nếu như con lợn không đầu thì người ta đến hỏi tiền con làm gì?
Nghe anh ta nói liều lĩnh như thế, ông bố vợ bèn cầm một cái gậy mà đánh... Người mù lại can. Ông bố vợ giận run lên, nói:
- Ông ơi! Nó không phải là cái thứ người. Tôi bảo nó thì nó quay lại nói hỗn với tôi. Như thế ai mà không tức!
- Con có hỗn láo gì đâu? Con không uống rượu, không đánh bạc, cũng không chơi gái, mỗi ngày ngoài lúc bói lại đọc một quyển thơ. Như thế thì có gì là bậy?
- Mày không lo nuôi vợ lại bắt tao phải nuôi, mày làm khổ tao.
- Thầy không muốn gả con gái cho con thì thầy cứ đem về nhà.

Bố vợ mắng:
- Đồ súc sinh! Tao đem nó về để làm gì!
- Thầy đem về gả cho người khác cũng được.
Ông bố vợ giận quá nói:
- Thằng chết toi này! Trừ khi mày chết đi hay đi tu thì mới làm được thế chứ!
- Chết thì con chưa chết đâu, nhưng ngày mai thì con đi tu.
Ông bố vợ tức giận quá nói:
- Ừ, mai mày cứ đi tu.
Người mù nghe một hồi lâu thấy hai người nói toàn là chuyện nhảm nhí, nên cũng không can ngăn gì nữa, lần đường về nhà.
Hôm sau con trai của Trần Hòa Phủ đem bán mũ của mình đi cạo trọc đầu mua một cái mũ hòa thượng rồi đến trước mặt bố vợ chắp tay chào nói:
- Thưa cụ, bần tăng đến đây để xin từ biệt.
Bố vợ thấy vậy, nước mắt chảy ròng ròng, trách người con rể một hồi, nhưng biết sự việc đã rồi, không làm sao được nữa bèn bảo con rể viết một tờ giấy li hôn và để con gái cùng sống với mình.
Từ đấy Trần hòa thượng không bận bịu về việc vợ con, ngày nào cũng có thịt ăn. Mỗi ngày bói được tiền, lại đem mua thịt. Ăn no nê rồi y lên cầu Văn Đức ngồi trước bàn bói chữ để đọc thơ rất ung dung. Được nửa năm như vậy, một hôm, đang đọc sách thì có một người bói chữ là Đinh Ngôn Chí đến. Thấy Trần đang đọc sách, người kia hỏi:
- Ông mua quyển sách này bao giờ?
- Mới mua được ba bốn hôm nay thôi. - Đây là những bài thơ xướng họa ở hồ Oanh Đậu. Năm ấy công tử Hồ Tam có hẹn với Triệu Tuyết Trai. Cảnh Lan Giang, Dương Chấp Trung, cùng các vị danh sĩ Khuông Siêu Nhân, Mã Thuần Thượng họp nhau ở hồ Oanh Dậu, chia vần làm thơ. Tôi còn nhớ ông Triệu Tuyết Trai chọn được vần “bát tề”. Ông xem câu mở đầu:
Hồ tựa diều Oanh(3) bóng xế chiều
Chỉ một câu ấy, chủ đề của bài đã nổi bật. Những câu sau, câu nào cũng gắn liền với chủ đề, ta thấy rõ không thể đem gán nó vào đề mục của cuộc hội họp nào khác.
Trần hòa thượng nói:
- Ông nói như vậy không đúng! Đáng lí ông phải hỏi tôi mới phải. Công tử Hồ Tam không phải là chủ trong cuộc họp mặt ở hồ Oanh Đậu. Buổi tiệc này do hai công tử ở Lâu Phủ, ông Ba và ông Tư làm chủ. Thầy tôi ngày xưa chơi rất thân với hai công tử ở Lâu Phủ. Lúc bấy giờ họp nhau ở hồ Oanh Đậu có ông Dương Chấp Trung, thầy tôi, ông Quyền Vật Dụng, Ông Ngưu Bố Y, ông Cừ Dật Phu, ông Trương Thiết Tý, hai công tử. Lại còn có con trai ông Dương Chấp Trung, cộng lại tất cả là chín người. Thầy tôi nói với tôi, tôi không nhớ hay sao. Ông biết làm sao được?
- Cứ theo như ý ông thì những bài thơ này của Triệu Tuyết Trai, Cảnh Lan Giang đều do người khác làm chăng? Ông cứ nghĩ xem ông có làm được không?
- Ông nói như vậy lại càng vô lí nữa. Ông Triệu Tuyết Trai của ông và những người khác làm thơ ở Tây Hồ chứ không phải ở Oanh Đậu.
- Ông không thấy rõ ràng bài thơ nói “Hồ tựa diều Oanh bóng xế chiều!” như thế không phải là cuộc họp ở hồ Oanh Dậu sao?
- Đây là tập thơ tuyển tập của các vị danh sĩ. Cứ xem ông Mã Thuần Thượng thì biết. Ông ta thường không làm thơ, nhưng tại sao ở đây lại có một bài của ông ta?
- Ông nói như người ngủ mê vậy! Ông Mã Thuần Thượng và ông Cừ Dật Phu làm không biết bao nhiêu là thơ, ông làm sao mà biết được!
- Ừ, dù cho tôi chưa được xem chăng nữa, còn ông thì ông xem rồi. Nhưng ông không biết rằng trong cuộc họp ở hồ Oanh Đậu không có ai làm thơ hết. Không biết ông nghe chuyện này ở đâu rồi đến đây cãi liều với tôi.
-Tôi không tin! Làm gì có chuyện những người danh sĩ nổi tiếng gặp nhau lại không làm thơ! Có lẽ ông thân sinh ông chưa chắc đã đến họp ở hồ Oanh Đậu. Nếu ông ta có ở buổi họp đó thì ông ta đã là một vị danh sĩ rồi. Và, nếu như thế, thì tôi sợ ông không phải là con ông Trần đâu.
Trần hòa thượng nóng tiết nói:
- Ông nói nhảm! Trong thiên hạ có ai nhận người khác làm cha bao giờ.
- Trần Tư Nguyễn! Mày muốn làm dăm ba câu thơ thì mày cứ làm, nhưng mày không được mạo nhận là con ông Trần Hòa Phủ được!
Trần hòa thượng nổi giận:
- Đinh Ngôn Chí! Mày là thứ “con nhà chùa thì quét lá đa”. Mày đi đi! Học lỏm được mấy bài thơ của ông Triệu Tuyết Trai rồi cũng học đòi bàn bạc về các danh sĩ được à!
Đinh Ngôn Chí nhảy chồm lên nói:
- Tao nói đến các danh sĩ đấy đã can gì? Cái hạng mày nhất định không thể là một danh sĩ được!
Hai người nóng tiết nắm lấy cổ áo nhau, bắt đầu đánh nhau. Đinh cứ nhằm cái đầu trọc của Trần mà nện thật đau, lôi Trần đến cầu, Trần hòa thượng mắt hoa lên, lôi Đinh xuống sông. Đinh Ngôn Chí mạnh hơn, đạp Trần một cái. Trần lăn xuống chân cầu, vừa nằm vừa la.
Vừa lúc ấy, Trần Tứ đến. Thấy một vị hòa thượng nằm lăn dưới đất, không còn ra hình thù gì nữa, Trần đỡ dậy và hỏi:
- Tại sao thế?
Trần hòa thượng nhận ra được Trần Tứ liền chỉ lên trên cầu và nói:
- Cái thằng Đinh Ngôn Chí ngu dốt kia, nó đến nói với tôi rằng cuộc họp ở hồ Oanh Đậu là do Hồ Tam công tử mời. Tôi cắt nghĩa cho nó nghe nó vẫn cứ khăng khăng cố cãi kì được. Nó lại nói ông Trần Hòa Phủ không phải là cha tôi! Ông xem còn trời đất nào nữa.
- Việc này có gì quan trọng đâu mà phải mắng nhau như thế. Thực ra ông Đinh Ngôn Chí không nên nói ông Trần mạo nhận cha. Nói như vậy là có lỗi.
Đinh Ngôn Chí nói:
- Ông Trần, ông không biết đâu. Có lẽ nào tôi lại không biết anh ta là con ông Trần Hòa Phủ? Nhưng anh ta cứ làm ra vẻ một nhà danh sĩ thực là khó coi?
Trần Tứ cười, nói:
- Hai ông đều là cùng hội cùng thuyền với nhau, tại sao lại đối đãi với nhau như thế? Nếu ông Trần Tư Nguyễn làm danh sĩ thì những ông Ngu bác sĩ hay Trang Thiệu Quang sẽ làm cái gì? Thôi mời hai ông cùng tôi vào quán uống trà rồi dàn hòa với nhau đi, không nên cãi cọ nữa.
Trần Tứ kéo hai người vào một quán gần cầu uống trà, Trần hòa thượng nói:
- Tôi nghe nói người anh em họ ông có mời ông đi Phúc Kiến, tại sao đến nay ông vẫn chưa đi?
- Chính vì vậy tôi đến đây để nhờ ông bói đấy. Khi nào thì nên đi?
Đinh Ngôn Chí nói:
- Thưa ông, cái nghề bói chữ của chúng tôi là cái nghề bịp người ta để kiếm ăn. Ông cứ chọn ngày để đi, không cần bói nữa.
Trần hòa thượng nói:
- Đã nửa năm nay tôi không được gặp ông. Ngày thứ hai sau khi tôi đi tu, tôi có làm một bài thơ về việc cạo đầu đi tu, có đưa đến nhà ông, để nhờ ông chỉ giáo. Nhưng ông Đổng là chủ nhà nói rằng ông đi chơi. Mấy lâu nay ông ở đâu? Tại sao không thấy người hầu đâu cả mà đi chơi một mình như vậy?
- Cô Sính Nương ở lầu Lai Tân thích thơ của tôi cho nên mời tôi đến chơi.
Đinh Ngôn Chí nói:
- Một người con gái ở thanh lâu mà cũng biết yêu tài, cái đó thực hết sức phong nhã.

Và quay lại nói với Trần hòa thượng:
- Đấy ông xem! Họ là đàn bà mà biết xem thơ. Như vậy, những người danh sĩ gặp nhau ở hồ Oanh Đậu lại không làm thơ sao được!
Trần Tứ nói:
- Ông Trần Tứ Nguyễn nói không sai đâu. Ông Lâu Ngọc Đình là bác của tôi, ông ta rất thân với ông Dương Chấp Trung và ông Quyền Vật Dụng. Những người này đều nổi tiếng hay thơ.
Trần hòa thượng hỏi:
- Tôi nghe nói ông Quyền Vật Dụng về sau có phạm lỗi gì, không biết kết quả ra sao?
Trần Tứ nói:
- Ông ta bị mấy người tú tài vu khống. Nhưng sau quan xét ra thì không có việc gì.
Nói chuyện một lát, Trần hòa thượng và Đinh Ngôn Chí đều cáo từ ra về.
Trần Tứ trả tiền xong, một mình đến lầu Lai Tân. Bước vào cửa thấy mụ dầu cùng với một người bán hoa xâu những vành hoa quế. Thấy Trần Tứ, mụ dầu nói:
- Ông Trần, mời ông ngồi.
- Tôi phải lên lầu để thăm cô Sính Nương.
- Hôm nay cháu không ở nhà, cháu đi lầu Khinh Yên, có bữa tiệc ở đấy.
- Tôi đến đây để từ biệt. Nay mai tôi sẽ đi Phúc Kiến.
- Ông đi ngay ư? Sau này ông có trở về không?

Đang nói chuyện thì người đầy tớ gái bưng trà lên. Trần đỡ lấy chén trà, nhưng chỉ uống một ít lại đặt chén xuống vì trà nguội. Mụ dầu hỏi:
- Tại sao mày không nấu trà mới?
Và bỏ hoa quế đấy, mụ đi vào nhà trong mắng tên kiếm gái.
Trần Tứ thấy mụ ta lạnh nhạt với mình nên đi ra. Đi được vài bước thì gặp ngay một người, người kia reo lên:
- Ông Trần! Ông phải giữ lời hứa chứ? Tại sao ông bắt tôi tìm ông suốt một ngày như thế?
- Hiệu ông là một hiệu lớn chuyên bán nhân sâm, có mấy mươi lạng bạc mà ông phải lo như vậy? Tôi sẽ trả tiền cho ông ngay.
- Tôi không thấy mặt hai người đầy tớ của ông đâu cả. Đến nhà ông trọ chỉ thấy bà chủ nhà là cụ Đổng. Ông bảo tôi nói gì với bà cụ già ấy.
- Ông đừng sợ, “trốn hòa thượng không trốn được chùa”. Thế nào tôi cũng trả tiền cho ông. Ngày mai ông đến nhà tôi.
- Ngày mai thế nào ông cũng phải ở nhà. Ông đừng bắt tôi phải chạy đi tìm ông nữa đấy nhé.
Nói xong người chủ hiệu đi về. Trần Tứ về nhà nghĩ bụng:
- Mình bây giờ nguy rồi. Đầy tớ thì bỏ trốn, mụ dầu thì không cho vào nhà, tiền bạc thì hết sạch, nợ nần thì chồng chất. Ta phải cuốn gói đi ngay Phúc Kiến mới được.
Và giấu bà cụ Đổng, Trần Tứ đi thẳng. Hôm sau chủ hiệu nhân sâm đến từ sáng sớm, ngồi mãi chẳng thấy bóng ma nào ra. Có tiếng kẹt cửa, một người bước vào, phe phẩy một cái quạt giấy trắng, người bán nhân sâm hỏi:
- Ông là ai?
- Tôi là Đinh Ngôn Chí, tôi mới làm một bài thơ đem đến đây nhờ ông Trần chỉ giáo.
- Tôi cũng đang đợi ông ta.
Lại ngồi một hồi lâu không thấy ai ra, người bán nhân sâm gõ cửa. Bà cụ Đổng chống gậy đi ra, hỏi:
- Ông đến đây tìm ai?
- Tôi đến đòi nợ ông Trần.
- Ông Trần phải không? Hiện nay chắc ông ta đã đến chùa Quan Âm.

Người bán nhân sâm kinh ngạc hỏi:
- Như vậy ông ta có để tiền lại cho cụ không?
- Ông nói gì lạ vậy? Tiền nhà của tôi ông ấy còn quịt nữa là! Từ khi chết mê chết mệt với con đĩ ở lầu Lai Tân thì ông ta lừa dối hết mọi người để kiếm tiền. Ông còn tưởng ông ta trả lại cho ông mấy lạng bạc sao?
Người bán nhân sâm nghe vậy như người câm nằm mơ thấy mẹ nói không ra tiếng, giẫm chân đành đạch. Đình Ngôn Chí nói:
- Ông không nên nóng ruột như vậy. Nếu ông làm thế cũng vô ích. Ông cứ trở về đi. Ông Trần là học trò, không có lẽ ông ta lại lừa ông. Thế nào ông ta cũng trả nợ ông.
Người kia giẫm chân một hồi. Không biết làm thế nào, đành phải trở về.
Đinh Ngôn Chí phe phẩy cái quạt đi ra, nghĩ bụng:
Đàn bà cũng biết xem thơ sao? Ta chưa từng đến “mười sáu lầu” bao giờ, nay bói toán được ít tiền, ta đến đấy xem sao.
Chủ ý đã định; Đinh về nhà mang một quyển thơ, mặc một bộ đồ đã hơi cũ, đội một cái mũ vuông rồi đến lâu Lai Tân. Tên kiếm gái thấy y có vẻ ngốc bèn hỏi y đến để làm gì. Đinh Ngôn Chí nói:
- Ta đến đây cùng cô nương của anh nói chuyện thơ.
- Nếu vậy thì phải cho tiền vào cửa.
Tên kiếm gái đưa ra một cái cân màu vàng. Đinh Ngôn Chí đưa ra một gói tất cả là hai lạng bốn mươi lăm phân.
Người kia nói:
- Còn thiếu năm mươi lăm phân nữa.
- Để ta gặp cô nương đã rồi ta đưa tiền.

Đinh Ngôn Chí bước lên lầu thấy Sính Nương đang học đánh cờ. Đinh Ngôn Chí tiến đến vái dài một cái. Sính Nương cố nhịn cười, mời ngồi, hỏi y đến có việc gì. Đinh Ngôn Chí nói:
- Lâu nay nghe tiếng cô thích thơ, tôi có mấy bài thơ, muốn nhờ cô chỉ giáo.
- Trong nhà tôi có lệ không đọc thơ suông, ông phải cho tiền tôi mới đọc.
Đinh Ngôn Chí sờ vào thắt lưng mãi, chỉ còn hai mươi đồng tiền đồng. Y đặt trên bàn, Sính Nương cười rộ:
- Mấy đồng tiền này thì đưa đến cho bọn kiếm gái ở ngõ Phong Gia ở Nghi Trưng, chứ đừng có làm bẩn bàn của ta. Mau mau đem tiền về nhà mua mấy cái bánh nướng mà ăn.
Đinh Ngôn Chí thẹn đỏ mặt cúi đầu cầm quyển thơ nhét vào tay áo lặng lẽ xuống lầu về nhà.
Tên kiếm gái nghe Sính Nương đòi tiền chàng ngốc, bèn bước lên lầu hỏi Sính Nương:
- Thằng ngốc ấy cho mày mấy lạng? Mày đưa cho tao, tao muốn mua một ít vải đoạn.
- Thằng ngốc ấy làm gì có tiền! Nó chỉ có hai mươi đồng tiền, cố nhiên là tôi không nhận. Bị tôi cười, nó đã bỏ đi rồi.
- Mày khéo nói dối lắm. Mày kiếm được một thằng ngốc đã không lấy được tiền của nó lại đuổi nó đi. Mày tưởng ta tin mày sao? Mày kiếm được biết bao nhiêu tiền thưởng của khách thế mà mày chẳng cho tao đồng nào hết!
- Tôi kiếm cho nhà anh biết bao nhiêu tiền, tại sao anh lại đối đãi với tôi như vậy? Mai đây tôi sẽ lấy một ông quan, làm một bà lớn. Tại sao anh lại để thằng ngốc ấy bước lên lầu. Tôi không mắng anh đã là may rồi, anh lại còn dám mắng tôi như vậy à?
Tên kiếm gái giận quá, bước đến tát một cái, Sính Nương ngã lăn xuống đất bứt tóc, bứt tai kêu khóc:
- Tôi làm gì mà anh đối xử với tôi thế này. Nhà anh có nhiều tiền, anh có thể lấy một người khác. Anh để tôi đi đâu kệ xác tôi.
Và chẳng để ai nói năng gì nữa, Sính Nương vừa mắng mụ dầu vừa la khóc om sòm; rồi định lấy dao để cắt cổ và lấy dây để tự tử. Có bao nhiêu tóc đều cắt hết.
Mụ dầu sợ quá bảo tên kiếm gái đến khuyên giải mãi nhưng Sính Nương cũng không nghe làm rầm lên. Họ không biết làm thế nào đành phải để Sính Nương đến am Diên Thọ cạo trọc đầu làm đồ đệ của ni cô Bản Tuệ. Chỉ nhân phen này khiến cho:
Phong lưu mây tản, hiền hào tài sắc hóa thành không
Củi hết lửa truyền(4) đang chợ thợ thuyền nhiều kẻ lịch.
Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

--------------
(1) (2) Sao “kế đô” là một thứ sao xấu, sao “hoa cái” cũng vậy. Theo mê tín thì các ngôi sao có ảnh hưởng đến số mệnh con người nên phải cúng, giải hạn.
 (3) Hồ giống như cái diều con Oanh.
 (4) Ý nói người tuy chết nhưng đạo vẫn truyền cho đời sau.


Hồi 55
Thêm bốn khách thuật trước nghĩ sau
Đàn một khúc cao sơn lưu thủy

Vào năm Vạn Lịch thứ 23(1) các danh sĩ nổi tiếng ở Nam Kinh dần dần tiêu mòn hết. Những kẻ đồng thời với Ngu bác sĩ, người thì đã già, người thì đã chết, người thì tản mát bốn phương, người thì đóng cửa không lo gì đến thế sự. Những nơi uống rượu, dạo chơi không còn có những người tài cao học rộng. Những người quân tử không còn ai lo đến lễ nhạc, văn chương. Ai thi đỗ làm quan là giỏi, ai thi hỏng là dốt. Những người giàu lại càng xa hoa, những người nghèo lại càng cực khổ. Dù văn có hay như Lý Bạch, Đỗ Phủ, phẩm hạnh có cao như Tăng Sâm, Nhan Uyên(2) cũng không ai thèm đếm xỉa đến. Ở trong các nhà những buổi lễ gia quan(3), đám cưới, đám tang, tế lễ, bọn hương thân không bàn chuyện gì ngoài chuyện ai được thăng, ai đổi đi, ai bị gọi về, ai bị giáng chức. Bọn nhà nho bần tiện tìm mọi cách để làm vừa ý các quan chấm thi. Tuy vậy ở trong đám thường dân cũng có mấy người kì lạ.
Một người làm nghề viết chữ tên là Quý Hà Niên. Từ nhỏ, anh ta không nhà không cửa, không nghề nghiệp gì, phải vào chùa ở. Thấy Hòa thượng đánh mõ gọi các sư vào ăn, anh ta cũng xách một cái bát, đứng bên cạnh. Hòa thượng cũng không đuổi. Chữ anh ta viết rất đẹp. Anh ta không chịu học lối viết của người xưa, tự đặt ra một lối riêng, cứ viết theo hoa tay. Ai đến nhờ anh ta viết, thì từ ba ngày trước, anh ta ăn chay một ngày, rồi mài mực một ngày, và không để cho người khác mài hộ. Chỉ viết mười bốn chữ câu đối thôi, anh ta cũng mài mất nửa bát mực. Bút anh ta dùng là thứ bút đã hỏng; người ta bỏ đi. Không những thế, lúc anh ta viết, phải có bốn người giữ giấy. Hễ họ giữ giấy không nên hồn là anh ta mắng và đánh. Lại phải đợi khi nào cao hứng, anh ta mới viết, nếu đã không có hứng, thì dù có vương hầu, tể tướng, dù có chồng tiền hàng đống cho anh ta, anh ta cũng không thèm nhìn. Tính anh ta không lo chải chuốt bên ngoài, chỉ mặc một cái áo rách đi đôi giày rách. Mỗi khi viết chữ có tiền thì anh ta mua đồ ăn. Còn thừa lại bao nhiêu, anh ta đem cho những người nghèo chưa hề quen biết, không giữ lấy một đồng nào. Hôm ấy, tuyết xuống rất nhiều. Quý đi thăm một người bạn, lê đôi giày rách vào làm bẩn cả thư phòng. Chủ nhà biết tính anh ta bướng bỉnh, trong lòng không dám tỏ vẻ khó chịu, chỉ nói:
- Ông Quý, giày của ông rách rồi, sao không mua một đôi giày mới?
- Tôi không có tiền.
- Nếu ông viết cho tôi một đôi câu đối, tôi sẽ mua cho ông một đôi giày.
- Tôi có giày của tôi rồi, lấy của ông làm gì?
Chủ nhà bực mình vì anh ta bẩn thỉu, chạy vào nhà lấy ra một đôi giày nói:
- Mời ông đi tạm đôi giày này kẻo chân lạnh.
Quý Hà Niên tức giận, không từ biệt đi thẳng ra cửa nói:
- Nhà anh là nơi thế nào? Ta không được mang giày vào nhà à? Ta vào ngồi nhà anh là làm cho nhà anh thêm danh tiếng, chứ ta cần quái gì đến đôi giày của anh.
Anh ta đi thẳng một mạch đến chùa Thiên Giới, ra vẻ tức giận. Anh ta cùng ăn cơm với vị tăng ở đấy. Ăn xong thấy trong phòng hòa thượng có một hộp mực rất thơm. Quý Hà Niên hỏi:
- Mực này ông định dùng để viết phải không?
Hòa thượng nói:
- Người cháu của Thi ngự sử hôm qua đưa đến cho tôi, tôi giữ đấy để cho một thí chủ khác (4) chứ tôi không viết.
- Để tôi viết cho một đôi câu đối.
Và chẳng nói, chẳng rằng, anh ta đi thẳng vào phòng lấy ra một cái nghiên lớn, chọn một thỏi mực, đổ một ít nước rồi ngồi trên giường của hòa thượng mà mài mực. Hòa thượng vốn hiểu tính của anh ta nên cũng cố ý khích để anh ta viết. Đang lúc anh ta mài mực cao hứng thì một người đầy tớ vào báo:
- Có ông Thi ở cầu Hạ Phù đến chơi.
Hòa thượng ra đón tiếp. Người cháu của Thi ngự sử bước vào sảnh, nhìn thấy Quý Hà Niên, nhưng hai người không chào nhau, trái lại người kia lại nói chuyện riêng với Hòa thượng. Quý Hà Niên mài mực xong, lấy ra một tờ giấy, trải trên bàn, gọi bốn chú tiểu ra giữ giấy. Anh ta cầm một cái bút đã hỏng chấm đầy mực, nhìn đằng sau tờ giấy một hồi rồi viết ngay một hàng.
Chú tiểu ở mé bên phải động đậy một cái, Quý cầm cái bút dí vào người làm chú tiểu cúi gập người xuống kêu la. Hòa thượng thấy vậy vội vàng đến. Thấy Quý rất giận dữ, hòa thượng khuyên giải và tự mình giữ giấy để anh ta viết cho xong. Người cháu của Thi ngự sử cũng đến xem, sau đó từ biệt hòa thượng. Hôm sau, một người đầy tớ nhà họ Thi đến chùa Thiên Giới gặp Quý và hỏi:
- Ở đây có ông Quý làm nghề viết chữ không?
- Ông muốn hỏi ông ta để làm gì?
- Ông chủ tôi muốn mời ông ta ngày mai đến viết.
Quý nghe vậy nói:
- Được, hôm nay ông ta đi vắng ngày mai tôi nói ông ta đến.
Hôm sau Quý đến nhà Thi ở cầu Hạ Phù. Anh ta vừa vào cửa thì bị người giữ cửa giữ lại hỏi:
- Ông là ai lại muốn vào đây?
- Tôi đến đây để viết.
Người đầy tớ ở trong nhà chạy ra thấy anh ta liền nói:
- Té ra anh! Anh cũng biết viết à?
Rồi đưa anh ta vào phòng khách. Cháu Thi ngự sử ở sau bình phong đi ra, Quý Hà Niên nhìn và mắng:
- Anh là ai mà dám gọi ta đến viết. Ta không tham tiền của anh, không tham thế lực của anh, cũng không mong nhờ gì anh, tại sao anh dám gọi ta đến viết?
Anh ta mắng nhiếc một trận làm cho người cháu của Thi ngự sử cứng họng không nói nên lời, cúi đầu bước vào. Quý mắng, một hồi nữa rồi lại trở về chùa Thiên Giới.

* * *


Lại có một người bán giấy cuốn(5) tên là Vương Thái. Ông cha ngày trước bán rau ở Tam Bài Lâu, nhưng vì người cha nghèo quá nên phải bán cả vườn đi. Từ bé, anh ta rất thích đánh cờ. Khi người cha mất đi, không có gì sinh nhai, anh ta ngày ngày đến cửa Hồ Cứ bán giấy cuốn để sinh sống. Hôm ấy, ở am Diệu Ý, gần đầm Ô Long, có cuộc hội họp. Bấy giờ đang lúc đầu mùa hạ những lá sen mới nở xoè trên mặt nước. Trong am có nhiều con đường quanh co, có nhiều đình, tạ. Du khách kéo nhau vào xem. Vương Thái đi quanh các nơi đến dưới gốc liễu, có một cái bàn đá hai bên có bốn cái ghế đá. Ở đấy có ba bốn ông quan to đứng nhìn hai người đánh cờ. Một người mặc áo màu lam nói:
- Ông Mã của chúng ta ngày thành ở Dương Châu, đánh cờ với những người buôn muối, mỗi ván một trăm mười lạng. Ông ta được hơn hai ngàn lạng bạc.
Một người trẻ tuổi mặc áo màu ngọc thạch nói:
- Ông Mã là tay cao cờ nhất nước, chỉ có ông Biện là có thể địch nổi, nhưng cũng phải bớt đi hai quân. Còn chúng ta thì già đời cũng không sao theo kịp ông Biện được.
Vương Thái cũng lách vào nhìn trộm. Người đầy tớ thấy anh ta áo quần rách rưới, lôi thôi lếch thếch, nên không cho vào. Vị quan ngồi ghế chủ nói:
- Một người như mày thì hiểu cờ sao được.
- Tôi cũng biết chút ít.
Vương Thái đứng nhìn một lát rồi cười hì hì.
Mã nói:
- Anh dám cười à! Anh có giỏi cờ hơn chúng tôi không?
- Có lẽ hơn.
Người chủ nói:
- Anh là người thế nào mà dám đọ cờ với ông Mã?
Biện nói:
- Hắn đã to gan, ăn nói láo lếu, như vậy, ta phải cho hắn một bài học, để sau này đừng có chõ mồm vào khi thấy các cụ nó đang chơi cờ.
Vương Thái không từ chối, bày các con cờ ra, mời Mã đi trước. Những người đứng bên cạnh đều bật cười. Hai người vừa đi được vài nước thì Mã biết anh ta không phải tay vừa. Đi được nửa ván, Mã đứng dậy nói:
- Tôi thua.
Tất cả mọi người đều không hiểu gì.
Biện nói:
- Cứ xem thế cờ thì ông Mã hơi kém một ít.
Mọi người kinh ngạc, giữ Vương Thái lại uống rượu, Vương Thái cười vang nói:
- Trong đời có gì sướng hơn là đánh cờ mà được. Tôi đánh thắng, trong lòng sung sướng quá, không muốn uống rượu nữa.
Nói xong cười khanh khách đứng dậy ra đi không quay lại nhìn.

* * *


Một người khác làm chủ một tiệm trà tên là Cái Khoan. Xưa kia anh ta làm chủ một hiệu cầm đồ. Năm hai mươi tuổi, gia đình giàu có mở hiệu cầm đồ, lại có ruộng đất và hồ ao. Bà con thân thích đều giàu có, nhưng anh ta cho họ là tục, cả ngày chỉ ngồi trong phòng xem sách, làm thơ, anh ta lại thích vẽ. Anh vẽ rất đẹp cho nên có nhiều họa sĩ và nhiều nhà thơ đến thăm.
Mặc dầu tranh của họ vẽ không đẹp bằng tranh của mình, thơ làm không hay bằng thơ của mình. Cái Khoan vốn là người yêu quý tài năng, cho nên có ai đến thăm cũng giữ lại uống rượu. Nhà nào có lễ gia quan, cưới xin, đám ma hay có tế tự gì mà không có tiền đến mượn thì Cái Khoan không bao giờ chối từ, sẵn sàng cho hàng trăm, hàng chục lạng bạc. Những người làm công trong hiệu cầm đồ thấy vậy cho anh ta là một người ngốc, tìm cách lừa dối, vì vậy chẳng bao lâu gia tài hết sạch. Ruộng vườn mấy năm liền bị nạn lụt, mùa màng không ra gì. Có những người đến khuyên anh ta bán đi. Người mua ruộng lại cho là ruộng xấu nên chỉ trả năm sáu trăm lạng, mặc dầu ruộng kia đáng giá một ngàn lạng. Cái Khoan không biết làm sao cũng đành phải bán nốt. Bán được bao nhiêu tiền anh ta không biết dùng để buôn bán cứ đem ra tiêu dùng trong nhà. Chẳng được bao lâu, số tiền hết sạch. Cái Khoan không còn gì nữa chỉ sống nhờ số hoa lợi ở đám đất bồi bên sông, không ngờ có nhiều kẻ không có lương tâm phóng hỏa vào những đống củi của anh ta để ở ngoài sân.
Lại bị vận mệnh không may, bị mấy lần hỏa tai liên tiếp, mấy vạn bó củi ở ngoài sân đều bị thiêu hết. Những bó củi bị đốt dính vào nhau làm thành từng tảng giống như đá ở Thái Hồ, sáng ngời, lóng lánh. Những người đầy tớ đem vài cục cho anh ta xem. Thấy nó hay hay anh ta giữ ở trong nhà. Người nhà nói:
- Đó là cái vật rủi ro, giữ nó làm gì!

Anh ta cũng không chịu tin, giữ ở trong nhà chơi. Đầy tớ thấy không có đám đất bồi, cũng từ giã ra đi. Nửa năm sau, việc kiếm ăn hàng ngày khó khăn... Cái Khoan đành phải bán cái nhà lớn để sống trong một cái nhà nhỏ. Lại được nửa năm, người vợ chết. Anh ta lại đem bán nốt cái nhà nhỏ đi kiếm tiền chôn cất vợ. Bấy giờ, Cái Khoan đành phải đem một đứa con trai và một đứa con gái đến ở hai gian nhà trong một cái ngõ hẻo lánh và mở hiệu bán trà. Anh ta dành gian phòng trong cho hai con ở, phòng ngoài bày mấy cái bàn trà, ở mái hiên để cái hỏa lò nấu nước trà. Phía bên phải là quầy hàng, đằng sau là hai vại đựng đầy nước mưa. Sáng nào Cái Khoan cũng dậy thật sớm, nhóm lửa, quạt than, đổ nước vào lò rồi lại đến quầy hàng ngồi xem thơ, ngắm tranh. Trên quầy hàng để một cái bình cắm mấy bông hoa mới nở, bên cạnh bình hoa là mấy quyển sách cũ. Bao nhiêu đồ đạc trong nhà đều bán hết cả, chỉ còn lại mấy quyển sách cổ này không nỡ bán. Khi nào khách vào uống trà thì Cái Khoan đặt sách xuống, bưng ấm và chén trà đến. Tiền kiếm được chẳng bao nhiêu, cứ mỗi ấm trà được một đồng tiền. Mỗi ngày bán được dộ năm sáu mươi ấm trà kiếm được năm sáu chục đồng tiền vừa đủ tiền mua gạo và mua củi.
Một hôm, Cái Khoan ngồi trong quầy hàng, có một người láng giềng vào nói chuyện. Người láng giềng thấy đến tháng mười mà Cái Khoan vẫn còn mặc áo mùa hạ, bèn hỏi:
- Tôi thấy ông túng thiếu quá chừng. Ngày xưa bao nhiêu người chịu ân huệ của ông nhưng ngày nay không có ai đến đây. Bà con của ông đều giàu có cả. Tại sao, ông không đến bàn với họ, vay một số vốn kha khá để kiếm kế sinh nhai?
- Thưa cụ “thế tình ấm lạnh, lòng người đổi thay”. Ngày xưa tôi có tiền, tôi ăn mặc sang trọng, ngay đến bọn đầy tớ cũng ăn mặc chỉnh tề. Bà con đến thăm tôi, không bao giờ tôi lạnh nhạt. Nhưng ngày nay tình cảnh tôi như thế này, nếu tôi đến thăm họ, dù họ không kính tôi thì bản thân tôi cũng thấy chán. Còn như cụ nói ngày xưa tôi có giúp đỡ nhiều người thì những người ấy đều nghèo cả, họ làm gì có tiền để trả lại tôi. Hiện nay họ cũng đi tìm những nơi nào có tiền chứ họ đến đây để làm gì? Nếu tôi đi tìm họ thì tôi chỉ làm phiền họ mà thôi, không ăn thua gì.
Người hàng xóm thấy anh ta nói chua chát như vậy bèn nói:
- Hôm nay trời mát mẻ, quán lại vắng khách, chúng ta cùng ra cửa nam chơi đi.
- Như thế thì hay lắm. Nhưng tôi không có tiền.
- Tôi có mang theo ít tiền đây, đủ ăn một bữa cơm.
- Như thế thì làm phiền cụ nhiều quá!
Cái Khoan bảo con ra coi hàng rồi cùng đi với người láng giềng ra ngoài cửa nam. Hai người ăn một bữa cơm rau trong một hiệu ăn Hồi giáo mất năm phân bạc. Sau khi trả tiền ăn, hai người đi đến chùa Báo Ân. Họ nhìn điện chính, hành lang phía Nam điện thờ Tam Tạng. Sau đó họ đi vào cửa mua một gói kẹo rồi vào trong một quán trà ở sau tháp để uống trà. Người láng giềng nói:
- Ngày nay khác hẳn ngày xưa, người đi chơi chùa Báo Ân ít hơn trước, họ cũng mua kẹo ít hơn cách đây mười năm.
- Cụ năm nay đã bảy mươi tuổi, chắc đã thấy nhiều việc. Ngày nay không phải như ngày xưa. Ngày xưa nếu một người biết vẽ như tôi sống trong thời Ngu bác sĩ, lúc còn những người danh sĩ thi đâu đến nỗi phải lo lắng bữa ăn. Có ai ngờ đâu việc đời đến nông nỗi này!
- Ông không nói thì tôi cũng quên mất. Ở bên trí Vũ Hoa Đài là đề thờ Thái Bá, ngày xưa do ông Trì Hành Sơn ở Câu Dung làm. Bấy giờ có mời Ngu bác sĩ đến tế, thật là náo nhiệt. Lúc ấy tôi hơn hai mươi tuổi, có chen vào xem, rách cả mũ. Nhưng ngày nay đền thờ này không có ai đoái hoài đến. Nhà cửa đổ nát. Chúng ta uống trà xong cùng đến đấy xem một chút đi.
Ăn một đĩa đậu phụ khô, trả tiền xong, hai người ra đi. Họ trèo lên phía bên trái Vũ Hoa Đài. Xa xa, nhìn thấy đề thờ Thái Bá. Họ bước đến cửa trước thấy năm sáu đứa trẻ con đá cầu ở đấy. Hai cánh cửa lớn đã đổ mất một, nằm lăn xuống đất. Bước vào thấy ba bốn người đàn bà già đang nhặt rau ở ngoài sân. Cửa điện không còn nữa. Tất cả năm gian lầu phía sau đều trống trải, bao nhiêu tấm ván đều mất hết. Hai người đi một vòng. Cái Khoan thở dài nói:
- Một nơi danh thắng như thế này mà nay đổ nát đến thế, không ai chịu sửa chữa. Những người có tiền chịu tốn hàng ngàn lạng bạc để làm nhà tăng, nhà đạo, thế mà nay chẳng ai đứng ra sửa chữa đền thờ thánh hiền cả.
- Ngày xưa Trì tiên sinh mua rất nhiều, đồ dùng đều làm theo kiểu đời xưa để vào trong mấy cái tủ lớn ở dưới lầu. Nhưng ngày nay cả đến cái tủ cũng không còn!
- Cụ nhắc đến việc xưa chỉ làm người ta thêm thương tâm. Chúng ta trở về nhà thì hơn.
Hai người chầm chậm trở về. Người hàng xóm của Cái Khoan nói:
- Chúng ta cùng lên đỉnh Vũ Hoa Đài xem đi.
Hai người ngắm núi bên kia sông, màu xanh cánh trả, nhìn những chiếc thuyền qua lại, cột buồm hiện lên rõ từng chiếc một. Mặt trời dần dần lặn sau núi. Hai người chậm rãi bước xuống núi trở về thành. Cái Khoan lại bán trà được nửa năm. Tháng ba năm sau có người mời Cái Khoan dạy học tiền lương tám lạng.

* * *


Một người khác làm thợ may tên là Kinh Nguyên, đã ngoài năm mươi tuổi, mở hiệu may ở đường Tam Sơn. Mỗi ngày, sau khi công việc xong, còn bao nhiêu thì giờ thì anh ta đánh đàn, viết chữ. Tính rất thích làm thơ. Bạn bè và những người quen biết hỏi anh ta rằng:
- Ông đã là người phong nhã như vậy, tại sao vẫn còn làm cái nghề này? Tại sao ông không chơi với những người ở trong trường học?
Anh ta đáp:
- Không phải tôi muốn làm người phong nhã đâu. Chỉ vì tôi thích cho nên tôi thường làm. Còn nghề mọn của tôi là do cha ông truyền lại, có lẽ nào làm nghề may áo quần lại làm nhơ bẩn đến việc đọc sách hay sao? Vả chăng những người ở trong trường học không như chúng ta đâu, đời nào họ lại chơi bời với chúng ta! Nay mỗi ngày tôi kiếm được sáu bảy phân bạc, sau khi ăn no, tôi muốn đánh đàn hay viết chữ là tùy ý tôi. Tôi không muốn giàu có, phú quý, cũng không muốn phải luồn luỵ ai. Cứ sống như thế này, ung dung ngất ngưởng há chẳng sướng sao?
Khi những người bạn nghe vậy, họ bắt đầu đối đãi với anh ta một cách lạnh nhạt.
Một hôm Kinh Nguyên ăn cơm xong không có việc gì làm, đến núi Thanh Lương chơi. Núi Thanh Lương là nơi yên tĩnh nhất ở trong thành Nam Kinh. Anh ta có một người bạn già họ Vu ở sau núi. Cụ Vu không đọc sách, cũng không buôn bán, nuôi năm người con, người con đầu bốn mươi tuổi, người con út hơn hai mươi tuổi. Cụ Vu đang bảo các con tưới vườn. Vườn rộng hai ba trăm mẫu, chỗ ở giữa để trống để trồng hoa, trồng cây và đắp một hòn núi giả. Ở đấy cụ Vu dựng mấy gian nhà tranh tự tay mình trồng mấy cây ngô đồng to đến bốn mươi vòng ôm. Sau khi bảo các con tưới vườn xong, cụ Vu vào nhà, nhóm lửa, uống trà, nhìn cảnh vườn xanh mát. Hôm ấy Kinh Nguyên đến chơi. Cụ Vu nói:
- Đã lâu tôi không gặp ông. Việc làm ăn bận rộn lắm phải không?
- Vâng! Hôm nay tôi mới có thì giờ rảnh đến đây thăm cụ!
- Tôi vừa đun một ấm trà, mời ông uống một chén.
Bèn rót một chén trà. Kinh Nguyên đỡ lấy ngồi uống, nói:
- Trà này sắc, hương, mùi vị đều tốt. Cụ lấy nước ở đâu mà ngon thế?
- Chúng tôi ở phía tây thành sướng hơn ở phía nam thành. Giếng nào ở đây cũng uống được.
- Người xưa nói đến Nguồn Đào, thoát khỏi nợ trần! Cứ theo ý tôi, cần gì có Nguồn Đào. Cứ sống như cụ đây, yên tĩnh, tự tại thì ở ngay thành thị, sơn lâm, cũng là vị tiên sống hiện nay rồi!
- Phải! Nhưng có một việc tôi không làm được là làm thế này gẩy được đàn cầm như ông cho tiêu khiển đôi chút. Độ này chắc ông chơi đàn hay hơn trước chứ! Có khi nào ông gẩy cho tôi nghe được không?
- Cái đó dễ lắm. Nếu cụ không sợ rác tai, ngày mai tôi sẽ đem đàn cầm đến. Nói chuyện một hồi Kinh Nguyên từ biệt ra về.
Hôm sau, Kinh Nguyên thân hành mang đàn cầm đến vườn. Cụ Vu đã đốt sẵn một lò hương thơm ngồi đợi ở đấy. Hai người gặp nhau, nói mấy câu chuyện, cụ Vu đặt đàn cầm của Kinh Nguyên lên ghế đá. Kinh Nguyên ngồi trên chiếu trải dưới đất, cụ Vu ngồi cạnh Kinh Nguyên dần dần lên dây và bắt đầu gẩy đàn. Tiếng đàn thánh thót rung động ngàn cây. Chim chóc đều đỗ trên cành lắng nghe. Đàn một hồi, âm thanh rung chuyển, tiếng nghe não nuột. Nghe đến chỗ sâu xa, bí ẩn, cụ Vu không ngờ thấy buồn bã nước mắt đầm đìa. Kinh Nguyên từ biệt ra về. Từ đấy hai người thường đến nhà nhau chơi.

* * *


Các bạn! Có lẽ nào từ nay về sau không còn có vị hiền nhân quân tử nào có thể vào quyển “Sử của Rừng nho” nữa chăng?
Có bài từ nói:
Nhớ lúc năm xưa, ta yêu Tần Hoài(6) bèn lìa cố hương Tới sau lò Mai Căn(7) mấy phen ngâm ngợi  Trong làng Hoa Hạnh, nhiều lúc thênh thang!
Phượng đậu cây cao,
Dế ngâm bụi nhỏ,
Với người đời cũng chút vênh vang Nay thôi hẳn! Lột trần áo mũ, chân rửa sông Thương(8)

Ngồi buồn rót chén quỳnh tương!
Gọi mấy người bạn mới chén một tràng Ôi trăm năm mấy chốc! Cần gì buồn bực. Ngàn thu việc lớn, cần chi lo lường.
Giang Tả khói mây
Hoài Nam kỳ cựu(9)
Chép lại thành thơ, thảy đoạn trường
Từ nay về sau,
Lò thuốc, quyển kinh,
Cửa phật tựa nương.


HẾT
----------------------------
(1) 1595.
(2) Những học trò giỏi của Khổng Tử có tiếng về mặt đức hạnh.
(3) Lễ gia quan: ở Trung Quốc ngày xưa, khi con trai lên hai mươi tuổi thì làm lễ gia quan. Người cha trao mũ cho con ý nói từ nay con đã thành người lớn.
 (4) Thí chủ: người hay biếu nhà chùa lễ vật, tiền bạc.
 (5) Giấy cuốn lại để nhen lửa.
 (6) Sông Tần Hoài ở Nam Kinh.
(7) Lò Mai Căn: một nơi đẹp ở Nam Kinh, ngày xưa đời Lục triều đúc sắt ở đây. Lò Mai Căn và làng Hoa Hạnh là cổ tích ở huyện Quý Từ tỉnh An Huy.
(8) Sông Thương, tức là sông Hán Thuỷ ở Hoa Nam.
(9) Kỳ cựu: bạn cũ.


PHỤ LỤC


CHẾ ĐỘ KHOA CỬ VÀ NHỮNG CHỨC TƯỚC NHẮC ĐẾN TRONG SÁCH NÀY
Trong sách này có nói đến một số danh từ chuyên môn khoa cử và chức tước đời Minh, nếu để nguyên sợ khó hiểu. Mặt khác chế độ thi cử và chức tước đời Minh giống hệt như triều Nguyễn trước nên cũng cần trình bày những điểm chính một cách có hệ thống để tiện việc theo dõi.
Nói chung chế độ thi cử và hệ thống quan lại đời Minh cũng như đời Thanh, lúc tác giả sống. Giữa hai triều đại có sự khác nhau nhưng không đáng kể.
Việc thi cử gồm ba bực: Viện thí, Hương thí,  và những kỳ thi cao nhất ở kinh gồm Hội thí, Phúc thí, Điện thí.
Viện thí là kỳ thi mở ở huyện. Trước khi mở Viện thí có hai kỳ thi thử. Kỳ thi đầu gọi là Huyện thí do quan huyện chủ tọa. Ai được thi thì gọi là đồng sinh. Ai thi phủ đỗ thì gọi là tú tài. Quan học đạo phụ trách việc thi cử ba năm một lần và phải đi các nơi trong địa hạt của mình để tổ chức hai kỳ thi huyện thí và phủ thí.
Mục đích của Viện thí là chọn những người tú tài. Ai giỏi được thưởng, ai kém bị phạt, có thể bị đòn. Số tú tài lấy từ tám đến hai mươi tùy theo. Một số tú tài mỗi năm được chọn làm lẫm sinh. Những người này được ưu đãi hơn vì họ có học bổng của chính phủ. Có những kỳ thi riêng của triều đình để chọn một số cống sinh. Những người đỗ cống sinh sau một kỳ thi những có thể ra làm quan.
Nói chung, những người đỗ tú tài không cần phải giỏi lắm. Cốt nhất là biết viết văn bát cổ là có hy vọng đỗ. Có những người không thi lại nhờ người khác thi thay mình hay đút lót tiền cho quan chấm thi để lấy đỗ tú tài.
Địa vị xã hội một anh tú tài không phải cao lắm, nhưng vẫn còn hơn địa vị dân thường. Đó là vì họ có thể giao thiệp trực tiếp với các quan. Họ không phải quỳ lạy quan phủ, huyện và có khi có thể xem các quan phủ huyện cùng ngang vai vế với mình. Nhờ vậy họ thường dựa vào đấy để áp bức người khác. Sau khi đỗ tú tài, họ có thể kiếm cách sinh nhai bằng việc dạy học.
Hương thí thi ở tỉnh một năm sau phú thi, và như vậy là cứ ba năm một lần. Kỳ thi tổ chức ở các tỉnh lỵ cũng như ở Bắc Kinh và Nam Kinh. Thí sinh thi đỗ gọi là cử nhân. Muốn thi hương phải là tú tài, hay cống sinh hay nếu thi hỏng tú tài thì phải có tiền mua chức giám sinh mới được thi hương.
Trường Quốc tử giám ở Bắc Kinh và ở Nam Kinh là tổ chức giáo dục cao nhất ở đời Minh và đời Thanh. Theo lệ thì phải cống sinh hay con các quan to mới được vào Quốc tử giám. Nhưng ở đời Thanh, miễn là trả một số tiền là được vào, cách này rõ rệt là một phương tiện bệnh vực con nhà giàu và quyền thế vì họ có thể đi thẳng lên công danh và tiền tài không phải qua nhiều bậc thi cử.
Quan chủ khảo chủ tọa kỳ thi hương, có những quan phó chủ khảo giúp việc. Lại có những người thư ký gọi là mạc khách để đọc các bài trước. Số cử nhân thay đổi tùy tỉnh, từ năm mươi đến hơn một trăm. Đỗ thi hương là một sự kiện quan trọng. Nó có nghĩa rằng thí sinh có thể thi hội và nếu thi hội có hỏng cũng có thể làm quan.
Thi hội do bộ Lễ tổ chức. Phúc thí do một ông quan đại thần được nhà vua chỉ định làm chủ khảo. Còn Điện thí thì chính nhà vua làm chủ khảo. Trong ba kỳ thi cuối cùng này thì quan trọng nhất vẫn là hội thí. Hội thí ba năm một lần ở Bắc Kinh. Cử nhân ở tất cả các tỉnh đều đến thi. Ai đỗ thì gọi là cống sĩ được chọn để thi Phúc thí. Thường đã thi Phúc thí thì ít ai hỏng. Phúc thú và Điện thí gọi là tiến sĩ chia làm ba giáp là đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp tiến sĩ. Ba người ở trong đệ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Đệ nhị giáp gồm từ sáu mươi đến bảy mươi người.

* * *


Thi dỗ xong các ông tân khoa được bổ làm quan. Những người đỗ đệ nhất giáp thì được vào Hàn lâm biên tu. Có người thi đỗ Điện thí nhưng không chịu làm quan. Địa vị xã hội của họ tuy vậy cũng rất cao.
Hệ thống quan lại đời Minh gồm chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở tỉnh, phủ, huyện.
Chính quyền trung ương gồm có những cơ quan trung ương như là Nội các, Lục bộ, Đô sát viên, Thông Chính sứ tư, Hàn Lâm viện, Quốc tử giám.
Vị quan cao nhất ở trong chính quyền trung ương là Đại học sĩ tương đương với chức tể tướng. Dưới Đại học sĩ có các thị độc học sĩ và Thị giảng lo về việc giấy tờ và các Trung thư để làm các giấy tờ, sắc lệnh. Chức vụ Trung thư là một chức vụ có thể mua được.
Lục bộ là sáu bộ: bộ Lại, bộ Lễ, bộ Hộ, bộ Binh, bộ Hình và bộ Công. Đó là những cơ quan cai trị chính.
Đô sát viên lo việc kiểm soát và giám sát các quan lại. Trong Đô sát viện có Tả, hữu đô ngự sử và một số ngự sử có thể để ở kinh hay gửi đi các nơi để điều tra.

Thông Chính tư là chức quan lo việc giấy tờ công văn ở các địa phương gửi về trung ương. Viện Hàn lâm gồm một số học giả do Chưởng viện học sĩ cầm đầu. Những người khác gọi là Thị độc học sĩ hay Thị giảng học sĩ. Họ có nhiệm vụ thảo các đạo dụ, sắc, luật và các Tu soạn và Biên tu để soạn các bộ sử.
Từ trung diệp đời Minh trở đi, hầu hết những người ở trong Nội các đều xuất thân ở Hàn lâm ra. Vì vậy, một người vào Hàn lâm là có hy vọng sau này làm tể tướng. Từ thế kỷ XVIII các quan chủ khảo các tỉnh đều lấy trong những người làm Tu soạn hay Biên tu ở Viện hàn lâm.
Quốc tử giám là cơ quan giáo dục cao nhất. Đứng đầu Quốc tử giám là Tế tửu rồi đến Tư nghiệp.
Ngoài các chức vụ có thực quyền lại có những chức phong. Những người làm thượng thư được phong làm Thái bảo hay Thiếu bảo, Trung tân đại phu cũng là một chức phong rất cao.
Ở địa phương chia ra các tỉnh, các đạo, các phủ hay châu và huyện. Ở tỉnh có quan Tổng đốc và quan Tuần vũ cầm đầu. Dưới quan Tuần vũ có quan Bố chánh và quan Án sát. Quan Bố chánh lo việc tài chính và dân sự, quan Án sát lo việc tư pháp. Cứ hai hay ba phủ thì có ông Đạo đài kiểm soát. Cầm đầu một phủ là Tri phủ, cầm đầu một huyện là Tri huyện. Ở làng cầm đầu một làng gọi là Bảo giáp.
Về việc học, ở phủ, châu, huyện có những học quan lo việc sổ sách học sinh, và các quan khác lo các đạo sĩ và nhà sư.
Về việc buôn muối ở tỉnh nào sản xuất muối thì cơ quan Diêm vân sứ thu thuế muối và giữ độc quyền về muối. Việc chuyên chở thì do những nhà buôn phụ trách dưới sự kiểm soát của chính phủ. Điều này khiến cho nhiều nhà buôn muối thành triệu phú.
Về việc binh, cầm đầu những vị trí quân sự là quan đề đốc ở dưới đề đốc có Tham tướng, Thủ bị, Thiên tổng, Bá tổng.
Những danh từ này thường được nhắc luôn trong sách. Các bạn đọc nên xem lại ở trong bảng phụ lục này thì đỡ lẫn lộn và có thể có ích cho việc hiểu tổ chức xã hội đời Minh Thanh hơn.

Ngô Kính Tử

NHO LÂM NGOẠI SỬ

Hồi 37

Tế tiên thánh Nam Kinh sửa lễ
Đưa Hiếu Tử Tây Thục tìm cha.


Ngu bác sĩ ra tiếp mấy người khách. Sau khi thi lễ, tất cả mọi người ngồi xuống. Trì Hành Sơn nói:
- Hôm nay chúng tôi đến đây để bàn về việc tìm người chủ tế trong buổi lễ ở đền Thái Bá. Vì Thái Bá là một vị thánh nhân cho nên người làm chủ tế cũng phải là một người hiền nhân mới không thẹn. Vì vậy, chúng tôi đến đây mời ông làm chủ tế.
Ngu nói:
- Ông nói như vậy tôi đâu dám nhận. Nhưng tế lễ là việc lớn, cố nhiên tôi rất vui lòng góp phần vào việc đó. Ngày tế định vào hôm nào?
Trì Hành Sơn nói:
- Định vào mồng một tháng tư này. Trước đấy một hôm, mời ông đến đấy, ăn chay, ngủ một đêm để tiện việc làm lễ.
Ngu bác sĩ nhận lời. Trà được bưng lên mời khách uống. Sau đó khách cáo từ ra về, cùng nhau đến nhà Thiếu Khanh ở bên bờ sông ngồi. Trì Hành Sơn nói:
- Chỉ sợ chúng ta không đủ người để tế.
Thiếu Khanh nói:
- May mắn vừa gặp lúc có một người bạn của tôi ở huyện lên đây.
Thiếu Khanh liền mời Tang Đồ ra gặp mặt mọi người. Thi lễ xong, Trì Hành Sơn nói:
- Trong việc tế lễ lớn này nhờ ông giúp cho để thêm phần long trọng.
Tang Đồ nói: - Tôi rất vui lòng cùng dự vào lễ lớn này. Sau đó, mọi người ra về.
Đến ngày hai mươi chín tháng ba, Trì Thành Sơn hẹn Đỗ Thiếu Khanh, Mã Thuần Phượng, Quý Vi Tiêu, Kim Đông Nhai, Lư Hoa Sĩ, Tân Đông Chi, Cừ Dật Phu, Dư Hòa Thanh, Lư Tín Hầu, Ngu Cảm Kỳ, Gia Cát Thiên Thân, Cảnh Lan Giang, Quách Thiết Bút, Tiêu Kim Huyễn, Chư Tín, Y Chiêu, Quý Điềm Dật, Kim Ngụ Lưu, Tôn Cơ, Vũ Thư, Tang Đồ đều đến cửa nam. Trang Thiệu Quang cũng đến đấy. Mọi người cùng đến xem đền Thái Bá. Mấy chục bậc tam cấp cao đưa đến cửa chính vào đền. Bên trái là một cái nhà để khám thịt tế. Phía trong đi qua cửa lớn là một cái sân rộng. Lại có mấy chục bậc tam cấp đi qua tam quan đến một cái sân rồng, hai bên là hành lang để những bài vị của các bậc tiên hiền các triều đại trước. Ở giữa là năm gian điện thờ lớn. Trong điện để bài vị Thái Bá có hương án, lư hương, đèn sáp. Phía sau điện lại là một cái sân rộng với năm gian nhà lầu, hai bên tả hữu, một bên là ba gian nhà đọc sách. Mọi người bước vào cửa lớn thấy ở trên cao treo một cái biển bằng vàng đề: “Thái Bá chi từ” (Đền thờ Thái Bá). Họ đi theo cái cửa thứ hai vào phía đông dọc theo hành lang đến một cái điện lớn. Ngẩng đầu lên thấy treo một cái biển đề mấy chữ vàng “Tập lễ lâu” (lầu tập lễ). Mọi người ngồi một lát ở trong thư phòng phía đông. Trì Hành Sơn cùng Mã Thuần Thượng, Vũ Thư và Cừ Dật Phu mở cửa lầu và cùng lên lầu đem tất cả những nhạc cụ xuống. Có cái để ở trong sảnh, có cái đưa ra ngoài sân. Trong sảnh đặt một cái chúc bài(1), bên hướng án cắm một lá cờ để chỉ dẫn ban nhạc, ngoài sân đốt đình liệu(2), cạnh cái cửa thứ hai có những chậu rửa tay, những chiếc khăn tay.
Kim Thứ Phúc và Bão Đình Tỷ mang một ban nhạc: người cầm khanh ngọc, người cầm đàn cầm, đàn sắt, người cầm sáo, người cầm trống bỏi, người cầm chúc(3) người cầm ngữ(4) người cầm sinh, người cầm chuông lớn, người cầm tiêu, người cầm chuông, người cầm khánh và ba mươi sáu đứa trẻ để múa lục dật(5). Trì Hành Sơn cầm những cái sáo đỏ và những cặp lông trĩ giao cho những đứa trẻ. Đến chiều, Ngu bác sĩ đến Trang Thiện Quang, Trì Hành Sơn, Mã Thuần Thượng, Đỗ Thiếu Khanh cùng ra tiếp. Uống trà xong, họ mặc lễ phục và bốn người đưa Ngu Dục Đức vào phòng để khám thịt tế. Mọi người đều ăn chay và ngủ lại ở hai thư phòng hai bên.
Hôm sau, canh năm, cửa đền mở rộng, mọi người đều dậy. Trên điện, dưới điện, trước cửa, trong sân, ở hai hành lang, đèn đuốc sáng choang, đình liệu được đốt lên. Trì Hành Sơn trước tiên mời Ngu Dục Đức làm chủ tế, rồi mời Trang Thiệu Quang làm á hiến (dâng rượu thứ hai). Khi mời đến người tam hiến (dâng rượu lần thứ ba) mọi người nhường nhau nói:
- Nếu không phải ông Trì, thì phải là ông Đỗ. Trì Hành Sơn nói:
- Hai chúng tôi làm dẫn tán (người đưa các vị tham dự vào chỗ đứng để làm lễ). Ông Mã là người Chiết Giang, xin mời ông Mã làm người dâng rượu lần thứ ba.
Mã Thuần Thượng hai ba lần chối từ. Mọi người kéo Mã đến cùng ngồi với Ngu và Trạng, Trì Hành Sơn và Đỗ Thiếu Khanh đưa ba người đến xem thịt tế. Trì Hành Sơn và Đỗ Thiếu Khanh quay trở lại mời Kim Đông Nhai làm xướng lễ mời Vũ Thư cầm cờ, mời Tang Đồ đọc văn, mời Quý Vi Tiêu, Tân Đông Chi, Dư Hòa Thanh dâng rượu, mời Cừ Dật Phu, Lư Tín Hầu, Ngu Cảm Kỳ dâng ngọc, mời Gia Cát Thiên Thân, Cảnh Lan Giang, Quách Thiết Bút dâng lụa, mời Tiêu Kim Huyễn, Chư Tín, Y Chiêu dâng xôi, mời Quý Điềm Dật, Kim Ngu Lưu, Tôn Cơ dâng cỗ. Sau đó, mời Lư Hoa Sĩ giúp Kim Đông Nhai xướng lễ. Tất cả các vị đều cùng bước ra ngoài cái cửa thứ hai.
Trống tế đánh ba hồi: Kim Thứ Phúc, Bão Đình Tỷ mang theo cả ban âm nhạc; người cầm khánh ngọc, người cầm đàn cầm, người cầm đàn sắt, người cầm sáo, người cầm trống bỏi, người cầm chúc, người cầm ngữ, người cầm sinh, người cầm chuông lớn, người cầm tiêu, người cầm chuông, người cầm khách và ba mươi sáu đứa trẻ để múa, tất cả đứng trong sảnh hay ở ngoài sân.
Kim Đông Nhai, Lư Hoa Sỹ bước vào sảnh. Kim Đông Nhai xướng:
- Chấp sự giả các tư kỳ sự!(6) (Tất cả mọi người đều lo đến công việc của mình).
Những người cử nhạc cầm các nhạc khí trong tay.
Kim Đông Nhai xướng:
- Bài ban! (Đứng vào chỗ!).
Vũ Thư cầm cờ, dẫn Quí Vi Tiêu, Tân Đông Chi, Dư Hòa Thanh cầm chén rượu, Cử Dật Phu, Lư Tín Hầu, Ngu Cảm Kỳ cầm ngọc, Gia Cát Thiên Thân, Cảnh Lan Giang, Quách Thiết Bút cầm lụa, tất cả vào chỗ đứng ở phía đông sân. Sau đó, Vũ Thư cầm cờ dẫn Tang Đồ lên điện để lo đọc văn. Rồi lại dẫn Tiêu Kim Huyễn, Chư Tín, Y Chiêu lo dâng xôi. Quí Điềm Dật, Kim Ngu Lưu, Tôn Cơ lo dâng cỗ đứng ở phía tây sân. Vũ Thư cũng cầm cờ đứng ở phía tay dưới mọi người. Kim Đông Nhai xướng:
- Tấu nhạc!
Trong sảnh và ngoài sân, nhạc nổi lên. Kim Đông Nhai xướng:
- Nghinh thần! (Đón thần)
Trì Hành Sơn, Đỗ Thiếu Khanh hai tay dâng hương, đi ra cửa đón tiếp. Kim Đông Nhai xướng:
- Nhạc chỉ (nhạc dừng lại).
Trong sảnh và ngoài sân, nhạc dừng bặt. Kim Đông Nhai xướng:
- Phân hiến giả tựu vị (Các vị chủ tế thứ hai thứ ba vào chỗ) Trì Hành Sơn, Đỗ Thiếu Khanh ra mời Trang Thiệu Quang, Mã Thuần Thượng ra đứng bên trái hương án. Kim Đông Nhai xướng:
- Chủ tế giả, tựu vị (chủ tế vào chỗ).
Trì Hành Sơn, Đỗ Thiếu Khanh ra mời Ngu Dục Đức ở giữa sân. Trì và Đỗ đứng hai bên hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Quán tẩy (rửa tay)!
Và cùng Đỗ Thiếu Khanh đưa chủ tế đến chỗ rửa tay. Trì Hành Sơn xướng:
- Chủ tế giả, nghệ hương án tiền! (chủ tế ra trước hương án).
Trên hương án có một cái lư hương ở trong có cắm mấy cái cờ đỏ. Thiếu Khanh lấy ra một cái cờ trên có hai chữ “tấu nhạc”, Ngu Dục Đức đến trước hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Quì! Thăng hương (dâng hương) quán địa (đổ rượu xuống đất) Bái! Hưng! Bái! Hưng! Bái! Hưng! Bái! Hưng! Phụ vị (trở lại chỗ đứng)!
Thiếu Khanh lại rút một ngọn cờ có mấy chữ “nhạc chi”. Kim Đông Nhai xướng:
- Tấu thần nhạc chi nhạc (tấu thần nhạc)
Kim Thứ Phúc dẫn phường nhạc trong sảnh đều cử nhạc lên. Được một lát thì nhạc dừng.
Kim Đông Nhai xướng: - Hành sơ hiến lễ:
Lư Hoa Sĩ mang ở điện một cái biển đề hai chữ “sơ hiến” (lễ thứ nhất). Trì Hành Sơn, Đỗ Thiếu Khanh dẫn chủ tế Ngu Dục Đức vào tế. Vũ Thư cầm cờ đi trước. Ba người từ phía đông sân điện đi qua, theo sau là Quí Vi Tiêu dâng rượu, Cừ Dật Phu dâng ngọc, Gia Cát Thiên Thân dâng lụa, tất cả ra đón chủ tế. Họ đi qua phía tây sân điện thì vừa lúc Tiêu Kim Huyễn dâng xôi, Quí Điềm Dật dâng cỗ, từ phía tây ra đón chủ tế và đi qua hương án rồi sang phía đông. Khi bước vào điện, Đỗ Thiếu Khanh và Trì Hành Sơn đứng hai bên hương án, bên trái là Quí Vi Tiêu dâng chén, Cừ Dật Phu dâng ngọc, Gia Cát Thiên Thân dâng lụa; bên phải là Tiêu Kim Huyễn dâng xôi, Quí Điềm Dật dâng thịt. Trì Hành Sơn xướng:
- Tựu vị (lại chỗ đứng)! Quỳ!
Ngu Dục Đức quỳ trước hương án, Trì Hành Sơn xướng: - Hiến Tửu! (dâng rượu)!
Quí Vi Tiêu quỳ xuống dâng rượu cho Ngu Dục Đức, Ngu đặt chén rượu lên hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Hiến ngọc! (dâng ngọc)
Cừ Dật Phu quỳ xuống, dâng ngọc cho Ngu Dục Đức, Ngu đặt ngọc lên hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Hiến bạch! (dâng lụa)!
Gia Cát Thiên Thân quỳ xuống đưa lụa cho Ngu để lên hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Hiến tắc! (dâng xôi)!
Tiêu Kim Huyễn quỳ xuống dâng xôi cho Ngu để lên hương án. Trì Hành Sơn xướng:
- Hiến soạn! (dâng cỗ)!
Quỳ Điềm Dật quỳ xuống dâng cỗ cho Ngu để lên bàn. Lễ xong, những người chấp sự lui về. Trì Hành Sơn xướng.
- Bái! Hưng! Bái! Hưng! Bái! Hưng! Bái! Hưng!
Kim Đông Nhai xướng:
- Tấu nhạc “Chí đức” múa bài “Chí đức”!
Âm nhạc bắt đầu nổi lên ở trong sảnh. Ba mươi sáu đứa trẻ tay cầm sáo đỏ, lông trĩ đều ra múa. Múa xong, Kim Đông Nhai xướng:
- Giai hạ dự tế giả giai quỳ! (những người ở dưới thềm quì xuống)! Đọc chúc văn! (đọc văn)!
Tang Đồ quỳ xuống đọc văn. Kim Đông Nhai xướng:
- Thoái ban! (trở về chỗ).
Trì Hành Sơn xướng:
- Bình thân! (đứng lên)! Phục vị! (về chỗ)!
Vũ Thư, Đỗ Thiếu Khanh, Trì Hành Sơn, Quí Vi Tiêu, Cử Dật Phu, Gia Cát Thiên Thân, Tiêu Kim Huyễn, Quí Điểm Dật đưa chủ tế là Ngu Dục Đức từ phía tây về chỗ đứng. Sau khi Ngu về chỗ, những người chấp sự cũng về chỗ đứng của mình.
Kim Đông Nhai xướng:
- Hành á hiến lễ! (lễ thứ hai cử hành)
Lư Hoa Sĩ lại lên điện mang một cái biển có hai chữ “á hiến” (lễ thứ hai) Trì Hành Sơn, Đỗ Thiếu Khanh, dẫn chủ tế lần thứ hai là Trang Thiệu Quang ra trước hương án.
Trì Hành Sơn xướng: - Quán tẩy! (rửa tay)
Và cùng Đỗ Thiếu Khanh dẫn Trang Thiệu Quang đến chỗ rửa tay và lễ tiếp tục ba lần như vậy, lần thứ ba là Mã Tuần Thượng làm chủ tế và những người làm lễ thay đổi nhau để dâng các lễ vật(7).
Lễ tiếp tục cho đến khi hết. Kim Đông Nhai xướng:
- Lễ tất!
Mọi người đem cất các đồ tế, các nhạc cụ, thay lễ phục và cùng ra phía sau lầu. Kim Thứ Phúc và Bão Đình Tỷ mang ba mươi sáu trẻ em đi múa và những người nhạc công vào hai thư phòng ở hai bên. Trong việc tế lễ này người chủ tế là Ngu bác sĩ, hai người giúp là Trang Thiệu Quang và Mã Thuần Thượng. Tất cả ba người. Người xướng lễ là Kim Đông Nhai, người đọc văn là Tang Đồ, Lư Hoa Sĩ tất cả ba người. Người dẫn tán là Trì Hành Sơn và Đỗ Thiếu Khanh, cầm cờ là Vũ Thư, dẫn rượu là Quí Vi Tiêu, Tân Đông Chi, Dư Hòa Thanh, dâng ngọc là Cừ Dật Phu, Lư Tín Hầu, Ngu Cảm Kỳ, dâng lụa là Gia Cát Thiên Thân, Cảnh Lan Giang, Quách Thiết Bút, dâng lụa là Tiêu Kim Huyễn, Chư Tín, Y Chiêu, dâng thịt là Quí Điềm Dật, Kim Ngụ Lưu, Kim Thứ Phúc và Bão Đình Tỷ đem theo mười hai người tấu nhạc và ba mươi sáu trẻ em để múa. Cộng tất cả là bảy mươi sáu người.
Lúc này những người bếp đã khiêng lên một con bò, bốn con dê để cùng ăn với thịt tế và rau. Cỗ bàn bày ra: tất cả mười sáu bàn, tám bàn ở dưới lầu cho hai mươi bốn vị khách, tám bàn trong hai thư phòng để tiếp đãi những người khác. Sau khi ăn uống một ngày, Ngu bác sĩ lên kiệu về thành. Những người khác hoặc lên kiệu hoặc đi chân về nhà. Hai bên đường già trẻ kéo nhau lũ lượt ra xem. Mọi người đều vui vẻ. Mã Thuần Thượng cười, hỏi:
- Các ông xem như thế nào?
Mọi người đều nói:
- Chúng tôi sinh ở Nam Kinh có người đã đến bảy tám mươi tuổi rồi. Nhưng từ xưa đến nay tôi chưa bao giờ thấy một buổi lễ, chưa bao giờ nghe một buổi nhạc như thế này. Các cụ già nói rằng vị chủ tế là một vị thánh nhân giáng thế cho nên chúng tôi đều kéo nhau ra xem.
Mọi người đều vui vẻ kéo nhau về thành.
Vài ngày sau, Quí Vi Tiêu, Tiêu Kim Huyễn, Tân Đông Chi, Kim Ngu Lưu đều từ biệt Ngu bác sĩ để về Dương Châu. Mã Thuần Thượng và Cừ Dật Phu đến cái nhà bên bờ sông từ biệt Đỗ Thiếu Khanh để về Chiết Giang. Hai người bước vào nhà thấy Đỗ Thiếu Khanh, Tang Đồ và một người nữa cùng ngồi ở đấy. Cừ Dật Phu nhìn thấy giật mình, trong lòng nghĩ rằng:
- Đây chính là lão Trương Thiết Tý đã dùng cái đầu người giả để lừa các cậu của ta ở Lâu Phủ. Hắn đến đây làm gì?
Hai người chào nhau. Trương Thiết Lý nhìn thấy Cừ Dật Phu cũng thấy khó chịu, đỏ cả mặt. Uống trà xong, nói mấy câu từ biệt, Mã Thuần Thượng và Cừ Dật Phu cáo từ ra về. Đỗ Thiếu Khanh tiễn ra cửa. Cừ Dật Phu hỏi:
- Tại sao anh lại quen cái thằng Trương ấy? Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Anh ta tên là Trương Tuấn Dân người ở huyện Thiên Trường của tôi.
Cừ Dật Phu mỉm cười, kể lại sơ lược những việc hắn đã làm ở Chiết Giang khi mang danh là Trương Thiết Tý và nói:
- Anh không nên chơi thân với thằng ấy. Nên cẩn thận! Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Tôi biết rồi.
Hai người từ biệt ra về. Đỗ Thiếu Khanh trở vào hỏi Trương Tuấn Dân:
- Này ông, có phải ngày xưa tên ông là Thiết Tý phải không?
Trương Thiết Tý mặt đỏ gay nói: - Đó là tên tôi lúc còn trẻ.
Trương ấp úng không nói được nửa lời. Đỗ Thiếu Khanh cũng không hỏi gì nữa. Trương Thiết Tý thấy người ta biết rõ chân tướng của mình rồi, biết rằng ở lại cũng không được. Vài hôm sau Trương cùng Tang Đồ về Thiên Trường. Tiêu Kim Huyễn cùng Gia Cát Thiên Thân và Quý Điềm Dật mắc nợ chủ quán nên không thể về được phải đến nhờ Đỗ Thiếu Khanh giúp cho mấy lạng bạc. Sau đó cả ba đều trở về. Còn Tôn trở về Hồ Quảng và mang một bức tranh đến nhờ Đỗ Thiếu Khanh đề cho mấy chữ. Đỗ đề ngay và tiễn ra cửa. Vừa gặp lúc Vũ Thư đến. Thiếu Khanh hỏi:
- Anh Vũ Thư mấy lâu nay không gặp anh, anh ở đâu?
- Hôm trước có thi tất cả sáu lớp của trường, tôi lại đỗ đầu.
- Đó là một việc rất thú vị.
- Chẳng có gì thú. Nhưng nhân việc đó tôi biết được một việc rất lạ.
- Việc gì vậy?
- Lần này triều đình có lệnh sắp xếp lại tất cả các sinh viên trong trường, cho nên sinh viên cả sáu lớp cũng đều thi chung. Có lệnh khám xét rất cẩn thận từ đầu đến chân chẳng khác gì thi hương vậy. Bài thi ra lấy trong hai đoạn của “Tứ Thư”, một đoạn của “Ngũ Kinh”. Có một người học về kinh “Xuân thu”(8) mang theo một quyển kinh “Xuân Thu” trong mình. Cái đó không có gì lạ. Nhưng sau khi đi đồng anh ta bỏ lộn quyển này vào trong quyển thi và nộp lên cho quan giám khảo. May sao, quan giám khảo là Ngu bác sĩ. Ngu bác sĩ cùng đứng với một người giám thị. Khi nhận quyển thi, Ngu bác sĩ nhận thấy quyển Xuân Thu liền bỏ vào ống giầy. Người giám thị đứng bên cạnh hỏi có việc gì vậy, Ngu bác sĩ nói:
- Không có gì cả!
Sau khi người sinh viên kia quay lại, Ngu bác sĩ nói với anh ta:
- Anh cầm lấy đi, anh vừa nộp lộn cả quyển ấy vào quyển thi. May sao tôi thấy việc đó chứ nếu người khác thấy thì thế nào?
Người kia giật mình kinh sợ và xấu hổ. Khi kết quả công bố anh ta đỗ hàng thứ hai. Anh ta đến cảm tạ Ngu bác sĩ, nhưng Ngu bác sĩ không nhận nói:
- Tôi có nói gì với anh đâu. Có lẽ anh lầm rồi, không phải tôi.
Hôm ấy tôi cũng vừa đúng lúc đến cảm tạ. Chính mắt tôi trong thấy việc đó. Khi người kia đi rồi, tôi mới hỏi thầy Ngu tại sao thầy không nhận. Thầy nói:
- Học trò ai cũng phải giữ lấy liêm sỉ. Anh ta đến cảm ơn tôi, nếu tôi nhận là có nói thì anh ta còn mặt mũi nào nữa.
Tôi không biết tên người kia là ai, tôi hỏi thầy Ngu tên anh ta là gì. Thầy không chịu nói. Anh thấy việc ấy có lạ không?
Đỗ Thiếu Khanh nói: - Ông ta thường làm những việc như thế đấy. Vũ Thư nói:
- Lại còn việc này buồn cười hơn. Anh biết người con của thầy lấy vợ, người vợ có mang theo một người đầy tớ gái, thầy đem gả người đầy tớ gái cho quản gia họ Nghiêm. Thằng khốn nạn này thấy ở nha môn này thanh đạm không kiếm ra tiền, cho nên có xin từ giã ra đi. Trước đấy, thầy đã không đòi một đồng nào cho không người đầy tớ gái. Nay thầy lại cho mang người đầy tớ gái đi. Nếu như người khác thế nào cũng bắt chuộc lại với số tiền không biết bao nhiêu mà kể. Thầy nghe hắn nói bèn bảo: “Cố nhiên là hai vợ chồng anh ra đi cũng được. Nhưng nay tiền ăn tiền ở đều không có thì làm thế nào?”. Thầy lại cho thêm mười lạng nữa.
Khi anh ta đi thầy lại gửi anh ta đến giúp việc cho nha môn một quan huyện. Anh thấy như thế có buồn cười không?
Đỗ Thiếu Khanh nói:
- Thằng cha ấy là đồ hèn hạ không có lương tâm gì! Nhưng thầy cho anh ta tiền hai lần cố nhiên không phải là để được khen. Cái đó mới là ít có.
Thiếu Khanh giữ Vũ Thư lại ăn cơm. Sau đó, Vũ Thư từ biệt Thiếu Khanh đi ra. Mới đến cầu Lợi thiệp đã gặp người, đầu đội mũ vuông, mình mặc áo cũ, lưng thắt dây tơ, chân đi giày cỏ, trên vai mang hành lý, đầu bạc hoa râm, dáng người tiều tụy. Người kia buông hành lý xuống vái chào
Vũ Thư. Vũ Thư kinh ngạc nói:
-Ông Quách! Từ khi từ biệt ở trấn Giang Ninh nay đã ba năm. Mấy lâu nay ông đi những nơi nào?
- Nói ra dài lắm!
- Mời ông vào quán trà ngồi!
Hai người cùng vào quán trà. Người kia nói:
- Tôi mấy lâu nay vì tìm cha(9) nên đi khắp thiên hạ. Trước đây, có người nói cha tôi ở Giang Nam cho nên tôi đến đó. Đến lần này là lần thứ ba. Lại có tin nói cha tôi không ở Giang Nam mà đã lên Tứ Xuyên cạo đầu đi tu. Cho nên ngày nay tôi lại lên Tứ Xuyên.
Vũ Thư nói: - Thật đáng thương, ông đi đường hàng vạn dặm, có phải dễ dàng đâu. Tôi biết một ông huyện ở phủ Tây An, họ Vưu, là ban học với thầy Ngu ở trường Quốc Tử Giám. Nay tôi nhờ thầy Ngu viết một bức thư đến đó. Như thế là tiền ăn đường có thiếu thì ông ta có thể giúp đỡ ông.
- Tôi vốn là người quê mùa, nay bước vào trường Quốc Tử Giám sợ không tiện.
- Không hề gì. Nhà ông Đỗ Thiếu Khanh cách đây có mấy bước, tôi cùng ông đến nhà ông ta. Tôi sẽ đi lấy bức thư cho ông.
- Ông Đỗ Thiếu Khanh à! Có phải cái ông ở thiên Trường được nhà vua mời ra nhưng không đi phải không?
- Đúng đấy! - Như vậy thì tôi phải đến mới được. Trả tiền trà xong, hai người ra khỏi quán trà cùng đến nhà Đỗ Thiếu Khanh. Đỗ Thiếu Khanh ra tiếp hỏi:
- Vị này là ai?
Vũ Thư nói:
- Vị này là Quách Lực hiệu là Thiết Sơn, hai mươi năm nay ông ta đi khắp thiên hạ, để tìm cha nên có tên là Hiếu Tử.
Đỗ Thiếu Khanh nghe nói, vái chào một lần nữa, mời Quách Hiếu Tử ngồi lên ghế trên và hỏi:
- Tại sao mấy mươi năm nay ông không nghe tin về cụ nhà ta?
Quách Hiếu Tử nín lặng. Vũ Thư ghé tai Đỗ Thiếu Khanh thì thầm:
- Trước kia ông ta làm quan ở Giang Tây, sau đầu hàng Ninh Vương cho nên bỏ trốn.
Đỗ Thiếu Khanh nghe vậy kinh ngạc, lại càng kính trọng hành động của Quách Hiếu Tử bèn bảo Quách Hiếu Tử bỏ hành lý xuống.
- Ông hãy tạm ở đây một hôm, ngày mai hãy đi.
- Ông Thiếu Khanh, ông là người hào kiệt, cả thiên hạ đều biết. Tôi không làm khách, cũng xin ở lại một đêm.
Thiếu Khanh vào bảo vợ giặt áo quần cho Quách Hiếu Tử, sửa soạn cơm rượu đãi khách. Khi Thiếu Khanh đi ra, Vũ Thư nhắc đến chuyện Quách muốn xin một bức thư của Ngu bác sĩ.
Thiếu Khanh nói:
- Cái đó thì dễ, ông Quách! Ông cứ ngồi đây. Tôi và ông Vũ sẽ đi lấy thư về.
Chỉ nhân phen này, khiến cho:
Khó nhọc ê chề, sá quản vào trong hang cọp: 
Non sông xa thẳm, lại đi đến cõi Tàm Tùng(10).
Muốn biết sự việc như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.
------------
(1) Giá gỗ để văn tế.
(2) Đồ dùng để thắp, làm bằng sắt trên cắm gỗ thông lúc làm lễ đốt gỗ thông lên.
(3) Chúc là nhạc khí cổ hình vuông; bằng gỗ, người ta lấy dùi gỗ để gõ vào chúc.
(4) Ngữ là nhạc khí cổ hình con hổ làm bằng gỗ trên lưng có 27 miếng kim khí gãy vào thành tiếng.
 (5) Múa lục dật là một lối múa cổ chia làm 6 hàng, mỗi hàng 6 người.
 (6) Những câu này chúng tôi phiên âm vì trong tế lễ Việt Nam người ta cũng xướng như vậy.
 (7) Trong nguyên văn có cả ba lần cũng tỉ mỉ như lần thứ nhất và cũng in hệt như lần thứ nhất chỉ thay đổi người thôi. Ở đây chúng tôi lược bớt vì bạn đọc sẽ cho là thừa.
(8) Sách do Khổng Tử soạn.
 (9) Cha Quách là Vương Huệ đầu hàng Ninh Vương đã nói ở trên.
 (10) Tàm Tùng tên vua đất Ba Thục đời thượng cổ; sau này dùng để chỉ về địa phương Tử Xuyên
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 162
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com