watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:56:5818/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Hàn Phi Tử I - IV - Trang 10
Chỉ mục bài viết
Hàn Phi Tử I - IV
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Tất cả các trang
Trang 10 trong tổng số 12

Chương 5

THẾ
Trong phần I, chúng tôi đã nói Pháp gia đầu tiên bàn về cái "thế " là Thận Đáo. Đại ý ông ví vua với con rồng, rồng nhờ có mây mà bay lên cao được. Hiền và trí không đủ cho đám đông phục tòng mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người hiền. Chẳng hạn "vua Nghiêu (bậc hiền trí) hồi còn là dân thường thì không trị được ba người, mà Kiệt khi làm thiên tử thì có thể làm loạn cả thiên hạ, nghĩa là ban lệnh nào - dù lệnh xấu - dân chúng răm rắp theo hết.
Chủ trương đó ngược với chủ trương của Nho gia mà Hàn Phi đã trình bày trong thiên Nạn thế, đoạn "Có kẻ trả lời Thân tử..." (coi phần dịch). Nho gia trọng hiền trí hơn địa vị, và cái uy thế của vua do giá trị của vua hơn là do địa vị. Con rồng mà bay được, đành rằng dựa vào cái thế của mây, nhưng trước hết là nhờ cái tài của nó, chứ nếu là con giun vô tài thì dù có mây cũng không cưỡi được. Vả lại cái thế - tức cái ngôi vua - tự nó không thể khiến cho người hiền dùng nó, kẻ bất tiếu không dùng nó. Người hiền dùng nó thì thiên hạ trị (như vua Nghiêu) kẻ bất tiếu dùng nó thì loạn (như vua Kiệt). Tính tình con người, hiền thì ít, bất tiếu thì nhiều. Lấy cái lợi của uy thế mà giúp kẻ bất tiếu thời loạn thì kẻ dựa thế làm loạn thiên hạ sẽ đông, người nhờ thế làm lợi cho thiên hạ sẽ rất ít (... ). Giúp cho kẻ bất tiếu có thế lực, tức là chắp cánh cho cọp. (Nạn thế). Vậy Nho cho rằng vua xấu khiến cho thời loạn.

Hàn Phi bác chủ trương đó của Nho trong đoạn "Lại có kẻ trả lời câu hỏi trên..." (Nạn thế). Đoạn này có vài chỗ khó hiểu, chẳng hạn trong mươi hàng đầu Hàn phân biệt "thế tự nhiên" và "thế do người lập ra" (nhân sở thiết) mà không cho biết thế nào là thế tự nhiên, cho nên có học giả hiểu là thiên mệnh, là thời thế, có học giả lại hiểu là sự truyền ngôi. Chúng tôi đoán Hàn muốn nói rằng thời suy như thời Kiệt thì sinh ra vua xấu, ngược lại với thuyết của Nho gia: vua xấu làm cho thời loạn. Nhưng đoán vậy có sai chăng vì Hán vốn tin rằng thịnh suy do sức người, không liên quan gì với sức trời kia mà.
Rồi những hàng sau, Hàn dẫn truyện người bán mâu và thuẫn khoe thuẫn mình chắc, không gì đâm thủng được, lát sau lại khoe "mâu mình bán không gì là đâm không thủng". Trần Khải Thiên hiểu rằng Hàn muốn bảo sự hiền minh với cái thế không dung nhau được như cái mâu và cái thuẫn; Vandermeersch lại bảo Hàn cho rằng khi lý luận mà đưa những trường hợp cực đoan ra (như Nghiêu Thuấn, Kiệt Trụ) thì lý lẽ nào vững tới mấy cũng có thể bác được vì có mâu thuẫn. Trần Khải Thiên và Vandermeersch, ai hiểu đúng Hàn Phi? Bỏ những chỗ khó hiểu đó đi, đọc kỹ cả đoạn, tôi thấy Hàn rõ ràng bênh vực thuyết của Thuận Đáo, cho rằng cái "thế" không liên quan gì với giá trị về đạo đức và tài trí của con người; và trong việc trị dân, cứ đợi có ông vua hiền thì ngàn đời mới gặp một ông, không lẽ trong chín trăm chín mươi chín đời kia, để cho dân loạn sao. Ông viết:
"Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ ngàn đời mới xuất hiện một lần; số đó rất ít[1]. Mà cái thường thấy trên đời thì là hạng người trung bình, cho nên tôi nói về thế là nói về hạng trung bình. Hạng người trung bình thì trên không bằng Nghiêu, Thuấn, dưới không đến nỗi như Kiệt, Trụ. Nếu cứ giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế thì nước trị, quay lưng lại, bỏ quyền thế thì nước loạn. Nay bỏ quyền thế, quay lưng lại pháp luật mà đợi Nghiêu, Thuấn; Nghiêu Thuấn tới là nước trị thì ngàn đời loạn mới có một đời trị. Giữ chặt pháp luật, dùng quyền thế mà đợi Kiệt, Trụ ; Kiệt, Trụ tới là nước loạn thì ngàn đời trị thì mới có một đời loạn (...) Vả lại (....) nói về việc trị nước, không đưa ra trường hợp Nghiêu, Thuấn thì đưa ra trường hợp Kiệt, Trụ làm loạn nước; như vậy tức nói về khẩu vị, nếu không đưa ra đường mật thì đưa ra rau đắng, rau đay; nghị luận như vậy là nói cho nhiều mà không hợp lý hợp phép vì đưa ra hai trường hợp cực đoan, làm sao có thể bắt bẻ những lời hợp đạo lý được?" ...
中者,上不及堯、舜,而下亦不為桀、紂。抱法處勢則治,背法去勢則亂。今廢勢背法而待堯、舜,堯、舜至乃治,是千世亂而一治也。抱法處勢而待桀、紂,桀、紂至乃亂,是千世治而一亂也。(...)且(...)治,非使堯、舜也,則必使桀、紂亂之。此味非飴蜜也,必苦萊亭歷也。此則積辯亂,離理失術,兩末之議也,奚可以難,失道理之言乎哉!

(.... Trung giả, thượng bất cập Nghiêu, Thuấn, nhi hạ diệc bất vi Kiệt, Trụ; bảo pháp xử thế tắc trị, bội pháp khử thế tắc loạn. Kim phế thế bội pháp nhi đãi Nghiêu, Thuấn, Nghiêu Thuấn chí nãi trị, thị thiên thế loạn nhi nhất trị dã; bão pháp xử thế nhi đãi Kiệt, Trụ; Kiệt, Trụ chí nãi loạn, thị thiên thế trị nhi nhất loạn dã (...) Thả (...) trị, phi sử Nghiêu, Thuấn dã, tất tắc sử Kiệt, Trụ loạn chi; thử vị phi di mật dã, tất khổ thái, đình lịch dã, thử tắc tích biện loạn, li lí thất luật, lưỡng mạt chi nghị dã, hề khả dĩ nạn, phù đạo lý chi ngôn hồ tai! (Nạn thế).
Hàn Phi đã vu oan cho Nho gia. Nho gia có bao giờ mong ông vua nào cũng được như Nghiêu, Thuấn đâu; chỉ nói rằng ở vào địa vị ông vua, có quyền thế của ông vua, mà có tài trí hiền đức, thì nước mới trị, nếu tàn bạo thì nước càng loạn thêm, Nghiêu Thuấn, Kiệt Trụ chỉ là những thí dụ vậy thôi. Mà chính pháp gia cũng nhận rằng vua cần sáng suốt, có tài năng mới áp dụng pháp thuật, họ luôn luôn nhắc đến bậc "minh chủ" biết dùng pháp thuật là vì vậy. Họ có khác gì Nho gia đâu.
Nho gia cũng không khác họ ở điểm nhận rằng địa vị, uy quyền - tức cái thế - rất quan trọng, cho nên họ mới tôn quân. Chung quy họ chỉ không đồng ý với nhau ở mỗi điểm này: Nho gia đặt tài đức lên trên địa vị, phải có tài đức tới một mức nào đó thì mới xứng đáng với địa vị, mới không làm hại dân. Pháp gia đặt địa vị, quyền thế lên trên tài đức; miễn là tài đức trung bình mà có quyền thế là trị nước được rồi; Nho chủ trương nhân trị, Pháp chủ trương Pháp trị, nhưng dù chủ trương nhân trị thì cũng không thể bỏ pháp, mà chủ trương pháp trị thì càng không thể bỏ «nhân», nghĩa là bỏ cái yếu tố người (facteur humain ) đi.

*

Trọng cái « thế » tức là trọng sự cưỡng chế. Có thể nói Pháp gia hiểu ý nghĩa, mục đích của quốc gia nếu không đúng hơn thì cũng thực tế hơn Nho gia, vì từ hồi nào tới giờ, mục đích của quốc gia là « yên ổn trong nội bộ để chiến đấu với ngoại quốc » ; và chính quyền nào cũng phải áp chế - nhiều ít tùy thời - bằng cách này hay cách khác để giữ được trật tự, thực hiện một chương trình.
Vì trọng sự cưỡng chế, cho nên pháp gia chủ trương :
1 – Chủ quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) tập trung cả vào một người là vua ;
2 – Vua phải được tôn kính tuân theo triệt để : dân không được quyền làm cách mạng, không được trái ý vua, vua bắt chết thì phải chết, không chết tức là không trung, điều đó chúng tôi đã xét ở chương trên; hơn nữa, dù vua có nhường ngôi cho, cũng không được nhận, vì nếu nhận thì vua sẽ thành bề tôi của mình mất, trái phép, bất trung. Hàn Phi nhiều lần đả đảo chính sách thiện nhượng.
Trong thiên Ngũ đố, ông cho việc vua Nghiêu truyền ngôi cho ông Thuấn là không hợp thời, mà hành động đó cũng không cao quý gì vì thời đó làm vua không sướng : ở nhà tranh, ăn cơm gạo xấu với rau, mặc áo da thú hoặc vải thô ; nhường ngôi thiên tử chỉ là từ bỏ cuộc sống của người giữ cổng, của tên nô lệ, không có gì đáng khen.
Trong thiên Trung hiếu[2], Hàn còn mạt sát Nghiêu Thuấn là làm loạn đạo nghĩa. Thiên hạ đều cho rằng đạo hiếu, đễ, trung, thuận là phải nhưng không ai xét kỹ bốn đạo đó để thi hành cho đúng, vì vậy mà thiên hạ loạn.
 « Thiên hạ đều cho đạo của Nghiêu Thuấn là phải mà theo, vì vậy mới có những vụ thí vua, không coi cha là cha. Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ đã phản lại nghĩa vua tôi, làm loạn sự giáo hóa đời sau . ( Nghiêu làm vua mà lại làm cho bề tôi ( tức Thuấn ) thành vua của mình ; Thang, Võ mà làm vua mà lại thí chúa, chém thây chúa[3]. Vậy mà thiên hạ lại khen, cho nên thiên hạ đến nay vẫn không trị ».
天下皆以孝悌忠順之道為是也,而莫知察孝悌忠順之道而審行之,是以天下亂。皆以堯、舜之道為是而法之,是以有弒君,有曲於父。堯、舜、湯、武,或反君臣之義,亂後世之教者也。堯為人君而君其臣,舜為人臣而臣其君,湯、武為人臣而弒其主、刑其尸,而天下譽之,此天下所以至今不治者也。
( Thiên hạ giai dĩ hiếu đễ trung thuận chi đạo vi phụ dã, nhi mạc tri sát hiếu đễ trung thuận chi đạo nhi thẩm hành chi, thị dĩ thiên hạ loạn. Giai dĩ Nghiêu Thuấn chi đạo vi thị nhi pháp chi, thị dĩ hữu thí quân, hữu khúc phụ. Nghiêu, Thuấn, Thang. Vũ hoặc phản quân thần chi nghĩa, loạn hậu thế chi giáo giả dã. Nghiêu vi nhân quân nhi quân thần kỳ thần, Thuấn vi nhân thần nhi thần kỳ quân ; Thang, Võ vi nhân thần nhi thí kỳ chủ, hình kỳ thi, nhi thiên hạ dự chi, thử thiên hạ sở dĩ chí kim bất trị giả dã)
Vậy vua dù là tàn bạo như Kiệt, Trụ, bề tôi cũng không được đánh giết, đánh giết tức là trái đạo bề tôi, là nghịch thần chứ không bảo là cứu vớt dân được ; còn Nghiêu nhận ngôi vua cũng là trái đạo bề tôi. Tôn quân đến vậy là cực điểm, trái hẳn với chủ trương của Nho gia.
3 – Sau cùng quy kết thứ ba của chủ trương trọng sự cưỡng chế ; đó là hai cái «cán », hai quyền bính ở trong tay nhà vua, của riêng nhà vua. Muốn cho nước trị thì vua chỉ cần dùng thưởng phạt chứ không cần dùng giáo hóa, lễ nhạc. Đây cũng là một điểm trái hẳn với Nho giáo. Nho giáo dùng sức để giáo hóa dân dã, kẻ nào không thể cảm hóa bằng đức được thì mới bất đắc dĩ phải dùng đến hình phạt .
Khổng tử bảo :
« Bậc Thái thượng (tức cao nhất ) lấy đức dạy dân, mà lấy lễ tề dân (tề là sửa lại cho ngay ). Bậc thứ nhì lấy chính sự mà khiến dân và lấy hình (phạt) mà ngăn cấm : hình đặt ra nhưng không dùng đến. Chỉ có lúc hóa dân mà dân không theo để đến hại nghĩa nát tục thì bây giờ mới phải dùng hình vậy.”
太上以德教民,而以礼齊之.其次以政事导民,以刑禁之,刑不刑也.化之弗变,民之弗从,伤义而败俗,于是乎用刑矣
0[4].
Dùng đức và lễ để cảm hóa dân, kết quả tốt hơn dùng hình phạt, nên chương Vi chính, bài 3 (Luận ngữ) ông nói thêm : « Dùng pháp chế mà bắt dẫn dân, dùng hình phạt mà sửa dân cho ngay thì dân không phạm pháp nhưng không biết xấu hổ ; dùng đức mà dắt dân, dùng lễ mà sửa cho ngay thì dân biết xấu hổ mà trở nên tốt » .
道之以政,齐之以刑,民免而无耻,道之以德,齐之以礼,有耻且格
(Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sĩ, đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách).
Ông còn mong đạt được lý tưởng trong nước không còn sự tranh giành, kiện tụng nữa : “Xử kiện thì ta cũng như người, cốt sao cho không còn kiện tụng mới hay”.
聴訟吾猶人也、必也使無訟乎
0
Vì Pháp gia cho sự thưởng phạt là cách tốt nhất để trị dân, nên chúng tôi để riêng tiết dưới đây để xét quan niệm về thưởng phạt của Hàn Phi.

Thưởng Phạt.
Hàn Phi cho rằng trừ một số ít siêu nhân, còn thì hầu hết loài người có nhiều tật xấu tham lợi, tranh giành nhau, làm biếng, chỉ sợ sức mạnh – ( coi phần I ) nên không mong gì họ làm điều thiện được, chỉ cầu sao họ biết sợ mà đừng làm điều ác thôi, vậy phải dùng chính sách cưỡng chế chớ không cảm hóa được. Tính người là có ưa có ghét – ưa tư lợi, ưa được khen, ghét bị cực khổ, bị hình phạt – cho nên có thể dùng sự thưởng phạt để dắt dẫn dân, ngăn cấm họ. « Đạo trị thiên hạ chỉ có vậy thôi » ( Bát kinh ).
Chính sách cảm hóa của đạo Nho đẹp nhất đấy nhưng Hàn chê là không thực tế ; lâu có kết quả mà phải bậc hiền minh như Nghiêu, Thuấn mới may ra thi hành được : dùng sự thưởng phạt kết quả rất mau ( chỉ trong mươi ngày, không phải đợi tới một năm ) mà ông vua tầm thường nào cũng làm được. Thiên Nạn thất, Hàn chép lại một truyền thuyết về cách cảm hóa dân của vua Thuấn :
 « Nông phu ở Lịch Sơn lấn ruộng nhau ; ông Thuấn lại đó cày ruộng được một năm thì bờ ruộng đều chỉnh tề cả. Dân chài ở bờ sông Hoàng Hà tranh nhau các bãi trên sông : ông Thuấn đến đó đánh cá, được một năm thì người trẻ nhường những bãi đó cho người lớn tuổi. Đồ gốm thợ Đông Di làm đều xấu, dễ vỡ ; ông Thuấn lại đó làm, đồ gốm được một năm, đồ gốm đều tốt, chắc chắn ».
Khổng tử khen ông Thuấn là bậc thánh, dùng đức mà cảm hóa được dân.
Hàn Phi chê : « Ông Thuấn sửa khuyết điểm (cho dân ), một năm mới sửa được một tật, ba năm được ba tật. Tuổi thọ của ông có hạn mà tật của dân thì vô cùng : lấy cái hữu hạn để trừ cái vô cùng, thì trừ được bao nhiêu đâu ? Nếu dùng sự thưởng phạt bắt dân thi hành mà ra lệnh rằng : « Hễ làm đúng phép thì được thưởng, trái phép thì bị phạt » thì sáng ban lệnh, chiều sự tình đã thay đổi, chiều ban lệnh thì sáng hôm sau sự tình đã thay đổi, chỉ trong mười ngày là khắp nước thay đổi cả, đâu phải đợi đến một năm ? (… ) Vả lại nếu phải đích thân chịu lao khổ rồi mới cảm hóa được dân thì ngay Nghiêu, Thuấn cũng khó làm được, còn dùng (quyền) thế mà uốn nắn thiên hạ mà lại bỏ cái cách một vị chúa tầm thường cũng dễ dàng làm, thì kẻ đó chưa có thể cho làm chính trị được ».
且舜救敗,期年已一過,三年已三過,舜有盡,壽有盡,天下過無已者,以有盡逐無已,所止者寡矣。賞罰使天下必行之,令曰:‘中程者賞,弗中程者誅。’令朝至暮變,暮至朝變,十日而海內畢矣,奚待期年?(...)且夫以身為苦而後化民者,堯、舜之所難也;處勢而驕下者,庸主之所易也。將治天下,釋庸主之所易,道堯、舜之所難,未可與為政也。”

( Thả Thuấn cứu bại, cơ niên dĩ nhất quá, tam niên dĩ tam quá, Thuấn thọ hữu tận, thiên hạ quá vô dĩ giả, dĩ hữu tận trục vô dĩ, sở chỉ giả quả hỉ. Thưởng phạt sử thiên hạ tất hành chi, lệnh viết : « Trúng trình giả thưởng, phất trúng trình giả tru. Lệnh triêu chí mộ biến, mộ chí triêu biến, thập nhật nhi hải nội tất hĩ, hề đãi cơ niên ? ( … ). Thả phù dĩ thân vi khổ nhi hậu hóa dân giả, Nghiêu, Thuấn chi sở nan dã ; xử thế nhi kiểu hạ giả, dung chủ chi sở dị dã, Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị dã. Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị dã. Tương trị thiên hạ, thích dung chủ chi sở dị, đạo Nghiêu, Thuấn chi sở nan, vị khả dữ vi chính dã).
  Hàn Phi cho cách thưởng phạt là mầm trị hay loạn của quốc gia nên gần như thiên nào ông cũng nhắc tới, trước sau có tới trên trăm chỗ, dưới đây chúng tôi tổng hợp lại để tìm ra nguyên tắc chính.
1-  Thưởng thì phải « tín », phạt thì phải « tất » (Ngũ đố) : Chữ tất chúng tôi dịch là cương quyết, nghĩa là hễ kẻ cô tội thì phải trừng trị chớ không tha : chữ « tín » khó dịch hơn, chúng tôi dịch tạm là xác thực, nghĩa là hễ có công thì phải được thưởng theo như luật định, trái lại không có tội thì dù là kẻ mình ghét cũng không được trừng phạt ; không có công mà thưởng thì là thi ân, mầm của loạn vì dân sẽ không gắng sức làm việc nước để được thưởng mà tìm cách hối lộ quan lại, quan lại sẽ thi ân cho dân để mua lòng dân, kéo họ về phe mình mà mưu tư lợi. Ngay vua cũng không được thi ân cho dân, vì như vậy là trái phép, bất công, vả lại dân sẽ trông vào sự thi ân mà biếng nhác công việc. 0.
       Hai chữ « Tín », "Tất" đó còn có nghĩa là không được mâu thuẫn trong việc thưởng phạt ; chẳng hạn « ban tước cho kẻ có (quân) công mà lại khinh thị quan võ, thương kẻ gắng canh tác mà lại coi rẻ nghề nông » (Ngũ đố) : hoặc thưởng người chém được đầu quân địch, mà đồng thời lại đề cao hành vi nhân từ ; ( … ) trông cậy vào nông dân để cho nước giàu, trông cậy vào quân lính để cự địch mà đồng thời lại trọng kẻ sĩ chuyên về văn học » ( Ngũ đố) tức những kẻ chỉ nói suông, chê bai pháp thuật, ngăn cản việc trị nước, chứ không giúp ích được chút gì cả.
     Nếu khiến cho kẻ phạm điều mình cấm lại được lợi, kẻ làm lợi cho mình lại bị cấm ; hoặc khen kẻ có tội, chê kẻ đáng thưởng thì sự thưởng phạt chỉ làm cho nước thêm loạn. (Ngoại trừ thuyết tả hạ)
2-  Thưởng thì phải trọng hậu, phạt thì phải nặng. Thưởng trọng hậu thì dân mới thấy lợi mà ham : phạt nặng thì dân mới sợ mà tránh.
    Thiên Lục phản, Hàn Phi viết :
« Các học giả đều bảo : Phải giảm nhẹ hình phạt đi », đó là thuật làm cho loạn vong. Thưởng phạt mà xác định là để khuyến thiện cấm ác. Thưởng hậu thì mau được cái mình muốn, phạt nặng thì mau cấm được cái mình ghét ( … ) Cho nên rất ham bình trị thì phải thưởng cho hậu, rất ghét rối loạn thì phải phạt cho nặng ( … ) Vả lại hình phạt nặng không phải chỉ để trị tội nhân, nó còn để làm sáng pháp độ của vua ( … ) cho nên bảo :  « Phạt tội một kẻ gian mà ngăn cấm được mọi sự gian tà trong nước » ( … ) kẻ bị phạt nặng là kẻ cướp mà kẻ sợ hãi là lương dân (… ). Còn việc thưởng hậu không phải chỉ để thưởng công, còn để khuyến khích toàn dân trong nước nữa. Người được thưởng vui vì được lợi mà người chưa được thưởng sẽ ham được thưởng (…). Nay những kẻ không biết cách trị nước đều bảo :  « Hình phạt nặng làm thương tổn dân, hình phạt nhẹ có thể cấm gian được rồi, cần gì phải dùng hình phạt nặng ? » . Đó là không xét kỹ về sự trị nước. Một tội ác có thể ngăn cấm bằng hình phạt nặng thì chưa chắc đã ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ ; còn một tội ác ngăn cấm được bằng hình phạt nhẹ thì càng dễ ngăn cấm bằng hình phạt nặng. Cho nên đặt ra hình phạt nặng thì mọi sự gian tà sẽ chấm dứt, mọi sự gian tà sẽ chấm dứt thì thương tổn cho dân ở chỗ nào ? ( … )
夫以重止者,未必以轻止也;以轻止者,必以重止矣。是以上设重刑者而奸尽止,奸尽止则此奚伤於民也?
( Phù dĩ trọng chỉ giả, vị tất dĩ khinh chỉ dã : dĩ khinh chỉ giả, tất dĩ trọng chỉ hĩ. Thị dĩ thượng thiết trọng hình giả nhi gian tận chỉ ; gian tận chỉ, tắc thử hồ thương ư dân dã?)
       Vậy dùng hình phạt nặng thì dân mới sợ mà mau có kết quả, nước sẽ hết loạn, chỉ có lợi cho dân chứ không làm thương tổn gì cho họ cả. Hơn nữa, còn là nhân từ đối với dân nữa, vì nếu dùng hình phạt nhẹ, dân không sợ mà mắc tội, như vậy không khác gì bẫy dân, còn dùng hình phạt nặng là tránh cho dân sa vào bẫy (Lục phản).
Đó là chủ trương của Thương Ướng : dùng hình phạt để bỏ hình phạt ( hình dĩ khử hình ) trái với chủ trương đặt ra hình phạt mà không dùng (hình bất hình) của Khổng.
    Nếu kẻ phạm tội mà trốn được thì phải truy nã cho tới cùng, quyết không để cho một tội nào đã phát giác mà thoát khỏi lưới pháp luật – đây cũng là một quy kết của nguyên tắc « phạt thì phải « tất ».
  Trong Nội trừ thuyết thượng Hàn Phi đưa Vệ Tự Công ra làm gương : « Thời Vệ Tự Công có người bị tội đồ trốn qua nước Ngụy và trị bệnh cho hoàng hậu của Ngụy Tương vương. Tự Công hay tin sai người đem năm chục ( lượng hay dật ?) vàng để mua người có tội đó ; sứ giả đi đi về về năm lần mà vua Ngụy không chịu giao : Tự Công bèn lấy ấp Tả thị để đổi ».
  Đem một ấp để đổi lấy một tên phạm tội về mà trừng trị, cổ kim chắc chưa có ai như ông vua nước Vệ đó. Quần thần can, ông đáp : « Muốn trị nước thì đừng coi thường những việc nhỏ, loạn không phải là toàn là do việc lớn mà phát đâu. Pháp luật không vững, hình phạt không cương quyết thì dù có mười ấp Tả Thị cũng vô ích, ngược lại pháp luật mà vững, hình phạt mà cương quyết thì dù mất mười ấp Tả Thị cũng không hại.
夫治無小而亂無大,法不立而誅不必,雖有十左氏無益也。法立而誅必,雖失十左氏無害也。
( Phù trị vô tiểu nhi loạn vô đại. Pháp bất lập nhi tru bất tất, tuy hữu thập Tả Thị, vô ích dã, pháp lập nhi tru tất, tuy thất thập Tả Thị, vô hại dã)
   Trước sự cương quyết đó của Vệ Tự quân, vua Ngụy đành phải trao kẻ đã trị bệnh mẹ mình, để khỏi mất tình hòa hiếu với bạn chư hầu. Câu chữ Hán chúng tôi dẫn ở trên tóm tắt được một cách mạnh mẽ sự quan trọng của pháp và hình theo Pháp gia.
3 - Sự thưởng phạt phải theo đúng phép nước, chí công vô tư.
  Thiên Hữu độ, Hàn bảo :
« Pháp luật nghiêm là để ngăn cấm tội lỗi, trừ bỏ riêng tư : hình phạt gắt là để lệnh được thi hành khắp và trừng trị kẻ dưới ». Nói tới thưởng phạt, nhất là phạt, Hàn thường kèm theo với pháp luật. Vì pháp luật như cái dây mực, cái thủy chuẩn, cái quy cái củ, cứ theo đó thì hành động không sai ; dù là người thợ khéo đến mấy cũng phải dùng những cái đó làm tiêu chuẩn, không nên theo ý mình.
« Dùng pháp luật để trị nước chỉ là để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy mà thôi. Pháp luật không thể a dua người sáng cũng như dây mực không thể uốn theo gỗ cong... (cho nên) Trị tội thì không chừa các quan lớn, thưởng công thì không bỏ sót dân thường ( … ). Hình phạt nặng thì người sang không dám khinh kẻ hèn; Pháp luật phân minh thì người trên được tôn trọng, không bị lấn.
故以法治國,舉措而已矣。法不阿貴,繩不撓曲(...)刑過不避大臣,賞善不遺匹夫(...)刑重則不敢以貴易賤,法審則上尊而不侵
( Cố dĩ pháp trị quốc, cử thố nhi dĩ hĩ – Pháp bất a quí, thằng bất nao khúc ( …) Hình quá bất tị đại thần, thưởng thiện bất di thất phu ( … ). Hình trọng tắc bất cảm dĩ quí dị tiện, pháp thẩm tắc thượng tôn nhi bất xâm - Hữu độ)
  Thiên Chủ đạo, cũng bảo : « Nếu quả thực có công thì dù là kẻ không thân và hèn mọn, cũng thưởng, nếu quả thực có tội thì dù là kẻ thân ái cũng phạt ».
Thiên Ngoại trừ thuyết hữu thượng, Hàn nhắc lại nữa : « Không tránh người thân và đại thần, thi hành với cả người mình yêu » và kể ra hai cố sự mà chúng tôi đã dẫn ở trên. Truyện Tấn Văn Công rơi lệ để cho viên lại chém Điền Hiệt sủng thần của ông, vì tội tới trễ trong một buổi đi săn ; và truyện thái tử nước Kinh ‘Sở’ phạm cấm, bị viên đình lý ‘coi sân chầu’ phạt, khóc lóc xin với vua cha, vua cha đã không an ủi mà còn bênh vực viên đình lý.
  Tóm lại thưởng phạt không được vì tư tình, không được có tư ý, không được để lộ vui buồn của mình ra nữa, mặt phải lạnh như tiền : ‘hữu thưởng phạt nhi vô hỉ nộ - Dụng nhân’
Cứ theo đúng pháp luật mà thưởng phạt, thì kẻ bị trừng phạt không oán bề trên, kẻ được thưởng cũng không mang ơn bề trên, vì không coi sự được thưởng là một ân huệ, chỉ là một sự công bằng mà thôi.
   Đầu thiên Ngoại trừ thuyết tả hạ, Hàn kể lại hai cố sự để dẫn chứng: Một người phạm tội, bị Tử Cao làm chức coi ngục xử tội và chặt chân. Sau Tử Cao bị truy nã vì bị nghi là liên lụy trong một vụ làm loạn, người cụt chân đó không oán, không tố cáo. Tử Cao ngạc nhiên, hỏi tại sao không oán mình, người đó đáp : « Tôi bị chặt chân vì tội tôi đáng vậy, làm sao khác được ? ».
-      Châu Mão có công du thuyết mà cứu Ngụy khỏi bị Tần và Hàn đánh, Ngụy Tương vương thưởng ông lộc năm cỗ xe, ông không mang ơn mà còn chê là thưởng ít.
Theo đúng pháp luật thì hình phạt sẽ thích đáng, nhiều hay ít không thành vấn đề : nước loạn, nhiều kẻ phạm pháp thì trừng trị nhiều, tuy nhiều cũng vô hại. Đầu thiên Nạn thị, Hàn Phi chép truyện Án Anh trách khéo Tề Cảnh Công dùng nhiều hình phạt quá, Cảnh Công nghe lời, bỏ bớt đi năm hình phạt, Hàn Phi chê Án Anh không biết thuật trị nước.
« Hình phạt mà thích đáng thì nhiều cũng vô hại, nếu không thích đáng thì tuy ít cũng là hại. Án Tử không giảng cho vua lẽ thích đáng mà chỉ chê là nhiều quá, đó là cái hại vô thuật. Phạt quân thua trận thì đến số ngàn, số trăm vẫn chưa ngăn được sự bại tẩu, vậy thì hình phạt để dẹp loạn chỉ sợ không xuể mà kẻ gian vẫn còn. Án tử không xét là thích đáng hay không mà chỉ cho là nhiều quá, chẳng là bậy ư ? »
夫刑當無多,不當無少,無以不當聞,而以太多說,無術之患也。敗軍之誅以千百數,猶北不止。即治亂之刑如恐不勝,而姦尚不盡。今晏子不察其當否,而以太多為說,不亦妄乎!

0.
4- Vua phải nắm hết quyền thưởng phạt:
Quyền thưởng phạt là một lợi khí, đích thân vua phải nắm lấy, không được ủy quyền cho ai cả ; giao cho người thì uy của vua sẽ phân tán, và sẽ bị bề tôi che lấp, không chế ngự họ được. Hàn Phi cảnh cáo các bậc vua chúa nhiều lần như vậy, như trong các thiên Bát kinh, Nội trừ thuyết thượng, Nội trừ thuyết hạ, Ngoại trừ thuyết hữu hạ … đặc biệt là trong thiên Nhị bính.
  Ông cho rằng vua sở dĩ chế ngự được bề tôi là nhờ hai cái quyền (nhị bính) : thưởng mà ông gọi là « đức » và phạt mà ông gọi là « hình », nếu không tự nắm lấy hai quyền đó mà giao cho bề tôi thì dân sẽ sợ mà quy phục bọn bề tôi đó mà coi thường vua. Hai quyền đó như nanh vuốt của cọp vậy :
   « Cọp làm cho chó khiếp phục là nhờ nanh với vuốt, nếu cọp bỏ nanh vuốt đi để cho chó dùng thì ngược lại nó phải khiếp phục chó ».
夫虎所以能服狗者,爪牙也。使虎释其爪牙而狗用之,则虎反服于狗矣。
0
  Bậc vua chúa dùng hình và đức để chế ngự bề tôi, nếu bỏ hai quyền đó để cho bề tôi dùng thì ngược lại bị bề tôi chế ngự.
Vì vậy vua không được giao một quyền nào cho bề tôi cả. Giao quyền thưởng thì nguy cho vua đành rồi, như trường hợp Tề Giản Công để quyền thi ân cho một đại phu là Điền Thường dùng (Điền Thường được phép ban tước lộc cho quần thần) mà rốt cuộc bị Điền Thường giết, rồi sau đó con cháu họ Điền cướp luôn ngôi vua Tề ; ngay đến việc giao quyền phạt cho bề tôi cũng rất tai hại nữa. Hai lần - ở thiên Nhị bính và ở thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ, Hàn Phi dẫn truyện vua Tống (không rõ là ai ) bị Tử Hãn đảm nhiệm việc hành phạt, việc mà ông ta cho là bị dân ghét :
Tử Hãn tâu với vua Tống : Khen thưởng và ban ơn là làm cho dân thích, việc đó xin nhà vua đảm nhiệm lấy : chém giết, trừng phạt là làm cho dân ghét, việc này thần xin đảm đương ».
Vua Tống cho là Tử Hãn yêu mình, chịu nhận tiếng xấu thay mình, chấp nhận liền, từ đó hễ có việc phải ban lệnh ra oai, trừng trị đại thần thì bảo : « Hãy hỏi Tử Hãn ». Vì vậy mà đại thần đều sợ Tử Hãn, dân chúng đều theo Tử Hãn; được một năm ông bị Tử Hãn giết rồi cướp ngôi.
Cho vua nắm hết quyền thưởng phạt rồi buộc vua phải tuân theo pháp luật, đó là một điều hợp lý về nguyên tắc : uy quyền của vua được mạnh nhưng hơi bị hạn chế vì còn có pháp luật hãm lại : nhưng đem ra áp dụng thì không hợp tình. Hàn đã cho rằng con người ai cũng có tư tình, tư lợi, thì sao lại mong vua - hạng vua bình thường – « dung chủ » - bỏ việc tư tình mà luôn luôn giữ đúng pháp luật được. Thuyết của ông nếu không mâu thuẫn thì cũng không thực tế. Có nhà cầm quyền nào từ xưa tới nay bỏ được yêu ghét, vui giận đâu ? Cũng chưa hề có nhà cầm quyền nào chỉ dùng chính sách thưởng và phạt - tức như người phương Tây gọi là « củ cà rốt và cây gậy » mà trị nước được lâu, vì con người còn biết trọng cái khác ngoài cái lợi, biết sợ cái khác ngoài hình phạt, xã hội không phải là một chuồng thú của một gánh xiếc.
Vua Hàn không theo chính sách của Hàn chưa chắc đã hoàn toàn vô lý.

Chú thích:
[1] Nguyên văn: “tị kiên tùy chủng nhi sinh dã". Chúng tôi dịch theo Trần Khải Thiên. Có vẻ ngược với nguyên văn mà ý thì hợp với cả đoạn.
[2] Thiên này có người ngờ không phải của Hàn Phi viết ( coi phần I) nhưng tư tưởng trong đoạn chúng tôi trích đây hợp với pháp gia, nên có thể dùng được.
[3] Vua Thang giết Kiệt, dựng nên nhà Thương; vua Võ ( nhà Chu ) đánh bại Trụ, Trụ nhảy vào lửa tự thiêu, mà vua Võ còn xông vào chém thây Trụ.
[4] Do Trần Trọng Kim dịch và dẫn trong Nho Giáo - Quyển thượng – sách đã dẫn. Nhưng (những?) chữ trong dấu móc cho (do?)  chúng tôi thêm vào

Chương 6
PHÁP

Nho gia dùng chữ “pháp” theo nghĩa phép tắc, như trong các từ ngữ “tiên vương chi pháp”, “hậu vương chi pháp” (phép tắc của tiên vương, của hậu vương); còn Pháp gia nói tới “pháp” là luôn luôn trỏ pháp luật.
 Trong thiên Định pháp, Hàn Phi định nghĩa chữ “pháp” như sau: “Pháp là hiệu lệnh công bố ở các công sở, thưởng hay phạt đều được dân tin chắc là thi hành, thưởng người cẩn thận giữ pháp luật, phạt kẻ phạm pháp, như vậy bề tôi sẽ theo pháp”.
法者,憲令著於官府,賞罰必於民心,賞存乎慎法,而罰加乎姦令者也;此人臣之所師也。
(Pháp giả hiến lệnh trứ ư quan phủ; thưởng phạt tất ư dân tâm, thưởng tồn hồ thận pháp, nhi phạt gia hồ gian lệnh giả dã; thứ nhân thần chi sở sư dã).
Thiên Hữu độ, ông ví pháp luật với dây mực, cái thuỷ chuẩn, cái qui, cái củ, tức những đồ dùng làm tiêu chuẩn. Pháp luật tức là một thứ tiêu chuẩn để biết đâu là chính, đâu là tà, để khen đúng người phải, trách đúng kẻ quấy.

Trong phần I (tiểu sử Tử Sản) chúng tôi đã xét sự tiến triển của ý niệm về pháp luật ở thời Xuân Thu và Chiến Quốc ra sao, và các pháp gia từ Quản Trọng tới Thương Ưởng đã lần lần lấy pháp luật thay cho lễ, bỏ tính cách giai cấp của lễ ra sao. Có điều đáng để ý là sự tôn quân càng tăng thì ý niệm về pháp luật càng mạnh. Nho gia tuy tôn quân nhưng coi vua là người chỉ nhận sứ mạng của trời, mà ý dân là ý trời, nên đòi vua phải có đạo đức (vua có ra vua thì bề tôi mới giữ đạo bề tôi) ông vua nào không có tư cách đều bị Khổng Tử, Mạnh Tử chê hoặc mạt sát; mà Nho gia lại chính là những chính trị gia chỉ có ý niệm về đạo đức (nhân) về bổn phận (nghĩa) chứ chưa có ý niệm về pháp luật. Trái lại Pháp gia tôn quân hơn Nho gia nhiều (coi chương II và III phần này) thì lại có ý niệm rất rõ về pháp luật và đòi hỏi các vua chúa phải luôn luôn áp dụng đúng pháp luật. Cơ hồ họ cảm thấy rằng phải có pháp luật để giảm bớt uy quyền của vua. Họ không nói đến mệnh trời, ý dân nữa, không đề cao nhân nghĩa nữa mà chỉ nói đến pháp luật, đề cao pháp luật. Đó là một sự biến chuyển lớn trong tư tưởng chính trị của Trung Quốc thời Chiến Quốc mà chúng tôi chưa thấy học giả nào phân tích.
Ba thuyết thế, pháp, thuật của pháp gia liên quan chặt chẽ với nhau, chống đỡ lẫn nhau: “thế” như cái khung cửa tò vò, pháp và thuật như hai chân cột của cửa; có cái thế mới thi hành được pháp, thuật; mà có pháp, thuật thì mới giữ vững được cái thế, hễ thiếu một là sụp đổ hết. Vì vậy mà khi xét tới một trong ba cái đó, phải nhắc tới hai cái kia, không thể tách rời hẳn ra được. Chúng tôi bất đắc dĩ phải tạm chia làm ba chương: thế, pháp, thuật chỉ để cho dễ trình bày, chứ thực sự muốn hiểu rõ một chương nào thì phải tham khảo thêm hai chương kia.
Tính cách của pháp luật theo Hàn Phi.
Theo chủ trương của Pháp gia, vua tượng trưng cho quốc gia, vua là quốc gia, nên nắm hết uy quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên vua không thể muốn đặt luật pháp ra sao cũng được, mà phải theo ba qui tắc chính dưới đây:
1- Luật pháp phải hợp thời: Trong chương Lịch sử quan của Hàn Phi, chúng tôi đã nói Hàn cũng như Thương Ưởng cho rằng lịch sử biến chuyển, thời sau không giống thời trước, mà hễ thời đã khác thì việc cũng phải khác (thế dị tắc sự dị), thánh nhân không theo cổ, phải xét tình hình hiện tại mà tuỳ nghi tìm biện pháp.
Về việc lập pháp, Hàn tất nhiên không thể chủ trương khác được. Thiên Tân độ[1] có câu:
“Pháp luật cùng với thời mà thay đổi thì nước trị, trị dân mà hợp với đời thì có kết quả (…) Thời thay mà pháp luật không đổi thì nước loạn, đời đã thay đổi mà cấm lệnh không biến thì nước bị chia cắt. Cho nên thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà đổi, cấm lệnh cùng với đời mà biến”.
法與時轉則治,治與世宜則有功(...)時移而法不易者亂,世變而禁不變者削。故聖人之治民也,法與時移,而禁與世變。
(Pháp dữ thời chuyển tắc trị; trị dữ thế nghi tắc hữu công… Thời di nhi pháp bất dịch giả loạn, thế biến nhi cấm bất biến giả tước. Cố thánh nhân chi trị dân dã, pháp dữ thời di, nhi cấm dữ thế biến).

2- Pháp luật phải soạn sao cho dân dễ biết, dễ thi hành.
Thiên Ngũ đố, Hàn viết:
“Pháp luật không gì bằng thống nhất, cố định để cho dân dễ biết”.
法莫如一而固、使民知之
(Pháp mạc như nhất nhi cố, sử dân tri chi) Thống nhất nghĩa là pháp luật phải qui định cho cả nước theo, chứ nếu mỗi miền có luật lệ, cấm lệnh riêng thì dân miền này qua miền khác, cứ tưởng luật lệ cũng như ở miền mình ở mà vô tình phạm pháp mất. Thống nhất còn có nghĩa là khi đã ban bố một pháp lệnh mới thì phải bỏ pháp lệnh cũ đi, nếu không thì kẻ gian sẽ lợi dụng tình trạng mập mờ đó, lựa pháp lệnh nào có lợi cho họ mà theo, như trường hợp nước Hàn khi mới tách ra khỏi nước Tấn, pháp luật của Tấn chưa bỏ mà pháp luật của Hàn đã ban hành, vì vậy mà nước Hàn chịu cảnh hỗn loạn một thời gian, không mau mạnh lên được (Định pháp). Cố định nghĩa là không được thay đổi hoài, mới ban một lệnh được ít ngày hay ít tháng đã ban một lệnh ngược lại. Việc thưởng phạt cũng vậy, đã thưởng thì không đổi ý, phạt thì không ân xá.
Pháp luật là để cho toàn dân theo, cho nên phải tường tận cho người không có học cũng hiểu được, lại phải dễ thi hành:
“Cái gì mà kẻ sĩ có óc tinh tế mới biết được thì không nên ban làm lệnh, vì dân không phải người nào cũng có óc tinh tế cả. Cái gì mà bậc hiền mới làm được, thì không nên dùng làm phép tắc vì không phải người dân nào cũng hiền cả”.

察士然後能知之,不可以為令,夫民不盡察。賢者然後能行之,不可以為法,夫民不盡賢

(Sát sĩ nhiên hậu năng tri chi, bất khả dĩ vi lệnh, phù dân bất tận sát. Hiền giả nhiên hậu năng hành chi, bất khả dĩ vi pháp, phù dân bất tận hiền – Bát thuyết).
Nhất là phải soạn ra sao cho minh bạch, mọi người đều hiểu như nhau; nếu tỉnh lược quá, mỗi người hiểu một cách thì sinh ra nhiều việc tranh tụng, và có những kẻ lợi dụng sự mập mờ của pháp luật mà làm bậy. “Pháp luật mà tỉnh lược thì dân chúng hay tranh tụng, vì vậy mà (…) pháp luật của minh chủ ghi việc rất tường tận”.
法省而民萌訟、是以…明主之法必詳事
(Pháp tỉnh nhi dân manh tụng, thị dĩ (…) minh chủ chi pháp tất tường sự. - Như trên).
3- Pháp luật phải công bằng binh vực kẻ yếu, số ít, như vậy mới có trật tự trong nước được:
“Bậc thánh nhân xem sự thực của sự phải quấy, xét tình hình của sự trị loạn, cho nên trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ hoạ cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít, người già được hưởng hết tuổi trời, bọn trẻ côi được nuôi lớn, biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết hay bị giặc cầm tù, đó cũng là cái công cực lớn vậy”.
聖人者,審於是非之實,察於治亂之情也。故其治國也,正明法,陳嚴刑,將以救群生之亂,去天下之禍,使強不陵弱,眾不暴寡,耆老得遂,幼孤得長,邊境不侵,君臣相親,父子相保,而無死亡係虜之患,此亦功之至厚者也。
(Thánh nhân giả thẩm ư thị phi chi thực, sát ư trị loạn chi tình dã. Cố kì trị quốc dã, chính minh pháp, trấn nghiêm hình, tương dĩ cứu quần sinh chi loạn, khử thiên hạ chi hoạ, sử cường bất lăng nhược, chúng tất bạo quả, kỳ lão đắc toại, ấu cô đắc trưởng, biên cảnh bất xâm, quân thần tương thân, phụ tử tương bảo, nhi vô tử vong hệ lỗ chi hoạn, thử diệc công chi chí hậu giả dã – Gian kiếp thí thần).

Trọn bộ Hàn Phi tử chỉ có mấy hàng đó là có giọng thương dân. Tư tưởng không khác mà có phần đầy đủ hơn của Mạnh Tử trong các thiên Lương Huệ vương thượng và hạ:
“…người bảy chục tuổi có lụa mà mặc, có thịt mà ăn, dân cũng khỏi đói, khỏi lạnh…”
“…trên thì đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới thì đủ sức nuôi vợ con, năm được mùa thì mãi mãi no đủ, năm mất mùa thì cũng khỏi chết đói…”, “…già mà goá vợ gọi là quan, già mà goá chồng gọi là quả, già mà không có con gọi là độc, trẻ mà mồ côi cha gọi là cô. Đó là bốn hạng cùng khổ nhất trong thiên hạ, không biết nhờ cậy vào ai. Vua Văn vương bắt đầu trị nước, thi nhân, lưu tâm tới bốn hạng người ấy trước nhất”.
Hàn khác Mạnh là chủ trương không ban ân huệ cho dân, không bố thí, bắt dân phải tận lực rồi mới thưởng. Thiên Ngoại trừ thuyết hữu hạ, ông chép lại truyện Chiêu Tương vương nước Tần từ chối không phát rau quả cho dân đói vì mất mùa, lấy lẽ rằng:
“Theo pháp luật của nước Tần ta thì dân có công mới được thưởng, có tội mới bị phạt. Nay phát cho dân rau quả trong năm vườn (của ông) tức là dân có công hay không có công đều được thưởng là gây loạn trong nước”.
Xét chung, các Pháp gia chỉ muốn công bằng mà không muốn có tình thương; nhưng thiếu tình thương thì có thể công bằng được không? Công bằng còn có nghĩa là mọi người, chẳng kể sang hèn, đều bình đẳng trước pháp luật. Điểm này có tính cách tiến bộ, ngược lại với tính cách gia cấp của “lễ”. Thời Xuân Thu, “hình bất thướng đại phu”, bọn quý tộc không bị hình phạt như thường dân, không bị trị theo phép nước mà được xử theo lễ, tức theo các lệ riêng của quý tộc với nhau. Thương Ưởng và Hàn Phi muốn dùng luật để trừ cái đặc quyền đó của quý tộc, kéo họ xuống ngang hàng với bình dân.
 
4- Pháp luật có tính cách phổ biến, trái với lễ có tính cách bí mật. Pháp luật phải được phổ biến để không một người dân nào có thể viện cớ rằng mình không biết pháp luật nên lỡ phạm pháp. Thiên Nạn tam, Hàn Phi phân biệt pháp và thuật như sau:
“Pháp luật là cái chép trong sách vở, bày ở công sở và công bố cho toàn dân. Thuật là cái giấu trong lòng để so sánh mọi việc mà ngầm chế ngự quần thần. Cho nên pháp luật không gì bằng phải bày ra cho mọi người biết mà thuật thì không muốn cho người khác thấy. Bậc minh chủ nói đến pháp luật thì hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết…; còn như dùng thuật thì những kẻ yêu mến, thân cận cũng không được nghe…”
法者,編著之圖籍,設之於官府,而布之於百姓者也。術者,藏之於胸中,以偶眾端而潛御群臣者也。故法莫如顯,而術不欲見。是以明主言法,則境內卑賤莫不聞知也(...)用術,則親愛近習莫之得聞也,
(Pháp giả, biên trứ chi đồ tịch, thiết chi ư quan phỉ, nhỉ bố chi ư bách tính giả da. Thuật giả, tàng chỉ ư hung trung, dĩ ngẫu chúng đoan nhi tiềm ngự quần thần giả dã. Cố pháp mạc như hiển, nhi thuật bất dục hiện. Thị dĩ minh chủ ngôn pháp, tắc cảnh nội ti tiện mạc bất văn tri dã…, dụng thuật tắc thân ái cận tập, mạc chi đắc văn dã…).
Có hai cách để “hết thảy những kẻ ti tiện trong nước đều được nghe biết”:
a) Viết hay khắc lên thẻ tre treo ở chỗ công cộng, như Đặng Tích đã làm từ thời Xuân Thu. Những thẻ đó gọi là trúc hình. Cũng có thể đúc lên các đỉnh bằng sắt, nhưng đỉnh chỉ bày trong cung hay ở miếu đường, dân thường không tới coi được nên kém tính cách phổ biến;
b) Sai các quan lại dạy cho dân. Đây là chính sách “lấy pháp luật mà dạy dân” “dùng quan lại làm thầy” mà Hàn Phi đã nói trong thiên Ngũ đố. “Dĩ pháp vi giáo” tức là đem bộ luật làm sách giáo khoa, “dĩ lại vi sư” tức là dùng quan lại làm giáo viên, như vậy pháp luật vừa được thống nhất vừa được phổ biến.
Vậy từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã có ý dạy pháp luật chẳng những cho quan lại mà cả cho dân chúng nữa. Chủ trương đó hợp lý và thực tế, nếu được áp dụng lâu, chẳng hạn một thế kỷ, thì chưa biết chừng Pháp gia sẽ gây được một đảng phái chính trị có quyền hành lớn mà sự diễn biến của lịch sử Trung Hoa có thể đã khác. Nhà Tần bị diệt rồi, lại phải đợi mười hai thế kỷ sau, một nhà cách mạng là Vương An Thạch mới có ý dạy luật cho kẻ sĩ để sau bổ dụng họ; nhưng ông chưa kịp cải tổ nền giáo dục khoa cử chuyên về thơ phú đã làm hại nhân tài, thì phe ông đã bị “cựu đảng” (đảng thủ cựu) lật đổ, mà lối học từ chương lại sống thêm tám thế kỷ nữa.

*

Thiên Định pháp, Hàn Phi báo pháp và thuật đều là công cụ của đế vương, không thể thiếu một trong hai cái đó, cũng như ăn và mặc đều cần thiết như nhau cho cuộc sống cả. Vua có thuật mà bề tôi không có pháp luật thì nước sẽ loạn; có pháp luật mà vua không dùng thuật để biết kẻ gian thì nước có giàu, mạnh cũng chỉ lợi cho bọn đại thần thôi. Vì vậy Hàn luôn luôn nhắc các bậc vua chúa phải theo pháp thuật, phải trọng kẻ sĩ giỏi pháp thuật.
Tuy nhiên trong thiên Hữu độ, ông lại bảo:
“Người thi hành pháp luật mà cương cường thì nước mạnh, người thi hành pháp luật mà nhu nhược thì nước yếu”.
“Nhà cầm quyền nào biết bỏ tư lợi tà tâm mà theo phép công thì dân sẽ yên, nước sẽ trị; biết bỏ hành động riêng tư mà làm theo phép công thì binh sẽ mạnh, địch sẽ yếu. Cho nên vua (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết giữ pháp độ mà đặt lên trên các quần thần thì không kẻ nào gian trá gạt vua được; (theo pháp độ mà) xét sự thành bại của việc, dùng người biết cân nhắc mà giao cho các việc ở xa thì không kẻ nào lừa gạt về việc quan trọng hay không quan trọng trong thiên hạ được”.
能去私曲、就公法者,民安而国治;能去私行、行公法者,则兵强而敌弱。故审得失有法度之制者,加以群官之上,则主不可欺以伪诈;审得失有权衡之称者,以听远事,则主不可欺以天下之轻重。
(Năng khử tư khúc, tựu công pháp giả, dân an nhi quốc trị; năng khử tư hành, hành công pháp giả, tắc binh cường nhi đích nhước. Cố thẩm đắc thất, hữu pháp độ chi chế giả, gia ư quần thần chỉ thượng, tắc chủ bất khả khi dĩ trả nguỵ; thẩm đắc thất, hữu quyền hành chi xứng giả, dĩ thĩnh viễn sự, tắc chủ bất khả khi dĩ thiên hạ chi khinh trọng. Hữu độ).
Ông muốn nói cứ theo phép công - tức theo pháp luật – thì nước yên và mạnh, mà không bị bề tôi lường gạt. Vậy ông có vẻ nhận rằng pháp luật quan trọng hơn thuật.
Gần cuối thiên đó ông lại nói:
“Áp dụng pháp luật thì kẻ trí phải theo mà kẻ dũng không dám cãi (…) Khiến cho toàn dân noi theo một đường thì không gì bằng pháp luật (…) Pháp luật phân minh thì người trên được coi trọng, không bị lấn; người trên được tôn trọng không bị lấn thì vua mạnh, nắm được các mối quan trọng. Vì vậy tiên vương quí pháp luật mà truyền lại đời sau”.
法之所加,知者弗能辞,勇者弗敢争(...)一民之軌莫,如法(...)法審則上尊而不侵,上尊而不侵則主強,而守要,故先王貴之而傳之。

(Pháp chi sở gia, tri giả phất năng từ, dũng giả phất cảm tranh (…) Nhất dân chi quĩ, mạc như pháp (…) Pháp thẩm tắc thượng tôn nhi bất xâm, thượng tôn nhi bất xâm tắc chủ cường nhi thủ yếu. Cố tiên vương quí nhi truyền chi).
Vậy mặc dầu không thể thiếu thuật, pháp luật vẫn quan trọng nhất, cho nên áp dụng chính sách thưởng phạt để giữ cái thế, vua phải theo đúng pháp luật như chương trên chúng tôi đã nói, mà dùng thuật để tuyển và điều khiển bề tôi, vua cũng phải theo pháp luật, như chương sau độc giả sẽ thấy.
Vì pháp luật là cái qui cái củ “Người thợ dù khéo, mắt nhìn và ý đoán không sai với dây mực, nhưng cũng phải dùng cái qui cái củ để đo trước đã; ông vua vào hạng thượng trí tuy cử sự nhanh chóng và thích đáng cũng phải dùng pháp độ của tiên vương làm tiêu chuẩn”.
巧匠目意中绳,然必先以规矩为度;上智捷举中事,必以先王之法为比。

0. Nghĩa là đã không được theo ý riêng, mà cũng không được tin cậy ở sự sáng suốt của mình, mà nhất thiết hành vi nào cũng phải theo pháp luật.
Thiên Nạn tam, Hàn Phi dẫn truyện Tử Sản nhờ thông minh, giỏi nhận xét, suy luận mà phát giác được một vụ vợ giết chồng.
Sáng hôm đó Tử Sản đi qua cửa phường Đông Tượng, thấy có một người đàn bà khóc, bèn bảo người đánh xe dừng lại, ông lắng nghe một lát, rồi sai thuộc hạ bắt người đàn bà đó lại tra hỏi, thì ra mụ đó đã tự tay thắt cổ chồng. Người đánh xe hỏi ông làm sao mà đoán được, ông đáp: “Vì thấy tiếng khóc mụ đó run sợ. Thường tình hễ người thân của mình mới đau thì mình lo lắng, khi sắp chết thì mình run sợ, khi chết rồi thì mình đau xót. Mụ đó khóc chồng chết, không đau xót mà run sợ, vì vậy mà biết là có tình ý gian”.
Nếu chuyện đó có thật thì Tử Sản có thể là thuỷ tổ của các nhà trinh thám Trung Hoa, là thầy của Bao Công sau này. Nhưng Hàn Phi chê:
“Tử Sản trị dân cách đó cũng chẳng rắc rối ư? Phải đợi trông thấy, nghe thấy rồi mới biết là gian thì nước Trịnh bắt được ít kẻ gian lắm. Không dùng bọn lại coi ngục tụng, không dùng chính sách khảo sát nhiều mặt, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà cậy vào sự tận dụng trí thông minh, sự suy tư mệt trí của mình mới biết được kẻ gian, chẳng là thiếu thuật quá ư?”
Lời chê đó bất công. Tử Sản là một chính trị gia giỏi, cho đúc “hình thư”, vậy là trọng pháp luật; trước khi chết lại dặn người sẽ nối chức ông – Du Cát - phải dùng hình phạt nghiêm khắc để cho dân sợ mà tôn trọng pháp luật, khỏi phạm cấm. Vậy có lý nào ông không dùng bọn lại coi về ngục tụng, không làm sáng tỏ phép đo lường, mà chỉ cậy vào sự suy tư mệt trí để biết được kẻ gian. Việc Tử Sản phát giác án mạng đó chỉ là do ngẫu nhiên, không thể căn cứ vào đó mà bảo ông chủ trương chỉ dùng mưu trí để trị quốc. Nhưng lời khuyên của Hàn Phi đúng.
Chương này chứa nhiều tư tưởng rất tiến bộ của Hàn – nói chung là của Pháp gia – chương sau Hàn Phi sẽ hé mở cho ta cái “trí khôn” của cổ nhân.
 
Chú thích:
[1] Nhiều học giả ngờ giọng văn thiên này không phải của Hàn nhưng nhận rằng tư tưởng hợp với Hàn, nên có thể tạm dùng được. Riêng mấy hàng đầu dưới đây thì rõ ràng là ý kiến của Hàn.


HOMECHAT
1 | 1 | 193
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com