watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:25:5718/05/2024
Kho tàng truyện > Truyện Dài > DÃ SỮ > Duyên Nợ Ba Sinh - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Duyên Nợ Ba Sinh
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 3

Thiên thứ hai

Vận May Tản Lạc

Người ta có tâm, nên sẽ nghĩ suy rất nhiều chuyện, và cũng sẽ quên đi rất nhiều chuyện. Tôi chẳng biết là quỷ nơi địa ngục có tâm hay chăng.
Thời gian ngày ngày qua đi, tôi cảm thấy mình càng ngày càng trở nên lãnh đạm, rất nhiều sự việc trong quá khứ, đã không còn nhớ rõ cho lắm. Tôi dần dần quên đi những giờ khắc xúc động, thương xót, đớn đau; quên rồi, dường như quên cả rồi…
Đầu óc đã quên rất nhiều điều, cần phải có cái gì mới bù đắp vào, thế là, ngay năm ấy tôi bắt đầu suy xét lời nói của Bồ tát, dường như cũng hiểu được một vài đạo lý.
Kiếp phù du toàn là khổ, vạn tướng vốn là không. Đây là lời nói của Bồ tát, tôi tin rằng Bồ tát nói đúng, nhưng tôi thật tình chưa hiểu được, đã là “hồng trần mười trượng” muôn hình ngàn tướng vì sao nó lại là Cảnh Không chứ? Đã là Cảnh Không, vì sao lại muốn dùng thế giới phồn hoa làm rối loạn mắt người chứ? Thần Phật đương nhiên là bậc thanh tịnh, nhưng kẻ phàm phu tục tử làm sao có thể thấu hiểu cái gọi là sự thật của bề sau mặt ngoài này chứ?! Lẽ nào đây là Thần Phật cố tình bày trò để làm khổ con người sao? Khiến người ta chẳng kham nổi biển khổ mà quay đầu về nước Phật? Thần Phật nham hiểm đê tiện như thế, là đáng phải cho xuống Địa ngục. Nhưng mà, tôi tuyệt đối không tin Thần Phật lại đi bỡn cợt người đời, bởi vì các ngài là đấng từ bi bậc nhất. Toàn bộ tất cả những điều này, giải thích thế nào đây?

Tôi vùi đầu vào kinh sách, mê cuồng trong giáo lý Phật môn, tôi muốn biết, toàn bộ những điều này là như thế nào. Tôi còn nhớ một ít sự tình nơi trần thế vào năm ấy, bây giờ nhớ lại, nghĩ đến mà kinh. Nếu như tôi có thể hiểu rõ vấn đề nhân quả trong sự việc đó, tôi tin rằng, nỗi thống khổ trên thế gian cũng sẽ dần dần tan mất. Tôi đã từng hoang mang và chờ đợi suốt ngàn năm, nên muốn giúp đỡ những linh hồn hoang mang lạc lõng giống như tôi, những kẻ cùng chung nỗi khổ, thì cũng như giúp giải thoát chính mình.
Trong sự kiếm tìm lục lọi, không biết tàn hết bao mùa giá lạnh, bất tri bất giác, tôi lại vùi đầu trong kinh điển đã ba trăm năm. Ty chủ Luân hồi đã từng cho gọi tôi trở lại, bảo tôi đạt được Đại đạo, muốn tôi làm phán quan bên cạnh ngài, tôi khước từ. Bạch Vô Thường lại kinh ngạc đến thè lưỡi xuống tận mặt đất, nói tôi gì mà đã xem thường danh lợi, đã đạt cảnh giới “Tứ đại giai không”, chỉ muốn ban ngày thăng thiên. Tôi chẳng nói gì, chỉ thầm mắng trong lòng: Tôi nào phải hòa thượng, Không cái gì mà Không, cái gì mà xem thường danh lợi, chẳng qua là trong lòng tôi đang bời bời rối loạn thế thôi. Nhưng không biết tự lúc nào, những người chung quanh, ồ không – phải là Quỷ chứ, đã lễ độ hơn đối với tôi, Bồ tát cũng thường xuyên gọi tôi đi nghe Ngài giảng kinh nói pháp. Thật tình tôi chỉ có thể hiểu được một chút, cho dù hiểu được, tôi vẫn không cảm thấy lời Ngài hoàn toàn đúng. Bởi vì tôi tin rằng giữa Đất Trời, trong cõi mịt mù tự có Chân lý, Chân lý là cái gì? Tôi cảm thấy đó là phải làm cho chúng sinh không khổ đau nữa. Bồ tát nói phải xả bỏ tất cả dục vọng, tôi lại cảm thấy không hợp lý, cuộc sống không còn dục vọng thì sinh hoạt như thế nào? Nhưng tôi lại chẳng dám nói ra, chỉ có vâng vâng dạ dạ, sau đó dốc sức vào trong quyển kinh để tìm kiếm câu trả lời.

Xem qua biết bao là kinh sách, kinh của nhà Phật, còn thêm sách của Đạo gia, tôi chỉ hiểu được một nửa ý tứ của nó. Về sau tôi cảm thấy những ý này tuy rằng hữu lý, nhưng đó đâu phải là thứ tôi cần tìm hiểu. Đặc biệt là “Nam Hoa Kinh” của Trang tiên sinh, tôi hoàn toàn bị câu chuyện hóa bướm lượn bay của ông mà đầu óc cuồng xoay, dào dạt đầy trang giấy, chẳng biết sao mà nói. Càng khiến tôi mê hoặc ấy là Bồ tát mỗi lần hỏi tôi về thiền cơ. Tôi không muốn ăn nói lung tung, không muốn trầm ngâm chẳng nói. Bồ tát lại nét cười trên mặt, tôi thật sự không hiểu tâm ý của Ngài, hoang mang thế mà hết ngày.
Lại như thế mà hai trăm năm trôi qua, tôi rất lấy làm lạ vì sự kiên nhẫn của mình, cứ y như trước mà chăm chỉ xem kinh, cho dù tâm không để đó, lại có thể đọc. Xem ra đọc kinh có sự lợi ích, kinh đọc chưa xong, mà Bồ tát càng thêm lòng ưu ái, được Ngài truyền cho các pháp để tu luyện, học những thuật như là cưỡi khí bay lên, nhịn ăn tập thở, đánh chém biến hóa… Tôi vốn là một tên lính quỷ bé nhỏ, vốn là một kẻ không có tư cách để học, cũng không biết học xong dùng để làm gì, nhưng Bồ tát nói, tu luyện các pháp chủ yếu chỉ là dùng để hàng ma vệ đạo. Tôi không hiểu được, đã là Phật pháp vô biên, thì tại sao còn có tà ma ngoại đạo. Nhưng Bồ tát nói, có những kẻ bản tính ngoan cố độc ác, không dạy dỗ được. Tôi vâng vâng dạ dạ. 

Có một hôm, tôi đi dạo nơi địa phủ, không biết không hay lại đến chỗ nấu cháo lú của Mạnh bà bà. Bà ấy đang ngủ gục, tôi bước đến gọi bà tỉnh lại. Mạnh bà bà thình lình thức dậy, vội vã nhìn ngó chung quanh, cả lúc sau mới nhẹ thở một hơi. Tôi thấy lạ lùng quá, sao bà lo lắng như thế, bà nói, nếu có hồn quỷ nào nói là không ăn cháo lú của bà mà đi đầu thai, thì bà phạm tội nặng lắm. Tôi hỏi bà, vì sao phải ăn cháo lú mới được đi đầu thai? Bà nói: là vì để cho ký ức từ đời này sang đời khác không thể tiếp nối, khiến cho họ mỗi một kiếp đều có nỗi ân hận suốt đời không cách nào bù đắp, cứ thế mà chờ đến khi họ chán ghét nỗi khổ đau đầy đọa, thì sẽ buông bỏ sự luân hồi, tâm hướng về đại đạo. Tôi ngạc nhiên và nghi ngờ quá, phương pháp này đối với tôi mà nói, là đánh lừa người khác, là cố tình hành hạ người ta. Tôi hỏi, chẳng lẽ trần gian nhân thế là không tốt sao? Vì sao mà không muốn họ làm người chứ? Mạnh bà bà sắc mặt từ kinh dị chuyển thành hoảng sợ, cái gì cũng không trả lời, vội vàng đẩy tôi mời đi ra…
Từ nơi chỗ Mạnh bà bà quay lại, tâm tình của tôi luôn luôn không cách nào bình tĩnh, tôi không muốn tin rằng thủ đoạn đối xử với chúng sinh như thế này là điều hợp lý, nhưng đấy lại đúng thật là luật trời, vì sao luật trời phải không công bằng như thế chứ? Kinh Phật nói rằng chúng sinh bình đẳng, cũng có nghĩa là chúng sinh có quyền chọn lựa cuộc sống mà tự họ mong muốn, ngay cả có người không quan tâm đến Đại đạo, cũng chỉ là điều có thể hiểu mà. Song, để chúng sinh chịu đủ đọa đày rồi đành hướng đầu về Đại đạo, đây hiển nhiên là một trò lừa bịp. Đại đạo cũng hay, trần gian cũng tốt, muôn vật trong vũ trụ sinh nở tự nhiên, chắc hẳn nó phải có giá trị thật sự, vì sao phải bất chấp mọi thủ đoạn để ép buộc, lôi kéo họ để tâm hướng về Đại đạo chứ?! 

Ôm lòng nghi hoặc, tôi lại vùi đầu vào kinh điển, không biết đã lật qua bao nhiêu trang kinh sách, chỉ thấy một lời giải, chỉ có Tâm hướng về Đại đạo mới là thích hợp, lý do ư? Lại không có, cũng chẳng cần lý do. Dần dần, tôi cũng mỏi mệt vì xem quá nhiều kinh sách, chỉ còn chuyên tâm tu luyện những pháp dùng để trừ ma vệ đạo.
Thời gian lại trôi qua năm trăm năm sau, Địa ngục xảy ra một sự kiện; dưới mắt người khác, là một chuyện nhỏ, theo như tôi thấy, lại là một chuyện lớn, nó đã vĩnh viễn thay đổi vận mệnh tôi …
Chu bút Phán quan Tần Sở là thủ hạ của Tần Quảng vương, nghỉ yêu mến một cô gái ở trần gian (chuyện tình này có lúc xảy ra), bởi vậy mới lén trốn đến nơi trần thế. Sứ giả Địa ngục khuyên giải không có hiệu quả, Thập điện Diêm vương bèn phái lính quỷ dưới âm ty đến tóm y bắt về. Ai ngờ nghỉ u mê không tỉnh, một lòng muốn đến nhân gian cùng cô gái phàm trần đó gặp gỡ, cả gan đến nỗi dám vượt ngục mà đi. Sau cùng lại vẫn bị tóm cổ, hơn nữa lính quỷ còn bắt luôn hồn phách cô gái ấy, đem cô ta giam cầm vĩnh viễn tại địa cốc u tối, để phán quan mãi mãi không cách nào cùng cô ta gặp nhau. Tần Sở vừa buồn vừa giận mới mắng chưởi chư thần tại Âm ty là mất hết nhân tính, các thần đều giận, họ muốn đem Tần phán quan tru diệt, cho y đời đời kiếp kiếp chẳng được siêu sanh.

Hôm ấy, trên Tru Hồn Đài, Phán quan bị xích sắt quấn chặt, Móc Nhiếp Hồn xuyên thấu xương bả vai, lúc này ngoại trừ thân hình cao lớn của nghỉ, phần còn lại đã không thành nhân dạng. Tôi cảm thấy trong tim từng cơn co thắt, bèn liếc trộm ngó một cái sang Địa Tạng Vương Bồ Tát ngồi cao trên tòa sen; bình thường thì ngài ôn hòa nhân ái, mà bây giờ trên mặt không chút cảm tình; trong tròng mắt sâu thẳm, tôi mơ hồ nhận thấy có chút ớn lạnh, trong tim tôi lạnh rét, chỉ cảm thấy chính mình đang chìm xuống, chìm xuống… Bồ tát từ bi vô lượng ơi, trong tâm Ngài hiện giờ lẽ nào đã mất hết lòng thương xót sao?!    
Tần phán quan cuối cùng bị ngũ lôi ầm ầm đánh nát tan thành tro bụi…
Mọi người đã tản mác rất lâu, tôi lại lén lút quay lại Tru Hồn Đài, trông thấy những mảnh hồng bào vụn nát của phán quan còn sót lại, tôi chỉ cảm thấy một nỗi thê lương vô hạn. Lúc này, một cơn gió thổi đến, một mảnh lụa trắng bị gió thổi bay lên, tôi liền vội vàng chụp lấy. Quái lạ, Địa ngục làm sao mà có gió? Tôi hoài nghi mới cầm mảnh lụa trắng ngần ấy lên xem, trên mặt có chữ:
“Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc.  
Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”.

Thật là một tuyệt khúc “Vết Môi Hồng”! Quả là một tuyệt cú “Mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”. Tôi đột nhiên nhớ lại chuyện cũ ngàn năm, bên cầu hiu quạnh, một quỷ hồn cô độc, mãi ngồi ngơ ngẩn, chờ ai đó quay lại. Một giọt nước mắt tuôn rơi, thấm vào mảnh lụa trắng ngần đang trải rộng, nỗi sầu khổ tương tư buồn đau xa cách đã ngàn năm tích tụ lại lần nữa chọc thủng tầng tầng lớp lớp khóa kín nơi tim mà phun bắn trong lòng, mà tràn lan trong dạ giống như nước mắt trên mảnh lụa trắng tinh. Chỉ là hiện giờ tôi không biết, giọt lệ ngọc bi thương không tên tuổi này là vì Tần phán quan mà chảy? Là vì nàng ta mà rơi? Là vì tương tư mà rụng? Hay là vì tuôn trào cho chính nó…
Gió liên tục thổi đến hất tung những mảnh vải rách nát còn sót lại trên Tru Hồn Đài, Địa ngục không có gió đấy chứ? Lẽ nào là hồn phách Tần phán quan bất tử ư? Gió càng lúc càng to, thổi phất phơ mảnh lụa trắng ấy trong tay tôi, dường như tôi hiểu được ý tứ của ngọn gió ấy, bèn bước xuống Tru Hồn Đài, hướng về địa cốc âm u mà cất bước, lúc ngoảnh lại, gió đã ngừng thổi, toàn trường tan tác những mảnh hồng bào vụn nát của Phán quan, tựa như những chiếc lá hồng rơi rụng vào buổi tàn thu… lúc này tôi cảm được, Tần phán quan có lẽ vẫn tồn tại…
Lặng lẽ đến nơi nhà lao giam cầm hồn phách, trên gương mặt vô cùng tiều tụy ấy vẫn còn nhìn ra vết tích của dáng vẻ thùy mị xưa kia, tôi không ngăn được tiếng thở dài. Tôi chẳng ngờ được rằng quỷ hồn cũng vì tương tư mà khổ, vì ly biệt mà buồn, vì đôi lứa cách xa mà tiều tụy võ vàng. Đưa mảnh lụa trắng đó cho nữ quỷ ấy, tôi xoay người rời khỏi nhà giam, tôi không muốn nghe thấy tiếng khóc.

Đi được một đoạn đường, tôi không còn nghe tiếng khóc nữa, nhưng lại thấy từ bên phía nhà lao truyền lại một giọng hát u sầu mà vững chắc:
“Năm ấy trời thu trong vắt, chim én đậu bên cầu. Khéo sao gặp gỡ, tình trao như nước, mây cắt núi xanh xanh biếc.  
Mĩm cười cam chịu, ước ao cùng say đắm kiếp này. Rồi từ đấy, mãi ngồi ngơ ngẩn, đêm đêm tiếng mưa tí tách”.
Tiếng ca uất ức, nhưng có hơi hám ngọt ngào; tiếng ca ai oán, nhưng có chút mừng vui thanh thản. Tiếng ca càng lúc càng xa, song trong tai tôi nghe gần như gang tấc. Tôi cắn chặt răng, tung người hóa thành một luồng khói xanh, bay khỏi nơi địa cốc…
Hôm ấy, tôi hiểu được tình là vật chi, mà khiến người ta hẹn nhau sống chết.
Hôm ấy, tôi đã chán ngấy vực sâu không đáy của sự mê muội hoang mang nơi Địa ngục.
Hôm ấy, tôi không truy tầm Đại đạo nơi kinh Phật nữa.
Hôm ấy, tôi đã rời khỏi Địa ngục.
Hôm ấy, một lần nữa tôi trở lại Trần gian.
Tôi đã phản bội Địa phủ, Đại đạo; tôi muốn đến nhân gian để tìm kiếm Đại đạo chân chánh.
Vào khoảnh khắc đang trốn ra khỏi Quỷ Môn Quan, tôi nhìn lại Địa phủ đã ràng buộc tôi trong hai ngàn năm, “Chờ cho tôi hiểu rõ Đạo lý chân chánh, tôi sẽ lại quay về!”
Tôi cho rằng: đến lúc ấy, tôi cũng sẽ không còn hoang mang nữa, khổ đau nữa…

Thiên thứ ba

Nổi Trôi Nơi Trần Thế

Trời sáng mờ mờ, khu núi vẫn còn bao phủ trong vầng mây đen xám, tôi bồng bềnh vô định nơi giữa đám mây mù. Trong lòng tôi chất đầy những cảm giác không biết sao mà nói, bình tĩnh mà còn bối rối, kiên quyết mà lại chần chừ. Lần này bỏ đi có lẽ là tôi vĩnh viễn đi luôn, cảm giác này âm ỷ dâng lên trong lòng, khiến tôi cảm thấy hoang mang và cô độc khôn cùng. Ly khai dễ dàng quá, không cần chào từ biệt, cũng chẳng cần vẫy tay, nhưng rời khỏi nơi mình sinh trưởng, khác nào như bèo bọt lắc lư trong cơn mưa gió tiêu điều lạnh lẽo, khiến người ta mãi mãi không thể quên đi thời khắc ấy.
Chim bay mỏi còn biết trở lại, lá khô rụng xuống đất quay về gốc, trong khoảnh khắc ấy, tôi cuối cùng thấu hiểu những kẻ lang bạt chết nơi đất khách quê người; sự sống đã mất, mọi việc rõ rồi, mà vẫn muốn nhờ ai đó đem hài cốt mình quay về quê xa ngàn dặm để kết tình nồng thắm. Tôi không biết tôi có thể sống bao lâu, có lẽ một trăm năm, biết đâu một ngàn năm, may ra một vạn năm. Một vạn năm là rất dài lâu, lâu đến nỗi tôi không còn biết là bao lâu nữa, nhưng ít ra vào giây phút cuối, chỉ là không rõ vào ngày ấy, có chăng ai đó đem nắm xương tàn của tôi mang về nơi chốn mà hôm nay tôi bỏ ra đi.

Ánh nắng chọc thủng những từng mây, đem tia sáng rực rỡ ngút ngàn chan hòa khắp thế gian. Tôi đứng trong nắng xuống cảm thấy một sự thông suốt trước giờ chưa từng có, từng sợi nắng kéo theo từng tia nóng ấm xuyên qua tâm hồn tôi, ánh sáng chói chang tươi đẹp dường như soi thấu thân hình tôi, như một cụm sương mù mà nắng soi trong suốt. Vốn là hồn quỷ không thể chịu được ánh nắng trời, may thay hồi đó Bồ tát truyền thụ cho tôi các pháp tu tiên, nên tôi mới có khả năng tiếp nhận ân huệ từ thiên nhiên.
Tôi chẳng thể không nghĩ đến Bồ tát, trong tâm tôi Ngài là bậc tôn trưởng hiền từ, tôi tôn kính Ngài, yêu quý Ngài. Song, tôi dường như lại đồng thời nhớ đến nét mặt của Tần phán quan, rõ là mong ước tàn phai, oán hờn tiêu sạch mà như cành cây khô héo; nhớ đến từng mảnh áo nát vụn dơ bẩn như lững lờ bay. Còn thêm vào lúc ấy là gương mặt của Bồ tát lạnh băng như nước, tròng mắt ấy như hố sâu thăm thẳm… Tôi không biết tự bao giờ vì sao đối với Bồ tát, tôi lại có một chút oán trách như vậy; cũng không hiểu sự bất công đối với Tần phán quan, lại làm tôi tức giận nhiều đến thế.

Chẳng thể quên nụ cười quen thuộc của Bồ tát, hiền từ như một người cha.
Chẳng thể quên ánh mắt vô hồn của Tần phán quan lúc Thiên Lôi sấm sét.
Chẳng thể quên khúc ca u oán của phách hồn cô độc nơi cõi U Minh thăm thẳm.
Trong óc tôi rối bung lên, dường như có biết bao người đang trong đó tranh cãi, kéo tôi về bên này, lôi tôi về phía kia… tôi thật sự không biết tôi nên ở bên nào, phải đi về đâu.
Tôi lơ đãng đứng ở bên đường, ngắm nhìn người qua kẻ lại, ai nấy đều bước đi vội vã, vội vội bước qua, vội vàng đi lại. Tôi ghen tỵ với họ quá, họ biết mình phải đến chỗ nào, mà tôi thì chẳng biết tôi phải đi đâu, cũng chả có ai cho tôi biết, tôi nên đến chỗ nào. Thời giờ nơi thế gian rõ là trôi qua nhanh quá, chẳng mấy chốc, mặt trời đã tàn hết sự rực rỡ của mình.

Đến lúc trời tối rồi, người qua lại quanh đấy cũng thưa dần, thỉnh thoảng có một người qua đường vội vã, trên mặt cũng phủ lên thần sắc khao khát quay về nhà. Nhà, tốt quá mà. Người vợ ở nhà có lẽ đã làm xong bữa cơm, chờ đợi người chồng ngoài phố quay về nhà sum họp, đàn trẻ thơ có lẽ đang chờ cha chúng ngoài kia mang về những quà ăn vặt, đồ chơi mà chúng trông mong.
Mà những người bước đi vội vã trên đường, có lẽ đều nghĩ đến bữa ăn thịnh soạn trong nhà, người vợ dịu dàng và bầy trẻ ngây thơ. Rồi khi về đến nhà, bầy trẻ thơ ấy lập tức sấn vào lòng, người vợ mỉm cười nồng ấm vô cùng…
Nhà, tôi không có cái nhà, cũng chẳng biết nơi đâu mới là nhà của tôi.
Bỗng nhiên lúc đó tôi nghĩ đến ngôi nhà mà khi tôi đầu thai lần đầu vào ngàn năm về trước, nơi ấy có cha tôi, mẹ tôi, còn thêm cô ấy… Tôi y như người chìm dưới nước nắm được khúc cây trôi dạt, như người đi đường trong đêm tối nhìn thấy ánh lửa chập chờn, tôi không cách nào đè nén sự kích động trong lòng “Tôi phải về nhà!”

Vào lúc màn đêm sau cùng buông xuống, trong khói bếp lờ mờ, giữa ánh đèn lấm chấm; tôi hóa làm một cơn gió, hướng về phương xa bay đi. Nơi xa ấy, là nhà tôi, ngôi nhà mà tôi đã ngàn năm xa cách.
Mang máng còn nhớ được vị trí vùng quê nhà, thì ở bên kia núi đấy mà! Tôi hiện lại nguyên hình, cất bước trên đường núi. Đường núi quanh co uốn khúc, bên kia núi có một thị trấn, gọi là làng “Đào Nguyên”, tôi đã từng sống tại nơi ấy. Bước đi trên đường núi, bốn bề cây xanh vây bọc, chim bay ríu rít, hương thơm hoa dại mang đến cho tôi mùi vị trần gian. Được sinh sống trong thế giới như thế này đúng là có số may mắn đây, tôi nghĩ vậy.
Tôi lại lần nữa từ trong ký ức trầm lắng mà lôi ra từng chút một những chuyện nơi cõi hồng trần vào năm ấy, xuân hoa thu nguyệt hạ đỗ quyên, tuyết trắng ngần ngần thêm ớn lạnh. Cây hoa đào trước nhà chốn cũ, không biết là lúc tôi quay về lần nữa có nở đầy hoa như trước hay chăng? Dưới cây dương liễu trước bờ ao cổng làng, phải chăng vẫn còn bọn trẻ tinh ranh đùa giỡn? Quán ăn bên đường ấy ngào ngạt mùi thơm có còn náo nhiệt như xưa? Ngôi nhà cũ đã từng trú ở phải chăng vẫn như trước mà cho người tránh mưa che gió? Bè bạn nô đùa thuở ấu thơ có ai đầu thai lại chỗ này không?

Nghĩ tới nghĩ lui, bước chân tôi càng lúc càng chậm, gần đến quê thì cảm thấy lo sợ, thời gian xa cách đến ngàn năm, cố hương, phải chăng vẫn là cố hương của tôi? Khoảng cách đến phố thị mỗi lúc một gần, lòng tôi càng lúc càng mất bình tĩnh, tim nhảy loạn lên, mà chẳng hiểu nguyên cớ từ đâu. Trong lòng xôn xao hồi hộp, cuối cùng tôi lần nữa đặt chân lên mảnh đất từng là quê cũ.
Ấn tượng về quê cũ như trong ký ức tôi, giờ đã không còn lại chút gì. Tất cả đều mới lạ, đường lộ khác hẳn, cây cối lạ lùng, hơn nữa lúc nào thấy cũng toàn là người lạ. Song, tất cả dường như lại quen thuộc đến thế, phiến đá nơi đường lộ vẫn là mầu sắc trước kia, phong thái yểu điệu của cây cối vẫn y nguyên thời quá khứ, nét mặt ai kia dường như đã từng quen từng gặp, chẳng qua không rõ kẻ đó từ đâu để mà kể ra.
Vòng quanh hơn nửa ngày, cuối cùng tìm được ngôi nhà của tôi ngàn năm về trước, tôi đã từng ngụ tại nơi đây, tôi đã từng cùng với cha mẹ và người thân sống tại chỗ này. Nơi để ở đã không còn nữa, nơi đây đã biến thành một khoảnh rừng hoa đào, chỉ có giữa rừng, tượng sư tử đá sứt mẻ ấy lẻ loi đứng đó khiến cho tôi biết, ngay đây, chính là nhà của tôi, ngôi nhà ngàn năm về trước, ngôi nhà đã không còn nữa.

Chầm chậm bước giữa rừng đào, âm thầm suy xét mảnh đất dưới chân mình, ngôi nhà xưa kia là ở vị trí nào, căn phòng ở đâu, không ngờ tôi có trí nhớ tốt đến thế, nhớ lại được những việc xa xưa như vậy. Nhè nhẹ ngẩng đầu, xa vọng đào lâm, đôi mắt chỉ còn sương khói mịt mờ, hình như có lẽ, rừng đào biến mất rồi.
Tôi đang có mặt trong nhà của mình, lầu gác với cửa sổ trạm trổ, mái đình nơi sân nhỏ, rành rành trước mắt. Trong đại sảnh hình như truyền lại tiếng mẹ gọi tôi ăn cơm, thư phòng tựa như lại truyền đến lời trách mắng mà cha giận tôi trốn học. Bức tường phía Đông nơi khoảnh sân nhỏ, đầu tường dường như còn có chấm chấm rêu xanh, lại là tiếng gì thế kia? Rõ ràng là cô ấy bên vách tường gọi tôi, muốn tôi bẻ cho cô một cành hoa đào, bắt con chim sẻ nhỏ…  
Một cánh hoa rơi xuống, nơi mặt nước gợn lên từng lớp sóng lăn tăn, những gợn sóng cứ từng vòng một lan ra. Giữa làn sóng nhẹ lấp lánh, gian phòng nhà cửa, sân vườn đều mờ nhòe chẳng còn dấu vết; cha mẹ người thân, bạn chơi thời tóc còn búi chỏm theo làn sóng tan tành. Chỉ có hoa đào như cũ, cánh hoa trong mưa gió rơi bay như mộng như ảo, như khói như mưa, như lệ như kể, tim tôi dường như theo mây khói tung bay, hòa cùng những cánh hoa tàn rơi lả tả, rơi rơi lững lờ…   

Đêm tối, tôi mang theo một bầu rượu, ngồi bên tượng sư tử, nói chuyện suốt đêm với tượng đá. Tôi kể chuyện tôi cho nó nghe, kể cho nó biết đời trước của tôi, kể với nó về cha mẹ tôi, cho nó biết sự ngu xuẩn của tôi, cho nó biết nỗi đau buồn của tôi, nói với nó về sự bất hạnh của tôi, nói với nó về ao ước của tôi, cho nó biết sự hoang mang của tôi…
Cuối cùng tôi đắp ba nắm đất vàng bên tượng sư tử, làm thành những ngôi mộ cho cha mẹ và người thương của tôi, dùng chỗ rượu còn dư, truy điệu linh hồn đã đi xa của họ. Rượu ngấm vào đất, khoảnh khắc cạn khô, tôi hy vọng mượn chút rượu này, có thể rửa đi những thương đau và bất hạnh mà tôi mang đến cho họ ngàn năm về trước, có thể rửa đi lời thở than trong lòng họ về sự bất hiếu của tôi, về sự oán giận vô lý của tôi. Nhưng tôi không biết chút rượu này phải chăng có lực lượng ấy, để an ủi vết thương ngàn năm, để bù đắp ngàn năm hối tiếc.
Tôi quyết định dừng lại nơi chốn quê nhà, từ khi rời bỏ Địa phủ, tôi như người mất hồn lang thang đây đó, giờ thì không còn muốn đi đâu xa xôi nữa, tôi ước mong có một mái nhà, nơi đây đã là nhà của tôi vào kiếp trước, cũng nên là nhà của tôi trong đời này.
Tôi vốn dự định sống dài lâu nơi rừng hoa đào, nhưng rừng đào sát ở bên thành; nơi Địa phủ tạo cho tôi thói quen lầm lì khiến tôi không cách nào giao tiếp tốt cho lắm với những người hàng xóm; láng giềng đều cảm thấy tôi rất kỳ dị rồi tránh né lánh xa tôi; tôi buồn lắm, tôi muốn sinh hoạt giống như họ, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào. Thế là tôi dứt khoát dời về trong vùng núi ngoài thành, cất cho mình một mái nhà tranh.

Ngày lại một ngày, năm lại một năm, thời giờ trôi qua nhanh lắm, và rồi tôi cũng quen dần với nếp sống nơi trần thế; tự mình khai khẩn vài mẩu ruộng cằn khô, trồng hai mảnh vườn rau, nuôi vài con gà con vịt. Đời sống mặc dù nghèo khổ, nhưng so với tháng ngày nơi Địa phủ mịt mờ, tôi cảm thấy rất thỏa mãn. Thỉnh thoảng cũng xuống dưới núi, bán đi ít rau mình trồng, gà vịt mình nuôi, sau đó vào trong quán hàng quen thuộc uống vài chung rượu nhỏ. Dần dần, tôi quên mất mình là quỷ, quên mất mình phải truy tầm Đại đạo, tôi dường như cảm thấy mình là người, là một kẻ phàm phu nhàn nhã thảnh thơi.  
Rồi một hôm, trong vùng núi vốn dĩ tĩnh mịch chợt có một vị khách không mời mà đến.
Hôm ấy, tôi đang cho gà vịt ăn xong, chuẩn bị nghỉ ngơi chốc lát, uống bầu trà. Một đạo sĩ bước đến trước cửa nhà tôi, muốn hóa duyên. Tôi liền mang một ít cơm rau và nước trà đưa cho ông ta. Lúc người này thò tay nhận thức ăn thì sắc mặt lập tức biến đổi, trở nên rất khó coi, đôi mắt bám vào tôi mà nhìn chòng chọc. Sau đó chẳng nói câu nào, liền xoay người bỏ chạy. Tôi cảm thấy lạ lùng quá, lại chẳng ngờ được một tai họa vô duyên vô cớ bay lại…
Khoảng trưa ngày hôm sau, tôi vẫn chưa ăn cơm, đã trông thấy vị đạo sĩ đó kéo một đám người chạy đến, đạo sĩ có, hòa thượng có, còn có rất nhiều dân làng. Vừa nhìn thấy tôi, dáng vẻ của họ liền rất căng thẳng; sau đó từ từ vây chung quanh. Những hòa thượng ấy niệm kinh không ngớt, niệm cái gì tôi nghe rõ lắm mà chẳng hiểu được; còn mấy đạo sĩ thì quăng bừa giấy bùa chú khắp nơi, tay cầm lục lạc lắc rung liên tục; tức khắc làm khu vườn của tôi gà bay chó chạy, vườn rau cũng bị họ chà đạp lung tung cả lên. Tôi thật sự nhịn hết được rồi, nhào ra lên tiếng chất vấn, mấy người rốt cuộc đang làm gì! Ai ngờ đạo sĩ ấy cầm một chậu chứa gì đó hơi đen đen hướng về tôi hất lại, một mùi tanh hôi xông lên mũi, thì ra là máu!

Tôi giận điên lên, xông tới phía trước, vung tay đánh ra một đấm, đạo sĩ đó bị đánh văng ra xa có đến mấy trượng, miệng đổ máu tươi, ngã sấp trên mặt đất mà rên rỉ. Tôi sững sờ một lúc, bây giờ mới nhớ lại, lực lượng ngàn năm tu luyện của tôi, người phàm không thể nào chịu đựng nổi. May mắn là tôi không dùng sức nhiều cho lắm, bằng không đạo sĩ ấy đã chết chắc rồi.
Lúc này, những người khác oai oái kêu rối rít, một đạo sĩ cất tiếng chưởi rủa: “Hay cho ngươi đồ ác quỷ! Rõ là không sợ máu chó đen!” Trong lòng tôi nổi nóng, bèn đáp lại: “Ngươi nói tầm xàm bá láp gì thế! Ta mới không là ác quỷ! Ta là… ta là…” Tôi liền khựng lại không nói được, tôi là quỷ, tôi là quỷ mà! Đạo sĩ đó lại hô hào: “Ngươi đồ quỷ dữ, không chịu sống yên nơi Địa ngục lại chạy đến trần gian làm hại người! Không tha cho ngươi được!!” Tôi nỗi giận rồi, tôi mà đã hại người!! Tôi lớn tiếng hét lên: “Tôi không làm hại ai cả!!” Đạo sĩ hét lớn: “Ác quỷ mà không hại người, chạy đến nhân gian làm gì!! Còn dám ngụy biện!!”
Trong lòng tôi tức giận hết sức, tôi chỉ muốn sinh sống tại làng thôn của mình, muốn có một gian nhà, điều này chẳng lẽ là sai trái sao? Kẻ nào quy định không cho phép quỷ đến trần gian! Là ai!! Tôi không làm hại ai cả, tôi trước giờ chưa hề làm hại người nào. Tôi chỉ muốn sinh sống tại chỗ này mà thôi!!!

Trong lòng tôi càng lúc càng kích động, tiếng chưởi bới của đạo sĩ đó càng khiến tôi không cách nào kiềm chế được mình, nào tiếng tụng kinh, tiếng lục lạc, giấy bùa chú bay loạn khắp nơi, rồi đồng nát sắt vụn ném lên người tôi càng làm tôi thêm bực bội. Tất cả khiến cho luồng lực lượng tiềm tàng trong người tôi đột nhiên phát tác, tôi ngẩng lên trời mà cười man dại, luồng âm khí ấy từ trong thân tôi thấm ra ngoài, nhanh chóng biến thành một khối mây mù xanh xanh rồi hóa làm cơn lốc mãnh liệt; gió bay cát chạy, nhà tranh sụp đổ, tất cả rau cỏ trong vườn bị thổi bay tơi tả, đến cây cối cũng bị bứng cả gốc lên… vài hòa thượng, đạo sĩ bị gió thổi bay đi, những người còn lại kinh hoàng khiếp đảm, bò lăn bò càng vội vàng tháo chạy xuống núi…
Hôm sau, tôi xuống phố dự định mua ít vật liệu để tu sửa gian nhà. Ai dè vừa tiến vào thành, nhìn thấy tôi thì ai nấy đều sắc mặt tái xanh, kinh hoàng bỏ chạy. Người người hoảng hốt lo sợ, ngay cả quân lính nơi sở quan không biết đã trốn mất nơi nào. Tôi quả là không hiểu chuyện gì xảy ra, cho đến lúc tôi đến quán mì của lão Vương quen biết định bụng ăn uống chút gì đó, tôi mới hiểu đã xảy ra chuyện gì. Lão Vương nhìn thấy tôi bước vào, sợ đến cả người run lên, nói lia lịa: Đừng tới đây, đừng tới đây… Tôi bối rối nhìn ông ta, lão Vương thấp thỏm dè dặt hỏi tôi: “Anh thật ra là quỷ?”
Trong đầu tôi tức khắc nổ ầm lên một tiếng, tôi hiểu rồi, hiểu hết mọi chuyện rồi; con người, họ không thể nào tiếp nhận quỷ, cũng không thể nào chịu đựng nổi cảnh cùng nhau chia xẻ nhân gian của họ với quỷ. Tôi không biết trong lòng tôi là thứ cảm giác gì, là đau buồn, là giận dữ, là đành chịu?! Tôi ngỡ ngàng xoay người bước ra khỏi cửa tiệm của lão Vương, nhìn thấy trên đường không một bóng người, khắp nơi bừa bãi hỗn độn. Tôi muốn gào, muốn hét lên, muốn khóc… Tại một quán rượu hoang vắng tiêu điều, tôi cầm lên một bầu rượu, ném xuống vài đồng tiền, bước ra khỏi thành mà đầu cũng chẳng buồn quay lại.

Nơi rừng hoa đào, tôi uống một hơi nửa bầu rượu, đem nửa bầu còn lại tưới lên mặt đất. Vốn là muốn trong năm nay khi hoa đào nở thì cất ngôi mộ thật sự cho họ, nhưng xây lên còn có lợi ích gì, dù sao tôi cũng đâu còn cách nào để sống tại đây nữa. Vốn là cho rằng chỗ ấy quê hương mình, nhưng nơi này lại không phải, ngàn năm trước thì đúng, nhưng bây giờ thì không! Biển xanh hóa nương dâu, Trời Đất hẳn vô tình, ai ngờ đâu người đời cũng vô tình như vậy. Đã từng là bạn bè quen thuộc, lại cho rằng ta không là đồng loại mà dễ dàng từ bỏ ta; đã từng là người đi đường kề vai vội vã, giờ cũng muốn tránh xa ta, giống như ta là nước lũ, là thuốc độc.
Lần này thì tôi không còn nước mắt, nhưng trong tim tôi co thắt đau đến thế, đau đến nỗi tôi chẳng cách nào hít thở…
“Bùm bụp”, Bầu rượu rỗng không vỡ vụn trên mặt đất, chỉ như sân nhà đổ nát, cơn mộng tan tành của tôi.

HOMECHAT
1 | 1 | 172
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com