Phần một
Thiên tài mười ba tuổi.
( Nguyên văn : Jusansai nishite Gishin ni Iru )
Thời Chiến Quốc, nhất là vào những năm Genki, Tensho là thời quần hùng cát cứ, chư hầu tranh bá, là thời đại khốn nạn mà hễ kẻ có chút tài năng võ nghệ đều có thể xưng bá một phương, làm thành chủ một vùng. Miyamoto Musashi Masana, danh nhân Thiên Hạ thời Chiến Quốc, sau nhập đạo và lấy tên là Niten Genshin. Lúc trai trẻ là gia thần của vị Tướng Quân (Shogun) lừng danh Kato Higo no Kami Kiyomasa (gọi vắn tắt là Kato Kiyomasa). Sau khi nhà Kato bị diệt thì được nhiều chư hầu lớn nhỏ tranh nhau lôi kéo. Nhưng tôi trung không thờ hai chúa, đó là đạo lý của người võ sĩ nên Musashi đã lấy bút làm bạn với thơ, sống cuộc đời an nhàn cho đến khi mãn hạn trời. Thực đúng là một điển hình mẫu mực của võ sĩ thời Chiến Quốc .
Người này, vào thời Chiến Quốc có hàng trăm lưu phái võ nghệ khác nhau, đã khai sinh ra lối đánh song kiếm mang tên Shinmen Nitoryu được lưu truyền cho đến tận ngày nay. Nói đến Musashi người ta không thể bỏ qua phái song kiếm Nitoryu này. Trong cuộc đời của mình, Musashi đã đấu hơn sáu mươi trận và chưa hề thất bại, thực đáng được tôn xưng là vị thần của võ nghệ. Và câu chuyện này sẽ kể về cuộc đời của vị tuyệt đại anh kiệt này từ lúc nhỏ cho đến khi thành nhân.
Cha của Musashi là Yoshioka Taro Zaemon, một hào sĩ văn võ song toàn (bunbu ryodou) làng Akamatsu xứ Harima. Có lần ông được Tướng Quân (Shougun) lúc bấy giờ là Ashikaga Yoshiteru cho vời đến dự cuộc ngự tiền tỉ võ cùng với mười bảy vị anh kiệt khác. Mười sáu người kia đều bại trận dưới tay của Taro Zaemon và đến người thứ mười bảy là Takemitsu Ryufuken thì trận đấu bất phân thắng bại, đến người thứ mười tám là kiếm sĩ nổi danh bay giờ là Tsukahara Bokuden cũng bất phân thắng bại. Tướng quân Yoshiteru rất đỗi vui mừng và phán rằng “Người đúng là thiên hạ không có hai “ 0 . Và từ đó đổi tên thành Yoshioka Munisai. Sau khi nhà Ashikaga diệt vong thì Munisai thờ họ Mouri vùng Geishu và có được hai người con trai. Con trưởng là Mondo, con thứ là Shichi No Suke mà sau này là Miyamoto Musashi, nhân vật chính của phần chuyện kể này. Con trưởng Yoshioka Mondo là người yếu đuối mang nhiều bệnh tật trong khi thứ nam Shichi No Suke lại là người tráng kiện chưa từng biết phong hàn cảm mạo là gì. Lúc bảy, tám tuổi thường đến võ đường luyện tập kiếm đạo và tỏ rõ khí thế của bậc thiếu niên anh hùng. Năm mưòi ba, muời bốn tuổi thì gia nhân rất kính sợ tài nghệ và cho rằng người nối nghiệp tiên sinh Munisai chỉ có thể là thứ nam Yoshioka Shichi No Suke. Lời đồn ra tiếng vào đến tai Munisai, ông nghĩ một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi thì làm được những gì. Nhưng cũng phải kiểm tra xem thế nào. Rồi một ngày nọ
- Này, Shichi no Suke, Shichi no Suke !
- Dạ.
- Mang trà lại đây
- Vâng ạ.
Shichi No Suke mang trà lại thì
-Này Shichi no Suke, đằng kia có con mèo đang ngủ.
- Vâng ạ.
Trên nền đá ngoài sân là một con mèo đang cuộn tròn nằm ngủ.
- Hãy chém nó thử xem!
Shichi no Suke toan đứng dậy thì bị gọi lại
-Này này, chém làm sao đừng để lại tì vết trên viên đá.
-Vâng.
Cứ tưởng đứa con sẽ từ chối vì khi con mèo nằm áp bụng trên nền đá và nếu chém từ trên xuống thì mũi kiếm sẽ chạm nền đá và để lại tì vết ngay.
- Vâng con hiểu rồi.
Shichi no Suke không chút do dự nhận lời ngay . Munisai không biết nó sẽ làm thế nào để chém đứt đôi con mèo và vừa mới chớp mắt thì Shichi no Suke đã thoăn thoắt nhảy ra vườn, vừa cố ý đạp mạnh chân gây tiếng động khiến con mèo tỉnh giấc. Con mèo bị tiếng ồn làm mở mắt nhưng không bỏ chạy, nó vươn dài bốn chân và ưỡn người. Thật là khó nghĩ. Cố tình đánh thức con mèo đang ngủ để nó tỉnh giấc, vươn vai… Khi con mèo vừa vươn chân thì
- Eittt…!
Shichi no Suke trở tay chém một nhát, con mèo đứt làm đôi. Yoshioka Munisai trông thấy không khỏi ngạc nhiên và nhủ thầm
- A thằng này khá. Không ai để ý đến việc làm cho con mèo vươn vai thì một thằng nhóc mười ba, mười bốn tuổi lại có thể làm được sao. Nếu như nó trưởng thành vô sự thì nhất định sẽ trở thành danh nhân võ nghệ trong thiên hạ. Còn nếu như có sai sót gì thì sẽ không tránh khỏi phương hại cho họ Yoshioka.
Phần hai
Công phu song kiếm ( Nguyên văn : Nitou no kufu )
Rồi một năm trôi qua, Shichi no Suke đến tuổi mười lăm. Hằng ngày đốn cây mang về đẽo thành hai thanh kiếm gỗ, mang lên ngọn núi gần nhà từ sáng sớm đến chập tối mới trở về. Đây là lúc đầu tiên Musashi quyết chí dồn công phu vào lối đánh song kiếm. Yoshioka Munisai vẫn không để ý thấy điều ấy cho đến một ngày, khi ông đang dạy kiếm cho đám môn hạ.
- Thưa phụ thân, tại sao lúc nào người cũng làm điều mất tự do như thế ạ?
Munisai ngoảnh lại thì thấy Shichi no Suke đang đứng mĩm cười.
- Shichi no Suke, mất tự do là như thế nào hả?
- Vâng, phụ thân lúc nào cũng sử dụng một thanh kiếm gỗ và con nghĩ rằng việc dùng một kiếm là không có tự do.
-Im đi! Thiên hạ bao nhiêu người vẫn sử dụng một kiếm khi chiến đấu đó thôi.Ta chưa từng nghe nói ai sử dụng hai kiếm cả.
-Vậy người như phụ thân đã cũ quá rôì.
- Cũ là thế nào, con người cũng có cũ mới sao?
- Vâng thưa có chứ ạ. Người như con gọi là mới và như phụ thân gọi là cũ. Giống như những thứ nên treo trang trí ở cửa hàng đồ cũ thì hơn.
- Im đi, đừng có nói xằng ! Tại sao lại nói sử dụng một kiếm là cũ hả?
- Vâng, đúng vậy. Con đã nghĩ ra cách đánh song kiếm. Lối đánh đơn kiếm như bây giờ rất là bất tiện vì khi chém vào địch ta cũng phải xoay mình, nín thở và khi bị địch công kích thì phải tránh né hoặc phải lấy lại thế kiếm, nên chậm mất một nhịp. Trong lúc đó mà bị địch bồi thêm thì thật là nguy to. Nhưng nếu sử dụng song kiếm sẽ không có chuyện đó. Khi ta đánh bằng kiếm phải, trong khi địch đỡ thế kiếm của ta thì tiếp tục bồi thêm kiếm trái và thắng lợi dễ dàng.
Munisai nghe xong thì bật cười:
- Ngươi chỉ mới là đứa trẻ, không nên nói điều này. Vì ta là phụ thân của con nên không sao chứ nếu nói với người khác thì sẽ bị cười cho đấy.
- Tại sao lại bị cười? Nếu kẻ nào cười thì đó là kẻ ngốc rồi.
- Chớ có nói xằng. Hãy nghĩ kỹ xem. Như con nói khi sử dụng song kiếm, lúc địch đỡ thế kiếm của ta thì bồi thêm nhát nữa. Quả là nói thì dễ nhưng thực tế không như lời nói. Khi dụng kiếm mà có chút lơ là thì quyết tâm sẽ không đủ, tức là tâm lực dồn vào một chiêu kiếm sẽ không đủ. Còn khi sử dụng một kiếm sẽ không có sơ hở đó. Hễ đánh thì quyết phải hạ được địch. Song kiếm thiếu mất ý chí đó. Cũng giống như là đuổi theo hai con thỏ cùng lúc sẽ không bắt được con nào hết .
- Ahahahahahahaha..
- Tại sao lại cười ?
- Sao lại cười? Vì phụ thân là người đã cũ rồi.
- Im đi, thực hỗn láo.
- Phụ thân nổi giận con không dám. Nếu tranh khẩu luận với phụ thân sẽ chẳng đi đến đâu. Thôi thì để xem thử lối đánh song kiếm con nghĩ ra có lợi hay lối đánh truyền thống của phụ thân là có lợi, chúng ta hãy thi đấu xem.
-Thi đấu…. Thực là đứa con trời đánh.
Quả là ông Munisai nhìn thấy thái độ ngạo mạn bất tôn của con trai. Nhưng đó không phải là ngạo mạn. Miyamoto Musashi là nhân vật từ mọi chuyện cho đến võ nghệ đều là người có lòng tự tôn rất cao và không nhượng bộ trước bất cứ ai, nên nếu nhìn từ góc độ của người khác thì rõ ràng là ngạo mạn. Ông Munisai tuy nghĩ là con mình nhưng nay chẳng phải là một dịp tốt để cho nó một bài học, chỉnh lại thái độ ngạo mạn đó sao, liền nói
- Này Shichi no Suke, có phải mày đã nghĩ ra lối đánh song kiếm?
- Thưa vâng. Con đã công phu được trong thời gian gần đây. Để con sẽ chỉ cho phụ thân xem.
- Thực hỗn láo. Thôi cũng được, này thì đấu một trận.
Rồi hay người vào võ đường. Shichi no Suke mang hai thanh mộc kiếm đẽo bằng tay không biết tự bao giờ, kiếm phải dài hai thứơc ba thốn, kiếm trái dài một thước tám thốn. Ông Munisai thì mang thanh mộc kiếm dài hai thước ba thốn trước sau đã quen dùng vào võ đường. Cả hai cùng thét kiai rồi vào thế thủ. Munisai nhìn thấy con trai cầm kiếm phải thủ ở trung đoạn, kiếm trái ở hạ đoạn. Thật là thế thủ kỳ lạ. Đây gọi là thế thủ Âm Dương trong phái song kiếm. Nhưng nhìn qua là thấy thế thủ này không kín chỗ nào, toàn là sơ hở. Hahaha, tuy nói thì giỏi nhưng chẳng qua chỉ là đứa trẻ. Ông Munisai cười thầm trong bụng rồi thét to một tiếng xông vào.
Hai kiếm của Shichi no Suke đang ở thế tả hữu bỗng dưng chuyển sang thế chữ thập, khoá chặt thanh mộc kiếm của Munisai vào giữa. Ông Munisai lấy làm lạ bèn rút kiếm ra nhưng không tài nào làm được. Ông lùi một bước thì Shichi no Suke tiến một bước. Ông đẩy tới để phá thế khoá chữ thập nhưng nó vẫn không mảy may động đậy. Ông lại toan rút ra thì nó lại tiến tới.
- Yatt !!
Tiếng thét kiai của ông làm rung chuyển cả võ đường. Khuôn mặt Munisai đã trở nên xám ngắt. Hễ mà rút kiếm ra không khéo thì hai kiếm tả hữu của đối phương bay đến liền. Không thể kinh thường. Nghĩ thế là Munisai không còn cười nỗi. Đây là lần đầu tiên Shichi no Suke thực thi song kiếm nhưng không có một sơ hở, vừa khoá chặt kiếm của bố vừa nghe hơi thở dồn của Munisai. Ông Munisai không thể tiến lên hay lùi lại đước nửa bước.
- Haa, phụ thân khổ rồi. Như thế này cũng là đủ rồi.
Nghĩ thế Shichi no Suke thét to một tiếng rồi mở thế chữ thập. Sau đó là đòn đánh thẳng vào ông Munisai. Tốc độ nhanh đến nỗi mắt thường không nhìn thấy nỗi. Munisai đang nghĩ đến cảnh trúng đòn bỗng nghe tiếng con trai đanh đảnh
- Phụ thân có làm sao không?
- Ta thua rồi.
Kiếm phải của Shichi no Suke đã tới bên vai trái của Munisai.
- Phụ thân không sao chứ? Vậy song kiếm có hiệu quả không?
- Ừm....
Munisai nhìn mặt đứa con trai, tuy kiềm chế nhưng không giấu nỗi hai hàng nước mắt, nói gằng từng tiếng
- Hãy nhớ lấy, song kiếm của con chỉ có thể chế ngự được phụ thân nhưng thiên hạ vốn quảng đại vô cùng. Danh nhân trong thiên hạ không phải là ít. Quyết không được ngạo mạn và hãy tu tập để trưởng thành, không để thua bất cứ anh hùng hào kiệt nào.
Ông Munisai không còn nói gì được với kiếm thuật của con trai. Nhưng là người cha ông lo lắng với khí chất mạnh mẽ của nó, cho dù có giỏi như thế nào nhưng vạn nhất có gì xảy ra thì nguy to. Nghĩ rồi Bèn gửi Shichi no Suke vào chùa Sho An Ji ở làng Sho An, cho tu tập bên cạnh trưởng lão Taizan là chỗ thân tình với ông. Và lúc này Yoshioka Shichi no Suke đổi tên thành Yoshioka Heima. Heima là đứa con hiếu thuận nên quyết không thể cãi lời cha, bèn đến tu tập bên trưởng lão Taizan. Đây cũng là lúc Miyamoto Musashi tiếp xúc với Chân Ngôn Mật Giáo . ( Mật Tông, một trong ba tông phái chính của Phật Giáo, thịnh hành ở các xứ Ấn Độ, Tây Tạng)