Trong cuốn Gia Phổ nầy hệ 4 Chánh Biên có thật nhiều khoảng trống. Có thể vì người có trách nhiệm ghi chép phổ tộc trước đây đã ghi chép không đầy đủ, không rõ ràng, nên những người thuộc lớp sau không truy lục lại được. Chẳng hạn về bà hoàng phi phối ngẫu của vua Thành Thái, thân mẫu của vua Duy Tân, phổ tộc chỉ ghi là bà Nguyễn (Tài) thị Ðịnh, không có năm sinh, năm mất, năm phong tước...Riêng vua Duy Tân sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý -1890. Ngoài ra, điều ai cũng biết, vua Thành Thái có nhiều phu nhân, nhưng không có bà nào được ghi trong cuốn gia phổ nầy để xác định ai là thân mẫu của 19 hoàng nam và 26 hoàng nữ, con của ngài. Bối cảnh lịch sử
Sau khi vua Ðồng Khánh mất vào ngày 27-12 năm Mậu Tý -1862, triều đình Huế và hoàng tộc đã gặp trở ngại trong việc chọn người kế vị. Con của ngài Ðồng Khánh có: -Bửu Nguy (chết sớm) -Bửu Nga (chết sớm) (mẹ là bà Phụ Thiên Thuần Hoàng Hậu). -Bửu Ðảo (hay Tuấn) tức là vua Khải Ðịnh về sau nầy. -Bửu Khoát (mẹ là bà Hựu Thiên thuần Hoàng Hậu). Bửu Ðảo (sinh năm 1885) lúc nầy chỉ vừa 4 tuổi, tuổi quá nhỏ không thể nối ngôi được cho nên triều đình và lưỡng cung (Từ Dũ Thái Hoàng Thái Hậu và Lệ Thiên Anh hoàng hậu) quyết định chọn Bửu Lân: Bửu Lân (sinh năm 1879) con của vua Dục Ðức lúc nầy được 10 tuổi kế vị ngôi vua. Lúc nêu lý do ngài Bửu Ðảo không được chọn để nối ngôi, về sau nầy có nhà văn đã viết: “Tại sao Khải Ðịnh không được nối ngôi Ðồng Khánh năm 1888? . . .Hội Ðồng Hoàng tộc xét thấy ông không hội đủ một số điều kiện cần thiết, trong đó có vần đề không có con nối dòng cũng đã được đề cập đến.” Viết như vậy là thêu dệt thêm. Ai lại đặt vấn đế không có con nối dòng lúc người ấy còn là vị thành niên 4 tuổi? Vua Thành Thái được chọn nối ngôi, đến bái yết quan tài của vua Ðồng Khánh (gọi là tử cung) sau đó, sang nội các chọn ngày tấn tôn. Người ta cho rằng vua Thành Thái có “chân mạng đế vương” vì ngài đã bói được hai câu trong sách Luận Ngữ: -câu đầu trong thiên “Công Dã Tràng”: Tử vị Công Dã Tràng:“Khá thế dã. Tuy tại luy tiết chi trung, phi kỳ tội dã dĩ tử thế chi.” Dịch nghĩa: Khổng Tử nói về Công Dã Tràng rằng:“Có thể gả con gái cho trò ấy. Dù trò ấy ở trong cảnh lao tù nhưng không phải là người có tội.” Rồi đem gả con gái cho Công Dã Tràng. -câu hai trong Thiên Ung Dã là: Tử viết: “Ung dã, khả sử Nam điện.” Dịch nghĩa: Khổng Tử nói rằng: “Trò Ung có thể ngồi ngoảnh mặt về hướng Nam (tức là vị trí của vua ngồi để trị nước)". Hai câu trên đều ứng với hoàn cảnh của ngài lúc đó. Tuy nhiên, cũng có nhiều dư luận cho việc chọn ngài nối ngôi không phảI do ý kiến của lưỡng cung và của triều đình mà do có người “tay trong” làm việc tại Tòa Khâm, đó là ông Diệp Văn Cương vốn là chồng của công chúa Công Nữ Thiện Niệm. Công chúa Thiện Niệm con của ThoạI Thái Vương, vua Thành Thái gọi bằng cô ruột. Nguyên do vua Ðồng Khánh mất, Cơ mậy viện không dám chọn vua mới nên phảI sang Tòa Khâm để hỏi ý kiến của vị Khâm Sứ. Ông Diệp Văn Cương làm việc tại đây lãnh trách nhiệm thông dịch. Chú thích của Nguyễn Phước Tộc Thế Phả trang39ghinhưsau:Ngày mồng 2 tháng 1 năm Kỷ Sửu -1890 ngài lên ngôi ở điện Thái Hòa, lấy niên hiệu là Thành Thái. Ngài lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước bị đặt duới quyền đô hộ của thực dân Pháp, nên quyền hành của triều đình ngày một thu hẹp dần. Có tinh thẩn yêu nước, ngài càng bày tỏ sự chống đối thực dân Pháp. Ðể tránh sự chú tâm theo dõi của Pháp, nhiều lúc ngài đã giả điên. Năm Ðinh Mùi (1907) dưới áp lực của thực dân Pháp, triều đình Huế buộc ngài thoái vị với lý do “đau bệnh tâm thần”. Pháp đưa ngài đi an trú ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Sau đó năm Bính Thìn (1916) họ đưa ngài đi an trí tại đảo Réunion, thuộc địa của Pháp ở Phi Châu. Người kế vị ngài là vua Duy Tân. Nhưng, vua Duy Tân sau đó cũng bị bắt đi đày cùng với vua cha: -xuống tàu Avardiana ngày 3-11-1916, -đến bến ngày 20-11-1916. Cùng đi trong chuyến nầy có bà hoàng mẫu Nguyễn Thị Ðịnh (tức là thân mẫu của ngài), bà Mai Thị Vàng, cùng hoàng nữ Lương Nhân, con gái thứ 16 của vua Thành Thái. Sống ở đảo Réunion được 2 năm. Về sau, không chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt ở Phi Châu, nên các bà đều xin hồi hương về Huế. Bà Nguyễn Thị Ðịnh tá túc tại An Lăng, An Cựu và sau đó mất không rõ ngày tháng năm. Bà Mai Thị Vàng mất vào ngày 25 tháng 1 năm Canh Thân -1983 tại Kim Long, Hương Trà, Thừa Thiên. Bài thơ ghi trên là bài thứ 4 trong 10 bài Khuê Phụ Thán, viết năm 1919. Có lẽ đúng là thời gian ít lâu sau khi bà từ giã vua Thành Thái và Duy Tân để trở về cố đô. Bài thơ thác nỗi lòng của bà mẹ phải xa con, xa chồng: Con ôi, ruột mẹ ngấu như tương, Bảy nổi ba chìm xiết thảm thương. Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự Ðầy vơi giọt lệ nước sônh Hương.
Nhìn lại, không riêng gì với tác giả Thượng Tân Thị mà bất cứ người mẹ Việt Nam nào cũng yêu con với tấm lòng bao la như biển cả. Từ lúc con còn tấm bé, các bà mẹ cho con từng miếng ăn, tấm áo, giấc ngủ; lúc con khan lớn, các bà mẹ lại lo giáo dục để cho con nên người xứng đáng. Các bà mẹ hy sinh cho hạnh phúc con cái hơn hạnh phúc của chính mình. Ðiểm nổi bật trong bài thơ của Thượng Tân Thị chính là nỗi lòng của người mẹ đã trải qua những giờ phút vinh quang và tủi nhục, đã pha trộn sung sướng và nước mắt trong giấc mộng ảo ảnh phù du ở đời. . .Ôi, cuộc đời đầy ảo ảnh phù du! Vinh quang đấy rồi tủi nhục đấy. Sung sướng, hạnh phúc đấy rồi đau khổ tràn đầy pha trộn những nước mắt đấy. O bà Thượng Tân Thị, bước lên địa vị của một bà hoàng quí phi và được làm mẹ của một vì vua, không phải là tột đỉnh của danh giá hay sao? Nhưng, thời gian được mấy chốc? Chỉ ngay sau đó, giấc mộng vinh quang trần thế đã tan biến đi để chỉ còn lại những giọt nước mắt của người vợ khóc chồng, của người mẹ khóc con trong thân phận của những kẻ đi đày. Ðọc những bài ngự thi của vua Thành Thái: Dạ nguyệt phiếm châu Ngự Hà (viết năm 1900) và Thăng Long Thành (viết năm 1902) chúng ta mới thấy tấm lòng của vua đối với quê hương đất nước. Ðiều chắc chắn là ngài không điên mặc dầu bị buộc thoái vị vì mang bệnh tâm thần, để rồi sau đó bị đưa đi đày suốt 32 năm. Ðó chính là một điều oan trái. Dạ nguyệt phiếm châu Ngự Hà Ngọc kích cao huyền dạ sắc thanh Ngự Hà nhất vọng thủy trừng minh. Khinh đao quế phảng thừa ba phiếm, Sậu vũ lan nhiêu trục lãng hành; Ngạn thượng kỳ hoa hương phức úc, Lưu trung thố ảnh chiểu tinh oanh. Xuân tiêu tín thị thiên kim giá, Dương vũ hàm nghi thảo mộc vinh. (Canh Tý 1900) Thăng Long Thành
Kỷ độ tang thương kỷ độ kinh Nhất phiên hồi thủ nhất phiên tình Ngưu hồ dĩ biến tam triều cuộc Hổ động không dư bách chiến thành Nùng lĩnh phù vân kim cổ sắc Nhị hà lưu thủy khốc ca thanh Cầm hồ đoạt sáo nhân hà tại? Thùy vị giang san tẩy bất bình? (Nhâm Dần 1902) Ðọc Thượng Tân Thị để thấu hiểu tấm lòng của một bà mẹ Việt Nam có chồng và có con ở trên ngôi hoàng đế nhưng lại chính là những kẻ đang phải đi đày ở xứ người. Không có gì thống thiết hơn nổi lòng của một người chỉ muốn kết thúc cuộc đời tròn một kiếp! “Con ôi, ruột mẹ ngấu như tương, Bảy nổi ba chìm xiết thảm thương. Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự Ðầy vơi giọt lệ nước sônh Hương Quê người đành gởi thân trăm tuổi Ðất tổ mong vì nợ bốn phương. Mẹ cũng trông mau rồi một kiếp Ðể cho vẹn nỗi mối can thường.”