Chỉ mục bài viết |
---|
Khúc Tráng Ca Thành Cổ Quảng Trị-Chương 1-8 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Trang 12 |
Trang 13 |
Trang 14 |
Tất cả các trang |
Ngày 12-9-1972
Đối phương sử dụng 3 tiểu đoàn và 23 xe tăng xe bọc thép tiếp tục tiến công, lấn dũi trên cả ba hướng dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân, pháo mặt đất và pháo hạm Mỹ.
11 giờ, một mũi đại đội đối phương lọt vào góc Đông Nam Thành, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn địa phương 3 phối hợp phản kích trong, ngoài Thành cổ, đẩy lui đối phương ra khỏi Thành cổ, giữ vững trận địa, diệt cả trăm binh lính đối phương.
Quanh Thành cổ, dưới hào nước, xác binh lính đối phương chết vài ngày qua bị trương phềnh, mùi hôi thối nồng nặc.
Kết quả, trong ngày 12, trên cả ba hướng, đối phương bị diệt trên 300 binh lính, bị cháy 2 xe tăng, ta bị thương vong 108 binh sỹ.
Đêm 12, ta tăng cường vào Thành Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 (201 đồng chí) và 70 tân binh cho Tiểu đoàn địa phương 3.
Ngày 13-9-1972
Trời tiếp tục mưa to, lũ lớn, hạn chế nhiều đến việc tăng cường lực lượng (quân số, vật chất kỹ thuật cho Thị xã).
Đối phương sau bốn ngày liên tục tiến công lấn dũi, vẫn chưa chiếm được Thành, nhưng đã áp sát ba góc Thành cổ: Nam, Đông Nam, Đông Bắc, cách trận địa ta từ 100 đến 300 mét.
Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 chiến đấu quyết liệt, giằng co với đối phương từng khu vực, góc tường, mảnh vườn. Đến trưa, địch chiếm được góc Đông Nam Thành, nhưng do ta kiên cường phản kích, gây nhiều tổn thất cho đối phương nên đến chiều, buộc đối phương phải rút ra khỏi Thành.
Kết quả trong ngày, ta diệt 123 binh sỹ đối phương, bắn cháy 1 xe tăng. Ta bị thương vong 34 chiến sỹ.
23 giờ, Mặt trận B5 lệnh cho đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 48 ra và sau đó vài giờ, (lúc 1 giờ ngày 14) lệnh đồng chí Tham mưu phó Sư đoàn 325 ra Nhan Biều để cùng Sư phó Sư đoàn 325 tổ chức đưa toàn bộ Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 vào Thành phản kích.
Giao việc chỉ huy chung trong Thành cho đồng chí Trung đoàn phó Trung đoàn 95.
Ngày 14-9-1972
Đối phương tiếp tục tiến công lấn dũi từ ba hướng vào Thành cổ, tập trung chủ yếu vào hướng Nam - Đông Nam.
Trên tất cả các hướng, các chốt của ta kiên cường chặn đánh.
14 giờ, một trung đội đối phương lọt vào hướng Tây Nam Thành. Ta lập tức phản kích đẩy lui địch ra ngoài, giữ vững khu vực.
Trên hướng Đông Nam, đối phương tiến sát khu chùa Bà Năm, trại giam.
Trên hướng Tây Nam, đối phương vào khu Mỹ Tây - Trường Nữ.
Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 và một bộ phận Tiểu đoàn địa phương 8 chiến đấu chốt chặn quyết liệt, diệt nhiều binh lính đối phương, nhưng vẫn bị đối phương áp sát chân Thành.
Ta dồn lực lượng quyết giữ Thành cổ:
- Hướng Tây Nam: Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18.
- Hướng Đông Nam: Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 cùng Tiểu đoàn địa phương 8 và Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 (mới vào đêm 12).
- Hướng Đông Bắc: Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48.
- Hướng Tây Bắc: Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48.
- Trong Thành cổ: Tiểu đoàn địa phương 3 và một bộ phận Tiểu đoàn địa phương 8.
- Ở ngoài Nhan Biều: Mặt trận B5 điều một đại đội xe tăng đến tăng cường cho Thành, nhưng xe chưa đến kịp, chỉ có tiểu đoàn trưởng chỉ huy xe tăng đến nhận nhiệm vụ và đi trinh sát thực địa.
Ban chỉ huy Trung đoàn 18 chưa đến Nhan Biều nhận nhiệm vụ.
Ngày 15-9-1972
Lữ đoàn thủy quân lục chiến 258, lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 đối phương tập trung lực lượng tổng công kích từ ba hướng, được chi viện tối đa hỏa lực của không quân, pháo binh, xe tăng, súng phun lửa các loại của Mỹ - ngụy.
4 giờ ngày 15, một đại đội đối phương bí mật tập kích Sở chỉ huy Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48, chiếm góc Đông Bắc Thành cổ. Đồng thời pháo cối địch từ Chợ Sải - Bích La bắn dồn dập khống chế trận địa Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 ở hướng Bắc - Tây Bắc Thành cổ.
Trên các hướng khác, đối phương liên tục bắn phá kết hợp lấn dũi dứt điểm:
- Ở hướng Đông Nam: Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48 và Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 95 kết hợp Tiểu đoàn địa phương 8 ở trong Thành đánh giành giật từng khu vực quanh Thành và trong Thành.
- Ở hướng Nam - Tây Nam: Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 18 đánh bật nhiều đợt đối phương nhảy vào cổng Nam Thành.
- Ở hướng Bắc - Tây Bắc: Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 phối hợp cùng Tiểu đoàn địa phương 3 trong Thành đánh lui nhiều đợt lấn dũi của đối phương.
Đến cuối ngày 15, đối phương kiểm soát được cổng Thành phía Nam - Đông Nam, Đông Bắc Thành cổ. Ta buộc phải lui vào trong Thành cổ, cố thủ. Từ Sở chỉ huy Bảo vệ Thị xã đã nghe tiếng hò hét lấn dũi của quân đối phương từ phía Nam sát bờ sông tiến vào khu Sở chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp.
Tối 15 tháng 9, Ban chỉ huy Bảo vệ Thị xã họp nhận định:
- Đối phương đã chiếm góc Đông Nam - Nam - Đông Bắc Thành cổ, đang dồn lực lượng lên để chuẩn bị đánh chiếm Thành cổ vào ngày 16 tháng 9.
Các đơn vị đều đã kiên cường chiến đấu, giành giật từng khu vực trận địa, mảnh tường, góc Thành, nay đã bị tổn thất nhiều, mất sức chiến đấu. Quân số chiến đấu còn rất ít, kể cả Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 8 mới vào chiến đấu. Vũ khí đạn dược bị tiêu hao, cơ số đạn còn rất ít. Lực lượng Trung đoàn 18 phản kích chưa sang sông.
Vì vậy, lệnh rút toàn bộ lực lượng sang phòng thủ bờ Tả ngạn sông Thạch Hãn, để tiếp tục cuộc chiến đấu.
Thứ tự rút bắt đầu từ 22 giờ ngày 15:
- Thương binh rút trước.
- Tiếp đến các tiểu đoàn ở xa, rồi ở gần.
- Đơn vị trực thuộc quanh Sở chỉ huy, bao gồm cả các đài quan sát.
- Sở chỉ huy Bảo vệ Thị xã.
- Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48, Tiểu đoàn địa phương 8, đội vệ binh - trinh sát bảo vệ đội hình rút.
- Ban chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp cùng đội vệ binh rút cuối cùng vào nửa đêm 15 rạng ngày 16.
Ngày 16-9-1972
Sáng 16, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 biểu dương lực lượng bảo vệ Thị xã đã chiến đấu kiên cường và ra lệnh tiếp tục đưa lực lượng Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đến đêm vượt sông sang Thành phản kích chiếm lại Thị xã.
Đến 18 giờ Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 ra lệnh Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 dừng lại, không vượt sông sang Thành phản kích nữa, mà nhanh chóng triển khai lực lượng phòng thủ tả ngạn sông Thạch Hãn, khu vực Nhan Biều - ái Tử.
- Lệnh cho Trung đoàn 48, Trung đoàn 95 và một số đơn vị trực thuộc chuyển về hậu cứ trung đoàn, sư đoàn củng cố lực lượng, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
- Ban chỉ huy Bảo vệ Thị xã tiếp tục thu quân còn sót lại bên trong Thị xã, chú trọng thương binh, lạc ngũ, đào ngũ.
- Phòng quân báo Mặt trận B5 thông báo ngày 16, qua thông tin kỹ thuật, đối phương không bắt được một đồng chí nào của ta trong Thị xã bị bỏ sót lại, hoặc đào ngũ bỏ chạy.
Ngày 17-9-1972
Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng điện cho Bộ Tư lệnh Mặt trận B5, chỉ rõ: "Bộ đội ta rút khỏi Thị xã chỉ là một sự lui quân có tính chiến thuật. Cần thấy: đứng về phạm vi cả mặt trận, thì cuộc chiến đấu của ta vẫn đang tiếp tục…". -1981.
Chấp hành lệnh Mặt trận B5, Sư đoàn 325 cùng Trung đoàn 18 nhanh chóng triển khai xây dựng hệ thống trận địa phòng ngự cấp trung đoàn ở căn cứ ái Tử với đầy đủ công sự, thiết bị, vật liệu có sẵn do Mỹ - ngụy để lại, lấy tiền duyên phòng ngự là mép nước bờ tả ngạn sông Thạch Hãn từ đầu cầu Quảng Trị đến Nhan Biều, do Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đảm nhiệm.
Sau thời gian độ một tuần, quân ta đã hình thành trận địa tương đối vững chắc và ngày một vững chắc hơn, bảo vệ lâu dài khu giải phóng Quảng Trị cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam mùa Xuân 1975, với đầy đủ các điểm tựa đại đội, cụm điểm tựa tiểu đoàn, khu vực phòng ngự trung đoàn, cùng hệ thống chiến hào, giao thông hào, chướng ngại vật, dây thép gai, chông mìn cạm bẫy bên mép sông Thạch Hãn kết hợp với thủy lôi thả dưới lòng sông do K5 Hải quân đảm nhiệm.
Trận tuyến phòng ngự tả ngạn sông Thạch Hãn, được đánh dấu bằng chiến thắng oanh liệt ngày 2 và ngày 3 tháng 11 năm 1972, tiêu diệt 2 đại đội quân đối phương mò sang sông hòng lập lại bàn đạp tấn công khu Nhan Biều - ái Tử, quân đối phương phải bỏ lại 120 xác chết. Ta phá 5 thuyền, bắn cháy 5 xe tăng, xe bọc thép, 8 ô tô bên bờ hữu ngạn sông, thu hàng trăm súng các loại và nhiều quân trang quân dụng…
Chiến thắng Nhan Biều ngày 2 và ngày 3 tháng 11 năm 1972 đã chấm dứt vĩnh viễn ý định tái chiếm Quảng Trị, ra đến ái Tử - Đông Hà của Mỹ-ngụy.