Chỉ mục bài viết |
---|
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Chương 36-40 |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Tất cả các trang |
"Quan hệ giữa trời vời người là đáng sợ lắm. Việc của người không sửa, thì trời lấy tai dị để răn. Hạ tuần tháng 9 năm nay cho đến thượng tuần tháng này, mỗi đêm vào trống canh năm, sao tai dị hiện ra ở phương Đông Nam, hình như mây trắng, hình như dải lụa, như cái thoi nhọn, như cái mũi dáo đầu đuôi nhỏ và nhọn, trông thấy dễ sợ. Lại có mưa vàng, mưa gạo, mưa rượu, tiếng sấm động trái thì, tai dị hiện ra luôn. Biến cố ấy không phải vô cớ mà sinh ra. Hoặc giả bên trong có lỗi đức, bên ngoài có lỗi chính, kỷ cương buông lỏng, pháp lệnh trễ nải, quan lại hà khắc, dân chúng lao động, việc người có nhiều sự mất hoà mà đến thế chăng? Kính xét trong sách Chu thư có nói: "Vua thì xét ở sao Tuế, các khanh sĩ thì xem ở mặt trăng, thứ dân thì xem ở các sao" là nói việc người có đúng có sai, điềm tốt xấu theo loại mà ứng hiện. Năm nay [19b] ban đêm hiển hiện sao tai dị, tai biến xảy ra luôn; đó là trời tỏ răn bảo, chính là lúc phải sự hãi chăm lo. Thấy lòng trời nhân ái, luôn ngụ ở sự trách bảo, xin sửa đức để trừ đi là được. Xưa Tống Cảnh công nói ra một lời thiện mà sao tai dị phải lùi chỗ; Tống Thái Tông mở đàn trai nhưng mà sao chổi tự nhiên mất đi. Xem các việc đời trước đã làm, có thể chứng nghiệm. Bọn thần cúi xin đức lớn cao sáng thấy có tai biến mà lo sợ, trách mình sửa nết, đặt đàn cầu trời, trai giới mật đảo, may ra lòng thành cảm cách, hiện tượng huyền vi cũng ứng theo, sao dữ lùi chỗ, khí hoà sinh điềm lành; âm dương điều hoà mà mưa gió phải thì; quần sinh hoà hợp mà muôn vật nảy nở, nhân dân được vui chiếu chăn yên ấm, nhà nước bền vững như bàn thạch Thái Sơn. Cơ nghiệp truyền nối, từ nay được dài lâu, để cho phúc của [20a] tôn miếu xã tắc được dài mãi đến ức muôn năm...".
Nhà vua xem lời tâu, lưu lại ở trong cung.
Tháng 11, canh 5, sao chổi mọc ở phương Đông hơn một tháng mới tắt. Triều thần dâng khải nói:
Năm nay, hạ tuần tháng 9, có sao tai dị hiện ra ở phương đông nam, tháng này đêm hôm 11, lại có sao tai dị hiện rõ. Ý giả người trên đức chưa tu sửa, chính sự có nhiều chỗ sai lầm, mưu người hoặc có bụng khác mà đến thế chăng? Trộm nghe: nhà vua rủ áo khoanh tay ở trên, người thân đều là chính nhân, việc làm đều theo chính đạo, gián hoặc có kẻ gian nịnh ra vào nội điện, xui giục bậy bạ, như việc tu bổ đã có bộ Lại mà lại cho chức danh trái lệ, việc thuế khoá đã có bộ Hộ mà lại sai người ra dân thu tranh, việc kiện tụng đã có nha môn xét hỏi, lại gián hoặc nghe người vu cáo, bắt người lấy của; viện quân đã có [20b] phủ ty vệ sở, lại gián hoặc sai người lấy bắt quân dịch nặng nề, xin phép đủ ra để sửa bỏ tệ trước. Kỷ cương pháp độ đã có phép cũ để lại, như tướng chỉ cho coi quân, không được coi dân, mà nay bọn cai quản lại chuyên coi dân, chuyên lấy của dân, chuyên giết người, lại tuyển riêng lấy thêm người phục dịch, một nhà đến 5, 6 người, thu nặng thuế công, một mảnh ruộng đến hai, ba lớp tô; bọn cai tổng cai xã thì bắt xét các vụ kiện về hộ, hôn, điền thổ; đường thuỷ đường bộ thì đặt riêng nha môn
tuần ty tuần sát. Kính xin hạ lệnh cho các tướng đình bãi hết thảy. Còn như kẻ nào ngầm có bụng khác, đó là người mưu làm bậy, kính xin tự xét định. Các việc tệ ấy, tức sao trên trời cũng tỏ ra răn bảo. Nay chính là lúc phải sợ hãi sửa mình. Nên cho gọi các đại thần cùng các vương tử, bảo cho biết vương nghiệp gian nan, khiến đổi bỏ tệ chính, cốt phải được lòng dân [21a]. May ra lòng dân vui, ý trời thuận, thì sao tai dị sẽ chuyển thành sao lành, đời bình trị thành ra đời chí trị, thái bình đủ mười phần, con cháu truyền ức năm, cơ nghiệp nước nhà từ nay lâu dài mãi".
Tháng 12, cho Tả thị lang bộ Binh là Nguyễn Danh Thế là Đô ngự sử, Tả thị lang bộ Lễ Nguyễn Thực làm Thượng thư bộ Hình2852 .
Kỷ Mùi, [Hoằng Định] năm thứ 20 [1619] , (Từ tháng 6 trở về sau là niên hiệu Vĩnh Tộ thứ nhất đời vua Thần Tông, Minh Vạn Lịch năm thứ 47).
Mùa xuân, tháng giêng, ngày 16, kinh thành cháy to, bắt đầu từ cửa sau sang vương phủ, lan ra phố phường, đến lầu cửa Đoan Môn của triều đường và các nhà trực hai bên tả hữu.
Tháng 2, thi hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Trần Hữu Lễ 7 người. Thi đình cho Nguyễn Lại đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Bùi Cầu 6 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 3, con trai thứ của chúa là Vạn quận công Trịnh Xuân nổi loạn [21b]. Vì con trưởng của chúa là Tín Lễ công Trịnh Túc đã mất, theo thứ tự thì phải đến Thanh quận công [nối ngôi], còn Xuân thì không được nối; y bèn ngầm khuyên vua làm hại chúa, mà lập Xuân. Tháng 4, Xuân nghe tin chúa sẽ ra bến Đông Hà xem [đua thuyền]. [Xuân] sai thuộc hạ là Văn Đốc đặt địa lôi và phục súng ở cạnh ngã ba đường. Quả nhiên chúa có đến lầu ở bờ sông. Khi về, thường chúa cưỡi voi. Hôm ấy, chúa thấy trong lòng không yên, cho voi ngựa và nghi vệ đi trước, còn tự mình ngồi kiệu đi sau. Đến chỗ ngã ba, có tiếng súng nổ, bắn gãy cây lọng tía. Vội sai truy bắt, thì bắt được Văn Đốc cùng đồ đảng, đem về phủ tra hỏi, y khai là Nội điện [nhà vua] và Vạn quận công sai làm. Chúa sai Trấn quận công Trịnh Lâm và Nhạc quận công Bùi Sĩ Lâm vào điện xét hỏi tả hữu, thì biết hết sự trạng. Ngày 12 tháng 5, chúa ngự ra phủ đường, tập hợp bách quan. Chúa thân bưng mâm vàng trầu cau [22a] bước ra, khóc mà nói rằng: "Thời kỳ họ Mạc, nhà vua đã không còn thiên hạ. Cha tôi thân khởi nghĩa binh, đón tiên đế từ trong hang núi trở về, sáng lập triều đình. Tôi tôn phò ba triều, thân trải trăm trận đánh, thu phục giang sơn, tổn phí bao tâm lực, tuổi đã bảy mươi. Nay nhà vua nghe đứa con phản nghịch, nhẫn tâm làm việc này"...
Các thần liêu văn võ ai cũng phẫn uất. Nguyễn Danh Thế, Lê Bật Tứ, Nguyễn Duy Thì đều kiên quyết nói: "Con bất hiếu thì phải giết, vua vô đạo thì phải phế" và xin cho Xuân được tự tử. Lại theo việc trước đây Y Doãn Hoắc Quang đã làm [bắt giam vua]. Các triều thần đều theo lời bàn đó. Chúa nói: "Đây là việc lớn, các ông chớ nên khinh suất". Nguyễn Danh Thế xin bắt Trịnh Xuân, bãi hết quan tước, binh quyền, giam vào nội phủ. Chúa nghe theo. Giết nghịch đảng là bọn Văn Đốc. Nhà vua thì xấu hổ, nói với hoàng hậu rằng: "Ta còn mặt mũi nào mà gặp vương phụ nữa", bèn [22b] tự thắt cổ, rồi băng.
Chúa nghe tin rất sửng sốt, thương xót. Sớm hôm sau gọi các bề tôi vào nói: "Tai biến của trời không phải vô cớ mà sinh ra, không ngờ nay lại thấy việc này. Nên làm sao bây giờ?". Các quan đều nói: "Thánh thượng chí đức. Nhà vua làm điều vô đạo, tự dứt với mệnh trời, thì lễ tang tế nên tước giảm bớt đi". Chúa bảo: "Lòng ta không nỡ". Bèn sai vẫn dùng lễ đối với thiên tử. Triều đình bàn không nên đưa vào thờ ở thái miếu mà lập một điện riêng để thờ cúng, dâng thuỵ là "Giản Huy Đế" táng ở lăng Bố Vệ2853 .
Tháng 6, hoàng tử Trương lên ngôi. Bấy giờ Giản Huy Đế đã mất, vua có người anh con nhà bác là Cường Quận công Lê Trụ, tư cách là con của Bản quốc công Lê Bách, là cháu đích tôn của vua Anh Tông, lại lấy con gái của vương tử Thanh quận công, nên cũng có ý ngấp nghé. Lại cũng có người khuyên nên lập ông ta lên ngôi. Chúa chưa nghe. Hoàng hậu thì ngày đêm khóc lóc nói: "Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác [23a]. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy". Bấy giờ ý chúa mới quyết. Nhân
đấy sai đại thần và bách quan rước hoàng trưởng tử tới điện Cần Chánh lên ngôi. Bấy giờ vua mới 13 tuổi. Đại xá thiên hạ, đổi năm ấy là năm Vĩnh Tộ thứ nhất2854 .
Tôn hoàng hậu làm hoàng thái hậu; lấy ngày sinh làm Thọ dương thánh tiết2855 .
Tháng 11, Thái bảo Trân quận công Trịnh Lâm mất, tặng là Trấn quốc công, ban thuỵ là Nghị Triết2856 .
Chú thích:
2799 Toàn bộ phần mở đầu kỷ Kính Tông ở bản Lê Hy -1 chép giản lược và không có mục đài chữ lớn niên hiệu của Trịnh Tùng (Thành Tổ Triết Vương) như ở đây. Các chú thích so sánh ở đây khi nhắc tới bản Lê Hy là đều thuộc quyển 18 phần Bản kỷ tục biên.
2800 Nay là xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
2801 Nguyên văn: Tổ vu Đồng Cung là nơi tể tướng Y Doãn đày vua Thái Giáp nhà Hạ.
2802 Tên là Trịnh Thị Ngọc Trúc.
2803 Bản Lê Hy [1a] lược bớt nhiều.
2804 Bản Lê Hy [1a] hơi khác.
2805 Bản Lê Hy [1a] lược bớt nhiều.
2806 Bản Lê Hy lược bỏ.
2807 Bản Lê Hy [4a] lược bỏ.
2808 Bản Lê Hy [4a] lược bỏ.
2809 Bản Lê Hy lược bỏ.
2810 Bản Lê Hy lược bỏ.
2811 Bản Lê Hy lược bỏ.
2812 Bản Lê Hy lược bỏ.
2813 Bản Lê Hy [4a] lược bỏ câu cuối.
2814 Bản Lê Hy [4a] lược bỏ câu cuối.
2815 Bản Lê Hy lược bỏ.
2816 Bản Lê Hy không có chữ "Bạch Hạc".
2817 Bản Lê Hy chép việc sửa đường và đón xa giá vào tháng 5 năm 1601.
2818 Xem thêm đoạn dưới.
2819 Bản Lê Hy [5b] chép việc này vào tháng 8 năm 1601.
2820 Bản Lê Hy [6a] chép việc này vào tháng 11.
2821 Bản Lê Hy lược bỏ.
2822 Bản Lê Hy [5a] chép: Thổ quan đánh thuốc độc giết chết.
2823 Bản Lê Hy lược bỏ.
2824 Bản Lê Hy lược bỏ.
2825 Cử nhân ở đây và các đoạn sau chưa phải một học vị mà là danh từ chỉ chung những người thi hội.
2826 Bản Lê Hy lược bỏ.
2827 Bản Lê Hy lược bỏ.
2828 Bản Lê Hy lược bỏ.
2829 Bản Lê Hy lược bỏ.
2830 Bản Lê Hy lược bỏ.
2831 Bản Lê Hy [7a] bỏ chi tiết sau cùng.
2832 Bản Lê Hy bỏ toàn bộ.
2833 Bản Lê Hy bỏ toàn bộ.
2834 Bản Lê Hy [7a] bỏ chú thích về Dinh Chất tử chữ "Đinh Chất"... đến cuối đoạn.
2835 Bản Lê Hy bỏ việc này.
2836 Bản Lê Hy bỏ việc này.
2837 Bản Lê Hy lược bỏ.
2838 Bản Lê Hy lược bỏ.
2839 Bản Lê Hy không chép năm 1609.
2840 Bản Lê Hy bỏ đoạn này.
2841 Bản Lê Hy không chép việc này.
2842 Bản Lê Hy chép việc này.
2843 Bản Lê Hy không chép việc này.
2844 Bản Lê Hy chép việc này.
2845 Bản Lê Hy chép là nguyệt thực.
2846 Bản Lê Hy bỏ việc này.
2847 Bản Lê Hy bỏ việc này.
2848 Bản Lê Hy thiếu đoạn đầu và đoạn cuối.
2849 Bản Lê Hy bỏ.
2850 Bản Lê Hy bỏ.
2851 Bản Lê Hy bỏ.
2852 Bản Lê Hy lược bỏ.
2853 Bản Lê Hy chép việc này rất đơn giản.
2854 Việc lập vua mới, ở bản Lê Hy chép gọn có một dòng.
2855 Bản Lê Hy không chép.
2856 Bản Lê Hy không chép.