Chỉ mục bài viết |
---|
Pippi Tất Dài - Tập Pippi Ở Biển Nam |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Tất cả các trang |
Chương 3
Pippi phát hiện một Xìpung
Một sáng nọ, như thường lệ, Thomas và Annika chạy xộc vào bếp nhà Pippi và gọi lớn: "Chúc buổi sáng tốt lành!", nhưng không có tiếng đáp lại. Pippi đang ngồi chễm chệ trên bàn bếp, tay bế con khỉ nhỏ là Ông Nilsson, môi nở nụ cười mãn nguyện.
"Chúc cậu buổi sáng tốt lành," Thomas và Annika lặp lại.
"Các cậu thử hình dung xem," Pippi mơ màng nói, "các cậu hãy thử hình dung tớ đã phát hiện ra một thứ này nhé. Chính tớ chứ không phải ai khác!"
"Cậu đã phát hiện ra cái gì cơ?" Thomas và Annika hỏi. Chúng không hề ngạc nhiên, bởi bao giờ mà Pippi chẳng phát hiện ra một thứ gì đó. Nhưng chúng muốn biết lần này là thứ gì. "Cậu phát hiện thấy gì vậy, hả Pippi"
"Một từ mới," Pippi đáp, mắt sáng ngời sung sướng nhìn Thomas và Annika. "Một từ mới toe!"
"Từ gì thế?" Thomas hỏi.
"Một từ tuyệt vời," Pippi đáp. "Một trong những từ hay nhất mà tớ từng nghe."
"Thì cậu hãy nói ra đi nào!" Annika giục.
"Xìpung!" Pippi dõng dạc, vẻ đắc thắng.
"Xìpung?" Thomas không hiểu. "Từ ấy có nghĩa gì?"
"Giá mà tớ biết được!" Pippi đáp. "Điều duy nhất tớ biết là nó không có nghĩa là máy hút bụi."
Thomas và Annika suy nghĩ một lát. Cuối cùng Annika bảo:
"Nhưng nếu cậu không biết nghĩa của từ đó, thì nó chẳng có ích gì cả!"
"Ừ, đó chính là điều khiến tớ bực mình," Pippi thừa nhận.
"Ai là người đầu tiên tìm ra ý nghĩa của tất cả các từ nhỉ?" Thomas thắc mắc.
"Hình như là một đống các cụ giáo sư," Pippi nói. "Và quả thật có thể nói các cụ ấy quá ư kỳ cục. Họ nghĩ ra những từ mới quái làm sao! Nào là cái chậu, cọc gỗ, sợi dây và tất cả những từ đại loại như thế… Không ai hiểu nổi họ moi chúng từ đâu ra. Vậy mà Xìpung, một từ thực sự tuyệt vời, họ lại chẳng nghĩ ra được. May mắn làm sao tớ lại phát hiện ra nó! Và nhất định tớ sẽ còn tìm cho ra ý nghĩa của nó."
Nó ngẫm nghĩ một lúc.
"Xìpung! Liệu đó có thể là mũi nhọn của một cán cờ quét sơn xanh lơ không nhỉ?" Nó rụt rè lên tiếng.
"Làm gì có cán cờ nào mà lại quét sơn màu xanh lơ?" Annika nói.
"Ừ, cậu có lý. Thế thì quả là tớ chẳng biết sao nữa. Hay đó có thể là tiếng động khi người ta lội trong bùn và bùn đùn lên qua các kẽ ngón chân chăng? Tụi mình thử nghe xem thế nào nhé."
Annika liền lội quanh trong bùn và bỗng vang lên tiếng Xìpung tuyệt vời.
Nhưng chính Pippi lại lắc đầu.
"Không, không được rồi. Như thế cùng lắm là chỉ nghe thấy tiếng bì bọp thôi, từ ấy thích hợp hơn."
Nó vò đầu bứt tai.
"Sao mỗi lúc lại càng thêm bí hiểm thế này. Nhưng dù bí hiểm đến đâu thì tớ cũng vẫn sẽ tìm ra nó. Biết đâu có thể mua nó trong cửa hàng thì sao nhỉ? Đi nào, tụi mình sẽ đến các cửa hàng hỏi xem."
Thomas và Annika không phản đối. Pippi bèn đi đến bên chiếc vali đầy ắp tiền vàng của nó.
"Xìpung," nó nói, "nghe có vẻ đắt đây. Có lẽ tốt hơn hết là tớ mang theo nguyên một đồng tiền vàng."
Nó lấy một đồng tiền. Ông Nilsson nhảy tót lên vai cô chủ như thường lệ. Rồi Pippi nhấc bổng con ngựa từ trên hàng hiên xuống đất.
"Phải nhanh chân lên," nó bảo Thomas và Annika. "Tụi mình đi ngựa. Đi bộ, nhỡ đến nơi đã chẳng còn sót lại một Xìpung nào nữa. Tớ sẽ chẳng ngạc nhiên nếu ông thị trưởng đã mua hớt tay trên mất cái Xìpung cuối cùng."
Khi con ngựa chở Pippi, Thomas và Annika trên lưng phi nước đại qua các phố trong thị trấn, thì móng của nó gõ vang trên các phiến đá lát đường khiến tất cả lũ trẻ thịt trấn đều nghe thấy, hớn hở chạy ùa ra, vì chúng thích Pippi kinh khủng.
"Pippi ơi, đi đâu thế?" Chúng gọi to.
"Tớ đi mua Xìpung," Pippi đáp và dừng ngựa. Lũ trẻ đứng lại, trông rất đỗi ngơ ngác.
"Đó là một món ăn ngon à?" Một cậu bé hỏi.
"Còn phải nói!" Pippi đáp và liếm môi. "Ngon tuyệt vời. Chí ít nghe có vẻ như thế."
Đến trước một hiệu bánh, Pippi nhảy khỏi lưng ngựa rồi nhấc Thomas và Annika xuống đất. Đoạn chúng bước vào cửa hiệu.
"Cháu muốn mua một túi Xìpung," Pippi nói. "Nhưng phải giòn vào ạ."
"Xìpung ư," cô bán hàng dễ thương đứng sau quầy nói vẻ nghĩ ngợi. "Tôi không nghĩ là cửa hiệu chúng tôi có thứ đó."
"Sao lại không, nhất định cô có mà," Pippi khăng khăng. "Mọi cửa hiệu tốt đều có bán thứ ấy cả."
"Phải, nhưng bán hết mất rồi," cô bán hàng đáp. Cô chưa một lần nghe cái từ Xìpung, nhưng lại chẳng muốn thừa nhận cửa hiệu của mình không có nhiều hàng xịn như mọi hiệu khác.
"Ồ, vậy ra ngày hôm qua cô đã bán thứ ấy ạ?" Pippi hăm hở reo lên. "Cô quý mến ơi, cô hãy bảo cho cháu biết trông nó như thế nào đi cô. Cả đời cháu chưa thấy Xìpung bao giờ cả. Nó có sọc đỏ hả cô?"
Cô bán hàng dễ mến đỏ bừng cả mặt mũi, đoạn cô nói:
"Ôi chao, tôi nào có biết nó là cái gì! Chúng tôi không có bán thứ đó."
Pippi rời cửa hiệu trong tâm trạng vô cùng thất vọng.
"Đã thế tớ phải tiếp tục tìm," nó nói. "Chưa tìm ra Xìpung tớ sẽ chưa về nhà."
Cửa hiệu tiếp đó là một hiệu bán đồ sắt. Ông bán hàng lịch sự cúi chào lũ trẻ.
"Cháu rất muốn mua một Xìpung," Pippi nói. "Nhưng chất lượng phải vào hạng tốt nhất, loại có thể dùng để đánh chết cả sư tử ấy ạ."
Vẻ mặt ông bán hàng trở nên rất chi láu cá.
"Xem nào, để xem nào," ông ta vừa nói vừa gãi đằng sau tai.
Ông ta lấy một cái cào nhỏ bằng sắt đưa cho Pippi.
"Cái này đúng không?" Ông ta hỏi.
Pippi tức giận nhìn ông ta.
"Đây là thứ mà các ông giáo sư gọi là cái cào," nó nói. "Nhưng bây giờ đột nhiên cháu lại muốn mua một cái Xìpung cơ. Ông đừng tìm cách đánh lừa một đứa trẻ vô tội như thế."
Ông bán hàng bèn cười mà bảo:
"Tiếc là cửa hiệu chúng tôi không có bán thứ ấy. Cháu thử lại hiệu tạp hoá chỗ góc phố hỏi xem."
"Cửa hiệu tạp hoá," Pippi làu bàu khi cùng Thomas và Annika bước ra phố. "Cứ như tớ biết thì ở đó chẳng có đâu."
Trong một lúc, trông nó đến là ủ rũ, nhưng rồi mặt nó lại sáng rỡ lên.
"Có lẽ Xìpung là một căn bệnh chăng," nó nói. "Tụi mình sẽ đi hỏi bác sĩ."
Annika biết nơi ở của bác sĩ, vì cô bé đã từng đến đó để tiêm chủng.
Pippi bấm chuông. Một cô y tá ra mở cửa.
"Ông bác sĩ có ở đây không ạ?" Pippi hỏi. "Một trường hợp rất nghiêm trọng, bệnh nặng lắm ạ."
"Mời các em đi vào theo lối cửa này," cô y tá nói.
Ông bác sĩ ngồi bên bàn làm việc khi lũ trẻ bước vào. Pippi đi thẳng tới trước mặt ông, nhắm tít mắt và thè lưỡi ra.
"Cháu bị làm sao vậy?" Ông bác sĩ nói.
Pippi lại mở to cặp mắt xanh trong veo của nó ra và rụt lưỡi lại.
"Cháu sợ là cháu bị bệnh Xìpung ạ," nó nói. "Vì cháu thấy ngứa ngáy khắp người. Và hễ cháu ngủ là mắt cháu cứ nhắm tịt lại. Thỉnh thoảng cháu còn bị nấc.
Còn hôm Chủ nhật cháu thấy khó ở sau khi đã chén nhẵn một đĩa xi đánh giày trộn với sữa. Cháu thường ăn rất ngon miệng, nhưng lại hay nuốt nhầm sang cuống họng khác nên chẳng ăn được bao nhiêu. Chắc là cháu bị nhiễm bệnh Xìpung rồi. Xin bác sĩ bảo cho cháu biết một điều thôi: bệnh này có lây không ạ?"
Ông bác sĩ ngắm nhìn gương mặt xinh xắn khoẻ mạnh của Pippi rồi bảo:
"Ta nghĩ cháu khoẻ hơn phần đông những người khác. Ta tin chắc là cháu không bị bệnh Xìpung đâu."
Pippi hăm hở vồ lấy cánh tay ông bác sĩ.
"Nhưng dù sao cũng có một căn bệnh tên như thế, phải không ạ?"
"Không," ông bác sĩ đáp, "không có bệnh ấy. Nhưng giả sử có đi chăng nữa, thì ta cũng không tin là nó sẽ tấn công cháu."
Trông Pippi đến là âu sầu. Nó nhún chân chào ông bác sĩ, cả Annika cũng vậy. Còn Thomas cúi chào ông. Đoạn chúng đi ra với con ngựa đang đứng chờ bên hàng rào trước nhà.
Cách đó không xa sừng sững một ngôi nhà cao ba tầng. Một cửa sổ ở tầng trên cùng mở toang. Pippi chỉ lên đó và nói:
"Tớ sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cái Xìpung đang ở trên kia. Để tớ leo lên đó xem sao."
Nó leo thật nhanh theo đường ống máng. Khi đã lên ngang tầm cao của cửa sổ, nó không chút nghĩ ngợi quăng mình bay trong không trung và bám lấy tấm tôn dưới bậu cửa sổ, co tay đu người lên cao và thò đầu vào bên trong.
Có hai quý bà đang ngồi trong phòng chuyện trò to nhỏ. Chẳng có gì lạ nếu họ sững người khi bất chợt một mái đầu tóc đỏ ngoi lên từ dưới bậu cửa sổ và cất tiếng hỏi:
"Cháu rất muốn biết có Xìpung ở trong này không ạ?"
Cả hai bà bắt đầu rú lên vì kinh hãi.
"Lạy Chúa che chở, cháu nói gì kia, cháu bé? Có phải đó là một tên tù bị sổng ra không?"
"Đó chính là điều cháu đang muốn biết," Pippi lễ độ đáp.
"Ôi trời, có lẽ nó đang chui dưới gầm giường!" Một bà thét lên. "Nó có cắn không?"
"Cháu nghĩ chắc là có," Pippi đáp. "Có vẻ nó có những chiếc răng nanh cực lớn."
Hai bà ôm chặt lấy nhau. Pippi chăm chú săm soi xung quanh, nhưng cuối cùng nó buồn bã tuyên bố:
"Không, ở đây chẳng có lấy một sợi râu mép của Xìpung. Xin các bà tha lỗi vì cháu đã quấy rầy. Cháu chỉ muốn hỏi thử, vì cháu tình cờ đi ngang qua đây."
Nó lại tụt theo đường ống máng xuống đất.
"Buồn quá," nó bảo Thomas và Annika. "Trong thị trấn này không có Xìpung. Tụi mình lên ngựa về nhà vậy."
Thế là chúng quay về. Khi chúng nhảy từ lưng ngựa xuống trước hàng hiên, thiếu chút nữa thì Thomas đã giẫm phải một con bọ cánh cứng nhỏ đang bò dọc con đường cát.
"Ồ, cẩn thận, một con bọ cánh cứng!" Pippi kêu lên.
Cả ba đứa ngồi thụp xuống quan sát con bọ. Nó đến là nhỏ. Hai cái cánh màu xanh lá cây và óng ánh như kim loại.
"Một con bọ cánh cứng nhỏ thật xinh," Annika nói. "Tớ muốn biết nó là loại bọ gì."
"Không phải bọ dừa," Thomas bảo.
"Cũng chẳng phải bọ hung," Annika thêm.
"Bọ sừng cũng không phải nốt. Thế thì bọ gì được nhỉ?"
Một nụ cười hạnh phúc rạng ngời trên mặt Pippi.
"Tớ biết," nó nói. "Đây là một con Xìpung!"
"Cậu hoàn toàn chắc chứ?" Thomas hỏi.
"Chẳng lẽ cậu không tin tớ nhận ra một con bọ Xìpung nếu nó xuất hiện trước mặt tớ sao?" Pippi nói. "Trong đời cậu, cậu đã từng thấy một vật gì đậm chất Xìpung như nó chưa?"
Pippi thận trọng đem con bọ đến bỏ ở một chỗ an toàn, nơi không còn sợ ai có thể giẫm phải.
"Xìpung bé bỏng yêu quý của tao," Pippi dịu dàng nựng. "Tao đã biết cuối cùng rồi thế nào tao cũng sẽ tìm được một con Xìpung mà. Nhưng kể cũng buồn cười thật. Chúng tao đã lùng khắp thị trấn để tìm cho ra một con Xìpung, trong khi suốt thời gian ấy, nó nằm ngay trước mũi Biệt thự Bát nháo mới oái oăm chứ."
Chương 4
Pippi tổ chức trò thi vấn đáp
Một ngày nọ, kỳ nghỉ hè dài vui vẻ kết thúc. Thomas và Annika lại phải đến trường.
Trước sau gì Pippi vẫn cho rằng mình đã được dạy dỗ đầy đủ mà không cần phải đi học. Nó tuyên bố chắc nịch rằng nó không hề có ý định đặt chân tới trường - trừ phi đến một ngày nó hoàn toàn mất phương hướng, không còn biết đánh vần hai chữ "say sóng" như thế nào thì may ra nó sẽ nghĩ lại.
"Nhưng vì tớ chẳng bao giờ bị say sóng cả, nên trước mắt tớ khỏi cần lo đánh vần nó như thế nào," Pippi nói. "Còn ngộ nhỡ sẽ có lúc tớ bị say sóng thật, thì tớ sẽ có nhiều việc khác phải làm hơn là nghĩ ngợi xem viết hai chữ đó ra sao."
"Chắc chắn cậu sẽ không bao giờ bị say sóng đâu," Thomas nói.
Và cậu có lý. Pippi đã cùng bố lênh đênh mãi trên biển, trước khi bố nó trở thành vua của người da đen và nó về ở Biệt thự Bát nháo. Nhưng nó chưa từng say sóng bao giờ.
Gần đây Pippi thường tiêu khiển bằng cách cưỡi ngựa đến trường đón Thomas và Annika.
Thomas và Annika rất vui sướng vì điều đó. Chúng thích cưỡi ngựa kinh khủng và thật ra làm gì có nhiều đứa trẻ được cưỡi ngựa từ trường về nhà.
"Chà, Pippi, chiều nay cậu đón chúng tớ nhé," một hôm Thomas dặn, khi hai anh em cậu lại phải quay đến trường sau giờ nghỉ trưa.
"Ừ, nhớ nhé," Annika bảo. "Vì hôm nay bà Rosenblom sẽ phát quà cho những đứa trẻ ngoan và chăm chỉ."
Bà Rosenblom là một bà già giàu có sống trong thị trấn. Bà quản lý tiền của mình chặt chẽ, nhưng cứ nửa năm bà lại đến trường một lần để phân phát quà cho lũ học sinh. Không phải tất cả học sinh đâu, ồ không! Chỉ những đứa nào thật ngoan ngoãn và chăm chỉ mới được nhận quà. Để biết được những đứa nào thật sự ngoan và chăm, bà Rosenblom làm những cuộc sát hạch dài lê thê trước khi chia quà.
Và bởi thế mà tất cả trẻ con trong thị trấn luôn nơm nớp sợ bà. Bởi ngày nào cũng vậy, hễ chúng đang có bài tập phải làm và đang ngồi nghĩ ngợi xem có thể bắt đầu một trò gì vui vui hơn trước khi học bài chăng, thì y như rằng mẹ hoặc bố chúng lại đe: "Này, hãy nghĩ đến bà Rosenblom!"
Và cũng thật xấu hổ kinh khủng cho đứa nào mà vào ngày bà Rosenblom đã đến trường lại phải tay không về nhà với bố mẹ và các em, không đem về được dù chỉ một chút tiền hay một túi kẹo, hay chí ít là một chiếc áo lót. Phải, ngay một chiếc áo lót cũng không! Vì bà Rosenblom còn phân phát cả quần áo cho những đứa nhà nghèo nhất. Tuy nhiên, nếu đứa nào không trả lời nổi câu hỏi của bà Rosenblom là một kilômét gồm bao nhiêu centimét, thì dù nó có nghèo đến đâu cũng đừng hòng. Không, không có gì lạ khi lũ trẻ con của thị trấn nhỏ này sống trong nỗi sợ nơm nớp trước bà Rosenblom. Chúng sợ cả món súp của bà! Chẳng là bà Rosenblom cho cân đo cả lũ trẻ con, nhằm biết được đứa nào đặc biệt gầy gò ốm yếu và xem ra không được ăn uống đầy đủ ở nhà. Tất cả những đứa trẻ gầy gò và nhà nghèo phải đến nhà bà Rosenblom vào mỗi giờ nghỉ trưa và ăn một đĩa súp lớn. Lẽ ra món súp đã có thể rất tuyệt, nếu như trong súp không có nhiều hạt tấm đáng ghét đến thế.
Nhưng hôm nay là một ngày trọng đại, ngày bà Rosenblom đến trường. Giờ học kết thúc sớm hơn thường lệ, và tất cả trẻ con tập họp trên sân trường.
Một chiếc bàn lớn được kê giữa sân, bà Rosenblom ngồi ở đó. Cạnh bà có hai cô thư ký giúp việc, chuyên ghi chép mọi chi tiết về lũ trẻ: chúng cân nặng bao nhiêu, chúng có trả lời được các câu hỏi không, chúng có phải con nhà nghèo và cần quần áo không, chúng có được hạnh kiểm tốt không, chúng còn có các em nhỏ ở nhà cũng cần quần áo không… Thôi thì kể mãi không hết tất cả những điều bà Rosenblom muốn biết. Trên bàn, trước mặt bà là một tráp đựng tiền và một lô túi kẹo, cùng hàng núi áo lót, bít tất và quần len.
"Tất cả các cháu đứng vào hàng đi nào," bà Rosenblom hô. "Hàng đầu tiên là những ai không có em ở nhà, hàng thứ hai là những ai có một hoặc hai em, những ai có từ hai em trở lên vào hàng thứ ba."
Vì với bà Rosenblom mọi thứ đều phải có trật tự của nó, và cũng công bằng thôi khi những đứa trẻ có nhiều em ở nhà được những túi kẹo to hơn những đứa chẳng có em. Rồi cuộc sát hạch bắt đầu. Ôi chao, ôi chao, lũ trẻ mới run làm sao chứ! Những đứa không trả lời được, trước hết sẽ phải đứng vào trong góc sân mà xấu hổ, rồi sau đó phải ra về mà không có nổi dù chỉ một chiếc kẹo cho lũ em ở nhà.
Thomas và Annika vốn là những trò giỏi. Dẫu vậy chiếc nơ trên đầu Annika vẫn run lên vì hồi hộp khi cô bé đứng xếp hàng cạnh Thomas, còn Thomas thì càng nhích lại gần bà Rosenblom mặt càng tái đi. Đúng lúc đến lượt cậu thì bỗng nhiên trong hàng những đứa "không có em" bỗng trở nên lộn xộn. Có ai đó đang chen qua lũ trẻ. Không ai khác ngoài Pippi! Nó gạt những đứa khác bắn sang hai bên và tiến thẳng đến trước mặt bà Rosenblom.
"Xin lỗi bà, nhưng khi mới bắt đầu thì cháu chưa có mặt. Cháu sẽ phải đứng vào hàng nào đây, nếu cháu không có mười bốn đứa em mà mười ba trong số đó là những đứa hư đốn ạ?"
Bà Rosenblom nhìn Pippi đầy vẻ khiển trách.
"Tạm thời cháu cứ đứng nguyên đó," bà nói. "Nhưng ta gần như tin rằng cháu sẽ mau chóng đi vào hàng với những đứa trẻ phải đứng trong góc kia mà xấu hổ."
Hai cô thư ký ghi tên Pippi vào danh sách, và cân Pippi lên để xem nó có cần phải bồi dưỡng món súp hay không. Nhưng nó thừa tới hai ki-lô.
"Cháu sẽ không được ăn súp," bà Rosenblom nghiêm khắc nói.
"Đôi lúc cháu mới may mắn làm sao," Pippi nói. "Bây giờ chỉ phải lo sao thoát nốt đống bánh kẹo và áo lót nữa là có thể thở phào được rồi."
Bà Rosenblom không để tai nghe nó. Bà tìm trong sách chính tả một từ khó để bắt Pippi đánh vần từng chữ cái.
"Nào, cháu thân mến," rốt cuộc bà bảo, "cháu có thể nói ta nghe say sóng viết thế nào không?"
"Rất sẵn lòng ạ," Pippi đáp. "X-a-i x-ó-n-g."
Bà Rosenblom nở một nụ cười ngọt ngào mà mai mỉa.
"Thế hả, thế hả," bà nói. "Trong sách chính tả viết hoàn toàn khác."
"Thật may mắn là bà muốn biết cháu viết những thứ ấy ra sao," Pippi nói. "X-a-i x-ó-n-g, cháu luôn đánh vần như thế đấy, và cho tới nay nó luôn đem đến điều tốt lành đến cho cháu."
"Hãy ghi lại cho tôi," bà Rosenblom nói với cô thư ký, và giận dữ mím môi.
"Vâng, cô hãy ghi đi," Pippi nói, "cô hãy chép lại cách đánh vần ấy và lo sao để trong sách chính tả được sửa càng sớm càng hay."
"Bây giờ, cháu nghe đây," bà Rosenblom bảo, "cháu hãy trả lời ta câu hỏi này: Karl XII mất khi nào?"
"Ồ, ông ấy cũng chết rồi sao?" Pippi kêu lên. "Thật là quá buồn khi giờ đây bao nhiêu người phải lên thiên đàng. Mà cháu thì tin chắc điều đó lẽ ra không khi nào xảy ra, nếu ông ấy luôn biết giữ cho chân mình được khô ráo."
"Cô hãy ghi lại đi," bà Rosenblom bảo cô thư ký bằng một giọng lạnh như băng.
"Vâng, cô cứ việc ghi ạ," Pippi nói. "Cô cũng ghi luôn lại là cho đỉa bu lên người là điều rất tốt. Rồi uống một chút dầu hoả hâm nóng trước khi đi ngủ nữa! Sẽ giải nhiệt!"
Bà Rosenblom lắc đầu.
"Tại sao ngựa lại có những chiếc răng hàm xẻ rãnh?" Bà hỏi.
"Dạ, bà có chắc là nó có không ạ?" Pippi hỏi lại vẻ nghĩ ngợi. "Hơn nữa bà có thể tự hỏi con ngựa. Nó đang đứng đằng kia kìa."
Pippi vừa nói vừa chỉ vào con ngựa mà nó đã buộc vào một gốc cây và cười thích thú.
"May làm sao cháu lại đem nó theo. Nếu không bà sẽ chẳng bao giờ biết được tại sao nó lại có những chiếc răng hàm xẻ rãnh. Vì, thật thà mà nói, cháu không hề biết tại sao. Mà cháu cũng chẳng hỏi điều đó."
Lúc này miệng bà Rosenblom chỉ còn là một đường chỉ mỏng dính.
"Thật quá đáng, quá đáng lắm!" Bà lẩm bẩm.
"Vâng, cháu cũng thấy thế," Pippi hài lòng nói. "Nếu cháu cứ tiếp tục giỏi giang thế này, chắc cháu sẽ không rời khỏi đây mà không phải cắp theo một đôi quần len màu hồng."
"Các cô hãy ghi lại," bà Rosenblom bảo hai cô thư ký.
"Đừng, việc này đâu có quan trọng đến thế," Pippi nói. "Thật tình cháu cũng không thích quần len màu hồng cho lắm. Ý cháu không phải thế. Nhưng các cô có thể ghi vào sổ là cháu đáng được nhận một túi kẹo to.
"Ta muốn hỏi cháu câu cuối cùng," bà Rosenblom nói, giọng bà kìm nén nghe là lạ.
"Vâng, bà cứ hỏi," Pippi đáp. "Cháu thích trò chơi vấn đáp này."
"Cháu trả lời được câu hỏi này chăng?" Bà Rosenblom hỏi. "Peter và Paul phải chia nhau một chiếc bánh gatô. Nếu Peter nhận được một phần tư chiếc bánh, thì Paul nhận được gì?"
"Những cơn đau bụng ạ," Pippi đáp. Nó quay sang các cô thư ký. "Các cô hãy ghi lại là Paul sẽ nhận được những cơn đau bụng."
Nhưng lúc này bà Rosenblom đã hết chịu nổi Pippi.
"Cháu là đứa trẻ dốt nát nhất và hư đốn nhất mà ta từng gặp. Hãy đứng ngay vào hàng đằng kia và tự xấu hổ đi."
Pippi ngoan ngoãn bước đi, nhưng nó bực tức lẩm bẩm:
"Bất công! Trong khi mình trả lời được từng câu hỏi một!"
Đi được vài bước, nó chợt nhớ ra điều gì, bèn dùng khuỷu tay rẽ đám trẻ con phăm phăm quay lại chỗ bà Rosenblom.
"Xin lỗi bà," nó nói, "nhưng cháu quên chưa cho biết số đo vòng ngực và chiều cao trên mực nước biển của cháu. Các cô hãy ghi đi ạ," nó bảo hai cô thư ký. "Không phải vì cháu muốn ăn súp bồi dưỡng đâu nhé! Nhưng đã vào sổ sách là phải thật quy củ."
"Nếu cháu không lập tức ra kia đứng và tự xấu hổ, thì ta biết một cô bé sắp bị ăn đòn đấy," bà Rosenblom nói.
"Tội nghiệp đứa bé!" Pippi nói. "Ai thế ạ? Hãy cho nó đến với cháu, để cháu có thể bảo vệ nó. Các cô ghi vào đi!"
Rồi Pippi đi đến chỗ những đứa trẻ phải tự xấu hổ. Không khí nơi đây mới buồn bã làm sao! Nhiều đứa nghẹn ngào và khóc thút thít khi nghĩ đến việc biết ăn nói thế nào với bố mẹ và các em khi hôm nay về đến nhà mà không có cả tiền lẫn kẹo.
Pippi ngó nghiêng mấy đứa trẻ đang khóc, nuốt nước bọt vài lần, đoạn nói:
"Chúng mình sẽ tự bày trò vấn đáp!"
Lũ trẻ trông đã tươi tỉnh hơn một chút, nhưng chúng không hiểu rõ Pippi vừa nói gì.
"Các cậu hãy xếp làm hai hàng," Pippi bảo. "Tất cả những ai biết Karl XII đã chết xếp vào một hàng, những ai chưa nghe tin này xếp vào hàng thứ hai."
Nhưng lũ trẻ đều biết Karl XII đã chết nên chúng chỉ đứng vào duy nhất một hàng.
"Thế không được," Pippi nói. "Phải có ít nhất hai hàng, nếu không sẽ không đúng. Cứ hỏi bà Rosenblom mà xem, bà ấy sẽ xác nhận điều ấy với các cậu."
Nó nghĩ ngợi.
"Giờ thì tớ biết rồi," cuối cùng nó bảo. "Tất cả những đứa trẻ thông minh, nghịch giỏi, đứng vào một hàng."
"Thế nhưng ai vào hàng thứ hai?" Một cô bé không muốn công nhận mình là một đứa nghịch giỏi, hăng hái hỏi.
"Tất cả những đứa không biết nghịch đến nơi đến chốn, đứng vào hàng thứ hai," Pippi tiếp.
Ở chỗ bàn bà Rosenblom đang ngồi, cuộc sát hạch vẫn đang tiếp diễn, chốc chốc lại có một đứa trẻ vừa khóc vừa thất thểu đi về phía đội quân của Pippi.
"Bây giờ sẽ đến phần khó đây," Pippi nói. "Chúng mình muốn xem xem các cậu có học bài về nhà tử tế hay không."
Nó quay sang một cậu bé gầy gò mặc áo sơ mi xanh lơ.
"Hãy nói tớ nghe tên một người đã chết," nó bảo.
Cậu bé tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cậu đáp:
"Bà cụ Pettersson ở số nhà 57."
"Xem cậu ấy giỏi chưa kìa," Pippi nói. "Cậu còn biết ai nữa không?"
Không, cậu bé không biết. Thế là Pippi khum hai bàn tay thành hình loa trước miệng và thì thào khiến ai cũng nghe rõ:
"Karl XII!"
Rồi Pippi lần lượt hỏi khắp lũ trẻ xem chúng có biết ai đã chết không, và tất cả đều trả lời:
"Bà cụ Pettersson ở số nhà 57 và Karl XII."
"Cuộc sát hạch cho kết quả tốt đến không ngờ," Pippi nói. "Bây giờ tớ chỉ muốn hỏi các cậu một câu nữa thôi: Nếu Peter và Paul phải chia nhau một chiếc bánh ga-tô, mà Peter tuyệt đối không muốn ăn thêm nữa khi ngồi vào xó nhà và gặm một phần tư cái bánh nhỏ khô không khốc, thì ai sẽ là kẻ chịu hy sinh tọng nốt phần bánh còn lại vào bụng nào?"
"Paul!" Tất cả lũ trẻ gào lên.
"Tớ muốn biết liệu còn nơi nào có những đứa trẻ giỏi giang bằng các cậu hay không!" Pippi nói. "Nhưng bây giờ các cậu cũng phải có phần thưởng chứ."
Nó móc trong túi ra một vốc những đồng tiền vàng, và mỗi đứa được nhận một đồng vàng. Mỗi đứa còn được thưởng thêm một túi kẹo mà Pippi lôi từ trong balô của nó ra.
Thế là đám trẻ con lẽ ra phải tự xấu hổ bỗng hân hoan vui sướng. Và khi cuộc sát hạch của bà Rosenblom kết thúc và ai nấy trở về nhà, thì không ai chạy nhanh bằng những đứa bị phạt đứng trong góc sân. Nhưng trước đó chúng còn xô đến chen lấn xung quanh Pippi.
"Cảm ơn, cảm ơn cậu, Pippi!" Chúng nói. "Cảm ơn về đống vàng và những chiếc kẹo nhé!"
"Chà, có gì đâu," Pippi đáp, "các cậu không cần phải cảm ơn về điều đó. Nhưng việc tớ đã tránh cho các cậu khỏi phải nhận những chiếc quần lót len màu hồng, thì các cậu không bao giờ được phép quên đâu đấy!"