watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:19:3528/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Dài > Ngô Tất Tố > Dao Cầu Thuyền Tán - Trang 2
Chỉ mục bài viết
Dao Cầu Thuyền Tán
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2


THẦY LANG THỎ ĐỰC


Phải, người ấy gọi là "Thỏ Đực" thì đúng. Trông cái hình dáng, có thể bảo hắn là một anh kép già ở xóm cô đầu, nếu hắn  không đi giày ban. Nhưng ngắm đến bộ miệng thì lại có thể tưởng  hắn là một con thỏ, vì cái miệng ấy nó chum chúm như mõm con  thỏ, mà tự môi trên đến môi dưới, rồi thì ngoài mép quanh cằm,  đâu cũng nhẵn thín, không bén một sợi râu nào. Trước đây, khoảng ba chục năm, hắn chỉ là một chàng học trò dở ở vùng xuôi,  chữ Hán cũng biết ít nhiều, chữ Pháp không thuộc một tiếng. Làng nhà hắn cũng như làng Xạ La ở Hà Đông, vô luận người nào,  biết chữ hay không biết chữ, đều thuộc võ vẽ một ít bài thuốc, nhớ  lõm bõm vài câu sách thuốc. Xách dao cầu đi phương khác, họ đều  có thể bịp người mà kiếm ăn. Nhờ về phong thổ đó, hắn đủ tư cách như mọi trai làng, nhân khi túng đường sinh nhai mới sắm dao  cầu tủ thuốc, kéo lên ngã tư nọ ở ngoài Hà thành, mở cửa hàng  thuốc, vì không thể gọi là cửa hàng gì. Kỳ thực, trong hàng của  hắn chỉ có mấy thứ thuốc bột chữa sâu răng, thuốc cao chữa mụn  nhọt và vài chục vị vừa thuốc Bắc vừa thuốc Nam, đựng trong một  cái tủ mốc. Gọi là hàng thuốc, cũng xấu hổ cho hai tiếng ấy. Lúc  ấy, vùng đó, răng đã ít người đau, nhọt lại ít kẻ bị, thuốc ế, mạng  nhện bắt đầu quấn vào dao cầu, những người gần quanh thấy cái  cảnh đói khát của hắn, đã phải động lòng thương hại. Tình cờ gần  đó có vị đại thần lên cái hậu bối, dùng đã nhiều thứ thuốc lắm mà  vẫn không khỏi. Một hôm, người nhà bàn nhau:
- Hay thử gọi lang "Thỏ Đực" vào đây xem hắn có chữa được  không? Nghe nói nhà hắn có bán thuốc cao, hoặc giả nó là môn  thuốc gia truyền thì chắc có hiệu.
Bàn vậy mà thôi, thực ra người ta cũng không thèm gọi. Bởi  vì đối với nhà vị đại thần đó, anh lang "Thỏ Đực" chỉ là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre chứ có giá gì. Chẳng ngờ lời bàn ấy bị một  viên tri huyện là cháu vị đại thần kia nghe tiếng và tin là thực.  Rồi từ ngày mai trở đi, gặp ai hỏi thăm bệnh tình của viên đại  thần, viên tri huyện đều nói rằng ngài dùng thuốc của thầy lang  "Thỏ Đực". Danh giá của con "Thỏ Đực" đã tăng lên nhiều. May  sao cách vài chục ngày, vị đại thần ấy khỏi bệnh. Khỏi là nhờ  thuốc của người khác, chứ người ta không dính tý thuốc nào của  "Thỏ Đực lương y". Thế nhưng "Thỏ Đực" là kẻ gian ngoan, đi đâu  cũng phô rằng mình đã chữa được vị đại thần ấy. Cũng vì có mấy  câu nói của viên tri huyện, thành ra trong đám phủ huyện, nhiều  người tin rằng vị đại thần kia quả có dùng thuốc của thầy lang  này.
Thế là mọi người đua theo, trong nhà động có người nào mọc  mụn, phải gai, họ liền cho lấy thuốc của hắn. Phúc làm sao, hắn  chữa luôn được vài bệnh, tiếng tăm đồn đi, khách lấy thuốc càng  ngày càng đông, do đó đã có dấn vốn kha khá. Bấy giờ hắn mới  sắm sửa đồ đạc, dọn luôn lên đất Hà thành. Từ đó, hắn mới giở  ngón bịp ra. Khác với các chủ dược phòng, y quán, hắn chỉ quảng  cáo bằng miệng, không hề quảng cáo bằng giấy hay báo. Ngồi với  một người hơi biết chữ Hán, thì hắn giở luôn thi phú câu đối ra  đọc, toàn là thơ cũ, phú cũ, câu đối cũ của các đại gia mà hắn đã  học thuộc lòng, nhưng hắn vẫn nói là của mình làm ra. Ngồi với  một người có bệnh hoặc nhà có người bị bệnh thì hắn đọc luôn sách thuốc hàng tràng. Cũng là những đoạn hắn học thuộc lòng, nó  không dính dáng gì đến cái bệnh mà hắn sắp chữa hay đương chữa. Thơ phú cho đến sách thuốc của hắn nhớ được, quanh quẩn  độ hơn 10 bài chứ không nhiều gì, nếu ai chú ý mà nghe, sẽ thấy  lần nào hắn cũng chỉ đọc có mấy bài ấy. Thế nhưng, những người  không biết thì ai cũng tưởng là hắn thông lắm. Đến việc chữa bệnh, hắn lòe thiên hạ lại càng bợm hơn. "Hôm qua tôi đi thăm  bệnh cho quan Thượng tỉnh nọ, hôm kia đi kê đơn cho quan Tuần  kia, ngày nay có bà án hay bà Phủ nọ đón đến thăm mạch mà  chưa đi được". Mở đầu câu chuyện nói với con bệnh đại để hắn vẫn  dùng cái sáo ấy. Có khi hắn còn can đảm mà nói tràn rằng:
"Chính vua nước Lào có bệnh, đốc tờ nói chữa không khỏi,  cũng phải vời mình sang chữa". Rồi thì người Tây, người Tàu, người ấn Độ, các thứ người ở Đông Dương đều bị hắn vơ làm người  đã uống thuốc của hắn, người nào bệnh cũng nặng và cũng khỏi  cả. Kỳ thực Tây, Tàu, ấn Độ, có ai dùng thuốc của hắn bao giờ.  Đáng tức cười nữa, là mỗi khi cất miệng tiếp khách, ấy là hắn công  kích thuốc Tây. Hắn khoe những bệnh đốc tờ bỏ, không chữa được,  hắn chữa chỉ hai thang thuốc là khỏi, hắn nói chánh phủ đã biết  cái tài làm thuốc của hắn, đã cấp cho hắn cái bằng đốc tờ về nghề  thuốc Tàu. Bởi thế, hắn mới muốn được người ta gọi quan Đốc, ai  không gọi thế thì hắn thịu cái mặt ra. Với những ngón bịp như  vậy, kẻ nông nổi ai mà không mắc? Huống chi cái lối làm thuốc  của hắn lại cũng là một lối bịp.

Nói cho phải, hắn cũng có đọc vài đoạn sách thuốc, chứ không đến nỗi dốt đặc. Nhưng hắn đọc để thuộc lòng, đọc để lấy  khách, không phải đọc để mà hiểu. Những vị thuốc mà hắn hay  dùng ấy là sâm, hoài, linh, biển và bài lục vị. Trong tập đơn thuốc  của hắn đã kê, không thấy cái nào không có bốn vị thuốc đó, hoặc  dùng xen với bài lục vị hoặc dùng lẫn với các vị khác. Sâm, hoài,  linh, biển hay thuốc lục vị, hắn tưởng cũng như cơm tẻ, uống vào  trúng bệnh thì khỏi, không trúng cũng không đến nỗi chết ai, vì  vậy bệnh gì hắn cũng dùng đến. Quả có thế thực, những vị thuốc  ấy, dù là trái bệnh, cũng không phát lên kịch liệt. Bởi vậy người ta  mới phục hắn làm thuốc theo lối vương đạo. Họ không hiểu rằng:  đã gọi là thuốc, có thể khỏi bệnh thì có thể giết người. Chỉ vì sâm,  hoài, linh, biển, nó giết người ta một cách từ từ, cho nên người ta  không biết. Bao nhiêu người theo hắn hàng trăm thang thuốc, chết  vẫn hoàn chết, cái họa "sâm, hoài, linh, biển" là vậy. Chết cũng mặc, khoét được tiền, hắn cứ việc khoét. Đúng như lời bà phán  Phước đã nói, ai đã uống thuốc, hắn cũng phán cho mua những vị  trọng, và bắt phải mua của mình. Thậm chí hắn còn mua sâm giả  của bọn Cao Lá bán rao, rồi đưa cho vợ bán lại cho những người  quen thuộc chồng, cái đó mới tinh quái chứ!
Tóm lại, ngón bịp của thầy lang "Thỏ Đực" còn giỏi hơn ngón  bịp của thầy lang khác nhiều lắm. Bịp bằng hoành phi câu đối chói  lọi trong nhà, bịp bằng lời nói mềm mỏng ngọt ngào như mẹ dầu  dỗ khách, bịp bằng cách khoe quan nọ quan kia uống thuốc của  mình, bịp bằng lối dùng thuốc không thưởng, không phạt, bịp bằng phép bán những vị trọng cho con bệnh hoặc bắt con bệnh  uống những tễ thuốc ba bốn chục đồng. Trong đất văn vật nghìn  năm biết bao kẻ bị hắn bịp cho đến chết mà vẫn không tỉnh ngộ.

CỤ LANG BẦN


Vì cụ quê ở Bần Yên Nhân, nên người quen biết cụ thường  gọi là cụ lang Bần. Cụ giữ nghiệp dao cầu thuyền tán cũng là một  sự ngẫu nhiên, nhưng về sau các thầy địa lý vì nặng tình cơm rượu  đã tán rằng cụ được ăn về ngôi mả tam đại phát danh y. Nguyên  trước cụ làm việc phát vé tàu điện, nhân một buổi cụ phải giữ việc  dồn toa về nhà máy, bỗng thấy một quyển sách nhỏ, đóng giấy ta  bìa cậy, bỏ chơ vơ trên ghế ngồi. Cụ cầm lên xem, tuy không nhận  rõ là quyển gì, nhưng cũng đọc lõm bõm được mấy chữ trần bì, cam  thảo. Cụ biết ngay là một quyển sách thuốc của một ông hành khách nào bỏ quên. Cụ đem về mượn ông đồ bên cạnh sang xem  cho biết quyển sách thuốc ấy thế nào. Ông đồ bảo đấy là quyển  sách thuốc gia truyền của họ Đào để lại, các môn thuốc, các chứng  bệnh đều đã lập thành cả. Cụ bèn thuê ông đồ mấy đồng để phiên  dịch quyển sách ấy ra quốc ngữ. Trước hết hãy làm thử mấy thứ thuốc viên cho vợ bán, như thuốc cam, thuốc sài trẻ con, thuốc khí  hư huyết tích đàn bà v.v...
Chẳng ngờ làm bỡn mà ăn thật, khách tới lấy thuốc ngày  một đông; biết là một nghệ có thể kiếm ăn được, cụ bèn quẳng trả  "sà cột" cho nhà máy điện mà về. Nuôi một ông đồ làm gia sư để  làm cố vấn trong việc biên đơn bốc thuốc, sắm cả dao cầu thuyền  tán, nghiễm nhiên làm một ông lang chính thức. Môn thuốc của cụ  đã hay, mà cái môn nói khoác lại ghê gớm hơn nữa! Này đây một  cái mộng tưởng của cụ:
- Cái nghề thuốc của tôi còn là biến hóa vô cùng! Ông cũng  đã viết ở đây, về môn chữa thuốc tây thì còn ai hơn lão "Oa đề ba"  nữa, thế mà nhiều con bệnh đến cậy lão chữa, lão đã bó tay xin  chịu, mà đến tôi thì khỏi hẳn! Thực ra tôi vẫn phục lão về cái tài  mổ xẻ châm chích, tức là môn chữa ngoại khoa. Nhưng điều đó  cũng chẳng khó khăn gì, rồi nay mai ông sẽ biết! Tôi đã bỏ phí  năm mươi đồng để vận động cho con tôi được vào làm bồi phụ  trong nhà lão.
Cụ nói tới đây rồi ngó trước nhóm sau, thấy vắng vẻ cụ mới nói:
- Tôi xin nói thực với ông câu này, xin ông giữ bí mật cho,  nếu tiết lộ ra thì con tôi không thể nào được ở yên trong nhà lão!
Tôi sửng sốt không hiểu vì duyên cớ gì mà ghê gớm thế, gặng  mãi cụ mới nói nhỏ vào tai tôi:
"Tôi quyết cho con tôi lọt vào đấy là chỉ cốt để ăn cắp nghề  của lão cho bằng được. Rồi cụ lắc lư nói:
- Ông phải biết phàm ai tài nghề gì mà chẳng muốn giấu cho  kỹ, dù cha con cũng chưa chắc truyền cho nhau hết phép. Đấy ông  xem, nhà nước mở ra trường thuốc chẳng qua là chỉ dạy cho học  trò biết một vài món loàng xoàng thôi chứ nào đã có ai tài được  như lão đâu, như thế chẳng phải là lão có môn thuốc bí truyền là  gì? Tôi biết thóp thế, nên mới chịu bỏ tiền ra lo chạy cho con tôi  vào đấy, cốt là vì nghiệp thuốc của tôi, chứ chạy tiền để làm anh  bồi phụ thì chạy làm gì. Chỉ vài năm nữa, con tôi ăn cắp được môn  thuốc bí truyền của lão thì về môn ngoại khoa như mổ, xẻ, châm,  chích đã có con tôi. Hai bố con khi đã thu được hết phép của đông  tây rồi thì còn ai địch nổi nữa".

Cụ nói rồi, dương cái mặt khờ khạo, nở một nụ cười đắc chí!
Tôi cũng cười hộ cụ cho thêm vui, rồi hỏi:
- Thế cậu cả nhà ta đã học được món gì chưa?
- Ôi chao! Ông tưởng dễ lắm đấy! Truyền nghề cho đã là khó,  đến ăn cắp nghề lại càng khó hơn nữa. Cho nên tôi vẫn khuyên  thằng cả nhà tôi phải kiên tâm cố chí lắm mới được, mới đến bảy  tám tháng thì đã ăn thua gì. Hiện công việc của cháu ở nhà lão chỉ  có lau bàn ghế, quét dọn buồng ăn buồng ngủ, cũng như ta, các cụ  khi xưa bắt đầu nhập môn cầu học cũng phải làm những công việc,  sái, tảo, ứng, đối là thường.
Tôi lại hỏi:
- Thế cậu cả nhà ta có biết khá chữ tây không?
Cụ giương cặp mục kỉnh mà đáp:
- Ấy, chữ thì cháu không biết, nhưng tôi đã đút cho anh bồi  đưa cháu vào mấy chục để cho cháu học tiếng, nên tuy chữ cháu  không đọc được, nhưng nói thì đã khá lắm. Vả chăng cái nghề  thuốc chúng tôi, chỉ cốt trong cho tin, nghe cho rõ là được, chứ bây  giờ lại học chữ đã thì ông tính đến bao giờ. Mình học là học tắt ông  nghe chửa.
Cụ nói tới đây thì bỗng có khách lại lấy thuốc, cụ đứng dậy  bỏ tôi mà đi, tôi ngồi lại thẩn thơ tự hỏi: từ bác vé xe, nhảy lên ông  lang, từ anh bồi phụ nhảy lên ông đốc tờ, chẳng biết bao giờ hai  cha con nhà ấy sẽ gặp nhau, mà lúc gặp nhau rồi thì cái kết quả sẽ  ra sao?

KHÔNG NÊN QUÊN MỘT BỌN VĂN SĨ


Trong một tuần lễ trước đây, hội đồng Phòng bệnh hoa liễu  có họp một kỳ hội nghị bàn việc dự định thể lệ cho nghề mãi dâm.  Những thể lệ ấy đã khởi thảo rồi, ở báo hàng ngày đã có đăng rõ,  mục đích của nó không gì khác hơn là chỉnh đốn cho nghiêm cái  nghề "bán dâm" để bài trừ những bệnh hoa liễu. Một việc rất nên  làm và rất hợp thời. Hiện nay bệnh hoa liễu mỗi ngày một bành  trướng lạ thường, nếu không tìm được cách gì ngăn ngừa thì một  ngày kia, không khéo khắp trong dân tộc An Nam sẽ khó mà kiếm  một người không mắc bệnh khốn nạn ấy. Điều nên nói là trong  bản thể lệ ấy, hội đồng Phòng bệnh hoa liễu mới nhìn bệnh hoa  liễu bằng cái nguyên nhân thứ hai, còn bỏ sót cái nguyên nhân thứ  nhất của nó. Bệnh hoa liễu cũng như một vài bệnh khác, ngoài cái  nguyên nhân thứ hai là nạn mãi dâm còn có nguyên nhân thứ  nhất gây ra mầm bệnh mà không phải là loại vi trùng.
Nếu không trừ được nguyên nhân thứ nhất của bệnh, không  thể cấm bệnh không được lan ra. Nguyên nhân thứ nhất là gì? Các  ngài sẽ đổ cho sự gay go trong cuộc sinh hoạt. Cố nhiên, với sự  bành trướng đáng ghê như bệnh hoa liễu, hiện tượng sinh hoạt  vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Nhưng một phần thôi, còn  một phần khác, là trách nhiệm của bọn văn sĩ. Tôi muốn nói mấy  ông văn sĩ thiếu lương tâm, quen dùng văn chương khiêu dâm để  quyến rũ bạn đọc phụ nữ. Nói cho phải, văn chương của ta hồi này  cũng có tiến bộ hơn trước, nhất là nghề viết tiểu thuyết. Nhưng  trong khi tiến bộ về phương diện nghệ thuật, đồng thời nó cũng  tiến bộ luôn về phương diện khiêu dâm. Hãy giở những cuốn tiểu  thuyết tình xuất bản gần đây mà coi, các ngài sẽ thấy lời nói ấy  không sai sự thực. Tác giả những áng văn chương ấy vẫn là nhà  văn có tài, cái tài cổ động chủ nghĩa khoái lạc về nhục dục mà  người ta gọi tránh đi là "vui vẻ trẻ trung". Họ phá hủy nền liêm sỉ  của trai gái bằng những ngòi bút mạnh bạo. Họ mô tả trần truồng  cái chân tướng ái tình bằng giọng văn hay hớm và lả lơi. Họ làm  được cảnh tượng của dục tính ở mặt giấy cũng hoạt động như ở  màn ảnh. Đừng nói những hạng trai trẻ, giả sử các cụ sáu bảy mươi tuổi nghe văn của họ có khi cũng thấy dậm dựt trong mình.  Nhờ vậy, họ đã đi được tới đích, hầu hết phụ nữ ở thành thị đều  đua nhau làm độc giả của họ.
Trong vài năm nay, tâm hồn phụ nữ thành thị đã bị họ cám  dỗ...; người ta đã nói bằng giọng của họ, người ta đã nghĩ bằng tư  tưởng của họ, rồi người ta muốn làm như những nhân vật trong  tiểu thuyết của họ. Cái ảnh hưởng ấy, nó đưa chị em phụ nữ đến  đâu? Bước thứ nhất là đến một cuộc đời lãng mạn. Trong vài năm  nay, đối với phụ nữ -nhất là phụ nữ tân thời -liêm sỉ chỉ là tính  hèn nhát, dư luận chỉ là lời hủ bại, biết bao nhiêu người đã ngang  nhiên đem thân thể thờ thần nhục dục một cách tự do, không e lệ,  cũng không hối hận. Tại các thành thị, tiệm nhảy và phòng ngủ  mở ra mỗi ngày mỗi nhiều, đó là bằng chứng rất rõ rệt về phong  trào lãng mạn của phụ nữ. Ai nấy chắc đều nhận rằng: từ lãng  mạn đến mãi dâm không xa, và từ mãi dâm đến bệnh hoa liễu  càng không xa nữa. Đi ngược trở lại, chúng ta có thể nói rằng: bao  nhiêu nữ tướng trong việc truyền bệnh hoa liễu đều là tín đồ của  chủ nghĩa lãng mạn; mà bao nhiêu nữ tín đồ của chủ nghĩa lãng  mạn đều là độc giả của những văn sĩ kia. Vậy thì những người mắc  bệnh hoa liễu đều là người đã phải bùa mê của bọn văn sĩ khiêu  dâm, chính bọn văn sĩ khiêu dâm đã đưa người ta lên giường bệnh  hoa liễu.
Nói vậy không phải quá đáng. Nếu vào nhà thương mà hỏi  những chị em bệnh hoa liễu có đọc tiểu thuyết của bọn văn sĩ kia  không, quyết rằng trong số trăm người đều trả lời rằng có. Đối với  pháp luật, văn chương khiêu dâm vẫn thuộc về tội đáng trừng phạt. Nhưng cái điều kiện của pháp luật về những khoản đó hình  như không rõ ràng, cho nên bọn văn sĩ khiêu dâm vẫn có đường  trốn. Họ trốn ra đường nghệ thuật. Họ viện vào thuyết "nghệ thuật" để bênh vực cho nghề nghiệp của họ. Nếu những tác phẩm  của họ cứ được tự do đầu độc phụ nữ thì nghề mãi dâm còn thịnh  hành và bệnh hoa liễu còn bành trướng.
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 181
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com