watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
12:27:4826/04/2025
Kho tàng truyện > Truyện Áo Trắng > Nguyễn Nhật Ánh > Thằng Quỷ Nhỏ - Trang 15
Chỉ mục bài viết
Thằng Quỷ Nhỏ
Trang 2
Trang 3
Trang 4
Trang 5
Trang 6
Trang 7
Trang 8
Trang 9
Trang 10
Trang 11
Trang 12
Trang 13
Trang 14
Trang 15
Trang 16
Tất cả các trang
Trang 15 trong tổng số 16

Chương 19

Khải mừng như bắt được vàng.

Anh không ngờ Nga lại nhận lời đi xem phim với mình.

Hôm qua, Khải đưa cho chị Ngàn ba tấm vé mời. Tất nhiên Khải không nhắc gì đến Nga. Cả chị Ngàn cũng vậy. Từ lâu, cả hai đều hiểu Nga không thích tham gia những cuộc đi chơi có mặt Khải. Ngoài Khải và chị Ngàn, tấm vé thứ ba luôn luôn thuộc về Ngoạn. Trước nay vậy.

Vì vậy, Khải vô cùng ngạc nhiên khi đúng giờ hẹn, anh đạp xe đến nhà Nga, đã thấy Nga và chị Ngàn đứng chờ trước cổng.

Cho đến lúc đó, Khải vẫn chưa tin là Nga sẽ cùng đi chơi với anh và chị Ngàn. Anh đoán là Nga đang định đi đâu đó, không dính dáng gì đến lộ trình của anh. Cho nên sau khi mỉm cười chào Nga, Khải quay sang chị Ngàn hỏi:

- Ngoạn đâu rồi?

Chị Ngàn mỉm cười:

- Nó ở trong nhà.

Khải nhìn đồng hồ:

- Chị kêu Ngoạn đi! Sắp đến giờ rồi!

Chị Ngàn vẫn cười cười:

- Nó đâu có đi mà kêu!

Khải trố mắt:

- Sao vậy?

Bây giờ Nga mới lên tiếng:

- Nga đi thì Ngoạn phải ở nhà chứ sao!

Khải nghe tai mình ù đi. Anh nhìn Nga, giọng nửa tin nửa ngờ:

- Nga nói thật không?

Nga "xí" một tiếng:

- Nga giỡn chơi với anh làm gì!

Khải không hỏi nữa. Hỏi lung tung, rủi lỡ mồm lỡ miệng, Nga giận Nga ở nhà thì khốn. Anh lặng lẽ đạp xe đi, lòng vui như mở hội. Chị Ngàn chở Nga chạy song song bên cạnh. Anh nghe hai chị em trò chuyện thì thầm với nhau, chốc chốc lại bật cười khúc khích. Anh chẳng biết Nga và chị Ngàn nói với nhau những gì nhưng tự dưng anh bỗng muốn bật cười theo.

Cho đến khi vào trong rạp chiếu bóng rồi, Khải vẫn thấy người lơ lơ lửng lửng. Anh không tự cắt nghĩa được tại sao hôm nay Nga "tốt" với mình như vậy. Hay là chiến dịch "tấn công từ xa" của mình đã bắt đầu có hiệu quả. Theo "qui trình" đã tính toán, Khải chinh phục tình cảm chị Ngàn trước, rồi tới Ngoạn, sau đó tới "ông già" và cuối cùng mới "lấn chiếm" tới Nga. Nhưng về khoản "ông già" thì đến nay Khải vẫn chưa tiếp cận được. Ông thoạt ẩn thoạt hiện cứ như thám tử Sherlock Holmes, Khải "canh" mệt muốn chết.

Thằng Ngoạn thì nửa nạc nửa mỡ, chẳng biết đường nào mà lần. Đối với Khải, nó luôn luôn giữ một khoảng cách vừa phải, không xa xôi mà cũng chẳng gần gũi. Mỗi lần Khải đưa vé xem phim, xem ca nhạc thì nó đi, không thì nó lẩn. Khải chẳng có cách nào lân la, "dụ dỗ" nó được. Đỡ một cái là lúc này nó đã bớt tru tréo cái cụm từ "bạn chị Ngàn" mắc dịch kia. Tóm lại, đến nay chỉ có chị Ngàn là... theo phe Khải. Nhưng được sự ủng hộ của mỗi một chị Ngàn thì còn khuya mới đến đích nổi! Lâu nay, Khải vẫn không ngớt than thầm về sự tiến bộ chậm chạp đó.

Thế mà chẳng hiểu sao hôm nay, Nga "đầu hàng" sớm như vậy trong khi theo nhận xét của Khải, sự đề kháng của Nga chẳng có dấu hiệu gì tỏ ra suy yếu. Hay là Nga đã đến thời kỳ biết... rung động. Mình tới nhà thường xuyên, thoạt đầu Nga thấy ghét, nhưng dần dần Nga nhìn hoài quen mắt, thấy bớt ghét, và rốt cuộc chuyển qua... thương. Ông bà chẳng nói "đẹp trai không bằng chai mặt" là gì! Trong khi đó, mình vừa "chai mặt" lại vừa "đẹp trai", thứ nào cũng có, bảo Nga không xiêu lòng sao được! Suốt buổi chiếu phim, Khải cứ ngồi suy nghĩ lung, chẳng biết trên màn ảnh có những gì.

Càng nghĩ ngợi, Khải càng tưởng tượng ra đủ thứ, thứ nào cũng "phấn khởi". Phấn khởi nhất là hôm nay Khải được ngồi kế bên Nga. Mọi lần, Khải ngồi kế thằng Ngoạn bẻm mép, rầu chết được. Khi nãy, chị Ngàn ý tứ đi phía sau, nhường cho Khải và Nga vào trước. Nhờ vậy, Khải được ngồi gần Nga. Ngồi gần trong rạp hát đàng hoàng, hệt như Roméo và Juliette, chứ không phải ngồi gần "bất đắc dĩ" như thằng quỷ nhỏ. Ngồi gần nhau trong lớp thì chỉ là bạn bè thôi, chứ ngồi gần nhau trong rạp hát thì rõ chẳng phải là bạn bè. Chẳng phải là bạn bè nhưng là cái gì thì Khải không dám nghĩ tiếp. Nga ngồi sát rạt bên Khải, Khải sợ Nga sẽ nghe thấy những ý nghĩ trong đầu mình. Là cái gì thì về nhà mình sẽ nghĩ, Khải tự nhủ một cách sung sướng và láu lỉnh.

Lúc giải lao, đèn trong rạp bật sáng, Khải quay sang Nga, vui vẻ hỏi:

- Phim hay không?

Nga gật đầu, không nhìn Khải.

Thấy Nga khen phim hay, Khải hào hứng rủ:

- Phim tuần sau cũng hay lắm! Để tôi kiếm vé mời Nga đi xem!

Khải không ngờ Nga lắc đầu:

- Tuần sau Nga không đi nữa đâu!

Nga làm Khải cụt hứng. Anh nhìn Nga, ngạc nhiên:

- Sao vậy?

- Nga bận.

Khải nhíu mày:

- Bận gì mà bận suốt tuần? Cũng có ngày Nga rảnh chứ?

Nga đáp lấp lửng:

- Nga không biết trước được.

Câu trả lời của Nga chẳng có gì chắc chắn. Khải gặng hỏi:

- Thế đến chừng nào Nga mới biết?

- Chừng nào Nga biết thì Nga biết.

Giọng điệu của Nga khiến Khải thở dài. Đó không phải là câu trả lời. Đó là một câu đố. Có tài thánh Khải mới hòng giải ra. Niềm hy vọng của Khải bắt đầu bị lung lay. Từ nãy đến giờ, Khải đã tự ru mình vào một giấc mơ tuyệt diệu. Bây giờ, đột nhiên Nga "đánh thức" Khải dậy. Nga nói "chừng nào Nga biết thì Nga biết", Khải tỉnh liền. Và lập tức Khải thu mình vào sâu trong ghế, trở lại "thế thủ".

Để giúp Khải "phòng thủ" kín đáo, đèn trong rạp tắt đồng loạt, báo hiệu giờ giải lao đã hết. Ở bên cạnh, Nga và chị Ngàn tiếp tục xem phim. Còn Khải thì tiếp tục... nghĩ ngợi.

Khải không hiểu thái độ chập chờn vừa rồi của Nga mang ý nghĩa gì. Nếu Nga không thích Khải thì sao lại cùng Khải và chị Ngàn đi xem phim. Hay là Nga chán ngán? Vô lý. Chính Nga vừa khen phim hay đây mà! Hay là Nga... ngại ngùng? Tuần này đã đi xem phim với Khải, tuần sau lại đi nữa, Nga sợ Khải "coi thường" chăng? Có lẽ chính vì vậy mà Nga đã từ chối lời mời của Khải. Nhưng Nga cũng không từ chối hẳn. Nga chỉ nói lấp lửng. Khải chợt nhớ đến một câu nói, không biết của ai "khi người phụ nữ lắc đầu, có nghĩa là "có thể", còn khi họ nói "có thể" thì nên hiểu là họ gật đầu". Áp dụng câu nói tuyệt vời trên vào trường hợp của Nga, Khải thấy nó... trúng chóc. Hẳn Nga chỉ từ chối lấy lệ. Nếu mình kiên trì hơn chút nữa, Nga sẽ đồng ý ngay thôi.

Trong thoáng chốc, Khải thôi buồn. Cũng thôi ray rứt. Những ý tưởng rạng rỡ rủ nhau kéo đến mỗi lúc một nhiều. Chúng bay lượn trong trí Khải như một bầy đom đóm. Chúng chiếu sáng trưng. Sáng gấp mấy lần ánh sáng trên màn ảnh.

ổn định tư tưởng đâu đó xong xuôi, Khải ngước mắt nhìn lên, cố theo dõi nửa sau của câu chuyện trong phim. Bỏ mất phần đầu, bây giờ Khải chỉ hiểu lõm bõm, nhưng Khải vẫn cố căng mắt ra, thu nhận được chút nào hay chút nấy. Khải sợ lát nữa, khi ra về, chị Ngàn hoặc Nga trao đổi với Khải về nội dung phim, anh sẽ đực mặt ra như một thằng ngố.

Khải không biết rằng Nga cũng chẳng hơn gì anh. Nga ngồi dán mắt vào màn ảnh với vẻ chăm chú nhưng đầu óc Nga lại nghĩ ngợi đâu đâu. Khi nãy, Khải hỏi phim hay không, Nga gật đầu đại.

Trong thâm tâm, Nga chẳng muốn đi chơi với Khải chút nào. Nga không hiểu sao mình ghét Khải "dai" thế. Nhưng hôm nay Nga phải bấm bụng đi xem phim, chẳng qua là Nga muốn Quỳnh biết điều đó. Đằng nào, Ngoạn cũng sẽ kể lại với Quỳnh. Nhất là Ngoạn đang ấm ức vì bị Nga chiếm mất xuất mời quen thuộc của nó.

Từ ngày phát hiện ra tình cảm của Quỳnh, Nga rơi vào một tâm trạng hoang mang và sợ hãi. Mặc dù rất mến Quỳnh, Nga vẫn không thể nào tưởng tượng nổi anh là người yêu của mình. Cứ hình dung đến cảnh phải đi chơi bên cạnh một con người có cái mũi to tướng và hai vành tai cũng to tướng không kém, lại không ngừng ve vẩy, Nga bất giác rùng mình.

Quỳnh là một chàng trai tốt bụng nhưng điều đó không ngăn cản bạn bè sẽ chế giễu Nga. Trước đây, Luận chẳng đã châm chọc Nga và Quỳnh những "cú" nhớ đời đó sao! Mà đó là lúc giữa Nga và Quỳnh chưa có "chuyện" gì. Nếu... có gì, chắc chết! Rồi chị Ngàn nữa. Chị sẽ nghĩ như thế nào khi biết Nga lạnh lùng với Khải để chạy theo con người xấu xí kia. Hẳn chị sẽ cho Nga là một con điên.

Nhưng toàn bộ vấn đề không phải nằm ở chỗ đó. Cái chính là Nga. Trước sau, Nga chỉ xem Quỳnh là bạn. Cũng như Khải vậy. Quỳnh là người bạn dễ mến, Khải là người bạn khó ưa. Đối với Nga, đó là điểm khác nhau duy nhất giữa Khải và Quỳnh.

Khi Khải lì lợm "tiến tới" thêm một bước, Nga càng ghét Khải. Với Quỳnh, mọi chuyện không giống như vậy. Tình yêu của Quỳnh là một tình yêu cháy bỏng nhưng lặng lẽ. Nga biết được hoàn toàn do tình cờ. Và Nga chẳng cảm thấy ghét Quỳnh. Nga chỉ sợ. Nếu Quỳnh bộc lộ tình cảm ra như Khải, Nga sẽ dễ tỏ thái độ hơn. Đằng này, Quỳnh chẳng nói gì. Và có lẽ Quỳnh cũng chẳng biết Nga đã rõ mọi chuyện.

Trước một tình huống trớ trêu như vậy, Nga chẳng biết phải ứng xử như thế nào. Nga đành chọn giải pháp... xa lánh Quỳnh. Nhưng Quỳnh lại quá ngờ nghệch. Mới đây, anh lại đem băng nhạc tặng Nga. Chẳng còn cách nào hơn, Nga đành công khai đi xem phim với Khải. Nga hy vọng khi hay tin này, Quỳnh sẽ hiểu ra và anh biết anh nên làm gì.

Dĩ nhiên, cả Khải lẫn chị Ngàn, không ai hiểu được tâm trạng rối rắm của Nga. Thấy Nga chịu đi xem phim chung với mình và Khải, chị Ngàn mừng ra mặt. Chị vui vẻ trò chuyện luôn miệng. Cả Khải cũng vậy, mặt mày lúc nào cũng hí ha hí hửng.

Thái độ hào hứng của Khải khiến Nga có cảm tưởng như anh đã bỏ được trái tim của Nga vào trong túi mình rồi. Ý nghĩ đó khiến Nga cảm thấy bực bội. Vì vậy khi Khải rủ tuần sau đi xem phim, Nga từ chối ngay.

Chị Ngàn không biết cả Nga lẫn Khải đều say sưa theo đuổi những ý nghĩ riêng trong đầu hơn là theo dõi những diễn tiến trên màn ảnh. Cho nên lúc dong xe trên đường về, chị vô cùng ngạc nhiên khi thấy Nga và Khải ấp a ấp úng trước những câu hỏi của chị về nội dung cuốn phim vừa xem.

Và khi nỗi ngạc nhiên qua đi, chị gật gù, ranh mãnh:

- À, hóa ra mọi người ngồi thủ thỉ nói chuyện riêng với nhau suốt cả buổi phải không?

Chương 20

Nga đoán như thánh.

Hôm trước Nga đi xem phim với Khải, hôm sau Quỳnh biết liền. Anh buồn thỉu buồn thiu.

Thật ra, Quỳnh buồn chuyện Nga đi chơi với Khải thì ít mà buồn chuyện Nga tỏ ra lạnh nhạt với anh thì nhiều. Đối với Quỳnh, Nga đi chơi với ai, thậm chí Nga yêu ai, đó là chuyện riêng của Nga. Quỳnh sẽ buồn, nhưng Quỳnh chịu đựng được. Anh biết anh chẳng thể đòi hỏi gì hơn ở Nga. Anh biết anh chẳng bao giờ len lỏi vào trái tim Nga được. "Đặc ân" đó dành cho người khác, không phải dành cho anh.

Ngược lại, nếu Quỳnh có "cả gan" yêu Nga thì đó cũng là chuyện riêng của Quỳnh. Trái tim anh có "quyền" hướng tới một hình bóng và mơ tưởng vẩn vơ. Anh chẳng cần Nga đáp lại tình yêu của anh. Tự nó, nó sống được. Anh ấp ủ và nuôi dưỡng nó bằng những vần thơ chép đầy trong tập và bằng những giấc mơ mà anh không bao giờ kể lại với bất cứ ai.

Anh chỉ cần một điều: Nga hãy coi anh là bạn. Nga hãy trò chuyện với anh và đừng phũ phàng từ chối những chăm sóc thầm lặng của anh. Nga không giống những người con gái khác. Nga không xem anh là thằng hề chuyên làm vui cho lớp học. Vậy thì Nga hãy đừng đối xử với anh như những kẻ khác. Quỳnh thì thầm với chính mình. Đôi khi anh tưởng như anh đang bày tỏ nỗi lòng u uẩn của mình với Nga và Nga đang ngồi trước mặt vừa chăm chú nghe anh vừa mỉm cười dịu dàng và thông cảm.

- Trăm sự cũng tại cuốn tập chết tiệt kia mà ra!

Bất giác, Quỳnh buông lời nguyền rủa. Chính cuốn tập đó là nguyên nhân của mọi tai họa. Sau khi đọc được những vần thơ đẫm nhớ thương trong đó, thái độ của Nga đối với Quỳnh lập tức thay đổi. Mà mình thì đâu có muốn vậy. Mình đâu có muốn Nga biết rõ tình cảm của mình làm chi. Quỳnh phiền muộn nhủ thầm.

Những ngày sau đó đối với Quỳnh là những ngày rất đỗi nặng nề. Năm học sắp kết thúc mà người bạn gái duy nhất của anh chừng như mỗi ngày mỗi vuột khỏi cuộc đời anh. Mà trái tim anh thì mỏng mảnh như tơ trời, đâu có níu giữ được ai. Nga chỉ khẽ vùng vẫy, nó đã đứt tung.

Mà Nga thì cứ "vùng vẫy" hoài. Nga chẳng thèm nhìn anh. Nga chẳng trò chuyện với anh như trước. Và cứ hễ chuông reo báo giờ chơi thì Nga vội vàng bỏ ra khỏi lớp.

Mỗi lần như vậy, Quỳnh chỉ còn cách ngồi đưa mắt nhìn theo. Vẻ thẫn thờ của Quỳnh khiến tụi bạn ưa chọc phá đâm chán. Chẳng đứa nào thèm trêu ghẹo anh nữa. Hai vành tai của Quỳnh dạo này cũng "hỏng" rồi. Chúng bị "trục trặc" một bộ phận nào đó, bạn bè điều khiển chẳng như ý muốn nữa. Biểu chúng vẫy, hứng thì chúng nhúc nhích, không hứng thì chúng nằm trơ, y như xe chết máy, chán ơi là chán! Vài lần như vậy, tụi bạn lảng hết.

Một hôm, Luận bước lại ngồi xuống bên Quỳnh, tò mò:

- Làm gì mà mấy bữa nay mày buồn xo vậy?

Quỳnh chối:

- Tao có buồn gì đâu!

- Đừng xạo mày! Dòm mặt mày là tao biết liền!

Nghe Luận nói vậy, biết không thể chối được, Quỳnh ngồi im. Luận lại hỏi:

- Mày buồn nhỏ Nga phải không?

Quỳnh giật thót:

- Đâu có.

Luận tặc lưỡi:

- Mày chỉ giỏi chối! Tao biết mày buồn nhỏ Nga.

Quỳnh lại làm thinh. Anh khụt khịt mũi thay cho câu trả lời.

- Mày với nhỏ Nga lúc này không chơi với nhau nữa phải không? - Luận lại lên tiếng.

Quỳnh lặng lẽ gật đầu.

Luận thắc mắc:

- Sao vậy?

- Ai biết! - Quỳnh lại nói dối.

Luận ngẫm nghĩ một hồi rồi lại chép miệng:

- Chắc là tại tao.

Quỳnh lắc đầu:

- Không phải tại mày đâu! Lúc này mày đâu có trêu tụi tao nữa!

- Chính vì vậy mà nhỏ Nga mới nghỉ chơi với mày. Chứ hồi tao còn chọc mày, nhỏ Nga bênh mày ra mặt. Tao càng chọc, hai đứa mày càng "sát cánh" bên nhau.

Lối lập luận của Luận khiến Quỳnh tức cười. Nhưng anh không cười nổi. Luận lại nói:

- Vậy ngày mai tao bắt đầu chọc lại nghen?

- Thôi, thôi! - Quỳnh vội vã xua tay - Mày đừng có giở trò đó ra nữa!

Luận cười hì hì:

- Mày không muốn thì thôi! Nhưng tao phải làm gì để giúp mày chứ!

- Tao chẳng cần.

- Chẳng cần thì tao đi à!

- Ừ, mày đi đi!

Luận đi thật. Nó bỏ ra ngoài hành lang. Dòm qua cửa sổ, thấy Quỳnh ngồi ủ rũ, Luận lắc đầu. Nó chẳng hiểu sao bạn gái bạn trai chơi với nhau thế nào cũng có hồi xích mích. Luận thì Luận chẳng thèm chơi với bọn con gái. Luận chỉ thích chọc cho tụi nó giãy nảy lên thôi.

Cả Hạnh cũng băn khoăn về thái độ của Nga đối với Quỳnh. Trong một lần cặp kè với nhau ngoài sân, Hạnh hỏi Nga:

- Lúc này sao Nga cứ ra ngoài chơi hoài vậy?

- Thì giờ chơi, phải ra chơi chứ!

Hạnh "xì" một tiếng:

- Lúc trước đâu có vậy. Lúc trước Nga cứ ở hoài trong lớp.

Nga ậm ừ:

- Thì hồi trước khác, bây giờ khác.

- Khác sao?

Hạnh hỏi cắc cớ làm Nga không trả lời được. Nga ấp úng rồi nhăn nhó đáp:

- Thì khác chứ khác sao!

Hạnh liếc Nga:

- Khác là bây giờ Nga "nghỉ chơi" với Quỳnh chứ gì?

Túng thế, Nga phải gật đầu.

- Có chuyện gì vậy? - Hạnh hỏi dò.

- Chẳng có chuyện gì cả. Hết thích thì nghỉ chơi vậy thôi.

Vừa nói, Nga vừa ngó lơ chỗ khác.

Đột nhiên Hạnh khịt mũi:

- Nga giấu Hạnh đó thôi. Nhưng Hạnh biết hết rồi.

Nga quay lại, thấp thỏm:

- Hạnh biết gì?

Hạnh nheo mắt tinh nghịch:

- Hạnh biết tại sao Nga nghỉ chơi với Quỳnh! - Rồi Hạnh kéo dài giọng - Bởi vì gần đây Nga đi chơi với Khải.

Nga hoảng hồn:

- Ai nói với Hạnh vậy?

Hạnh chun mũi:

- Cần gì ai nói. Chính mắt Hạnh trông thấy đàng hoàng. Hạnh thấy Nga với Khải đi xem phim. Bữa đó Hạnh cũng đi xem phim mà.

Hóa ra là vậy! Nga than thầm và tìm cách chống chế:

- Hôm đó có cả chị Ngàn đi nữa.

Hạnh gật đầu:

- Ừ, Hạnh cũng thấy cả chị Ngàn. Nhưng chị Ngàn ngồi ngoài rìa. Còn Nga và Khải ngồi kế nhau.

Những chi tiết Hạnh nêu khiến Nga giật bắn người. Nga rủa thầm: nhỏ Hạnh này quỉ quái thật! Chắc là bữa đó Hạnh ngồi phía sau mà mình không biết! Hú vía, may mà mình và Khải chẳng có gì!

- Phải vậy không? - Hạnh cất lời, cắt đứt dòng suy nghĩ của Nga.

Nga hỏi lại, giọng cảnh giác:

- Phải chuyện gì?

- Phải đó là lý do Nga nghỉ chơi với Quỳnh?

Nga lắc đầu:

- Không phải vậy đâu. Hạnh hiểu lầm rồi. Giữa Nga và Khải chẳng có gì hết. Chỉ là bạn thôi.

Hạnh vẫn chưa hết thắc mắc:

- Bạn sao... thân quá vậy?

Nga thở dài:

- Nga đâu có thân với Khải. Nhưng vì Khải hay qua nhà chơi với chị Ngàn, hai người đi xem phim, rủ Nga đi theo cho vui vậy thôi.

- Té ra là vậy!

Hạnh gật gù. Bây giờ thì Hạnh tin lời Nga. Khi nói câu đó, vẻ mặt của Nga toát ra sự thành thật, thậm chí nó còn có vẻ buồn buồn. Nhưng nếu không phải vì Khải thì vì lý do gì Nga không thèm nhìn mặt Quỳnh nữa? Hạnh lặng lẽ đi bên Nga, trong đầu quay cuồng hàng trăm dấu hỏi. Nhưng rồi Hạnh cũng chẳng lần ra được đầu dây mối nhợ nào.

Trong khi đó, Quỳnh vẫn âm thầm chấp nhận số phận của mình. Anh chẳng trách Nga. Anh chỉ buồn. Từ trước đến nay, chưa bao giờ Quỳnh trải qua một nỗi buồn lớn lao như thế. Nó ngấm vào lòng anh từng giọt, từng giọt như tiếng mưa rơi rả rích trên mái tôn nhà anh vào những đêm đông lạnh. Trước khi gặp Nga, anh hồn nhiên biết bao. Anh thản nhiên chấp nhận cái vai mà bạn bè đã phân cho anh. Anh là đối tượng bị trêu chọc, anh bị xem như thằng hề chuyên mua vui cho đám đông. Anh chịu đựng tất cả những điều đó với sự lặng lẽ bình thản, mặc dù không phải không có lúc anh cảm thấy vô cùng khó chịu. Nhưng dù sao, đó cũng là những nỗi khó chịu thoáng qua. Chúng khác xa với tâm trạng day dứt khổ sở mà anh đang gặp phải. Trong nhiều đêm trằn trọc, Quỳnh hiểu rằng quên đi người mình ghét bỏ thì dễ nhưng quên đi người mình yêu thương là chuyện khó tày trời.

Quỳnh buồn. Nhưng Quỳnh cố nén nỗi buồn xuống đáy lòng để tập trung đầu óc vào việc ôn thi học kỳ hai. Buồn Nga mới chỉ một, học hành chẳng ra gì, Quỳnh sẽ buồn gấp đôi. Vì vậy, Quỳnh cố sức.

Những ngày này, tàng phượng trong sân trường bắt đầu trổ hoa, báo tin mùa hè đã đến. Lũ ve thi nhau ồn ã trên những nhánh cây cao. Không khí lớp học náo nức hẳn lên, đặc biệt là vào những ngày thi cuối cùng. Bạn bè trong lớp đã bắt đầu thôi nghĩ đến chuyện sách vở. Từng nhóm tụm năm tụm ba kháo nhau những kế hoạch vui chơi trong dịp hè sắp đến.

Chỉ riêng Quỳnh là chẳng có kế hoạch gì.

Luận hỏi:

- Hè này mày có đi chơi đâu không?

Quỳnh lắc đầu:

- Chắc tao ở nhà.

Luận nheo mắt, ngờ vực:

- Mày xạo! Nghỉ hè, ở nhà làm gì?

Quỳnh chép miệng:

- Tao ở nhà chạy xe với chú tao.

Luận bật "à" một tiếng. Nó sực nhớ đến hoàn cảnh khó khăn của bạn. Ngẫm nghĩ một lát, Luận cầm tay Quỳnh, lay lay:

- Vậy hè này tao sẽ đến chơi với mày.

Quỳnh thở dài:

- Tao chạy xe suốt ngày, mày đến chơi với ai?

- Thì tao sẽ đi theo mày. Khi nào mày mệt, tao sẽ đạp phụ.

- Thôi đi!

Quỳnh nói, giọng không giấu được cảm động.

Luận phẩy tay:

- Không có thôi gì hết! Hè này tao sẽ tới!

Luận nói cả quyết như đinh đóng cột.

Nhưng rồi Luận chẳng có dịp nào thực hiện được ý định tốt đẹp đó của mình.

Trước ngày bãi trường khoảng mười hôm, mẹ Quỳnh đi đứng loạng quạng sao đó, bị bé đập đầu vào ngạch cửa, đứt mạch máu não. Lúc đó, Quỳnh còn ở trường. Mấy đứa bé đang chơi trong nhà thấy vậy kêu toáng lên. Hàng xóm chạy qua, đưa mẹ Quỳnh vào bệnh viện.

Lúc về nhà, nghe mấy đứa nhỏ thuật lại, Quỳnh hốt hoảng chạy đến bệnh viện. Quỳnh gặp ông chú ở đó. Chú Quỳnh nói:

- Mẹ cháu số còn lớn. Gặp người khác, đứt mạch máu não chắc đi luôn rồi.

- Còn mẹ cháu thì sao hả chú? - Quỳnh lo lắng hỏi.

Chú Quỳnh thở dài:

- Mẹ cháu chỉ bị... liệt nửa người thôi!

Nghe vậy, Quỳnh òa lên khóc.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 262
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com