Chỉ mục bài viết |
---|
Chết Hụt |
Trang 2 |
Trang 3 |
Tất cả các trang |
Liên lại dẫn chàng đi qua một dãy hành lang hẹp, có chia từng phòng với cánh cửa đóng im ỉm. Theo mẩu đối thoại vừa rồi thì rõ ràng Liên không xa lạ gì với ngôi nhà này, nếu không nói là rất quen thuộc. Bởi thế, người đàn bà không cần chỉ căn phòng cho Liên. Chàng nghĩ có thể ngoài nghề đấm bóp ra, Liên còn bán thân để kiếm sống nữa. Trong lòng Tường lại dâng lên một nỗi u hoài về người thiếu nữ mới quen có quá nhiều bí mật trong cuộc đời.
Liên khóa trái cửa rồi ngồi phịch ngay xuống giường, vẻ mệt nhọc:
- Nằm xuống đây cho khỏe đi anh. Lát nữa chị ấy sẽ mang nước giải khát vô.
Chàng nằm uống bên cạnh Liên:
- Nhà Liên ở đâu?
- Em giống anh, ở tạm Sàigòn thôi. Nhà em mãi tận Mỹ-Tho kìa.
- Thế hai bác vẫn khoẻ chứ?
- Cám ơn anh! Em chỉ còn mẹ và một thằng em 12 tuổi, còn ba em mất rồi.
Tường thở dài:
- Xin lỗi Liên. Ba anh cũng mất khi anh còn nhỏ. Trong tâm trí anh không có một hình ảnh nào của ba anh cả ngoài một vài tấm hình mà mẹ anh còn giữ lại.
- Em thì khác. Ba em mất lúc em mới trên mười tuổi nhưng cũng chẳng có kỷ niệm nào đáng ghi nhớ. Lúc em chưa đầy một tuổi thì ba em bị đi cải tạo. Mãi hơn mười năm sau ba em mới trở về. Em vẫn còn nhớ khuôn mặt xương xương và thân hình tiều tuỵ của ổng. Được vài năm thì ba em lâm bệnh chết khi thằng em trai của em chưa đầy ba tuổi. Mẹ em tần tảo nuôi hai chị em cho đến khi em tốt nghiệp trung học. Mẹ em phần buôn bán nuôi con, phần thương nhớ ba em nên cũng đau ốm suy nhược. Em quyết định bỏ học luôn để phụ giúp với mẹ.
- Anh hiểu, gặp hoàn cảnh đó thì ai cũng hành xử như Liên. Anh cũng thế, vài năm sau ngày mất nước, anh cũng phải bỏ học để đỡ cho mẹ anh một tay.
Liên thở dài não nuột:
- Nhưng anh lại may mắn hơn, qua đến Mỹ và tiếp tục được việc học. Em thì vô phương. Ở cái xã hội này, có dính chút lý lịch thì không bao giờ ngóc đầu dậy được, cho dù học giỏi đến thế nào đi nữa. Anh biết không? Em là một trong năm học sinh giỏi toán nhất ở Mỹ-tho, vậy mà không thể ghi tên ở một Đại-học nào cả. Họ không nhận, viện đủ mọi lý do...
Có tiếng gõ cửa. Liên bước ra và mang vào hai ly trái cây xay, lạnh mát cả tay.
- Thế Liên lên Sàigòn làm nghề này liền à?
- Không anh. Đầu tiên em vào làm ở một xưởng may mặc. Lương cũng tương đối. Tiện tặn đôi chút thì gia đình em ở dưới quê cũng có chút đỉnh. Rồi định mệnh đưa đẩy khiến em nhảy qua cái nghề đấm bóp.
Chàng không dám đi sâu vào đời tư của Liên nhưng vẫn tò mò muốn biết định mệnh nào đã đẩy Liên vào công việc này.
- Có thể là nghề đấm bóp kiếm được nhiều tiền hơn nhưng, xin lỗi Liên anh hơi tò mò, Liên không thể kiếm được một việc nào đó phù hợp với khả năng của Liên ư? Đành rằng nghề nào cũng là nghề, mỗi người có một hoàn cảnh riêng anh không dám xét đoán nhưng anh thấy Liên làm nghề này không hợp một chút nào cả.
Liên mỉm cười:
- Sao lại không hợp! Anh thấy em đấm bóp cho anh hôm qua được không? Nghề nào cũng có cái khó khăn riêng. Em học được cái bí quyết của nó để kiếm sống và giúp gia đình...
- Đành vậy, nhưng anh nghĩ Liên vẫn có thể theo đuổi một nghề nào đó khác hơn nghề này?
Nàng hôn lên môi Tường:
- Chọc anh chút mà! Em biết nhưng có những chuyện em không tiện nói ra, sợ... anh hiểu lầm.
Tường nhỏm người dậy, chống tay lên cằm nhìn thẳng vào mắt Liên:
- Có gì mà hiểu lầm. Anh xem Liên như một người bạn nhưng nếu Liên thấy không tiện nói ra thì thôi.
Liên trầm ngâm không nói gì. Một lúc sau, nàng chậm rãi:
- Em quý anh là người thành thật. Hôm nay đi chơi rồi nằm tâm sự vụn với anh, lâu lắm em mới hưởng được một ngày thật bằng lòng. Cả một chuỗi đời của em, toàn những chuyện buồn. Anh xem, mới hai mươi bốn tuổi mà cuộc đời em quá nhiều gian truân. Khóc thì em cũng khóc nhiều rồi, đến một lúc nào đó thì lòng mình chai đá hẳn. Nhiều khi bị vùi dập quá, em muốn tìm lại một giọt nước mắt ngày xưa, khóc để tìm một chút thanh thản trong tâm hồn, nhưng không được anh ơi! Anh còn nhớ câu hát... khóc cho vơi đi những nhục hình... không? Có gặp những đau khổ như em rồi anh mới thấy thèm khóc, mới thấy nước mắt thật quý. Xã hội này không những chà đạp lên mọi giá trị của con người nhưng còn làm cạn khô nước mắt của lòng người nữa. Em không muốn kể lại cuộc đời em vì em sợ anh nghĩ em bịa chuyện, hơn nữa chuyện buồn của mình sao bắt người khác phải nghe. Anh về thăm nhà vui chơi thoải mái chớ chuốc lấy những phiền muộn làm gì!
Tường hôn lên bàn tay Liên, giọng nhỏ nhẹ:
- Anh đang nghe Liên đây.
Liên quay mặt lại nhìn sâu vào mắt Tường. Mái tóc đen tuyền rải xõa trên mặt gối trắng tinh chạy viền theo khuôn mặt đẹp dịu hiền của Liên. Chưa bao giờ chàng được ngắm một nét đẹp hiền hoà, thanh tú trong ánh mắt gần gũi đến thế. Giọng của Liên đều đều:
- Như em đã nói, em lên Sàigòn ở trọ nhà bà bác và đi làm trong một công ty cắt may xuất khẩu. Tiện tặn ra thì cũng dành dụm được chút đỉnh để gởi về cho gia đình. Cách đây hơn hai năm, mẹ em bỗng ngã bệnh nặng, cần phải có tiền để chạy chữa thuốc thang. Sồ tiền dành dụm bấy lâu nay dần dần hết sạch. Em túng quẫn quá, không biết xoay xở thế nào thì một người bạn trong sở làm giới thiệu em, qua một bà tú trung gian, cho một thương gia Việt kiều. Ông này ra giá mua trinh tiết của em với giá một nghìn đô la. Em bằng lòng ngay không cần suy nghĩ. May mắn với số tiền đó, thuốc thang một thời gian thì mẹ em khỏi bệnh. Mẹ em có thắc mắc về số tiền quá lớn, em chỉ nói vay mượn của bạn bè và em sẽ trả dần cho họ. Đến bây giờ, mỗi khi suy nghĩ lại, em vẫn không có gì tiếc nuối khi bán đi trinh tiết để một lần báo hiếu cho cha mẹ. Rồi từ đó, em sống buông thả, ngay cả việc bán thân để kiếm tiền…
Tường ngắt lời, ôm lấy Liên:
- Liên ơi! Sự hy sinh của Liên cao thượng quá. Trinh tiết chỉ là một biểu tượng cho tâm hồn của người con gái. Đối với anh, Liên vẫn trinh trắng như bao thiếu nữ khác, đâu đến nỗi mà Liên phải chọn nếp sống này.
- Cám ơn anh. Anh nói vậy em nghe mát dạ lắm rồi. Còn những điều khác có thể anh không bao giờ hiểu được em đâu! Thôi, bỏ chuyện đó đi anh. Một ngày sắp hết rồi, anh với em đâu còn thì giờ bao nhiêu nữa.
Tường giữ khuôn mặt của Liên bằng cả hai tay, đắm đuối nhìn nàng. Chàng nghiêng đầu hôn lên đôi môi mọng đỏ. Liên siết chặt người chàng, ngửa mặt nhận nụ hôn. Cả người Liên thoang thoảng hương thơm làm Tường ngây ngất. Người chàng rạo rực, nỗi thèm khát dâng lên cuồn cuộn. Đúng lúc Tường chuẩn bị dìu Liên lên đỉnh Vu sơn thì nàng giữ chàng lại:
- Đừng… anh!
- Anh muốn…
- Em biết, nhưng đừng…
- Sao vậy???
Liên bẽn lẽn:
- Em đang “bị” mà…
Tường nằm vật ra giường thở một hơi dài. Thân thể chàng đang nóng hừng hực bỗng nhiên nguội lạnh như bị vớt ra từ thùng nước đá. Chàng nằm yên, ngửa mặt nhìn trần không nói một lời nào. Nằm bên cạnh, Liên gục đầu vào vai chàng, hôn nhẹ lên cổ, bàn tay nàng vờn suốt vùng ngực trần của Tường. Nàng rướn người, nằm trườn lên ngực Tường, hôn phớt lên môi chàng. Tường hờ hững đáp trả vì lòng chàng đã dịu hẳn. Giọng Liên thoảng nhẹ bên tai:
- Khi nào anh quay trở lại thành phố này?
Thoáng trong câu hỏi, Tường nghe có chút bùi ngùi, luyến tiếc. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chưa đến hơn một ngày nhưng để lại trong chàng những ấn tượng khó phai. Tường hình dung đến những liên hệ ràng buộc mơ hồ nào đó mà định mệnh của hai người đã gắn bó. Mai đây, khi trở về ở phía bên kia nửa quả điạ cầu, chàng lại vùi đầu vào công việc thường ngày; trong khi Liên vẫn bôn ba kiếm sống với đôi bàn tay xoa bóp trên thân thể của những người đàn ông lạ. Đôi bàn tay đó đáng lẽ cầm được chiếc bút, vùi đầu vào đống sách vở mang trí tuệ để giúp ích cho đời thì quý biết bao! Bỗng dưng chàng cảm thấy xót thương cho số phận những nàng Kiều thời đại. Bao giờ mới hết thấy những cô gái vì sinh nhai đã phải lăn lộn trên vỉa hè đón khách mỗi đêm, sương ướt đẫm vai áo? Trong những cơn mưa tầm tã, che núp dưới hàng hiên, lo lắng vì một đêm ế khách, không mang được tiền về để giúp cha mẹ thuốc thang? Ôi! Sao thế gian có nhiều chuyện buồn quá?
- Có lẽ anh trở lại một ngày trước khi bay về Mỹ. Lúc đó anh mong là gặp lại Liên.
- Em cũng rất mong gặp lại anh!
Lại có tiếng gõ cửa. Liên bước xuống giường tiến về phía cửa. Nằm lại một mình trong phòng, Tường suy nghĩ mãi về thân phận con gái của Liên, trôi nổi, thăng trầm trên tuổi đời mới hai mươi bốn. Trong xã hội này, còn biết bao nhiêu cô gái long đong như Liên phải quăng mình vào chốn trụy lạc để kiếm sống. Tường mải suy nghĩ không để ý đến Liên, mà bây giờ, nàng đã bước hẳn ra ngoài phòng. Chàng cũng không nghe được mẩu đối thoại giữa Liên và chị chủ nhà ở phía bên ngoài cánh cửa:
- Em rảnh không, tiếp khách dùm chị đi.
- Phải Việt kiều không?
Người đàn bà nhỏ giọng:
- Đúng mà! Nhìn cái tướng là chị biết ngay. Hơn nữa, chả xài toàn tiền đô không hà?
- Em không cần biết chả xài tiền gì! Sòng phẳng là được! Nhưng phải là Việt kiều em mới tiếp.
- Chả chìa cái giấy thông hành to chành bành làm sao chị lầm được.
- Vậy thì nói chả đi đâu rồi độ tiếng đồng hồ nữa quay lại đây. Em tiễn người bạn về rồi gọi xe lại chị ngay.
Trở vào phòng, Liên dục Tường:
- Thôi! Mình đi anh ơi!
Những háo hức trong lòng đã dịu lại. Ngoài kia trời nắng gắt, mặc dù không khí trong phòng mát lạnh nhưng Tường vẫn muốn rời khỏi bốn bức tường tù túng và ngột ngạt. Ra đến ngoài, Liên gọi ngay chiếc xe tắc xi:
- Em đưa anh về nhà anh Quỳ. Em phải đi có việc. Tuần sau trở lại nhớ kiếm em nhen. Em hứa là sẽ chiều anh tất cả.
Trong lòng chàng bỗng dâng nên một nỗi chán nản cùng cực; chán thành phố này, chán tình đời, chán những cô gái buôn hương bán phấn. Tường buông xuôi:
- Ừ! Sao cũng được.
Trước khi đậu xuống đầu hẻm nhà Quỳ, chàng hờ hững hôn Liên, hẹn:
- Tuần sau, anh sẽ đến.
* * *
Về thăm nhà hơn tuần, Tường lại thấy háo hức muốn gặp lại Liên. Trở lại thành phố, chàng hăm hở đến tiệm đấm bóp kiếm Liên. Bà chủ nói nàng không còn làm ở đây nữa. Tường hơi ngạc nhiên và rủ Quỳ đến ngôi nhà lầu hai tầng mà cả hai nằm tâm sự, chị chủ cũng nói là chẳng thấy Liên từ hồi đầu tuần. Bây giờ thì Tường thật sự cuống lên. Cả thành phố khoảng bốn năm triệu người, tìm kiếm một khuôn mặt quen kể như là chuyện đội đá vá trời. Chàng không hiểu tại sao Liên đổi chỗ làm mà không để lại một lời nhắn nào. Tường đã có dự định cho một ngày cuối cùng ở thành phố này bên Liên thật nồng nàn trước khi lên đường trở về Mỹ. Tự nhiên chàng nhớ Liên quay quắt, nhớ đến cô gái có thân hình nhỏ nhắn với những trầm luân. Thành phố đã cuốn hút Liên vào nếp sống hỗn độn, buông thả và nàng bị nhận chìm tan loãng trong cơn lốc xoáy của đời. Còn Quỳ thì cứ gạt đi:
- Có gì mà mày tiếc! Không có nó thì có đứa khác. Để tao kiếm cho mày em khác xịn hơn nhiều. Coi chừng có ngày sẽ chết vì vài ba cái tình cảm vụn vặt đó, nghe mày!
Quỳ không hiểu và cũng chẳng bao giờ hiểu tâm trạng của chàng. Nỗi lòng nàng tâm sự với Tường nào Quỳ có biết; mà cho nó biết thì cũng vậy thôi. Tâm hồn Quỳ cũng dần dần hóa ra chai đá như Liên mất rồi; đúng như lời nàng nói: xã hội này không những chà đạp lên mọi giá trị của con người nhưng còn làm cạn khô nước mắt của lòng người nữa.
…Tường quay trở lại Mỹ đã được vài tuần. Chàng mải vùi đầu vào công việc thường ngày, lâu lâu nhớ lại một ngày ở thành phố với Liên, khẽ thở dài tiếc nuối. Chàng thèm ôm Liên một lần nữa trong vòng tay, để nhớ lại mùi hương quen thuộc vuốt ve khứu giác. Tiếng thở dài của Tường thoạt tiên nghe não nuột, mãi rồi chỉ còn thoáng chút chạnh lòng khi nghĩ đến Liên vì cuộc sống vội vã ở đây, phải lao theo nhịp độ của dòng đời. Cho đến một hôm, Tường tình cờ đọc được một bản tin trích báo trong nước đăng trên tờ nhật báo địa phương:
CUỘC TRẢ THÙ KHỦNG KHIẾP
Ngày hôm qua, 2/9/19.., công an quận hai phối hợp với sở công an thành đã càn quét một số cơ sở mãi dâm trong chiến dịch “làm đẹp thành phố”. Trong đợt này, khoảng 50 chị em ta bị bắt giữ và sẽ bị truy tố ra tòa vì tội bán dâm bất hợp pháp. Trong khi đi cung để ghi vào hồ sơ, Lê thị Bạch Liên đã khai báo với công an về tình trạng của thị như sau:
Theo lời thị khai báo thì thị đã sinh sống ở Sàigòn được hơn sáu năm. Thuở mới lên Sàigòn, thị làm việc tại một xưởng may mặc xuất khẩu nhưng sau đó ít lâu vì thiếu tiền thuốc thang cho mẹ đau yếu nên thị đã bán trinh cho một thương gia Việt kiều. Sau đó ít lâu, thị tình cờ đi thử máu tại bệnh viện Da Liễu và khám phá ra thị bị mắc bệnh SIDA, hay còn được gọi là AIDS. Lúc đó vì hệ thống quản lý của nhà nước còn lỏng lẻo nên những thành phần mắc bệnh SIDA chưa bị cô lập để chữa trị. Vì thế thị đã thoát ra ngoài xã hội. Vẫn theo lời thị, thị đã tuyệt vọng và đâm ra căm thù đời. Từ đó, thị chọn Việt kiều làm đối tượng để trả thù vì chính Việt kiều đã truyền bệnh cho thị. Cuộc gài bẫy thường bắt đầu từ những tụ điểm đấm bóp. Thị có nhan sắc và giọng nói truyền cảm nên khó có ai cưỡng lại được sự quyến rũ của thị. Rồi thị mang con mồi đến một địa điểm khác ở quận hai và gieo bệnh. Trong vòng hơn hai năm, thị kể là đã gieo bệnh cho khoảng trên dưới hai trăm Việt kiều. Cũng theo lời thị, trong suốt thời gian hận thù truyền bệnh, chỉ có một lần duy nhất thị “tha” cho một Việt kiều vì tính thành thật của anh ta. Được hỏi tại sao thị lại tự nguyện khai hết như thế? Thị nói là lần gặp gỡ với anh Việt kiều đó đã gieo vào tâm hồn thị một chút tình người, tuy nhỏ nhoi nhưng đẹp và thơ mộng…
Một luồng hơi lạnh chạy dài dọc theo sống lưng của Tường. Tim chàng đập cuồng loạn. Tường rùng mình. Chàng có cảm giác như máu đã đông cứng, không lưu thông được nữa. Bắp chân Tường tê nhức vì đứng lâu không cử động. Chàng đọc lại bài báo một lần nữa, rồi một lần nữa đến độ gần như thuộc từng dòng, từng chữ. Ôi! Đây có phải là Liên mà chàng gặp gỡ vài tháng trước đây hay không? Một lần nằm bên nhau nàng đã ngăn cản khi chàng đòi hỏi làm cái công việc tầm thường đó. Kỷ niệm một ngày sống bên Liên lại đổ về đầy ắp như mới hôm qua. Bí mật về cuộc đời của Liên phơi bày dưới ánh mặt trời và cùng một lúc chàng hình dung được những khổ đau và nỗi tuyệt vọng mà nàng phải gánh chịu. Tường không nghĩ nhiều đến chuyện chàng vừa chết hụt những lại cảm khái cho số phận và căn bệnh của Liên. Ôi! tội nghiệp cho nàng quá! Tường thẫn thờ thở dài khi nghĩ đến biết bao nhiêu cô gái nữa trên quê hương đang vướng phải căn bệnh chết người chỉ vì mục đích kiếm sống?
Và chàng bỗng có ý định quay trở lại ngay mảnh đất khốn khổ đó, gặp lại nàng để thì thầm bên tai hai chữ tạ ơn.
Hải Ngữ