watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
19:24:0728/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Cái Ve
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 3
Thanh đương mải chấm bài học trò ở cái hòm lớn đặt trên giường và dùng làm bàn. Ve phải nhắc một lần nữa, chàng mới nghe thấy và quay lại tươi cười nói:
- Cám ơn cô nhé. Cô để đấy cho tôi.
Ve cúi đầu, thỏ thẻ:
- Thưa thầy, thầy pha nước hay để làm gì?
- Tôi pha nước đấy, cô ạ.
- Thế con đi súc ấm nhé?
- Được, cô để mặc tôi.
Nhưng Ve đã nhanh nhẹn ra bàn nước mở cái giỏ làm bằng tre ghép, màu sơn quang dầu đã mờ sạm và trên đậy nắp vải nâu cũ, rách, để lòi cả bông nhồi ra. Nàng kéo lên một cái ấm Thanh Trì vòi thiếc cáu đầy cặn chè nụ, và mở vung ghé mắt nhòm, lẩm bẩm:
- Gớm! Tệ quá! Uống cạn chẳng để phần người ta lấy một giọt.

Tiếng "người ta" dùng để chỉ ông giáo Thanh mà Ve buột miệng thốt ra, nàng nghe như có chiều thân mật quá. Vì thế nàng đưa mắt liếc trộm xem Thanh có nghe rõ không. Thấy Thanh vẫn cặm cụi chấm bài, nàng mới yên tâm.
- Thưa thầy, con súc ấm tra chè mới nhé?
Thanh vẫn không ngửng lên, đáp:
- Cám ơn cô, thế thì còn nói gì nữa. Nhưng hình như chè hãy còn tốt đấy mà, bỏ sợ phí, cô Ve ạ.
Ve bóp mấy hạt chè bã:
- Thưa thầy, còn tốt đâu! Bã nát nhẽo ra rồi!
Ve dềnh dàng để được ở gần Thanh lâu thêm một lát nữa. Trong lúc nhà vắng đứng nói chuyện với Thanh, nàng coi như một việc thầm kín, vụng trộm, một việc có lỗi. ý nghĩ ấy làm Ve sung sướng, chân tay luống cuống. Nàng tra chè mới rồi rót nước vào ấm.
- Thưa thầy, con để đây, thầy chờ một lát cho ngấm đã rồi hãy uống.
- Được, cám ơn cô, cô cứ để đấy cho tôi. Nhưng này cô Ve, sao cô cứ xưng con với tôi thế? Tôi chỉ hơn cô độ hai, ba tuổi là cùng, cô xưng con với tôi như thế e không tiện.

Ve yên lặng đứng ngây người nhìn Thanh, và ngẫm nghĩ: "Thế nghĩa là gì? Đó là câu đùa bỡn trêu ghẹo, hay là lời đứng đắn tự nhiên?". Nhưng thấy Thanh vẫn cúi đầu chữa bài học trò, Ve liền rón rén lảng xuống bếp. Một lát sau, nàng lại lên nhà, rót chén nước chè nụ đầy bưng đến để bên cạnh ông giáo và lễ phép nói:
- Thưa thầy, nước chè ngấm, vừa uống rồi đấy ạ
Thanh ngửng đầu lên tươi cười đáp.
- Cám ơn cô nhé.
Ve giật mình vì vô tình nàng đã xây về phía Thanh nửa mặt có cái sẹo ở mí mắt. Nàng cúi vội đầu xuống rồi ngoảnh trông nghiêng.
- Ve!
Ve chạy biến vào trong bếp. Tiếng bác Cả réo từ ngoài đường réo vào:
- Ve! Con chết đâm ra đây tao bảo.

Ve sợ hãi bước lại gần, hỏi:
- Cái gì thế, bu?
- Cái gì à? Lại còn cái gì à, con quạ mổ?
Ve ngượng quá, đưa mắt nhìn Thanh, và thầm mong rằng Thanh mải chấm bài, không nghe thấy lời rủa mắng của mẹ.
- Thì tao hãy hỏi mày: mày mua na để làm gì, hử? Tiền đâu mà mua na, hử con ranh kia? Mày ăn bớt tiền chợ để ăn quà, phải không con đĩ?
Trong khi người mẹ nói một thôi một hồi, Ve chỉ đứng lặng, mặt tái đi nhìn quanh mình như để tìm cầu cứu. Bác Cả thét càng to:
- Con nỡm! Sao tao hỏi, mày cứ đứng ỳ thần xác ra như con câm thế kia?
Ve cáu tiết trả lời buông sõng:
- Làm gì có tiền mà mua? Ai mua? Rõ bu chỉ lôi thôi.
Bác Cả đặt phịch cái rổ thức ăn xuống đất, ngón tay trỏ sỉa sói vào mặt con:
- à, lại còn gái đĩ già mồm à? Tao đi qua hàng chị Thẽn, chị ấy bảo mày mua bốn xu hai quả na, rồi gửi chị ấy, chị ấy nhờ tao mang về cho mày đây này, còn cãi nữa thôi, con chết tiệt, con chết băm?

Ve cuống quít cãi liều:
- Ô hay, bu mới hay nhỉ! Có để cho ông giáo ông ấy chấm bài không?
Nghe nói đến mình, Thanh ngửng đầu nhìn: Chàng đã mục kích nhiều lần cái cảnh náo nhiệt giữa hai mẹ con bác Cả, nên những tiếng chửi rủa nhiếc móc tục tằn, chàng coi thường rồi, không lấy làm chướng tai, như buổi mới đến ở trọ nữa.
- Hay sao, mày bảo tao hay sao, con kia? Tao hãy hỏi mày: tiền đâu mày mua na?
Thấy Thanh nhìn mình, Ve vớ ngay lấy chàng như người sắp chết đuối với lấy mảnh ván trôi.
- Ông giáo đấy chứ...
- Ông giáo sao?
- Mua cho ông giáo đấy chứ!
Thanh thoáng hiểu tình cảnh một cô gái đi chợ ăn quà vụng mẹ. Chàng liền nghĩ cách cứu vớt:
- à, cô Ve, tôi nhờ cô mua na cho tôi, cô đã mua chưa?

Ve toan nói: "Đấy bu coi", nhưng nàng cảm động quá, chỉ ứa nước mắt, nghẹn ngào đứng im. Nàng không hiểu sao ông lại bênh vực nàng như thế, và bênh vực nàng như thế, ông ta có định ý gì không. Xưa nay có ai thèm thương hại nàng bao giờ đâu. Nàng ra chợ mất cắp, người ta cười chế nhạo nàng. Nàng bị mẹ mắng chửi, đánh đập, mấy người ăn cơm trọ khúc khích cười lấy làm thích chí như ngồi coi hát chèo. Thậm chí có khi nàng ngã sây sứt cả chân tay, mà những người qua đường cũng vỗ tay reo cười được. Không bao giờ, thực không bao giờ nàng được nếm chút tình trắc ẩn nó an ủi, vỗ về, xoa dịu lòng con người trong những giờ đau đớn.
Ve lại thuộc hạng người nhiều tình cảm. Thực là một tấm lòng yếu đuối, một tâm hồn ủy mị, chứa trong một hình thể cục mịch, một cốt cách thô sơ. Vì thế, Ve càng nhận thấy rõ rệt và cảm thấy thấm thía những sự đối đãi tai ngược và bất công của người đời. Nàng không sao thân mật được, như mẹ nàng, với cái hoàn cảnh nàng đương sống và đã sống gần hai chục năm nay, và có lẽ nàng còn sống mãi mãi cho đến khi già, khi chết.
- Thế nào, na của tôi đâu, cô Ve?

Sợ mẹ trông thấy sự cảm động của mình biểu lộ ra bằng hai dòng nước mắt, nàng bỏ chạy xuống bếp. Thanh mỉm cười thầm, cho là nàng ngượng với mình, vì có cái nết thứ tư của "cô con gái bảy nghề". Còn bác Cả thì vẫn chưa hết thét, tuy bác đã biết con bác không có tội.
- Ve! Con bé thế này thì thật. Sao ông giáo hỏi lại bỏ chạy, hử, con đĩ? Đấy, thầy tính nó hư đủ nết như thế, thì tôi không gào không thét làm sao được cơ chứ. Mua có hai quả na cho thầy cũng còn bỏ quên được mới nghe.
Vừa nói, bác Cả vừa cầm hai quả na còn cả lá, gượng nhẹ đặt vào khay nước.
- Thầy xơi ngay được đấy. Na đầu mùa chín tới ngon lắm.
- Cám ơn bà, bà cứ để đấy cho tôi.
- Thôi thầy ở nhà nhé. Tôi lại phải ra chợ. Đã mua bán xong đâu. Tôi chủ định về cho con bé một trận.
Dứt lời bác Cả vừa cười, vừa cắp rổ đứng dậy. Thanh tưởng nên hỏi một câu cho có chuyện, nhân tiện để làm thân với bà chủ nhà:
- à, bác đã được tin bác giai bao giờ về chưa?
- Về gì đây! Có về thì cũng gần Tết. Nghe đâu nhà tôi nó đã lấy vợ lẽ ở mỏ rồi thì phải.

Nói câu ấy, bác Cả không có giọng ghen tuông tức tối, như nói đến một việc thường xảy ra, và xảy ra một cách rất tự nhiên. Thanh toan hỏi một câu nữa, thì bác Cả đã ra khỏi cửa rồi. Chàng lại cúi xuống chấm bài.
Bỗng nghe lách cách động chén, chàng quay ra nhìn thấy Ve, liền mỉm cười nói:
- Na của cô đấy, mời cô cứ tự do xơi đi, bà Cả ra chợ rồi, cô không còn sợ hãi gì nữa.
- Không... tôi... mua...
Ve muốn nói: "Tôi mua biếu thầy", nhưng hổ thẹn, ngập ngừng, không dám nói dứt câu. Thanh tưởng nàng xấu hổ định chữa thẹn mà không tìm được câu ổn thỏa. Chàng đỡ lời:
- Cái đó là sự thường. Ai chả có lúc ăn quà? Vả lại ăn hoa quả tốt lắm, tôi nói ăn hoa quả chín, vì ăn hoa quả xanh rất độc rất dễ sinh bệnh, cô chớ có ăn hoa quả xanh vào.
Ve uất ức về nỗi oan của mình, mà không thể bộc bạch được.

Ban nãy, ra chợ, thấy có mớ na đầu mùa vừa chín tới, nàng nghĩ thầm: "Ông giáo Thanh rất thích na, ta mua cho ông hai quả". Nàng vẫn có cái vốn riêng hơn hai đồng bạc, góp nhặt lâu ngày bằng tiền mừng tuổi Tết, và các khoản ăn bớt tiền chợ cùng là tiền thưởng, tiền thuê vặt vãnh. Nàng bỏ ra bốn xu chọn mua hai quả na to nhất mẹt. Nhưng vừa trả tiền xong thì nàng nhận ngay ra điều này: "Làm thế nào đưa na cho thầy giáo được? Chẳng nhẽ mình biếu thầy ấy! Hay nói mua hộ thầy ấy? Nhưng thầy ấy có nhờ mình mua đâu? Mà nhỡ gặp lúc thầy ấy túng quá không có bốn xu giả lại mình thì thầy ấy ngượng chết."
Đương phân vân nghĩ ngợi thì thoáng thấy bóng mẹ ở đằng xa, nàng vội gửi tạm nhà hàng hai quả na, hẹn chốc nữa ra lấy.
Về nhà làm lụng và trong khi ngồi chờ ấm nước sôi, nàng chợt tìm ra được một cách rất tự nhiên, rất giản dị, là nói với ông giáo Thanh rằng có người gửi biếu. Ông ấy có hỏi ai biếu thì mình nói không biết, thế là xong.
Nàng mừng thầm, thấp thỏm đợi mẹ về chợ để ra lấy na. Chẳng ngờ đã xảy ra lôi thôi.
- Kìa cô xơi na đi chứ, chẳng ruồi nó bâu, nó đẻ trứng vào thì rồi nó sẽ nở ở trong ruột ấy.
- Gớm! Thầy chỉ...

Thanh mỉm cười:
- Hay cô muốn biếu ân nhân một nửa đấy?
Ve sung sướng choáng váng cả người, nói rất mau:
- Vâng mời thầy xơi, na ngon lắm, mời thầy xơi.
Ve bưng khay na đặt bên cạnh Thanh, nhắc lại một lần nữa:
- Mời thầy xơi.
- Ai lại thế! Cô ăn đi.
- Không, con cốt mua mời thầy xơi.
Thanh cho đó là một câu nói khéo, hoặc một câu nói để che đậy cái nết xấu hay ăn quà vặt.
- Vâng thì ăn. Nhưng hết bao nhiêu tiền rồi tôi giả cô đấy.
Và chàng nghĩ thầm: "Thế nào cô ả cũng ăn lãi được một, hai xu." Nhưng Ve chạy vụt xuống bếp, nói giọng nũng nịu:
- Không, con chả dám lấy tiền của thầy đâu.

 

III

Sáng hôm ấy, trước giờ đi dạy học, Thanh nhăn nhó bưng bát cháo nóng lên gần miệng húp một thìa rồi lại đặt bát xuống thở dài và rên se sẽ. Bác Cả cắp rổ ra chợ đứng lại hỏi thăm một câu lấy lệ:
- Thế nào ông giáo, hôm nay ông đỡ sốt rồi chứ?
- Cám ơn bà, tôi đã khá.
Thanh trả lời thế cho xong chuyện, vì biết bác Cả cũng chẳng lưu tâm cũng chẳng săn sóc gì đến mình. Thực ra, bệnh sốt của chàng từ chiều hôm trước đã tăng quá mau.
Chàng bỗng bỏ giở bát cháo, đứng dậy lấy mũ trắng đội. Nhưng đầu gối run lẩy bẩy chỉ chực khuỵu.
Chàng tức tối vứt mũ xuống giường, ngồi suy nghĩ, và rút chiếc đồng hồ vỏ sắt ở túi áo ra xem giờ. Rồi lắc đầu phàn nàn:
- Giời ơi! Khổ thân tôi chưa!
Giữa lúc ấy, Ve xách ấm nước chè nụ từ dưới bếp đi lên để bỏ vào giỏ. Lần đầu tiên, nàng nghe thấy ông giáo kêu khổ, người mà nàng tưởng không phút nào không vui vẻ, sung sướng, lúc làm việc cũng như lúc nhàn rỗi, vì nàng thường liếc mắt ngắm trộm ông giáo và thấy nụ cười luôn luôn nở trên cặp môi tươi, dù khi ông ta cặm cụi ngồi chấm bài học trò, hay gặp ngày nghỉ, ông ta chắp hai tay sau lưng, lững thững đi bách bộ bên rặng ổi bờ ao.

Thương hại, nàng hỏi:
- Thưa, ông mệt lắm?
Thanh quay lại ngơ ngác nhìn. Ve thoáng trông thấy đôi mắt đỏ ngầu, và bộ mặt xanh tái.
- Giời ơi! Thầy sao thế kia?
- Không, tôi có sao đâu.
Thanh với mũ, cắp cặp, cố gượng đi. Nhưng, lần được đến cửa, chàng thấy chóng mặt, phải vội víu lấy cánh cửa để khỏi ngã. Ve kinh hãi chạy lại. Nàng không dám đỡ, chỉ áy náy đứng nhìn.
- Thưa ông, dễ ông không đi dạy học được... Phải nghỉ...
- Không sao...
Thanh lại cố gượng đi. Nhưng lần này chàng ngã khuỵu xuống ngưỡng cửa. Không kịp suy nghĩ, giữ gìn, Ve đưa tay ra nâng Thanh đứng dậy, rồi thong thả dắt chàng lại giường.
- Đấy, thầy coi, thầy... không đi được.

Nghe lời nói cảm động và hơi thở mau, Thanh ngước mắt nhìn, mỉm cười cám ơn.
- Cô cũng ốm đấy à?
- Thưa thầy ... không.
Ve bẽn lẽn cúi đầu. Nàng xấu hổ. Thực ra nàng cũng nhận thấy mặt tai và chân tay nàng nóng rực lên. Lần đầu nàng được nâng đỡ một người đàn ông trẻ tuổi, và người đàn ông ấy lại là ông giáo Thanh, người mà nàng vẫn kính trọng, mến yêu thầm kín. Nàng sung sướng để thân thể Thanh uể oải đè nặng lên cánh tay nàng, và hơi thở hổn hển của Thanh nàng tưởng như lướt qua gáy và ngực nàng. Tim nàng hồi hộp đập mạnh, miệng, lưỡi nàng khô rát và tiếng nàng run run;
- Ông... ngồi xuống... Con đi... rót nước... ông xơi nhé?
Nàng bưng lại đưa cho Thanh một chén nước trà khói ngát bốc lên. Thanh mỉm cười:
- Cám ơn cô... Không bao giờ tôi sốt nặng như lần này.
- Có lẽ ông bị cảm thử... Hôm qua nóng bức quá... Ông nghỉ thôi.

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 94
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com