watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:20:5928/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Cái Thời Lãng Mạn
Trang 2
Trang 3
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 3
Tôi rất mê anh Biền là chủ nhiệm hợp tác xã lúc bấy giờ. Là người có quyền mà không tham là hiếm lắm. Anh Phúc cũng đồng ý như thế nhưng lại bảo: "Lúc này cậu ta đang tham cái lớn hơn nên biết bỏ qua những cái nhỏ". Tôi hỏi: "Cái lớn hơn là cái gì?" Vẫn cái giọng dửng dưng: "Trẻ hám danh, già hám lợi, cái lý là như thế!". "Thế còn ông Tuy Kiền?" Anh Phúc mủm mỉm cười: "Ông này thì hám lợi đứt đuôi rồi, nhưng có đáng là bao, ai chả thế. Có tức là tức cái đứa không làm gì mà lại ăn rất bẫm kia". Khi tôi hỏi anh vì sao nhiều gia đình không dốc hết sức mình vào sản xuất nông nghiệp, lại chạy ngang chạy dọc như một thứ tiểu thương ở nông thôn thì anh đáp: "Không làm thế có mà đói to, anh cứ nhìn mấy thằng em tôi ngồi ăn thì biết". Tôi nói: "Dốc hết sức vào cây lúa tự khắc sẽ đủ ăn. Người trồng lúa không đủ ăn còn ai đủ". Lại cười, cái cười lấp lửng đến là nhiều ý nghĩa: "Cái lý chung là như thế, nhưng trong thực tế chưa hẳn đã là thế" - "Vậy cái thực tế ấy là thế nào?". Anh đắn đo phải một lúc mới trả lời, là do đã tin tôi lắm, đã thân với tôi lắm nên mới trả lời, còn ngồi chỗ khác với người khác dễ gì dám nói. Mà nói làm gì, nói xuôi thì không thể, nói ngược chỉ hại đến thân thôi. Đại để, theo ý anh Phúc, nơi nào ruộng đất có ít, người phải nuôi lại nhiều thì nên để nông dân tự lo lấy miếng ăn của họ. Một nhà người, già trẻ lớn bé, xúm quanh một mảnh ruộng, bóp từng hòn đất, nhổ từ cọng cỏ, mài đến nhẵn bóng mọi góc bờ làm gì mà không đủ ăn.

Có mấy thước vườn còn nuôi sống được người huống hồ những mấy sào ruộng! Đất đã ít lại tập thể, lại họp hành, lại đấu tranh, rồi biểu đồ này thống kê nọ, rồi tính rồi toán, cứ rối như canh hẹ, rút lại có cái cốt tử là miếng ruộng thì để nó đứng trơ một mình như con côi con ghẻ. Anh nói: "Cái của ngọc thực vốn bện hơi người, mà phải là hơi người quen chứ không nên là hơi người lạ, mới ra hoa ra quả được. Anh cứ ngẫm mà xem...".
Năm ấy, tôi biết mấy ông xã không thích tôi đi lại quá nhiều với gia đình ông Phúc. Có thể vì nhà ấy đông anh em quá, họ hàng thân sơ của một chi cũng đã chiếm đến góc làng. Lại cũng không phải là những người ngu hoặc quá hiền, việc gì cũng biết, chuyện gì cũng tường, không nói thì thôi, đã nói rất khó bắt bẻ. Lại cũng có thể anh em nhà họ là gia đình kháng chiến, thực hiện các chính sách rất nghiêm chỉnh, nhất là chính sách nghĩa vụ quân sự, đời cha đời ông không làm điều gì phi nhân thất đức, nên họ có quyền chỉ trích, có quyền phản đối, có quyền phát đơn kiện tụng nếu họ muốn mà không một ai dám ngăn trở hoặc đe nẹt. Nên mấy ông làm việc ở xã mới ngại, mới ghét, không muốn một anh nhà văn nhà báo lui tới chơi bời với anh em họ, sợ sinh biến.

Tôi thích lai vãng tới gia đình này chỉ vì một lý do rất đơn giản: Tôi đang mê say người em thứ tư của anh Phúc mới ở bộ đội về, tên là Khang, sẽ là một mẫu người lý tưởng của tôi trong một truyện nào đó, sắp tới. Đã tính thế. Thêm nữa, đến với anh em họ rất vui, những đàn ông là đàn ông, ra vào nguềnh ngoàng, ngồi đâu cũng có người, đứng đâu cũng gặp người, toàn là người thích nói vui nên mình cũng vui lây. Chỉ nói vui thôi chứ không nói xấu một ai, châm chọc một ai, hoặc bàn luận việc này việc nọ của xã mà họ không bằng lòng. Tôi biết là anh em họ không bằng lòng nhiều chuyện nhưng họ chỉ nói nhỏ với nhau thôi, chắc vậy, chứ không để lọt vào tai người ngoài. Chẳng phải vì sợ mà chỉ vì họ không thích thế.

 

3.

Mấy chục năm sau trở lại, nhà rộng hơn xưa nhiều, mấy đứa em đã có những cơ ngơi riêng, nhưng nhà vẫn chật, vẫn rất là lắm người vì một dãy con trai đã trưởng thành. Rồi hai đứa đi bộ đội mới về. Đứa làm nhà máy đã ở riêng nhưng vợ chồng nó vẫn bế con sang gửi ông bà và xin ăn một bữa cơm trưa. Vẫn là một gia đình rất vui, toàn nói những chuyện vui. Chả biết ông chủ có được vui không, xem chừng ông bằng lòng với số phận, mà đã bằng lòng là lại tìm ra những cái cớ để vui. Nhìn anh Phúc đi đôi guốc mộc cao, lần theo vách nhà bước xuống hiên, rồi từ hiên víu lấy cái má cột thả dò dẫm từng chân xuống mà sợ. Con cái thì ngồi cả đống, chả thấy có đứa nào chạy ra dắt đỡ. Tôi bảo thằng con thứ hai làm ở nhà máy phân lân: "Xem bố mày đi đâu kia!" Nó cười: "Đừng có mó máy vào người ông ấy mà nghe chửi. Ông không thích có người dắt". Tôi nói: "Lỡ ngã thì chết". Nó vẫn cười: "Có mình ngã chứ bố cháu làm sao mà ngã". Mù mà vẫn sạch, chỉ có rửa mặt với chân tay trước lúc ăn cũng phải kỳ cọ cả giờ. Gia đình và tôi ăn cơm ở bàn, còn ông chủ xin phép được ăn riêng, một bát cơm đã có sẵn thức ăn, một đôi đũa bày trên cái khay nhỏ do bà vợ bưng lên để bên cạnh. Ông chủ ngồi co chân một góc giường, bát cơm đặt hờ trên gối, cúi đầu và thong thả từng miếng nhỏ, cái đầu như rất nhẹ, cả thân người vừa bé vừa nhẹ, dầu đã cạn rồi, chỉ còn cháy bằng cái tàn than ở đầu ngọn bấc thôi. Quay lại với mấy đứa con anh Phúc ngồi hầu cơm ông nhà báo, bạn cố tri của gia đình, mà buồn cho mình quá. Vì cái cháy lên của tôi trong trò chuyện với chúng nó đã khó nhọc lắm, cháy lên để tỏ ra mình chưa lụi, chưa thể lụi, kỳ thực cũng đã bắt đầu cháy bằng cái tàn bấc rồi. Cả ba thằng đều cao lớn, đẹp đẽ, lại râu cằm, lại ria mép, cái nhìn từng trải, cách nói lịch thiệp, khôn ngoan hơn các chú nó ngày xưa nhiều, mới biết thời thế đã đổi thay, một đời người là ngắn ngủi. Đã ngắn lại còn những mơ mộng hão huyền, những tham vọng vớ vẩn, những việc làm vô ích và buồn cười nên lại càng ngắn. Lúc khôn ra, tỉnh ra, hiểu ra thì già mất rồi, làm lại không được, nên buồn, buồn và giận, giận mình là chính chứ không dám giận đời, đời vốn nó là thế, mãi mãi là thế, mình muốn cưỡng lại nên mới sinh ra nhiều sự hồ đồ, sinh ra ân hận, sinh ra buồn bực lúc tuổi già. Cái tuổi bắt đầu già...

Năm còn trẻ tôi nhìn các ông già như một đẳng cấp xa lạ, nể sợ và tò mò vì mình không thể biết, đã già bao giờ mà biết! Bây giờ tôi đã được đứng trong cái đẳng cấp cao quý đó rồi, nhìn lại bọn trẻ cũng vẫn nể sợ và tò mò dầu mình đã có nhiều năm là chính họ. Nhưng cái thời mình khác, cái thời họ khác, nghĩ ngợi và hành động không còn giống nhau, tưởng tượng về nhau cũng khó nên rất lạ. Với cái lạ, cái tò mò tôi đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng với một trong ba đứa con của anh Phúc, cái thằng theo tôi nghĩ là sắc sảo nhất, tự tin nhất, dám nói những điều mà bạn bè nó chưa dám nói. Tên hắn là Định, đứa con trai thứ tư của anh Phúc, năm nay hăm bốn tuổi, mới xuất ngũ năm ngoái, vừa đúng cái khoảng cách một lần đi và một lần về của tôi ở xã Đồng Tiến. Mắt xếch, cái miệng thật lém, da trắng, lại tóc dài, lại một chút ria loáng thoáng; cái áo pun màu xanh đậm, cái quần nhung nâu đã cũ, đi đôi dép Nhật, là một chàng trai của hôm nay, có thể sống rất thoải mái, rất tự nhiên như ở chính nhà mình bất cứ một thành phố lớn nào trong cả nước.

Tôi hỏi:
- Nhà này được chia mỗi vụ bao nhiêu cân thóc?
Định:
- Hơn hai tạ, một ngày công ở đây có sáu lạng rưỡi. Vụ nào được là cân mốt. Nhà này có mười hai miệng ăn, một ngày thổi bốn cân rưỡi gạo. Ăn được khoảng một tháng, còn lại năm tháng phải sống bằng những nguồn thu khác.
- Là những nguồn thu nào?
- Nuôi cá bột như thời chú mới đến đây ấy.
- Cái thời tao mới đến đây mày còn ở các nước Nam Nứ nào, làm sao mà biết?
Định cười, cái cười gống chú Khang nó hết sức:
- Đọc truyện của chú thấy viết lia lịa về cá con, cứ y như người của cái làng này.

Tôi nói trêu:
- Cái anh quẩy đôi thúng sơn vừa đi vừa lắc chả hợp chút nào với bọn mày hôm nay, bẻo lẻo như thằng bán cá con, hai mươi hăm mốt, con này tốt bốn mốt bốn hai...
Định hơi đỏ mặt nhưng vẫn cười cợt:
- Bây giờ văn minh hơn xưa nhiều rồi. Ví như nhà cháu có hai cái máy cô-le, bơm nước vào hút nước ra ao lớn cũng chỉ trong đêm là xong, mờ sáng cho cá vào sọt lót nilon, đặt lên xe máy mỗi bên một sọt, rú ga chạy vù vù tới các mối mua quen đổ cá, chỉ nửa buổi đã phấp phới lượn xe về. Cũng không phải đếm nữa, mà là cân, cân khô, con nào chết bỏ, làm ăn như thế chứ.
- Một vụ cá nhà mày được bao nhiêu tiền?
- Khoảng vài trăm ngàn.

Tôi kêu khẽ: "a", rồi lại hỏi:
- Còn nguồn nào nữa?
- Bán rau giống, su hào, bắp cải, cà chua, hành, tỏi... Nhưng phải đi xa một chút, ngược tàu lên tận Yên Bái, Phố Lu.
- Một vụ rau có được khá không?
- Như vụ vừa rồi, anh em cháu thu hai trăm ngàn.

Tôi lại kêu nhỏ: "a".
- Còn gì nữa?
- Nuôi lợn.
- Nuôi lợn thì vất vả đấy.
- Chả có gì là vất vả. Nhà cháu toàn bắt lợn từ bảy chục cân về nuôi, có lúc bắt hẳn một con tạ rưỡi. Vỗ thế nhanh, mỗi ngày lên một cân thịt. Gọi là "nuôi phục", khi hợp tác xã cần lúa đổi lấy thịt là mình có ngay. Hiện nay trong chuồng cũng có một con gần hai tạ.
- Lỡ đang nuôi nó chết thì sao? Lỗ to!
- Lỗ thế nào. ở xóm này có một nhà được mổ lợn. Nửa đêm gà gáy nhìn con lợn kém vẻ tươi là gọi ông ta đến bắt liền. Lợn ốm nhưng ông ấy vẫn trả giá như lợn khỏe. Gọi là mối quan hệ hữu nghị, giữa người nuôi lợn với người mổ.

Anh Phúc nói thêm:
- Còn là ngân hàng cho vay vốn của bọn chúng nó nữa đấy.
Tôi giương mắt nhìn Định:
- Là thế nào?
Định lại cười:
- Là bất cứ lúc nào mình cần tiền mặt cứ đến ông ta mà lấy. Lãi suất rất nhẹ.
- Có thể vay được bao nhiêu?
- Trăm ngàn, hai trăm ngàn, tùy người.
Tôi lại "ồ" rồi quay sang hỏi anh Phúc:
- Mức sống bà con bây giờ so với năm nọ có khá hơn không?
- Hơn nhiều chứ, như nhà này cũng hơn, hơn gấp cả chục lần.

Tôi lại "a". Và lại hỏi:
- Đã có tủ lạnh chưa? Có ti vi chưa? Là hỏi khiêu khích chơi chứ cái vùng bán sơn địa này làm gì đã có điện để dùng những thứ sang trọng đó.
Định hỏi lại, rất thản nhiên:
- Chú đã đến thăm nhà ông Biền rồi chứ gì, cái ông chủ nhiệm gương mẫu trong "Tầm nhìn xa" ấy?
- Chưa, nhưng mà sao?
Anh Phúc gắt:
- Mình biết việc nhà mình thôi, nói nhà người khác làm gì.
- Nói tốt thôi, nói về sự hơn hẳn của hôm nay so với hôm qua. Cháu chắc nhà chú ở thành phố Hồ Chí Minh không thể bằng nhà ông Biền ở xã Đồng Tiến được. Cái vỏ ngoài là phải thua đứt rồi, cái ruột trong cũng thua. Nhà chú có tủ gương lớn gỗ lát không? Có tủ ly chén gỗ lát không? Có giường nằm và sa lông đóng kiểu mới cũng bằng gỗ lát không? Nhìn vào trong nhà cứ vàng chóe. Rồi rađiô cát sét, rồi ti vi màu của Nhật. Không có điện hả, cái bình ắc qui dùng để làm gì nhỉ? Một tuần xạc điện một lần, ở thị trấn có đến mấy cửa hàng xạc điện.

Tôi lại "a" nhưng đã tư lự. Rồi tôi lại hỏi:
- Nhà bí thư xã thì sao?
- Cháu không biết.
- Nhà chủ nhiệm hợp tác xã thế nào?
- Cũng chưa đến bao giờ.
- Mày là đảng viên chưa?
- Chưa, nhưng cháu xin làm dân thường thôi, người dân lương thiện và làm tròn mọi nghĩa vụ.
- Có định đi đâu nữa không?
- Không.
- Có đang phấn đấu cho một mục tiêu nào không?
- Có chứ, làm giàu, đã giàu muốn gì cũng được mà không ai dám khinh.
- Mày có thích đọc sách văn học không?
- Có, nhưng là sách tình báo thôi. Bữa nào ra chú nhớ mua giùm cháu một ít sách tình báo... sách dịch, chú nhá, cháu sẽ xin gửi lại tiền chú theo giá mua chứ không theo giá bìa.

- Mày cũng biết nhiều nhỉ. Cho mình hỏi một câu cuối cùng: Mày có nhận xét gì về công việc của xã không? Có thắc mắc gì không? Xưa kia chú Khang mày ở bộ đội về là tìm hiểu ngay tình hình của xã.
Lại cười:
- Chú ấy là nhà cách mạng, muốn cải tạo, muốn thay đổi nhiều thứ lắm, nhưng là hồi xưa thôi, cháu nghe nói lại thế. Còn bây giờ hai chú cháu rất thông cảm nhau, chú ấy cũng đang quyết tâm làm giàu mà.
Tôi hơi cau mặt:
- Người già có quyền đứng ngoài cuộc một chút, nhưng bọn trẻ chúng mày chả lẽ lại thích đứng ngoài?
Nó vẫn cười:
- Muốn nhảy vào cuộc là phải đấu đá nhau, để giành chỗ. Cái chung chả biết có tốt hơn không, chứ riêng mình chắc chắn sẽ nhơ nhớp hơn trước.

 

4.

Tôi nắm lấy tay Khang mà nước mắt muốn ứa ra. Thời gian chả ủng hộ chúng tôi một tí nào. Chỉ phá phách thôi. Vòng tóc mềm mại đen mướt năm nào đã rụng sạch, chỉ còn lại cái trán rất hói khô nhăn. Mắt vẫn còn lấp lánh cái màu nâu nhạt nhưng đã có túi rồi, đuôi mép cũng chảy rồi, hàm răng còn nguyên nhưng như dài ra vì chân lợi đã co lại. Một ông bủ năm chục tuổi, xấp xỉ với tuổi bủ Sen, bủ Kiền năm tôi mới tới đây. Cũng năm gian nhà ngói, sân gạch, bể nước, giường nằm gỗ lát, salon gỗ lát, đồng hồ treo tường, còn khang trang hơn cả nhà anh Phúc. Và một bầy con, đứng làm hai lớp bịt kín lối xuống nhà ngang để nhìn một ông khách rất lạ đến chơi với bố. Thằng lớn nhất khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang cày vỡ mảnh vườn trước nhà cũng bỏ bò đấy chạy nhảo vào đứng cùng với các em, chốc chốc lại đưa mắt nhìn trộm tôi rồi lại nhìn nghiêng đi cười ngượng nghịu. Khang nói:
- Chúng nó biết bác đến từ tối qua. Phải nửa đêm mới về nhà chú Ninh, phải không?
- Tối được một lúc là về. Định sang anh ngay nhưng thấy nhà đã tắt đèn.
- Nhà tôi ngủ sớm, sớm dậy còn làm hàng.
- Làm hàng gì?
- Bánh rán. Dạo này mỡ đắt, đường đắt, đang định thôi.
- Nhà nhiều người, không làm thì ngồi chơi không à?
- Ờ, cũng nghĩ thế nên vẫn phải làm.

Tôi quay người ngắm nhìn bức tranh sống về một gia đình đông vui, những sáu đứa, nhỉnh hơn nhau một chỏm đầu, đám con trai cởi trần trùng trục, hai đứa con gái một lớn một nhỏ ăn mặc cũng lôi thôi. ở làng quê, làm nhà sắm đồ là quan trọng nhất, cho bằng anh bằng em, rồi mới đến ăn, sau ăn mới đến mặc.
- Chắc anh đã biết chuyện chúng tôi rồi chứ gì. Năm đứa là con của cô trước, thằng út là con của cô sau. Tôi đã nghĩ là phải chết trước vợ, mấy năm ấy tôi yếu lắm, toàn thổ huyết thôi, bảo là giãn phế quản. Nào ngờ lại góa vợ để rồi lại lấy thêm một đời vợ nữa.
Nhân vật Khang của tôi vừa kết thúc mọi sự phiêu lưu vặt vãnh trong địa hạt văn chương thì cuộc phiêu lưu thật sự trong đời sống mới bắt đầu. Mà những thử thách của cuộc sống mỗi ngày chả có văn chương nào tả nổi. Anh không ở lại xã mà cũng chẳng đi nông trường như tôi đã dự đoán một cách lãng mạn. Anh lấy vợ ngay năm sau đó rồi lên làm trên công an huyện. Làm cán bộ nhà nước vẫn nhẹ mình hơn làm anh cán bộ xã, có lương, có gạo, lại vẫn gần nhà. Tính như thế cũng được nhưng phải đẻ ít, hai con là vừa đủ. Vì cô vợ làm người của tập thể thì giỏi, làm người của gia đình lại vụng. Không biết xoay xở cho riêng mình là vụng. Đã vụng lại mắn đẻ, đẻ sòn sòn. Đẻ đứa con đầu, tức là cái thằng đang cày, thiếu sữa, phải nuôi con bằng sữa bò. Khổ rồi! Đến đứa thứ tư thì không còn gì để nuôi nhau nữa, khánh kiệt. Cứ mua mì thanh của anh em công nhân nhà máy về nấu với lá bánh tẻ rau khoai, chồng một bát loa, vợ một bát loa, ba đứa con ba bát nhỏ. Đẻ đến đứa thứ năm thì Khang mắc bệnh giãn phế quản, mỗi lần ho ra cả chén máu, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Vợ ở nhà cứ lầm lũi nuôi một bầy con, mỗi năm một túng thiếu hơn và không có tí chút hy vọng nào vào tương lai. Tương lai là bà góa. Bà góa trẻ với năm đứa con thơ, lại túng thiếu, lại không thể ngửa tay xin anh xin em mãi. Lúc lấy nhau như long như phụng, đẹp đôi đến trời phải ghen, bạn phải tị. Mà hóa ra...

<< Lùi - Tiếp theo >>

HOMECHAT
1 | 1 | 83
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com