watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
22:07:2528/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Trò Chơi Cút Bắt
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2
Nhìn cảnh người đẹp tận tụy chăm sóc, cưng chiều chồng mà Vua đau lòng xót dạ. Cũng may, chẳng bao lâu, thì có tiếng ngáy vang như sấm của tên đàn ông, khiến Vua mừng mừng tủi tủi rón rén lên tiếng :
- Em Ubbari ! em Ubbari !
- Nầy lão già kia ! người lầm rồi ! Ở đây chẳng có ai tên đó cả ! Hãy tránh ra xa, giữ yên tịnh để chồng ta ngủ !
- Ubbari chính là tên nàng đó ! Nàng nguyên là vợ ta…
- Ê ! thằng già dịch ! Ngươi ăn nói bậy bạ, ta vặn họng ngươi bây giờ ! Ta đẹp đẽ sang trọng như vầy mà ngươi dám mở miệng nói ta là vợ của kẻ già khù, sói sọi, xấu xí như ngươi sao ?
- Nàng ơi ! Ta tạm mang thân nầy thôi, chớ thực ra ta là loài người !
- Xí ! Loài người hả ! thứ quái vật xấu xa đó có gì quí giá mà ngươi khoe khang !
- Ta là Vua của loài người, cai trị một đất nước hùng mạnh, phồn thịnh và sung túc. Nàng kiếp trước là vợ ta, là bực mẫu nghi thiên hạ, quyền uy tột bực, được muôn người hầu hạ… Ta thương yêu nàng khôn nguôi, nên tìm đến đây đưa nàng trở lại kiếp người mà an dưỡng giàu sang phú quí…
- Hứ ! Làm gì có xứ sở nào mà đẹp đẽ, thơm tho, sung sướng hơn xứ sở nầy! Làm gì có người chồng nào đẹp trai, anh hùng hơn người chồng nầy ! Dù người nói thật, thì ta cũng chẳng thèm mơ mộng đến người nào khác, thế giới nào khác nữa ! Thôi đi tên già dịch ! đừng có mong bịa chuyện hoang đường để dụ dỗ gái tơ nữa ! Hãy tránh xa đi, nếu cứ nói dang ca ta sẽ gọi chồng ta thức dậy trị tội ngươi đó !
- Ubbari ơi ! ta chính thực là chồng nàng ! chỉ có ta mới thực sự yêu nàng chí tình tha thiết mà thôi !
- Ê ! cha già nầy điên khùng rồi ! ngươi mà lãi nhãi nữa thì đừng trách ta sao ra tay ác độc đó nghe !
- Xin nàng hãy tin tưởng ta ! theo ta trở về với loài người thì sẽ hiểu rõ đâu là sự thật…
- Anh ơi ! thức dậy mau lên ! có thằng cha già nầy nó cứ "thả dê" em hoài nè ! Anh trị tội nó đi !
- Cha già nầy tới số rồi ! tao quyết vặn cổ mầy ! mổ bụng mầy !, tiếng tên đàn ông giận dữ hét vang.
Nhìn vẻ mặt hung tợn, thân hình vạm vỡ của tình địch, Vua đâm ra sợ hãi cuống cuồng nắm tay vị sư già chạy trối chết. Trong vừa vượt khỏi vũng "hương mã thủy", thoát cái Vua biến trở lại hình người, mình mẫy lấm lem sực nức mùi phân và nước tiểu ngựa hôi hám, mà chẳng lưu tâm. Vua vẫn kinh hoàng tiếp tục chạy một mạch về hậu cung, rồi ngẩn ngơ nhìn xác chết đã hôi thúi của hoàng hậu, buông tiếng thở dài.
- Như thế đó, tâu bệ hạ ! người ta tạo tác bao nhiêu ác nghiệp để cưng chiều xác thân nầy, nhưng cuối cùng thì có ai giữ mãi được đâu ? Người ta phải liệng bỏ thân xác, và cả tài sản, danh vọng, thân quyến… để tùy theo nghiệp lực cuốn lôi mà trôi nổi trong lục đạo luân hồi…
Vua sực tỉnh cơn mê, quỳ lạy cảm tạ nhà sư, thì chỉ còn thấy bóng dáng của người lẫn khuất xa xa…
Sư Thạch Phen chuẩn bị mẫu chuyện đạo chu đáo, hi vọng qua câu chuyện Phật tử sẽ nhận chân được lẽ vô thường mà cũng thấm nhuần lý nghiệp báo, hầu luôn luôn khởi tâm niệm làm lành, tránh xa điều dữ. Thấy vẻ mặt vui tươi hớn hở của Điền, sư hi vọng tìm được người góp ý cho thời pháp linh động hơn, nên vội cất tiếng hỏi han :
- Con có nhận xét gì qua chuyện vua Assaka !
Điều trớ trêu là Điền, tuy vẫn thường viếng thăm chùa chiền, nhưng chàng trai trẻ "yêu cuồng, sống vội" đó, trong lòng lúc nào cũng hừng hực chuyện tình yêu nóng bỏng, còn lý vô thường vô ngã, lý nghiệp báo nhân duyên… thì chẳng mảy may nhớ nghĩ đến. Đang lởn vởn trong đầu mối tình vương giả, Điền thành thật đáp :
- Vua Assaka hay thiệt ! Ông dám đánh đổi nửa giang san để cứu mạng người yêu, kể ra cũng đa tình đáo để !
- Đa tình thì có ! nhưng coi bộ hèn quá ! Chẳng dám liều mạng sống chết vì tình thì cũng chẳng ra gì ! Kim Hên thích chí bổ túc.
- Đúng vậy ! yêu thì phải "hùng", dám liều mạng vì tình ! dẫu có chết thì cũng làm thứ ma "phong lưu trang nhã" !
Hai người đẹp : Kim Sa và Lọp rạng rỡ nghe hai chàng trai tán dương thuyết si tình, trong khi sư Thạch Phen ngao ngán thở dài, thương cho kẻ dại khờ, đang mờ mịt đắm chìm trong vòng tình ái nghiệt oan… Để tránh thời pháp khỏi chuyển biến thành buổi mạn đàm về tình ái lăng nhăng, sư Thạch Phen vội cắt ngang phần thảo luận, rồi tiu nghỉu tuyên bố chấm dứt thời pháp.
Trời chiều mát mẻ, bọn trẻ rủ nhau ra ao Bà Om ngoạn cảnh. Vừa đến nơi, hội ý cái nháy mắt ám hiệu của Điền, Hên vội đưa cô giáo Lọp đi riêng về hướng rừng thưa. Điền và Kim Sa, tiếp tục đi chầm chậm trên con đường đất lồi lỡm đấp quanh bờ ao. Hai người ngây ngất hàn huyên đủ mọi đề tài, đề tài nào cũng hấp dẫn đặc biệt cả, dù đó là chuyện phấn son duyên dáng hay chuyện lính tráng hào hùng. Mỏi chân thì họ dừng lại dưới tàng cây dầu, cây sao già. Hồ rộng, cây to là hai ưu điểm của ao Bà Om. Loại cây tuổi trên hai trăm năm nầy, vẫn ngạo nghễ vươn mình cao ngất rợp bóng mát cả vùng, mà mớ rễ to chằn chịt trồi lên mặt đất lại chu đáo biến thành thứ ghế ngồi thiên nhiên ngộ nghĩnh dị kỳ. Hai người rủ nhau ngồi lắt lẻo trên một cái rễ nhô cao lơ đảng ngoạn cảnh hồ. Cả hai bỗng chú ý đến đôi le le đang tung tăng bơi ra giữa hồ, trững giỡn lặn hụp trong vùng sen chen chúc lá xanh, điểm vài đóa hoa trắng lác đác. Chàng le le bỗng "nịnh đầm" âu yếm rỉa lông nàng, khiến cô nàng e lệ gục gặc đầu…
- Đôi le le nầy ! hạnh phúc anh nhỉ !, Kim Sa lên tiếng.
- Tuyệt thật ! Ước gì chúng mình…
Điền đáp nửa chừng rồi bỏ lửng, vì thật ra sự lặng yên đó lại chuyên chở tình ý miên man hơn. Tình yêu đến với họ dễ dàng, tự nhiên mà dường như cũng kỳ diệu vô cùng. Chỉ mấy giờ bên nhau, mà Điền nghe nhu mình đã gặp gỡ, yêu nhau, thề thốt tự kiếp nào rồi.
- Điền ơi ! anh hứa suốt đời ta sống bên nhau nghen anh !
- Sống làm vợ chồng ! chết cũng thành ma vợ chồng ! Anh thề chẳng để ai cướp đoạt em đâu !

Kinh nghiệm xương máu từ Tết nguyên đán năm Mậu Thân, lệnh cấm trại một trăm phần trăm nghiêm khắc ban hành. Để bảo vệ cho đồng bào vui hưởng một ngày xuân an vui, đêm ba mươi, đơn vị địa phương quân của Điền cẩn thận chia nhau nằm bờ, ngủ bụi để đề phòng những hành động khủng bố tàn khốc có thể xảy ra. Tình hình nói chung có vẻ yên tỉnh. Ngoài những loạt súng nổ vang dội thay cho tiếng pháp vào lúc giao thừa, không có một vụ đột kích nào xảy ra. Trời sáng dần, không khí chiến tranh chết chóc nặng nề, nhường chỗ cho một ngày Xuân đầy mộng đẹp.
Trại lính nhộn nhịp hẳn lên. Những túp lều ọp ẹp của gia đình binh sĩ rạng rỡ với cụm vạn thọ, cành mai vàng. Đám trẻ con thường nhựt trần trụi cũng xúng xính áo quần mới. Người ta bắt đầu qua lại viếng thăm, long trọng chúc mừng năm mới. Náo nhiệt nhất là đám trẻ con, lo le phong bì đỏ đựng tiền "lì xì", gầm đầu quanh bàn lắc bầu cua cá cọp, cãi vã nhau chí chóe. Điền đang loay hoay diện bộ đồ "vía", chuẩn bị đi viếng thăm chúc Tết đơn vị trưởng, chợt có người cận vệ hấp tấp vào báo cáo :
- Trình thiếu úy ! quốc lộ số 4 tại ngã tư Sambour bị đấp mô ! lệnh tiểu khu giao cho mình phải cấp thời giải tỏa !
Điền tức bực buôn tiếng chửi thề "… Mẹ nó!", rồi đột nhiên chàng bỗng rùng mình, linh tính báo nguy một điềm hung hiểm khó lường. Chàng bức rức nghĩ mình đã sơ hở không cử người nằm kích ở điểm đó, và lo ngại, tai họa có thể đột ngột xảy ra cho người dân lành ngày đầu năm nếu họ bất cẩn vượt mô khi lính chàng chưa phá hủy kịp. Điền hấp tấp ra lệnh đàn em di chuyển ngay, mà vẫn chưa yên lòng, nên lại tất tả bước nhanh theo.
Niềm lo lắng của Điền vơi dần khi cảnh tượng những chiếc xe kiên nhẫn đậu dài dài, tương phản với vẻ mặt nhăn nhó sốt ruột của giới hành khách lăn xăn qua lại, hiện ra trước mắt. Chợt có chiếc xe lam ba bánh đầy người từ đàng xa trờ đến. Người tài xế thắng xe lại, ngần ngừ giây phút, rồi táo bạo lái xe leo lề chạy sát mí mô đất hung hiểm. Điền hốt hoảng, cất tiếng la ngăn cản nhưng chỉ còn kịp nghe thấy một tiếng nổ long trời, hất tung chiếc xe lam lên cao, bụi đất văng mù mịt. Điền hối hả phóng nhanh đến cấp cứu. Chiếc xe sụp bẫy mìn gãy đôi, thì con người có lẽ khó lòng sống sót. Thảm cảnh máu đổ, thịt rơi, tiếng kêu la khóc thét hãi hùng, đến nỗi những người lính chiến từng quen thuộc cảnh chết chóc nơi chiến trường vẫn lợm giọng buồn nôn. Người tài xế cấm đầu dưới ruộng, ruột gan lòng thòng. Trên mặt lộ lầy nhầy thân xác người hành khách bị gãy cổ, đứt lìa cánh tay chết tốt. Mấy người hành khách khác may mắn, thương tích đầy người nhưng tình trạng có lẽ không đến nỗi nguy kịch, đang rên rỉ, kêu khóc thảm thiết. Trong khi đó, dưới thùng xe lam lật úp, một nạn nhân còn bị kẹt cứng, chẳng biết mệnh hệ như thế nào ? Toán lính tự động phân chia nhau cứu cấp người sống sót, thu dọn xác chết và giải tỏa mô. Điền đích thân hô hào kẻ hiếu kỳ tiếp tay nâng thùng xe lam hi vọng cứu mạng kịp thời nạn nhân đang bị xe đè. Nhìn bàn chân kẻ xấu số vừa lộ ra, Điền liền cảm thấy có nét gì quen thuộc, gần gũi quá. Chàng muốn trốn tránh sự thật, dối lòng, không dám suy nghĩ gì cả, nhưng hình dáng Kim Sa vẫn lảng vảng ám ảnh chàng. "Còn sớm quá ! chắc nàng chưa rời nhà viếng thăm mình đâu !". Điền cố gắng tự thuyết phục mình, nhưng nỗi sợ hãi cũng tràn ngập khiến chàng run rẫy cả toàn thân. Điền bối rối lôi nhanh xác nạn nhân ra ngoài, rồi bỗng thất thanh ôm chầm gào thét : "Trời ơi ! em Kim Sa ! Ôi sao em lại ra nông nỗi như thế này !". Điền hốt hoảng kêu gọi nàng tỉnh dậy, sờ mũi, thăm dò nhịp tim của nàng… mà chẳng thấy tăm hơi. Điền khẩn cấp mang nàng về bệnh viện tỉnh cứu chữa nhưng chỉ nhọc công vô ích.
Niềm khổ đau hành hạ không nguôi, nhất là càng suy nghĩ, Điền lại càng tự trách mình là nguyên nhân để Kim Sa xuất hành ngày Tết rồi tử nạn. Đầu óc chàng căng thẳng như sắp nổ tung trước những ý tưởng dồn dập biến hiện đổi thay vùn vụt. Khi chàng bỗng mềm yếu khóc lóc thương cảm, lúc mơ ước tự sát theo nàng, và khi thì hùng hổ mưu tính việc sống chết báo thù bọn ác nhân. Dù vậy, Điền cũng tươm tất tham gia việc chung sự cho người yêu, với thái độ vừa trầm tỉnh vừa lạnh lùng.
Theo tục lệ người Việt gốc Miên, thân xác nàng sẽ được hỏa táng, nhưng gia đình nàng thương con không chọn thứ áo quan ván tạp thông thường, mà tẩn liệm nàng trong cái đỉnh (3) gỗ đắc giá, đặt người chết vào theo kiểu ngồi chồm hỗm, tay chân co lại, đầu chúi xuống, dáng điệu của một hài nhi trong bụng mẹ.
Ba ngày sau, quan tài nàng được đưa đến nhà thiêu Pachha cạnh chùa Wat Ong, để chuẩn bị lễ hỏa táng. Ông Acha (4) thay mặt thân nhân thỉnh sư Thạch Phen chủ lễ. "Giờ phút nghiêm trọng sắp đến, xác nàng rồi sẽ thành mớ tro tàn", Điền thầm nghĩ. Cơn khổ đau cùng tận bỗng bừng bừng nổi dậy dày xéo tâm tư khiến chàng ràn rụa nước mắt. Điền cắn chặt răng để đè nén khối hận thù đang muốn bật thành tiếng hét nguyền rủa bọn sát nhân khát máu, nguyền rủa cuộc chiến dơ bẩn và nguyền rủa cả cuộc đời phi lý vô nghĩa nầy. Sư Thạch Phen lặng lẽ chấp tay rồi lần lượt nhìn từng người, như để khuyên lơn, an ủi và chia xẻ niềm khổ đau của họ. Trong ánh mắt từ bi của sư, Điền còn cảm nhận được sự bình an vô bờ, bắt nguồn từ giòng suối đạo pháp tươi mát.
Sư Thạch Phen bắt đầu thuyết pháp và đây là lần đầu tiên trên đời Điền thực sự nghe pháp. Ngày trước, Điền ngồi cạnh người yêu nghe sư dẫn dụ về cái chết của hoàng hậu Ubbari, mà lòng hờ hững coi như sự sống chết chẳng chút liên hệ gì với mình. Giờ đây đang cơn oằn oại khổ đau, nội tâm rung chuyển kỳ lạ đã thúc đẩy chàng biết thành khẩn lắng nghe, hầu đón nhận diệu lý thâm trầm thấm sâu vào tâm tư mình. Sư kể câu chuyện Uraga Jãtaka (5), theo đó, cả gia đình của người chết đều ý thức rốt ráo lẽ vô thường nên đã đón nhận tin lìa đời của thân nhân bằng thái độ điềm nhiên thanh thản. Lời phát biểu của bà mẹ về cái chết của con, nhẹ nhàng và thâm thúy, đã ban cho chàng niềm an ủi sâu xa :
"Không ai mời mọc, nó đã đến !
Không ai đuổi xô, nó vội ra đi !
Đến như thế nào, nó đi như thế ấy !
Có gì mà tôi phải âu sầu phiền muộn ?
Khi con tôi hoàn tất đoạn đường nó đã trải qua !"
Thuyết pháp xong, sư bắt đầu tụng kinh siêu độ "Trây lak Khana Sotta" ba lần để nhắc kẻ sống người chết về lý vô thường, vô ngã. Sư rưới nước dừa lên cổ áo quan, rồi ra hiệu cho ông Acha châm lửa.
Ngọn lửa bùng lên cao. Cha me Kim Sa khóc ngất lên và Điền cũng ràn rụa nước mắt. Trong một thoáng Điền nghĩ là từ đây chàng sẽ vĩnh viễn mất nàng. Khổ đau và hận thù lại đùng đùng nổi dậy. Điền nghiến răng đè nén, mắt căm hờn long lên. Phiền não đang chất ngất dày xéo, bỗng Điền bắt gặp ánh mắt dào dạt từ bi của sư Thạch Phen nhìn chàng. Tình thương của sư, phong thái an nhiên của sư lần lần thu phục chàng, xoa dịu cơn khổ đau thù hận trong lòng. Nhờ tiếp nhận được nguồn suối bình an của sư, Điền bắt đầu lặng lẽ suy niệm những lời Phật dạy về cái chết, Điền lẩm bẩm : "Nàng đã đến, nàng đã hoàn tất cuộc hành trình, và nàng lại ra đi. Có ai sống mà không chết đâu ? Cớ sao mình lại phải đau buồn ?". Điền bình tỉnh nhìn dàn hỏa, chàng hình dung lại hình dáng nàng khi liệm. Tư thế ngồi như một bào thai trong đỉnh, bỗng gợi chàng một biểu hiện của tư thế sẵn sàng chuyển kiếp. Thế rồi, Điền chợt có cảm tưởng như mình đã khám phá ra ý nghĩa sâu xa của sự sống và chết. Sanh và tử chỉ là một chuỗi chuyển biến miên miên bất tận, nên thật ra cũng không sanh cũng không diệt, chàng chẳng hề được mà cũng chẳng vĩnh viễn mất nàng. Ôi tử sinh như thế đó : một cửa ngõ ra vào, một trò chơi cút bắt trêu ghẹo khách trần ai. Trên hỏa đài lửa vẫn phừng phực đốt cháy thân xác Kim Sa, nhưng hình như Điền cảm thấy lòng mình nhẹ hẳn ra. Trong ánh lửa lung linh, chàng cảm tưởng như từ tư thế bào thai, nàng Kim Sa đã bàng hoàng sống dậy. Nàng chẳng hề chết. Nàng vẫn an nhiên tự tại cất tiếng ca vang bài kinh "Không đến không đi" (6), một nhạc phẩm mà chàng và nàng đã có lần nghe những anh em Thanh niên Phụng Sự Xã Hội trình bày :
"Thân nầy không phải là tôi, tôi không kẹt vào nơi thân ấy.
Tôi là sự sống thênh thang, tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt.
Nầy kia, biển rộng, trời cao, muôn vàn tinh tú lao xao, tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức.
Từ muôn đời tôi vẫn tự do
Tử sinh là cửa ngõ ra vào
Tử sinh là trò chơi cút bắt.
Hãy cười cùng tôi, hãy nắm tay tôi
Gặp lại hôm nay, gặp lại ngày mai,
Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn
Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngàn nẻo sống……"
Tháng 1.1992

Ghi chú
Chôlchnam : lễ Vào năm mới của người Việt gốc Miên, nhằm vào mùa trăng giữa tháng tư dương lịch.
Truyện cổ tích Phật giáo về vua Assaka của người Việt gốc Miên không rõ phát xuất từ kinh sách nào. Trong quyển sách "Người Việt gốc Miên" của Lê Hương có ghi chuyện Vua Assaka và hoàng hậu Ubbari, nhưng chi tiết có vài khác biệt với chuyện tác giả nghe được.
Người Việt gốc Miên theo tục lệ hỏa táng nên cổ quan của giới bình dân thường chỉ dùng gỗ tạp, quàng từ một đến ba ngày thì đưa ra nhà thiêu xác (pachha). Đối với các vị sư sãi, hoàng thân hay những gia đình giàu sang, người ta có thể chọn loại cổ quan đặc biệt là đỉnh. Cổ quan nầy hình trụ, nắp hình nón chắc chắn nên có thể quàng cả năm, rồi mới đưa đi thiêu.
Acha : vị bô lão thông hiểu phong tục tập quán kinh điển, thường được dân làng kính trọng thỉnh làm chủ lễ cúng dường, tang ma, hỉ sự.
Uraga Jãtaka : Đây là chuyện tiền thân Đức Phật ghi lại trong bộ Túc Sanh Truyện, nội dung tạm tóm lược như sau : Gia đình người nông dân có người con bị rắn cắn chết. Cả nhà họp lại hỏa táng người vắn số, nhưng không hề khóc than sầu não. Vị Trời Đế Thích ngạc nhiên, hóa hiện để hỏi rõ từng người nguyên nhân nầy :
Người cha giải đáp : "Con người rời bỏ cái vỏ mỏng manh nầy khi đời sống trôi qua, cũng như con rắn lột da cũ bỏ đi. Không lời ta thán nào làm động lòng đống tro tàn người quá cố. Vậy sao tôi phải phiền muộn ?"
Người mẹ đáp : "Không ai mời mọc nó đã đến. Không ai đuổi xô nó vội ra đi. Có gì mà tôi phải âu sầu phiền muộn, khi con tôi hoàn tất đoạn đường đã đi…"
Người em gái đáp : "Dầu tôi có nhịn ăn và khóc than cả ngày, điều đó có đem lợi ích nào không ? Than ôi ! nó chỉ làm thân bằng quyến thuộc thêm bất hạnh…"
Người dâu đáp : "Than khóc cái chết của người thân yêu cũng giống như trẻ con khóc đòi chụp lấy mặt trăng…"
Người tớ gái đáp : "Một lọ đất đã bể, ai có thể ráp lại như cũ ? Than khóc người chết chỉ hoài công…"
6. Kinh Giáo hóa người bệnh (Trung A Hàm số 28, Tăng Nhất A Hàm số 51, Hán tạng tương đương với Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, số 143. Trung A Hàm, tạng Pali), nội dung ghi lại lời thuyết pháp của Ngài Xá Lợi Phất cho Ông Cấp Cô Độc khi vị nầy bị bệnh nặng hành hạ khổ sở. Ngài Xá Lợi Phất khuyên cư sĩ quán niệm về mắt : "Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào con mắt nầy"… Tiếp đến cư sĩ được dạy quán niệm lần lượt đến tai, mũi, lưỡi, thân và ý, rồi sang đến sáu đối tượng giác quan, sáu thức, sáu yếu tố, năm uẩn, và ba thời : quá khứ, hiện tại, vị lai. Đoạn Ngài Xá Lợi Phất chỉ dạy rằng các pháp đều do nhân duyên sanh khởi và do nhân duyên mà hoại diệt; nên thật ra, tự tính của các pháp là không sanh cũng không diệt, không tới cũng không đi. Bài pháp đã được thầy Nhất Hạnh trích dẫn và phổ nhạc dước nhan đề "Không đến không đi"
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 73
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com