Đêm qua Vinh thức khuya. Chàng cặm cụi với chương trình điện toán của hãng phải hoàn thành trong tháng tới. Chiếc terminal dưới sous-sol lúc nào cũng sẵn sàng để làm việc. Mỗi khi Vinh về tới nhà, chàng đi thẳng xuống phòng. Đặt chiếc cặp da trên bàn, chàng mở ngay đồng hồ sơ như một người có thói quen tổ chức mọi công việc đều lớp lang đâu vào đó, để sau bữa ăn tối, chàng lại ngồi dính liền bên hệ thống máy tính đến nửa đêm. Thằng boss của Vinh hứa sẽ để chàng qua Paris, New York làm việc vài tháng trong năm. Còn lương của chàng cứ tăng đều đặn mỗi năm mặc dù còn xa lắm mới đến “top” “Càng tăng lương càng phải làm hộc máu càng bị thuế nặng” Vinh nói về điều này với một sự chán chường mệt mỏi những lúc trà du tửu hậu với bạn bè.
Nhưng không hẳn luôn luôn chàng bận bịu với công việc ở sở! Vinh có một nhóm bạn cùng chơi tennis với chàng. Một loại club nho nhỏ của những người đàn bà, đàn ông thành đạt mà từ hồi ở Việt Nam, Ngọc đã thành kiến với lối sinh hoạt trưởng giả này. Họ chơi thể thao thì ít mà tụ tập ăn nhậu, bồ bịch, nhảy đầm là chính… Nhưng dù sao, ở xã hội này, nó vẫn là sinh hoạt “lành mạnh” nhất…
Mỗi sáng thứ bẩy, sau khi đưa Ngọc và hai con ăn phở hoặc “tiểm xấm” ở phố tàu, chàng lái xe thẳng ra sân tennis, miệng huýt sáo nho nhỏ…
Đôi lần, nhìn chồng, Ngọc buột miệng:
- Đi đánh tennis mà cũng bôi nước hoa, dị òm! Chàng cười bả lả:
- Nước hoa nào! Anh xài lotion cạo râu “Paco Rabanne pour homme” chính hiệu!
Vinh mê say hưởng thụ đời sống. Nỗi đam mê dữ dội không kém cũng như khi chàng làm việc.
Bé Su vẫn tiếp tục không chịu ăn cereal! Bim thì mải mê với mấy cái robot để chén sữa nguội tanh. Ngọc vừa thúc dục các con ăn sáng cho kịp đến trường, vừa bôi phấn lên mặt, tóc đầy ống cuốn chưa kịp tháo. Chiếc áo ngủ nhàu nát trễ xuống để lộ hai chiếc xương cổ khẳng khiu, nơi thóp cổ, lên xuống phập phồng. Ngọc nhìn kỹ trên gương. Hai chân mày dường như giật ngược.
Giật mình, Ngọc nhẩm tính ngày có kinh rồi chạy bổ ra đầu giường chụp lấy bảng theo dõi nhiệt độ hình ziz-zac. Trời ơi! Có bầu lúc này là oan gia nghiệp chướng. Có bầu lúc này là lú lẫn mê muội. Hỉnh ảnh Jane, rồi Martien nặng nề đi lại trước mặt Ngọc trong sở làm:
- Khi tao có bầu, tao muốn chưởi vào mặt thằng chồng tao! – Martine gác chân lên ghế, châm điếu thuốc rít một hơi dài, cười hăng hắc nói tiếp:
- Hai đứa không mần ăn gì được, tao để nó líp-ba-ga nhưng mỗi lần đi chơi, đều dặn nó phải “đội nón”.
Vinh có lẽ đã thức dậy. Chàng quay sang Ngọc, bàn tay quen thuộc tìm kiếm. Người Ngọc cứng đơ không đón nhận nổi mọi cảm giác khi bàn tay đầy thói quen của chàng len lỏi sau làn chăn mỏng. Miệng Ngọc chua và đắng, cảm giác trên lưỡi và trong hồn.
- Tại sao anh giấu em?
- Anh không hề giấu em! Anh nghĩ là em thông cảm anh ở mức độ nào đó! Từ mười năm nay, anh vẫn sống cho em, cho con, em còn muốn đòi hỏi gì nữa…
- Anh trở lại với chị ấy từ lúc nào? Giọng Ngọc nghẹn ngào.
Trước mắt Ngọc, hình ảnh chiếc banh bay lượn giao nhau trên sân tennis. Chị Thu với chiếc jupe ngắn, mái tóc quăn xù được buộc gọn lại, thắng ngang trán bằng chiếc băng đô màu đỏ ngổ ngáo. Thân hình gọn chắc của chị xoay nhanh sau mỗi cái vung tay cú rờ-ve. Mầu da nâu hồng của chị đậm đà, mượt mà dưới ánh nắng…
Rồi hình ảnh của chị Thu mặc chiếc quần Jean bó sát, áo sơmi rộng thùng thình không nịt ngực đứng bên bếp lửa một tay quậy cháo một tay cầm ly vang đỏ của mười năm về trước, nơi căn nhà dọc theo triền núi ở Vancouver.
Lúc đó Vinh là một anh chàng trai trẻ mới lập nghiệp thường đến nhà chị Thu để tìm chút tình đồng hương…
Ngọc có cảm tưởng những suy nghĩ dự tính của mình về vai trò người vợ, người chủ gia đình ở xã hội này bị đảo lộn hoàn toàn. Nàng tự nhủ lòng khi bước chân vào tuổi thiếu nữ: “Nhất định không để xảy ra giống má”. Ngày xưa, ba má gặp nhau bắt đầu bằng tình yêu say đắm lúc hai người còn rất trẻ. Nhà ông bà nội giàu có, ba không cần học hành, của cải ăn đến mãn đời. Lấy được má ít lâu, ba vào lính, đơn vị đổi về miền Trung. Cái lon Trung sĩ của ba với cái mã đẹp trai đã chinh phục biết bao cô gái quê. Ba đóng quân ở Duy Xuyên, được sáu tháng thì dì Ân bụng đã có bầu lúp xúp. Đến lúc đơn vị ba đổi đi nơi khác thì những mối tình nhăng nhện đó cũng theo ba, khi thì mấy cô chủ quán cà phê lúc thì mấy bà goá bán cơm đĩa gần các trại lính mà ba là khách ăn cơm tháng quen thuộc…
Má Ngọc là người đàn bà nhu mì, đứng đắn, chịu đựng. Thế nhưng đến lúc dì Ân bồng con từ quê ra trả cháu cho bà nội thì má tưng hửng, chết đứng. Thì ra, cũng sau khi cưới má mấy tháng, có bầu Ngọc, thì dì Ân cũng có mang. Trong một năm, bà nội bỗng dưng có hai đứa cháu.
Cuộc chia tay không phải chỉ riêng má buồn khổ. Ba hối hận, nài nỉ, tìm cách nối lại tình nghĩa phu thê. Ba nhẹ dạ mang thói trăng hoa nhưng đối với vợ con bao giờ cũng hết mực. Của cải bà nội cho thừa kế, ba đưa hết cho má: vòng hột, nữ trang, văn tự ruộng đất không tiếc thứ gì! Cũng có thể ba giữ trăng hoa nhưng chẳng bao giờ ba để má bị phần thiệt… Nói một cách khác, đó cũng là một cách xoá mặc cảm tội lỗi.
Còn Vinh đối với Ngọc, chàng rõ ràng sòng phẳng, suy luận một cách logic bởi vì anh đã mang ít nhiều thói quen nghề nghiệp vào đời sống gia đình.
Khi Bim được một tuổi, Ngọc tìm được việc làm ở một hãng bảo hiểm, đồng lương cũng khá, công việc phù hợp với ngành học của nàng. Tháng đầu tiên Ngọc cầm chèque lương mừng rõ khoe với chồng, Vinh điềm tĩnh tự nhiên nói với Ngọc như khi Vinh dặn Ngọc ra dépanneur mua hộp sữa cho con: “Tháng lương đầu em giữ lấy sắm sửa quần áo đi làm cho giống người ta, tháng tới mình sẽ tính tiếp”.
Những tháng sau đó, Vinh mang quyển sổ nhỏ bàn về budget gia đình với Ngọc: “Lương anh trả tiền nhà, tiền xe… toàn là thứ tiền nợ nhà băng… Lương em trả tiền sưởi, điện thoại, tiền chợ, garderie cho con…”. Sau mỗi tháng, tính toán tiền lương Ngọc thấy chỉ còn vừa đủ cho mình mua thẻ đi metro và ăn trưa…
Một hôm Vinh nói thêm: “Vợ chồng mình sống ở xứ Mỹ ít nhiều gì cũng bị ảnh hưởng cách sống ở đây, em đừng nên trầm trọng vấn đề… Nhà và xe hơi mới mua phải “dao” hơi nhiều, anh phải mượn thêm nhà băng và đứng tên anh… Thôi thì tiền ai nấy cầm, hồn ai nấy giữ…”
Ngọc không trả lời, ôm hai con vào lòng, buồn chất ngất.
Đối với xã hội Bắc Mỹ, đàn ông Việt Nam kiểu như Vinh lại được ưu đãi, đôi lúc Ngọc thầm nghĩ như vậy! Cách sống và cách suy nghĩ của chàng về tình yêu, hạnh phúc sự nghiệp… dường như có cả một sự ủng hộ triệt để, hợp lý hợp tình. Ở xã hội này, chẳng ai có đủ thì giờ lên án những thứ vụn vặt thuộc về đời tư người khác. Dẫu như Vinh có mỗi ngày đưa đón Suzane cô bạn đồng nghiệp đến sở làm vì tiện đường, có ăn trưa với Nicole, đánh tennis mỗi ngày với chị Thu thì chẳng qua chỉ là chuyện giao tế thường tình, đôi khi cần thiết cho nghề nghiệp. Còn cái chuyện, chàng đề cập tiền nong, tài sản chung riêng của hai đứa thì nó cũng bắt nguồn từ… thói quen thôi. Mai kia, nếu Ngọc quen, thì sẽ thấy việc góp lương sống chung là chuyện hợp lý. Ở xã hội này không ai nuôi ai và không ai đựơc nuôi. Trừ chính phủ được quyền làm chuyện này. Nhưng đó lại là chuyện khác của ông chính phủ đầy lòng hào hiệp. Ví thử chẳng may Ngọc thất nghiệp thì còn có chômage, tệ hơn nữa, không có việc làm thì đã có bien-être social… Nếu lý luận như vậy thì còn gì để nói giữa hai vợ chồng! Chỉ còn có cách công bằng nhất là nàng hãy tập thói quen sống cho chính nàng. Hãy nghĩ đến mình mỗi sáng thức dậy… Hãy chăm sóc tóc, môi, da, quần áo… luôn luôn tươi tắn yêu đời, hưởng thụ mọi hương vị cuộc đời… tại sao Ngọc không cầu cứu cả một nếp suy nghĩ và nếp sống kiểu Mỹ! Xứ sở này là nơi phát sinh ra phong trào giải phóng phụ nữ và luật pháp ở đây ủng hộ cho hoàn cảnh của nàng: chồng bỏ, phải nuôi hai con dại. Tại sao nàng đã có dịp thoát khỏi một xứ sở phong kiến, đã được ăn học, có nghề nghiệp, biết văn minh… vậy mà chẳng lẽ chấp nhận số phận rồi ngồi khóc như ngoại hoặc bỏ đi như má nàng. Không! Ngọc phải sống một đời sống khác của chính nàng trước khi chuẩn bị cho Bim và Su cuộc đời của chính nó. Kể từ nay, nỗi căm hận Vinh, căm hận ba, thay vì được nhân lên gấp hai lần nước mắt, nàng sẽ biến nó thành nỗi kiêu hãnh thách thức.
Vị quan toà tuyên bố bản án lạnh lùng, dửng dưng. Khuôn mặt đó đã quen mọi xúc động trước giọt nước mắt của phụ nữ mà luật pháp ở xứ này, không cần phải thiên vị đã cãi thắng cho nàng.
Nàng đã cư xử với Vinh một cách lịch sự trí thức như một cô đầm Mỹ chính hiệu. Luật sư của nàng đã làm việc tận tình để nàng “không bị thiệt hại về quyền lợi” và sau đó cũng “tận tình” gửi đến nàng cái facture về tiền thù lao của những tháng làm hồ sơ ly dị cho Ngọc.
Do sự dàn xếp khéo léo, Ngọc vẫn được quyền ở lại căn nhà cũ. Mỗi tháng chàng phải chu cấp một phần tiền lương để nuôi Bim và Su. Ngọc đỡ gánh nặng này ít nhất cho đến khi Bim và Su được 18 tuổi.
Buổi sáng đầu Xuân năng vàng rực rỡ. Những đóa hoa tulip màu hoả hoàng mãn khai, lung linh trước gió. Ba mẹ con ngồi ăn sáng ngoài vườn. Bim vẫn lười không chịu ăn cereal còn Su, mặt buồn xo ngồi lấy xẻng xúc cát vào những cái xô nhỏ. Vinh không còn ngồi bên nó đùa nghịch như trước. Ngọc nói với các con: “Papa đi làm xa, hai tuần mới về thăm một lần”. Bim và Su đã quen thuộc cảnh Vinh đi làm xa trước đây nhưng chúng nó chỉ ngạc nhiên là mỗi lần papa về, không vào phòng và ở lại cùng với mẹ.
Nỗi cô đơn Ngọc chịu đựng đến bây giờ, sau khi đã lắng đọng theo ngày tháng, mang một khuôn mặt nhiều góc cạnh với vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng như sự trưởng thành chín đỏ trong tâm hồn nàng.
Ngọc nhớ đến cuốn phim “Bonne mere malgré tout” do Diane Keaton đóng. Trong đó Anna, người mẹ cô đơn đã sống với đứa con nhỏ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ. Rồi ngày tháng qua, Anna sống với những sinh hoạt êm ả đã trở thành thói quen giữa hai mẹ con nàng: tập đàn với Molly, kể chuyện cổ tích với con mỗi tối trước khi đi ngủ, đi dạo trên đường phố đầy nắng ấm… Rồi một ngày tình yêu đến với Anna, nàng đón nhận nó với tất cả mê say cho đến một hôm nàng bị đứng trước chọn lựa đau đớn giữa đứa con yêu dấu và người tình. Cuối cùng Anna đã chọn ở lại với con. “Toute passion a son prixt” (Mọi đam mê đều có cái giá phải trả của nó) Lời kết luận cho cuốn phim. Hình ảnh cuối cùng tuyệt đẹp là bên khu vườn đầy nắng ở ven hồ, người mẹ cô đơn ấy ngồi ngắm nhìn cái hạnh phúc nhỏ nhoi của mình đang vô tư đùa nghịch trên cỏ. Đối với Ngọc dù sao, tất cả bây giờ còn mới mẻ quá! Có thể rồi nàng sẽ tìm kiếm, chờ đợi một người tình nào đó sẽ đến với nàng.
Nàng nghĩ đến Bim và Su; có lẽ đến cuộc đời của Bim và Su ở xứ Mỹ mọi thứ đều khác hẳn. Chúng nó sẽ không cần đến kinh nghiệm của nàng. Ngọc như chiếc xe đã lao đi rồi, không còn cách nào khác để rẽ phải, rẽ trái hoặc quay đầu lại./. Nguyễn Thị Sớm Mai Montréal, Canada, tháng 4 – 1989