Truyện Đọc Lúc Mùa Xuân
Tác giả: Ðoàn Thượng Hải
Ngôi nhà nhìn ra một mặt hồ rộng, nước trong xanh, hương sen thoảng đưa ngan ngát suốt mùa hè cháy bỏng. Bây giờ hoa sen không còn nữa, người ta đã thay hoa sen bằng rau muống, nhưng hồ vẫn đẹp một vẻ đẹp mơ màng. Giữa hồ là một cái nền xi măng trơ vơ, đang ngày đêm nằm chờ ngôi nhà bát giác với những cái cột gỗ lim bóng loáng được phục hồi. Trong ngôi nhà cao có căn gác lớn nơi nhũng vòm cửa sổ màu vàng thường được mở rộng đón nắng gió mùa hè, Ðan vẫn thường có những giây phút trầm lặng nhìn hồ và nỗi cô đơn đang lớn dần trong Ðan.
Kể từ khi ba Ðan bỏ đi, nhà chỉ còn lại hai người : mẹ và Ðan. Ôi, mẹ Ðan, người đàn bà xốc nổi và cay nghệt làm sao ! Ba Ðan mất việc vì tính khí nóng này, mẹ Ðan thất vọng và đay nghiến ba Ðan. Không ly dị, nhưng ba mẹ đã chia tay như thế. Bây giờ thì ngồi nhà nhìn ra hồ, chỉ còn lại một mình Ðan, suốt ngày vắng vẻ, đìu hiu cho đến khi chiều hết, đêm về, đèn đường bật sáng. Khi ấy, nhà mới có tiếng nói của mẹ và chỉ một mình mẹ nói, mẹ nghe, còn Ðan thì lặng im, cùng với những bức tường câm nín.
Bây giờ mùa đông lê thê đang nặng nề đi nốt những chặng đường cuối. Nhưng ngoài kia gió vẫn căm cảm, cây lá trong vườn vật vả, rũ rượi và những ô cửa vòm vẫn khép kín. Mưa đã bắt đầu chuyển qua điệu tỉ tê, rỉ rả, nghe mới buồn thảm làm sao ! Bữa cơm tối dọn ra, hai mẹ con nhìn nhau, uể oải. Tiếp theo là đi ngủ. Hết một ngày. Hết một tuần. Hết một mùa như thế. Ðan lại rút về thế giới của riêng mình : căn phòng trên gác với bề bộn sách vở của ba, căn phòng quá rộng đối với Ðan, những bức tường xanh, khung cửa màu vàng, rèm cửa màu trắng càng gợi cảm giác lạnh lẽo. Ðan đang tập sống mà không có ba, tập dần, tập mãi mà chưa quen được. Thật ra mẹ cũng không phải là người đàn bà quá quắt, nhưng những nỗi vất vả của cuộc sống đời thường đang đè nặng xuống đôi vai của người phụ nữ, khiến đôi khi mẹ không còn giữ được sự bình tĩnh vốn có của người phụ nữ đảm đang, trong khi đó ba lại quá "vô tư". Bi kịch đã bắt đầu như thế. Chắc có lẽ cả ba và mẹ đều khổ, nhưng khổ nhất vẫn là Ðan, một mình, trống trải trong ngôi nhà vắng lặng cùng với bầu không khí âm u, rét mướt của mùa đông xứ Huế.
Sau cơn lũ kinh hoàng chưa từng thấy, mưa vẫn mưa, mưa chậm rãi, mưa lê thê, mưa không dức hạt, mưa không hứa hẹn sẽ kết thúc cuộc chơi buồn thảm trong suốt những ngày còn lại của mùa đông. Thỉnh thoảng mới có vài ngày tạnh ráo, có nắng mới vương nhè nhẹ như là một ân sủng của đất trời. Những ngày đó, Ðan bắt đầu viết nhật ký. Ðó là cuộc trò chuyện một mình với ba mà Ðan hy vọng có một ngày ba sẽ đọc và ba sẽ hiểu. Thế đó, khi người đàn ông bước ra thì gió lạnh sẽ ùa vào, ngôi nhà ấm cúng ngày nào đã biến thành một sa mạc mêng mông. Ðêm đêm, Ðan ru mình bằng những ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa sẽ không thể nào xua đi những u ẩn trong tâm hồn.
Tôi đã trở về, chỉ một vài ngày sau khi cơn lũ kinh hoàng rút đi. Nhờ nói giọng Huế, tôi đã mua được vé máy bay . Lòng tôi như có lửa đốt. Ở thành phố Hồ Chí Minh, có biết bao người dân thành phố đã khóc khi được xem những thước phim về lũ lụt ở cố đô phát trên ti vi. Nếu mẹ con Ðan có bề gì, chắc tôi sẽ hối hận suốt đời.
Tôi đến Huế lúc trời chập choạng tối, hồi hộp tìm vào ngôi nhà trong Thành nội. Khác với khung cảnh sáng đèn ở Nam Sông Hương, Thành nội chìm trong bóng tối, trời không mưa nhưng rét kinh khủng. Trước ngày về, tôi đã nhiều lần gọi điện thoại, nhưng mọi tín hiệu đều bị cắt đứt. Trong màn đêm tối đen, tôi đã ghé một quán ăn mua ba suất cơm hộp, ba chai nước khoáng và thuê một chiếc xe thồ về với gia đình. Khi đã đứng trước ngôi nhà leo lét ánh đèn, tôi lại cảm thấy hồi hộp như khi còn ngồi trên máy baỵ Thật ra trong vụ việc này, tôi là người có lỗi. Giờ đây tôi lại càng ân hận. Còn nhớ buổi tối hôm ấy, chúng tôi đã to tiếng với nhau, sau đó tôi đã âm thầm sắp xếp hành lí, chuẩn bị rời bỏ ngôi nhà. Khi tôi lặng lẽ bước ra khỏi nhà, Ðan đã hớt hải chạy theo, chụp lấy tay tôi :
- "Ba ơi, con xin ba, mẹ đã rứa thì ba phải khác chứ, ba phải thông cảm cho mẹ chứ " .
- "không, con phải để ba đi, ba không thể sống nổi trong ngôi nhà ni, ba đi rồi ba sẽ về, con đừng lo".
Tôi vụt chạy ra khỏi cái sân rộng và một chiếc taxi đợi sẵn đã đưa tôi đi. Tôi đã bỏ đi như thế, đi mà chưa biết đi đâu, đi mà không một lời dặn dò con gái vì tôi biết tôi chỉ cần nán lại một chút thì tôi sẽ không đủ can đảm bỏ đi.
Người ra mở cửa cho tôi lại là con gái tôi, đứa con độc nhất của tôi. Tôi nhìn cháu nghẹn ngào, trong khi con gái tôi mừng rỡ ngạc nhiên :
- "Ba!". "Mẹ ơi, ba về!", cháu la lớn, cầm lấy tay tôi, tíu tít : "Ba ơi, Ðan nhớ ba lắm, ba đi mô mà lâu rứa!".
Cha con tôi đã sống trong bầu không khí xúc động khác thường. Lúc này, ngọn đèn dầu trong nhà hình như tỏa sáng hơn và trong một góc phòng khách, mẹ Ðan đứng đó, nước mắt lưng tròng, khuôn mặt rạng rỡ.
Rứa đó, ba trở về như rứa đó, trở về trong đêm tối mù mịt y chang tiểu thuyết trinh thám, y hệt cách kết thúc có hậu của truyện cổ dân gian. Con lũ của đất trời đã qua đi, nhưng trong nhà em đang có một con lũ khác : con lũ của cảm xúc. Con lũ ni không có hại mà còn rất cần thiết. Con lũ đó đã cuốn trôi những ngày u ám của khoảng trống ngự tri.
Nhưng câu truyện kể của em sẽ nhạt nhẻo nếu em bỏ qua một chi tiết vui vui : cuốn album ngày cưới của ba mẹ em được giữ gìn trong mười mấy năm, đã bị nước lũ tàn phá tan hoang và ba mẹ quyết định kết hôn lần nữa. Lần kết hôn này, đặc biệt có em, chỉ có một mình em chứng kiến, có em cằm hoa đứng giữa cô dâu và chú rễ như là một cái gạch nối kỳ diệu. Trong bữa tiệc chỉ có ba người, ba nói với mẹ :
"Anh đã tìm được việc làm ở Sài Gòn", nhưng mẹ vội khoát tay dứt khoát : "Không, không đi mô hết. Nhà thiếu đàn ông "kẹt" lắm, anh đi rồi, lấy ai chống lũ năm Thìn".
Không phải mẹ "trọng nam khinh nữ" mô, em vẫn thấy đàn ông, con trai thật cần thiết cho các mái nhà. Sự thật là rứa đó, em nói không sai mô.