Tiễn chân ông thư ký xong, lão loanh quanh nghĩ đến việc đo đất. Ðo bằng cái gì bây giờ? Thước đâu mà đo? Cả năm cả đời có bao giờ lão mó động đến cái thước? Ðơn vị đo lường của lão là gang tay, sải tay, đòn gánh, cây sào. Ðơn vị nhỏ thì chi li bề bộn hơn: lóng tay, mút đũa, mút chìa vôi, hột bắp, hột gạo, hột kê, con mọt... Cái ngạch địa này rộng năm gang... mặt trời lên hai sào... cái mụn bọc to bằng mút chìa vôi.. đóng cái răng cối xuống thêm nửa hột gạo... đó, những dụng ngữ thông thường mà tai lão hằng nghe, miệng lão hằng nói. Lão đi rảo nửa xóm mới mượn về được cái thước. Lão nối chắp hai sợi dây gàu làm một và đo đủ năm thước. Nơi mỗi đầu dây lão cột một thanh củi vót nhọn. Lão đợi một đêm trăng sáng và rủ vợ cùng đi để mụ giúp tay với lão, nhưng mụ ương ngạnh cãi lại: - Tui không biết đo đạc tính toán. - Thì ai biểu mụ đo đạc? Mụ chỉ cần cầm một đầu dây rồi tôi sai gì mụ cứ làm theo. - Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tui đâu có đất có ruộng mà biết làm theo? Giọng lão nằn nì: - Mụ chịu khó một chút mà. - Không. Im lặng một phút, chợt mụ oang oang lên như để phân bua với hàng xóm: - Ðo đo đạc đạc... đạc điền đạc thổ cái gì... Làm như giàu lắm. Ðo cái gì lại để ban đêm mới đo? Quá là đi ăn trộm. Lão uất người, nạt một tiếng: - Im đi. Cha mày. Cái miệng như cái mõ làng. Và lão vội vã xách cuộn dây gàu đi tuốt. Cái mõ oang oang sau lưng lão. Thật là đồ ngu. Lão đã chọn ban đêm để đừng ai xoi mói nhìn vào công việc của lão. Lão ngượng như khi sung sướng mà bị ai bắt gặp. Như ngày Tết mặc áo mới. Như ngày cưới vợ, lão đi đón dâu bị hàng xóm chạy ra đường xem mắt. Lão lầm bầm trong miệng những tiếng rời rạc, vô nghĩa. Ðến đám đất, lão cởi áo vắt trên cái chòi theo thói quen. Ðêm mát lành lạnh. Mặt trăng sáng trắng như cái dĩa bạc chạy vun vút trên nền trời không mây. Lão đi lại một góc rào vẹt cành cây, lá cây để cắm sát một cây nọc xuống. Lão cầm đầu dây kia chậm rãi, tránh những cây dưa, nhảy qua những vồng khoai... đi cho đến lúc sợi dây căng thẳng mới dừng lại. Lão cắm cái cọc thứ hai xuống. Miệng dõng dạc đếm: Một.Tiếp theo, lão giật mạnh sợi dây cho cây cọc ở góc rào nhổ lên, lão thu dây vào lòng bàn tay rồi chậm rãi bước tới cho đến khi sợi dây lại căng thẳng dưới tay lão. Cứ như thế, chầm chậm, nghiêm trang, lão đem hết tâm hồn mình ra để cắm ngay ngắn chiếc cọc để kéo thật thẳng sợi dây, để dõng dạc đếm: Một... Hai... Ba... Bốn... Không được mất một thước đất. Phải đo cho hết, phải đếm cho đủ. Lão cứ mong sao cho đất dài mãi, dài mãi vô tận ở dưới bước chân mình. Ánh trăng chao qua chao lại, rót chảy theo lòng lá môn lá bắp nghiêng nghiêng. Lão lắng nghe tiếng chó tru ở các xóm rải rác xa xa, tiếng con ếch ồm ộp ở bờ ao, tiếng dế ri rỉ như xỉa xói vào bóng tối.
Khi đã đo đủ hai chiều, lão lẩm nhẩm đọc thuộc những con số, những con số kỳ diệu đang biến lão thành chủ nhân của một sản nghiệp do mồ hôi và bắp thịt của lão gây dựng nên: sáu dây bốn thước chín tấc, bốn dây... Lão học thuộc dãy con số đó trên đường về. Lão học thuộc dãy con số đó khi vục gáo vào lu múc nước rửa chân, khi leo lên chõng nằm, khi lơ mơ đợi giấc ngủ đến. Sáng hôm sau, lão đi đến trụ sở xã. Suýt tí nữa thì quen tay cởi bật cái áo ra để tìm chỗ vắt. Lão quen ở trần nên da chai đi, mặc áo vào một lát thì thấy nực và ngứa ngáy. Ông thư ký địa bạ tươi cười chào trước: - A, cụ Túc. Thuốc lá của cụ hút đậm hơn thuốc Cùng Sơn. Hôm nào hái ủ được nhiều nhiều, cụ nhớ để giành cho tôi một ghim. Ðã đo đám đất xong chưa? - Dạ, mới đo hồi hôm. - Ðược bao nhiêu? - Dạ, sáu dây bốn thước chín... - Sáu dây là cái gì? -Lông mày của ông thư ký nhíu lại. - Dạ, thưa quên. Tôi lấy cái dây để đo. Mỗi dây năm thước. - À, được. Mời cụ lại bàn đây. Lão tìm chỗ để đặt nón rồi tiến lại cái bàn giấy. Ông thư ký rút một tờ trong chồng giấy có in chữ sẵn đặt ở mép bàn, vừa mở nắp bút máy. - Cụ tên gì? - Dạ, Nguyễn Ðương. - Không phải tên Túc à? - Dạ không. Nguyễn Ðương là tên trong bài chỉ thuế thân. - Sanh quán, chánh quán? Làng Ngân Sơn phải không? - Dạ phải. Ngòi bút chạy rèn rẹt trên giấy. - Làng Ngân Sơn... tổng An Sơn... Quận Tuy An... ông thư ký vừa đọc to vừa viết. Y như trong một lớp học. Cái miệng đang đọc rang rảng của ông thầy giáo. Bàn tay nhẫn nại cầm bút của học trò. Miệng ông thư ký méo xệch, uốn éo theo đường đi của ngòi bút. - Thổ canh nhất khoảnh. Bề dài bao nhiêu? - Sáu dây là bốn thước chín tấc... - Sáu dây vị chi đi ba mươi thước. Ông viết những con số thật to, chầm chậm, cẩn thận, tô đi tô lại nhiều lần. - Bề ngang? - Dạ, bốn dây ba thước cộng với ba là hai mươi ba thước tám tấc... Lão Túc chăm chăm vào đầu ngòi bút. Nét chữ đều đặn hiện ra, nhẹ nhàng, ngoằn ngoèo khiến lão muốn chóng mặt. Như khi ngồi xe đổ xuống dốc xe uốn mình theo con đường lượn vòng và ở dưới mắt, dải sông, lùm cây, xóm chợ, ruộng lúa chao qua chao lại. Ông thư ký không hỏi lão nữa mà đang nhíu khoặm đôi lông mày xuống để tính toán: - Tám lần chín là bảy mươi hai, viết hai nhớ bảy. Tám lần bốn là ba mươi hai với bảy là... với bảy là ... ba mươi chín... với bảy là... Ngòi bút gạch, xóa, bôi, sửa nhiều lần. Ông lấy thêm tờ giấy khác, lại viết, lại tính, lại bôi. Những vết nhăn ngắn cày sâu ở khoảng cách giữa hai chân mày. Lão Túc chắp tay đứng im lặng, chăm chăm nhìn. Lão có cảm giác mình đang phạm tội. Quấy rầy kẻ lớn! Lão chuyển sang sợ hãi khi chợt nghĩ đến sự lúng túng của ông thư ký. Ông ta có thể tính sai làm mất đi vài thước đất. Bao nhiêu là mồ hôi, là hơi thở phì phò, là gân cốt vươn lên cúi xuống mới có được một thước đất. Ngọn bút tài ba mà cũng ác nghiệt. Nó có thể xóa mất, một cách dễ dàng, bao nhiêu công lao của người ta. Một vệt đờm loáng thoáng ở đâu trong cổ họng bắt lão muốn ho nhưng lão không dám. Tiếng đằng hắng của ông thư ký làm lão giật mình. Vẻ mặt tươi tỉnh, ông giơ ngọn bút vẽ một vòng tròn bao quanh con số thành như sợ để không thì nó trốn mất. Ông giơ tờ giấy lên xa đôi mắt một chút, chụm sát đôi môi lại rồi một tay xoa cằm, ông dõng dạc tuyên bố: - Tám trăm ba mươi mét ca-rê. Lão Túc hơi cong lưng xuống và "dạ" một tiếng nhỏ. Khi nhận ân huệ, mọi người đều cong lưng và nói khe khẽ như vậy. - Cụ ký dưới tờ khai này đi. Vừa nói, ông thư ký vừa ấn bút vào tay lão. Lão rùng mình khi tay chạm vào cán bút. Giọng lão thiểu não: - Ông cho tôi... lăn tay. - Không được. Thời đại bây giờ mà đâu còn có chuyện lăn tay điểm chỉ? - Thưa ông, tôi cố gắng đi học bình dân mà tối dạ u mê quá, học đâu quên đó. Tay quen cầm cày cầm rựa nên hễ cầm bút là cứ tuột ra. Ông thư ký cười to, nhìn xuống những ngón tay của lão sù sì cong vẹo như rễ duối rễ bàng. - Thôi được. Ðưa tôi cầm tay cụ ký giùm cho. Ông đặt cán bút vào giữa lòng bàn tay lão rồi nắm trọn bàn tay ấy kề gần mặt giấy đẩy lên đẩy xuống. Ngòi bút xóc giấy liên tục, mực toé ra như hoa cải. - Cụ đừng đè xuống... để yên tôi lái cho. - Dạ. - Cái lưng cứ ngồi thẳng. Kìa! Ðừng đè chớ. Cầm lỏng lỏng cây bút một chút. Khi ông thư ký ra lệnh "thôi" thì một chữ "Ðương" méo mó đã nằm yên trên mặt giấy. Tim lão đập rộn ràng. "Bút sa gà chết". Chẳng biết lão vừa ký nhận cái gì. Nếu đó là một văn tự vay nợ, một tờ giấy bán đất thì thật là rồi đời lão. Nhưng mà không có lý. Lão nghèo nàn thế này, ai nỡ lừa đảo lão làm chi. Cán rựa của lão bóng loáng vì phạt bờ chặt gốc trên mảnh đất đó, lưỡi cuốc của lão phầm phập tháng này sang tháng khác trên mảnh đất đó, nào ai còn không biết. Lão đem lòng thành ra mà ở với thiên hạ. Trên đường về, lòng lão bâng khuâng rộn ràng. Mảnh đất của lão đã có tên tuổi, đã được làng biết đến, và công nhận chính thức. Nó được hiện hình bằng chữ trên một tờ giấy in, vuông vức ngay ngắn được xếp chung với hàng trăm tờ giấy khác, hàng trăm miếng đất miếng ruộng khác. Nó không là thứ đứa con hoang.(Ðất hoang cũng giống như con hoang vậy). Nó đã được công nhận, được xếp vào hàng ngũ bình thường. Tên của lão đã có trong sổ bộ bắt đầu từ hôm nay. Người ta gọi lão là nghiệp chủ. "Nghiệp chủ Nguyễn Ðương... thổ canh nhất khoảnh diện tích tám trăm ba mươi ca-rê..." Chẳng biết "ca-rê" là cái thứ gì. Nhưng hễ có "ca-rê" tức là có đất.
Lão vui chân rảo bước. Chân vấp phải một hòm đá đau điếng nhưng lão chỉ nhảy lò cò lên vài bước, xuýt xoa rồi thôi. Có chảy máu chút chút cũng không sao. "Tám trăm ba mươi ca-rê Nguyễn Ðương thổ canh nhất khoảnh..." Ăn được một mùa lúa sạ thì bỗng một chiều kia thằng Lợt lù lù bước vào cửa. Chân nó đi khập khểnh. Lão hỏi, giọng bình thản như chưa bao giờ biết cảm động: - Sao đi cái chân cà nhắc vậy? Thằng lợt nhìn lầm lì xuống đất, trả lời nhát gừng: - Tại xe nhà binh nó cán. - Chớ con mắt mày để đi đâu? Ði sao không ngó trước ngó sau? Thằng Lợt đổ quạu liền: - Sao lại không có con mắt? Ðạp xe ba gác chở củi cho người ta, xe nhà binh chạy ẩu, qua "cua" phanh không kịp tán lăn nhào. Không chết là may. - Sao không bắt người ta đền? - Sao ông không vô đó bắt đền giùm? Bộ dễ bắt đền lắm hay sao? - Ðó là tại mày lỗi. - Lỗi cái gì? Tôi đi đúng luật. - Thế thì mày giỏi. - Chớ sao... Câu chuyện cắt ngang ở đó, vô duyên, ngớ ngẩn. Hai cha con không lái nổi câu chuyện khiến nó đâm vào ngõ bí. Thằng Lợt đặt cái va-li làm bằng thiếc xuống chõng. Mụ Túc chạy lại xum xoe sờ mó. Mụ bảo nó mở khóa và mụ lôi ra nào bít tất cũ, sơ mi cũ, bài ca vọng cổ và lục cục nhiều món mà mụ không biết dùng để làm gì. Mụ cầm một cái đưa lên hỏi: - Chai thuốc gì đây, mày? - Thuốc gì? -Thằng Lợt nhíu mày- Ðó là lọ bi ăng tin chải tóc. - Chá thằng này sang dữ. Còn cái áo gì mà cụt ngủn vậy? Bận làm sao? - Cái đó mà kêu là cái áo? Cái xì líp. Bận thay quần xà lỏong. Lão túc ngồi ở ngạch cửa nhìn vợ con, bực mình thấy vợ lão vồ vập một cách thái quá. Cái chân khập khễnh của thằng Lợt mới là điều đáng cho lão suy nghĩ, âu lo. Nó có còn đi cày được không? Nó có còn cuốc cỏ mía được không? Nó có còn khiêng nổi cái che không? Chợt vợ lão hỏi: - Mày còn tiền dư được mấy ngàn? - Tiền ăn cướp hay sao mà dư? Nằm nhà thương thí hai tháng mới lành cái chân. Ðạp xe ba gác không được, chủ cho thôi. Phải xin một trăm rưỡi tiền xe về xứ. Lão hỏi: - Còn con Tỵ đâu? Sao nó không về với mày? - Mắc mớ gì mà nó về với tôi? - Là tao hỏi vậy thôi. Chớ nó không ở chung với mày sao? - Thân ai nấy lo. Mụ Túc chen vào: - Thế hai đứa bay hết thương rồi sao? - Thương cái gì nữa? Nó vô Phan Thiết theo người khác - À đàn bà là vậy đó -lão Túc thở dài- Nó vô trong đó làm nghề gì? - Ban đầu, đi ở cho người ta. Bây giờ nó đi làm đĩ. - Trời thần ơi! -Mụ Túc kêu lên. Hai vợ chồng già nghĩ thương cho sự thất bại của thằng Lợt nên thôi không nói đến chuyện con Tỵ nữa. Riêng lão Túc, lão cảm thấy an lòng, mặc dù cái chân khập khễnh của thằng Lợt làm lão lo lắng vẩn vơ. Như thế là rõ ràng thành phố phụ bạc con người như lòng lão nghĩ. Chỉ còn đồng quê. Chỉ còn mảnh đất. Hôm sau những nhát cuốc của lão giáng xuống mạnh hơn, những phát rựa chém xuống ngọt hơn. Lão thêm tình yêu đối với đất, đồng thời dự tính trong óc cũng nhiều hơn. Ðể cho thằng Lợt nghỉ dăm ngày rồi lão sẽ bắt nó ra đây chặt phụ cây, đốn phụ chà với lão. Nó sẽ luôn luôn ở cạnh lão trên mảnh đất này. Có bị thành phố hất hủi nó mới chịu an phận trên luống cày. Tháng Năm tháng Sáu rỗi rãi việc đồng áng lão sẽ mạnh dạn phá thêm một khoảnh rộng nữa. Sẽ rắc một giạ giống lúa reo, sẽ gặt về năm mươi giạ lúa mới, phơi khô giê sạch. Lúa sẽ xô đẩy sào sào dưới chân lão khi lão đi cày lúa trên sân phơi. Lúa sẽ rơi rào rào trên nong khi thằng Lợt nâng cao thúng cho lúa chảy xuống từng lớp mỏng và lão cầm chắc cái quạt to đứng sau quạt phần phật. Mụ Túc sẽ đi đi lại lại lê cái chổi quét dụm những ngọn lúa lép. Bầy gà của lão sục sạo tha hồ trong đám rơm mới đập thơm nhát mùi lúa giập, mùi nắng, mùi bùn. Ngoài lúa ra, mảnh đất thân yêu còn sản xuất mỗi thứ một ít đủ cho lão dùng. Có bắp, có khoai, có mè, có đậu, rau cà... Tháng Chạp dây bầu, dây mướp quằn quại dưới sức nặng của những trái xanh. Tháng Giêng, những trái bí ngô nằm lăn lóc trên mặt đất phơi màu da vàng xanh loang lổ... Lão buông ý nghĩ, đi dần về phía bụi ngô tìm ngắt hoa bí đực. Bí bò lan đầy mặt dất, lá xanh che kín một vùng, chỉ thỉnh thoảng nở vàng một hoa, lão rón rén đi nhón bước giữa đám lá um tùm. Trong cái vạt áo được cuộn lên làm bọc, hoa bí vàng chứa mỗi lúc một thêm nhiều. Hoa bí có vị ngọt của cánh đài, cánh tràng, có mùi thơm của phấn hoa. Mỗi buổi cơm chiều là có một rổ hoa bí luộc chấm nước... Thốt nhiên dưới bước chân lão, lão nghe một tiếng "bóc". Một cảm giác tê buốt như tự đâu châm vào da thịt. Lá bí lay động rẽ ra một con đường hẹp cho một thân rắn trườn tới, thật mạnh, vun vút. Thân rắn màu đen sậm, óng ánh. Lão la lên: - Trời ơi! Rắn hổ mang...
Tay trái buông xuống, vạt áo bị tuột ra, hoa bí rơi tung toé xuống đất, nằm gác trên lá. Lão bước ra khỏi đám bí. Máu ri rỉ chảy từ vết rắn cắn ở trên mắt cá chân mặt. Nhức ở nơi ấy, như có nhiều mũi kim châm tới. Sự đau nhức tiến lên rất mau, đến bắp chân, trên bắp chân như những lưỡi lửa liếm tới, tràn lan ra, tỏa xung quanh, như mép những đợt sóng con dạt vào bờ, tràn rộng, tỏa ra xa. Nhức lên đến bắp đùi. Lão hết bước được nữa. Chân trái run, lão kéo lê chân mặt. Phải gắng về nhà, cho thật nhanh. Rắn lục cắn dẫu độc nhưng còn dễ chữa. Nọc rắn hổ mun, hổ chuối còn có thuốc bài trừ. Chớ rắn hổ mang... Lão giận mình sao không lưu tâm đến cái hang rắn này hôm vỡ đất. Lão giận mình sao hôm nay hái hoa bí chi quá sớm. Hay là lão tới số rồi. Nghĩ đến đây, nước mắt của lão tuôn ra làm hai dòng, chảy vào miệng nghe mằn mặn. Lão nặng nhọc cố lê từng bước. Nhưng mỗi bước mỗi chậm hơn.Mỗi nặng hơn. Loạng choạng, mắt lão hoa lên. Từng vòng vàng, vòng đỏ quay cuồng lộn xộn. Còn năm thước nữa mới đến đường cái. Lão cố nhướng mắt lên, cố vận dụng sức lực chuyền đến đôi chân. Còn bốn thước rưỡi nữa. Lão loạng choạng, nhưng gượng cho khỏi ngã. Tay lão run theo chân. Vẫn còn bốn thước rưỡi nữa. Tai lão ù đi. Lão thấy lạnh ở hai vai, cái cổ cứng lại. Chân mặt của lão nặng như khúc gỗ. Có còn là chân của lão thật không? Lão cố nhìn xuống xem nó có còn đấy không. Nó đã rời ra chưa. Lão lặng người đi. Ðầu lão xoay vần. Bụi duối xanh, con đường vàng, bờ tre xa, dãy núi, vòm trời... chao đi, đảo lộn, xoay vòng, nhanh dần, mờ mờ, rung rinh. Lão ngã quỵ xuống đất. Người đi qua trông thấy vực lão về nhà. Xóm giềng giã gừng, pha nước tiểu đổ cho lão. Lão tỉnh lại, đưa ngón tay chai sạn sù sì chỉ xuống chân ú ớ nói: - Rắn hổ mang... mổ. Mọi người "ồ" lên. Tiếng nói rào rào như sóng dậy. - Chết! Chết! Trời ơi! Bị rắn cắn chỗ nào? - Kiếm đâu cho có nước lò rèn? - Ðâu phải chó dại cắn mà uống nước lò rèn? Mô Phật không biết ở gần đây có xương chồn đèn không. Lời bàn tán kéo dài, bàn tán ở quanh giường lão, ở trước sân, ở ngoài ngõ. Lão Túc rên hừ hừ. Mỗi lần trở mình, lão la hét lên như có ai cứa dao vào thịt lão. Tin lão bị rắn hổ mang cắn chuyền đi thật nhanh. Ông Câu Ðáp chuyên môn hốt thuốc Nam chống gậy đến. Mặt ông đỏ gay vì rượu. Chòm râu thưa, da mặt mỏng và bóng nhẵn. Ông lại gần, xích cái va li thiếc của thằng Lợt còn đặt nằm trên chõng, ghé đít ngồi xuống. Ông lật miếng lá xanh ai đã nhai đắp lên vết rắn cắn, ném "bạch" xống đất rồi dõng dạc hỏi: - Ðứa nào đắp món gì đó? Mụ Túc lật đật cung kính đáp: - Dạ thưa ông Câu, tui nhai lá hẹ mới đắp lên. - Hứ! Lá hẹ mà ăn thua gì? Ông vén ống quần lão Túc, nắn bóp cái chân bị nạn. Nó sưng to gấp rưỡi cái chân kia. Da căng bóng. Lão Túc la rống lên như một con heo bi thọc huyết. Ông Câu Ðáp chậm rãi nói: - Nếu thiệt rắn hổ mang cắn thì không cứu được. Mà cái điệu sưng nhức này thì đúng là rắn hổ mang. Mụ Túc khóc òa lên chắp hai tay vái lia lịa: - Lạy ông Câu, xin ông Câu làm phước cứu giùm. Mặt ông Câu vẫn nghiêm trang lạnh lùng: - Thì tôi cũng chữa cầu may. Không dám bảo đảm. "Gầm tại chỗ, hổ về nhà". Có hai con rắn đó là độc hơn hết. Mái gầm cắn thì chết tại chỗ. Rắn hổ thì về nhà mới chết. Ông dừng câu nói, lể mể tháo lưng quần lấy ra một gói bọc lá chuối tươi: - Ðem giã nắm bắp đóng chông này cho nhỏ rồi bỏ thêm chút muối. - Dạ. - Lấy xác đắp lên chỗ rắn cắn. Còn nước thì cho uống. - Dạ. Khi ông Câu Ðáp ra về thì láng giềng cũng lục đục về theo. Chỉ còn bà Gậy nhà ở liền trước lặt và ông Bộ còn nán lại. Lũ trẻ nhỏ hiếu kỳ thì tổ chức cuộc chơi đánh đáo ở ngoài đường, ngay cửa ngõ. Tiếng cười nói, tiếng cãi nhau ồn ào. Ở trong nhà, lão Túc vẫn rên, tiếng rên càng lúc càng mệt nhọc. Ðến xế chiều lão thở hổn hển. Hàng xóm đến thăm đông trở lại. Nhóm này bàn tiếp về phép chữa rắn cắn. Nhóm kia không tin rằng ngẫu nhiên mà lão Túc bị rắn cắn. Họ che miệng nói nhỏ vào tai nhau: - Các đẳng ở đó... linh lắm. Người nghe gật đầu khe khẽ và gật liên tiếp bốn năm cái. Một nhóm khác thảo luận về việc đồng Tấn Lương bị khô nước, chủ rẽ kiện chức yển đập Sơn Chà. Mấy nhóm thanh niên tụ họp xa hơn, ở gốc ổi, gốc mít, nói chuyện nhân tình nhân ngãi, gả bán cho nhau rồi thích thú cười ngặt nghẽo. Chợt ở trong nhà có tiếng mụ Túc khóc rống lên: - Ớ ông ơi, sao ông thế này? Ớ ông Túc ơi! Hu hu... Mọi người chạy đổ xô vào nhà. Người ta chen chúc nhau tìm một chỗ đứng. Mụ Túc quỳ bên giường, tóc xổ tung che nửa mặt. Thằng Lợt đứng khoanh tay gần đó, nước mắt chảy ròng ròng. Lão Túc nằm thở thoi thóp. Ðôi mắt đã dại. Ðôi tay mân mê giường chiếu. Chợt lão mấp máy môi. Mụ Túc kề sát tai lại gần lão. Mọi người im lặng. Lão nuốt liên tiếp những miếng đờm khò khè chạy lên tận cổ. Rồi lão thều thào nói đứt quãng: - Miếng đất Gò Ðình.. thằng.. Mắt lão trợn ngược. Mụ Túc khóc òa lên: - Ớ ông ơi! Ông bỏ tui ông đi một mình. Ớ ông ơi!