Cuộc nhậu gần tàn, chợt Quĩ bảo Thuỳ: - Cô cho tôi một tờ giấy vẽ và cái bút chì than. - Anh ta ngoảnh sang Giáp: - Tớ phải vẽ tặng cậu bức chân dung cậu mới được. Cả thế giới thì không nói chứ cả nước Việt Nam này ngoài tớ ra chẳng mặt nào họa nổi cái thần thái cậu. Bật đèn lên! - Anh ta ra lệnh, sau khi nhận giấy và bút vẽ. - Giáp! Cậu cứ nhậu, đớp, hít tự nhiên, cười nói tuỳ thích, nhưng ngồi tại chỗ. Tôi bị hút vào cái trò của Quĩ, chẳng kịp bực mình, dù là trong ý nghĩ. Quĩ vẽ rất nhanh, tay lia bút cứ như người vẽ bùa phù chú. Độ năm phút, mà cũng có thể là nửa giờ, Quĩ quẳng bút vẽ xuống đứng dậy nhìn quanh, một tay cầm sấp tờ vẽ. Tôi đưa tay ngỏ ý muốn xem, anh ta ra dấu ngăn lại:"- Thong thả!"-Anh ta bước rảo tới chỗ treo tấm ảnh phóng to ba vợ chồng con cái chủ nhà, hạ xuống: - Mai tớ sẽ mang đến một cái khung ảnh "hết ý". Còn bây giờ thì hãy mượn tạm cái này. Anh ta lúi húi một chốc trong chỗ khuất rồi quay lại với tấm chân dung vừa vẽ, bấy giờ đã lồng kính, đặt nó lên bàn, dựa vào tường, rồi lùi xa khoanh tay trước ngực đứng ngắm. Gọi là bức chân dung nhưng chỉ có cái mặt. Một cái gì ớn lạnh lướt nhanh dọc sống lưng tôi. Mặt người trong bức vẽ đúng là của bạn tôi, nhưng sao tôi như mới thấy lần đầu? Đôi mắt, vành mi trên uốn cong quá mức bình thường, giương lên có vẻ ngơ ngác phảng phất cái nhìn của con nai, song ngắm kĩ lại thấy hình như có ẩn giấu những tham vọng nén lại. Những chỗ đậm nhạt trên má làm cho nét mặt vừa thách thức, vừa đau khổ. Vầng trán một bên bóng, một bên hằn những vết nhăn mờ mang dấu những suy tư giằng xé bên trong. Đôi môi hơi hé, nhìn thẳng thì ngờ nghệch, nhìn chếch lại chua chát và mỉa mai. Hoặc thằng cha này đã nghiền ngẫm đến mức nắm được gan ruột Giáp, hoặc là hắn ta có một dụng ý bí hiểm nào đó. Tôi tự nhủ và chờ xem phản ứng của vợ chồng bạn, Thuỳ áp hai tay vào má nhìn sâu vào bức vẽ rồi liếc nhìn tác giả với ánh mắt trách móc khó nhận thấy. Còn Giáp thì miệng cười cười mà mắt trân trối như bị hút vào cái chân dung người ta vẽ mình. Nhưng chỉ mấy giây, anh bình thản hoặc làm ra vẻ bình thản ngồi quay nghiêng châm thuốc hút. Quĩ tới bên bàn, dốc nốt chỗ rượu còn lại trong chai vào chén của mình và tợp thẳng một hơi, đưa mu bàn tay chùi mép: - Thôi, tôi về đây. Anh ta đã ra đến cửa, chợt quay lại chỉ vào bức tranh vẽ bình hoa trên nóc tủ bảo Thuỳ: - Cô Thuỳ biếu tôi cái kia nhé. Thuỳ lúng túng - vì bất ngờ hay vì một lẽ gì khác? - mãi mới trả lời: - Bức tranh ấy, em... - Cô cố chuyển giọng nói vui - Học trò chẳng dám tặng bài tập cho thầy đâu. - Tôi muốn có một kỉ vật thời gian Thuỳ ở trường mĩ thuật. Thuỳ nhìn lướt các bức tranh bày trong phòng. - Nếu vậy, để em đem tất cả những bức em vẽ ở trường ra để anh chọn. Còn bức tranh kia, em vẽ vụng lắm. Vả lại, bức ấy... Em đã không nộp nó cho nhà trường như các bài thi khác... Quĩ lắc đầu làm mặt buồn và nghiêm nghị: - Lần đầu tôi phiền Thuỳ. Tôi chỉ muốn bức tranh ấy. Thuỳ nhìn Giáp cầu cứu. Khi nãy, vừa nghe Quĩ hỏi xin, tôi đã rất mong Thuỳ từ chối thẳng thừng. Đến đây, tôi mong Giáp giúp vợ gỡ thế khó xử. Nhưng Giáp cứ ngồi rít thuốc. Thuỳ đành nói: - Em giữ lại, một phần cũng vì anh Giáp thích. Quĩ ngoảnh sang Giáp: - Ông anh nhường tôi nhá! Giáp điềm nhiên: - Tác phẩm của cô ấy, tuỳ cô ấy chứ. Tôi ghét Giáp quá. Không khí trong phòng nặng nề, không chỉ vì khói thuốc và hơi rượu. Quĩ nhìn Thuỳ gặng: - Thế nào? Đồng ý chứ? - Vâng, tuỳ anh. - Thuỳ nói, như thở hắt ra và vẫn đứng nguyên. Có cái gì hẫng đi trong tôi. Quĩ đã rướn người đưa tay định hạ bức tranh xuống, bỗng thay đổi ý định: - Hãy cứ gửi lại đây đã. Phòng tôi còn luộm thuộm quá. Nói xong, anh ta đi ra chẳng chào ai. Giáp ném điếu thuốc hút dở xuống đất, vươn vai đứng dậy: - Phải đi kiếm bát phở thôi. Nếu không, đêm cái bụng nó réo thì khó mà ngủ yên. Thuỳ mang cặp lồng theo, em ạ. Ta mang về cho cu Trung. Bây giờ cứ để nó ngủ. Đi ăn về, để vợ chồng Giáp đi trước, tôi ghé quán nước mua cho cháu Trung cái bánh nướng. Trở lại nhà bạn, tôi thấy ai đã xoay bức vẽ Giáp úp vào tường.
Thuỳ rầu rầu nói: - Trước đó khá lâu em đã linh cảm thấy điều ấy. Thế mà anh Giáp cứ thản nhiên như không. - ...? - Em rất khó nói. Một đằng, em rất quí và thương anh Giáp. Một đằng thì dù sao anh Quĩ cũng là thầy, tuy không lên lớp; và đã giúp em được vào học khỏi phải qua các thủ tục phiền hà. - Tôi chưa hiểu đã có chuyện gì? - Anh có biết anh Quĩ làm gì không? Em không nói nghề hiện nay của anh ấy trong biên chế Bộ Văn hoá - Thông tin. Anh ấy làm "tham mưu" cho bọn buôn lậu đồ cổ, tranh cổ. Không! Không phải chỉ là "hoa tiêu" đâu anh ạ - Anh ấy sục tìm, mách mối, đánh giá, cả mồi chài nữa cho bọn họ. Họ mà "trúng quả" lớn thì anh ấy chỉ việc chìa tay ra. Anh cũng biết công việc của anh Giáp liên quan ít nhiều đến những tác phẩm văn hoá cổ kim. Anh Giáp lại hay đi khảo sát nhiều nơi. Anh Quĩ bảo anh Giáp: "Ừ, thì cứ coi như bán chất xám cho chúng nó. Chất xám lúc này chẳng được giá lắm đâu. Thế mà chúng nó "có cửa", chúng nó chi mạnh tay lắm. Còn nếu chúng nó "bể mánh" thì chỉ chúng nó hứng". Anh Giáp đáp lửng lơ: "Đồ cổ là tài sản quốc gia đấy. Cả những thứ không hẳn là cổ". Anh Quĩ hạ luôn một câu: "Đúng là ông đồ Nghệ". - Đến vậy mà Giáp vẫn giao du với hắn ta? Thuỳ thở dài: - Lạ thế đấy, anh ạ. Em chẳng rõ anh Quĩ có thuật gì lôi kéo anh Giáp không, hay là anh ta gãi đúng nỗi niềm tâm sự nào đó của anh ấy. Em biết chắc anh ấy không ưa anh Quĩ. Thuỳ vào bếp lấy thêm nước nóng. Tôi thấy câu chuyện không chỉ có vậy, cũng không chỉ vì những mối quan hệ rối rắm, nhưng tôi ngại nghĩ lôi thôi. Tôi đứng dậy đi thơ thẩn ngắm các bức tranh. Đằng sau một tấm áp-phích có cái gì cồm cộm, tôi lật xem và hơi sững người: bức tranh lọ hoa ngày nào! Có cái hơi khác là mặt kính bị nứt vỡ một đường xéo ở một góc dưới. Thuỳ đã trở lại. Tôi lựa lời: - Bức tranh này lại "châu về Hợp Phố"? Thuỳ cười nhẹ: - Dạo ấy, mãi anh Quĩ cũng không lấy về. Tôi quyết định hỏi thẳng: - Chị và Giáp cắt nhau rồi à? Thùy ngồi cúi đầu giây lâu rồi ngửng lên trầm giọng: - Anh là bạn thân của anh Giáp, em xin nói thật, nói hết. Em nghĩ anh Giáp chỉ thương hại em. Nếu không, sao lại... Tôi vội ngắt lời: - Không đúng! Rồi tôi vắn tắt kể cho Thuỳ nghe chuyện Ninh ngày xưa, những gì tôi cảm thấy ngày ấy và câu thổ lộ của Giáp với tôi ngày tôi mới gặp lại anh. Thuỳ ngồi lặng đi nhìn mông qua cửa sổ, giọng xa xăm: - Tiếc rằng ngày ấy em chẳng biết gì cả. Song dẫu có biết thì cũng chẳng hơn gì, bởi vì dạo ấy em còn khờ lắm, tự hiểu mình chưa xong, còn nói gì hiểu người, hiểu đời. - Giọng chị trở nên tỉnh hơn - Nhưng nếu vậy thì anh Giáp càng đáng trách. Anh Quĩ muốn mê hoặc anh Giáp không chỉ vì công việc làm ăn... Ngày trước, anh ta đã từng ... rất chu đáo với em. Có thể là em lầm. Mà cũng có thể còn có cái gì đó sâu xa hơn. Nhưng thôi, mặc anh ta. Em chỉ giận anh Giáp. Chẳng phải là anh ấy vô tâm. Vẻ mặt Thuỳ không giấu được cơn giận và nỗi đau. Tôi cố nói một câu gì đó: - Chẳng lẽ chỉ vì nghĩ vậy mà chị bỏ xuống đây? Mấy nếp nhăn hiện rõ hai bên mép Thuỳ: - Có những sự ngẫu nhiên dồn đến anh ạ. Vào lúc ở Bộ người ta cho biết một xí nghiệp ở Hải Phòng cần một họa sĩ... Tôi tò mò hỏi luôn: - Các xí nghiệp thì có việc gì cần đến họa sĩ nhỉ? Thuỳ hơi cười, hẳn là vì sự mù mờ của tôi: - Thiếu gì việc, anh? Chẳng qua ở ta chưa coi trọng đấy thôi - Giọng Thuỳ đượm buồn - Anh Giáp thật lạ. Anh Quĩ tán anh ấy giao cháu Trung cho anh ta dìu dắt, anh ấy cũng gật. Em nhất định không nghe, anh ấy cáu với em. Tối hôm ấy, anh Quĩ lại đến chén chú, chén anh với anh Giáp tới khuya. Lúc Quĩ về rồi, em mới khuyên anh ấy nên thôi những cuộc chén như vậy. Em nói khá găng. Em nén quá lâu rồi, không chỉ vì chuyện nhậu nhẹt. Em nói: "Anh đừng làm hỏng anh và làm hỏng cả con". Em không để ý là anh Giáp có vẻ say hơn và bực bội hơi mọi lần. Hình như lúc em có việc đi ra ngoài, anh Giáp và anh Quĩ nói chuyện gì đó không vui. Thế rồi nẩy ra một cuộc cãi nhau to. Có lẽ hàng xóm cũng phải thức giấc. Anh ấy quát em: "Cô đi đâu thì đi!" Rồi anh ấy quẳng cả bức tranh kia - Thuỳ trỏ vào bức tranh bình hoa - Hôm sau, em đến ban tổ chức xung phong đi Hải Phòng. Các thủ tục được giải quyết rất chóng. Em xuống đây vừa may. Một người anh họ em chuyển công tác vào Nam đưa cả nhà đi. Anh chị muốn giữ chỗ ở này cho một đứa con hiện đang được nhà máy của thành phố này cử đi thực tập ở nước ngoài. Em ở đây đã gần một tháng rồi.
Tôi dè dặt hỏi: - Chị ra đi, Giáp không ý kiến gì cả ư? - Mẹ con em đi lúc anh ấy còn ở cơ quan. Em để lại một lá thư nói là đừng tìm, lúc nào em thấy nên về, em sẽ về. Tôi như nói với mình: "Có nên vậy chăng?" Trong bụng thì nghĩ: "Chẳng lẽ Thuỳ phải trốn cái gì đó, Quĩ và cái không khí hắn tạo ra, hay cái gì khác nữa?". Thùy hơi đăm chiêu, nói như lạc đề: - Chỗ em làm trước đây nhiều việc sự vụ quá. Lắm khi không có việc gì cho ra việc nữa. Cứ ngồi chơi tràn cũng được hoặc làm việc riêng cũng được. Em những loay hoay mà hết buổi. Còn vẽ thì từ lâu ở nhà em chẳng vẽ được gì ra hồn. Việc công, việc riêng đều cảm thấy trì trệ. Tôi cứ nói theo đà suy nghĩ: - Không nên chấp người đang say rượu. Mắt Thuỳ tối lại: - Có phải chỉ là chuyện say không anh? - Tôi chưa thật rõ nội tình các bạn. Nhưng có nên quyết liệt vậy không? Thùy nói nhỏ: - Dĩ nhiên anh ấy có thể tìm đến nơi em hiện đang công tác không khó mấy - Ngừng một chút, chị đổi giọng - Về đây, môi trường mới, công việc mới, em khá vất vả. Thì giờ rỗi để làm kiếm thêm không nhiều lắm, nhưng lại thấy ham làm việc. Tôi nghĩ thầm: Mình đã nói vậy mà Thuỳ vẫn ngờ Giáp không thật yêu cô khi họ lấy nhau, hoặc không còn nguyên vẹn mối tình xưa kia nữa. Cũng có thể là như thế. Song Thuỳ có yêu Giáp không? Nhưng nói "yêu" theo nghĩa nào mới được chứ? Vả chăng điều đó đặt ra kể như thừa khi họ đã có mấy năm dài sống êm ấm với nhau. Còn kẻ kia? Hắn và những con tôm thoa mỡ dưới ánh nến của hắn. Có lẽ đáp số của bài toán cũ về Thuỳ đối với hắn nay chẳng còn mấy ý nghĩa. Nhưng hắn cần tự khẳng định mình theo cái cách của hắn chăng? Hay là hắn muốn chứng minh ở đời này khó có sự ngay thẳng, khó có hạnh phúc ngay thẳng? Hay là... Nhưng mà hắn là ai? Có những kẻ tồi hạ đẳng; có những kẻ tồi siêu cấp. Hắn chẳng phải là loại thứ nhất, mà có lẽ chưa đạt trình độ loại thứ hai - loại này thường có bộ mặt khả ái hoặc oai nghiêm kia. - Hừm! Thuộc loại nào thì hắn vẫn là hắn. Cũng như tôm vẫn cứ là tôm, vẫn cứ là "đội phẩn lên đầu", và cứ co vào, chết càng co vào. Dù là dưới ánh nến, ánh đèn điện hay ánh mặt trời. Dù sao hắn vẫn đang tồn tại. Ờ, mà không có hắn thì sao nhỉ? Hắn là nguyên nhân hay chỉ là tác nhân? - Em chẳng còn ai khác. - Thuỳ chuyển giọng tâm tình - Bố và dì em đã mất trước ngày giải phóng miền Nam. Anh chị em di tản sang Mĩ. Em đã tập cách sống tự lập. Nhưng rời nơi công tác quen thuộc không phải em không ngại ngần. - Còn với Giáp thì sao? Chị để Giáp lại cho tay Quĩ xô đẩy... - Chẳng ai xô đẩy anh ấy được, nếu anh ấy không tự xô đẩy mình. Em cho rằng còn ở với mẹ con em thì anh ấy còn tự buông trôi. E rồi bỏ bê cả việc nghiên cứu mà anh ấy từng coi như một lẽ sống. Có lẽ anh ấy khổ vì đã nhầm tình thương với tình yêu. Chuyện ngày xưa là chuyện cũ càng. Khổ thật! - Tôi than thầm - Chẳng qua Giáp còn mang nặng một mặc cảm. Mặc cảm gì nhỉ? Mặc cảm của một người đã từng không may trong tình yêu và trong sự nghiệp chăng? Cái sau làm nặng nề thêm cái trước. Có phải trong tâm trạng ấy mà anh chấp nhận "tình bạn" của Quĩ? Có lẽ không phải là chấp nhận mà là một sự mặc kệ, một sự coi thường mọi sự đời. Mà nếu vậy thì có thể dẫn tới xoá nhà ranh giới giữa cái tốt và cái xấu, không còn tởm lợm cái xấu. Và thế là... tôi không tin bạn tôi đã đến cái mức ấy. Tuy nhiên, cuộc sống bây giờ đang giương ra những cái bẫy, hay ít nhất cũng đề ra những thử thách phức tạp. Tôi định khuyên Thuỳ đôi câu, song nhận thấy chưa cần và chưa nên. Tôi đành chỉ nói mấy lời dè chừng. Tiễn tôi ra đến đầu ngõ, Thuỳ bảo tôi: - Anh đừng nói gì với anh Giáp và đừng cho anh ấy biết nơi này vội nhé. Sắp chia tay, chị nói thêm: - Cũng chẳng thể kéo dài tình trạng này đâu. Cháu Trung nó nhớ bố nó ghê lắm. Tôi thử đùa: - Còn mẹ cháu thì không à? Thuỳ cười, gò má ửng lên, quay vội người tránh ánh mắt tôi. Tôi như thấy lại cô Thuỳ hồn nhiên, nhiều mơ ước.
Tôi chỉ theo đúng lời giao hẹn của Thuỳ được một nửa. Có nghĩa là tôi đã viết thư ngay cho Giáp, không tiết lộ nơi mẹ con Thuỳ ở, nhưng kịch liệt "phê". “... Ông bây giờ rộng cẳng, sướng nhỉ! Cho nên ông cứ ung dung chẳng cần biết vợ con phiêu bạt đi đâu. Trước đây tôi lấy làm rầu lòng thấy ông như định chơi trò "bộ ba". Hay ông muốn tạo ra một tấn bi hài kịch để trút vợi nỗi tức đời của mình? Nhưng ông chỉ là một thằng ngốc. Có vẻ như ông lí tưởng hoá Thuỳ, nhưng thực tế, ông chỉ coi Thuỳ như một bức tĩnh vật - Chính ông mới là tĩnh vật - Chẳng lẽ ông nghĩ luồng ánh sáng trong bức tranh của Thuỳ là do cô ấy nghĩ đến ông? Ông coi chừng đó! Thuỳ là người có bản lĩnh và vị tha. Nhưng không phải bản lĩnh nào cũng cố chịu đựng những trò thách đố nhẫn tâm hoặc vô duyên. Khéo mà ông trắng tay đó! - Trắng tay theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, diện hẹp và diện rộng. Cứ phó mặc sự đời đưa đẩy là chẳng xong đâu. Đánh rơi mình lúc nào không biết đấy. Suýt nữa thì tôi đặt cho ông câu hỏi: "Ông chọn Thuỳ hay chọn Quĩ?" Một câu hỏi tàn tệ và tồi tệ, vô nghĩa lí nữa...”. Một tuần sau, Giáp mới trả lời tôi. Anh chẳng kể lể, chẳng phân trần. Thư bắt đầu bằng chuyện về chuyến đi khảo sát vừa đây của anh, một chuyến đi "có quá nhiều tình huống đáng bực mình" nhưng rồi cũng trót lọt. Đột ngột, anh đổi mạch thư: "Ông bạn cứ phán tùm lum. Ông đã hiểu gì về tôi nào? Xem bộ ông chỉ mới nhìn cái khía cạnh mùi mẫn. Dù sao tôi cũng rất cảm ơn ông, vì hình như ông cũng có lí phần nào. Vừa qua, tôi đã có dịp để suy ngẫm. Một thời gian không ngắn, tôi đã định làm một phép thử với cả chính tôi. 0. Thư ông gay gắt trong cái lối suy tư hạn hẹp của ông, song cũng khơi gợi những điều ngoài cả những gì ông định nói. Ông chỉ quan tâm đến chuyện nhà của tôi thôi. Giá tôi đủ nguội lạnh hoặc vô lương để coi gia đình là một môi trường khép kín, mặc sức thu vén! Tôi sẽ về thăm ông đấy. Ông là láu lắm nhé! Chắc hẳn Thuỳ đã dặn ông giấu chỗ ở của mẹ con cô ấy chứ gì? Thì ra bệnh nữ khuynh của ông hãy còn khá nặng..."
Phảng phất cái cười tủm có lúm đồng tiền bên má bạn tôi ngày nào.