Chỉ mục bài viết |
---|
Tình Sơn Nữ |
Trang 2 |
Trang 3 |
Trang 4 |
Trang 5 |
Trang 6 |
Trang 7 |
Trang 8 |
Trang 9 |
Trang 10 |
Trang 11 |
Tất cả các trang |
Chương V
Đến nhà người quen vừa sẩm tối. Tiếng gõ cốm ở ngoài hiên đổ hồi mạnh hơn và tất cả trai gái trong làng đều có mặt.
Những nàng sơn nữ còn son trẻ thường búi tóc dưới gáy để khỏi nhầm lẫn với những cô sắp sang sông hoặc có chồng rồi.
Những người này búi tóc ở đỉnh đầu. Ngay Péng cũng vậy, nàng đi bên chàng với búi tóc trên đỉnh đầu; đã có phút làm chàng ngạc nhiên.
Nàng dẫn chàng đến chỗ "đuống" giã cốm và kể:
- Người Thái rất tự nhiên lựa chọn người yêu anh ạ. Chẳng hạn như em, khi yêu ai, gia đình không có quyền ngăn cấm hoặc gây điều cản trở. Nhưng chỉ phải tội là ở rể ba năm thôi anh ạ.
- Thế thì khắt khe đấy, tục lệ người Thái là của người Việt ngày xưa. Ngay cả chữ viết cũng thế, có một nhà khảo cứu đã tuyên bố rằng đó là chữ cổ của người Việt Nam
- Cùng một giống nòi cả đấy anh nhỉ?
- Lẽ dĩ nhiên.
Péng lại hỏi gặng thêm:
- Anh này, như vậy người Thái lấy được người Việt chứ!
Chàng nhìn nàng rồi trong phút quá yêu đương, chàng hôn khẽ lên mái tóc thốt những lời trìu mến:
- Em tôi gớm lắm kia đấy!
Péng lại nói tiếp câu chuyện cưới xin của người Thái:
- Em biết nói làm sao, khắt khe ư! Tuỳ người thôi anh ạ. Ở đây nghèo nàn hoặc giàu có đều dễ lấy vợ cả. Tất cả mọi người đàn ông có quyền sử dụng luật của trời đất đã đặt sẵn cho; con trai lấy vợ, con gái lấy chồng, không giàu nghèo chi hết. Muốn có lúa thì hai vợ chồng ra đồng mà cày bừa. Muốn giàu có thì căn cơ rồi chẳng bao lâu giời sẽ cho.
Người con trai muốn lấy vợ, trước hết phải đặt lễ ăn hỏi. Tục lệ như nhau cả, em chắc thế, người Việt xưa phải có một thời kỳ như thế. Bây giờ có khác nữa chỉ một sự thay đổi nhỏ mà thôi.
Nhà trai đem ba chục thước vải chàm xanh, hai trăm quả cau non, một vài nghìn lá trầu không, lá bánh dẻo, đôi vòng tay bằng bạc, một chiếc vòng cổ, mười hai chiếc nhẫn và đôi gà thiến béo.
Xong bữa đó, người con giai đến nhà bố vợ gửi rể trong ba năm giời. Chàng rể phải làm tất cả những công việc của nhà vợ. Việc đồng áng như cày bừa, nhổ mạ, đốn củi, phá móng làm rẫy...
Ở rể xong, chàng rể làm một bữa cưới đón cô dâu về nhà chồng.
Hàm nói đùa:
- Em Péng, nếu anh lấy vợ trên này liệu có gửi rể rất phiền phức, người Việt đã bỏ hủ tục ấy rất phải. Trong ba năm giời, thời gian gần gụi nhiều quá e khi lấy nhau về sẽ không hoà thuận sinh ra chán chường có thể tan vỡ (1)
Péng xua tay ngăn lại, nàng thấy quan điểm của Hàm vừa trình bày khác nên nàng nói như cướp lời:
- Anh nhầm rồi, em cho thời gian chưa cưới là quãng đời sung sướng nhất. Các cụ vẫn thường kể lại tục gửi rể rất có lợi.
Trước kia con nhà giàu có thường hay ỷ lại vào tiền của cha mẹ để lại nên không chịu học hành và làm ăn.
Của nhiều như núi tiêu rồi cũng cạn, vợ nheo nhóc, con cái khổ sở không được đảm bảo đời sống.
Do lẽ ấy đặt ra tục gửi rể ba năm và trong thời kỳ này cô dâu chú rể không được chung màn xẻ gối.
Hàm tặc lưỡi, nhún vai tỏ vẻ sợ cái kiếp ở rể, nếu một khi chàng lấy vợ nơi này.
Và Péng đoán được, nên nàng tiếp nhời luôn:
- Nhưng anh thì không sợ việc gửi rể đâu. Bố mẹ đã biết công việc làm của anh rồi. Bây giờ nếu có cưới vợ chăng nữa thì việc ấy rất dễ dàng, chỉ gửi con trâu một tuổi thay ở rể. Bố mẹ kính mến anh lắm đấy.
Trong óc chàng lúc ấy luôn luôn suy nghĩ sau khi nghe người yêu mình giải thích tục lệ cưới xin.
Người Thái cũng văn minh lắm, họ có một văn hóa riêng biệt và nhất là tình đoàn kết lại rất keo chặt. Họ sống rất thiết thực và sự tương trợ giữa kẻ nghèo, và đó là một hành động đáng để cho người bốn phương kính phục.
Không phải như kiểu lòng thương đồng bào như trọc phú tỉnh thành, môi miệng, họ giúp hẳn về tiền tài thóc lúa.
Thường trong một làng, không có một ai nghèo khổ tột bực. Ít nhất họ cũng có một cái nhà và mấy mẫu ruộng để cung cấp cho gia đình vợ con. Khi một đôi vợ chồng son trẻ ra ở riêng, cần làm nhà thì chỉ việc lên rừng đốn cột và sắm sẵn những dụng cụ thiết yếu. Rồi họ đi mời dân làng cho mỗi người một nhà đến làm giúp, ăn cơm nhà.
Khi nhà cửa xong xuôi, nếu vợ chồng giàu có sẽ mổ lợn, giết gà làm một bữa tiệc “lên nhà mới” để thết anh em, dân làng. Nếu một khi nghèo túng việc ấy được miễn.
Trong bữa tiệc “lên nhà mới” những người đến ăn cỗ phải đem gà, vịt, rượu, gạo đến mừng.
Chàng tặc lưỡi nhủ: “ Chẳng bù cho dân tỉnh thành một chút, người sơn cước quý nhau, trái lại người ở tỉnh thù ghét nhau. Dân núi thờ chủ nghĩa đoàn kết, thời dân thành thị chạy theo chủ nghĩa cá nhân khoái lạc”!
Bỗng Péng chạy từ phía trong nhà ra, nàng bảo chàng:
- Kìa! Anh nghĩ gì thế? Ông bác em mời vào chơi đấy
Chàng gật đầu theo nàng vào nhà trong, lúc ấy người bác nàng chắp tay vái chào trọng vọng mời chàng ngồi lên sập xơi nước.
Phía gần bếp, những cô nàng học trò của chàng cúi đầu chào; địa vị trở nên quan trọng giữa đám người dân đông đúc.
Bác Péng được tiếp thầy giáo làng cũng đã là vinh dự rồi và hơn nữa người ấy lại sắp thành cháu rể tương lai, nên càng quý trọng.
- Mời thày xơi nước.
- Ông để mặc cháu.
- Thày nói tiếng chúng tôi sành sỏi lắm rồi. Có thể gửi rể ở đây được đó. Thày đã ưa cô nào chưa? Tôi làm mối hộ nhé.
Nói xong, chủ nhân nhìn đứa cháu gái, má hồng ửng đỏ hơn chứng nhận nàng đã thẹn.
- Vâng ạ, thế còn gì hơn, trăm sự phải nhờ ông cả.
Chương VI
Tối hôm sau, ông giáo ra đình làng dạy học. Trong lúc ông giáo còn ở phía đằng xa, các cô học trò tủm tỉm cười và bảo nhau:
- Thầy giáo đi với Péng trông tốt đôi đấy. Chắc họ yêu nhau lắm đấy nhỉ. Đi đâu cũng có nhau. Hôm nọ tao bắt gặp cả hai đi ra đồng làm việc. Thầy giáo chăm chỉ làm lụng đấy.
Một cô khác trả nhời:
- Đúng rồi, không chăm làm ăn, gửi rể làng này sao được?
Cô khác bấm bạn sẽ nói:
- Thôi tôi xin các cô đừng bàn tán nhiều, thầy sắp đến rồi.
Từ ngày đến đây, Hàm đem tất cả những điều gì ích lợi hấp thụ được ở tỉnh thành đều áp dụng vào làng này cả.
Ngay từ lúc chưa có lệnh bắt buộc mở lớp học bình dân, chàng đã đứng lên mở lớp trưa, tối dạy người làng chữ Việt, Thái.
Lúc đầu, ông giáo chỉ biết nói tiếng Việt, ít lâu sau nhờ người yêu dạy, chàng đã biết cả hai thứ chữ. Đôi khi Péng cũng đến dạy thay chàng môn thổ ngữ.
Là những thứ chữ ngòng – ngoèo gồm có hơn hai mươi chữ cái nào là “tua ló, lua có, mạy kha” v.v…cũng như a, b, c…của ta vậy. Chữ Thái học chóng biết; trong một vài tháng đã đọc được các mặt chữ.
Nhất là Hàm, chàng đã thạo tiếng Thái, hàng ngày nói như thổ dân; việc học chữ càng chóng vánh, đến nỗi người yêu của chàng không ngờ!
Cô giáo riêng của Hàm đã phải kêu:
- Học trò khá lắm, viết đẹp hơn cả cô giáo rồi đấy!
Người Thái cũng chịu khó học hỏi, họ rất ham học tiếng Việt. Những cô gái Thái khi đã biết đọc, họ thường mua sách xem thêm.
Mỗi lần gánh gió ra chợ Vân - Hội hoặc Đan - Thượng (Yên Bái), thế nào lúc trở về họ cố mua được những tập truyện cổ tích như “Hoàng Trừu – ca, Tấm Cám”. Một đôi chỗ không hiểu, họ đã có ông giáo chỉ dẫn.
Chàng còn nhớ một lần, cô Ngăn, một học sinh đến nhà Péng để hỏi chàng, tay cầm quyển Hoàng - Trừu mỏng dính:
- Thày ạ, sao truyện này hay thế. Noọng muốn đọc mãi vui thích quá đi mất. Quả thầy còn câu chuyện gì hay không? Nhớ bảo Noọng nhé, để khi nào ra chợ bán thóc sẽ có dịp dể mua.
Chàng cũng thấy hứng khởi, thầm mừng việc làm có kết quả. Xưa nay đã biết bao nhiêu năm, dân Việt Nam bị quân Tàu xâm lăng và cố sức đồng hoá dân ta bằng văn học. Và bây giờ tuy không có ý nghĩ ấy, chàng chỉ hy vọng gây cho người Thái và Việt yêu nhau hơn, hiểu biết và quý mến, không muốn có một sự phân chia tách bạch.
Chàng thường nói chuyện với các học sinh già, trẻ, lớn, bé, nhoai nhoai rằng:
- Tôi chỉ muốn người Thái và người Việt sống với nhau thân mật, không bao giờ thù hằn gây lòng chia rẽ. Người Thái là người Việt ngày xưa, cùng chung một phong tục tập quán, chữ viết cổ(1), thì không một lẽ nào có thể coi nhau như thù địch được. Người Thái còn giữ phong tục gửi rể, trước đây người Việt chưa văn minh cũng có tục ấy. Người Thái bây giờ tôn sùng đạo phật, tin tưởng vô biên, người Việt cũng vậy.
Người Thái có tình đoàn kết tương thân tưong ái, kẻ giàu có sẵn sàng giúp đỡ người nghèo để cùng nhau chung sống, người Việt cũng thế.
Tại sao người Thái và người Việt còn bị một giống người đứng trung gian làm cho hai phái ghét nhau. Nhưng giờ đây tôi tin rằng không còn nữa.
Những mưu mô ấy chẳng qua do quân xâm lăng đặt ra để hòng hai bên tự tiêu diệt lẫn nhau.
Chàng lợi dụng bất cứ một cơ hội nào cũng nói chuyện về tình đoàn kết. Người sơn cước như Mường, Mán, Thái Đen, Thái Trắng, Lô Lô, v.v…dều là ngưòi Việt cả. Bao nhiêu tục lệ họ là của người Việt ngày xưa còn tồn tại.
Người Mường, Mán thực sự là người Việt trăm phần trăm. Qua lời nói, cách ăn ở, đều giống hệt. Tiếng Mường như tiếng Việt tuy nặng hơn một chút. Chẳng hạn như người Việt nói ăn cơm thì người Mường đọc nặng hơn: “ạn cơm”, đi chơi thì “đi ủn”, mẹ thì “mế” v.v…
Người Mán ăn mặc cách thức đều tương tự. Đàn ông đội khăn nhiễu tam giang, cũng ở nhà đất và phong tục ăn uống cũng chẳng khác gì.
Người Việt bây giờ, một phần đông là người nhà quê vẫn có nhiều tính chất giống người sơn cước.Tỷ dụ như những cuộc hôn nhân ít có cuộc ly dị. Người sơn cước còn hơn thế nữa, cho một trăm đám cưới thì rất ít khi có cuộc bỏ nhau. Còn người tỉnh thành chỉ là một số nhỏ không đáng kể, nhiều sư lố lăng chẳng qua bắt chước những sự đua đòi ngoại lai nhập cảng.
- Chiếng sáy (chào thầy), chiếng ý (chào chị).
Những tiếng chào của học trò ồn ào khiến hai người lúng túng. Chàng và nàng đứng yên một chỗ - cúi đầu đáp lại tất cả đi vào đình học hỏi.
Là một ngôi đình bốn bề gió thổi lùa, bàn ghế bằng lương nứa, bảng đen là cánh cửa đình. Phấn là những cục “đá thối”. Học trò đủ các loại chăm chú học tập. Những nét mặt đạo mạo của các cụ già, nét mặt ngây thơ các cô cậu nhoai nhoai, nét mặt láu lỉnh đáng yêu của các nàng sơn nữ, những nét mặt cương quyết của thanh niên hiện dưới đèn dầu leo lét.
Trên những chiếc bàn, sách vở giấy gió, bút mực nội hoá, mọi người quên tất cả việc đồng áng, để đôi mắt nhìn thầy giáo đứng bên bảng đang chỉ dẫn họ học tập.
Chú thích:
(1) Theo Ngô Thúc Địch trong bài diễn thuyết “Địa vị Hán- Văn trong Việt Ngữ”.