Một buổi sáng đẹp trời mùa hạ. Nắng trong vắt. Chiếc xe hơi chở chúng tôi dừng lại ở bãi đậu xe trên thác Cam Ly. Hàng quán nơi đây ngoài hiên đều treo lủng lẳng những giò phong lan nở đầy hoa. Trên quầy xếp đầy những gói mứt dâu, mứt mận, mứt đậu và những hình gỗ cưa lọng để bán cho du khách. Tôi dắt cô bé cùng với một số du khách đi thẳng xuống thác. Ðang mùa khô, ở thượng nguồn ít nước. Thác không chảy ào ạt mà chảy róc rách như một con suối nhỏ. Chúng tôi ngồi nghỉ chân ở một tảng đá nhẵn thín. Có lẽ trước chúng tôi đã có cả triệu người ngồi. Cô bé ngồi hai tay chống cằm nhìn những chiếc lá khô trôi theo dòng nước. Tôi hỏi: - Em suy nghĩ gì vậy? Cô bé lắc đầu. Tôi hỏi tiếp: - Vết thương trên trán đã làm em nhức đầu? - Không. Tự nhiên em thấy đầu em "nặng" quá. Tôi cười đùa: - Vậy hè này em nên tiếp tục đi học. Cô bé ngước mắt nhìn tôi: - Ði học làm đầu óc nhẹ đi? - Ðúng vậy. Nhồi nhét thật nhiều chữ nghĩa vào đầu, đầu người ta sẽ trống rỗng vì khỏi suy nghĩ. - Em không thích một đầu óc trống rỗng. - Nhưng không đi học như em, đầu óc sẽ hóa thành đá và nặng chình chịch. - Em cũng mong được như vậy để khỏi nhớ đến cái đã mất. Nhắc đến cái đã mất thật phiền. Tôi sợ em nổi cơn đòi lội suối đi tìm, bắt tôi lẽo đẽo lội theo canh chừng. Ðể em quên chuyện đó đi, tôi vẫy gọi một người thợ chụp hình. Cô bé nào mà chẳng thích chụp mình đang cười. Vả lại tôi cũng muốn chụp chung với em một tấm hình để làm kỷ niệm. Nhưng cô bé đã đứng dậy bỏ đi. Tôi đành xin lỗi người thợ chụp hình rồi chạy theo níu em đứng lại. - Tôi quên em còn miếng băng dán trên trán, chụp hình trông rất xấu. Cô bé lắc đầu: - Không phải em sợ chụp hình mình xấu đâu mà em sợ những kỷ niệm. Em đã có những kỷ niệm quá buồn. - Nhưng chụp hình đâu phải là một kỷ niệm buồn. - Nó là kỷ niệm vui, nhưng cũng giống như một kỷ niệm buồn, nó sẽ làm em không quên được. Rồi em sẽ phải vất vả đi tìm kiếm nó. Tôi chỉ xuống phía dưới chân thác, giữa những vòm cây xanh có những chuồng sắt. - Thôi, chúng ta đi xuống dưới đó xem khỉ. Nó sẽ giúp em có một kỷ niệm buồn... cười. Mau quên.
Tôi nắm tay cô bé bước từng bước xuống những bậc thang đá quanh co. Ðột nhiên em giằng tay em ra khỏi tay tôi và bước nhanh. Tôi vội đuổi theo nắm lấy vai em. - Cẩn thận nhỏ, coi chừng ngã. Cô bé hích hích vai như muốn thoát khỏi tay tôi. - Em đã ngã một lần rồi. Em không sợ ngã nữa. - Lần đó em ngã ở cầu thang trong nhà, chỉ u đầu sứt trán. Còn ngã ở đây sẽ bể đầu chết tươi. - Lần đó, em sợ mất hộp quẹt nên đuổi theo chụp lấy nó mới bị ngã. Còn ở đây sức mấy mà ngã được. - Em đã cất hộp quẹt ở nhà? - Không. Ở đây ông đuổi theo chụp bắt em, chứ em đâu có đuổi theo ông. Vậy người sợ ngã là ông mới đúng. Tôi đi sát sau lưng cô bé, nói: - Nếu có ngã, tôi sẽ níu em ngã theo. Cô bé quay lại nói: - Em không sợ. Ngã hai người cái đau sẽ bị chia làm hai nên ít đau hơn khi ngã một mình. Chúng tôi đứng lại bên chuồng sắt nước sơn loang lổ. Trong chuồng có hai con khỉ lớn và một con khỉ nhỏ lông vàng hoe, đang đu nhảy trên một cành cây khô. Cô bé đang nhai kẹo cao su. Em chu miệng giữa hai song sắt chuồng khỉ, phùng má thổi ra một bong bóng lớn. Chú khỉ con tò mò đu người đến gần, đưa tay chụp bắt. Bụp. Quả bong bóng vỡ. Chú khỉ hoảng hốt kêu chí chóe rồi bỏ chạy. Cô bé quay qua tôi, mỉm cười: - Ông thấy em có giống con khỉ nhỏ đó không? Tôi thở một hơi khói thuốc vào chuồng khỉ. - Giống thế nào được. Em thông minh hơn nó nhiều. - Em không thông minh hơn nó đâu. Em cũng đang chụp bắt một quả bóng dễ vỡ như nó. - Quả bóng nào đâu? - Quả bóng đó là trái tim của một người đang đứng sát bên em. - Vậy thì nó không dễ vỡ đâu. - Làm sao ông biết nó chắc chắn được? - Biết chớ. Vì nó bằng sắt. Tôi nói vậy để cô bé tin ở đời này không phải mọi thứ đều mong manh dễ vỡ. Còn có những cái rất bền vững. Nhưng rồi em đã lắc đầu thở dài. - Thật đáng buồn. Như thế nó sẽ không bay lên được. - Em muốn bay lên à? Ðược rồi. Hãy theo tôi. Tôi nắm tay cô bé dang rộng ra rồi cùng chạy nhanh lên đồi dốc. Một viên sỏi làm tôi trượt chân loạng choạng ngã, nhưng tôi cũng kịp buông tay cô bé để em khỏi ngã theo. Tôi lồm cồm bò dậy. Hai bàn tay tôi bị đá cào xước rỉ máu. Cô bé đến nắm tay tôi, thổi phù phù vào vết thương rồi nói: - Sao ông lại buông tay em ra? Em đã nói ngã hai người, cái đau bị chia hai bên bớt đau đi. Tôi nhăn nhó nói: - Bớt đau sao được. Nếu cả hai cùng ngã, em sẽ ngã đè lên người tôi và tôi càng đau hơn. Tôi đưa tay phủi bụi dính đầy ngực áo. Bụi bay ra thành quầng. Cô bé lấy tay quạt quạt đám bụi bay trước mặt em. - Vậy mà ông dám nói trái tim ông bằng sắt. Em nghĩ trái tim ông bằng đất sét thì đúng hơn. Nó vừa bị vỡ, bụi bay tứ tung!
Chương 10
Người lính: Em yêu hãy tha lỗi cho anh. Anh chẳng nói được lời chân thật nào lúc này. Anh chỉ nói được những lời chẳng đáng nói. Có một cái gì đã xảy ra trong đầu óc u mê của anh, khiến anh biết rằng mọi lời anh nói ra đều vô nghĩa. Anh có thể nói "anh yêu em" dễ dàng. Anh có thể nói "anh yêu em" hàng triệu lần. Nhưng trời ơi, làm sao anh có thể diễn tả được lòng anh yêu em. Thiếu nữ: Anh cứ nói "anh yêu em". Anh cứ nói những lời mà anh nghĩ là vô nghĩa đó cho em vui. Nói đi anh. Người lính: Không. Anh không thể nói những lời gian dối đó. Anh chẳng thể lừa gạt tình yêu em đã dành cho anh. Hãy cho anh có một niềm tin để sống. Thiếu nữ: Hãy nói đi anh, cố gắng nói cho em vui. Hãy nói những lời mà anh cho là gian dối. Bây giờ em sung sướng được nghe những lời gian dối đó. Em sợ sự im lặng của anh. Người lính (cúi mặt) : Không. Em hãy hiểu cho anh. Hãy cố gắng hiểu cho anh. Thiếu nữ: Em van anh hãy nói: "anh yêu em". Người lính: Anh... (lắc đầu). Thiếu nữ: Hãy nói nhanh đi anh. Ðừng để đầu óc kỳ quặc của anh giam giữ những lời em náo nức chờ đợi, những lời đang sẵn sàng thoát ra từ môi anh. Nào hãy nói nhanh đi. Hãy vì em mà nói: "Anh yêu em". Người lính (hét lên như một cái máy): ANH... YÊU EM MÃI MÃI VÔ CÙNG. ANH.... YÊU EM MÃI MÃI VÔ CÙNG. ANH... Thiếu nữ(bịt miệng người lính): Thôi đủ rồi. Em chỉ cần từng ấy tiếng. Em cũng yêu anh biết bao. Giờ đây em không còn sợ sự im lặng của anh nữa. Người lính (khóc): Trời ơi! Tôi đã nói gì với nàng? Màn hạ. Tiếng vỗ tay lộp độp. Buổi tổng diễn tập tối nay đã làm mọi người hài lòng. Như thế chỉ còn ba hôm nữa vở kịch Tình nhỏ làm sao quên của tôi sẽ trình diễn buổi ra mắt vào lúc 19 giờ 30 tối thứ bảy, tại hội trường trường đại học. Sau buổi tổng diễn tập, tôi ngỏ ý muốn chiêu đãi hai nữ diễn viên Liên và Hạnh một chầu bún bò Huế. Liên cười nói: - Thôi để tác giả và nhân vật chánh được tự do "thảo luận". Liên bận chút việc phải về nhà. Hẹn dịp khác. Hạnh níu vai Liên, nói: - Thảo luận chung mà. Có Liên góp ý càng tốt. - Chưa chắc à. Có thể ý kiến của Liên sẽ làm cho cuộc "thảo luận tay đôi" xấu đi. Nói xong, Liên cười bỏ đi trước. Tôi và Hạnh lững thững đi bộ xuống phố. Quán bún bò bán trên lề một con đường nhỏ nhưng đông khách vì bún rất ngon. Quán chỉ bán từ 6 giờ chiều đến 9 giờ đêm là hết. Quán này Ðăng dẫn tôi đi ăn lần đầu tiên. Sau đó tôi dẫn cô bé đến ăn lần thứ 2 và hôm nay tôi dẫn Hạnh đến ăn lần thứ ba. Chúng tôi ngồi xuống một bàn gỗ nhỏ. Trên bàn đã bày sẵn đĩa rau sống, dĩa ớt đỏ tươi và những miếng chanh vàng mọng. Hai tô bún bò nóng hổi được một người đàn ông hút thuốc rê bưng ra đặt trên bàn. Trời lành lạnh, tô bún bò cay xè đã làm tôi ấm người. Ăn xong tôi mời Hạnh đến nhà hàng Thủy Tạ uống cafe và nghe nhạc. Bước đến gần cửa nhà hàng, tôi ngạc nhiên thấy có dán tờ áp phích quảng cáo buổi trình diễn vở kịch của tôi và phía dưới có dòng chữ "vé có bán trước tại đây". Tôi nghĩ ông chủ nhà hàng này là một Mạnh Thường Quân của buổi diễn kịch, nếu không ai mà chịu quảng cáo không công như vậy. Chúng tôi đến ngồi ở chiếc bàn phủ khăn trắng, kê sát lan can ngó xuống mặt hồ. Gió thổi từ mặt nước lên mát rượi. Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên với bài "Khúc Thụy Du":... Thụy bây giờ về đâu? Anh là chim bói cá, em là bóng trăng ngà. Chỉ cách một mặt hồ mà nghìn trùng chia xa... Tôi gọi hai ly cafe đá và một dĩa bánh ngọt. Hạnh vuốt vuốt những sợi tóc gió thổi bay lòa xòa trước trán. Nàng hỏi: - Bây giờ anh có thể cho em biết tại sao anh đặt tựa vở kịch là "Tình nhỏ làm sao quên?". Tôi búng mẩu thuốc ngắn bay bổng lên trời rồi rơi xuống mặt hồ tối đen. - Em là nhân vật chính của vở kịch, em có thể tự giải đáp được mà. - Em muốn hỏi anh dùng chữ "nhỏ" là cô nhỏ hay mối tình nhỏ bé vụn vặt? Tôi cắn hai miếng bánh ngọt rồi trả lời: - Cả hai. - Anh đừng bắt cá hai tay. - Bắt một tay dễ sẩy lắm. Anh bắt cá hai tay cho chắc ăn. - Anh đừng đùa nữa. Hãy lựa chọn hoặc con nhỏ "mát" hoặc mối tình nhỏ bé của em. Miếng bánh nghẹn ở cổ, tôi phải uống một ngụm lớn cafe đá cho nó trôi đi. - Ðừng bắt anh lựa chọn để loại trừ, trong khi anh thật lòng quý mến cả hai người. Hạnh dùng ngón tay trỏ vẽ thành vòng tròn trên miệng ly cafe đá: - Có phải anh đã thương hại em? - Không bao giờ. Anh chỉ biết thương chứ không biết hại ai.
Hạnh lắc đầu, mái tóc ngắn của nàng đong đưa hai bên má: - Thật đáng tiếc. Ngay ngày xưa khi bằng tuổi con nhỏ "mát", em cũng không được anh chú ý đến như anh đã chú ý đến nó bây giờ. - Tại em không... không... - Em hiểu rồi. Tại em không đẹp và không giàu bằng nó. - Em không hiểu gì cả. Em đã may mắn không bị "mát" như cô bé đó, nên anh không cần phải chú ý giúp đỡ em. Hạnh nhếch môi cười: - Có thật sự anh chỉ muốn "giúp đỡ" nó? Ðây là lần thứ hai Hạnh hỏi tôi câu đó. Biết nói sao cho nàng tin khi giữa tôi và cô bé cho đến nay cũng chỉ là một "trò chơi giết thì giờ" hấp dẫn. - Con ăn kem Chocolate, còn vú ăn kem gì? - Kem lạnh làm vú buốt răng. - Vậy vú uống gì? - Vú ngồi chơi được rồi. - Vào nhà hàng chỉ ngồi chơi không uống nước đâu được. - Vậy vú uống trà nóng. Tôi vội quay người lại, ngạc nhiên thấy cô bé và bà vú ngồi cách tôi một bàn. Tôi đã ngồi quay lưng ra cửa nhà hàng để nhìn xuống mặt hồ nên cô bé vào lúc nào tôi không hay biết. Tôi nói với Hạnh: - Anh mời cô bé và bà vú qua bàn mình uống chung cho vui nghe. Hạnh nhăn mặt: - Anh để họ ngồi riêng không được à? - Anh muốn em làm quen với cô bé rồi em sẽ thông cảm với cô ấy. Tôi đứng dậy đi qua bàn cô bé đang ngồi. Tôi chào bà vú rồi kéo ghế ngồi xuống bên em. - Tối nay em đi tìm cái đã mất ở đây à? Cô bé bật quẹt gaz soi mặt tôi rồi tắt đi. - Không. Em đi tìm ông. - Sao em biết tôi ở đây mà tìm? - Cái mà em đã đánh mất có thể chỉ tìm thấy ở nơi im lặng. Còn nơi nào có ánh đèn, có nhạc, có người là có ông. Tôi phì cười nói: - Thôi được rồi. Bây giờ tôi mời em qua bàn tôi ngồi chung cho vui. - Bàn của ông ở đâu vậy? Tôi đưa tay chỉ. Cô bé ngoái cổ nhìn theo tay tôi rồi em quay lại hỏi: - Ông ngồi với ai vậy? - Một cô bạn gái. - Có phải cô ấy đã có lần mời ông đi ăn bún bò Huế? - Ðúng rồi. Cô ấy là diễn viên đóng kịch của tôi. - Vở kịch của ông bao giờ mới trình diễn? - Tối thứ bảy này. - Vậy mà em cứ tưởng tối nay. - Sao em nghĩ vậy? - Chứ không phải ông và cô ấy đang đóng kịch à? - Không. Chúng tôi chỉ đóng kịch trên sân khấu. - Tôi thứ bảy, ông dẫn em đi xem kịch nghe. - Ðược rồi, tôi sẽ xin phép má em cho em đi xem. Bây giờ em đi qua bàn tôi ngồi cho vui. Cô bé gãi gãi chỗ dán băng keo trên trán. - Em xin lỗi ông đừng giận. Em thích xem kịch chứ không thích ngồi chung với những người đóng kịch. Ông hãy ngồi đây với em. Người phục vụ bưng cái khay có ly kem chocolate, bình trà nóng và hai cái ly nhỏ đặt lên bàn. Tôi kéo ghế đứng dậy. Cô bé níu tay tôi. - Ông lại "nóng" rồi. Em đã xin lỗi ông đừng giận mà. Tôi đi về bàn của mình, gọi người phục vụ tính tiền rồi nắm tay Hạnh dắt đi. - Này ông, em đã biết "nó " ở đâu rồi. Tôi nghe tiếng cô bé gọi nhưng tôi vẫn thản nhiên nắm tay Hạnh bước xuống bậc thang nhà hàng Thủy Tạ. Ra ngoài đường, Hạnh bóp nhẹ tay tôi, hỏi: - Nó đã nói gì mà anh giận dữ vậy? Tôi buông tay Hạnh nói: - Không. Chẳng có chuyện gì.