Nhung im lặng không ngăn cản Điệp như những lần trước nữa, vì nàng nghĩ có lẽ đây là “trận đấu” cuối cùng đưa đến quyết định chuyện tình của nàng và Doãn. Nàng im lặng chăm chú nghe như nghe một chuyện thương tâm của ai khác, rồi Điệp hỏi huyên thuyên về cuộc sống của Doãn và thầy Bằng. Nhung mỉm cười khi thấy thầy Bằng vui vẻ trả lời từng câu hỏi của Điệp, chừng như hết chuyện để hỏi thầy Bằng bắt đầu quay lại hỏi Nhung: - Nhung có cần giấy để viết vài chữ cho thầy Doãn không? Hỏi xong, không chờ Nhung trả lời, thầy Bằng tới bàn rút ra quyển vở học trò và cây bút bic trao Nhung rồi bảo: - Nhung viết vô đây rồi xé ra, viết xong tui đưa bao thư cho. Nhung cầm lấy, lí nhí cám ơn rồi nàng chiếc ghế đẩu sát vô bàn và bắt đầu hí hoáy viết như đã chuẩn bị từ lâu. Thầy Bằng nhìn lại Điệp hỏi: - Rồi! Còn chi để... thẩm vấn tui nữa không? - Trời! ngó tề, hỏi chuyện cho vui mà thầy cho là em thẩm vấn thầy, rứa thôi em không hỏi nữa. - Nhưng nếu Điệp không hỏi thì chừ tui hỏi nghe! - Thì ai cấm thầy mô nờ! Cứ hỏi đi. - Có chồng chưa? Điệp đỏ mặt, Nhung đang viết thư cho Doãn, nghe chuyện nàng bật cười: - Cho chừa cái tật nói nhiều đi! Thầy Bằng cũng cười lớn, rồi hai người nói chuyện rất vui vẻ... Bỗng thầy im bặt khi nhìn ra cửa thấy Doãn và bà mẹ của chàng đang mở cửa phòng. Điệp nhìn theo ánh mắt của Bằng, hiểu ra vội bảo: - Nhung, ngó qua cửa sổ tề! Nhung nhìn theo giật thót người, mặt tái đi. Điệp cầm tay bạn siết mạnh như trấn an. Bằng hỏi: - Chừ tính răng? Muốn gặp hay không? Nhung và Điệp nhìn nhau, không biết phải tính thế nào, Bằng thấy vậy đề nghị: - Nếu không muốn gặp thì cứ chờ họ vô nhà một lúc rồi... hai o đi! Điệp cười rúc rích: - Thầy kêu tụi em bằng o nghe tức cười quá! Nhung lắc tay bạn: - Trời ơi! Điệp đừng đùa giỡn nữa, người ta sợ bắt chết đây nì! Thôi, đành nghe lời thầy, chờ chút tụi em đi! - Điệp với Nhung uống trà hí để tui vô lấy, uống nước rồi đi! Thầy Bằng khuất vô trong, Nhung bảo: - May phước gặp ông nầy, nếu không không biết tính răng? Thầy Bằng cầm hai ly trà ra, cả hai đỡ ly nước, Nhung hỏi: - Trong trường ni có nhiều người ở không Thầy? - Chỉ có 4 người và ông lao công thôi, bữa ni cuối tuần họ đi chơi hết chiều mới về. - Răng Thầy không đi? - Tại tui mắc tiếp... hai o đi răng được mà đi? Bấy giờ Nhung và Điệp mới khám phá ra thầy Bằng đã ăn mặc rất tươm tất, cả hai áy náy, Nhung hỏi: - Có phải thầy cũng định đi mô không? Tụi em cũng vô ý quá, quên không hỏi thầy... Thầy Bằng cướp lời: - Đừng ngại, tui cũng định đi loanh quanh ra chợ mua ít rau cải chi thôi! Chừ chắc hai o cũng đói rồi, có muốn ra tiệm ăn gần đây ăn đỡ cái chi không? Nhung và Điệp đều từ chối, Nhung sốt ruột cứ nhìn qua phòng của Doãn vì thấy cửa cứ mở... Thông cảm cho nàng, thầy Bằng đề nghị: - Hay để tui làm bộ qua đó nói chuyện, khi mô tui ra khép cửa lại thì hai o đi nghe! Nhung đồng ý ngay, Thầy Bằng nhìn quyển vở rồi hỏi: - Nhung viết thư xong chưa, để tui vô lấy cái bao thư... Thầy Doãn chưa dứt câu thì tiếng cộc cộc vang lên, cả ba nhìn lại thì thấy Doãn và bà mẹ của chàng. Nhung hoảng sợ vò nhanh bức thư vứt xuống gầm bàn. Bà mẹ Doãn lên tiếng: - Xin lỗi tui không biết thầy đang có khách, chỉ qua chào thầy để đi thôi! Rồi bà ngạc nhiên khi thấy mọi người cứ nhìn nhau trân trối, không ai trả lời bà cả. Doãn hơi bối rối, nhìn Nhung và hỏi: - Răng em lại ở đây? Điệp thấy giấu không được, lại sợ có sự hiểu lầm nên nàng nói luôn: - Em với chị Nhung đến thăm anh, nhưng anh với bác đi vắng nên định ngồi đây chờ anh về... Bà mẹ của Doãn vừa nghe tên Nhung thì bà như bị điện giựt, bà hỏi nhanh: - Có phải Nhung con ông Lập không? Cái con mà con mới nói với mạ đi hỏi cưới cho con đó hả? Doãn im lặng gật đầu. Bà mẹ chàng như mất hẳn bình tĩnh, bà nói ngay: - Con gái mà dám mò tới chỗ ở con trai để thăm? Doãn, mạ nói có sai mô. Nhung sợ hãi đứng run như cầy sấy khiến Điệp càng giận dữ binh vực Nhung để đốp chát với bà: - Bác không biết chi hết, anh Doãn và chị Nhung thương nhau từ lâu, mới đây ba mẹ chị ép gả cho người khác cháu mới rủ chị lên đây để báo cho anh Doãn biết, chứ có phải chị đi tìm anh Doãn thường mô mà bác nói như rứa! Mẹ của Doãn càng tức giận hơn, bà nhìn con trai chòng chọc: - Mi vừa lòng chưa? Nuôi mi khôn lớn tới chừng ni để cho mi kết bạn với những hạng người như rứa, muốn nói chi mẹ mình thì nói hả?
Cục diện xẩy ra quá bất ngờ, Doãn quýnh quáng không biết xử trí ra sao; Bằng kéo tay Điệp lôi ra ngoài sân, vừa đi vừa bảo: - Để họ giải quyết với nhau! Bằng và Điệp ra ngoài rồi Doãn vịn vai mẹ nhỏ nhẹ: - Mạ bớt nóng đi, câu chuyện con thưa với mẹ sáng nay thì... đây là Nhung, cơ hội nầy con xin mạ cho tụi con được cưới nhau. Mẹ của Doãn đưa tay xỉa xói vô mặt con trai: - Tau nói rồi! Không được là không được! Rứa thì cái hôn ước giữa tau với con gái bác Vọng mi tính răng? Người ta là con nhà có học, gia tộc đàng hoàng lại nết na mi tìm suốt cả đời cũng không được mô. Bà quay sang nhìn Nhung từ đầu tới chân, rồi nói: - Mi nên biết ba mi là loại người bất nhơn, thứ mèo mỡ gà đồng, bức tử mẹ mi chết trong tủi nhục, cả làng xóm ai không biết. Chẳng lẽ tau mà đi làm... Nhung run rẩy nép sát vào tường cho khỏi ngả. Doãn lòng đau như cắt, nhìn mẹ van vỉ: - Mạ! Con van mạ đừng nói nữa... Mạ không thấy Nhung quá tội nghiệp hay sao? Mạ, con van xin mạ đừng nói nữa mạ ơi! - Được rồi! Hừ! Tội nghiệp vậy ai tội nghiệp cho tau đây? Mi mà lấy hắn thì tau tự tử cho mi vừa lòng... Nhung bịt hai tai lại thốt lên những lời ai oán: - Bác! Con xin bác đừng nói chi thêm nữa, con biết con phải làm răng rồi! Anh Doãn, cám ơn anh, em hiểu được tình anh rồi thì cho dù có chết em cũng cam lòng. Nói xong những lời chân tình ấy, Nhung chạy bay ra cửa. Doãn định chạy theo, mẹ của chàng giữ chặt tay con lại: - Nếu mi mà đi theo hắn thì đi luôn đi! Đừng biết chi tới mạ mi nữa. Điệp đang đứng với Bằng, thấy Nhung ùa ra đoán biết sự việc, nàng vội vã vô lấy hai chiếc ví của mình và bạn rồi quây qua nhìn mẹ con Doãn ánh mắt oán trách trước khi bước nhanh ra ngoài... Điệp và Nhung vừa khuất thì Doãn cũng đưa mẹ ra bến xe. Bằng vô nhà kéo những chiếc ghế lại cho ngay ngắn, thấy bức thư của Nhung vứt dưới đất, tò mò chàng vuốt thẳng lại để đọc: “Anh Doãn yêu. Em đang bị ba và dì ép gả cho một người đàn ông lớn tuổi. Em tìm gặp anh vì quá cấp bách, xin hiểu giùm em. Em khổ quá Doãn ơi! Hãy cứu em gấp, em nhớ anh lắm, chỉ mong gặp anh một chút cho đỡ nhớ và nghe quyết định của anh là em ra về ngay. Em nhớ hơn hai tuần trước...” Bức thư kết thúc ở đó. Bằng đọc đi đọc lại cảm thương cho mối tình của hai người, chàng quyết định trao lại bức thư dở dang nầy cho Doãn để Doãn tự quyết định. Nhưng rồi, Doãn cũng là người con có hiếu, cũng không đủ sức để chống chọi với nghịch cảnh nên đành xuôi định mệnh... Chỉ hai tháng sau, một buổi trưa trời nắng chang chang, Nhung từ giã đời con gái để theo chồng về Đập Đá, Doãn đứng núp sau gốc cây me đầu làng nhìn theo tiễn biệt với cõi lòng tan nát. Chị Loan và Điệp sau khi ở nhà của Nhung ra, ngang qua thấy Doãn đang ngồi tựa đầu lên gối, nước mắt đầm đìa. Chị em nàng thở dài thương xót, Điệp định tiến tới an ủi, nhưng Loan níu tay em lại: - Đừng! Cứ để cho anh ta khóc đi! Chỉ có nước mắt mới làm dịu cơn đau, nhức nhối của tâm hồn thôi em ạ! Điệp ngừng lại, tự hỏi thầm: “Xứ Huế cổ kính, bức tường luân lý, đạo đức quá chặt chẽ nầy không biết không biết tốt hay xấu?” và lòng dâng lên một nỗi buồn man mác khi nàng nghĩ câu hỏi có đưa ra cũng không bao giờ nàng được trả lời một cách thỏa đáng. Nàng rùng mình khi nghĩ đến Nhung thật tội nghiệp... trong đêm nay!