watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
18:58:0326/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tiêu Tiêu
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2
Khi nàng rõ Hoa Cẩu biết hát, Tiêu Tiêu nói:
- Anh Hoa Cẩu, anh Hoa Cẩu, sao anh không hát một bài hợp với em?
Nhưng Hoa Cẩu, mặt hắn thô như tấm lòng, tính tình lỗ mãng, biết Tiêu Tiêu muốn nghe hát và thấy nàng sắp đến tuổi hiểu, hắn hát một khúc ca về cô dâu mười tuổi cưới chú rể một tuổi. Chuyện kể cô vợ lớn tuổi đi hoang vì chồng còn thơ ấu chưa cai sữa, vì thế để nó lại bú vú mẹ. Dĩ nhiên Tiểu Phu chẳng hiểu gì bài hát này, nhưng Tiêu Tiêu thoáng mơ hồ. Nghe xong nàng làm bộ như hiểu hết. Nàng giả vờ giận nói với Hoa Cẩu:
- Anh Hoa Cẩu, thôi ngay! Bài đó không tốt.
Nhưng anh Hoa Cẩu phản đối:
- Nhưng nó hay.
- Không, không hay. Bài đó không hay.
Hoa Cẩu ít khi nói nhiều, hắn đã hát xong bài hát của mình; nếu ai không thích, hắn sẽ không hát nữa, thế thôi. Hắn biết nàng hơi hiểu bài hắn hát, và sợ nàng mách với ông nội hắn sẽ gặp rắc rối, vì thế hắn đổi đề tài sang bọn nữ sinh. Hắn hỏi Tiêu Tiêu đã bao giờ thấy nữ sinh tập thể dục nơi công cộng và hát các bài hát tây chưa.
Nếu Hoa Cẩu không nhắc đến, Tiêu Tiêu đã quên chuyện nữ sinh từ lâu. Nhưng bây giờ hắn gợi lại, nàng tò mò muốn biết hồi này hắn có gặp họ không. Nàng rất muốn thấy họ.
Vừa chuyển dưa từ lán ra góc vườn rào Hoa Cẩu vừa kể chuyện nữ sinh hát các bài hát nước ngoài, toàn những chuyện hắn nghe từ ông nội. Trước mặt nàng, hắn khoác lác đã thấy bốn cô học trò trên đường lớn, mỗi cô cầm cờ trên tay vừa đi vừa toát mồ hôi và hát như lính diễu hành. Chả cần phải nói, tất cả những chuyện nhảm nhí này hắn bịa ra. Nhưng câu chuyện kích thích trí tưởng tượng của Tiêu Tiêu. Và tất cả vì Hoa Cẩu mô tả họ như những thí dụ của “tự do”.
Hoa Cẩu là một đứa thô lỗ, đểu cáng và phàm tục. Khi nghe Tiêu Tiêu nói với vẻ khâm phục:
- Chao ôi, anh Hoa Cẩu, cánh tay anh to nhỉ.
Hắn nói:
- Ồ, có to lớn gì lắm đâu!
- Anh vạm vỡ thế.
- Anh to từ trên xuống dưới.
Tiêu Tiêu chẳng hiểu gì; nàng chỉ nghĩ hắn vớ vẩn, vì thế nàng bật cười.
Sau khi Tiêu Tiêu bế chồng đi khỏi, gã hái dưa với Hoa Cẩu, tục danh Ú Ớ (hắn không nói được nhiều), bình phẩm:
- Hoa Cẩu, mày cứ hết sức nói. Cô ấy là con gái mười hai, còn mười hai năm nữa mới làm lễ cưới!
Lầm lì không nói, Hoa Cẩu đi tới tát gã tá điền, rồi đi lại cây chà là nhặt những hạt rơi trên đất.
Tới vụ dưa thu có thể coi như Tiêu Tiêu đã ở với chồng được một năm rưỡi.
Thời gian trôi qua - những ngày băng giá và tuyết đổ, nắng và mưa - và mọi người đều bảo Tiêu Tiêu lớn trội. Nàng được trời đãi: uống nước lạnh, ăn cháo đặc, thế mà quanh năm chả bao giờ đau ốm. Nàng lớn lên và nảy nở. Mặc dù bà nội như nữ thần báo ứng cố giữ nàng đừng lớn quá nhanh, Tiêu Tiêu phát triển trong bầu không khí thôn quê trong sạch, không sợ gian nan và thử thách.
Năm mười bốn tuổi, Tiêu Tiêu có thân hình người lớn, nhưng trái tim vẫn vô tư và tự nhiên như con trẻ.
Càng lớn lên người ta càng phải gánh vác việc nhà nặng nhọc hơn. Ngoài việc xoắn gai dầu, se sợi, giặt giũ, trông nom chồng, nàng còn làm các việc vặt như cho heo ăn hay xay cối, quay tơ và dệt lụa. Người ta muốn nàng học mọi việc. Họ hiểu rằng ai cố lên một tí cũng sẽ khớp vào việc mới: những sợi gai thô và lụa Tiêu Tiêu gom góp trong hai ba năm sẽ đủ làm nàng bận bịu ba tháng với con thoi trong phòng nàng.
Chồng nàng cai sữa đã lâu. Mẹ chồng mới sinh đứa nữa, vì thế đứa con năm tuổi của bà - chồng Tiêu Tiêu - trở thành bổn phận của riêng nàng. Bất kể chuyện gì, bất cứ nơi đâu, chồng nàng theo nàng khắp nơi. Chẳng rõ vì sao chồng hơi sợ nàng, như thể nàng là mẹ nó, vì thế nó ngoan. Nói chung, chúng khá hoà thuận.
Dần dần, vùng quê tiến bộ hơn, ông nội đổi câu nói đùa thành: “Tiêu Tiêu, vì tự do, cháu nên cắt cái bím đi”. Tiêu Tiêu nghe câu đùa này hồi mùa hè, lúc nàng thấy cô nữ học trò đầu tiên. Dù không xem lời phiếm của ông nội là nghiêm trang, mỗi khi đi ngang cái ao sau khi ông đùa, nàng lơ đãng nắm chóp bím tóc giơ lên để xem không có bím có đẹp không và mình sẽ cảm thấy thế nào.
Để cắt cỏ cho heo, Tiêu Tiêu dắt chồng lên dốc tối núi Ốc.
Đứa bé chả biết gì hơn, vì thế mỗi khi nghe hát, nó sẽ bật ra tiếng ca. Và ngay lúc nó mở miệng, Hoa Cẩu xuất hiện.
Hoa Cẩu bắt đầu nuôi dưỡng những ý nghĩ khác về Tiêu Tiêu, nàng dần dần hiểu ra và lo lắng. Nhưng Hoa Cẩu là kẻ có đủ mưu mô và phương chước của một gã đàn ông vạm vỡ và nhanh nhẹn có thể làm vui lòng và quyến rũ một cô gái. Hắn tìm những cách lẻn tới Tiêu Tiêu và làm tiêu tan sự nghi ngờ của nàng về hắn bằng cách lấy lòng chồng Tiêu Tiêu.
Nhưng một người so sao được với núi đồi? Cây cối khắp nơi khó tìm ra Tiêu Tiêu. Vì thế mỗi khi muốn tìm Tiêu Tiêu, Hoa Cẩu đứng thẳng lên hát để chồng tí hon bên cạnh Tiêu Tiêu hát trả. Ngay khi Tiểu Phu hát, Hoa Cẩu sẽ xuất hiện đối diện Tiêu Tiêu sau khi hắn chạy vội lên dốc xuống đèo.
Khi đứa bé thấy Hoa Cẩu, nó vui mừng. Nó muốn Hoa Cẩu lấy cỏ làm hình con bọ, hoặc cắt cho nó ống sáo tre, nhưng Hoa Cẩu luôn luôn có cách đuổi nó đi tìm vật liệu để hắn có thể ngồi cạnh Tiêu Tiêu hát cho nàng những khúc ca để nàng bớt cảnh giác và làm gò má nàng ửng đỏ. Nhiều lần nàng lo có thể xảy ra chuyện gì, và không để chồng đi xa; những lần khác hình như nên tống khứ đứa bé đi để nó đừng thấy Hoa Cẩu có ý định gì. Cuối cùng, một hôm nàng để Hoa Cẩu chiếm đoạt lòng nàng, và hắn biến nàng thành đàn bà.
Hôm đó, Tiểu Phu chạy xuống núi hái dâu, và Hoa Cẩu hát nhiều khúc ca cho Tiêu Tiêu:
Trinh nữ ơi, lên dốc núi đến nhà nàng
Nếu người đi một, anh bước đi hai
Dép anh đã sờn, rách thành mảnh vụn
Nếu không vì nàng, xinh ơi, thì vì ai?
Khi hát xong hắn nói với Tiêu Tiêu:
- Tối anh không chợp mắt được vì em.
Hắn thề lên thề xuống sẽ không kể với ai. Nghe thế Tiêu Tiêu hoang mang, nàng không thể không nhìn cánh tay rắn chắc của hắn, và không thể không nghe điều hắn vừa nói. Thậm chí khi ra nhà xí hắn cũng hát cho nàng. Nàng bối rối, nhưng bảo hắn thề với Trời, và sau khi hắn thề - dường như thế là đủ bảo đảm - nàng buông mình cho hắn. Khi Tiểu Phu trở lại, tay nó bị sâu lông chích sưng tướng. Nó chạy đến Tiêu Tiêu. Nàng véo tay nó, thổi lên chỗ chích và mút để bớt sưng. Nàng nhớ tư cách nhẹ dạ của mình mới rồi, và mơ hồ biết rằng mình đã làm điều không đúng lắm.
Khi Hoa Cẩu chiếm đoạt nàng, lúc ấy tháng Năm, lúa nâu vàng. Tháng Bảy, mận chín - nàng thích mận làm sao! Nàng thấy cơ thể mình biến đổi, vì thế khi tình cờ gặp Hoa Cẩu trên núi, nàng kể cho hắn nghe trạng thái của mình và hỏi nàng nên làm gì.
Họ nói mãi, nhưng Hoa Cẩu không biết phải làm gì. Dù đã thề với trời đất, hắn vẫn không có ý niệm nào. Xét cho cùng, hắn to xác nhưng nhỏ gan. To xác dễ dẫn mình gặp rắc rối, nhưng nhát gan làm luống cuống khi muốn tìm lối thoát.
Một hồi sau, Tiêu Tiêu mân mê bím tóc đen như rắn của nàng và nghĩ đến cuộc đời nơi thành thị:
- Anh Hoa Cẩu, sao mình không ra châu thành nơi mình được tự do và tìm việc ở đó? Anh nghĩ sao?
- Không được. Ở đó chẳng có gì cho mình.
- Bụng em đang lớn cũng không được.
- Mình tìm thuốc, có ông lang bán thuốc ngoài chợ.
- Anh phải tìm nhanh lên. Em nghĩ -
- Chạy tới “tự do” ngoài phố vô ích. Ở đó chỉ có người lạ. Ngay cả ăn mày cũng có luật lệ; không ai có thể đi đây đi đó theo ý thích đâu.
- Anh thật vô ích, anh đáng ghét. Ô, ước gì tôi chết đi.
- Anh thề không bao giờ phản bội em.
- Ai cần phản bội hay không. Em chỉ muốn anh giúp. Lấy cái đang sống này ra khỏi bụng em ngay! Em sợ.
Hoa Cẩu không nói nữa, một lúc sau hắn bỏ đi. Lát sau, Tiểu Phu từ chỗ nhặt quả đỏ về ngang. Thấy Tiêu Tiêu ngồi một mình trên cỏ, mắt đỏ vì khóc, Tiểu Phu ngạc nhiên. Một lúc sau nó hỏi:
- Chị, chuyện gì vậy?
- Không có gì. Mạng nhện vào mắt chị nhức quá.
- Để em thổi cho.
- Thôi, đừng lo.
- Nè, xem em nhặt được nè.
Nó lôi trong túi ra những vỏ sò và hòn sỏi nhỏ vơ được từ dòng suối cạnh đó. Tiêu Tiêu nhìn chúng, mắt nàng tràn trề, và gắng gượng cất tiếng cười:
- Tiểu Tử, mình thật ăn cánh với nhau nhỉ. Đừng nói với ai chị khóc. Họ buồn đấy.
Và thật vậy, không ai trong gia đình biết một chút gì.
Nửa tháng sau, Hoa Cẩu mang theo tất cả đồ dùng của hắn bỏ đi không nói một lời. Ông nội hỏi Ú Ớ sống chung phòng với Hoa Cẩu có biết tại sao Hoa Cẩu bỏ đi. Hắn trôi giạt vào núi hay đăng lính? Ú Ớ lắc đầu và nói Hoa Cẩu còn nợ mình hai trăm đồng; hắn bỏ đi không viết một chữ. Hắn đúng là đồ tồi tệ. Ú Ớ nói xong ý mình, nhưng không cho manh mối Hoa Cẩu có thể đi đâu. Thế là cả gia đình rì rầm suốt ngày về chuyện bỏ đi này đến tối. Nhưng xét cho cùng, gã tá điền không lấy trộm thứ gì và không trốn tránh điều gì; vì thế một thời gian sau mọi người quên hết về hắn.
Tuy nhiên, Tiêu Tiêu không khá hơn. Nếu nàng quên được Hoa Cẩu cũng tốt, nhưng bụng nàng cứ mỗi lúc mỗi lớn, và có cái gì trong đó bắt đầu cử động. Nàng cảm thấy hốt hoảng, và không ngủ đêm này sang đêm khác.
Nàng trở nên càng ngày càng cáu kỉnh; chỉ có chồng nàng rõ, vì lúc này nàng khe khắt với nó hơn.
Dĩ nhiên, chồng nàng lúc nào cũng ở bên cạnh. Thậm chí nàng không chắc chính mình đang nghĩ gì. Đôi khi nàng tự nghĩ nếu mình chết thì sao? Rồi mọi việc sẽ ổn thỏa. Nhưng rồi tại sao mình phải chết? Nàng muốn hưởng thụ cuộc sống, muốn tiếp tục sống.
Mỗi khi người trong gia đình nhắc đến chồng nàng, hay em bé, hay Hoa Cẩu, ngay cả họ tình cờ, nàng cảm thấy như ngực bị đánh mạnh.
Khoảng tháng Mười nàng lo ngày càng nhiều người sẽ biết. Một hôm, nàng dẫn chồng ra đình khấn nguyện, và nàng nuốt một nắm tro hương cúng. Nhưng khi nàng đang nuốt, chồng nàng bắt gặp và hỏi nàng làm gì. Nàng bảo để khỏi đau bụng. Dĩ nhiên nàng phải nói dối. Mặc dù nàng cầu xin Bồ tát giúp mình, đấng Bồ tát không nhìn sự việc như nàng; đứa bé trong nàng vẫn cứ càng lúc càng lớn.
Nàng làm cả chuyện uống nước suối lạnh, và khi chồng hỏi, nàng nói chỉ khát nước thế thôi.
Nàng thử mọi thứ, nhưng chả thứ nào lột được cái gánh nặng khủng khiếp đang mang trong mình. Chỉ có chồng biết chuyện đau bụng của nàng. Nó không dám mách với cha mẹ. Vì chênh lệch tuổi tác và những năm tháng gần gũi giữa chúng, chồng nàng nhìn nàng vừa yêu thương lẫn sợ hãi, thậm chí sâu đậm hơn cả tình cảm giữa nó với cha mẹ đẻ.
Nàng nhớ lời Hoa Cẩu thề cũng như những chuyện khác. Lúc này đã là mùa thu, lũ sâu bướm đang biến thành nhộng đủ loại đủ màu khắp quanh nhà. Chồng nàng như thể cố tình chế nhạo nàng nhắc lại sự việc bị sâu lông chích – nhắc nàng nhớ tới ký ức không vui. Từ đó, nàng ghét sâu bướm, và bất cứ khi nào gặp nàng phải giẫm lên nó.
Một hôm, người ta kháo nhau bọn nữ sinh lại đến. Tiêu Tiêu nghe được, mắt đăm đăm vô hồn, như mê mụ, cái nhìn đăm đăm của nàng dán lên chân trời phía đông một lúc lâu.
A, nàng nghĩ, Hoa Cẩu bỏ trốn, mình cũng bỏ trốn được. Vì thế nàng gói ghém ít món, định nhập bọn với đám nữ sinh trên đường đi đến thành phố lớn để tìm tự do. Nhưng nàng bị khám phá trước khi thực hiện. Đối với dân quê, đây là tội nghiêm trọng, vì thế họ trói tay nàng, nhốt nàng trong lán, và bỏ đói nàng suốt một ngày.
Xét kỹ nguyên nhân định bỏ trốn bất thành của nàng, họ nhận ra rằng Tiêu Tiêu, trong mười năm nữa sẽ sinh một đứa con trai với chồng để nối dõi tông đường, nay lại có mang với kẻ khác. Việc tai tiếng này chấn động cả nhà, sự thanh bình và yên tĩnh trong dinh cơ hoàn toàn bị xáo trộn. Cơn giận nổ bùng, khóc lóc, chửi mắng: mỗi người có lý do để bất mãn riêng. Treo cổ, chết trôi, uống thuốc độc, Tiêu Tiêu đau khổ bao lâu nay đã có lần thoáng nghĩ đến hết cả, nhưng rốt cuộc nàng còn quá trẻ và vẫn muốn bám lấy sự sống, vì thế nàng không thực hiện. Khi ông nội nhận ra tình huống, ông tìm được một kế sách khôn ngoan. Ông nhốt Tiêu Tiêu trong buồng có hai người đứng gác. Ông mời gia đình nàng đến hỏi họ cho ý kiến nên dìm nước hay bán nàng đi. Nếu muốn không mất mặt, họ sẽ khuyên dìm nước; nếu không nỡ thấy nàng chết, họ sẽ bán nàng. Tiêu Tiêu chỉ có người chú làm việc trên cánh đồng gần đấy. Khi được mời, thoạt tiên ông nghĩ mình được mời tới dự tiệc. Chỉ sau khi nhận ra danh dự gia đình đang lâm nguy, người đàn ông chân thật và thiện ý này luống cuống không biết phải làm gì.
Bụng Tiêu Tiêu là chứng cớ thì còn gì để nói. Đúng lẽ ra, nàng đáng bị dìm nước, nhưng chỉ những gia trưởng đã đọc sách Khổng mới làm điều ngu xuẩn đó để bảo vệ danh dự gia đình. Nhưng ông chú này không đọc Khổng nho, ông không thể hy sinh Tiêu Tiêu, và vì thế ông chọn cách gả bán nàng.
Dường như đó cũng là một hình phạt, và hợp lẽ tự nhiên. Thông thường gia đình chồng được xem như bên bị tổn thương, và tiền thu trong đám cưới thứ hai sẽ là khoản bồi thường. Người chú cẩn thận giải thích mọi thứ cho Tiêu Tiêu, lúc ông sắp rời, Tiêu Tiêu bám lấy áo ông lặng lẽ khóc không để ông đi. Người chú chỉ lắc đầu và ra đi không nói một lời.
Dạo đó không gia đình đáng kính nào muốn Tiêu Tiêu. Nếu muốn tống khứ nàng phải có người mua, vì thế tạm thời nàng tiếp tục ở nhà chồng. Khi vấn đề này giải quyết xong, theo luật, không ai được làm rầy thêm nữa. Không có gì khác ngoài việc đợi, nên mọi người hoàn toàn thoải mái về vấn đề này. Thoạt tiên, Tiểu Phu không được phép bầu bạn với Tiêu Tiêu, nhưng sau đó chúng gặp nhau như trước, cười chơi với nhau như chị em.
Tiểu Phu hiểu Tiêu Tiêu có mang. Nó cũng hiểu trong tình trạng của nàng, Tiêu Tiêu sẽ bị gả bán cho một kẻ ở xa. Nhưng nó không muốn Tiêu Tiêu bị đưa đi xa, về phần Tiêu Tiêu cũng không muốn. Mọi người gặp cảnh khó xử, nhưng tập quán và tình huống qui định việc phải làm, không có cách nào khác. Sau nữa, nếu hỏi ai làm ra luật lệ và tập quán, ông gia trưởng hay bà chủ, chả ai có thể trả lời đúng.
Họ đợi người chồng tương lai, đến tháng Mười Một vẫn không có ai. Người ta quyết định Tiêu Tiêu có thể phải ở lại đến Tân Niên.
Đến tháng thứ hai của năm mới, nàng trở dạ sinh đứa con trai, mắt to, đầu tròn, thân hình cứng cáp, và tiếng lớn. Mọi người săn sóc cả hai mẹ con. Gà luộc và rượu đế theo phong tục cho bà mẹ mới sinh ăn để có sức khoẻ, tiền vàng mã đốt để cầu xin thần thánh. Mọi người mê đứa bé trai.
Bây giờ hoá ra đứa bé là con trai, Tiêu Tiêu không phải bị gả bán đi nữa.
Nhiều năm về sau, họ làm đám cưới cho Tiêu Tiêu và chồng nàng, khi đứa con nàng đã lên mười. Nó có thể làm nửa việc người lớn, nó có thể chăn bò và cắt cỏ - một tá điền giúp việc bình thường. Nó gọi chồng Tiêu Tiêu là Bác; Bác sẽ luôn luôn đáp lời.
Người ta gọi đứa con trai là “thằng bé chăn trâu”. Lên mười một nó đính hôn với cô gái lớn hơn sáu tuổi. Vì cô ta đã lớn nên có thể giúp một tay và rất có lợi cho gia đình. Khi những ống sáo trúc mừng đám cưới thổi lên ngoài cổng trước, cô dâu bên trong kiệu thổn thức đáng thương. Cả ông nội và ông cố đều quýnh lên.
Hồi này, Tiêu Tiêu sinh xong, đứa bé đã ba tháng. Nàng bế đứa bé sơ sinh nhìn cuộc rối và đám rước cạnh hàng rào dưới cây du, nhớ lại mười năm trước lúc nàng bế chồng. Bây giờ con nàng đang quấy, vì thế nàng hát nhỏ, cố dỗ nó:
- Nào, kìa, kìa, xem! Kiệu cưới đẹp tới kìa. Nhìn áo cô dâu đẹp kìa! Cô dâu đẹp không kìa! Xuỵt! Xuỵt! Đừng quấy nào. Ngoan không mẹ giận. Nhìn kìa, nhìn kìa! Nữ sinh họ cũng ở đây đấy! Hôm nào con lớn lên, mẹ cưới vợ nữ sinh cho con.
Xiao Xiao, trích trong The Columbia Anthology of Modern Chinese Literature, Nxb. Columbia University Press, New York, 1995; Eugene Chen Eoyang dịch sang tiếng Anh.
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 100
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com