watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
20:15:3126/04/2025
Kho tàng truyện
Chỉ mục bài viết
Tiếng Vĩ Cầm Của Quân Xâm Lăng
Trang 2
Tất cả các trang
Trang 2 trong tổng số 2
Ông ạ, ca ngợi tôi và tặng cho tôi một món quà không đâu vào đâu như vậy rõ ràng là Giăng Pêguy đã hiểu sai hoàn toàn câu chuyện tôi kể. Phần vì tiếng Pháp của tôi sau nhiều chục năm trời bỏ bẵng có thể đã không còn hoàn hảo như xưa. Phần vì một người Pháp hậu sinh như Giăng đã không hiểu chút gì về nước Pháp thực dân, cha ông của nước Pháp ngày nay.
Im lặng một lát, Me xừ nói tiếp:
- Hẳn là ông cũng biết, bọn thực dân nhà binh phái đến sau Hiệp định Sơ bộ mới được phép vào lại Hà Nội. Còn thực dân xi vin thì ngay sau ngày Nhật đầu hàng đã lục tục trở về với nhà cửa của họ ở các phố Tây. Nhưng mà bên hàng xóm gia đình tôi, cha con Pêguy vẫn mãi biệt tăm. Nhà họ được chính quyền mượn làm trụ sở của ủy ban Bảo vệ khu phố. Vì là đội viên tự vệ nên tôi thường vào ra nhà đó. Biệt thự đã sung công nhưng mà đồ đạc của nả gia đình Pêguy không bị đụng chạm đến. Sự bài trí cũng không suy suyển nhiều. trong phòng riêng của Xôphi, tôi thấy trên kệ còn đó những cuốn sách mà ngày trước tôi đã đọc cho cô nghe, và cả cây đàn vĩ cầm của cô nữa tôi thấy vẫn còn nằm nguyên đó trên chiếc bàn gỗ nhỏ kê kề ô cửa sổ trông ra tán cây bằng lăng ngoài cổng. Một con mèo xiêm nằm trên bậu cửa sổ sưởi nắng.
Xin được thú thực với ông là cho đến ngay trước giờ súng nổ đêm Mười Chín, trong thâm tâm, tôi vẫn mong mỏi sẽ không bùng nổ chiến tranh. Tôi cứ thầm nuôi hy vọng sẽ có một sự thỏa hiệp, một tinh thần thiện chí nào đó từ nước Pháp. Gì thì cũng là nước Pháp kia mà. Người Pháp lừng lẫy văn minh chứ đâu phải một giống dòng cuồng chiến, tôi nghĩ vậy. Vả chăng, vừa thoát ách phát xít, vừa giành lại được tự do, không lẽ nước Pháp lại có thể rắp tâm giày xéo nền độc lập và cướp đoạt tự do của nước người. Tuy nhiên, ông ạ, ham muốn hòa bình và nhiệt tình ái quốc chẳng ngược lại nhau. Tôi không theo gia đình tản cư về quê nội ở ngoài Đơ. Tôi quyết ở lại cùng anh em tự vệ một lòng quyết tử cho lời thề Độc Lập. Vào buổi tối Mười Chín, khi đèn tắt súng nổ, tuy rằng có sợ nhưng tôi đã không do dự, lập tức ra chiến lũy dấn thân vào đêm đầu tiên thành phố chúng ta lâm trận.
Im lặng một lát như là để lục tìm trong trí nhớ, xừ Bôn kể tiếp:
- Chắc là ông đã nghe nhiều và đã đọc nhiều về công cuộc phòng thủ Hà Nội ngày ấy. Có thể ông còn biết nhiều hơn tôi đấy bởi vì rằng quả thực là tôi không biết gì mấy. Nhiệt tình kháng chiến thì có thừa nhưng tri thức trận mạc chẳng có bao nhiêu. Sẵn sàng tác chiến nhưng mà tác chiến thế nào đây thì cứ rối tinh lên. Phố xá tối om, súng đạn rầm rầm. Chốc chốc lại một tiếng nổ chuyển đất. ánh lửa hắt lên đỏ hồng trời mây. Vậy nhưng các trận đánh đang thực sự diễn ra ở mạn nào của thành phố thì tại chỗ chúng tôi chẳng ai rõ ra sao cả. Súng nổ được một chặp thì có tin ta thắng rồi. Nhưng chỉ lát sau đã tin ngược lại, mặt trận vỡ, Tây đang đánh trận ra mọi ngả. Tảng sáng thì thiết giáp giặc từ Cửa Nam đánh lên đã rầm rầm tiến dọc đường Carô. Một chiếc quặt vào phố Xôlê xả liên thanh. Vì được cất toàn bằng các thứ đồ gỗ như là giường tủ bàn ghế chăn đệm nên chỉ chốc là chiến lũy bốc cháy. Chúng tôi phải thối lui dưới làn đạn. Liền một lúc mấy người bị bắn gục trên mặt đường. Cả anh chỉ huy trưởng và anh chỉ huy phó cũng phải đạn ngã xuống. Trung đội vỡ làm đôi. Nửa lui về nhà Pêguy để giữ trụ sở ủy ban, nửa khác, có tôi, chạy dạt vào trường Bách Nghệ. Phố Xôlê chúng tôi vậy là đã mất vào tay giặc ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc Toàn quốc kháng chiến.
Trường Bách Nghệ cũng chẳng giữ được lâu. Thú thực là tôi tối tăm mặt mũi, thụ động thối lui theo anh em chứ chẳng còn hiểu ra làm sao nữa. Tôi chẳng hiểu bằng cách nào mà mình lại có thể đã chạy lọt vào được trong khuôn viên nhà thương Bảo Hộ. Cho đến trước đêm Noel, cuộc chiến ở dọc phố Phủ Doãn dẫn về khách sạn A-di-a rất là dữ dội. Thật đúng như có ai đó đã nói: chiến tranh nào phải trò đùa, đấy là cả một cuộc kinh thiên động địa và là một lò lửa thử lòng người. Hăm hở đặt bước đi đầu tiên vào trận chiến thì dễ nhưng can đảm bước thêm dù chỉ một bước nữa thôi lại chẳng dễ chút nào. Khi có lệnh rút qua bên Hàng Bông, tôi chần chừ, không dám chui ra khỏi chỗ nấp để chạy theo anh em băng qua lưới đạn đan trên phố, vì thế mà bị rớt lại trong nhà thương. Giặc ập vào. Tôi cùng một số người nữa bị giải về tập trung ở vườn hoa Canh Nông, rồi sau đó bị bắt đi phu... Rốt cuộc, cuộc kháng chiến ba ngàn ngày tôi chỉ theo được vẻn vẹn có ba hôm...
Tôi bị bổ vào một toán phu đòn, ngày ngày còng lưng cắm mặt đun xe chở xác. Lao dịch rất khổ cực nhưng nhất là rất khổ tâm. Chúng tôi lặn lội trong rét mướt, lượm xác người mình chết dưới các gốc cây, các bờ tường, các hốc cầu thang, trong các đống gạch vụn những ngôi nhà đổ. Bấy giờ, mặt trận đã tụ lại trong vùng Đồng Xuân và Đông Kinh Nghĩa Thục. ở các khu phố đã rơi vào tay giặc tiếng súng thưa dần. Phố xá hoang vu, tanh bành, đổ nát, chết chìm chết lặng dưới mưa phùn gió bấc. Hầu hết các tử thi đều phải chôn xuống những nấm mồ chung. Nấm mồ chung lớn nhất nằm ngay bên hông Tòa Đại hình kia kìa, chỗ mà ngày nay là chợ Âm Phủ đấy. Cả một phố bị đào hoắm xuống thành một cái huyệt chung chôn xác đàn ông, xác đàn bà, xác trẻ con bị Tây giết hại trong mùa đông ấy... ấy là một mùa đông rực lửa, sấm vang chớp giật, đồng thời là một mùa đông lạnh lẽo chưa từng thấy, giá rét căm căm, khí buốt thấu xương. Sau Tết nguyên đán lại càng rét đậm.
Xừ Bôn ngồi thừ, đầu cúi xuống. Ông đã quên bẵng tôi, có lẽ tâm trí ông đã trôi mất dạng vào cõi vô bờ bến.
- Một ngày nọ, vào khoảng trung tuần tháng Hai tây, tôi bất ngờ gặp gỡ người quen. Một chiếc xe díp đột ngột hãm lại cạnh chỗ toán phu chúng tôi đang làm lao dịch. Thằng Tây trên xe nhảy xuống, lộp cộp giày đinh bước sấn đến. "Pôn! - thằng Tây kêu lên - Pôn, đúng là anh rồi! Sao anh ở đây? Sao lâm vào cảnh ngộ này? Anh đổi khác nhiều quá". Mặc dù thằng Tây có giọng nói ồm ồm và để râu quai nón nhưng tôi vẫn nhận ra đấy là Philip Pêguy, anh bạn hàng xóm ngày nào. Nom anh ta cũng đã đổi khác quá đỗi, đã chính hiệu là một thằng giặc Tây: binh phục, súng sáu, giày đinh, mũ trận. Tuy nhiên Philip đã rất tử tế với tôi. Nhờ hắn bảo lãnh mà tôi thoát phận phu tù. Hắn bảo hắn biết chuyện gia đình tôi đã có ý tốt cho cha và em gái hắn lánh nạn. Hắn bảo hiện giờ Xôphi đang cùng cha ngụ ở Hải Phòng và đang rất nóng lòng mong Hà Nội sớm được bình định để sớm được trở về với tổ ấm thân yêu thời thơ ấu. Philip đưa tôi về đồn binh của hắn đóng ở đường Rialăng. Tôi được nghỉ ngơi một ngày rồi thì phải đi thông ngôn cho Philip.
- Ông ạ, than ôi, - Ông già khàn khàn than lên - Như vậy là tôi đã một bước đi theo Tây, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy ngày. Trong mấy ngày đó, tôi ngồi cùng xe Philip len lỏi đến gần mặt trận. Ôtô núp vào góc phố chõ loa về phía chiến lũy. Tôi phải dịch những lời dụ hàng, khi là những lời hứa hẹn ngọt ngào, khi là những lời hăm dọa. Không muốn, nhưng biết làm sao được thưa ông, tôi bị bắt buộc. Với lại cũng xin thú thực là tôi đã cố tìm một cái lý để tự mình biện bạch với mình. Vô hình chung tôi đã bám víu vào luận điệu của bọn Tây khi tự nhủ rằng dù sao thì mình cũng đang giúp vào một nỗ lực nhằm tránh cho Hà Nội khỏi phải đổ máu và đổ nát nhiều hơn nữa.
Nhưng mà tiếng loa chiêu hàng đã chẳng dụ được ai bỏ chiến lũy ra đầu Tây. Trận chiến trong Liên khu Một ngày một kịch liệt. Căm tức vì bị dai dẳng cầm chân, những lời lẽ bọn Tây bắt tôi phải dịch vào trong loa ngày càng ít đường mật. Sáng ngày 15 tháng Hai, xe chiêu hàng đậu ở bãi Lơpagiơ oang oang đọc tối hậu thư của Bộ chỉ huy Pháp. Hạn ngày nọ giờ nọ các vị trí đề kháng còn lại của Việt Minh phải trương cờ trắng nếu không sẽ bị làm cỏ. Kề bãi Lơpagiơ cảnh tượng ghê gớm của trận Đồng Xuân còn bày nguyên đấy. Thị tứ sầm uất thành bãi chiến trường hoen máu. Trong mưa phùn lửa đã tắt nhưng khói vẫn tuôn nhả. Gió bấc thổi mù tro than. Gạch nát, ngói vụn, rầm gãy. Rải rác những xác xe tăng cháy thui, xích thép đứt tung, lính lái chết vắt người ở cửa xe. Sau trận tử chiến kinh hoàng này, liền mấy ngày tương đối lắng dịu, súng vẫn nổ song không rộ lên. Bọn Tây đau đòn, nhừ tử hao binh tổn tướng, phải tạm ngừng tấn công. Nhưng mà tình thế bên Việt Minh cũng đã cam go lắm rồi. Qua cách nói năng của Philip tôi thấy là bọn Tây đã không còn chút hồ nghi gì về sự tất thắng của chúng. "Quân đội Pháp sẽ giành chiến thắng một cách nương tay, một cách mã thượng, một cách nhân từ", Philip bảo vậy.
Nhưng Hà Thành đã không để cho bọn xâm lăng có cơ hội đắc thắng. Sáng 18 tháng Hai, ánh lửa rực một góc trời mà thành phố thì im phắc. Liên khu Một trống rỗng. Trùng vây khép chặt thế mà Việt Minh thình lình biến đâu hết. Cuộc rút lui thần kỳ ấy đã đẩy nước Pháp vào một thắng lợi vô cùng lố bịch, dường như là đã thắng mà kỳ thực là đại bại. Chiếm được đất người rồi mà kẻ chiếm đóng không thở phào nhẹ nhõm, không chút mừng vui hoan hỷ. Bọn lính chiến lầm lỳ, mệt mỏi, hai hàng dọc súng lăm lăm, dè dặt tiến chầm chậm vào các hẻm phố không người.
Bất chấp cơ nguy bị bắn tỉa, Philip cho xe xông xáo sục sạo vào tất cả các đường dọc ngõ quanh trong khu phố cổ. Tôi chẳng hiểu là Philip muốn gì nữa. Giữa bầu không khí lặng thinh ghê người của các dãy phố, loa chiêu hàng chẳng còn gì để nói, bẽ bàng, câm miệng, chỉ thỉnh thoảng lại buột phát ra những tiếng lọc khọc khọt khẹt như là cái cổ họng bị hóc xương. Ngồi cạnh Philip trên chiếc xe díp tâm lý chiến ấy, tôi run rẩy vì cóng lạnh và sợ hãi. Mặc dù dọc hai bên hàng phố tuyệt không bóng người, không một ô cửa hé mở, tịnh không một giọng nói, một ánh mắt vậy mà tôi vẫn cảm thấy rờn rợn dâng lên từ từng ngôi nhà, từng mái hiên, bờ tường, góc phố hơi thở của một lòng căm thù khốc liệt tuy rằng câm nín và vô hình.
Cửa sổ tầng hai của ngôi biệt thự bên kia đường bật mở. Một người đàn bà bước ra ban công. Chị ta nhìn xuống đường. Có phải chị nghe thấy giọng kể của xừ Bôn? Thực ra lúc này giọng ông hạ thấp như là lào thào bên tai tôi.
- Dù vậy, dù trong bụng nơm nớp lo sợ bất ngờ súng lại nổ, tôi vẫn thấy bất ngờ khi biết lại phải đi đến chỗ đang xảy ra bắn nhau. Lại có trận chiến nổ ra ông ạ. Khi đó đã xế chiều. Mà không phải trong Liên khu Một. Nghe lệnh qua máy bộ đàm xong, Philip bảo tôi: "Pôn! Người ta vừa phát hiện một chiến lũy còn sót lại của Việt Minh. Tại chính đường phố của tôi!". Từ Ô Quan Chưởng, Philip ngoặt xe, thả hết tốc độ, vùn vụt lao về phố Xôlê. Đến đầu phố, xe chúng tôi chạy sau một xe camiông chở đầy lính mũ đỏ. Chiếc Camiông đỗ xịch lại xế cổng nhà tôi. Bọn lính rầm rập nhảy xuống. Trước khi chúng tôi đến đã có một toán Âu Phi bủa vây ngôi biệt thự. Không phải biệt thự gia đình tôi. Biệt thự nhà Pêguy.
Từ mé Bờ Hồ, xuôi theo đường Lý Thường Kiệt, một luồng gió mạnh tràn xô tới. Gió mát và rất ẩm. Lá sấu ào ào rụng trút xuống. Tôi muốn báo với xừ Bôn về khả năng sắp sửa có một cơn dông, nhưng mà tôi im lặng.
- Tên cai bẩm với Philip rằng toán tuần tra của hắn đã phát hiện Việt Minh một cách ngẫu nhiên. Ngang qua cổng nhà này, nom thấy một con mèo nằm khoanh tròn sưởi nắng trên thềm, một tên lính lấy làm lạ, nhà trống chủ mà sao con mèo không bỏ đi hoang, hay là trong nhà có người? Một mình tên đó xộc vào, lát sau nghe tiếng la, và tên đó không trở ra nữa. Đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi, bọn chúng a la xô vào mấy lượt nhưng đều bị những người trong nhà bắn súng ra bắt phải chạy lui. Hai chết, ba bị thương, với tên bị trong nhà nữa là sáu mạng. Tên cai đồ chừng có ít nhất mười Việt Minh đang cố thủ. Hỏa lực của họ rất mạnh, tên cai bẩm thế, nhưng mà tôi lại thấy ngôi nhà rất im lìm. Bọn lính lố nhố ngoài đường và thập thò quanh nhà rất lộ liễu thế mà trong nhà không bắn ra. Khi Philip dụ hàng họ cũng không bắn. Tôi dịch lời Philip, loa gọi oang oang, trong nhà vẫn im. Rất lạ. Sau, tôi mới hiểu: họ đã cạn hết đạn.
Me xừ cúi đầu xuống, nặng nề rơi sâu vào lặng im. Lặng im rất lâu. Tôi thở dài. Me xừ ngẩng đầu lên, và lại đến lượt ông ta buông tiếng thở dài.
- Như nãy tôi vừa kể cùng ông, ngay sau đêm đầu nổ súng, đội tự vệ phố tôi bị xẻ đôi. Một nửa gồm có tôi dạt sang trường Bách Nghệ, nửa nữa kẹt lại trong phố. Phố Xôlê, ông thấy đấy nằm xiên giữa toàn các đại lộ rộng thênh. Dọc các đại lộ ấy Tây tập trung binh đội. Thiết giáp, quân lính rầm rộ đêm ngày. Những anh chị em bị hãm lại trong phố không còn ngả nào mà thoát ra nữa. Ra ngả nào cũng đụng Tây. Đành tìm chỗ náu trong tầng hầm các ngôi nhà. Canh khuya họ lần ra tìm đường thoát và lựa cả cơ hội đánh úp Tây... Khi còn đang làm phu đòn dọn xác tôi đã nghe các bạn tù xì xầm kháo nhau là ở khúc phố gần nhà pha Hỏa Lò vẫn có lính Tây bị bắn tỉa, bị đâm, bị đoạt súng. Sau đó lại nghe nói Tây suỵt chó bẹc giê lần theo hơi đã bắt được tất cả những tay súng Việt Minh gan lỳ ấy. Thế mà hóa ra họ vẫn còn đó. Họ đã bị bủa vây. Họ cùng đường. Nhưng mà họ im lìm. Họ không bắn. Hay là họ muốn đầu hàng? Thực vậy, còn gì để bám víu nữa đâu mà không buông súng. "Các bạn đã bị Việt Minh bỏ rơi!", tôi dịch lời Philip. Hai tháng trời khản cổ chiêu hàng chẳng chút kết quả, Philip nôn nóng lập công. Hắn liều mạng thúc xe vào cổng, chõ thẳng loa vào nhà. Ba kẻ: tôi, tên tài xế và Philip ngang nhiên lộ mình trước tầm súng, oang oang dụ hàng mà không bị bắn thì đã rành rành là Việt Minh muốn hàng rồi. "Các bạn hãy bước ra theo hàng dọc, lần lượt từng người một, hai tay đưa cao khỏi đầu. Lấy danh dự một sĩ quan Pháp, tôi cam đoan các bạn sẽ được toàn tính mạng và sẽ được cư xử theo đúng luật quốc tế về tù binh chiến tranh". Ngay cả sau những lời lẽ ngông nghênh đó, chúng tôi cũng không bị bắn. Nhưng, khi Philip nói tiếp. "Các bạn nên biết rằng toàn thể quân đội và chính quyền Việt Minh đã đầu hàng", thì tôi chưa dịch, súng đã nổ. Loạt đạn tiểu liên xé toác miệng cái loa gắn ở đầu xe và phá vỡ kính chắn gió rồi xuyên qua bả vai tên tài xế. Philip nhào khỏi xe tránh đạn. Nhưng tôi thì cứ ngồi ngây cứng ở trên xe.
Một làn chớp sáng lòe. Bầu trời thành phố đang sà xuống. Chuỗi sấm rền vang lăn trên mây.
- Vâng. Sắp mưa rồi, - xừ Bôn nói, nhưng ông không ngừng câu chuyện lại, vẫn tiếp tục kể - Loạt đạn bắn ra ngắn ngủn. Sau đó tất cả chìm trong tiếng súng của bọn Tây. Mái ngói, tường vôi, cửa kính tóe tang tung vỡ. Tôi nghe Philip quát to lên bảo ngừng bắn, rồi lại nghe hắn gào lên hô a la xô. Bọn lính từ bốn xung quanh nhà rầm rập xông lên. Tịnh không gặp phải một phát súng nào từ trong nhà bắn ra, bọn chúng thả cửa ùa vào. Philip không xông vào theo, hắn đứng giữa sân, tay chống nạnh. Lát sau, bọn lính trở ra cùng với những tù binh Việt Minh chúng vừa bắt được. Chúng dìu ra cả một thằng Tây bị thương băng quấn quanh đầu. Đấy chính là cái thằng đã vì thấy con mèo xiêm mà xộc vào nhà. Nó chỉ bị Việt Minh đập vào đầu rồi tước súng chứ không bị giết. Còn những tù binh Việt Minh, ông ạ, không đông như bọn Tây tưởng. Ông biết không, chỉ vẻn vẹn có ba người. Người đầu tiên bị dong ra là phụ nữ. Một cô gái. Tóc dài xõa tung. Thằng cai bẻ quặt tay cô gái và sấp ngửa xô cô tới trước mặt Philip. Philip quát: Pôn! Hắn gọi tôi tới dịch. Hắn đưa tay nâng cằm cô gái lên hỏi tên, đơn vị của cô. Cô gái lặng thinh, quắc mắt nhìn hắn. Tôi biết cô gái này ở trong tổ cứu thương của đội tự vệ phố tôi, nhưng tôi không biết tên cũng không biết cô ở số nhà nào. Cô là một nữ sinh, tôi nghĩ thế vì cô còn rất trẻ và biết tiếng Pháp. Khi hai người đồng đội nam của cô bị bọn lính kéo lê từ trong nhà ra, quăng vứt xuống sân, cô giận giữ xô mình tới, lanh lảnh nói to lên bằng tiếng Pháp với Philip: "Các người không được phép đối xử vô nhân đạo với tù binh bị thương!". Philip cười gằn, đưa tay gạt mạnh cô ra. Chậm rãi, hắn bước tới, và cúi nhặt khẩu tiểu liên mà bọn lính vừa vứt xuống bên cạnh hai người tự vệ Việt Minh bị thương đang nằm vật trên nền sân gạch. Số vũ khí chúng thu được chỉ có khẩu tiểu liên đó, rồi một khẩu súng trường đã vỡ báng và một cây mã tấu. Philip tháo băng đạn ra, nhìn. Băng đạn rỗng. Khẩu súng trường cũng rỗng đạn. Philip lại nhấc cây mã tấu lên, huơ huơ. Hắm mỉm cười. Nhưng tôi rùng mình ghê sợ. Tôi lùi lại một bước. Bất đồ Philip ném mạnh cây mã tấu xuống sân. Hắn đi tới bên cô gái, trừng trừng nhìn cô gái và hắn nói thế này, tôi còn nhớ rõ mồn một: "Đất này, nhà này là của tôi, của cha tôi, của em gái tôi, của chúng tôi, người Pháp! Các người muốn cướp nhà cướp đất của chúng tôi? Xin nói để cô biết: chúng tôi là ông chủ, vì thế chúng tôi chỉ trừng phạt chứ chúng tôi không chiến tranh với nô lệ. Và vì không phải là chiến tranh nên không có tù binh, thưa cô!".
- Và... - Me xừ ho lên sù sụ - Và, nói đoạn, Philip quay phắt lại, bước xấn đến chỗ hai người bị thương lúc này đang cố đỡ nhau gượng ngồi dậy. Giật khẩu súng sáu ra khỏi bao, chẳng nói chẳng rằng Philip bóp cò, bắn tới tấp vào hai người đó. Tôi, và không chỉ tôi, cả bọn lính trong sân cũng đồng loạt chết sững. Dứt năm phát đạn như sét đánh, không khí lặng như tờ. Rồi thì... rồi thì... ông ạ, một tiếng thét chói lọi, xé ruột, đớn đau ngất trời. Cô gái quẫy mạnh, vùng ra khỏi gọng bàn tay của tên cai, nhanh như cắt, cô nhào tới, chụp lấy cây mã tấu, uốn mình cô vung mã tấu lên. Nhưng... Philip nhanh hơn, vừa nghiêng người tránh được nhát chém hắn vừa xiết cò bắn nốt viên đạn còn lại. Cô gái xiêu người. Cây mã tấu chém hụt xuống nền gạch. Lưỡi thép tóe lửa. Tôi thấy tên cai giật súng ra khỏi vai. Nhiều tên khác nữa cũng đã kịp tỉnh hồn, nhất loạt chúng đưa súng lên. Ngay lập tức, ông ạ, tôi vùng chạy. Tôi lao ra ngoài đường, tôi xô cả vào mấy tên lê dương. Không ai cản tôi, không ai quát tôi đứng lại. Có quát, tôi cũng không nghe thấy. Tiếng súng rồ lên trong sân, vang dội, rung giật, choán lấp không gian. Tôi chạy, chạy, chạy. Trong đầu lóe lửa, quay cuồng tiếng nổ của cuộc hành quyết man rợ. Tôi kiệt lực, gục ngã; lịm đi trong một cái ngõ lầy bùn ở mãi tận gần Hàng Cỏ. Tôi tỉnh dậy, tôi lê mình đi trên những dọc phố không người. Nước mắt tôi đầm đìa... Tôi là một thường dân, ông ạ. Một thường dân kém cỏi, hèn yếu nhưng tôi không ngờ, tôi không hiểu, tôi không lường nổi sự dã man và sự hèn hạ đến nhường ấy của bọn nhà binh thực dân. Nhiều tháng, nhiều năm sau đấy cảnh tượng xảy ra trên sân nhà Pêguy vẫn kẹp chặt tâm trí tôi. Nỗi đau thương khiến tôi không thốt nổi nên lời.
Tôi sống chui nhủi ở Trại Găng suốt thời tạm chiếm, làm đủ nghề cực nhọc để sinh nhai. Tôi yếu hèn, tôi yếm thế, tôi không có gan lần lối ra vùng tự do, nhưng tôi không thể cam tâm một lần nữa đầu Tây. Tôi cũng phải dứt lòng đoạn tuyệt với những người thân yêu của tôi. Biết làm sao được, tôi yêu quý họ nhưng họ theo Tây. Cả nhà tôi hồi cư ngay trong mùa xuân năm 47. Cha tôi và các anh tôi được Tây trọng dụng còn hơn thuở trước. Tôi biết là họ đã ra công tìm kiếm tôi và tôi cũng muốn về với họ lắm, nhưng tôi không thể. Một lần, mùa thu năm 47, vào buổi cuối chiều, cầm lòng không đậu, sụp nón xuống che mặt, tôi liều lần về, đi dọc theo phố Xôlê. Nhà tôi, trong nhà ngoài vườn chưa tối đã đèn điện sáng trưng. Tôi nom thấy có chiếc xe hơi đỗ trong sân. Nom thấy cả một con bẹc giê đang lồng lộn dọc hàng rào sắt. Trên ban công một lá cờ tam tài đang phần phật tung bay trong gió. Bên nhà Pêguy thì dường như vẫn chẳng khác xưa, cũ kỹ, rêu mốc, kín cổng cao tường. Những chứng tích của cuộc chạm súng và vụ tàn sát thì hẳn rằng không còn dấu vết. Tôi nghe gió dài lùa dọc phố, lá bằng lăng tơi tả rụng. Tôi chậm bước lại. Và ông ạ, hỡi ôi, tôi lại nghe thấy tiếng vĩ cầm cất lên, than vãn, buồn bã, vẳng ra. Như vậy có nghĩa Xôphi đã trở về với ngôi nhà thơ ấu của cô. Tôi có thể hình dung thấy cô như ngay trước mắt mình. Cô thiếu nữ người Pháp xinh đẹp, dịu hiền với đôi mắt mù sáng trong. Nhưng tôi lập tức bước gấp, như chạy, tôi bịt tai. Từ đó cho đến tháng Mười năm 54, tôi cắn răng tránh xa con đường thân thuộc ấy. Tôi không muốn nhìn thấy, tôi không muốn nghe thấy. Tiếng đàn tuyệt diệu ấy không thể nào tôi chịu nổi. Đấy là tiếng vĩ cầm của quân xâm lược, sự thật là như vậy, làm sao nghĩ cho khác được hả nhà văn...

Mưa như thác đổ rồi có phần ngớt đi nhưng sấm sét vẫn nhoàng nhoàng. Tôi chưa dám rời chỗ trú bên hông Tòa án nhưng ông già thì đã đội mưa đi rồi. Tôi đang nhìn qua mưa và nghe ông nói. Không nghe ông nói nữa, nhìn sang thì ra ông đã lẳng lặng bỏ đi khi nào, ông không cả chào tôi. Tôi nhớ trước khi lặn biến vào mưa ông đang kể chuyện hồi năm 72, lúc bọn Mỹ ném bom tòa đại sứ quán Pháp, ông đang núp trong căn hầm gần đó. Ông đã cùng mọi người xông vào cứu sập. "Tôi thấy ông Đại sứ được moi ra từ đống gạch vỡ. Máu mê bê bết, ông ấy đã chết rồi".
- Sau vụ ấy, tôi cứ tự hỏi liệu tôi có thể tha thứ cho nước Pháp hay không? Thời gian, năm tháng, gạch nát, ngói vụn, mạng người rớt xuống bao nhiêu thì đủ san bằng những hố sâu chết chóc và tai họa mà nước Pháp thực dân suốt một trăm năm xâm lược đã từng gây ra cho đất nước này?
Ông hỏi vậy rồi ông biến đi. Dưới những lần chớp tôi dõi sâu vào màn mưa. Chẳng thấy bóng ông già đâu. Nhưng thoảng trong làn gió ướt rượt, nghe như có tiếng ai đó huýt sáo khe khẽ theo giai điệu một bài hát. Đời tôi có hai mối tình. Quê hương tôi và Pari.
<< Lùi - Tiếp theo

HOMECHAT
1 | 1 | 80
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com