(1) Plonger: Tiếng Pháp nghĩa là nhảy bổ nhào xuống lặn. chán, chúng tôi bơi vượt qua bên kia sông nằm dài ra trên bãi cát. Chờ lúc chuông nhà thờ An Phú đổ hồi, chúng tôi mới bơi trở lại bến làng Triều, nơi đặc kín người đi tắm, đi gánh nước, đi ngâm gạo làm miến. Giờ đây, Thắm đã đến tuổi biết kéo quần lên che ngực lúc xuống sông, và đỏ mặt lên khi đám học sinh trung học ào ào bơi qua em và buông lời chòng ghẹo. ở tuổi dậy thì, Thắm xinh hẳn ra. Những lúc vắng vẻ, tôi có nói chuyện với em. Tôi kể cho em nghe việc học hành ngoài trường quốc học, về vợ chồng ông chủ cửa hàng thuốc Bắc và thằng con hay khịt mũi. Đặc biệt tôi kể về anh Thống, về cái "đầu toán" đáng kính mà tên tuổi còn lưu truyền ở trường và nỗi xót xa của các giáo sư khi anh Thống nhiễm bệnh nan y. Em hỏi tôi: - ở trường Quốc học Vinh có con gaíi không anh? - Có chứ, có đứa như con Kiều Vinh học cực giỏi, nhất là môn Pháp văn, nó nói hay như đầm. Còn con Phan Thị Thìn là một cây toán đáng nể. - Mấy chị chắc là xinh lắm? Tôi tủm tỉm: - Cũng thường thường thôi, không bằng Thắm. - ứ ự! - Em đỏ mặt lên, hỏi sang chuyện khác - Chắc là em không thi nổi quốc học, anh Đào nhỉ? - Không, anh biết Thắm học nhất nhì lớp, thế nào cũng đỗ. Với cái tên Lương Phan Hồng Thắm, là em ruột Lương Phan Thống, bọn chúng nó đã sợ xanh mắt! Thắm giương đôi mắt thỏ nhìn tôi, đôi mắt lấp lánh ước mơ. Vậy mà Thắm không thực hiện được ước mơ. Vào học lớp nhất ở trường huyện, đám nữ sinh vốn dố kỵ với Thắm, lại biết anh Thắm bị bệnh hủi, nên không đứa nào chịu ngồi cạnh Thắm. Trong đám nữ sinh có con Bạch Yến là con gái quan tri huyện, nó mách với cha và quan huyện lệnh cho hiệu trưởng bắt Thắm phải khám bệnh. Ông y sĩ trưởng coi nhà thương huyện, qua cặp kính cận nhìn Thắm từ đầu đến chân, rồi bắt em cởi bỏ áo quần. Em tái mặt, chụp lấy cặp sách và nón, ù té chạy. Vừa chạy về nhà vừa khóc. Em bỏ học luôn, sắm gánh hàng xén đi chợ. Mùa hè năm tôi học xong đệ nhị niên, về quê, tôi gặp em ở chợ. Trông em tươi mởn, đon đả và duyên dáng, đúng cách cô hàng xén chợ. Tôi tiếc cho em bỏ học, còn em có vẻ tự bằng lòng: - Em biết, những cô tú, mợ Phán, chị Thừa chả đến phận em. Em sợ trèo cao ngã đau! Hỏi em về tin tức anh Thống, em bảo là biệt vô âm tín. Không thấy anh thư từ gì cả, chẳng biết mất hay còn? Mùa xuân năm 1945, lúc sắp học hết đệ tam niên, một đêm tôi giật mình vì súng nổ dữ dội, nhất là về mạn Tràng Thi. Ông chủ cửa hàng thuốc Bắc bảo tôi. Tây và Nhật nện nhau. Sáng hôm sau, tới trường đã thấy lính nhật súng ống ngổn ngang, ngựa nghẽo cột đầy gốc cây ở sân trường. Học sinh đều sững lại trước ngọn lê sáng quắc của tên lính canh, mắt gườm gườm, tay xua xua ra hiệu cho chúng tôi cuốn xéo. Nhà trường đóng cửa. Ngẩn ngơ vài hôm nhìn Tây bị lính Nhật trói bắt đi chúng tôi rủ nhau xách va ly về quê. Tưởng về quê tá túc mươi bữa nửa tháng, rồi lại ra Vinh, tiếp tục tới trường, nào ngờ cửa trườn quốc học đóng chặt. Và ái làng Triều trong những biến động lớn lao cũng níu giữ chân tôi lại. Thoạt đầu là một nạn đói khủng khiếp. Con sông La trong xanh là vậy mà chúng tôi không còn hứng thú bơi lặn như xưa. Trên mặt nước là xác người chết đói, xác người bị lính Nhật giết trôi lềnh phềnh dưới bầu trời ảm đạm đầy tiếng quạ kêu. Tiếp đến là làn sóng ngầm cuồn cuộn dữ dội tận đáy lòng dân làng đã bùng lên. Dòng sông La rợp bóng cờ đỏ sao vàng dẫn đầu đoàn người gậy gộc giáo mác trong tay, kéo dài hàng ba bốn cây số đi giành chính quyền huyện. Vào tuổi chúng tôi, khi đã hiểu rõ cội nguồn của nô lệ và đói khát, máu trong người như được đun sôi. Chợt nghĩ rằng, học hành cũng cần, nhưng chưa cấp thiết bằng làm được việc gì đó có ích cho cách mạng, cho sự đổi đời của đất nước. Giữa những ngày bânj rộn sôi nổi, tự nguyện "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" ấy, đột nhiên được tin anh Thống đã lành bệnh trở về, có giấy của ủy ban cách mạng Quy Nhơn hẳn hoi. Tôi chạy đến nhà bác Dư. Đúng là anh Thống đã về. Ôi mừng xiết bao! Vậy là anh xa nhà đã hơn 6 năm nay trở về nguyên vẹn. Nom anh to cao hơn và đen nhẻm. Bàn tay tôi đang nắm chặt bàn tay anh đây, bàn tay trơn tru bình thường chẳng có dấu vết gì đáng ngại. Nhìn kỹ, nét mặt anh có cái gì dại dại, hình như gồ ghề ra, trong màu đen có pha màu tím. Anh vỗ vỗ vào lưng tôi: - Đang học dở đệ tam à? Trông Đào đã ra vẻ người lớn.
Đúng thế, tôi đã cao 1m62 chỉ còn mỏng người thôi. Lâu ngày mới gặp nhau, thôi thì đủ thứ chuyện trên đời. Anh kể chuyện chữa bệnh, chuyện về biển và đảo, về phong tục miền Nam. Tôi thú vị nhất là khi biết anh đã gặp và trò chuyện với nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tôi đang mê thơ. Biết anh đã gặp nhà thơ mà thèm. Tôi còn bái phục anh ở điểm nay: sáu năm liền điều trị bệnh tật, anh đã tự học tiếng Anh thông thạo đến mức có thể dịch được thơ và tiểu thuyết. Tíu tít với anh chỉ được một lúc, nhà anh đông khách. Họ hàng làng xóm đến chúc mừng anh, chia sẻ niềm vui với gia đình bác Dư. Mùi chè xanh thơm lừng. Đã sáu năm, hôm nay nhà bác Dư mới trở lại phhong tục mời nước chè xanh. Hai cô em gái anh, Thiết và Thắm đều đã đến tuổi cho trai làng ngấp nghé. Trong niềm vui hơn hớn ủa hai cô, còn ngầm ý một chút cong cớn. Nào, bây giờ có ai xa lánh nhà có hủi nữa không? Anh Thống mau chóng hòa nhập vào không khí sôi động của đám trai trẻ chúng tôi trong những ngày chính quyền cách mạng còn non trẻ. Dường như trong đầu anh luôn luôn lấy cưữ học làm đầu, anh tỏ vẻ xót xa trước việc trẻ em trong làng, trong xã bỏ học hết. ủy ban xã cử anh làm ủy viên văn hóa giáo dục. Anh bèn tổ chức lại các trường học, mỗi làng một trường. Rồi xóm nào cũng có lớp bình dân học vụ hoặc học trưa hoặc học tối. Đám học trò cũ của anh ngày xưa đều vui vẻ nhận làm thày giáo. Anh giao cho tôi và cái Oanh tổ chức đội văn nghệ, thằng Long thằng Trường đội bóng đá, thắng Minh và thắng Khuyển chuẩn bị đội bơi thuyền để đến kỷ niệm quốc khánh đầu tiên mà bấy giờ dân làng còn gọi là ăn Tết độc lập, bơi thi với An Phú bên kia sông. Anh Thống là nhà tổ chức có tài và gương mẫu. Anh trực tiếp dạy một lớp Bình dân học vụ, coi như lớp thí điểm. Mẹ tôi cũng đi học. Tối nào cũng xách đèn hoa kỳ và sách bút tới lớp. Chả mấy chốc mẹ tôi đã biết đọc biết viết. Mẹ tôi khen anh Thống dạy dễ hiểu, ai cũng thích. Không khí quê tôi vào những ngày chính quyền vào tay việt Minh nghĩa là vào tay những người cộng sản trước đây bị tây cầm tù và những người có chữ nghĩa hẳn hoi đã khác xa cái thời Chánh Tòng, Lý Đóa. Có cảm giác như những ngày hội nối liền ngày hội. Cùng với anh Thống, hai cô em gái anh cũng tham gia hoạt động thanh thiếu niên. Thiết còn vào hội phụ nữ cứu quốc, còn Thắm ở đội văn nghệ với tôi, em có giọng hát khá tốt. Của đáng tội, Thiết chỉ vào loại ưa nhìn không xinh bằng Thắm. Được cái cả hai chị em lúc nào má cũng hây hây, cười nói rổn rảng và đôi mắt rực lửa. Vậy mà buồn thay niềm vui của hai cô gái dậy thì không được lâu. Anh Thống đổ ốm. Lớp học bình dân của mẹ tôi, thắm đến dạy thay. Nghe nói anh sốt cao, chúng tôi rủ nhau định tới thăm, nhưng Thắm bảo anh không muốn tiếp ai. Tôi cứ liều đến. Thắm ngăn tôi từ ngoài sân. Em nói, mắt nhìn xuống đất: - Có lẽ bệnh anh Thống tái phát anh ạ! Em thở dài, nước mắt lặng lẽ bò xuôi má. Tôi chào em ra về, lòng buồn thiu. Bây giờ làm cách nào để giúp anh chữa bệnh đây? Ôi, sao trời đất lại sinh ra cái bệnh kỳ quái? Số phận nào đã đày đọa thân anh, một con người đáng kính như thế? Những câu hỏi cứ xoáy tròn trong đầu tôi, không có lối ra. Ước gì tôi được trở về thời thơ dại ngồi ôm vai anh trên bờ đê, để nghe anh. Đối với anh, chẳng câu hỏi nào anh chịu bó tay không giải đáp được. Cha tôi bảo: - Đã tái phát là chết. Nhưng tội cái là còn lâu. Hôm sau, người ta thấy hai ông chú, ông Đồng và ông Đoài đến chặt tre dựng một túp lều cuối vườn, nơi nghe rõ tiếng ếch đồng và bìm bịp kêu. Đấy là ý nguyện của anh Thống, anh muốn sống cách ly với gia đình. Túp lều đóng cửa im ỉm, chỉ ngày vài lần, bác Dư gái vào ra săn sóc. Ngôi nhà bác cũng vậy, lại văng người đến. Con đường từ ngõ vào sân, dần dà cỏ gấu xanh um. Hai cô em gái của anh vẫn chợ búa, vẫn tham gia đoàn thể, dẫu nét mặt trở nên kém vui, điệu nói điệu cười đều phảng phất một chút mặc cảm y như đang đi giữa sương mù. Anh Thống nằm cách ly một góc, nhưng mọi tổ chức do anh sắp xếp vẫn chạy đều. Sau anh, có các anh các chị khác. Thương anh lắm, chúng tôi không biết làm gì. Chạy thày chạy thuốc đối với thứ bệnh hiểm nghèo này đâu phải dễ! Giá như thời bây giờ, thì đâu đến nỗi. Thời bây giờ, người ta coi bệnh hủi cũng dễ chữa như bệnh sốt rét. Còn thời ấy, nó đứng đầu bảng tứ chứng nan y: "Phong, lao, cổ, lại" các thầy thuốc bắc nam ở quê tôi mới nghe xưng bệnh đã lắ đầu quầy quậy. Với lại, đào đâu ra tiền mà chữa bệnh? Chúng tôi đã đến tuổi thanh niên mà góp nhau chút ít để mua quà biếu anh, cũng phải xin cha mẹ. Còn một cách để an ủi anh là chúng tôi viết thư tới. Thăm hỏi động viên đã đành. Chúng tôi còn kể cho anh mọi tin tức hoạt động trong làng, trong xã. Rồi chép lại những bài báo, những mẩu tin quan trọng xảy ra trên đất nước. Tất cả, chúng tôi đều gửi qua Thắm. Em như cầu liên lạc giữa anh và chúng tôi. Thực ra, Thắm cũng không được phép xáp mặt anh, cả Thiết nữa. Vậy mà Thắm vẫn mang đến cho chúng tôi lời cám ơn của anh mỗi lần nhận được thư và tin tức. Vào thời đó, phương tiện thông tin còn quá thô sơ. Cả xã không có rađiô. Báo đến chậm chạp. Ngày nào, xã cũng cho người lên huyện chép tin. Nhưng đấy là một thời kỳ đât nướ đang như dầu sôi lửa bỏng, đang đứng trước muôn vàn thử thách. Đúng là thù trong, giặc ngoài. Quốc dân Đảng, Đại Việt gây rối ở chính trường Hà Nội. Pháp càng ngày càng đánh lấn ra. Mặt trận Nha Trang vỡ... Tàn quân Pháp theo đường 9 đánh xuống, Pháp từ Đà Nẵng đánh chiếm Lăng Cô. Rồi mặt trận Huế vỡ. Địch thừa cơ đánh ra tận Quảng Bình, sát nách quê tôi. Hậu phương yên bình là thế, nay trở nên sôi sục. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, thành phố Vinh, thị xã Hà Tĩnh chỉ trong vài hôm biến thành đống gạch đổ nát. Cầu Yên Xuân, cầu Thọ Tường bị đánh gục xuống lòng sông. Đường quốc lộ thành hố, thành ụ. Rồi giặc Pháp gây hấn Hải Phòng, Hà Nội. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ vang lên trong tiếng súng nổ rền khắp cả nước. Lớp trai trẻ chúng tôi, cảm thấy máu trong người như sôi lên. Cũng đã mon men vào tuổi mười tám rồi, không thể ở nhà với đội du kích xã nữa, chúng tôi nhất quyêt ra trận. Cùng trang lứa với tôi, thằng Trường to cao nhất đã vào tiếp phòng quân mấy tháng trước. Còn tôi, thằng Minh, thằng Long, thằng Khuyến đều trúng tuyển vào vệ quốc quân. Những cuộc tiễn đưa người đầu quân ra trận, thời ấy thật đầm ấm vui vẻ. Chỉ có lời chúc tụng và tiếng cười vui. Tuyệt nhiên không có tiếng khóc, tiếng than thở ngậm ngùi. Nếu có chút bịn rịn là chỉ mấy anh có vợ con. Riêng tôi chưa hề vướng bận gì. Cha mẹ tôi mới hơn bốn mươi, sau tôi còn ba em nữa, một gái hai trai. Chuẩn bị ra đi, lòng tôi hoàn toàn thanh thản. Chỉ thương anh Thống. Rất muốn đến chào từ biệt anh và tất nhiên là cả Thắm nữa. Giữa tôi và Thắm chưa thể gọi là tình yêu. Đấy là một chút cảm mến, một chút xao xuyến bâng khuâng. Đang lưỡng lự, chợt Thắm tìm đến. Vẻ đẹp của em vẫn thế, vẫn buồn buồn. Dương như quanh hình hài em lởn vởn lớp sương mù không tan. - Anh Đào đi thật à? - Chẳng lẽ anh lại đùa! Sáng mai anh lên đường! Tần ngần một lát, em như dỗi: - Con trai các anh đều thế1 Ra đi dăm bữa nửa tháng là quên ngay làng Triều. - Với ai anh không biết! Với anh thì không! Anh không bao giờ quên quê hương. Cũng sẽ không quên Thắm! Em lườm tôi: - Chỉ nói dóc. - Thề đấy! - Thề cá trê chui ống. Em phá ra cười. Nụ cười vẫn buồn, tạnh rất nhanh. Em nói tiếp: - Anh Đào ạ! Anh Thống em muốn nói chuyện với anh! Tối anh đến nhé! Em chờ! Hình như câu nói đó làm Thắm ngượng. Em đỏ mặt, vội chào tôi, cầm nón đi ngay. Để tôi đứng lại với cái thềm đầy nắng chiều và nỗi hồi hộp.
Trời tối được một lúc, tôi nói dối mẹ là qua nhà thằng Minh một tẹo. Vào ngõ nhà bác Dư đi đến góc sân nơi có cây ngâu, tôi chợt nhận ra mùi thơm thoang thoảng. Thì ra Thắm đã đợi tôi ở đấy. Chả biết mùi thơm từ hoa ngâu ay từ da thịt em tỏa ra. Tôi lặng lẽ theo em trong tiếng cối giã gạo thình thịch từ trong nhà. Chúng tôi vòng phía sau bếp, đi băng qua vườn không hiểu đang trồng à hay đậu. "Để em dắt anh" Thắm bảo khẽ và bạo dạn nắm tay tôi mò mẫm trên lối mòn rất nhỏ giữa hai luống rau. Bàn tay nhỏ nhắn ấm nóng của em đã truyền sang tôi một cảm giác kỳ lạ, cảm thấy tim mình đập nhanh hơn. Cuối vườn là túp lều tối thui, đom đóm lập lòe sau bờ tre và giun khoang kêu ri rỉ đâu đó. Dường như anh Thống đã theo dõi chúng tôi qua kẽ vách, nên khi hai đứa vừa dừng lại đã nghe tiếng anh Thống cất lên: - Đào đấy phải không? Thắm nhanh nhẩu: - Vâng, anh Đào đến. Hướng vào bức vách kín mít, tôi nói: - Em chào anh Thống. Ngày mai em đi bộ đội. Chúc anh ở lại chóng bình phục! Có tiêng cười ngắn sau bức vách. Rồi anh Thống nói: - Chúc em lên đường mạnh giỏi! Đào có nhớ câu chuyện về tiếng đất ngày xưa anh nói nữa không? - Dạ thưa anh, có ạ! Giọng anh trở nên nghiêm trang: - Đúng đấy Đào ạ! Lâu nay anh vẫn nghe tiếng đất. Đúng là đất Tổ quốc đang rên xiết dưới gót giày xâm lược của giặc Pháp. Đất kêu cứu, đang lên tiếng kêu gọi trai tráng lên đường cứu nước. Em ra đi lúc này là phải lắm. Anh tiếc mình không đủ sức cầm súng... Em hãy dũng cảm chiến đấu cho đáng mặt con trai làng Triều. Trong mọi nỗ lực của em, hãy coi như giúp thêm phần cho anh nữa. Em nhớ nói lại ý của anh với các bạn: Minh, Long, Khuyến coi đó là lời dặn dò và lời chúc của anh. Thôi, em về đi! Anh chẳng có gì làm kỷ niệm, chỉ tặng em câu chuyện tiếng đất để em chẳng bao giờ nên quên. - Vâng, thưa anh, em sẽ nhớ lời anh... Tôi đứng lặng, thực sự xúc động. Giá như anh khỏe mạnh, lành lặn, tôi sẽ nhào tới ôm chầm lấy anh, nắm tay anh để tỏ lòng tôn kính của mình. Nhưng trước mắt tôi vẫn là túp lều đóng kín chìm trong bóng đêm. Bấy giờ, tôi đã sắp thành vệ quốc quân, cũng có học hành tử tế, tôi thừa hiểu rằng đất vốn im lặng. Chẳng qua, anh Thống muốn nhân cách hóa đất tạo thành hình tượng để khích lệ động viên tôi. Nhưng lạ thay, cái giọng nói nghiêm trang và cũng hết sức thành thực của anh đã làm tôi cảm động đến ứa nước mắt. Tôi cứ đứng chôn chân xuống đất như trời trồng. Cho đến lúc, anh Thống lại giục: - Thôi Đào về đi, về đi! Thắm tiễn Đào về hộ anh nhé! Bàn tay nhỏ nhắn và nóng ấm của em đã khẽ khàng nắm tay tôi kéo đi. Tôi vội quay lại chào anh lần nữa, giọng lí nhí và run rẩy. Đến ngang cây ngâu, chúng tôi dừng lại, Thắm nhét vào tay tôi một vật gì mềm, tôi nhận ra ngay là chiếc mùi xoa bằng lụa tơ tằm có rua viền chỉ mầu: - Thắm chúc anh đi chân cứng đá mềm! Nhớ ửi thư về cho chúng em. Tôi cám ơn, nắm tay em, bàn tay nhỏ nhắn và nóng ấm, bần thần mất một lúc rồi mới buông. Thế là tôi đi. Cuộc đời bộ đội là vậy, chả ai tính toán sắp xếp trước được. chính tôi cũng không ngờ, từ giã quê hương lần ấy mãi đến bảy năm sau tôi mới trở về. Bảy năm không tin tức gia đình bạn bè. Bởi vì, sau khi học xong lớp quân chính, tôi được chọn vào bộ phận tùy tùng hộ tống một đoàn cán bộ Trung ương vào tận Nam Bộ. Rồi lăn lộn chiến đấu hết Cần Thơ, Cà Mau sang bên Rạch Giá, sống với rừng tràm, rừng đước, bơi xuồng nhoay nhoáy, làm đồ nhậu chuột, rắn, rùa, khá thành thạo, giọng nói cũng đã pha đôi chút, tôi đã thực sự trở thành "Hai Đào", cái tên gọi thân quen của cô bác miền Nam và cả của anh em đơn vị. Hai lần bị thương tại trận, một lần bị nhẹ vào phần mềm trên cánh tay vừa đủ để làm nũng với các má các em, như cách nói của mấy ha đơn vị, lần sau bị nặng vào chân, nhiễm trùng suýt bị cưa cụt, may mà thoát, chỉ phải tập đi mất cả tháng. Ngày chúng tôi reo hò mừng đình chiến trận đất Phụng Hiệp, tôi đã là đại đội trưởng chủ công của một tiểu đoàn nổi tiếng miền Tây Nam Bộ. Tàu chở quân tập kết đổ lên bãi biển Sầm Sơn, chúng tôi đóng quân trên đất Thanh Hóa. Chỉnh đốn đơn vị xong, tôi được sư đoàn cho nghỉ phép một tháng thăm nhà. Tôi trở về nhà cứ y như từ trên trời rơi xuống. Thôi thì khỏi kể lại niềm vui của gia đình, họ hàng làng xóm. Mẹ tôi chỉ khóc ròng, nhà cứ đông nghịt người đến chúc mừng. Ai cũng tưởng tôi chết rồi. Trai làng đi bộ đội đều có thư từ gửi về. Riêng tôi thì không. Được biết, cùng trang lứa học hành, còn sống sót sau chiến tranh với tôi là thằng Minh, hiện đang giữ chức tiểu đoàn phó sư đoàn Quân tiên phong. Thằng Trường, thằng Long, thằng Khuyến lần lượt hy sinh qua các chiến dịch phía Bắc, đã được xã tổ chứ truy điệu trongj thể. Mỗi lần dự truy điệu về, mẹ tôi mất ăn mất ngủ hàng tuần liền, nhớ con lo cho con mà khóc. Giờ đây, mẹ tôi khóc vì sung sướng. Tôi đã trở về nguyên vẹn. Dẫu có vài vết thương vẫn coi như nguyên vẹn. Các em tôi đã lớn. Cô em gái, ngày tôi đi, tóc lút cút ngang gáy, giờ đã về nhà chồng. HHai thằng nhóc nay cao lớn tồng ngồng, đứa học lớp tám, đứa lớp sáu. ha tôi còn vững tay cưa đục. Thế là mừng. Trong niềm vui sum họp, mẹ tôi chỉ gicụ tôi lấy vợ. Dương như đã túm được tôi là mẹ tôi cột chặt, phải lấy vợ đã rồi đi đâu hẵng đi. Mẹ tôi kể tên bao nhiêu cô gái trong làng, nhưng cái tên lạ hoắc, hoặc có nhớ ra cũng chỉ nhớ láng máng bóng dáng những con bé còn đánh quần xà lỏn vật nhau với đám con trai chưa biết ngượng. Không nghe mẹ nhắc đến Thắm. Tôi hỏi, thì chính em gái tôi đáp: - Chị thắm có ý chờ anh, em biết. Nhưng lâu quá không thấy anh về, đã nhận trầu nhà người ta, một ông giáo xã khác. Ra giêng mới cưới. Thôi thế cũng là mừng cho Thắm. Giữa em và tôi đã có gì ràng buộc đâu. Chiếc khăn em tặng ngày ưa tôi cất giữ mãi trong ba lô. Năm kia địch càn vào cứ, mất cả ba lô mới không tài nào giữ được vật kỷ niệm. Dù sao, em cũng đã dành cho tôi tình cảm đặc biệt. Nếu chiến tranh kết thúc sớm hơn, biêt đâu... - Anh Thống thế nào rồi? Câu hỏi của tôi làm cả nhà tỏ vẻ ngơ ngác. Rồi cha tôi à lên, như sực nhớ: - Anh Thống à? Nó chết lâu rồi. Dễ có khi chỉ sau ngày anh đi dăm tháng, thằng ấy gan, nó tự chết. Tôi giật mìh: - Anh ấy tự sát à? - Còn hơn cả tự sát, tự chôn sống. Những ngày ở chiến trường, mỗi lần nhớ về quê là nhớ đến anh Thống. Tôi cũng đoán chắc rằng anh sẽ không sống nổi. Nhưng nghe nói anh tự chôn sống thì một hai ngày sau, tôi mới hiểu ra. Vào những ngày đám trai trẻ chúng tôi lên đường ra trận hết, thiếu nguồn thông tin, anh sống hoàn toàn bị cô lâpj với xã hội bên ngoài. Bệnh càng ngày càng phát triển, chẳng có cách gì cứu chữa. Anh tự thấy mình đã không đóng góp được gì, lại trở thành gánh nặng cho mẹ và các em, cho cả làng xóm nữa. Phải làm sao đây? Vốn không chịu bó tay trước một câu hỏi nào, dù hắc búa đến mấy. Anh đã tìm ra câu trả lời tốt nhất, đúng nhất là phải tự kết thúc. Sẽ tự kết thúc một cách bình tĩnh. Anh cho mời mẹ và hai người chú là ông Đồng và ông Đoài đến trình bày ý định với họ, tìm cách thuyết phục họ. Thương con thương cháu đứt ruột, không ai nỡ làm thế, vậy mà cuối cùng phải chiều anh. Chẳng còn cách nào khác. Phải để tâm linh anh thanh thản! Phải vợi bớt gánh nặng cho mẹ già và người thân! Phải cứu lấy tương lai hai cô em gái đã đến tuổi cập kê! Phải trả lại vùng không gian trong sạch và lành mạnh cho làng xóm! Chọn ngày lành giờ tốt, anh Thống bảo mẹ soạn mâm cơm cúng cha và ông bà tổ tiên. Sau khi tắm rửa sạch sẽ bằng nước lá chanh lá bưởi, anh Thống bận bộ quần áo đẹp nhất mới nhất đến trước bàn thờ chắp tay khấn lễ. Trong lúc đó, hai ông chú ra cửa hàng đồ sũ ngoài bến sông, mua về một áo quan bằng gỗ vàng tâm. Lễ xong, tàn tuần hương, anh mời các chú xơi rượu. Anh không ngồi cùng mâm với các chú, trở về túp lều, ăn riêng. Xong đâu đấy, anh hào mẹ và các em, dặn dò mấy câu y như anh lên đường đi điều trị, cấm mọi người đi theo.
Lặng lẽ đi ra khỏi nhà có ba người. Anh Thống đi trước trên đầu vấn một vành khăn trắng tự để tang cho mình, tay cầm nắm hương tỏa khói thơm nức. Phía sau, là hai ông chú khiêng chiếc áo quan chứa lớp vôi bột và cuộc xẻng. Anh Thống vừa đi vừa nhìn trời đất và quang cảnh xóm làng. Hôm ấy nắng chiều rực rỡ làm sáng xanh cánh đồng lúa đang thì con gái. Họ dừng lại ở bãi tha ma, quê tôi gọi là Trảng Dứa. ở đấy đồng không mông quạnh, xa làng xa xóm, chỉ mấy lùm dứa dại, vài cây sòi lá vàng hươm và thế giới cõi âm. Anh Thống chọn chỗ đào huyệt. Trong lúc hai ông chú hì hục đào, anh ngồi xếp bằng trên cỏ, lôi chai rượu từ trong túi áo ra. Anh ngửa cổ tu từng hụm. Anh vốn không biết uống rượu, nhưng hôm đó anh tu hết cả chai nửa lít. Rượu bốc trong người, anh càng hăng nói chuyện với các chú. Toàn chuyênj đời thường, chuyện thời tiết, chuyện lúa má, khoai đỗ, chuyện so sánh đất quê mình với các vùng đất khá. Hoàn toàn không mang dáng vẻ lời trăng trối, nhắn lại, dặn dò. Cũng lạ, uống vậy, mà anh vẫn tỉnh queo. Khi huyệt vừa đủ độ sâu, anh bảo các chú dòng áo quan xuống. Nhìn trời đất lần nữa, anh tụt xuống huyệt, lựa thế nằm dài vào lòng áo quan, trên lớp vôi bột. Bấy giờ anh mới nói những lời cuối cùng: Rằng anh rất yêu cuộc sống, rất muốn sống để cống hiến, nhưng bệnh tình hiểm nghèo, anh phải tự kết thúc. Đấy cũng là một cách biểu thị tình yêu với cuộc sống, với mẹ và hai em, với họ hàng làng xóm. Cuối cùng là lời chào và một câu như lệnh: "Đậy nắp! lấp!". Hai ông chú phải nghiến răng lại, vừa làm vừa sụt sịt, nước mắt đầm đìa. Về sau ông Đoài, người chứng kiến duy nhất còn sống kể với tôi: "Thằng ấy gan cóc tía. Nó nằm im thin hít. Chỉ lúc đất đã khỏa một lớp trên ván thiên, mới nghe một tiếng quẫy, chắc là cái vật mình cuối cùng trước lúc tắt thở". Giúp đứa cháu xấu số tự mai táng xong, hai ông chú về nhà, phóng hỏa đốt túp lều và làm lễ phát tang. Khi tiếng khóc trong nhà dậy lên, họ hàng làng xóm kéo đến thì mọi việc tang lễ đã xong. Câu chuyện về cái chết của anh Thống được dân làng đồn đại, cũng có người vẽ rắn thêm chân, trở thành huyền thoại. Trong thâm tâm, mọi người đều cảm phục anh, coi cái chết của anh như sự tuẫn tiết của vị anh hùng. Riêng tôi, còn hơn thế nữa, còn coi anh là vị thánh. Câu chuyện về cái chết của anh Thống, tôi hép lại là dựa theo lời kể của ông Đoài và gia đình bác Dư. Ông Đồng đã mất. Hôm tôi đến thăm bác Dư, gặp cả nhà. Bác Dư gái ngoài sáu mươi, nom đã hom hem. Thiết đã trở thành "ả chắt", có đứa con trai lên ba và đang mang bầu. Thiết có vẻ bằng lòng với cuộc sống nông dân của mình, còn tự hào có chồng đang là xã đội trưởng. Thắm vẫn gánh hàng xén ra chợ như xưa, em chững chạc hơn, hãy còn xinh gái. Gặp tôi, em tái mặt và rơm rớm nước mắt. Dường như em ân hận là đã nhận lời người khác. Thắp hương lên bàn thờ anh Thống xong, tôi thưa với bác Dư rằng, muốn ra đồng viếng mộ anh. Tát nhiên bác Dư bảo Thắm dẫn tôi đi, cả hai chúng tôi cũng muốn vậy. Ngôi mộ của anh nom đơn sơ, cỏ và cây dại mọc xanh um. Trong lúc Thắm vơ dọn cây cỏ cho mát mẻ ngôi mộ, tôi mượn chiếc nón của Thắm che gió đề bật lửa thắp hương. Cắm hương xong, tôi quỳ xuống lạy anh bốn lạy, đúng lễ nghĩa học trò đối với thầy. Tôi thưa với vong linh anh rằng, suốt bảy năm qua lúc nào tôi cũng nhớ những lời dặn dò của anh trước lúc ra đi. Tôi đã chiến đấu hết mình, được tặng hai huân chương chiến công và nhiều giấy khen. Đã được kết nạp vào Đảng tại trận lúc còn phụ trách trung đội phó nay tôi là đại đội trưởng chủ công. Trong mọi nỗ lực vượt qua gian khổ ác liệt hoàn thành nhiệm vụ chiếm đấu, tôi đều nghĩ rằng có phần đóng góp của anh. Đấy là một sức mạnh tiềm ẩn.Nay tôi trở về, thì anh đã thành người thiên cổ từ lâu. Được biết về sự tuẫn tiết của anh, tôi tự thấy những chiến công của mình trở nên nhỏ bé, chưa thấm vào đâu. Vì sao, hỡi vong linh anh Thống? Có đấng thần linh nào giúp sức để anh có thể tự kết thúc mình một cách bình tĩnh dũng cảm làm vâỵ? Xin bái phục anh! Đúng là anh mới xứng đáng người anh hùng. Mong anh sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho những người thân, lớp đàn em chúng tôi sống cho nên người, cho đáng sống. Khấn xong, tôi lại vái. Chợt linh cảm thấy biết đâu qua lớp đất dày, anh Thống có thể nói lại với tôi điều gì chăng? tôi nằm xuống ôm lấy ngôi mộ, áp tai lên lớp cỏ mềm. Cử chỉ đó dường như làm Thắm phân vân. Em nói rất nhẹ, như dỗ dành: - Thôi, anh Đào ơi! Anh dậy đi! Tôi vẫn nằm im. Lát sau tôi mới đứng dậy: - Anh lắng nghe tiếng đất! Thắm có nhớ ngày xưa anh Thống bảo đất cũng có tiếng nói không? - Em nhớ! Vậy vừa rồi đất có bảo gì không? - Có chứ! Đất bảo rằng, cuộc đời là một chuỗi dài những câu hỏi cần giải đáp. Điều quan trọng là phải giải đáp đúng. Khi đã tin vào lời giải đáp hoàn toàn chính xác, con người sẽ ự do và đầy đủ sức mạnh. Thắm nhìn tôi, đôi mắt chớp chớp, vẻ ngạc nhiên nửa tin, nửa ngờ: - Anh nói thật đấy chứ? - Sao lại không thật? Thắm im lặng cúi đầu vẻ nhẫn nhục. Rồi lại ngẩng đầu nhìn tôi, muốn hỏi nhưng không biết hỏi gì. Thực ra tôi muốn Thắm và cả chính mình nữa, tin vào điều tôi vừa tưởng tượng, coi như lời khuyên bảo trong cuộc sống. Đất vốn im lặng. Đất chỉ biết nói khi con người muốn thế. Đấy là di sản quý báu mà anh Thống để lại cho tôi. Trên đường về, cả hai đứa chúng tôi trở nên trầm ngâm. Tôi đi trước, em đi sau cách nhau mươi bước chân. Cứ y như đôi vợ chồng trẻ đang có điều gì dỗi nhau. Lúc đi, chúng tôi chuyện trò tíu tít. Chuyện ở chiến trường, chuyện ở quê nhà, chuyện về cuộc đời mấy đứa bạn. Trong trò chuyện chúng tôi đều ý tứ tế nhị, không khơi gợi điều gì liên quan đến tình cảm giữa hai đứa. Đấy là những điều khó nói và không tiện nói. Do vậy, chúng tôi đều thanh thản, giọng nói điệu cười hoàn toàn tự nhiên. Còn lú này có thể do chính những lời khuyên bảo của đất do tôi vừa tưởng tượng ra, đang buộc cả hai chúng tôi suy ngẫm về mình. Nói cho đúng hơn là về mối quan hệ tình cảm giữa hai chúng tôi. Tôi đoán chắc rằng, nếu tôi lấn tới, tỏ tình với em, em sẽ đủ can đảm đi giả lễ chạm ngõ cho cái nhà ông giáo nào đấy. Nhưng liệu có nên xử sự vậy không? Thời bấy giờ xử sự như vậy cũng dễ tai tiếng. Hơn nữa, mẹ tôi có vẻ không mặn mà với Thắm. Không hiểu vì lý do gì. Cái chính là tôi tự thẩm tra lại mình. Trong trái tim tôi, Thắm mới chỉ là đứa em để mến chứ chưa làm tôi say đắm mất ăn mất ngủ. Thế thì thôi, đừng làm xáo trộn cuộc sống của Thắm lên nữa, và hãy để trái tim chàn trai hai lăm tuổi tự do rung động. Tìm được lời giải đáp như vậy, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi đi chậm lại chờ em. Để gợi lại không khí vui vẻ, tôi bắt đầu kể cho em nghe một chuyện tếu của lính ở chiến trường. Và thế là chuyện trò giữa chúng tôi lại rộn rã hồn nhiên như lúc đi. Về đến đầu xóm, trời ngả hoàng hôn. Chúng tôi chia tay nơi lối rẽ vào ngõ nhà em. Buông tay tôi ra, chợt em hỏi, giọng vừa đùa vừa có ý thăm dò: - Kỳ này anh về phép phải cưới vợ đi chứ? - Đã có ai đâu mà cưới? - Để em làm mối cho! - Thế thì còn gì bằng! Nhưng Thắm chớ làm mối vào đám đã có người chạm ngõ, sẽ xảy ra chiến tranh cho mà xem! - ứ ự anh! Thôi em về đây! Nhìn theo bóng em đang lẫn vào hoàng hôn, tôi nói vọng theo: - Anh nói thật đấy! Anh không thích chiến tranh, chỉ muốn sống hòa bình thôi.