Giữa năm 1973, thím Lương sinh thằng Quân. Nông thôn là vậy, ồn ào một lúc, rồi chuyện đâu để đấy. Với lại, dân tình cũng tiến bộ lắm. Hôm đón thằng bé ra khhỏi nhà hộ sinh, các bà, các chị, nhất là các đám nữ du kích kéo nhau đi cả đoàn như mít tinh. Rồi họ thhay nhau săn sóc Lương tận tình trong những ngày nằm nơi. Ai cũng mừng cho thím Lương đẻ được thằng cu thật kháu. Rỉ tai hỏi thầm, nó con ai? Thì Lương cười cười: Em đặt tên nó là thằng Quân, nghĩa là con bộ đội cả đấy thôi, nhưng tội nghiệp thằng bé, bố nó cũng hy sinh rồi. Cái thôn Cổ Vọng của Lương và Châu ven đường số 1 gần mấy chiếc cầu liền, bộ đội cao pháo, bộ đội lái xe qua lại kể sao cho xiết. Hơn nữa, Lương là chỉ huy nữ du kích, phối hợp bắn máy bay Mỹ với bộ đội là chuyện thường xuyên. Chả ai tra hỏi Lương quan hệ với anh bộ đội nào. May ra chỉ có Châu biết, nói cho đúng hơn, cũng là đoán biết. Có một đêm mưa gió, bé Lan lên sởi khóc suốt, quãng chín giờ đêm, chị Châu thhấy cụ Nghĩa chống gậy lọ mọ sang nhà thăm chắt. Rồi trời đổ mưa tầm tã. Cụ định về, nhưng Châu năn nỉ cụ ngủ lại. Sáng dậy, chị Châu dắt cụ về, nhà chỉ cách một bờ rào nhưng đường trơn sợ cụ ngã. Vào nhà thím Lương thấy một anh bộ đội đang sửa soạn ba lô để lên đường. Qua chuyện trò giữa cụ và anh bộ đội, Châu biết đấy là một anh cán bộ chỉ huy về nhận nhiệm vụ ở bộ đội cao xạ ngã ba Đồng Lộc, đi qua đây gặp mưa gió xin nghỉ nhờ. Cụ Nghĩa đã lo cơm nước tử tế cho anh, nhường giường mình cho anh nghỉ, lặng lẽ chống gậy sang với bé Lan. Chính chị Châu cũng không biết, có phải cụ ý định mở đường cho hươu chạy hay là do duyên trời tạo nên cái hoàn cảnh hiếm hoi ấy. Sự đoán biết của chị Châu là về sau này. Thằng Quân ra đời, chhị Châu có lần tỉ tê tâm sự với thím Lương, thì thím xác nhận "người ấy" đã hy sinh sau một tháng vào Đồng Lộc, còn tuyệt nhiên thím không hở một chút gì về tên tuổi quê quán người cha đích thực của thằng bé. Chị Châu rất thương thím và cũng trung thành với ý nguyện của thím, không hề để lộ ra điều gì khiến người khác băn khoăn. Nay cả với chú Bình, khi chiến thắng trở về, chị Châu là nhân tố quan trọng bậc nhất trong việc dàn xếp câu chuyện phức tạp này để đi đến kết cục êm đẹp, chị không hề nói với chú điều gì trái với ước nguyện của thím Lương. Và dường như chú chấp nhận sự trớ trêu ngang trái nhưng hết sức chân thực, mà không cần thiết phải thỏa mãn trí tò mò, truy hỏi xem gốc gác con người đã để lại giọt máu. Chẳng để làm gì cả. Có thể bây giờ chính thằng Quân cũng không biết nó không phải là con đẻ của chú Bình. Càng hay chứ sao? Chữa đầy 3 tuổi, nó theo thím Lương ra Hà Nội sau khi chú Bình được điều về Bộ Tổng tham mưu, và được phân nhà ở khu tập thể sĩ quan Nam Đồn. Rồi thằng Dân, con Thu Loan lần lượt chào đời ở Hà Nội, anh em chúng nó mỗi đứa cách nhau 3 tuổi, nhìn khuôn mặt chúng nó, quả thật cũng có nét không giống nhau. Người ta chỉ bình rằng, thằng Quân và con Thu Loan nặng về "zen" mẹ, chỉ có thằng Dân giống bố nhất nhà. Chuyện phiếm hàng xóm gia đình quân đội với nhau chỉ thế thôi, ai hơi đâu mà truy xét. Năm 1987, đại tá Lâm Thế Bình nhận quyết định về làm tham mưu phó quân khu 7 và thế là cả nhà kéo nhau vào thành phố Hồ Chí Minh, chú Bình trả lại ngôi nhà ở Nam Đồng và nhận một căn nhà khang trang hai tầng lầu ở đường Cộng Hòa từ bấy đến nay. Thằng Quân lớn lên ăn học ở Hà Nội, nói giọng Hà Nội thứ thiệt, 15 tuổi mới vào Sài Gòn, lai một số từ miền Nam, nó hoàn toàn xa lạ với giọng nói miền Trung của ba mẹ nó. Dẫu nó mang cái tên Lâm Thế Quân và ba nó cũng đã nhiều phen giảng giải cho nó về gia phả dòng họ Lâm ở đất Thổ Vọng, nhưng nó chỉ được về quê cùng ba mẹ và các em nó một lần năm lên 7 tuổi, lúc bà cụ Nghĩa mất. Mối quan hệ với quê hương, nơi có thể rò rỉ ra sự thật về gốc gác của nó hoàn toàn bị hạn chế do ý muốn của cả chú Bình và thím Lương. Còn ở Hà Nội, thì vợ chồng Châu cũng đủ khôn ngoan và kín miệng, chả lẽ phát rồ lên mà đi loe toe chuyện không đâu vào đâu, nhất là khi thằng Quân đang còn ở độ tuổi vị thành niên. Chị Châu tin rằng chính nó cũng chưa biết về số phận dích thực của mình. Giờ đây thì nó đang hạnh phúc, khoác tay Kim Thoa xinh đẹp như một nàng tiên, chìm ngập giữa những khuôn mặt rạng rỡ của quan khách, bạn bè, tíu tít nhận những lời chúc mừng. ống kính video, ống kính máy ảnh chĩa vào, đám bạn này co kéo, đám khác co kéo, ai cũng muôn có mặt với cô dâu chú rể trong khuôn hình, trong tấm ảnh kỷ niệm ngày cưới. Cuối cùng thằng Quân cũng bứt được đám bạn bè ra để chụp tấm ảnh chung với ba nó, chị Châu cùng hai đứa em, thằng Dân và con Thu Loan ngay trước phòng trang trí lễ cưới. Trong trạng thái phấn khích vừa vui vừa buồn, chị Châu trở nên bối rối. Dường như từ một cõi hoang sơ nào thức dậy những kỷ niệm ấu thơ nghèo nàn, những ngày chiến tranh đau đớn khiến chị không dứt ra khỏi mặc cảm về số phận những người vây quanh chị và cả số phận thím Lương, người đang nằm lịm trên giường bệnh và dĩ nhiên không có mặt trong tấm ảnh đoàn viên này. Chị Châu đã để lại ấn tượng của mình trên tấm ảnh một khuôn mặt khác lạ, đầy nghịch lý. Miệng thì cười, dẫu nụ cười kém tự nhiên, nhưng cặp mắt lại đẫm lệ.
Đám cưới kết thúc vào lúc 8 giờ tối. Tiễn xong quan khách, bạn bè, đôi tân hôn mới lên xe hoa về nhà. Đôi tân hôn vào cắm hoa chụp ảnh ở phòng mình, một căn phòng sang trọng, trang nhã, sực nức mùi thơm. Rồi theo ông Bình, chị Châu leo lên cái tum trên lầu cao, nơi ông Bình thiết kế bàn thờ gia tiên, thắp hương làm lễ. Hầu như đôi tân hôn đi đâu, đèn máy ảnh cũng nháy theo, đèn chiếu video cũng lia theo. Theo chương trình của ông Bình vạch ra, giờ đây Quân và Kim Thoa vào chào mẹ. Lại cả bộ sậu rùng rùng kéo theo. Người giúp việc hôm nay được căn dặn trước, đã bận cho Thím Lương chiếc áo dài màu tím Huế giờ đây đã trở nên rộng thùng thình. Thím đã được dìu dậy tựa lưng vào chốc giường có đệm gối bông. Dưới ánh đèn cao áp của video, khuôn mặt teo tóp của người bệnh có rạng rỡ hơn. Thím nhận bó hoa của các con tặng, vẫy các con ghé lại gần mình, hai tay đặt vào tay con trai, con dâu. Cố gắng lắm thím mới nở một nụ cười mãn nguyện và nói lời mừng hạnh phúc các con. ống kính máy ảnh, máy video chĩa vào, đèn chớp lia lịa. Thím Lương đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn khắp lượt rồi ra hiệu cho mọi người ra ngoài. ở lại chỉ có đôi tân hôn, chú Bình và chị Châu. Vẫn ở tư thế ngồi tựa gối, thím Lương đưa mắt ngắm nhìn hai đứa, một cái nhìn như muốn giữ lại hình ảnh hạnh phúc của các con, thím cất giọng phều phào: - Mẹ biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Thấy được các con thành hôn mẹ toại nguyện lắm. Mẹ có cái này làm quà tặng cho các con - thím lôi dưới tấm chăn đắp ngang người một chiếc hộp nhỏ đựng sợi dây chuyền bằng vàng cỡ 5 chỉ, mặt đeo vào sợi dây là hai chữ L và B, chữ cái của tên chú thím lồng vào nhau - thím nói tiếp - sợi dây chuyền này giá trị vật chất đối với các con là nhỏ bé, nhưng đối với mẹ là của báu. Không phải là kỷ niệm ngày cưới. Lễ cưới của ba mẹ hết sức giản dị. Nó là kỷ vật của ba các con tặng mẹ ngày... - biết nói thế nào cho các con hiểu nhỉ? - Ngày đoàn tụ của ba mẹ sau nhiều năm chờ đợi nhau trong chiến tranh. Sở dĩ nó là của báu vì nó không chỉ đơn giản kỷ niệm, mà còn là tấm lòng nhân hậu đại lượng của ba con. Là sự khởi đầu cho sự yên ấm tốt đẹp của gia đình ta từ đó đến nay và mãi mãi sau này. - Chúng con xin cảm ơn mẹ - Quân đưa tay nhận quà, lên tiếng đáp. - Các con cám ơn mẹ một, phải cám ơn ba ngàn lần. Báu vật này của ba con đã đành, nhưng nó còn là bùa hộ mệnh tạo dựng hạnh phúc cho các con ngày nay. Dấn thân vào cuộc đời, các con sẽ hiểu kỹ hơn. Bây giờ hãy nghe mẹ đây: Có ba các con đây, có chị Châu, người thân thiết của mẹ chứng kiến, các con hãy quỳ xuống lạy ba con để một lần cuối tạ ơn thay mẹ, mẹ tiếc không còn sống để được chăm sóc ba con, trả nghĩa cho ba con, các con hãy hứa thay mẹ thực hiện những điều mẹ hằng mong... Trong lúc người mẹ nói với con những lời gan ruột bằng giọng mệt mỏi ngắt quãng đầy sức truyền cảm, thì Quân và Kim Thoa đều cúi đầu xuống lắng nghe. Dường như sự xúc động đang bị dồn nén làm đôi tay cậu con trai run lên khe khẽ, còn nàng dâu thì nép mình vào vai chồng, những móng tay sơn đỏ bíu chặt lấy cánh tay áo com lê mầu xám. Bất thần, nàng hực lên một tiếng nấc và bằng một động tác nhanh nhẹn như có mệnh lệnh thần bí lan truyền, cả hai người quay lại, quỳ thụp xuống, chắp tay vái lạy trong tiếng khóc bị nén trong cổ họng. Đại tá Bình, người cha thần tượng của cả nhà, trở nên luống cuống, mặt đuỗn ra chốc lát, rồi mới xuýt xoa kêu lên: - Sao thế các con? Đang ngày vui đừng có khóc! Ba hiểu, ba hiểu, ba tin các con! Nào! Nào! Ông cúi xuống, nâng tay các con dậy. Còn chị Châu giang tay ôm hai đứa em hai bên, mấp máy những câu chưa kịp thành lời. Chị hiểu rõ cái cảnh này lặp lại cách đây 23 năm, lúc thằng Quân nói chưa sõi. Chú Bình từ thắng lợi trở về, mặc dù đã được bức thư chị Châu thay lời bà cụ Nghĩa nói hết sự thật xảy ra và tấm lòng của người mẹ chờ con mòn mỏi, cố sống để gặp con, nói với con một lời cầu xin cho người con dâu tội nghiệp, nghĩa là chú không bị đột ngột, vậy mà khuôn mặt chú không sao giấu được vẻ nhầu nát của sự dày vò đau đớn. Ngày ấy, thím Lương tuy đã nhiều lần tâm sự với chị Châu trong nước mắt tủi hờn và xấu hổ, nhưng gặp chú Bình, người chồng thương yêu sau 10 năm chờ đợi, thím đã giữ một khuôn mặt bình tĩnh đến dễ sợ, khuôn mặt của người tự hiểu rõ lầm lỡ của mình. Thím đã kéo cả thằng bé thơ dại quỳ xuống mà thưa với chồng rằng, thím không hề hư hỏng vẫn một mực thương nhớ chờ đợi chồng, nhớ thương và chờ đợi đến tuyệt vọng. Nhưng khát vọng làm mẹ của thím đã đến độ nẫu chín khiến thím phải chịu tiếng không chung thủy với chồng. Giờ đây, thím như phạm nhân đứng trước vành móng ngựa, chờ đợi sự phán xét của quan toà. Vị quan tòa, đại uý lâm thế Bình 39 tuổi, tham mưu tưởng trung đoàn đang phải đối mặt với một thử thách hoàn toàn riêng tư, một tình huống không có trong phương án tác chiến. Phạm nhân là chị Tạ Thị Lương 35 tuổi, từng nhận kỷ luật cảnh cáo trước Đảng ủy, và thôi chỉ huy trung đội nữ du kích xã, vẫn bằng giọng nói bình tĩnh, rằng số phận của mẹ con em tùy thuộc vào quyết định của anh, anh đại lượng tha thứ cho thì được nhờ, còn không anh trừng phạt thế nào mẹ con em cũng đành chịu vậy. Người đầu tiên lên tiếng phá tan bầu không khí căng thẳng là bà nội chị Châu, cụ Nghĩa. Cụ bước lại nâng thằng Quân dậy: "Để bà bế" và nâng tay thím Lương: "Con đứng dậy đi"! Thế là cụ Nghĩa cùng đứng vào hàng phạm nhân. Ba mẹ con bà cháu đối diện với chú Bình, chờ đợi sự phán xét. Thằng Quân trên tay cụ Nghĩa áp má vào vai bà và chừng như nỗi sợ hãi được giải tỏa, nó tủi thân òa lên khóc nức nở, và thím Lương khóc theo làm cả nhà mủi lòng. Dĩ nhiên, thằng bé khóc rồi quên ngay, nhất là khi chú Bình đưa nó một gói kẹo giấy bóng rõ to và một khẩu súng nhựa, bóp cò có thể nổ tằng tằng. Giờ đây, nó lặp lại động tác quỳ trước mặt ba nó, nhưng chắc chắn nó kông thể hồi tưởng được giây phút nghiệt ngã lúc bấy giờ. Có chăng là nó đã tình cờ nghe một ai nói lại và đã hiểu ra số phận đích thực của mình. Điều này chỉ nằm trong phỏng đoán của chị Châu, nhất là Kim Thoa. Chỉ những đôi trai gái yêu nhau tha thiết mới dám san sẻ với nhau những nỗi niềm sâu kín. Không hiểu sự phỏng đoán của chị Châu có cộng hưởng với người mẹ ở trên giường bệnh không, mà khi chị kéo hai đứa em quay lại với mẹ, thì người mẹ đã ngất lịm đi, khiến chú Bình bấm chuông gọi cấp cứu toáng lên làm mọi người đổ xô đến.
Rồi thím Lương cũng tỉnh. Hôm sau, anh em thằng Dân và con Kim Loan vác cả máy thu hình vào phòng thím, chiếu cuốn phim video đám cưới cho mẹ chúng xem. Chị Châu cũng ngồi cạnh thím Lương, thấy khuôn mặt của thím rạng rỡ dần, khuôn mặt bừng lên vẻ mãn nguyện. Vậy mà, thím không xem hết cuốn băng, dường như màu sắc rực rỡ trên khuôn hình làm thím lóa mắt. Với lại, chính niềm vui trong lòng làm thím chìm ngập trong sự xúc động khiến thần kinh căng thẳng, thím xua tay ra hiệu tắt băng, mắt khép lại mệt mỏi. Từ hôm đó trở đi, thím từ chối không ăn uống gì. Nước cháo, nước hoa quả, sữa, thím đều lắc đầu. Chú Bình dỗ dành ép mãi mới đổ được vài thìa nước sâm, nhưng cũng trào ra ngoài. Những cơn đau thỉnh thoảng lại hành hạ, làm người bệnh chịu đựng đến vã mồ hôi, thân hình teo tóp vặn xoắn lại như vỏ đỗ phơi khô. Và một buổi chiều, trời nổi cơn mưa to kèm theo gió lạnh. Đang giữa mùa hè mà người bệnh đòi đắp thêm chăn. Từ hôm ở Hà Nội vào, trừ lúc có công việc phải đi, còn ở nhà, chị Châu luôn luôn túc trực cạnh thím Lương. Sự có mặt của chị Châu làm người bệnh an tâm hơn. Bàn tay thím Lương nắm tay chị Châu, dường như sợ buông ra, chị Châu lại đi mất. Buổi chiều ấy sau lúc đắp thêm chăn cho thím, chị Châu vẫn ngồi cạnh thím. Lúc này không có bác sĩ thăm bệnh, không có người giúp việc, không có chú Bình và mấy đứa em, chị Châu ngồi im lặng nhìn vào khuôn mặt võ vàng xập xệu và bóng lọng, khuôn mặt y như được đắp bằng sáp ong, lắng nghe nhịp thở yếu ớt của thím, chợt linh giác rằng giờ ra đi của thím không còn xa. Chị sực nhớ câu nói của thím hôm chị mới vào: "Mười ngày là đủ" hôm nay đã là ngày thứ bảy rồi. Chị Châu nắm chặt tay thím, khiến thím hé mắt: - Thím có muốn dặn em điều gì nữa không? Vẫn không rời tay chị Châu, người bệnh phập phệu: - Hình như Châu vẫn còn chút băn khoăn về thằng Quân. Đừng, Châu ạ! Mình coi thằng Quân là lộc do trời ban cho, do hồng phúc nhà họ Lâm tạo thành, còn do cả ân tình và lòng đại lượng của anh Bình vun đắp. Dẫu có biết gốc gác đích thực của nó, mình đã cố quên đi từ lâu rồi. Châu thông cảm giùm, đó cũng là ý nguyện cuối cùng của mình. Chị Châu kêu lên: - Không, em có băn khoăn gì đâu! Em hiểu thím! Thím cứ ên lòng, em sẽ làm theo ý nguyện của thím. - Mình không sống nổi nữa! Thương anh Bình lắm. Cả đời vất vả nay đến lúc nhàn một chút, thì mình không còn được chăm lo săn sóc anh... Thím xúc động trào nước mắt giọng nói ngàn ngạt nghẹn tắc, bàn tay thím buông dần tay chị Châu, khiến chị Châu hốt hoảng chạy ra góc cửa bấm chuông. Nghe tín hiệu, chú Bình và cả nhà kéo lên vây quanh người bệnh đang trong giờ hấp hối. Thím Lương trút hơi thở cuối cùng vào giờ Tuất đêm ấy. Việc đầu tiên chị Châu phải làm ngay là gọi điện thoại ra Hà Nội cho chồng, nhất thiết anh Thắng phải vào với chú Bình trong lúc này.