Cả ngày hôm đó, không khí trong nhà tựa như bị một bóng mây bao phủ. Bà Diễm thấy mặt Bích là nguýt háy, nói xa nói gần. Ông Thái và Ngọc thì im re không dám lên tiếng. Bích vừa làm việc mà vừa nuốt nước mắt. Quán bây giờ chỉ còn ba má chồng, và hai vợ chồng nàng coi sóc mà số lượng khách vẫn đông nên ai cũng làm việc không ngơi tay. Châu thì làm việc bên ngoài đến tối mới về. Bích vừa làm vừa ngóng nhìn Châu để hỏi cho ra lẽ. Đến khi Châu vừa dắt xe đạp vào sân, nàng chạy ra hỏi ngay: - Chú Châu có thấy cái kính mát của Má không? - Cái kính nào của Má? - Cái kính mát của chị Liên vừa gởi về đó. Châu nói: - Cái kính đó là của chị Liên gởi cho chị Thảo chứ đâu có phải cho Má. Chị Thảo đi nên em lấy tặng cho con bồ của em rồi. Bích mừng rỡ: - Trời ơi chú lấy mà không nói với Má làm cả ngày nay bả cứ đổ cho chị lấy. Chú làm ơn tới nói với Má dùm chị đi. Châu đi tới quầy cashier nói với bà Diễm: - Má! Con lấy cái kính mát đó. Bà Diễm hỏi nhỏ: - Của tao mà mày lấy làm chi? Từ ngày Châu dắt công an về nhà hạch hỏi việc Thảo Trân đi vượt biên, bà Diễm hơi kiêng nể anh một tí, không dám hống hách hà hiếp như những người còn lệ thuộc bà ta. Châu cũng thấy mình có uy hơn trong con mắt bà mẹ nên anh bớt sợ bà như ngày xưa. Anh tỉnh bơ nói: - Con lấy cho con bồ rồi. Mắt kính này dành cho bọn trẻ tụi con, Má đeo sao hợp! Bà Diễm ngậm miệng nín thinh. Bích từ xa theo dõi cuộc nói chuyện của hai mẹ con. Nàng nhìn đăm đăm vào đôi mắt của bà mẹ chồng cay nghiệt. Đôi mắt của nàng như chất chứa những u uất, oán hờn, trách móc, và đôi mắt như muốn nói lên niềm hãnh diện của một con người ngay thẳng, trong sạch. Bà mẹ chồng bắt gặp ánh mắt của cô con dâu, quay mặt đi giả lã bảo thằng con du kích: - Mày thật là phí, không dùng cũng có thể bán lấy tiền chứ. Vậy là sự tình đã rõ. Chẳng một lời xin lỗi đã đổ oan. Chẳng một câu nói cho mát lòng người bị chụp mũ. Có lẽ bà mẹ chồng cho rằng đám dân thấp cổ bé miệng thì chẳng đáng nhận lời xin lỗi chăng? Đến ngày Bích khai hoa nở nhụy, nàng sinh ra một bé trai nhỏ xíu nặng có 2 kg. Có thai mà không được bồi dưỡng nên con sinh ra ốm yếu là phải. Đứa bé bị xếp vào loại sinh thiếu tháng vì trọng lượng dưới tiêu chuẩn. Mấy tuần đầu sau khi sinh, Bích và chồng phải thường xuyên thay nhau đưa đứa bé đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Điều này cũng khiến bà Diễm không vừa lòng vì sẽ thiếu người làm việc cho quán. Bà cứ la mắng dằn vặt không thôi. Bích nằm dưỡng được hơn tuần thì bà Diễm lại nói xa nói gần, chịu không nỗi nàng lại ráng gượng dậy ra quán giúp đỡ. Mặc dù trong thời gian nàng sanh nở, hai chị em gái của nàng có tới quán phụ giúp nhưng tính bà Diễm là như vậy. Bà không thích thấy người khác nằm không. Ăn cơm chúa thì phải múa tối ngày. Sinh con xong nàng cũng không được ăn uống bồi dưỡng nên sữa mẹ cạn dần, phải pha sữa bò hoặc pha bột ngũ cốc cho đứa bé uống thêm. Thằng nhỏ bị tiêu chảy rồi kiết lỵ liên miên, xanh dờn. Nhìn con mà hai vợ chồng đều ứa nước mắt. Bà Diễm làm ngơ, làm như đứa nhỏ không liên hệ gì đến mình. Ông Thái lại thụt két, len lén đưa tiền cho con dâu để mua sữa similac dấu pha lén cho thằng cháu nội uống. Ông càng ngày càng tắt tiếng trước bà vợ già mồm, hung dữ, đanh đá mà chỉ lén lút đứng sau lưng bà tìm cách giúp đỡ con cháu mà thôi. Mà đâu có nhiều nhõ gì cho cam, chỉ như muối bỏ biển. Đầu năm 78, Châu vượt biển được tàu Mỹ vớt và qua Mỹ đoàn tụ với chị em bên đó. Giữa năm thì Bích sinh thêm một bé trai. Năm đó nhà nước ban hành lệnh đổi tiền. Bà Diễm lôi một cái thùng gỗ ra và thất thanh kêu trời: - Trời ơi! Chết tôi rồi. Ông Thái ơi tới mà coi đây này. Ông Thái chạy đến nhìn, rồi cũng thất thanh la lên: - Trời ơi sao lại vậy hở? Nghe tiếng la của bà rồi đến ông, Ngọc và Bích chạy vào phòng hai ông bà và mở to mắt nhìn vào thùng. Trong thùng đầy những cọc tiền căng tròn được quấn bằng dây thun. Bó tiền nào cũng bị mối ăn loang lổ. Hai cặp vợ chồng cùng đứng lặng đi trước thùng tiền, mỗi người mang một tâm trạng khác nhau. Kẻ tiếc tiền, người trách móc…Tiền nhiều như thế mà cứ than khổ, than nghèo, và bắt cả nhà ăn đói mặc rách. Vậy là công sức của bà coi như đi đong. Sức lao động của mọi người thì coi như bị tiêu phí từ lâu nhưng tiếc là tiếc cái công của bà đã tính toán chi li, hà tiện ăn khổ, không dám xài… Bữa cơm chiều hôm đó trôi qua trong yên lặng, gần cuối bữa bà Diễm lên tiếng với Ngọc và Bích: - Má hà tiện lâu nay cũng là để dành dụm phòng khi bất trắc, mà về sau cũng là để lại cho tụi con thôi chớ ai vào đây nữa. Có điều mình gặp vận xui nên mới xảy ra cớ sự như vậy, thôi thì các con tiếp tục cố gắng làm ăn, đừng nản. Ông Thái là họa sĩ thứ thiệt nhưng chắc cũng không vẽ ra được cái bánh ngon lành như vậy đâu. Ngoài kia, cái loa phóng thanh chĩa vào nhà cũng bắc đầu chương trình bình luận chính trị. Tiếng xe cộ ồn ào nên Bích nghe chữ được chữ mất nhưng hai chữ “mị dân” nàng nghe đến mấy lần.
Đến cuối năm 78, nhà nước tịch thu ngôi nhà của hai ông bà Thái Diễm và ba hãng nước đá mặc dù đã ngưng hoạt động từ lâu. Quán cà phê coi như đóng cửa. Cá lớn nuốt cá bé là phải thôi. Ngày xưa bà đoạt cái quán cà phê của con cái thì giờ đây nhà nước đoạt đi cơ ngơi của bà. Có vay thì phải có trả. Có điều vay một đằng trả một nẻo thì cũng hơi bất công. Sáng sớm hôm phải dọn nhà, bà phát cho mỗi người trong nhà hơn chục cây vàng bảo lận trong người để nếu đồ đạc bị giữ lại tịch thu thì còn có vàng trong mình mà thủ. Số vàng này bà để dành từ trước năm 75 do kinh doanh nước đá. Cũng may mà chỉ bị mất nhà, người ra đi an toàn không bị xét chứ không thì thật sự là trắng tay. Cả nhà nay dời về một căn hộ của chung cư gần chợ Đầm. Quán cà phê mở lại, địa điểm có khác, phòng ốc có khác, khách thu gọn hơn, nhưng dù sao vẫn có thể có công ăn việc làm cho cả nhà. Năm 1985, giấy tờ bảo lãnh qua Mỹ của cô con gái lớn Diễm Liên theo diện đoàn tụ đến hạn. Gia đình ông bà Thái, gia đình Ngọc-Bích và 2 đứa con cùng được ra đi. Căn hộ chung cư giao lại cho nhà nước. Tất cả tiền bạc đều được ông bà lén lút chuyển trước cho Diễm Liên giữ hộ. Ông bà Thái Diễm diện ưu tiên nên được bay thẳng qua Mỹ từ Thái lan, còn gia đình Ngọc Bích thì phải đi trạm chuyển tiếp Bataan 6 tháng rồi mới qua California. Qua California, ông bà Thái Diễm vì đã lớn tuổi nên xin được trợ cấp người già ngay. Hai người thuê căn nhà của cô con gái Diễm Hương ở, cho share vài phòng để trả tiền nhà cho Diễm Hương. Tiền trợ cấp bà giữ hết, ông vẫn thành vô sản như ngày nào. Còn số tiền ngày xưa gởi qua cho cô gái lớn Diễm Liên giữ vẫn để nàng giữ hộ vì ông bà hưởng tiền trợ cấp không thể có một số tiền lớn được. Diễm Liên cũng đem số tiền này mua cổ phiếu luôn và cho ông bà biết số tiền nay cả vốn lẫn lời lên đến cả trăm ngàn đô la. Còn số tiền trợ cấp hàng tháng, bà tiện tặn chắt chiu để dành, rồi gởi cho cô con gái thứ hai là Diễm Hương giữ và đầu tư dùm. Bà nghĩ là gởi 2 bên thì chắc ăn hơn và tự khen thầm mình là nay bà thật khôn ngoan đã biết đổi mới đầu tư, cần gì phải khổ thân với mấy hãng nước đá như ngày xưa mà vẫn tiền vào như nước. Diễm Hương qua Mỹ từ năm 75, nàng lập gia đình năm 79 và hai vợ chồng mở tiệm bán đồ gỗ làm ăn rất khấm khá. Lúc cha mẹ qua nàng có đến 3 ngôi nhà, cho cha mẹ thuê một nhà để ở. Nàng còn bắt chước chị Diễm Hương mua bán cổ phiếu, lúc có thời tiền vào như nước. Nàng cho bà biết số tiền bà đưa cho nàng nay lên gấp 10 lần. Bà Diễm thấy vậy càng mừng là đã đầu tư đúng chỗ. Cô con gái út của bà thật là xinh đẹp tài giỏi chẳng ai bằng. Hai vợ chồng Ngọc Bích và hai con đến California thì thuê appartment ở riêng chứ không ở chung với cha mẹ chồng nữa. Hai vợ chồng đều kiếm được việc làm và rất mừng vì từ nay có thể tự nuôi sống cho gia đình riêng của mình. Biết tính mẹ chồng, Bích thường nhắc chồng thỉnh thoảng biếu cha ít tiền tiêu vặt. Ông Thái đã dấu tiền như mèo dấu cứt vì nếu bà biết được sẽ tịch thu ngay. Ông còn con cháu của người anh Cả ở Việt nam. Ngày xưa từ ngoài Bắc, ông anh cả đã dẫn người em út là ông vào miền Nam, thương yêu, nuôi nấng và lo cho ông ăn học thành tài, lại còn giúp vốn để ông có thể mở nhà máy nước đá. Công ơn và tình nghĩa của người anh có thể sánh như người cha trẻ. Nay anh Cả đã mất, đến ngày cúng giỗ nhờ số tiền dành dụm này mà ông thỉnh thoảng có thể lén lút gởi về chút ít làm quà và cúng giỗ người anh. Ông bà qua xứ người thì đã có tuổi nên ở nhà làm vườn, săn sóc nhà cửa và nhận giữ trẻ kiếm thêm tiền. Dĩ nhiên là ông phải lo cho đám trẻ và tiền thì vào túi bà. Bà vẫn ăn hiếp chồng, vẫn bắt ông phục vụ tối đa từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Phải cái trời thương, ông đặt lưng xuống giường là ngủ say ngay. Điều này cũng làm bà tức tối vì bà lại có chứng khó ngủ. Có lẽ vì đầu óc cứ lo toan tính toán tiền bạc nên trời bắt tội chăng! Mà bà ngủ không được trong khi ông ngủ ngon lành không phải là bất công với bà ư? Thế là bà lại dựng ông dậy, lúc thì pha ly sữa, lúc thì nấu tô mì với cớ là ngủ không được, sức khỏe yếu cần bồi dưỡng. Năm ông Thái được bảy mươi lăm, vì bị bịnh chai dưới gót chân nên ông phải mổ và từ đó ông đi lại rất khó khăn, bước đi chậm và cứng như người máy. May mà còn lê chân được để còn phục vụ bà vợ. Bà vẫn sai vặt ông làm này làm nọ như ngày nào, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, làm vườn, giữ trẻ nít. Ông vẫn làm không ngơi tay nhưng nay phải làm chậm chạp mất thời giờ hơn. Nhiều hôm mệt mỏi mà vẫn không nghỉ ngơi được vì nằm không yên, bà cứ sai vặt suốt. Mấy năm sau ông bị loét bao tử nặng, phải vào nhà thương lần nữa. Năm 2000, 6 tháng sau cuộc giải phẫu, ông Thái đã ra đi. Cùng lúc đó bà Diễm lại bị ung thư tử cung và cũng phải giải phẫu, sau đó chuyển qua tịnh dưỡng trong một nursing home. Tưởng bà mất kỳ này nhưng không hiểu sao trời không cho bà chết để mà chứng kiến những cảnh đau lòng. Ngày bà Diễm bớt bịnh phải ra khỏi nursing home thì Diễm Hương vì làm ăn sa sút phải bán tiệm, bán nhà. Căn nhà ông bà Thái Diễm thuê của cô ở lâu nay vừa mới bán nên bà không thể về lại đó nữa. Các người con họp lại để xem ai có thể đón bà về phụng dưỡng. Hai cô con gái mà bà cưng yêu lâu nay đều im lặng thay cho lời từ chối. Bốn người con trai cũng đều im lặng vì ai cũng biết tính khó khăn cay nghiệt của bà. Bà rất thất vọng và đau lòng vì không ngờ mình không có chỗ đứng trong tim của đứa con nào. Nhưng điều này cũng chưa đủ đứt ruột, mà chính là chuyện khác kìa. Khi bà lên tiếng đòi lại số tiền mà Bà đã gom góp, chắt bóp, xiết cổ ông và mấy đứa con để gởi cho hai cô con gái đầu tư thì mới biết rằng số tiền đó đã mọc cánh mà bay. Cổ phiếu hai cô mua cho bà đã lỗ sạch từ khi nào. Bà Diễm ngã đùng ra chết giấc khi nghe cái tin động trời đó.
Vợ chồng Ngọc và Bích từ ngày qua Mỹ đến nay lo làm ăn chăm chỉ, cần mẫn nên cũng dành dụm mua được căn nhà nhỏ. Hai đứa con đã lớn và đều có công ăn việc làm. Khi nghe chồng đi họp gia đình về báo cho biết là anh chị em không ai chịu đứng ra lãnh bà về nuôi, Bích suy nghĩ một lúc và nói với chồng: - Bây giờ Ba đã mất còn Má thì không nhà không cửa để về. Em thấy bả cũng tội, dù gì cũng là Má của anh. Nay nếu để Má sống suốt cuộc đời còn lại trong nursing home em thấy không đành. Thôi có gì tụi mình rước Má về để phụng dưỡng nghe anh. Ngọc thấy mừng vì vợ mình biết thương và hiếu để với mẹ chồng nhưng chàng cũng lo: - Má khó tính quá! Mấy năm nay qua Mỹ tụi mình mới được sống vui vẻ thoải mái, rước Má về sợ sẽ cực và khổ lắm đây. Ngày xưa ở Việt nam sống chung với Má mình đã nếm đủ mùi rồi. Nay không có Ba để hầu bả sợ mình hầu không nổi đâu. - Không nổi thì cũng phải ráng. Hai đứa con mình cũng đã lớn, tụi nó chắc cũng phụ với mình lo cho bà. 4 người mà lo không nổi 1 bà già sao anh?
Cuối cùng, vợ chồng Ngọc Bích rước mẹ về ở chung. Bà Diễm rất mừng và cảm động không ngờ đứa con dâu ngày nào bà thường hành hạ, đối xử khắc nghiệt mà nay lại trở thành khúc ruột ngàn dặm rộng lòng bỏ qua đem bà về cưu mang. Nhưng bản tính khó đổi, Bà vẫn khó chịu, đòi hỏi đủ thứ, hành con hành cháu từ A tới Z. Bà dòm ngó, coi thử con dâu có nắm tiền như bà ngày xưa không? Đến khi thấy trong gia đình Ngọc là người quản lý tiền bạc, trả bill viết check thì bà yên tâm. Mặc dù trong gia đình tất cả những người con ruột của bà, không ai đối tốt với bà bằng một góc của người con dâu này, bà vẫn không muốn đồng tiền của gia đình bà (tiền của thằng con) lại do người ngoài nắm giữ. Mấy đứa con ruột thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Họ nói: - Mỗi lần tới thăm Má cứ nghe bả than về tiền chán hết sức. Hai cô con gái Diễm Liên và Diễm Hương thì hầu như trốn luôn vì gặp mặt là nghe bà chửi: - Trời cũng phạt tụi mày. Tụi mày moi gan cắt ruột cũng không ác bằng lấy tiền của tao. Mấy cô cãi: - Tụi con có lấy tiền Má đâu. Má đầu tư cổ phiếu thì lời ăn lỗ chịu chứ. Bà liền bù lu bù loa: - Tại tao “ngây thơ” mới để tụi mày dụ. Tụi mày lấy tiền bà già này thì con cháu tụi bây sẽ hại lại tụi bây. Hu hu. Ông trời ngó xuống mà coi này. Cứ thế, con cháu xa lánh dần không còn lại thăm bà nữa thì bà lại than: - Mấy đứa con tui bất hiếu không đến thăm. Bích an ủi: - Tại mấy em bận đi làm không đến thăm Má được thôi. - Hồi xưa còn ổng lo cho tao đủ thứ thật sướng. Ổng chết rồi tao khổ quá. Bích trách: - Nếu hồi đó Má lo cho Ba thì Ba không chết sớm. Ba bịnh hoạn mà Má còn hành Ba để Ba bị yếu và bịnh nên mới chết đó. -Ờ, hồi đó sao mình còn “ngây thơ” quá!!! Đến lúc này mà bà vẫn chưa nhận ra cái tính xấu của mình mà còn tự cho là vì mình “ngây thơ”. Cái ngây thơ thật là chết người. Cuối cùng chỉ còn lại vợ chồng Ngọc, Bích lo cho mẹ. Những ngày bà Diễm có hẹn phải đi khám bác sĩ, chính Bích là người đã đưa bà đi không bỏ một cái hẹn nào. Có lần bà vì uống thuốc để siêu âm đường ruột, đã đi cầu chảy vương vãi ra thảm của bệnh viện và cũng chính Bích đã lo lau chùi dọn dẹp. Trong nhà nàng lo cho bà từ miếng ăn giấc ngủ mà không một tiếng than thở hoặc nề hà. Thấy vậy Ngọc rất thương và nể vợ. Chàng thương cho cái chịu thương chịu khó và nể tấm lòng tốt của nàng đã không thù hiềm mà còn lo lắng chăm sóc cho mẹ chồng. Nàng thật là một người phụ nữ thời nay có đủ cả công, dung, ngôn, hạnh mà chàng may mắn cưới được. Ở nhà Ngọc Bích được 5 năm thì Bà Diễm bị tái phát ung thư. Cũng may cho bà là nhằm lúc Bích bị thất nghiệp nên nàng có thời giờ thêm để săn sóc bà. Bịnh của bà càng lúc càng trầm trọng phải thường xuyên chịu nhiều đau đớn. Nhiều lúc Bà không thể điều khiển được hệ đại tiểu tiện nên rất bẩn thỉu, dơ dáy và Bích phải dọn dẹp, chùi rửa cho mẹ chồng cũng như phòng ốc rất bận rộn, và cực khổ. Được mấy tháng, Ngọc thấy vợ vất vả quá, hơn nữa trong nhà cũng không có đủ phương tiện cũng như điều kiện để săn sóc và lo toan cho bệnh tình của mẹ nên chàng quyết định đưa bà vào nhà thương và sau đó chuyển qua nursing home để y tá chăm sóc. Hàng ngày Bích nấu những món ăn Việt nam mà bà ưa thích rồi đem vào nursing home cho bà, nhưng bà vẫn than vãn: - Tao muốn chết quá! Sống làm chi vậy không biết. Sức khỏe không có, tiền bạc cũng sạch. Bích hỏi: - Chứ Má cần tiền làm gì? Trong này họ lo cho Má đủ thứ. Má cần gì thêm thì nói tụi con mua cho. Bà khẳng định: - Tao không cần gì hết. Tao chỉ cần tiền thôi. Bích thấy tội nghiệp bà mẹ chồng hết sức. Đến khi nào bà mới chịu buông tay đây. Giờ sức khỏe bà rất suy yếu, bệnh tật hành hạ đau nhức suốt ngày, nhưng trái tim bà cứ bị nhức nhối vì tiền. Miệng bà thì cứ than khổ đòi chết nhưng linh hồn cứ bị đồng tiền níu kéo để chịu đày đọa trên cõi trần gian. Sống không ra sống, chết không ra chết và đã bị tiền hành cho đến cuối đời.
Nhưng rồi, bịnh của bà bỗng trở nặng. Biết mình sắp ra đi, bà kêu riêng Ngọc ra dặn: - Má còn 400 đồng đây! Con ra đổi hết tiền vàng âm phủ rồi đem vào đây cho Má coi. - Mua gì nhiều dữ vậy Má? - Mày cứ mua hết cho Má. Má muốn nhìn trước tiền Má sẽ có ở thế giới bên kia. - Má tin vậy sao lâu nay giỗ Ba mà Má không chịu đốt xuống cho ổng giữ trước? - Để cho tụi con gái thấy ổng có tiền rồi dụ à! Tao đâu có ngu. Trời ơi là Má của chàng! Ngọc hết nước nói. Nhưng dù gì bà Diễm cũng chỉ nghĩ tới cuộc sống cho một thế giới khác chứ không phù phiếm đòi xây lăng tẩm cho thiên hạ trầm trồ thán phục. Bà cũng thực tế quá đi chứ, mặc dù đó chỉ là một cái thực tế rất không thực tế. Vài ngày sau bà Diễm ra đi, yên tâm với số tiền vàng ở thế giới bên kia bà sẽ có. Lúc thay quần áo cho bà lần cuối, Bích thấy bà còn một cái túi nhỏ gài kim băng đính vào bên trong áo. Bên trong cái túi là 900 đồng đô la Mỹ được xếp và vuốt thẳng nếp. Bà vẫn còn tính kỹ và nhất định không cho ai mặc dù biết rằng sắp từ giã cuộc đời.
Thế là xong một kiếp người. Chết mà vẫn còn ham tiền! Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già…
Nhưng cũng… là cái gì ác nghiệt, đã vắt kiệt tình yêu, đã triệt tiêu tình cảm, đã giết thảm tình mẹ con, và cuối cùng chỉ là tiền…Âm Phủ.