Chỉ mục bài viết |
---|
Thằng Bờm |
Trang 2 |
Tất cả các trang |
Nghe vậy, Bờm thấy thích lắm, bèn ở lại, đi hái lá chườm và đắp cho Phú ông. Cái lão rậm râu này, lúc nẫy thì dũng khí ngất giời, thế mà lúc này sao lại mềm yếu thế. Bờm thấy ngồ ngộ nhưng chẳng nói gì, thỉnh thoảng nhớ đến lại cười một mình. Hôm sau Phú ông kêu trong người nóng nực. Người nhà đem quạt đến quạt cho. Phú ông bảo thứ quạt đó không mát. Hỏi thứ quạt nào mới mát, Phú ông bảo Quạt mo của Bờm. Bờm lấy cái quạt vẫn giắt đằng sau cổ áo ra. Người nhà cầm lấy, quạt cho Phú ông, hỏi:
- Mát chưa ?
Phú ông bảo:
- Chưa !
Lại hỏi:
- Tại sao ?
Phú ông đáp:
- Phải Bờm quạt thì mới mát !
Bờm đón lấy quạt, phe phẩy quạt cho Phú ông. Phú ông mỉm cười, khen:
- Bây giờ thì mát thật !
Được mấy hôm, Phú ông khoẻ lại. Bờm về, tất nhiên là mang theo cả cái vật bất ly thân của mình. Bấy giờ, không hiểu sao, trông bộ mặt phú ông mới thực thểu não. Thấy vậy, Bờm hỏi:
- Nhà ông làm sao thế ?
Phú ông lấy giọng thều thào:
- Ta dùng cái quạt của Bờm quen rồi. Máu ta nhiệt lắm, không có quạt của Bờm có lẽ ta chết yểu mất !
Bờm trố mắt. Và sau một thoáng do dự, Phú ông nói tiếp, giọng điệu giông giống như kẻ đang có việc phải cầu cạnh:
- Thế này ... hay Bờm đổi cho ta lấy cái gì đi !
Bờm thở dài, ngán ngẩm:
- Giời ạ, tưởng gì, nhà cháu cho luôn ông đấy !
Phú ông giẫy nẩy:
- Không được ! Ta thà chết nóng chứ không thể lấy không của Bờm được.
Bờm có vẻ sốt ruột, cáu kỉnh:
- Nhà ông dở hơi à ? Đã bảo cho là cho !
Phú ông lập nghiêm:
- Cái quạt ấy không phải vật tầm thường. Phú ông ta là bậc cha chú, không thích chơi chạc của hạng con cháu.
Cái lão này có lẽ dở hơi thật … Mà không chừng, cái quạt của mình cũng có giá thật. Bờm cầm lấy cái quạt ngắm nghía hồi lâu rồi mỉm cười ranh mãnh:
- Ừ, thì đổi ! Nhưng đã nói đến chuyện đổi chác là phải sòng phẳng luôn đấy. Ông muốn đổi cái gì ?
- Ba con bò mới chín con trâu ?
- Nhà ông định lỡm Bờm đấy à ?
- Đứng đắn đấy !
Bờm ớ người, nghĩ: Ba voi còn chẳng được bát nước xáo, nữa là ba bò chín trâu
- Đếch chơi ! Bờm chẳng lấy Trâu.
- Thế thì ao sâu cá mè nhé ?
Bờm nghĩ: Lấy ao sâu ... thì có mà cấy lúa vào vạt áo à ? Mà cá thì biết lấy đếch gì ra mà bắt ?
- Đếch chơi ! Bờm chẳng lấy mè.
- Thế ... một bè gỗ lim vậy ?
Bờm nhớ tới câu hát ru cháu của bà cả Hợi ở thôn dưới hôm nào: "Bao giờ rau diếp làm đình, gỗ lim ăn gém thì mình lấy ta". Ái dà ! Giá lão bảo là ba mớ rau diếp !
- Vẫn đếch chơi ! Bờm chẳng lấy lim.
- Thế thì con chim đồi mồi ?
Bờm nhẩm tính: Cũng được đấy. Nhưng thế thì dửng mỡ quá. Đang phải lo ăn bỏ u đi, chơi bời đếch gì !
- Vẫn đếch chơi ! Bờm chẳng lấy mồi.
Phú ông lúc này thấy bí. Cau mày suy nghĩ một lúc, rồi bỗng cười tinh quái:
- Hòn sôi nhá ?
Bờm nghe thấy thì liền toét miệng ra cười, gật đầu ngã giá.
- Nhưng gượm đã - Phú ông xoè bàn tay làm hiệu ngăn lại - Ta và Bờm đều là người đứng đắn. Việc mua bán trao đổi giữa những người đứng đắn bao giờ cũng phải lập văn tự. Hơn nữa, cái quạt này không phải vật tầm thường; hòn sôi của ta là ngọc thực, cũng không phải thứ tầm thường. Phải tìm đến chỗ thanh sơn nhã khí, giời đất tươi đẹp mà lập mới được.
- Chỗ ấy ở đâu ?
- Hòn Non Nước ! Cách làng mình có một quãng đồng.
- Đi thì đi. Sợ chó gì thanh sơn nhã khí !
Sau đó, ông đồ Nguyễn được mời cùng đi làm chứng. Văn tự được lập như sau:
Ngày… tháng ... Năm Kiến Thiện thứ sáu.
Văn tự giao Kèo
Phú ông có một hòn sôi. Bờm có một cái quạt mo. Hai bên cùng đồng ý đổi ngang cho nhau. Bờm sẽ nhận lấy hòn sôi của phú ông mà tuỳ ý sử dụng. Sôi sẽ được giao dần dần cho đến lúc đủ một hòn thì mới thôi. Phú ông sẽ nhận cái quạt mo của Bờm mà tự ý sử dụng.
Người nào thất tín sẽ mãi mãi phải chịu mọi phép sai khiến của người kia suốt quãng đời còn lại.
Giấy này lập tại hòn Non Nước, An Sơn huyện, Sơn Nam xứ, có ông đồ Nguyễn hiện diện thực chứng.
Lập xong, trước khi điểm chỉ, ông đồ Nguyễn đọc lại cho cả hai cùng nghe. Bờm bật cười, nghĩ thầm: Đúng là cái giống vắt cổ chày ra nước, rán sành ra mỡ; chỉ có vẽn hòn sôi mà không giao được một lần ! Ôi dào, có chó gì đâu, thực ra từ đầu ý mình là muốn cho không lão kia mà !
Hôm sau, Phú ông sai người đem đến cho Bờm một đĩa sôi. Bờm há hốc mồm:
- Chỉ có một hòn thôi mà !
- Chỗ này làm sao gọi là một hòn được - Người nhà Phú ông, trỏ vào đĩa sôi thơm phức đang nghi ngút khói, nói - mới chỉ là một phần rất nhỏ của hòn thôi !
Thật rách chuyện nhà cái lão Phú ông này. Chắc một hòn trông nó chỏng trơ quá, lão ngượng, nên mới bảo người nhà đơm hẳn một đĩa. Biết ngượng thế là được !
Hôm sau: Lại một đĩa to như hôm trước. Thế là thế quái nào ? Nhưng mà thôi. Nể tình chiến hữu nhận cho lão, không lại lằng nhằng.
Hôm sau nữa: Lại vẫn như thế. Lần này thì Bờm giật lấy cái đĩa trên tay anh người nhà Phú ông, đùng đùng đem sang nhà Phú ông trả lại.
- Nhà ông quá thể ! Nhà ông là hạng nhả nhớt cả với cả hạng con cháu ít tuổi ! Nhà ông không tử tế ! Trả đấy ! Từ rày tạnh hẳn trò này đi nhá ! - Nói, rồi Bờm hầm hầm đi ra.
- Gượm đã. Đừng nóng. Ta chỉ thực hiện đúng giao kèo thôi mà. Chẳng qua chỉ là ta không muốn bị nhà Bờm sai khiến suốt đời thôi, chứ ai dại gì mà mất của !
Bờm không thèm nghe, cứ đùng đùng ra về. Hôm sau đấy, lại vẫn một đĩa sôi thơm phức, bốc khói nghi ngút. Bờm chửi um lên, quyết không nhận. Phú ông đích thân sang tận nhà. Bờm vẫn không thèm nhận. Phú ông doạ sẽ kiện lên quan, cũng không sao lay chuyển được Bờm.
Phú ông kiện lên quan thật. Lính huyện đem trát của quan xuống đọc cho Bờm nghe và lệnh phải theo lên công đường hầu kiện ngay. Bờm đi mà thấy trong bụng hoang mang quá chừng. Không dưng lại lôi người ta vào những chuyện lằng nhằng. Rốt cuộc là cái trò quái quỷ gì vậy ? Bờm không tự trả lời được. Tại công đường hôm ấy có đủ cả ba người: Phú ông, Bờm và người làm chứng là ông đồ Nguyễn. Phú ông thưa:
- Bẩm quan, trong văn tự có ghi rõ là đổi hòn sôi lấy cái quạt mo. Văn tự cũng ghi rõ được lập tại hòn Non Nước. Sôi là một hòn, Non nước cũng là một hòn. Cùng là hòn thì phải bằng nhau chứ ạ. Vì là bằng nhau nên quả là tiện dân không thể giao hết ngay một lần. Điểm chỉ của Bờm vẫn rành rành còn đây, người làm chứng cũng đang ở đây. Nếu Bờm kia không chịu làm theo văn tự thì xin quan xử theo giao kèo là Bờm phải chịu để cho tiện dân sai khiến suốt đời !
Quan xử cho Phú ông thắng.
Quả đúng như vậy thật - Bờm nghĩ - Bị sai khiến suốt đời, mất u nó hết cái tự tiện cuộc đời thì sống làm chó gì cho nó khổ. Nghĩ đi nghĩ lại, cũng chẳng có cách nào hơn. Thôi đành ! Vậy là Bờm phải chấp nhận thực hiện theo cái giao kèo trả dần hòn sôi đó.
Trên đường từ huyện về làng, Phú ông bảo Bờm:
- Không dưng lại giở chứng. Làm ta mất toi mẹ nó mấy quan tiền với nhà quan !
- Mặc xác nhà ông ! Bờm đếch biết ! ... Cho đáng kiếp !
Cũng bởi chuyện này, về sau, mỗi khi đêm về trăng thanh gió mát, thường nghe con trẻ trong dân gian hát một bài vè:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu,
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chả lấy mè,
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim,
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi,
Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười.
Tháng 8 năm 2006