watch sexy videos at nza-vids!
WAPVN.US
16:31:0828/04/2025
Kho tàng truyện

Tập Truyện Ngắn Phan Trang Hy

Tác giả: Phan Trang Hy

Đau đáu Hoàng Sa

Lệ thường, ngày nào cũng vậy, lão Ban lại ra biển. Không nhìn thấy biển là lão cảm thấy sao sao ấy. Lão dễ nổi cáu với vợ. Chỉ cần nhìn thấy biển, nhìn ra ngoài khơi xa là lão mới dịu đi những cáu ghét của cuộc đời. Lão đi biển không phải để nhìn thiên hạ tắm, không phải tập thể dục dưỡng sinh, cũng không phải bông lơn chọc ghẹo những mụ hồi xuân. Lão nhìn biển như thể cho vơi bớt nỗi lòng của mình, khi chẳng biết tỏ cùng ai. Thường là lão đi một mình. Nhưng lần này lại khác. Lão cùng thằng cháu nội ra biển chơi.
Nhìn thằng cháu đang lượm những vỏ ốc, vỏ sò, những con sao biển, lão thấy hồn mình như nhập vào sóng biển. Vẫn tiếng sóng vỗ bờ, vẫn tiếng rì rào của đại dương, của hồn biển Đông muôn thuở. Vẫn đâu đây từ cõi sơ khai nước mặn, trời nồng. Bỗng thằng Phong - thằng cháu nội của lão - lên tiếng:
- Nội ơi ! Nội coi nè ! Vỏ ốc này đẹp quá, nội ơi ! - Vừa nói, nó vừa chạy tới khoe lão.
- Ừ ! Đẹp quá !- Lão khẽ nói.
Nhìn vỏ ốc trên tay thằng Phong, lão lại nhớ cái vỏ ốc mà lão đã tặng cho Vũ - ba của thằng Phong. Quá khứ ấy như hiện ra trước mắt…
Lão làm sao quên được cái ngày lão được nghỉ phép về thăm gia đình ở Đà Nẵng. Được trở về đất liền, được thăm vợ, thăm con - thăm cái thằng con trai, cái thằng con mà lão chưa biết mặt, lão cảm thấy sao quá tuyệt vời. Nằm thao thức, nghe sóng, gió mang vị mặn trong đêm, lão không ngủ được. Ngày mai là có tàu vào đất liền. Mừng thật ! Vui thật ! Nghĩ đến vợ con, lão lục tìm trong đầu nên tặng vợ, tặng con những gì ? Ở trên quần đảo này có gì ngoài phân chim, cát vàng, san hô, ốc biển…Tặng gì đây cho vợ, cho con?
Vừa về đến nhà, lão chào mọi người. Vợ lão ôm chặt lão, khóc : “Sao anh không ở ngoài đó ? Anh về làm gì ?”. Lão biết vợ quá thương mình nên nói vậy thôi. Chính vợ lão đã khuyên lão ra đảo nhận công tác khí tượng kia mà.
Nhìn thằng Vũ nằm trên nôi, lão giơ hai tay ra, vừa vỗ vỗ vừa kêu lên: “Ba đây con! Cho ba bồng tí!”. Thằng Vũ nằm trong nôi khóc ré lên. Thương con, lão muốn bồng con, ôm con. Nhưng mỗi lần lão bồng nó thì nó không chịu. Một bữa, vợ lão lo sắm sửa một ít đồ dùng để lão ra lại đảo, bèn giao con cho lão. Thằng Vũ cứ khóc, không chịu cho lão bồng. Lão lấy những thứ đồ chơi bằng nhựa cho nó chơi, nhưng nó vẫn không chịu nín. Cực chẳng đã, lão bồng con và dỗ. Lão kêu kêu, cười cừời; lão làm đủ trò; nhưng thằng bé vẫn cứ khóc. Khóc miết rồi cũng mệt. Mệt nên nó nín. Rồi nó đưa mắt nhìn lão, nhìn khắp phòng. Lão thấy mắt thằng bé nhìn các thứ để ở trong tủ gương như muốn khám phá điều gì đấy. Nhìn con, lão lấy làm lạ. Những thứ trong tủ có gì lạ đâu. Toàn san hô, ốc biển…, những thứ lão mang từ đảo về. Lão bồng con đứng trước tủ. Thằng bé cười - lần đầu nó nhoẻn miệng cười. Lão lấy mấy thứ nhỏ xinh cho thằng bé chơi, nhưng nghĩ lại, lão sợ thằng bé chơi, rồi nuốt bậy, nên lão cất. Thằng bé lại khóc. Cuối cùng, lão chọn cho con một con ốc to bằng nắm tay. Đây là con ốc lão lượm trên đảo đúng vào lúc nghe tin vợ ở nhà sinh thằng Vũ. Thằng bé cầm con ốc, ngậm vào miệng ra chiều thích thú.
Kể cũng lạ ! Từ khi chơi với con ốc, thằng bé lại muốn lão bồng, lão bế. Chỉ trừ lúc nó thèm sữa, còn thì nó đòi lão bồng chơi cùng con ốc cho bằng được. Nó cũng thích lão hát cho nó nghe, nó cũng thèm lão hôn nó…
… Lão vẫn nặng nợ với đảo. Đảo là nhà, là phần cuộc sống của lão. Những lúc thương con, nhớ vợ, lão chỉ biết ngồi trên bãi san hô nhìn vào đất liền. Làm sao lão quên được những hoàng hôn. Màu sắc kỳ ảo vàng đỏ tím xanh cả biển. Mặt trời lặn dần xuống biển như thể thiên nhiên đang cất giấu viên ngọc hồng vào trong rương vũ trụ. Chỉ còn thứ ánh sáng diệu kỳ trên biển. Và trong lão sáng lên thứ ánh sáng của đêm, thứ ánh sáng gia đình, quê hương… Lão thèm được nhìn vợ, nhìn con, nhìn những gì thân thương của mình. Lão quên sao được những lần đem thư của con ra đọc. Ngó thế mà thằng Vũ cũng đã lớn rồi. Học lớp 11.Thư gửi cho lão, lúc nào nó cũng nhắc đến con ốc mà lão cho nó. Cũng từng ấy câu chữ, nó cứ viết vào những lá thư gửi cho lão: “Ba biết không? Bạn bè con, đứa nào cũng trầm trồ vì con có con ốc đẹp. Con đã từng khoe với bọn chúng là con ốc mang cả hình hài của quần đảo Hoàng Sa. Bọn chúng không tin. Nhưng con tin là thế!”.
Lão cũng tin là thế ! Lão tin quần đảo Hoàng Sa là máu thịt của quê hương. Làm sao lão quên được có lần lão đã dắt thằng Vũ về quê ở tận Quảng Ngãi. Trong lần giỗ chạp, ông tộc trưởng họ Đặng của lão đã từng nhắc rằng lão là kẻ hậu sinh đang kế nghiệp tiền nhân. Mở gia phả, lão rưng rưng đọc những dòng chữ ghi công tích của họ Đặng. Vua triều Nguyễn đã từng phái dòng tộc lão vượt đại dương trấn giữ Hoàng Sa. Lão cảm thấy như máu tiền nhân đang chảy trong cơ thể, tăng thêm nghị lực, tăng thêm tình yêu cho lão trên đảo Cát Vàng. Làm sao lão quên được lúc cúng tế, bà con tộc họ đã bỏ thức ăn, sau khi xong lễ, vào một chiếc thuyền làm bằng bẹ chuối, thả xuống biển. Mũi thuyền hướng về Hoàng Sa như thể rằng Hoàng Sa không thể quên trong hồn người đã khuất. Trong tâm tưởng lão, lúc nào chiếc thuyền bẹ chuối ấy cũng lớn như những chiếc thuyền của dòng tộc họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở quê lão vâng lệnh triều đình, tiến thẳng Hoàng Sa… Trong lão như trỗi dậy những bài văn tế các thủy binh thời ấy. Nhận lệnh vua, nặng nợ nước nhà, buổi ra đi đâu dễ dàng. Sóng gió trùng khơi, thủy quái dẫy đầy, đến Hoàng Sa đâu dễ. Các thủy binh được tế sống lúc lên đường như thể rằng quê hương vẫn nặng nợ với những người con. Lão bùi ngùi, run rẩy như có ai đang bóp nghẹt trái tim. Lão khóc…
Thằng Vũ hy sinh trên Trường Sa năm 1988!
Lão đã khóc rất nhiều khi biết tin. Lão không ngờ như vậy. Kỷ vật cuối cùng của con lão là quyển nhật ký. Lão đã đọc đi, đọc lại hoài. Những dòng cuối cùng lão như thuộc lòng: “Ba ơi ! Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu. Dẫu có hy sinh, con vẫn không hối tiếc điều gì vì đã thực hiện theo lời ba dạy”. Đến giờ, lão vẫn không biết mình dạy con điều gì. Lão chỉ nhớ những việc làm, những tình cảm gắn bó với Hoàng Sa. Không biết có phải những điều ấy là lời lão dạy với con? Có lần thằng Vũ cầm con ốc đố lão - lúc nó vừa thi xong tú tài: “Đố ba, trên mình con ốc này có gì?”. Lão ngạc nhiên sao con lão đố như vậy. Nhìn con ốc, lão cười đáp: “Thì chỉ những chấm, những chấm màu vàng nâu”. Thằng Vũ cũng cười, nói : “Rứa con đố làm gì!”. Rồi nó chỉ từng cái chấm, hỏi lão có giống những đảo mà lão đã từng ở không, nhiều chấm có phải là quần đảo không… Và rồi nó kết luận: “Trên mình ốc có in hình quần đảo Hoàng Sa”. Kể cũng hay hay. Từ đó, nó để con ốc vào chỗ trang trọng nhất. Khi nhập ngũ, đi bộ đội hải quân, nó xung phong đi Trường Sa. Lão không gàn con. Nó cũng có tình yêu đảo như lão kia mà !
Kể từ ngày thằng Vũ mất, lão như mất hồn. Cứ những đêm rằm, mồng một, lão lại ra biển. Dù nắng, dù mưa, lão vẫn ra biển thắp ba cây nhang hướng về Hoàng Sa, Trường Sa mà vái. Ngoài kia, những con thuyền thả lưới, những chiếc tàu đánh bắt cá sáng rực những ánh đèn như thành phố nổi trên biển. Trước mắt lão hiển hiện những ngư dân cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó chịu thương. Trước mắt lão hiện lên những chàng trai giữ đảo, có cả hồn của những người như con trai lão cùng tiền nhân giong thuyền xuôi ngược biển Đông. Nhiều lúc lão lẩm bẩm một mình như đọc thơ về Hoàng Sa…
Và rồi thành phố Đà Nẵng bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Lòng lão trỗi dậy thứ tình yêu biển đảo mà bấy lâu nay ẩn trong tiềm thức. Người họ Đặng hôm nay lại nối tiếp họ Đặng, họ Trần, họ Lê… ở quê lão, như cái thuở cha ông vâng lệnh triều đình ra đảo, gánh trách nhiệm với Hoàng Sa. Lão thấy mình như trẻ lại, khỏe lại và vui hơn. Không vui sao được khi đất đảo quê hương được nhắc đến? Không vui sao được khi có người dám nhận trách nhiệm nặng mang? Lời thằng Vũ trong nhật ký sáng rực trong tâm trí lão: “Biển đảo là biển đảo của quê hương do cha ông để lại cho con cháu đời sau. Phải giữ để khỏi có tội với tiền nhân, với con cháu…”.
Tiếng thằng Phong như đánh thức lão:
- Nội ơi ! Mai con phải vào thành phố Hồ Chí Minh.
- Ở thêm ít ngày, được không ? - Lão hỏi như trách .
- Con phải vào để thầy hướng dẫn làm luận văn.
- Thế thì phải vào thôi ! Mà này, con làm đề tài gì?
- Dạ! Con làm đề tài về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong mối quan hệ với biển Đông.
Trầm ngâm một lúc, lão lên tiếng:
- Gay đó con! Nhưng phải gắng thôi.
- Dạ! Con nghe lời nội.
Hai ông cháu cùng dắt tay xuống tắm. Nước biển tắm mát cơ thể lão, cơ thể cháu lão. Nước biển Mỹ Khê giống như nước biển Hoàng Sa. Lão nghe mằn mặn bờ môi. Lão đứng lên. Mặc từng cơn sóng đổ trên người, lão nhìn ra xa khơi. Đau đáu là Hoàng Sa trong nỗi nhớ…

Người Thầy Dạy Búp Bê

Kính tặng các thầy cô giáo của tôi
Tìm kiếm trong các ngăn kéo, đem ra những con búp bê của lũ cháu, lão Giáo xếp từng con một ngồi theo hàng ngang. Giọng lão đầy đam mê:
- Này, các em ! Hôm nay thầy giảng cho các em nghe nguồn gốc của Người.- Lão đằng hắng rồi tiếp lời - Các em yên lặng học bài !
Từng con búp bê ngồi, mở to mắt nghe lời lão. Nhìn chúng, lão mãn nguyện: “Có thế chứ ! Thật là lũ học trò ngoan !”.
Lão là người thầy đã về hưu. Từ khi nghỉ dạy, trong giấc ngủ, lão thường mơ thấy lớp, thấy trường…Lão mơ hồi lão còn sung sức, lão như bay bổng trên bục giảng. Bọn học trò kính lão – một lẽ lão dạy hay.
Lòng yêu nghề cứ bám riết lấy con tim lão để mà hành hạ. Thế mà lão thấy thích khi được khổ đau trong nghề nghiệp. Có lẽ trời định vị ! Lão phải làm tròn thiên chức mà lão đã mang.
Lão nhớ cứ đến ngày Nhà Giáo Việt Nam, các học sinh, các phụ huynh đến nhà tết lão. Niềm tự hào và nỗi xót đau cứa con tim của lão trong ngày ấy. Đêm nằm, lão cười một mình…
Lão biết rằng phụ huynh và học sinh vừa thương vừa phục lão. Nhưng điều ấy đối với lão đâu có phải là quan trọng. Còn thở là lão còn phải làm tròn thiên chức.
Những ngày đầu về hưu, những điều trái tai gai mắt làm cho lão ngứa miệng. Cựa một tí là lão giảng giải, lên lớp. Những lũ học trò ngày nào đâu còn nghe lão dạy. Chỉ có những đứa con của lão chịu số phận làm học trò. Được cái thằng con trai đầu của lão là đứa hiền, nó chịu đựng ngồi im nghe. Nhưng ngặt nỗi, nó không có thời gian dành cho lão lên lớp khi đàn con của nó đang cần nó. Rồi lão đem những sự tích thời tu-huýt-tu-đế để dạy lũ cháu nội. Bọn trẻ rất ít khi rảnh để học những gì lão nói. Chúng còn phải đến nhà trẻ, đến lớp, học vi tính, chơi điện tử…Lời lão không còn ai nghe…Mà có ai rỗi để nghe lão dạy ?...
Niềm vui nghề nghiệp bỗng lóe sáng khi những con búp bê ngồi không chớp mắt, nghe lão giảng :
- Các em biết đấy ! “Nhân chi sơ tính bản thiện”, có nghĩa là tính Người vốn từ gốc thiện mà ra. Cho nên đã là Người thì phải thiện mới hợp đạo.
Nhìn lũ học trò búp bê, mắt lão nhòe…

Im Lặng Của Thiền Sư


1. Trời vần vũ. Bao tinh cầu xoay chuyển. Chỉ gió, chỉ tiếng gầm rú của chúng sinh. Không thể nhìn thấy mọi vật. Chỉ một màu đỏ ối trên trời. Mặt trăng biến thành quả cầu lửa.
Ađam lăn lộn trong cõi hỗn mang. Bỗng hai thằng người tách ra từ Ađam. Chúng cãi nhau giành phần thắng.
Nhiều con thú cười nói như người. Rồi tất cả thú hóa người nhảy múa vui mừng tru lên những giai điệu cuồng mê trong cõi vô minh. Những gương mặt thú biến mất trong phép của quỷ thần tích tụ. Chỉ có người và người.
- Hoan hô ! Hoan hô ! Đánh nữa đi !
- Đả đảo ! Đả đảo !
Đám đông cuồng loạn. Vang trong cõi vô minh tiếng hò hét ầm ĩ điệu nhạc chiến tranh.

2. Bên gốc đại thụ, ánh hào quang tỏa sáng. Tưởng chừng như các thiên thần đang chào mừng ơn phước đến với thế gian. Thiền sư đang kiết già. Ngài dùng điển quan sát ba ngàn thế giới. Đâu đâu cũng thế !
Bên tai vọng lên giọng của hai thằng người giành phần thắng, Thanh Văn bạch với thiền sư :
- Thưa sư phụ ! Có chuyện không hay.
Thiền sư hỏi :
- Ông xem họ đang làm gì vậy ?
Cung kính, Thanh Văn bạch :
- Thưa sư phụ ! Nếu dùng thần lực của con tính đếm trong nghìn kiếp mới có thể biết bọn họ làm gì.
Thiền sư bảo :
- Ông hãy tính đếm đi !
Nói xong, ngài nhắm nghiền mắt.

3. Âm nhạc. Tiếng trống, tiếng thanh la, tiếng kèn đồng, tiếng tù và, tiếng đàn, tiếng sáo…Vũ điệu. Tango, chachacha, lambađa, hiphop…Ánh sáng. Xanh, đỏ, tím, vàng, đen…Tiếng la hét hòa nhịp nhàng với ngàn âm vũ điệu :
- Hãy lên án tên giết người !
- Hãy giết hết bọn khủng bố !
- Hãy bắt tên tội phạm chiến tranh !
- Giết nó đi để trừ hậu hoạn !
- Hoan hô ! Phe ta đã thắng !
- Đả đảo quân khát máu !
Đám đông hò hét ủng hộ. Đám đông hò hét phản kháng. Hỗn loạn ! Hỗn độn cảnh hỗn chiến !
Thiền sư thiền định.

4. - Bạch sư phụ ! - Thanh Văn hốt hoảng gọi thiền sư.
- Gì thế ?
- Thưa sư phụ ! Bọn người mê loạn trong cảnh đánh nhau.
- Theo ông, chúng ta phải làm gì ?
- Theo con nghĩ chúng ta phải dùng phép màu tiêu diệt bọn họ.
Nụ cười hiền hậu nở trên môi, thiền sư ôn tồn nói :
- Đức háo sanh là căn nguyên tạo nên trời đất, muôn vật. Kể cả tính Phật cũng bởi đức háo sanh mà ra. Ta nhân danh Phật mà tru diệt chúng sinh ư ? Không ! Ta phải dùng pháp mà giải thoát chúng sinh.
- Thưa sư phụ ! Người dùng pháp gì ?
Thiền sư im lặng.

5. Eva múa khúc nghê thường. Nàng mơ màng hát khúc tình ca bất tử. Nàng trút bỏ xiêm y. Nàng khỏa thân khoe vẻ đẹp diệu kỳ của tạo hóa ban tặng.
Những cô gái bắt chước Eva.
Eva cùng những cô gái xuân trẻ tắm mát cơ thể trong các dòng sông. Các cô khoe thân thể. Các cô đến giữa bầy người cuồng loạn.
Đám đông im bặt. Hai thằng người trở thành Ađam như lúc mới sinh. Bọn đàn ông làm theo Ađam.
Mặt trăng dịu dàng tỏa sáng.
- Bạch sư phụ ! - Thanh Văn mừng rỡ thưa - Chúng sinh chung sống
hòa bình rồi !
Thiền sư im lặng…

Người Đàn Bà Bán Lộc

Giờ giao thừa. Những tiếng chuông rung lên lay động màn đêm. Tiếng còi tàu báo hiệu năm mới. Những chòm pháo bông sáng rực cả khoảng trời. Mùa xuân đang đến.
Bà Ba sửa soạn lại những nhánh trầu, xếp chúng vào mủng. Năm mới đến, thế mà, bà vẫn cứ đều đều công việc của mình.
Bà làm nghề bán trầu cau hàng chục năm nay. Bà muốn đem lại nụ cười đỏ như son cho các bà, nên bà chọn nghề này. Hằng ngày, cứ sáng sớm là bà gánh hàng lên chợ. Vẫn chỗ ngồi khép nép giữa những đồ hàng đúng kiểu của cái chợ mua giành bán giựt, bà Ba đặt lên chiếc mủng những lá trầu, những vôi, những hột cau khô. Bà lầm lũi làm công việc của người già khi còn đủ sức để lo cho cái ăn, cái mặc của chính mình. Bà không đon đả mời mọc khách hàng. Khách của bà toàn là những người quen, gần như là những bạn già với bà. Lâu lâu mới có một vài đứa trẻ đến mua hàng của bà về cho nội, cho ngoại.
Thắp nén nhang làm lễ Hành khiển, bà khấn thầm : “Con là Nguyễn Thị Ba, năm nay 77 tuổi, làm nghề bán trầu cau, cư ngụ tại phường Phước Mỹ, bày biện hương đèn, hoa quả, trà bánh, cáo với các thần cho con được khỏe trong năm nay”. Bà biết rất rõ sức khỏe của mình. Tuổi già sức yếu là chuyện thường tình, ai cũng phải mang. Nhiều lần, đứa con trai muốn bà về sống với nó, nhưng bà từ chối. Bà không muốn làm phiền con cháu.
Nhìn khói hương bay nhẹ, bà thanh thản trong lòng, bà thầm nghĩ : “Cả cuộc đời mình, mình không làm điều gì xấu. Ước gì mình cứ khỏe để nhìn con, nhìn cháu nên danh, nên phận là mình mãn nguyện”.
Đèn điện khắp xóm bật sáng trưng chào xuân mới. Mọi người đều thức đón xuân. Chiếc cát-xét từ nhà ai vẳng lên khúc nhạc Hái lộc đầu năm. Bài hát làm bà nhớ lại thời con gái. Hồi đó bà thường đi lễ chùa hái lộc đầu xuân. Chỉ còn lại những kỷ niệm trong ký ức.
Bà dậy thật sớm, sớm hơn ngày thường, gánh trầu rời khỏi nhà…
Bà xếp những ngọn trầu, toàn là trầu tươi xanh trên mủng, rồi ngồi chờ đợi trước cổng chùa.
Nhiều người đi lễ đầu năm. Áo quần mới, lời nói tốt đẹp rộn lên. Ngày mới của năm mới bắt đầu.
Sương sớm thầm nhẹ trên những ngọn trầu. Sương tươi xanh trên mủng trầu của bà.
Một người đến chọn lộc đầu năm.
Hai người, rồi ba người đến mua lộc…
Ai cũng mua lộc đầu năm.
Sương xuân vẫn còn rơi. Chỉ còn lại đôi mủng trống.
Bà lặng lẽ đếm những tờ giấy bạc mới tinh. Một ngàn, hai ngàn, ba ngàn…Bà mở chiếc túi vải giắt trong lưng quần ra, rồi bỏ tiền vào.
Trên đường về nhà, bà nhai tiếp miếng trầu. Nụ cười già của bà đỏ thắm. Tiếng nhạc xuân vẳng đưa : Mùa xuân ! Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời…
Những đứa cháu của bà sà vào lòng bà. Bà rút những tờ giấy bạc mới tinh, những đồng tiền bà bán lộc đầu năm lì xì cho bọn trẻ…
HOMECHAT
1 | 1 | 119
© Copyright WAPVN.US
Powered by XtGem.Com