Thời ấy...ở một Vương quốc nọ. Người ta thường đánh giá nền văn hóa,cơ chế chính trị của mỗi vùng,mỗi cát cứ bằng tư cách và đạo đức của những danh họa. Do vậy,những chức tước to nhỏ đều nằm trong tay các họa sĩ. Bộ máy hành luật hoạt động nhờ vào những nét vẽ tài hoa. ... Nghe tin vùng hạ lưu sông Hoành luật pháp bị coi thường, dân nhờn quan nhiễu. Nhà Vua lập tức sa giá đến nơi. Vua còn rất trẻ. Tuy mới lên ngôi được hai năm nhưng ngài đã nổi tiếng là anh minh,đức độ. Bởi vậy,dân của ngài trăm họ an vui. Không gian của ngài thanh bình. Vừa tới vùng đất dữ,ngài truyền cho quan đầu tỉnh triệu tất cả các danh họa đang làm việc cho triều đình đến. Có bảy vị họa sĩ nắm các chức tước đầu tỉnh đến trình diện. Vua bèn phán : - Bắt đầu từ ngày mai,các khanh phải trổ hết tài năng và đức độ để họa chân dung cho trẫm. Ai vẽ đạt trẫm thưởng. Bằng không...Trẫm chặt tay bãi chức. Bảy vị Họa quan nghe xong mặt xanh như tầu lá,run rẩy quì sụp, mồm tấu vang trời : - Hạ thần xin tuân mạng. Nhà Vua miễn lễ và truyền cho cận thần dẫn bảy vị vào phòng để khám "đầu gối"...Đây là một thủ tục mới lạ của nhà Vua trẻ trước khi ngài hạ bút thăng quan tiến chức hay xử tội quan chức trong triều. ...Một lát sau,cận thần ra bẩm rằng : - Khải tấu Hoàng Thượng...cả bảy vị quan này đầu gối thiết bì,dầy như da lợn nái ạ... Vua nghe thấy cả kinh,lắc đầu quầy quậy. Ngài Truyền : - Truyền cho quan đại phu vào khám "mồm" cho họ... {Lại một kiểu hành xử lạ nữa của Vua} Một lát sau,quan đại phu chạy ra bẩm rằng : - Khải tấu Hoàng Thượng,cả bảy vị này đều...mồm hôi lưỡi mỏng... răng sún lợi sưng ạ... Vua nghe thấy vậy giật mình thầm nghĩ :"mười phần hỏng tám" Ngài truyền rằng : - Giờ Tị ngày mai,các ngươi bắt đầu họa chân dung cho trẫm. Bãi chầu. ... Sau bảy ngày vẽ xong chân dung cho Vua. Cả bảy vị Họa quan đều bị chặt một bàn tay và bãi chức. Sáng ngày thứ tám,Vua cho bầy bảy bức chân dung của người ra giữa chợ cho dân chúng xem. Bảy bức họa đều là bảy kiệt tác của một vì Vua cái thế. Vẻ mặt thanh tao,mày ngài mắt phượng, vầng trán như có nhật nguyệt qui tụ. Bảy bức họa như tỏa hào quang. Dân chúng ngắm tranh vẻ hoang mang...Như hiểu được lòng dân,Vua xuất hiện và nói : - Các ngươi xem kỹ những bức họa rồi ngắm lại trẫm thử xem ?...Nào hãy mạnh dạn lên những thần dân của trẫm...không ai dám nhận xét hả ?...Ta hiểu,các ngươi sợ không dám nói ra sự thật. Các ngươi quen như vậy. Các ngươi bị o bế bởi bảy tên quan hèn hạ kia mất rồi...Nào, thần dân,hãy ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào trẫm...ngẩng lên... đã thấy chưa ?...Ta mắt lác,vậy mà bảy tên họa quan vùng này không vẽ nổi...Chẳng lẽ ta,Vua không được quyền lác mắt hay sao ? Vua vừa dứt lời,dân chúng bỗng reo hò vang dội : - Hoàng Thượng mắt lác anh minh vạn tuế... vạn...vạn tuế... ... Vua thích thú mỉm cười,trong lòng tràn đầy cảm động.Ông nhủ thầm: "Vậy là lương dân đã trao cho ta thêm một quyền nữa rồi".
Diêm Vương luận án
{Đây là một vụ luận án dưới ÂM PHỦ để cho một âm hồn đầu thai kiếp khác} ... Diêm Vương : - Tội của Hồn này là không thể dung tha. Tuy đến hạn được đầu thai kiếp khác nhưng cũng vẫn phải "Hành hạ cho thật khổ" để rèn luyện thành một dộng vật tử tế... Vậy các Phán Quan thử nghĩ xem cho hắn đầu thai thành kiếp gỉ ? Một phán quan nói : - Thưa Diêm vương,theo thiển nghĩ của thần...cho hắn đầu thai thành kiếp trâu...suốt đời chỉ biết "Kéo cày trả nợ" thôi ạ. Diêm Vương nghĩ một lát rồi nói : - Chưa khổ... Một phán quan khác nói : - Thưa Diêm Vương,cho hắn đầu thai thành người IRắc ạ... Rồi hắn sẽ có ngày "tan xác pháo" vì những vụ đánh bom liều mạng cho mà xem...khổ hết chỗ nói rồi đấy ạ... Diêm vương lại nghĩ một lát rồi lắc đầu nói : - Tan xác thì biết gì là khổ chứ ? chưa khổ...Nào,còn ý kiến gì nữa không ? Một phán quan người ốm o,ngáp dài...ngập ngừng nói : - Thưa,theo thần thì...cho hắn đầu thai thành người Việt Nam ạ. Đất nước này chiến tranh liên miên,hiện tại tuy đã hoà bình nhưng nạn tham nhũng.hối lộ,bao che đang trong hồi đỉnh điểm...Thần trộm nghĩ,làm người dân lương thiện ở đất nước này chắc là khổ hết chỗ nói rồi đấy ạ... Diêm Vương nghe xong bỗng vỗ đùi cười ha hả rồi nói : - Hay...khá khen cho khanh có con mắt tinh đời...Vậy cứ thế mà làm...bãi triều...
Thành thật xin lỗi
Tôi có thói quen đọc báo mà ông bố vợ tôi thường bảo là kì quặc. Với bất kì loại báo chí nào,tôi cũng bắt đầu đọc từ trang cuối. Bố vợ tôi thường than thở với hàng xóm rằng...tôi là "kẻ sống ngược" hậu vận không thể khá được. Phiền một nỗi mắt ông kém quá,cho nên ông vẵn phải nghe tôi đọc. Tôi lại có một thú vui là chỉ tìm đọc những mục "Đính chính" hoặc "Sửa lại". Có lẽ,tính tôi vốn cẩn thận. Tôi muốn kiểm tra lại độ chuẩn xác của lượng thông tin mà bộ não đã thu nhận. Thú thật,khi đọc một tờ báo mà không có cái khoản "Đính chính" là tôi thấy mất hứng. Một hôm,vừa lật ngược một tờ báo. Tôi đã thấy mừng rơn bởi cái mục ưa thích đã nằm lù lù trước mắt. Tôi đọc ngấu nghiến : " Đính chính...do có sự nhầm lẫn...trong bài VỤ ÁN CON LỢN,trang 3 số ra ngày...tháng...năm...dòng thứ 24 từ trên xuống..." Để kéo dài giây phút hứng thú,tôi mồi một điếu thuốc lá. Vừa lúc ấy,bố vợ tôi nói : - Có tin gì mới anh đọc to lên tôi nghe với Tôi rít một hơi thuốc rồi đọc tiếp luôn : " Anh Đỗ văn M. Trưởng ban vệ sinh phường X. Nuôi lợn gần cửa sổ nhà anh Trần PH. Mùa hè,mùi xú uế xông lên làm anh PH không chịu nổi. Nửa đêm,anh PH vác dao sang đâm chết anh M. Sau đó còn chặt một đùi mang về nhà nấu giả cầy ngồi uống rượu cho bõ tức..." Bố vợ tôi bỗng căm phẫn thét lên : - Thằng chó đẻ,man rợ đến thế là cùng. Thật không thể tưởng tượng nổi...Anh đọc tiếp đi xem pháp luật xử lý ra sao. Tôi lại rít một hơi thuốc rồi thản nhiên đọc tiếp : "...Nay xin đọc lại là...Anh Đỗ văn M.Trưởng ban dân phòng phường X. Nuôi lợn gần cửa sổ nhà anh Trần Ph. Mùa hè,mùi xú uế xông lên nồng nặc làm anh PH. không chịu nổi. Nửa đêm,anh PH vác dao sang đâm chết con lợn của anh M.sau đó còn chặt một đùi lợn mang về nhà ngồi uống rượu cho bõ tức...Thành thật xin lỗi bạn đọc"...Nghe đến đây,bố vợ tôi lẩm bẩm : - Hóa ra họ đưa tin sai à ? Chết thật,ẩu quá chừng. Tôi nói : - Thì họ đã phải "Thành thật xin lỗi" rồi bố ơi. Tuy tôi không phải người làm báo,nhưng tôi kiên quyết bênh vực họ. Ý chừng,bố vợ tôi có vẻ chịu sự "Thành thật xin lỗi"...ông ngồi im lặng. Tôi lại lật sấp một tờ báo khác. Lần này,không phải đợi bố vợ giục,tôi đọc quang quác : "...Hướng đi lên của một xí nghiệp...gần đây...ÁO QUAN xuất khẩu của xí nghiệp đẫ được nhiều bạn hàng gần xa mến mộ..." Bố vợ tôi lại nói chen vào : - Xuất khẩu cả ÁO QUAN à ?...Lạ quá nhỉ ? Bố cứ tưởng ở nước ngoài người ta hỏa táng ?... Mặc cho ông ngắt lời,tôi thản nhiên đọc tiếp : "...Nay xin đọc lại là...Gần đây...ÁO QUẦN xuất khẩu của xí nghiệp đã được nhiều bạn hàng gần xa mến mộ...Thành thật xin lỗi bạn đọc" Tôi vừa đọc dứt lời,bố vợ tôi bỗng gầm lên : - Lại "Thành thật xin lỗi"...cứ cái kiểu "Thành thật" này mãi thì có ngày bạn đọc cũng phải "Thành thật" giơ hai tay lên hàng các bố... Nói xong,ông đội xụp chiếc mũ rách lên đầu. Tôi biết đấy là dấu hiệu ông nổi cáu. Còn tôi vẫn say mê lật sấp tất cả các loại báo để xác định lại sự trung thực của tin tức. Đến nỗi bố vợ tôi đã đứng trước mặt tôi với bộ mặt nửa dao găm nửa súng lục lúc nào mà tôi không hề hay biết. Tôi linh cảm thấy điềm chẳng lành. Tôi bối rối định nói với ông một lời êm dịu...Nhưng không kịp rồi...Vung tay lên như một tia chớp,ông vẩy vào mặt tôi một cái tát {xin nói thêm: Bố vợ tôi nguyên trước đây là một võ sư} Tôi ngạc nhiên đến kinh hoàng,tay ôm má,mồm ấp úng : - Tại sao ông lại hành hung thô bạo một công dân ? - Tôi "Thành thật xin lỗi"... Vừa dứt lời,ông lại vung tay vẩy một cái tát nữa vào mặt tôi. Và trong lúc tôi còn đang hoa mày chóng mặt thì ông lại nhẹ nhàng nói : - Một lần nữa,tôi "thành thật xin lỗi"... Không để tôi kịp phản ứng. Ông lại đội sụp chiếc mũ rách lên đầu rồi bỏ đi. ...Tôi đau đớn ôm mặt,rơm rớm nước mắt. Trời ơi,tôi đã bị bố vợ đánh...ôi...thật xấu hổ...Tôi cố nhớ lại những điều vừa xảy ra...Và,đột nhiên...tôi phá ra cười...cười như một kẻ chiến thắng.Phải rồi,có gì mà phải xấu hổ chứ ?...Khi mà bố vợ đã phải hơn một lần "thành thật xin lỗi"...Phải công nhận rằng cái câu "Thành thật xin lỗi" quả là nhiệm mầu. Nó như một câu thần chú. Nó làm cho tâm hồn tôi trở lại thanh thản. Tôi cảm thấy như chưa có chuyện gì xảy ra. Và tôi lại tiếp tục ngồi ung dung lật sấp các tờ báo...
Cái chết của một sinh vật
Cứ nửa đêm,chuột cống mới lọ mọ đi ăn. Nó chui vào nhà qua một miếng vách thủng. Nó ăn phần cơm của mèo. Trong lúc con mèo nhà phải nhẫn nhục ngồi nhìn và nghe tiếng tiếng nhai nhau nháu của chuột cống mà trong bụng rỗng tuếch. Giữa chúng đã có sự thỏa thuận. Một thỏa thuận trái ngược với thiên định nhưng lại đúng với qui luật hiện hữu. qui luật của Mạnh và yếu của lòng dũng cảm và nhu nhược. Con chuột cống này khá độc đáo…Nó không sợ bất cứ con mèo nào. Mình nó bằng một chiếc giầy cỡ 42. Đuôi ngắn cũn,lông trụi gần hết ,lưng và bẹn đầy vết ghẻ lở. Một chân sau bị thọt. Kiểu bò khập khễnh của nó trông rất kênh kiệu. Có lẽ,do sống ở thế giới ngầm nên cách đi đứng, ăn nói của nó tỏ ra rất sành điệu và từng trải. Ở tuổi nó,nếu là người có công ăn việc làm thì đã có sổ hưu. Có vẻ như nó ở đẳng cấp cao nên được dân cư chuột trong vùng gọi thân mật là : “Chuột cống - chống ba toong !”. Do vậy, đi đến đâu,nó cũng vỗ ngực nói rằng nó là kẻ phá vỡ được tính cách của qui luật ! …Đợi cho Chuột cống ăn hết hạt cơm cuối cùng. Mèo nói : - Tôi có thêm một điều khoản muốn bổ sung vào giao kèo !? Chuột rung rung bộ ria,rồi chẩu cái mõm mốc lên hỏi lại : - Điều khoản gì vậy ? - Gần đây tôi bị gia chủ mắng nhiếc nhiều quá ! - Đó là việc của mày ! Mày phải hiểu rằng…Dù bụng tao đói,tao cũng phải đợi đến nửa đêm mới mò ra ăn,là tao đã giữ đúng giao kèo với mày lắm rồi,nể mày lắm rồi ! Mày đừng có thấy “Được đằng chân-Lân đằng đầu” ! - Nhưng bọn đàn em của ông hồi này quá lắm ! - Thì chúng nó cũng phải sống chứ ! Đâu có được an nhàn như lũ mèo chúng Mày . - Chúng trêu ghẹo cả tôi !? - Thì bọn chúng cũng phải giải trí chút đỉnh chứ ! Mèo vẫn kiên trì thương thuyết : - Kinh khủng và lỗ mãng hơn,chúng còn quậy phá đến tín ngưỡng của gia chủ! - Mô Phật !...Chúng quậy phá gì vậy ? - Chúng tha cả bộ Tổ tôm,tứ sắc lên bàn thờ tổ của gia chủ tôi để sát phạt rồi… “bậy” luôn ra đấy…Khi tôi nhắc nhở, chúng còn ném cây “Bát Vạn” vào mặt Tôi,giữa lúc tôi đang đói. Chuột nghe xong cả cười mà rằng : - Thôi ! Đã giao kèo với nhau rồi,gắng mà chịu đi ! Đừng có khiếu nại thêm bớt Gì nữa !...Này,mày có biết loài người nói về tầng lớp phong lưu thế nào không ? - Họ hàng nhà Mèo chúng tôi văn hóa thấp,trí tuệ chỉ dựa vào di truyền. Không ngờ ông hiểu biết rộng đến vậy. ông nói đi !? Chuột bèn ghếch một chân lên rồi đái tồ tồ vào cái bát mà nó vừa ăn không sót một hạt cơm nào. Nó chí chóe nói : - Tuy tao ở dưới cống nhưng cũng biết đôi điều ! Đừng coi thường tao,tao không phải loại chuột vớ chuột vẩn đâu nhá !...Dỏng tai lên mà nghe,các ông bà người nói rằng : “ Cơm no ấm cật - giậm giật tứ chi !”…Bọn đàn em tao hồi này nó phởn cũng phải nhẽ thôi. Phải thông cảm chứ ! Họ hàng nhà mày thì cũng thế cả thôi…ăn vụng như chớp, ỉa bậy đái khai ! cả mày nữa,thằng thoái hóa bẩn thỉu…mày cũng rứa cả thôi ! Nói xong,chuột nhìn mèo với ánh mắt khinh bỉ rồi lừ lừ bỏ đi. Mèo ngồi lại một mình, nó run rẩy vì đói và rét,mùi nước đái chuột làm mũi nó Chun lại. Nó rầu rĩ nhớ lại quá khứ của mình. …Trước đây,nó là một con mèo hay chuột. Đôi mắt trong xanh màu ngọc bích.Mặt nhỏ chân dài. Ngực nở bụng thon. Bộ lông vàng mượt như nhung. Nó được chủ chăm bẵm như một đứa trẻ. Nó nghiện ăn cá,không có cá,nó bỏ cơm. Vì được nuông chiều, dần dà,nó trở nên khó tính và lười biếng. Đến khi chủ của nó làm ăn suy sụp,nó rơi vào trạng bị lãng quên. Và lúc đó lũ chuột quỉ quái thừa cơ xông đến đe dọa,mua chuộc.. Nó bị lũ chuột thu phục nhanh đến nỗi nó tưởng rằng trước đây vẫn thế. Chủ của nó chỉ còn dành cho nó lưng bát cơm mỗi ngày. Lưng cơm ấy giờ đây cũng bị ông “”chuột cống,chống ba to ong cướp mất. Nó cảm thấy đói và nhục nhã…Bỗng,từ trong vùng hoang dã của trí tuệ đã bị tăm tối lâu nay chợt nhấp nháy và lóe sáng !...Tạo hóa sinh ra nó để bắt chuột. Đã là mèo thì phải như vậy ! Bố nó ở quê cho dù có thói quen ăn vụng cám lợn cũng vẫn bắt chuột !...Mẹ nó ốm yếu tong teo cũng vẫn bắt chuột !...Anh nó bị thiến hồi trai trẻ cũng vẫn bắt chuột ! Vậy mà nó !?...Nó nhận thấy nó là kẻ hèn nhát và đốn mạt…nghĩ đến đây,cổ họng nó bỗng dâng trào niềm uất hận…dòng máu chạy trong cơ thể nó rạo rực và nóng dần lên làm bốn chân nó co giật. Móng vuốt chợt xòe ra như những lưỡi câu bạch kim, đuôi nó xù ra dữ tợn, đôi mắt long lanh hiểm ác. Như có một nguồn sức mạnh kì lạ vừa nhập vào cơ thể,nó đã hiện nguyên hình một dã thú như tổ tiên nó đã từng có. Cái sót lại rất nhỏ của di sản hoang dã khổng lồ. Nó chợt biến thành một con báo khát máu bẩm sinh. Không chần chừ,nó chụm chân rồi nhảy vụt qua cửa sổ nhanh và êm như một làn gió. Nó tìm đến nơi trú ngụ của chuột cống…
…Sáng hôm sau,vợ chồng người chủ bị bất ngờ trước một cảnh tượng bi thảm : Xác của hai sinh vật già nua. Chúng nằm sát nhau ngay cửa cống. Trên cổ con chuột cống chi chít những vết cắn,vết nanh mèo. Mèo chết mặc dù không bị một vết cắn. Nhưng bụng mèo lép kẹp. Người chồng thốt lên : - Con mèo này khá thật ! Người vợ nhíu mày,một tay che mũi,một tay cầm xẻng hất xác chúng ra bãi rác. Một người qua đường nhặt xác con mèo rồi gói lại. Người qua đường thứ hai lấy làm lạ,hỏi : - Bác nhặt xác mèo làm gì ? - Tôi đem về chôn dưới gốc cây Khế ! - À, chắc bác thay cho phân bón ? - Không ! Cây khế nhà tôi chua,nghe nói chôn xác một con mèo dũng cảm dưới gốc,quả khế sẽ ngọt dần lên ! - Thật không ? Người có cây khế chua nhún vai thay cho câu trả lời rồi ôm xác mèo bỏ đi, để lại phía sau một vệt nắng vàng non nớt của bình minh.
Sự tích ông Ngoáo... ộp
Đã lâu lắm rồi ...Không còn nhớ là năm bao nhiêu. Tại một làng quê hẻo lánh. Trong một túp lều lá xiêu vẹo trống trải nằm lọt thỏm giữa những bụi cây Cúc Tần và cỏ nác. Có một thiếu phụ đang ru con ngủ. Chị có con mà không có chồng. Đứa trẻ là tác phẩm ngẫu hứng hoàn hảo của tình dục. Cách đây một năm,chị đã có thai với một gã hành khất. Hạnh phúc ngắn ngủi của họ chỉ có màn đêm nhiệm màu chứng giám. Sáng hôm sau,nhìn thấy nhau…một thôn nữ xấu xí khốn khổ và một gã ăn mày đen đúa,hôi hám. Cả hai cùng ngỡ ngàng. Họ bình thản rời bỏ nhau, họ vĩnh biệt nhau không một chút nuối tiếc. Đứa trẻ không chịu ngủ, khóc ra rả. Không gian buồn thảm như cái buổi trái đất chưa từng có một trái tim. Bỗng có tiếng rú của một con mèo động đực nghe thảm khốc và ghê rợn : “Ngoao…oao !” Tiếng gào đòi tình tha thiết của nó xoáy vào không gian tĩnh mịch đầy ngoan cố. Thiếu phụ cảm thấy rợn người như nghe thấy tiếng khóc của ma quỉ. Từ đầm lầy,một con ếch đực cũng rạo rực nhả vào màn đêm tiếng cầu hôn nhát gừng : “ộp…ộp…ộp !”. Những tiếng kêu cháy bỏng khát vọng ấy,thoạt nghe có vẻ đê tiện. Nhưng nó thành thực, kiêu hãnh và dũng cảm hơn loài người. Lạ thay,cứ mỗi lần,những thanh âm đòi tình man dại của lũ động vật ấy cất lên là mỗi lần đứa trẻ ngớt khóc. Hình như nó sợ !?...Cũng như chị sợ hình dạng của bạn tình. Nỗi sợ ấy đã nằm trong tâm khảm của chị như một dị tật. Đứa trẻ lại ra rả khóc bởi ngoài kia lũ sinh vật đã thôi gào thét. Chắc chúng đã được thỏa mãn. Tạo hóa quả là đấng anh minh. Từ trong sự tiềm ẩn vô thức của một thiếu phụ quê kệch bỗng thốt ra một lời đe dọa đứa trẻ : - Nín đi ! Ông “Ngáo…ông ộp…” vào đấy ! ( ngáo ộp ) Như bị một áp lực ma quỉ tác động, đứa trẻ bỗng im bặt. Nó sợ đến nỗi quên cả cái điệp khúc muôn thủa của khóc, đó là nấc. … Từ đấy,người lớn thường đem ông “ngáo ộp” ra dọa trẻ con mà không hề biết rằng. Lời hăm dọa ấy lại được bắt nguồn từ những khát vọng của tình yêu !?
Thói quen uống rượu
Cả cái làng Bồng Lai từ già tới trẻ không ai còn lạ gì lão Thành “Vịt”. Tiếng tăm của lão còn lan ra tới chợ huyện. Lão không thành danh bởi những kỳ tích như những người khác. Lão thành danh là nhờ vào thói quen uống rượu. Ông cụ thân sinh ra lão ngày xưa chăn nuôi vịt nổi tiếng cả xã. Do vậy,cả nhà lão được dân làng đặt thêm chữ “vịt” đằng sau mỗi cái tên cúng cơm. Nào là…Cả vịt,Mùi vịt,Thành vịt… Nhìn lão ngồi uống rượu,bọn đàn ông thèm nhỏ rãi. Còn bọn đàn bà con gái thì ngạc nhiên đến há mồm. Chỉ có vợ con lão là đã quen với cung cách ấy. Vợ lão than thở với hàng xóm rằng : “Số lão phải thế,Giời bắt tội !” . Bởi vì lão uống rượu với đinh ! Một cái đinh bảy phân. Lão thường giữ rịt cái đinh bên mình như một vật gia bảo. Chiếc áo nào,lão cũng khâu thêm một chiếc túi nho nhỏ để đựng cái đinh đó. Cứ như một trí thức đeo bút. Lão thường uống rượu vào bữa chiều. Thằng con út đặt cái mâm gỗ đã tróc gần hết sơn lên chiếc chõng tre đã có từ đời ông nội của nó. Vợ lão,một bà già thực sự. Tính nhu mì,nhẫn nhục,một mẫu đàn bà chân quê hiếm hoi còn ý thức được bốn chữ “xuất giá tòng phu”. Bà rót từ chai nước mắm đặc biệt chỉ dành riêng cho lão một lượng nước chỉ bằng chén hạt mít vào chiếc bát chiết yêu nhỏ mà vành của nó được trang trí những nét văn hoa màu lục. Một cút rượu “quốc lủi” loại mà chỉ đặt nhẹ xuống mâm cũng sủi tăm ngạt ngào mùi nếp mới. Lão ngồi khoanh chân trên chõng vững chãi và cố định như một pho tượng. Bao giờ cũng vậy,trước khi rót rượu,lão xúc động ngâm phần nhọn cái đinh vào bát nước mắm. Sau chừng một phút,lão nâng chén rượu lên tợp một ngụm. Đợi cho hơi men đã len vào cảm giác,lão nhẹ nhàng và khéo léo đặt cái đinh vào mồm…lão mút từ từ…rồi xoay cái đinh một vòng theo chiều kim đồng hồ. Lão ngậm cái đinh trên môi như người ta ngậm tẩu. Ánh mắt lão trở nên đăm chiêu,lão mơ màng nhìn về phía mặt trời lặn. Có lẽ,mùi vị của đinh và nước mắm gợi cho lão nhớ tới biển cả. Giữa hoàng hôn,cái đinh vẫn lấp lánh và ngời lên ánh thép. Phải chăng,đã lâu nay nó được tôi luyện bằng nhiệt của trái tim lão,mặn mòi của nước biển…nên nó cứ sáng lấp lánh và lạnh như bảo kiếm. Một lằn,khi hơi men đã ngấm. Trong cơn say đê mê…lão cảm thấy như được thoát xác. Lão đang chiến thắng cô đơn và dục vọng !? Cái chiến thắng ngắn ngủi nhờ vào hơi men thật kỳ ảo ! Lão cảm thấy đời lão mà thiếu những giây phút như thế thì chẳng đáng sống. Rồi lão tự hỏi : “ Trên đời có mấy kẻ được như ta ?” Chợt lão lại thấy mình bỗng trơ trọi giữa mênh mông đời ! Cảm giác giữa màu xanh và màu đen cứ xao động,nhịp nhàng như tất cả không gian đang ùa vào từng nhịp đập trái tim lão. Lão nghe thấy tiếng của thời gian…không chỉ là tích tắc của đồng hồ. Mà là…Tiếng ru của lòng đất. Lão đê mê…êm dịu…lịm hồn trong cõi luân hồi…một kiệt tác hoàn mỹ của hạt cát thiên đường. …Lão chợt bừng lên một khát vọng khi có cảm giác vừa rơi từ thiên đường xuống : “ Ta muốn có một đệ tử !” Phải có một ai đó cũng ăn được đinh như lão ! Lão điểm trong đầu những gương mặt quen thuộc…lão thấy thất vọng vì cách sống thô thiển củâ họ. Lão tự than thở : “Lũ đầu rỗng ! Thật đáng tiếc quá !”. Bỗng dưng,lão thấy phấn chấn khi chợt nhứ ra anh cu Tèo con ông cả Tũm ở làng Hạ. Chàng trai này đã tốt nghiệp trung cấp Nông nghiệp tận Hà Nội. Hiện trong ban văn hóa xã. Nghe nói,anh cu Tèo là thi sĩ của xã nhà và đã từng được đăng thơ trên báo Văn nghệ tỉnh. Lão lẩm bẩm : “ Thằng này được,có tâm hồn !” … Đã lâu lắm rồi trên chõng tre nhà lão Thành vịt mới thấy có hai người ngồi uống rượu. Một ngoại lệ hiếm hoi. Lão kính cẩn thắp ba nén nhang lên bàn thờ tổ. Không gian thoắt trở nên trang trọng. Thi sĩ Tèo ngồi khoanh chân rất gọn trên chõng như một chú mèo con. Lão Thành vịt thầm khen : “ Dáng dấp được !”. Thi sĩ Tèo khoan thai rót rượu ra hai chén với những động tác thuần thục,uyển chuyển ,nhịp nhàng như Phượng múa. Lão Thành vịt lại tấm tắc khen thầm : “Bộ pháp được !”. Lão thả cái đinh vào bát nước mắm với vẻ mặt thâm trầm. Lão bắt đầu sắp xếp trong óc những lời nói trang trọng để truyền đạt tới đệ tử đầu tiên của mình. Cùng lúc ấy,thi sĩ Tèo rút từ trong túi áo ra một quyển sổ nhàu nát có bìa màu xanh. Đoạn, anh xé ra một tờ từ trong cái mớ nhầu nát ấy,anh gập cho nhỏ lại và…bỏ vào mồm nhai ngon lành hệt như mấy ông Tây nhá kẹo cao su. Cứ nhai khoảng nửa phút,thi sĩ lại thản nhiên tợp một ngụm rượu không kém gì lão Thành vịt mút đinh. Thấy lạ,lão Thành vịt ngạc nhiên hỏi : - Anh nhắm rượu với giấy à ? - Dạ thưa bác,Vâng ạ ! - Anh có tẩm gì vào giấy không ? - Thưa bác không ạ ! - Sao có vẻ ngon lành thế ? - Vâng,đó là những bài thơ tâm đắc của cháu sáng tác ạ ! Lão Thành vịt trợn tròn mắt lặng người đi giây lát. Lão bần thần thả cái đinh vào bát nước mắm vụng về như mọt đứa trẻ lần đầu tiên cầm đũa, làm bắn cả mấy giọt nước mắm lên đùi thi sĩ Tèo. Hai mươi ba năm nay mới xảy ra cơ sự này. Cái ý định muốn biến thi sĩ Tèo thành đệ tử ăn đinh vụt tan biến trong lão. Thay vào đấy là niềm cảm súc dào dạt vô bờ. Lão cảm thấy mình như trẻ lại. Như lão đã từng sống cách đây vài chục năm,cái thời còn được xao xuyến mỗi lần thấy hoa phượng đỏ. Lão cố cắt dòng hoài niệm và hỏi thi sĩ Tèo : - Như vậy là anh ăn thơ của chính mình ư ?... - Vâng,thưa bác ! Lão chợt thấy thương hại chàng trai vô cùng. Bởi cứ cái đà này,thi sĩ tội nghiệp kia sẽ nuốt bao nhiêu cân giấy đến cuối đời ? Thi sĩ Tèo đột nhiên hỏi lão : - Thưa bác,cháu hỏi khí không phải…chứ cái đinh bác vẫn “ăn” hàng ngày…bác coi như cây bút ? Lão Thành vịt chợt nổi gai khắp người,run rẩy trả lời : - Phải rồi ! - Còn bát nước mắm,bác coi như mực ? - Phải rồi ! Chuyện này,lão không ngờ phải nói ra quá sớm trước một chàng trai nên nghe thảm hại như một lời thú tội.
Từ khi bức màn bí ẩn về thói quen uống rượu của lão Thành vịt được thi sĩ Tèo vén lên. Tâm hồn lão bỗng trở nên xao động. Chả lẽ,cái vườn hoang khô cằn trong lão đang cựa quậy ? Chả lẽ,hứng thú đã ùa về với lão như một làn gió mát !? Hai người ngồi uống rượu với những thói quen của mình. Lão Thành vịt im lặng không phải vì hối tiếc chưa tìm được đệ tử. Lão im lặng để hưởng cái hạnh phúc vì đã tìm được một người bạn.